Tư tưởng giải quyết mâu thuẩn, hướng đến hòa đồng tôn giáo trong LÝ HOẶC LUẬN của Mâu Tử

 

TVGĐPT: “Lý Hoặc Luận” là bộ luận lý giải những điều mê lầm của một số người không thông hiểu đạo Phật do Mâu Tử viết bằng chữ Hán vào khoảng cuối thế kỷ II.

Mâu Tử tức là Mâu Bác (tên thật), một số lớn tài liệu củ ghi rằng Mâu Bác là một trong những người đầu tiên truyền bá Phật Giáo vào Việt Nam theo đường bộ vào cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ III. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì ông người Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc), sinh vào khoảng những năm 165-170 và là một trong số ít người ngoại quốc đầu tiên đến Giao Châu (vùng thuộc miền Bắc Việt Nam ngày nay) tu học theo đạo Phật. Trong thời kỳ tu học và truyền bá Phật Giáo tại đây ông đã viết Lý Hoặc Luận, cũng là cuốn sách đầu tiên về đạo Phật bằng chữ Hán – theo lối vấn đáp, là lối viết thường được các luận sư Phật Giáo ở Ấn Độ dùng để truyền bá giáo lý đạo Phật vào thời kỳ bộ phái (khoảng 200 năm sau Đức Phật Thích Ca nhập diệt).

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới nhất gần đây của TS. Lê Mạnh Thát thì Mâu Tử là người Việt Nam và tác phẩm Lý Hoặc Luận đã được dịch từ ngôn ngữ Việt cổ sang chữ Hán.

Trong bài Tựa sách Lý Hoặc Luận, Mâu Bác cho biết sau khi Hán Linh Đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là yên ổn nên các bậc kỳ nhân phương Bắc tới đây rất nhiều, phần lớn họ đều tin theo thuyết thần tiên “tịch cốc trường sinh”. Lúc bấy giờ vùng ấy có nhiều học giả, Mâu Tử thường “lấy Ngũ Kinh ra vấn nạn, các đạo gia và thuật sĩ không ai đối đáp cho xuôi được…” Để không bị chê là người “phản lại Ngũ Kinh mà theo dị đạo” và cũng để không phải tranh luận với họ nữa vì “nếu mở miệng thì cũng là phi đạo, mà im lặng thì ra như bất lực”, Mâu Tử bèn “dùng bút mực, trích dẫn lời thánh hiền mà chứng giải điều mình nghĩ” nên đã viết ra Lý Hoặc Luận.

Bài sưu khảo ngắn dưới đây của tác giả Nguyễn Đình Phức nêu lên những luận điểm về quan điểm và nghệ thuật phản biện lúc bấy giờ của Mâu Tử trong Lý Hoặc Luận, Thư Viện GĐPT xin trân trọng giới thiệu để Quý Bạn Đọc cùng tham khảo…

oOo

 

TƯ TƯỞNG GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN, HƯỚNG ĐẾN HÒA ĐỒNG TÔN GIÁO

TRONG “LÝ HOẶC LUẬN” CỦA MÂU TỬ

Tác giả: Nguyễn Đình Phức
(Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn)

Tóm tắt nội dung:

Sách “Lý Hoặc Luận” do Mâu Tử viết ở Việt Nam vào khoảng cuối đời Đông Hán là một tác phẩm hết sức đặc biệt. Điều đặc biệt ở đây tất nhiên không chỉ ở vấn đề văn bản học phức tạp của nó từng gây tranh cãi gay gắt giữa nhiều thế hệ học giả quốc tế trong suốt thế kỷ XX, cũng không chỉ bởi đây là tác phẩm đầu tiên được sáng tác, đánh dấu bước ngoặc vĩ đại trong việc khẳng định vị trí của Phật Giáo ở Giao Châu… mà nhìn từ góc độ các học giả Việt Nam trong xu hướng phát triển không ngừng của rất nhiều ngành học thuật, người ta càng thấy rõ vị trí quan trọng của Lý Hoặc Luận trong việc khẳng định con đường truyền bá của Phật Giáo vào Trung Quốc sớm nhất là thông qua Giao Châu với trung tâm Phật Giáo Luy Lâu, chứ không phải thông qua con đường Tây Vực; khẳng định con người Mâu Tử và nội dung chép trong Lý Hoặc Luận là sản phẩm trực tiếp của Phật Giáo Luy Lâu, chứ không phải tình hình Phật Giáo Trung Quốc giai đoạn cuối thế kỷ II sau công nguyên… Không dừng lại ở đó, xét từ khía cạnh quan hệ Tam Giáo từng diễn ra trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt từ góc nhìn tôn giáo học hiện đại, khả năng khéo léo uyển chuyển trong việc giải quyết bất đồng, khẳng định vị trí ưu việt, hướng tới bám sâu vào một nền văn hóa của Phật Giáo ở đây càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào bàn luận sự khéo léo uyển chuyển của Mâu Tử, nói rộng hơn là của Phật Giáo trong việc giải quyết những mâu thuẫn khá gay gắt với Nho Giáo, cùng chiến lược khẳng định vị trí ưu việt, hướng tới chủ trương hòa đồng tôn giáo ở Việt Nam và Trung Quốc.

