TÂM PHẬT LÀ GÌ?
Có lần, Thiền Sư Huệ Trung hỏi Tử Lân Cung Phụng (quan chức của vị tăng):
– Cung Phụng học Phật Pháp nhiều năm, Phật nghĩa là gì?
Tử Lân không cần suy nghĩ đáp:
– Phật nghĩa là giác ngộ.
Thiền Sư Huệ Trung tiến một bước, hỏi:
– Phật có mê không?
Tử Lân không cho là đúng, nhẫn nại hỏi ngược lại Thiền Sư Huệ Trung:
– Đã thành Phật, sao còn mê?
Thiền Sư Huệ Trung hỏi ngược lại:
– Nếu không còn mê, giác ngộ làm gì?
Tử Lân Cung Phụng không còn lời lẽ gì để đáp.
Lại có một hôm, Cung Phụng đang chú giải kinh Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn, Thiền Sư Huệ Trung bèn nói:
– Người chú giải kinh điển cần phải khế hợp tâm Phật, nghĩa là trên khế hợp lý Chư Phật, dưới khế cơ chúng sanh mới có thể làm nổi.
Tử Lân không vui, nói:
– Thầy nói không sai, nhưng nếu như thế làm sao tôi hạ bút được?
Thiền Sư Huệ Trung nghe xong, sai thị giả đem đến một chén nước, để bảy hạt gạo vào và một đôi đũa trên chén, rồi hỏi Tử Lân Cung Phụng đó là ý gì? Tử Lân Cung Phụng không biết trả lời thế nào.
Thiền Sư Huệ Trung không khách sáo, chỉ dạy:
– Ông hoàn toàn không hiểu ý của ta, cớ sao đã nói khế hợp tâm Phật?
Lời bình:
Nước, gạo, chén, đũa của Thiền Sư Huệ Trung đã nói rõ rằng Phật Pháp không lìa sinh hoạt, lìa sinh hoạt thì Phật Pháp đâu cần. Tử Lân Cung Phụng lìa sinh hoạt mà chú giải kinh Phật thì càng cách xa tâm Phật.
Lục Tổ Đại Sư nói:
Phật Pháp tại thế gian
Không lìa thế gian giác.
Lìa thế tìm Bồ-đề
Như lông rùa sừng thỏ.
Hy vọng rằng người tham thiền luận đạo chớ lìa ngoài thế gian, đời người, sinh hoạt, bản tâm mà bàn luận.