I. LƯỢC TRUYỆN
Khi chưa Thành đạo, đức Thích Ca có một kiếp làm người lái buôn, tên là Đại Bi, đức hạnh hoàn toàn, tài trí hơn người.
Một hôm Đại Bi cùng 500 người khác đi thuyền ra biển tìm châu báu. Thuyền đang đi giữa biển thì gặp một bọn cướp đuổi theo, định giết hết tất cả những ngưòi trong các thuyền để cướp giật của cải. Quân cướp đuổi theo mỗi lúc một gần và reo hò vang dậy một góc biển. Những người lái buôn sợ hãi quá, kêu la rất thảm thiết, và nghĩ rằng phen nầy họ chắc chết mà thôi, không còn thấy được vợ con nữa.
Đại Bi thấy thế mới nghĩ rằng : Nếu ta giết bọn cướp nầy thì ta sẽ mang tội sát nhân và phạm nặng vào giới sát sanh, nhưng nếu ta để cho chúng giết hết 500 người thì lòng ta không nỡ. Thôi thì ta chịu tội sát nhân một mình, mà vừa cứu được 500 người khỏi chết, vừa ngăn cản được những việc làm tàn ác của quân cướp để đỡ tội cho chúng nó sau nầy.
Tuy nghĩ thế, nhưng Đại Bi chưa ra tay liền, Ông ta đứng lên trên mũi thuyền lớn, lấy lời ôn hòa mà khuyên lơn bọn cướp, nhưng bọn nầy quen thói hung tàn, không thèm nghe lời Đại Bi nói, cứ hầm hầm hung hãn xông tới quyết giết hết cả con buôn. Đại Bi liền nhảy qua thuyền quân cướp, một mình địch với cả bọn, vùng vẩy, nhanh lẹ oai phong như một tướng tài giữa trận. Quân cướp biết không thể địch nổi, liền hè nhau quay thuyền chạy trốn.
500 người lái buôn thoát chết, lại không bị mất của vui mừng khôn xiết, liền quỳ xuống tạ ơn Đại Bi, rồi cùng trương buồm cho thuyền quay trở lại quê nhà.
II. SUY NGHIỆM
Qua câu chuyện, đã cho chúng ta thấy được rằng tinh thần của châm ngôn Bi Trí Dũng hoàn toàn được Đại Bi thể hiện hết sức là khế lý, khế cơ một cách nhuần nhuyễn đã mang đến kết quả hết sức hoàn mãn : Nhận định rõ sự hơn thiệt kế quả của công việc mình sẽ làm; đưa ra lời lẽ thuyết phục một cách hợp lý trước khi hành động với một tình thương rộng lớn và cuối cùng là với dũng lực đã hoàn tất được tâm nguyện của chính mình : cứu thóat mọi người và tránh cho bọn cướp thoát được nghiệp lạm sát người vô tội chỉ vì lòng tham.