oOo

  1. TRANH LUẬN VỀ ĐẠO HIẾU

Về thời điểm Phật Giáo truyền vào Việt Nam, đến nay tuy chưa có những cứ liệu xác đáng, thế nhưng hầu hết các học giả đều cho rằng, Phật Giáo truyền vào Việt Nam khá sớm, khoảng những thập niên đầu sau công nguyên. Thế nhưng trước thời điểm tôn giáo này truyền vào Việt Nam, Nho Giáo cùng học thuyết Hoàng Lão đã có mặt và có thế lực tương đối trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, để có thể được thừa nhận và có cơ hội phát triển, Phật Giáo đã thông minh chọn cách ẩn mình phía sau học thuyết Hoàng Lão, cho nên ở giai đoạn đầu, đặc biệt trong Tứ Thập Nhị Chương KinhLý Hoặc Luận, hành vi và giáo lý nhà Phật đều có sự tương thông khá lớn với học thuyết Hoàng Lão, thậm chí có sự tương thông với cả giáo lý của Nho Giáo. Trải qua thời gian, đặc biệt vào khoảng những thập niên cuối thế kỷ II sau công nguyên, Phật Giáo đã đạt đến sự phát triển vượt bậc, số kinh sách được chuyển dịch sang Hán văn đã khá nhiều, sự lớn mạnh của Phật Giáo được khá nhiều giai tầng trong xã hội quan tâm, bình luận. Thế nhưng, Phật Giáo rốt cục vẫn là một tôn giáo độc lập, cùng quá trình không ngừng phát triển, những đặc trưng trong giáo lý cũng như hình thức cuối cùng đã bộc lộ. Chính những bất đồng này đã khiến Nho, Đạo, đặc biệt là Nho gia hết sức lo lắng, họ lo vị trí thống trị của mình trong xã hội có thể bị lung lay, cho nên từ thế bao dung, họ chuyển hẳn sang thế công kích.

Tư tưởng Nho gia lấy “hiếu” làm cơ sở, để bảo đảm thực hiện rất nhiều yêu cầu liên quan đến “hiếu”, họ còn đề ra phạm trù “lễ”. Trong một loạt những công kích nhắm vào Phật Giáo, “hiếu” chính là nội dung được Nho gia nêu ra đầu tiên. Nho gia cho rằng hành vi “hủy hoại thân thể” của nhà Phật đi ngược với hiếu và lễ, vi phạm tôn chỉ của thánh nhân. Đứng trước những chất vấn này, quan điểm của Mâu Tử đã hoàn toàn không còn phụ họa theo hiếu, lễ của Nho gia như trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh, ông cho rằng nhà Phật có quan niệm về hiếu và lễ của riêng mình, đồng thời nhấn mạnh hiếu, lễ của nhà Phật không chỉ có tác dụng tích cực, có ích cho sự phát triển văn hóa, xã hội của nước sở tại, mà trong thế so sánh với hiếu, lễ của Nho gia, còn có phần ưu việt hơn. Lý Hoặc Luận có đoạn chép:

