Ở đời, ai cũng chọn cho mình một nghề, vừa để nuôi sống bản thân và gia đình, vừa để gọi là đóng góp cho xã hội. Thật ra, cũng có nhiều trường hợp người không chọn nghề, mà là nghề chọn người, vì vậy mới có thêm “nghề tay phải” và “nghề tay trái”. Đôi khi nghề tay trái lại kiếm ra tiền nhiều hơn nghề tay phải. Thí dụ như ở nước chúng ta trong những năm mà nghề giáo viên bị xã hội coi rẻ, thì thầy – cô giáo phải kiêm thêm một số nghề tay trái như: Nghề honda ôm, nghề sản xuất nước giải khát, rau má, đậu nành… Thậm chí có thầy – cô còn làm thêm những nghề được xem là “thất đức” như nghề… nấu rượu hay buôn lậu thuốc lá!
Nhưng cuộc đời thật lắm trớ trêu! Chính những “nghề tay trái” không lấy gì làm thơm tho đẹp đẽ ấy lại nuôi sống bản thân và gia đình người giáo viên để họ còn có thể tồn tại trong xã hội dưới hình ảnh cao quý của nhà giáo và giúp họ còn đủ sức để đeo đuổi cái nghề cao quý ấy, chờ cho qua cơn bỉ cực để tới hồi thới lai…
Từ chuyện nghề trên đây, tôi chợt nghĩ đến chuyện đời, chuyện đạo. Nuôi lớn những đóa sen thơm tho rực rỡ làm đẹp cho đời là cái gì? Phải chăng đó chính là bùn nhơ? Từ chuyện hoa sen, tôi lan man nghĩ đến nhiều chuyện khác trong đạo Phật chúng ta để từ đó có một cái nhìn chân nguyên hơn đối với mọi sự, mọi vật trong cuộc đời học và tu của mình.
Nhưng có một nghề không giống ai, chẳng làm ra đồng xu cắc bạc nào, lại khó học, khó làm, thậm chí đôi khi còn bị người trong gia đình cằn nhằn, cản đảng… Đó chính là “Nghề Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử”.
Thật ra, khi mới bước chân vào “đoàn thể Áo Lam”, chẳng mấy ai nghĩ rằng mình sẽ chọn cái nghề kỳ cục này. Từ một em bé được mẹ dắt tay đến chùa vào một dịp lễ nào đó, rồi trở thành Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử, tôi thật không hề nghĩ rằng một ngày nào đó mình bị dính chặt với chiếc áo lam GĐPT và nhiều phen lao tâm khổ tứ với nghề Huynh Trưởng này.
Nói nghề Huynh Trưởng GĐPT là cái nghề kỳ cục cũng không ngoa. Cái nghề gì mà không làm ra cắc bạc nào, trái lại còn đem tiền nhà đổ vào công việc. Người ta nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; nhưng riêng nghề Huynh Trưởng càng tinh, thì chữ “vinh” chữ “nhục” dường như không còn quan trọng chi nữa.
Có một câu chuyện được anh em trong “nghề” truyền miệng nhau như thế này: “Một Huynh Trưởng tuổi đã bảy mươi, khi được anh Trưởng Ban Hướng Dẫn gọi điện thoại mời tham gia vào Ban Hướng Dẫn Trung Ương, đã rối rít cám ơn – vì cảm động trước tấm lòng của người anh cả đối với mình chớ không phải mừng vì được vô trung ương – liền bị anh cả dạy cho một câu: “Tôi mời anh vào trung ương là giao thêm cái cực cho anh chứ có gì sung sướng mà anh cám ơn tôi?”.
Trở lại với câu hỏi “Tại sao tôi chọn nghề Huynh Trưởng?”. Thực ra đó là nghề chọn tôi chớ tôi không chủ ý chọn nghề. Nhớ lại từ lúc còn là Đoàn Sinh, quả thật tôi có kính phục một vài anh, chị Huynh Trưởng nhưng tuyệt đối tôi không hề mơ ước được làm Huynh Trưởng. Vì sao? Vì tôi thấy các anh chị cực quá mà chẳng được ai khen. Lúc nào các anh chị cũng tươm tất từ hình thức bên ngoài cho đến cách đối xử với mọi người. Tôi biết đa số các anh chị đều nghèo, nhưng nghèo mà giữ được phong thái “tươm tất” như thế là không phải dễ. Có nhiều anh mang một đôi vớ đã thủng nhiều chỗ nhưng chưa có tiền mua đôi vớ mới. Vậy mà, nếu không vô tình nhìn thấy các lỗ thủng khi anh cỡi giày thì đố ai biết anh mang vớ rách!
Năm tháng dần trôi qua trong quảng đời sinh hoạt của tôi dưới màu áo lam. Năm đó tôi đã học tới bậc Chánh Thiện. Các anh chị hay bảo tôi làm việc này việc nọ đỡ tay đỡ chân cho các anh chị. Thế là tôi bắt đầu nếm trải sự khổ cực của nghề Huynh Trưởng từ lúc nào cũng không hay. Rồi, vì nhiều lý do khác nhau, một số anh chị Huynh Trưởng không còn sinh hoạt dưới mái Gia Đình nữa; thế là tôi được Bác Gia Trưởng khuyến khích đi thụ huấn trại Lộc Uyển. Không biết trong 5 ngày đêm ở trại, tôi đã nhiễm phải “bùa” gì mà sau khi trở về đơn vị, tôi “hăng” đến mức dám bỏ chuyến du lịch với gia đình để tham dự trại họp bạn GĐPT nhân kỳ nghỉ hè năm ấy. Ngày tôi từ đất trại trở về cũng là ngày ba mẹ và các anh chị em tôi hoàn tất chuyến du lịch của họ. Trong khi những người đi du lịch về ai cũng mạnh khỏe, hưng phấn thì tôi lại nằm bẹp trên giường vì thiếu ăn mất ngủ trong mấy ngày trại họp bạn. Thật là cơ hội tốt để mọi người trong gia đình cười cợt tôi!
Nhiều người, nhất là người thân trong nhà, hay chê cười cái “ngu” của những người chọn nghề Huynh Trưởng GĐPT bỡi các lý lẽ như:
– Ai đời lại bỏ công sức, tiền bạc, thời gian của mình ra để dành cho một hoạt động chẳng hề mang lại danh lợi gì cho mình, mà đôi khi còn ảnh hưởng tới công việc và hạnh phúc riêng tư của mình.
– Ai đời lại lao tâm khổ tứ cho một hoạt động mà mọi người đều cho rằng “Có cũng được, không có cũng chẳng sao” (tức là cái gì đó rất vớ vẩn trong cuộc đời này!).
– Ai đời đã bảy mươi tuổi mà còn chơi giỡn với con nít, làm mất cái vẻ đạo mạo khả kính của mình đi.
Vân vân và vân vân …
Tôi dám cả quyết rằng trong cuộc đời làm Huynh Trưởng, chẳng một ai chưa bị chê là “ngu” bởi các lý lẽ trên đây. Vậy thì, cái gì thôi thúc những con người “tươm tất” ấy chọn nghề này? Đâu là những niềm vui, sự an ủi, niềm khích lệ trong công việc của người Huynh Trưởng ?
Xin hẹn anh chị em và các bạn trong một bài viết sau…
ONG MẬT