I. VĂN :
Á Châu có một loại khỉ đặc biệt. Người ta cột một trái dừa đã được khoét lỗ vào một gốc cây hay nọc chặt xuống đất. Bên trong trái dừa được để một ít thức ăn cố mùi thơm. Chiếc lỗ trên trái dừa chỉ nhỏ vừa đủ cho khỉ dúm tay đun vào. Nếu khỉ nắm tay lại thì không thể rút tay ra được. Khi ngửi thấy mùi thơm của thức ăn, khỉ bèn đến gần rồi đút tay vào trái dừa nắm lấy thức ăn, nhưng không làm sao rút tay ra được. Thấy người thợ săn đến gần, khỉ sợ hãi cuống quýt nhưng đành chịu.
Ai đã giữ chú khỉ trong bẩy?
Không ai có thể bắt giữ chú khỉ ngoại trừ sức mạnh của lòng tham.
Muôn thoát khỏi bẩy, khỉ chỉ cần buông nắm thức ăn ra. Nhưng vì sức mạnh của lòng tham quá mãnh liệt nên hiếm có con khỉ nào có thể buông tay ra.
Cũng thế, muốn tự đo giải thoát, hãy buông tay ra để cho tự ngã và lòng thâm muốn ra đi.
Lòng tham không những chỉ có thể giết chết khỉ mà cũng có thể giết chết con người ( chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ dẫn chứng trong xã hội, trong lịch sử nhân loại, trong thương trường v.v…)
Tham, Sân, Sỉ là ba thứ độc.
Con người khi tham mà không được toại nguyện thì hay nổi sân và khi tham, sân đã chế ngự tâm ta thì trí óc u mê, lú lẩn, làm những điều xằng bậy, nói những lời không nên nói và những tư tưởng đen tối mặc sức khởi lên làm cho tâm náo động và hổn loạn. Con người sống trong sự bất an và phiền não khổ đau nhất định theo sau.
Thiền sư Sogyal Rinpoche nói : con người được huấn luyện một cách thuần thục bởi sinh tử và cho sinh tử, được luyện để nổi ghen ghét đố kỵ, giận dữ; được luyện để bám víu và chấp thủ, được luyện để phiền muộn, thất vọng và thèm khát; được luyện để phản ứng một cách tức giận bất cứ gì khiêu khích ta! Được luyện đến nỗi những cảm xúc ấy nổi lên một cách tự nhiên, không cần mời gọi, không cần một chút cố gắng nào cho chúng phát sinh. Như vậy mọi sự đều do huấn luyện và năng lực của thói quen. Nói cách khác, nếu ta chuyên chú thực tập Vô minh ( Tham, Sân, Si ), ta sẽ trở thành chuyên viên của Vô minh, nếu ta tĩnh thức nhờ tu tập thiền định ta sẽ mở được những gì gút buộc chặt ta với phiền não khổ đau, đưa ta đến giác ngộ giải thoát.
II. TƯ :
Ba độc Tham, Sân, Si được đức Phật thuyết giảng trong Kinh Tham Sân Si trích từ kinh Trung A Hàm.
Tam độc Tham Sân Si được cấu kết từ nhiều đời kiếp. Khi con người sinh ra là đã có những chủng tử câu sanh thiện ác, tham sân si rồi.
Trong 10 kiết sử quyện chặt con người vào trong vòng luân hồi sanh tử thì Tham Sân Si thuộc về phần Độn sử, phải có công năng tu tập thì mới diệt trừ được.
– Tham là gì ? Là lòng ham muốn thu góp, dành hết mọi thứ vào cho cá nhân mình, tập thể mình … Nói chung, cái gì có là mình đều muốn thu gom vào, từ tiền bạc, của cải vật chất… cho đến danh tiếng, quyền thế, địa vị, kiến thức..
– Sân là gì ? Là sân hận, thù hằn, giận dữ.
– Si là gì ? Là cuồng tín, mê tín dị đoan.
Con người thường tự bào chữa và ngụy trang tham sân si một cách tế nhị và khéo léo, vì nó được huân tập nhuần nhuyễn trong quá khứ, nên một Phật tử phải biết quán xét và nhờ thiện trí chỉ điểm cho. Do vậy phải thân cận bạn hiền, dốc lòng nghe pháp và thà bỏ thân mạng quyết không làm điều xấu.
Tham Sân Si quả thật là nguy hiểm, chúng đe dọa đời sống chúng ta, chúng là nguyên nhân của đau khổ phiền não và là mối lo chung của xã hội. Những người phạm tội sát nhân, cướp bóc v.v.. đều do lòng tham ( tham tiền, tham ái dục, tham danh lợi…) xúi giục. Vậy muốn thanh lọc tâm và muốn có sự an lạc chung cho xã hội, mỗi chúng ta phải loại trừ ba thứ độc hại nầy ra khỏi tâm mình.