Có người hỏi rằng: “Sách Hiếu Kinh nói: Thân thể, râu tóc, da dẻ là của cha mẹ cho, há dám hủy hoại hoặc làm tổn thương! Tằng Tử đến lúc lâm chung vẫn không quên dặn: ‘Hãy xem tay của ta, xem chân của ta’. Nay Sa-môn gọt đầu cắt tóc, điều này rất không hợp với lời dạy của thánh hiền, cũng như những tiêu chuẩn về một người con có hiếu. Bản thân ông trước nay chuyên việc biện luận đúng sai, lẽ nào lại tán thành theo họ sao?” Mâu Tử trả lời rằng: “Phàm chế giễu thánh hiền, ấy là bất nhân; bình luận không đúng, ấy là bất trí. Đã bất nhân còn bất trí, vậy lấy gì để lập đức? Đức không thể lập, rốt cục cũng chỉ là loại ngoan cố ngu muội, còn việc bình luận đúng sai thực không dễ! Xưa cha con người nước Tề cùng ngồi thuyền qua sông, người cha chẳng may rơi xuống nước, người con vừa cầm tay cha, vừa nắm tóc trên đầu ông, lộn ngược cơ thể để nước trong bụng ông chảy ra, nhờ thế mà người cha sống lại. Hành động vừa nắm tóc vừa lộn ngược cơ thể người cha như vậy, thực không còn điều gì bất hiếu cho bằng, thế nhưng nếu không làm thế tính mạng của người cha ắt không còn. Còn nếu đứa con cung kính làm theo quy định của người con có hiếu, người cha chắc chắn đã chết! Khổng Tử nói rằng người có thể cùng học được đạo chưa chắc có thể cùng thông quyền đạt biến. Câu này có nghĩa bất luận chuyện gì cũng cần phải căn cứ tình hình thực tế, linh hoạt vận dụng đạo. Hiếu Kinh còn nói rằng đạo đức mà các bậc tiên vương truyền lại luôn thích hợp và phổ biến, thế mà Thái Bá lại cắt tóc ngắn, xăm vẽ cơ thể, học theo phong tục của người nước Ngô, nước Việt, điều này rõ ràng đã đi ngược giáo huấn của tiên vương. Vậy mà Khổng Tử vẫn khen Thái Bá rằng: ‘Ấy có thể nói là phẩm đức cực cao vậy!’ Trọng Ni rõ ràng không vì việc Thái Bá cắt tóc ngắn mà phê bình ông, như vậy theo Khổng Tử, khi một người có đạo đức cao thượng, có thể hoàn toàn không cần chú ý đến những tiểu tiết khác. Nay Sa-môn vứt bỏ gia sản, từ bỏ vợ con, dứt bỏ thanh sắc, như vậy có thể nói đã đạt đến cực điểm của sự khiêm nhượng, sao có thể nói hành vi của Sa-môn đi ngược giáo huấn của thánh hiền, không hợp với tiêu chuẩn của đạo hiếu? Dự Nhượng từng nuốt than cho thành câm, lại dùng sơn bôi khắp cơ thể; Nhiếp Chính từng lột hết da mặt mình; Bá Cơ thà chết quyết không ra khỏi căn phòng lửa; Cao Hạnh tự cắt mũi mình, hủy hoại dung nhan mình; những người có đức đều cho rằng họ không chỉ dũng cảm mà còn trượng nghĩa, không có bất kỳ ai phê phán hành vi tự hủy hoại của họ. So sánh với bốn người này, việc cắt tóc của Sa-môn thực còn kém xa vậy!”[1]

Theo quan niệm của Nho gia, thân thể, da tóc của con người là của cha mẹ cho, cho nên muốn thành người con có hiếu, trước tiên phải giữ gìn hoàn hảo tất cả những gì cha mẹ cho, không để chúng bị tổn hại. Học trò của Khổng Tử là Tằng Tử trước lúc chết còn bảo học trò kiểm tra tay chân mình xem còn lành lặn hay không, chính là biểu hiện của đạo hiếu. Ở đây hiếu với tư cách là phạm trù cơ bản trong văn hóa truyền thống với đại diện tiêu biểu là Nho gia, cho nên Phật Giáo tất yếu phải thừa nhận, đồng thời luôn có ý thức dựa vào tư tưởng này để truyền bá, đây đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Phật Giáo được tiếp nhận. Cho nên, nếu nhìn lại toàn bộ quá trình hội nhập văn hóa bản địa của Phật Giáo ở Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy, hiếu luôn là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Tuy vậy con đường và cách thức thực hiện đạo hiếu của Nho gia và Phật Giáo vẫn có sự khác nhau. Mâu Tử cho rằng, hiếu của Phật Giáo chỉ chú trọng thực chất cùng tính hiệu quả, còn hiếu của Nho gia có phần chú trọng những hành vi mang tính bề mặt, khiến nó không khỏi khiên cưỡng và giáo điều. Cho nên, việc Sa-môn cắt tóc, quyên tặng gia sản, từ bỏ vợ con, dứt bỏ thanh sắc, chính là sự thể hiện của đạo đức tốt đẹp, thể hiện phẩm đức “nhượng” (lấy cái mình có cho người khác) mà Nho gia đặc biệt tôn sùng, điều này thực không thua mấy những tấm gương mà Nho gia vẫn tôn sùng như Dự Nhượng, Nhiếp Chính…

Theo Nho gia, việc giữ gìn thân thể, da tóc của cha mẹ cho, thực ra mới chỉ là khởi đầu của hiếu. Việc Sa-môn cắt tóc, hủy hoại thân thể rõ ràng cũng chỉ là khởi điểm của “bất hiếu”, còn hậu quả trực tiếp của việc xuất gia chính là “vô hậu”, tức không có con cái nối dõi, theo Nho gia mới là điều “bất hiếu” lớn nhất. Lý Hoặc Luận có đoạn chép:

