– Quách Thị Trang (1948-1963), pháp danh Diệu Nghiêm, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1948 tại làng Cổ Khúc, xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình; là một nữ sinh (trường Trung học Tư Thục Trường Sơn, Sài Gòn) và là Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử (GĐPT Minh Tâm), tham gia cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh do Ủy Ban Chỉ Đạo Học Sinh Liên Trường tổ chức nhằm phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo, tấn công chùa chiền, bắt bớ, giam cầm tu sĩ và phản đối lệnh “Thiết quân luật” của Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã bị nhà chức trách bắn chết ngày 25 tháng 8 năm 1963 tại trước bùng binh chợ Bến Thành, thủ đô Sài Gòn.
– Ngay sau cuộc đảo chính 1/11/1963 tại Nam Việt Nam, công chúng Sài Gòn đã bắt đầu gọi nơi đây là “Bùng binh Quách Thị Trang”; “Công viên Quách Thị Trang” để tôn vinh chị, thay cho tên gọi chính thức trước đó là “Công trường Diên Hồng”.
– Đầu tháng 8 năm 1964, để tưởng nhớ Quách Thị Trang, Đoàn Thanh Niên Liên Giáo của Hội Sinh Viên Học Sinh đã lập một “Ủy Ban Kiến Tạo Đài Kỷ Niệm Quách Thị Trang” do sinh viên Vũ Quang Hùng làm Trưởng ban, hai sinh viên Thanh Hùng (Đoàn Sinh Viên Phật Tử) và Đào Đức Long (Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Công Giáo) làm phó ban, đã tổ chức quyên góp để tạc tượng Trang.
– Ngày 25 tháng 8, ngày lễ Tiểu Tường – đúng một năm Trang bị thảm sát – nhân trong một cuộc biểu tình lớn, tượng Nữ sinh Quách Thị Trang được anh chị em sinh viên dựng ngay ở gần nơi Trang gục ngả, tức ngay tại bùng binh, trước cửa chính chợ Bến Thành, thủ đô Sài Gòn.
– Năm 1965, được sự đồng ý của Chính phủ do Tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử Thượng Tọa Thích Mãn Giác thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện, nhân danh Tổng Vụ Thanh Niên đặt một tấm biển đồng ghi dòng chữ “Liệt Nữ Quách Thị Trang” nơi bệ tượng. Năm 1970, tấm biển đồng lại được Tổng Vụ Thanh Niên chỉnh trang.
Cùng trong năm 1965 khi kiến tạo tượng đài Danh tướng Trần Nguyên Hãn, vị trí tượng đài kỷ niệm Quách Thị Trang tọa lạc kế bên tượng đài vị Danh tướng, phía mặt trước, và từ đó khối kiến trúc 2 tượng đài lịch sử này tại Công viên Quách Thị Trang như gắn liền với biểu tượng chợ Bến Thành, đã trở thành quen thuộc, thân thương với công chúng thủ đô Sài Gòn và với những ai lui tới khu trung tâm Sài Gòn.
– Sau 1975, Chính phủ CHXHCN Việt Nam cũng công nhận Quách Thị Trang là “Liệt sĩ” và đặt tên lại khu vực nơi Trang ngã xuống là Quảng trường Quách Thị Trang.
– Sắp tới đây, người ta sẽ dẹp tượng đài – hay nói một cách văn vẽ là di dời – chưa biết vào vị trí nào (có thông tin chưa rõ là đưa vào… viện bảo tàng), xóa sổ một không gian thân thiết gắn liền với một sự kiện, một thời điểm bi hùng của Thanh niên, Sinh viên, Học sinh, Phật Tử… hay nói chung là của tuổi trẻ tranh đấu Việt Nam!
oOo
Video clip do Lam Viên Quang Mai (Thư Viện GĐPT) ghi lại sáng ngày 4.8.2014, khi cùng em Lý Minh Triết (Huynh Trưởng GĐPT Sài Gòn) đến đặt hoa kính viếng bên tượng đài Chị trước ngày tượng đài Liệt nữ Thánh Tử Đạo Quách Thị Trang – một biểu tượng ý nghĩa của Sài Gòn – sẽ bị dẹp khỏi quảng trường mang tên Chị trước Chợ Bến Thành.