Một năm qua, lại thêm một năm nữa, thêm một cái tết trẻ con. Người ta nao nức chuẩn bị đón tết, bày bao nhiêu là bánh trái, lồng đèn, đồ chơi.
Các em bây giờ thích gì, và ước gì? Các em rước đèn thế nào, có vui không? Những ngày rằm Trung Thu đến, nhìn các em vui chơi, không khỏi khiến chúng tôi… khắc khoải thương nhớ tuổi thơ mình.
Nhớ ngày xưa, mỗi lần gần đến Trung Thu đám trẻ con trong xóm nhộn nhịp, háo hức lắm. Trước Trung Thu cả tuần bọn con trai đã bày ra đủ thứ vật dụng chúng thu lượm được như lon sữa, lon bia, để chế ra đủ kiểu đèn chơi trăng (ngày ấy trẻ con không có nhiều loại đồ chơi, và bọn con trai thì không thích những cái lồng đèn mỹ miều dán mác con gái, vì vậy mà bọn hắn thích làm lồng đèn theo kiểu của riêng mình, và đó cũng là một trong nhiều thú vui của trung thu thời ấy).
Thế rồi hì hục cắt đục toát mồ hôi cũng ra được cái đèn mang dấu ấn cá nhân, ngắm nhìn sản phẩm do công sức mình tạo ra mà vui sướng tràn trề, nóng lòng chỉ mong cho nhanh đến trung thu. Bọn con gái thì tất nhiên phải kiểu cách xí xọn hơn, với mấy kiểu đèn lồng tạo khung bằng nan tre, dán giấy bóng kính xanh đỏ đủ màu rồi tô vẽ đủ kiểu – kiểu nào cũng đẹp, cũng mang sắc thái riêng.
Nhớ ngày ấy những con đường trong xóm nhỏ hẹp, gồ ghề lồi lõm, lởm chởm đất đá, hai bên đường là những bụi cỏ rậm, cả vùng tối om chưa có ngọn đèn đường nào. Lũ trẻ con hồi đó sợ nhất ra đường lúc trời tối, từ cửa nhà bước ra sân thôi cũng đã sợ lắm, vậy mà đêm Trung Thu thì chẳng biết sợ gì, không cần người lớn dắt vẫn có thể cùng đám bạn cầm đèn đi khắp xóm. Cũng nhờ đêm không đèn nên trăng soi sáng rõ từng ngõ ngách, những đốm lửa nhỏ trong mỗi chiếc lồng đèn thắp sáng như sao lung linh rải khắp con đường nhỏ.
Cái thú vui Trung Thu không chỉ là cầm đèn đi rong, mà còn là trò vui với những ánh lửa (nghe có vẻ nguy hiểm đấy, nhưng rất vui mà chẳng ảnh hưởng gì, không bị ai cấm đoán gì). Chẳng đứa trẻ nào đi Trung Thu một mình, mà toàn một bầy rủ nhau, túm tụm lại che gió thắp nến, rồi lại đi chầm chậm. Có cơn gió nào làm tắt đèn của một đứa thì cả đám sẽ dừng lại để chờ đứa đó thắp đèn.
Chẳng phân biệt độ tuổi trang lứa, cứ cách hai ba tuổi mà vui là đi chung cả bầy, mấy anh chị lớn lại đốt nến cho những đứa nhỏ hơn. Rồi trò “ảo thuật” với vụn sáp nến được đốt nóng trong cái nắp keng rồi mỗi đứa đứng từ xa rảy nước lạnh vô cho lửa phụt lên, xong thì la hét um sùm vì vừa thích vừa sợ. Và còn nhiều nhiều những trò chơi khác xung quanh ánh lửa nhỏ ấy mà không thể kể hết.
Nhờ những ánh nến đã thắp lên những niềm vui, kéo dài thêm đoạn đường ngắn, cho ngày Trung Thu không trôi qua ngắn ngủi, hời hợt. Chẳng có đứa trẻ nào cầm đèn Trung Thu thắp nến mà chạy như bay cả, vậy là chúng học được cách nắm giữ, nâng niu cho những mong manh không vụt tắt.
Rồi cả lũ sẽ kéo nhau đến nơi hội tụ đông vui nhất xóm, thường là con đường lớn, bãi đất rộng mà mọi người đều đến đó vui chơi. Nơi ấy như cuộc triển lãm lồng đèn với đủ loại và đủ kiểu. Nào đèn bươm bướm, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn tàu thủy, rồi đèn con gà… của mấy đứa con gái. Đèn của đám con trai là nhiều kiểu dáng lạ lùng, độc đáo nhất, và chắc là không mua được nơi đâu. Nào là kiểu lon bia xẻ khía dọc rồi ấn xuống được cái lồng đèn cầm tay, mấy lon sữa chồng lên nhau rồi gắn cán cây dài đặt xuống đất đẩy đi, một lon dưới cùng như bánh xe, những lon phía trên thắp đèn bên trong xoay vòng tròn.