Có người hỏi rằng: “Nói đến phúc, không gì lớn hơn có con nối dõi; nói đến bất hiếu, không gì lớn hơn việc đứt dòng. Nay Sa-môn vứt bỏ vợ con, tiền tài, hoặc cả đời không cưới vợ, tại sao lại đi ngược với việc tạo phúc, hoàn thành đạo hiếu như thế? Thực ra làm như thế chỉ là tự làm khổ mình mà thôi, cũng là cái gọi tự cứu rỗi chứ thực không có gì to tát cả.” Mâu Tử trả lời: “Người quen dùng tay trái ắt không quen dùng tay phải, loài động vật có chi trước phát triển nhất định chi sau sẽ không phát triển. Nếu để Mạnh Xước làm gia thần của họ Triệu, họ Ngụy nước Tấn, thế thì tài năng của ông còn đủ dùng; thế nhưng nếu để ông làm quan đại phu nước Đằng, nước Tiết, ắt không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vợ con, tiền của là thứ không đáng để lưu luyến, linh hồn thuần khiết và cảnh giới của vô vi mới là nơi ảo diệu của đạo. Sách Lão Tử có câu: ‘Hư danh và thân thể, cái nào đáng gần gũi hơn? Thân thể và tiền tài, cái nào quan trọng hơn?’ Lại nói: Khảo sát phong khí còn truyền của ba đời Hạ, Thương, Chu; xem học thuyết của Nho, Mặc; đọc Thi Kinh, Thư Kinh; nghiên cứu lễ chế; sùng thượng nhân nghĩa; xem trọng sự thanh sạch, khiến người dân truyền tụng công tích, danh tiếng truyền khắp mọi phương, ấy là cách kẻ có trình độ đạo đức bậc trung theo đuổi (từ gốc “trung sĩ”), còn người đạt đến trình độ tu dưỡng thượng đẳng, điềm đạm ít ham muốn (từ gốc “điềm đạm giả”) thường không theo. Vậy nên, khi trước mặt có viên ngọc của Tùy Hầu, sau lưng có tiếng gầm của mãnh hổ, người ta thường bỏ chạy mà không dám nhặt ngọc, ấy là bởi vì sao? Tại bởi cần phải bảo toàn sinh mệnh trước, sau mới chú ý đến lợi ích vậy! Xưa Hứa Do làm nhà gửi thân ở trên cây, Bá Di, Thúc Tề cam chết đói trên núi Thú Dương, khi Khổng Tử khen đức độ của họ, từng nói: ‘Đó là theo đuổi nhân mà đạt đến đạo nhân vậy!’ Chưa từng nghe thấy có ai chê cười họ không có người nối dõi, không có tiền tài. Nay Sa-môn chọn tu dưỡng đạo đức thay cho việc ăn chơi hưởng lạc, chọn quay về với lối sống mộc mạc, thanh tịnh thay cho niềm vui sống bên vợ con, những điều này mà cho là không to tát thì thử hỏi còn có điều gì to tát hơn! Những điều này mà cho là không phi thường thì thử hỏi còn điều gì phi thường hơn!”[2]

Điều đáng chú ý ở đây là, trong quá trình biện luận, Mâu Tử đã đem đối nghịch giữa “trung sĩ” và “điềm đạm giả”, giữa “tu dưỡng đạo đức” và “niềm vui ngoạn thế”, điều này rõ ràng hàm chứa chủ trương khu biệt Phật Giáo “trị nội” và Nho Giáo “trị ngoại” ở giai đoạn phát triển của Tam Giáo sau đó. Đồng thời theo Mâu Tử, Phật Giáo với đặc trưng “trị nội” rõ ràng có sự ưu việt hơn nhiều so với Nho Giáo với đặc trưng “trị ngoại”.

  1. TRANH LUẬN VỀ LỄ

Trong Lý Hoặc Luận có đoạn chép:

