Tôi nhớ năm 1982, trong buổi lễ Hiệp Kỵ của Gia Đình Phật Tử vào ngày 17 tháng 11 âm lịch, tại chánh điện Tu Viện Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn, anh Nguyễn Khắc Từ đã quỳ trước Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ chứng minh và Chư Tăng hộ niệm cho lễ húy kỵ này dâng lời tác bạch rằng:
“Bạch Hòa Thượng, xin Ngài thương xót và hỗ trợ cho Gia Đình Phật Tử chúng con sinh hoạt để vượt qua những giai đoạn khó khăn này”.
Qua lời tác bạch của anh Nguyễn Khắc Từ, tôi thấy các anh chị em trong Ban Hướng Dẫn bấy giờ đều khóc. Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ không khóc, nhưng nước mắt của Ngài tự chảy và nói trong sự nghẹn ngào: “Tôi sẽ cố gắng”.
Trong không khí ấy, tôi thấy Chư Tăng hiện diện trong buổi lễ cầu nguyện Hiệp Kỵ này mọi người đều ngồi thinh lặng với nét mặt trầm ngâm.
Tại sao anh Nguyễn Khắc Từ tác bạch như vậy mà khóc? Và tại sao Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ trả lời “tôi sẽ cố gắng” trong nghẹn ngào với dòng nước mắt tự chảy?
Anh Nguyễn Khắc Từ tác bạch như vậy mà khóc, bởi vì anh thấy sinh mệnh của Gia Đình Phật Tử bấy giờ chỉ là “ngàn cân treo sợi tóc”. Và Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ trả lời “tôi sẽ cố gắng” trong nghẹn ngào với dòng nước mắt tự chảy, bởi vì Ngài biết vận mệnh của đạo pháp không hề tồn tại bởi bất cứ Giáo Hội nào, mà vận mệnh đạo pháp chỉ tồn tại trong bản thể thanh tịnh và hòa hợp của Tăng-già, nhưng sự thanh tịnh của Tăng-già đã bị xen tạp, và sự hòa hợp đã bị phân ly thì mọi tổ chức mang danh xưng Phật Giáo có chăng, chỉ là một sự ô hợp, làm thương tổn đạo pháp hơn là tuyên dương đạo pháp. Đạo pháp đã bị thương tổn thì lấy gì cho Chư Thiên và loài người nương tựa để nuôi lớn căn lành?
Chúng ta sống trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, hay “sự thanh tịnh bị xen tạp, hòa hợp bị phân ly”, thì không có phép lạ nào khác hơn để tồn tại ngoài việc tự thân mỗi vị Tăng Ni, Phật Tử tự mình cố gắng rèn luyện tự thân ở trong Giới-Định-Tuệ để giữ gìn đạo nghiệp và mỗi thành viên phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi và tự thân nỗ lực vận dụng để tồn tại trong ý nghĩa kính đạo, yêu đời”.
“Tôi sẽ cố gắng”, lời dạy ấy của Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ bấy giờ đã gắn liền đối với tôi, vừa là một chất xúc tác và vừa là một công án để cho tôi thiền tập, nuôi lớn hạnh nguyện đời sống xuất gia của chính mình mỗi ngày ở trong Phật đạo.
“Tôi sẽ cố gắng”, lời dạy ấy của Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ trong nghẹn ngào, đã báo động cho anh Nguyễn Khắc Từ và Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam biết rằng: Nếu chúng ta không cùng nhau cố gắng tu tập, không cùng nhau cố gắng “sửa mình ngày thêm tinh khiết”, thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại ở trong lý tưởng tinh khiết của chúng ta.
Cố gắng buông bỏ sự ỷ lại một cách thụ động và hèn nhát; và cố gắng buông bỏ tâm ý cao ngạo và tự đắc một cách thái quá, thì chúng ta mới có cơ hội tạo ra được những thuận lợi ngay trong những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt để vượt qua.
Nhân kỷ niệm lần thứ 29, ngày Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ viên tịch, để tưởng niệm công ơn giáo dưỡng của Người đối với đàn hậu học chúng tôi, và cũng để tưởng nhớ anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ, một người anh lớn của tổ chức Gia Đình Phật Tử đã có nhiều sự cống hiến cho Đạo Pháp – Dân Tộc và nhất là đại gia đình áo lam, nên tôi viết những dòng này để tưởng nhớ những giọt nước mắt vô cùng cao quý của ngày ấy; những giọt nước mắt đã nuôi dưỡng lý tưởng giải thoát của chúng tôi và lý tưởng của người Cư Sĩ Áo Lam “sửa mình ngày thêm tinh khiết”!
THÍCH THÁI HÒA
(Những Giọt Nước Mắt).