Trước hết ta tự đặt câu hỏi : Tại sao tham ? Tham để làm gì ?
– Tham là vì ta thấy có “ cái Tôi ” ( cái Ngã ). Ta thương cái Tôi đó nhất, cái gì cũng “ của tôi ”, “ cho tôi ”, “ vì tôi ”. Bao nhiêu công sức, trí khôn đều tập trung lo cho “ cái Tôi ” : tôi phải giàu, tôi phải giỏi, tôi phải hạnh phúc, tôi phải là số 1 v.v… Do si mê, lầm lạc, thiếu hiểu biết, cho rằng cuộc đời nầy là vĩnh viễn, thân nầy là chắc bền, là “ của ta ” và từ cái ta nhỏ hẹp ấy khởi lên lòng ham muốn vơ vét hết vào cho mình.
– Tham lam không thỏa mãn thì đưa tới sân hận và “ khi một niệm sân nổi lên có thể đốt cháy cả rừng công đức ”.
– Khi ngọn lửa tham lam và sân hận đã ngự trị tâm ta thì chúng đốt cháy ta, trí óc không còn sáng suốt nữa, tâm hồn thì mê muội; đó là trạng thái si mê, con người lúc ấy thật không khác gì loài cầm thú vì không còn biết luân lý, đạo đức, phải trái, thiện ác nữa. Đây chính là đầu mối của tất cả mê lầm gây ra mọi thứ tội ác.
III.TU :
Muốn loại bỏ tham sân si, cần phải huấn luyên tâm mình. Thật vậy, một cái tâm thiếu huấn luyện luôn luôn phản ứng, dính mắc vào lạc thú, chán ghét khổ đau, nắm giữ cái ưa thích, xua đuổi cái ghét bỏ; phản ứng với mọi chuyện xảy ra qua tham ái và sân hận, đó là một cái tâm “ mất quân bình và mỏi mệt ”
Muốn đưa tâm trở lại quân bình và thảnh thơi, ta phải đối diện với những tư tưởng, tình cảm và cảm giác của chính mình. Ta phải quan sát một cách đơn thuần những gì đang xảy ra trong tâm ta và đối diện với nó. Quan sát đơn thuần là chỉ quan sát một cách khách quan khi chúng khởi lên, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, không kỳ vọng hay tính toán, không can thiệp vào những gì đang xảy ra. Nói cách khác là ta thực tập chánh niệm trong mọi lúc và ở mọi nơi vậy.
Khi việc tu tập về sự quan sát đơn thuần nầy được phát triển, tiến bộ, chúng ta sẽ đối diện với tư tưởng và cảm giác của mình, với hoàn cảnh và với tha nhân một cách khách quan, không còn bị tham ái và sân hận chi phối. Từng bước, chúng ta sẽ loại dần ba thứ độc Tham, Sân, Si ra khỏi tâm mình để thật sự có an lạc và giải thoát.
Tóm lại, Tam, Sân, Si là ba độc cần phải bỏ.
– Muốn bỏ tham tài, Phật tử chúng ta phải thực hành hạnh bố thí cúng dường. Muốn bỏ tham sắc, ta phải học hạnh thanh tịnh chánh hạnh. Muốn bỏ tham danh, ta phải tự xét phận mình phải chu toàn. Muốn bỏ tham vật thực, ta phải biết ăn chỉ là để sống, coi thức ăn như thuốc để chữa bệnh. Phải ít muốn biết đủ. Muốn bỏ tham ngủ, ta phải học hạnh tỉnh thức, thiền môn gọi là chỉ tịnh, chứ không nói là ngủ, ngủ nhiều sinh làm biếng và si mê ngu đần.
– Muốn bỏ sân, ta phải thực hành hạnh nhẫn nhục, biết tha thứ.
– Muốn bỏ Si, phải thực hành hạnh tinh tấn.
IV. CÂU HỎI :
- Tam độc là gì?
- Tại sao nói : Tham là nguyên nhân của đau khổ phiền não? Cho ví dụ.
- Sân có phải là nguyên nhân của đau khổ và phiền não không? Cho 1 ví dụ.
- Giải nghĩa câu : “Một niệm sân nổi lên đốt cháy cả một rừng công đức”
- Em phải thực hành loại bỏ ba độc như thế nào?
————– oOo ————–
Nguồn: Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Sơ Thiện – BHD Trung Ương GĐPTVN tu chỉnh năm 2006.