Có người hỏi rằng: “Hoàng Đế xem trọng việc phục sức, nên dạy cho người dân cách cắt may y phục. Cơ Tử giảng sách Hồng Phạm, từng xếp dung mạo vào vị trí đầu tiên trong ‘ngũ sự’ (năm việc). Khổng Tử soạn Hiếu Kinh, cho rằng việc ăn mặc hợp lễ nghi chính là phẩm đức quan trọng nhất trong ‘tam đức’. Đồng thời còn nói rằng: ‘Ăn mặc gọn gàng, chính là tôn trọng người khác’. Nguyên Hiến tuy nghèo, nhưng luôn đội mũ rất đẹp. Tử Lộ trong cảnh nguy nan vẫn không quên đội mũ buộc dây đâu ra đó. Thế mà nay Sa-môn cạo đầu, mình khoác áo cà-sa màu đỏ, gặp người khác lại không hành lễ; đứng ngồi, quỳ lạy, dung mạo cử chỉ thì cứng nhắc, ngây ngô, tại sao họ lại đi ngược lại những quy phạm về dung mạo, ăn mặc, hoàn toàn không hợp với kẻ sĩ như thế?” Mâu Tử trả lời rằng: “Sách Lão Tử có câu: ‘Kẻ đức cao không theo đuổi đức ở khía cạnh hình thức, cho nên họ chính là người có đức. Kẻ đức mỏng sống chết luôn câu nệ đức ở mặt hình thức, nên họ là kẻ không có đức’. Thời Tam Hoàng, con người ta ăn thịt thú, khoác da thú, sống trong hang động, cho nên họ tôn sùng sự mộc mạc, làm gì có điều kiện để chú ý đến mũ áo mặc sao cho đẹp? Thế mà người ta vẫn xưng tụng người thuở ấy đôn hậu, có đức, giữ chữ tín mà ít dục vọng. [Theo tôi], hành vi cử chỉ của Sa-môn cũng tương tự như thế”. Hoặc giả có người sẽ nói rằng: “Nếu nói như ông, những bậc thánh nhân như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Chu Công, Khổng Tử chẳng phải là nên vất đi hết hay sao?” Mâu Tử lại nói rằng: “Kẻ thông minh lanh lợi, có kiến thức rộng sẽ không bao giờ bị mê hoặc, chí hướng của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Chu Công, Khổng Tử là trị vì quốc gia, xã hội, còn Phật và Lão Tử chí ở vô vi. Bởi chí hướng và những điều theo đuổi không giống nhau, nên Trọng Ni cực khổ bôn ba khắp liệt quốc, còn Hứa Do vừa nghe vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho, bèn chạy thẳng xuống sông rửa tai. Đối với người quân tử có tài đức, họ hoặc tích cực tham dự vào việc đời, hoặc ẩn cư lánh đời, hoặc không nói một lời, hoặc tích cực nghị luận, cả lời nói lẫn việc làm đều đúng độ, không chút phóng túng, cho nên ‘đạo’ mà họ theo mới đáng quý! Học thuyết không giống nhau thích hợp cho lĩnh vực không giống nhau, nào có chuyện vứt bỏ đạo của các vị thánh nhân Nghiêu Thuấn, Chu Khổng?”[3]

Ở đây chất vấn của Nho gia rõ ràng chỉ dừng lại ở mức độ bề mặt. Nho gia cho rằng không chỉ áo mũ, mà hầu như rất nhiều khía cạnh, đặc biệt là phương diện hình thức liên quan đến Sa-môn đều không hợp chuẩn mực lễ nghi của Nho gia. Ở đây trước tiên Mâu Tử dùng quan điểm của Lão Tử để hồi đáp. Ông nêu ra rằng, kẻ đức mỏng (“hạ đức”) luôn chăm chắm vào việc làm sao về mặt hình thức không thất đức (“bất thất đức”), nên bản thân họ hoàn toàn không có đức thực sự; chỉ có những người không bị tư tưởng giáo điều, những cái bề mặt câu thúc, ấy mới thực sự là người có đức, và Sa-môn chính là một trong số đó. Nếu cứ căn cứ vào đây để loại suy, thế thì kinh điển của Nho gia cùng những điển hình của nó như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Chu Công, Khổng Tử… thảy đều liệt vào “hạ đức”, không đáng học theo. Thế nhưng, Phật Giáo ắt không thể hạ thấp cũng như phủ định hoàn toàn vị trí của Nho gia, cho nên ở đây Mâu Tử đã đưa ra một chủ trương mới, tức tác dụng của Nho gia là “tu thế sự” (quản việc thế sự), tác dụng của Phật Giáo và Đạo gia cùng ở “vô vi chí”. Chủ trương này rõ ràng đã định rõ vị trí của Tam Giáo trong văn hóa Trung Quốc và Việt Nam, vấn đề này tuy ở những thời điểm sau đó vẫn gây tranh luận gay gắt, nhưng trên thực tế cả Nho và Phật ngay ở thời điểm này về cơ bản đều đã thừa nhận vị trí của nhau.