Mấy anh lớn chán kiểu lồng đèn con nít lại bày ra đủ thứ tạo nên ánh sáng, có khi chỉ cần mấy cây nến và một miếng sành vỡ nào đó trông bằng phẳng vừa nhặt được để làm chân gắn nến cầm đi khắp nơi là được. Bước chân hiếu động của tụi con trai bị níu lại chậm chạp nhẹ nhàng vì còn phải vừa đi vừa lấy tay che chắn gió cho cây nến nhỏ.
Khi dỏng tai nghe tiếng trống thình thình ở đâu vọng lại thì cả đám sẽ ùa nhau chạy đến nơi có tiếng gọi rộn ràng thúc giục ấy. Rồi lại theo đoàn múa lân đến từng nhà xem họ nhảy múa để lấy tiền thưởng treo trên cao. Nhà nào có múa lân đến thì cũng vui vẻ đón mừng, coi như phước lộc.
Bọn trẻ con cứ đi theo đám múa lân như thế cho đến khi trời đã gần khuya, trăng đã lên cao thì ai mới về nhà nấy. Lúc ấy mẹ mới hạ mâm cỗ cúng xuống để cả nhà quây quần phá cỗ, ngắm trăng. Cái Tết Trung Thu qua như thế, êm ấm, ngọt ngào… dư vị còn đọng lại cả trong giấc mơ, tụi trẻ con cứ mỉm cười, thấy niềm vui lan mãi…
Ngày xưa là như vậy, ngày xưa ấy qua lâu rồi… Lũ trẻ con lên bảy lên tám ngày ấy đã dần xa tuổi thơ lúc nào chẳng biết nữa. Thời gian cứ lặng lẽ lấp đầy rồi vẹt khuyết những ngày trăng, thế mà cũng mười mấy năm đã qua rồi. Cuộc sống cũng khác, làng xóm cũng đổi mới, đời sống chung của tất cả mọi người dần đổi thay, và Trung Thu nay cũng đã khác…
Những con đường xưa nay đã phẳng lì thẳng tắp, đèn đường nay đã sáng trưng mọi ngõ ngách. Tối Trung Thu, người ta đóng cửa tắt đèn im ỉm, sợ nghe tiếng trống lân đi vào, họ phải mất công “mời” ra. Lũ trẻ chạy tung tăng lăng xăng cùng với những chiếc lồng đèn thắp bằng… pin, chẳng sợ gió thổi, chẳng phải bước chậm. Từ xa đã nghe những tiếng nhạc phát ra eo éo, nhiều đứa cùng nhau bật đèn, tiếng nhạc đan xen nhau thành những thanh âm ồn ào lộn xộn.
Đám trẻ không đi xa, chúng chỉ tụ tập dưới ngọn đèn đường gần nhà, đùa nghịch, la hét với những trò chơi chúng tự nghĩ ra, và những chiếc lồng đèn với nhiều màu sắc kiểu dáng, mang vẻ đẹp hiện đại nhưng hời hợt kia nằm chơ vơ bên vệ đường. Các em có thấy Trung Thu vui không, chứ chúng tôi buồn lắm!
Có phải người trẻ chúng tôi hoài niệm quá chăng!? Có phải nên theo kịp thời đại, nên vui mừng vì cuộc sống đã thay đổi, khang trang hơn, khấm khá hơn!? Dẫu vẫn biết không có gì là mãi, dẫu vẫn biết quy luật là phải thay đổi, phát triển lên, những cái cũ sẽ luôn được thay mới, có thể là tốt hơn, cũng có thể là…
Biết vậy đấy, mà vẫn không khỏi tiếc thương những giá trị tốt đẹp của một thời nghèo khó, dường như đã không còn giữ được. Vậy mới thấy tiếc, thấy thương, thấy nhớ biết bao một thời tuổi thơ thiếu thốn đủ thứ, mà thật nhiều tình, thật ý nghĩa. Thương lắm, cũng chỉ có thể nhung nhớ ngày xưa vậy thôi…
Mỗi năm đến Trung Thu, cảm giác háo hức vẫn còn đâu đó, nhưng rồi cảm xúc ấy lại như bước hụt khi thấy mọi thứ thuộc về Trung Thu đang mất dần, phai dần, nhạt dần đi. Tiếc thương tuổi thơ mình, mà cũng tiếc cho các em không được sống trong một tuổi thơ bình dị, hồn nhiên vô tư, lung linh sắc màu nữa.
Chỉ trách những người lớn vô tình để cuộc sống với những giá trị hời hợt cuốn đi, không giữ lại được cho các em một ngọn lửa Trung Thu ấm áp. Ánh sáng vẫn ngập tràn khắp xóm nhỏ, trăng cô đơn thở dài… biết thắp nến ở đâu khi không gian sáng bừng đến thế?!
THU QUYÊN (Blog Viet)