  1. TRANH LUẬN VỀ VẤN ĐỀ DI HẠ

Không dừng lại ở những vẫn đề nêu trên, những chỉ trích của Nho gia còn trực tiếp dẫn đến vấn đề vừa lớn vừa hết sức nhạy cảm là “Di Hạ chi biện”, tức biện luận giữa Di và Hạ, ai trọng ai khinh. Trong Lý Hoặc Luận có đoạn chép:

Hỏi rằng: “Khổng Tử nói: ‘Nước Di Địch lúc có vua cũng chẳng bằng Trung Quốc lúc loạn lạc không vua’. Mạnh Tử từng chê tướng quốc nước Trần là Trần Lương vứt bỏ cái học trước đó, chuyển sang học thuật Thần Nông của Hứa Hành rằng: ‘Ta chỉ nghe dùng điển chương chế độ của Chư Hạ (chỉ Trung Quốc) biến Di Địch, chứ chưa từng nghe dùng Di Địch để biến Trung Quốc’. Bản thân ông (chỉ Mâu Tử) từ nhỏ đã học theo đạo đức của Nghiêu, Thuấn, Chu Công, Khổng Tử, nay lại vứt bỏ mà chuyển sang học tập Di Địch (chỉ Phật Giáo), ấy chẳng phải là mất phương hướng hay sao?” Mâu Tử nói: “Lời này không khác lời tôi nói trước khi chưa hiểu về Phật đạo, như các vị đây thực có thể nói chỉ nhìn thấy bề ngoài của lễ chế, mà chưa hiểu thực chất của đạo đức, chỉ nhìn thấy ánh sáng yếu ớt của ngọn nến mà không nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Lời Khổng Tử chẳng qua là muốn chấn chỉnh lại pháp độ của xã hội. Mạnh Kha nói thế là bởi ông lo lắng người ta chỉ chuyên chú vào học một loại học vấn nào đó. Trước đây Khổng Tử từng tính dọn đến sống ở đất Đông Di, ông từng nói: ‘Quân tử mà đến ở nơi đó, nơi ấy đâu còn lạc hậu!’ Khi Trọng Ni không được nước Lỗ, nước Vệ chấp nhận, Mạnh Kha không được nước Tề, nước Lương trọng dụng, chả lẽ họ chưa từng đến nước Di Địch để làm quan sao? Hạ Vũ tuy từng đến Tây Khương, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng việc ông trở thành bậc thánh triết; Cổ Tẩu tuy sinh ra Ngu Thuấn, nhưng bản thân ông vẫn là kẻ ngu muội, mê lầm. Do Dư sinh ra ở nước Địch nhưng lại có thể trợ nước Tần xưng bá ở nước Địch. Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ tuy là người trong vương thất nhà Chu, nhưng vẫn không ngừng bêu riếu Chu Công”.[4]

Ở đây, Mâu Tử vẫn xuất phát từ sự tương đồng để tranh thủ sự đồng tình của Nho gia đối với Phật Giáo, nhưng thông qua đó, tác giả đồng thời hướng tới sự phân biệt cao thấp giữa Nho, Phật. Đặc biệt, Mâu Tử còn chỉ ra rằng:

“Truyện viết rằng: Sao Bắc Cực ở giữa bầu trời, ứng vào vị trí phía bắc nơi cư trú của con người. Như vậy rõ ràng đất đai do nhà Hán quản không nhất định nằm ở vị trí trung tâm trời đất. Căn cứ theo kinh điển nhà Phật, trên dưới trái phải, bốn phương tám hướng, phàm những động vật có máu thịt, thảy đều bao trùm trong giáo lý của nhà Phật, thế nên tôi mới chuyển sang kính Phật và học Phật, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa nên vứt bỏ đạo của Nghiêu Thuấn, Chu Khổng. Vàng và ngọc ắt không kị nhau, thủy tinh và hổ phách hoàn toàn không chế ngự nhau, ông nói người khác mê lầm, thực bản thân ông mới là kẻ mê lầm vậy”.[5]

Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng, sao Bắc Cực ở vị trí trung tâm của trời đất, nhưng nếu đứng từ đất Trung Quốc mà nhìn, sao Bắc Cực vẫn ở phía bắc của bầu trời, từ đây có thể suy ra rằng, Trung Quốc hoàn toàn không phải trung tâm của trời đất. Nhận định này của Mâu Tử rõ ràng đã đặt dấu hỏi nghi ngờ về thuyết Hoa Hạ là trung tâm trời đất của Nho gia, khơi mào cho cuộc tranh luận gay gắt giữa Di và Hạ trên đất nước Trung Hoa ở thời gian sau đó. Ngoài ra, việc Mâu Tử cho rằng “phàm những động vật có máu thịt, thảy đều bao trùm trong giáo lý của nhà Phật”, tức Nho gia cũng bao hàm trong phạm vi của Phật Giáo, cho nên học Phật cũng tức là học Nho, đồng thời ở đây vị trí của Phật Giáo vẫn được tác giá cố ý đề cao hơn Nho Giáo.

  1. TRANH LUẬN VỀ “LINH HỒN BẤT DIỆT”

Về việc Nho Giáo chỉ trích chủ trương “linh hồn bất diệt” của Phật Giáo đi ngược với quan điểm “bất ngữ quái lực loạn thần” (không đề cập đến việc quái dị, dũng lực, phản loạn, thần quỷ), “vị tri sinh yên tri tử” (chưa hiểu hết về sống sao biết sự chết) của Khổng Tử. Để phản bác chất vấn này, Mâu Tử đã dùng đến quan điểm “linh hồn bất diệt” và “thiện ác báo ứng”:

Mâu Tử trả lời rằng: “Khi một người vừa lìa đời, người nhà họ sẽ trèo lên mái nhà để gọi tên anh ta. Mà người đã chết, vậy còn kêu ai?” Người ta sẽ trả lời rằng: “Ấy là kêu gọi hồn phách của họ”. Mâu Tử nói rằng: “Đúng vậy, hồn phách của họ sẽ không mất, chỉ có thân thể họ là thối rữa mà thôi. Thân thể giống như cội lá của các loài ngũ cốc, hồn phách giống như hạt giống, cội lá phát triển đến một thời điểm nhất định tất yếu sẽ chết đi, duy chỉ có hạt giống là không bị diệt, con người đắc đạo cũng thế, thân tuy chết mà tinh thần vẫn tồn tại vậy. Sách Lão Tử có câu: ‘Ta sở dĩ có nỗi ưu hoạn lớn, là bởi ta có thân thể. Nếu ta không có thân thể, ta còn gì phải lo lắng nữa?’ Lại có câu: ‘Công thành danh toại là lúc có thể ngừng cuộc chơi’, ấy là hợp với lẽ của tự nhiên”. Lại có người hỏi rằng: “Học đạo cũng chết mà không học đạo cũng chết, vậy đâu có gì khác nhau?” Mâu Tử đáp rằng: “Nhìn vấn đề như vậy có thể xem là người chưa từng làm việc thiện, thế nhưng lại muốn mình cả đời luôn có thanh danh. Người đắc đạo tuy không miễn được cái chết, nhưng sau khi chết linh hồn của họ sẽ được về cõi phúc; còn những người làm việc ác, linh hồn của họ tất yếu sẽ gặp tai ương”.[6]

“Sách Hiếu Kinh có câu: ‘Thiết lập tông miếu, cúng tế tổ tiên theo cách cúng tế quỷ thần; bốn mùa tế tự, định một thời điểm nhất định để nhớ về người đã mất’. Lại có câu: ‘Tổ tiên lúc còn sống thì nên kính yêu, sau khi họ mất cần thể hiện lòng đau buồn tiếc nuối’. Đây chẳng lẽ không phải khuyên người ta thờ phụng quỷ thần, hiểu về lẽ sống chết sao? Chu Vũ Vương bệnh nặng, Chu Công muốn chết thay vua, vì vậy mà xin với tổ tiên rằng: ‘Cơ Đán tôi đa tài đa nghệ, giỏi việc thờ phụng quỷ thần’. Còn đây là gì? Chẳng phải cũng đang nói đến việc sống chết, thờ phụng quỷ thần hay sao? Còn những bàn luận về sống chết trong kinh Phật, chả lẽ không cùng một loại này sao? Sách Lão Tử có câu: ‘Đã hiểu được vạn vật trong thiên hạ, lại nắm rõ ngọn nguồn của vạn vật, thế thì cả đời sẽ không có nguy hiểm’. Lại có câu: ‘Vận dụng ánh sáng của đạo để hiểu đến tầng thâm sâu, tinh tế của sự việc, con người sẽ tránh được tai họa’. Đây thực ra cũng là đang bàn về lẽ sống chết, lành dữ. Còn tinh túy của đạo, chính ở sùng thượng sự thanh tịnh vô vi. Nhà Phật chẳng lẽ chỉ thích nghị luận suông thôi sao? Chẳng qua là bởi có người chất vấn, nên không thể không đáp mà thôi”.[7]

“Chỉ bố thí một chút trong lúc vô ý, thế mà còn nhận được sự cảm ơn lẫn báo đáp cực lớn, huống hồ là Phật gia mang hết gia sản bỏ vào việc từ thiện! Công đức của họ chẳng phải còn cao hơn cả Tung Sơn, Thái Sơn, còn sâu hơn cả sông sâu biển rộng hay sao? Con người nếu trong lòng luôn mang ý tốt ắt sẽ được thiện báo, nếu trong lòng luôn mang ý ác sẽ được ác báo. Chưa từng có kẻ không trồng ngũ cốc mà thu được ngũ cốc, cũng chưa từng có kẻ chuyên làm việc xấu mà đạt đến sự hạnh phúc vậy”.[8]

Theo Mâu Tử, linh hồn là một hình thức tồn tại thực tế của vật chất, sau khi người ta chết đi, người trong nhà sẽ trèo lên mái nhà để gọi hồn, lại đem bài vị của người chết vào cúng tế nơi tông miếu… tất cả những điều này đều chứng tỏ linh hồn thực sự tồn tại. Tất nhiên sự tồn tại của linh hồn không giống như thể xác, thể xác như cội lá, linh hồn như hạt giống, thể xác đến một thời điểm nhất định sẽ thối rữa còn linh hồn thì không bao giờ mất đi. Vì linh hồn bất diệt, cho nên những việc thiện ác do con người ta làm kết quả đều có thiện ác báo ứng. Chủ trương “linh hồn bất diệt” và “thiện ác báo ứng” của Mâu Tử rõ ràng có sự khác biệt nhất định với thuyết nhân quả báo ứng nguyên thủy của Phật Giáo, nó có phần mang dáng dấp của thuyết “thiện ác khánh ương” (làm việc thiện được báo đáp, làm việc ác sẽ gặp họa) từng xuất hiện rất sớm trong truyền thống văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra, có thể dễ dàng thấy rằng, thông qua quan niệm truyền thống về thiện ác trong văn hóa Trung Quốc để tiếp nhận thuyết nhân quả báo ứng của nhà Phật là cách làm thường thấy ở Phật Giáo Giao Châu giai đoạn Hán – Tam Quốc; ngay cả Khương Tăng Hội (? – 280) sau này cũng chủ trương cách làm này, nhưng khởi điểm của nó có lẽ sớm nhất phải truy đến Mâu Tử và Phật Giáo Luy Lâu giai đoạn đầu công nguyên.

  1. KẾT LUẬN

Tóm lại, Lý Hoặc Luận của Mâu Tử dẫu rằng đã được rất nhiều thế hệ học giả nổi tiếng trên thế giới nghiên cứu và tranh luận trong suốt khoảng thời gian dài hơn một thế kỷ trở lại đây, thế nhưng cho đến nay, đặc biệt trong tình hình mới, tác phẩm vẫn còn không ít giá trị cần thiết phải thúc đẩy việc nghiên cứu, khai thác. Theo chúng tôi giá trị của Lý Hoặc Luận trong bối cảnh trước mắt có thể quy về hai hướng sau đây:

Về giá trị học thuật, trên cơ sở khéo léo giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giữa Nho Giáo, Phật Giáo và Đạo Giáo (bao gồm Đạo gia) trong bối cảnh xã hội Giao Châu, đích xác là trung tâm Phật Giáo Luy Lâu ở cuối thế kỷ II sau Công nguyên, Lý Hoặc Luận không chỉ đánh dấu mốc khởi điểm trong quan hệ Tam Giáo, mà còn định hình nội dung cơ bản, cách xử lý mâu thuẫn cũng như vai trò của từng tôn giáo trong mối quan hệ này ở Việt Nam và Trung Quốc. Từ cơ sở làm rõ những vấn đề nêu trên, tiếp tục tiến tới nghiên cứu không gian tôn giáo trong không gian văn hóa nói chung của xã hội Giao Chỉ giai đoạn cuối thế kỷ II sau công nguyên, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của Giao Chỉ, đặc biệt là trung tâm Phật Giáo Luy Lâu trong việc truyền bá Phật Giáo vào Trung Quốc giai đoạn sau công nguyên. Ngoài ra, tinh thần bất bạo động, không tuyệt đối hóa vấn đề, luôn tìm cách khéo léo gỡ rối, giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình, đồng thời không quên khẳng định tính ưu việt của mình trong quá trình đó, cũng là một trong những vấn đề thú vị, giàu giá trị học thuật cần thiết phải thúc đẩy nghiên cứu.

Về giá trị thực tiễn, từ thực tế truyền bá Phật Giáo, một tôn giáo ngoại lai không ngừng truyền bá, phát triển và gắn chặt vào một nền văn hóa khác, chúng ta hoàn toàn có thể xem chúng là những bài học kinh nghiệm, ứng dụng trực tiếp vào thực tế tiếp xúc tôn giáo, tiếp xúc văn hóa, thậm chí bao gồm cả ở lĩnh vực ngoại giao, quan hệ quốc tế của đất nước./.

NGUYỄN ĐÌNH PHỨC

[1] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 9, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 6-7.

[2] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 10, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 7-8.

[3] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 11, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 8.

[4] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 14, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 10-11.

[5] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 14, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 10-11.

[6] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 12, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 9.

[7] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 13, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 9-10.

[8] Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, chương 17, in trong Mâu Tử Tùng Tàn Tân Biên, Châu Thiệu Lương biên tập, Trung Hoa Thư Cục xuất bản, 2001, trang 13.

Tượng Mâu Tử (Mâu Bác)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.