Dầm mưa dãi gió lặn lội hơn 130km về tham dự một buổi lễ “công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì” đã nhận lời mời từ trước, nhưng tôi lại quyết định quay ra nằm nghỉ ở căn nhà gần đó chứ không quay lại vào chùa dự lễ. Lý do?
Tuy khá quý mến Sư Cô tân trụ trì và thương yêu anh chị em Gia Đình Phật Tử sở tại nhưng tôi không đè nén nỗi sự khó chịu của cái bản tính cá nhân mình khi nhìn thấy những chuyện trái lòng và theo suy nghỉ thiển cận của tôi e là trái với cả chánh pháp.
Buổi lễ được tổ chức hết sức chu đáo – chu đáo đến quá mức cần thiết – và đúng nghĩa theo cách nói hiện nay là vô cùng “hoành tráng”. Cờ xí rợp trời; band de roll, biểu ngữ giăng giăng; khán đài to và rất đẹp; hoa tươi rực rỡ và nhiều ơi là nhiều… Ban Cung Nghinh nghiêm chỉnh với đầy đủ nghi vệ, tàn lọng; có cả một đội lân múa rộn ràng ngoài lộ chờ chào đón từng xe, từng xe chở chư Tăng, chư Ni và đón cả xe chở quý đạo hữu Phật Tử, quan khách các nơi về dự lễ. Giá như pháo không bị cấm thì thêm tiếng pháo đì đoàng ầm ỉ nữa là xứng đáng một “lễ hội” náo nhiệt làm nức lòng đồng bào Phật Tử trong địa phương và Phật Tử các nơi về “phó hội”.
Trên khán đài hành lễ treo cờ kết hoa lộng lẫy, 2 bên tấm phông tuyệt đẹp là 2 lá cờ phướn – không chỉ Giáo kỳ mà còn thấy cả Quốc kỳ – nhưng tôi cố tình để ý tìm mãi mà vẫn không thấy đâu tượng Bổn Sư hay một tượng Phật nào khác. Hàng ghế dành cho Hội Đồng Chứng Minh và Chư Tôn Đức Tăng-già ngay ngắn, uy nghiêm.
Rất đẹp và trang trọng nhưng… thiếu một tôn tượng Phật!
Kế ngay dưới khán đài, một chiếc bàn trải khăn vàng, trên bàn bên cạnh dĩa hoa tươi to tướng tuyệt đẹp trang trọng đặt tấm biển màu vàng lớn in theo lối công nghệ hiện đại – như kiểu bằng tuyên dương hay kỷ niệm chương – nội dung “Quyết định bổ nhiệm Trụ Trì”. Tấm biển này hẳn sẽ được vị Giáo phẩm cao nhất đại diện Giáo Hội chứng minh buổi lễ trao cho Sư Cô tân trụ trì. Tôi đoán vậy và diễn tiến chương trình lễ sau đó đã đúng y như vậy.
Theo chương trình trong thư mời thì đồng thời trong dịp “Lễ công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì” này còn có Trai Đàn Bạt Độ Chẩn Tế và Cúng Dường Trai Tăng, nhưng trong giờ phút tôi có mặt tại đó thì mọi sự chuẩn bị đều tất bật hướng về trọng tâm buổi lễ “công bố quyết định”. Đó âu cũng là chuyện dĩ nhiên, giờ nào việc ấy mà thôi.
Tóm lại, mọi sự chuẩn bị, sắp xếp, tổ chức thật hoàn hảo và… đẹp như mơ, rất đáng hoan hỷ, tán thán.
Vậy nhưng sao tôi thấy tâm mình cứ dấy lên cái tạp niệm có gì đó không ổn nhỉ?
Không chỉ ở đây mà ở nhiều buổi lễ khác tương tự – tuy với tên gọi buổi lễ có khác nhau chút đỉnh, khiêm tốn hơn, hoặc phô trương hơn (bằng các từ ngữ rất kêu: “đăng quang”, “tấn phong”, “thụ phong”, “công bố quyết định” !!!) mà mỗi khi chứng kiến mục sở thị hay nghe thấy, đọc thấy là tôi cứ tự hỏi mình: Chi phí một buổi lễ như vậy tốn kém hết bao nhiêu nhỉ? 50 triệu, trên 50 triệu, hay nhiều hơn nữa? Mới đây thôi, tôi vừa được biết một ngôi chùa cũng trong cùng địa phương ấy đã chi phí cho buổi lễ tương tự với số tiền xấp xỉ trên dưới… 1 tỷ đồng, số khách mời tham dự “lễ bổ nhiệm” ấy dự trù chừng khoảng trên 2.000 người từ nhiều địa phương rất xa xôi đến dự lễ.
Những tấm biển in, khắc cho các lễ bổ nhiệm.
Điều băn khoăn hơn cho tôi là giá như một ngôi đại tự bề thế và tình trạng “tài chánh nhà chùa” đầy đủ, thoải mái thì có khi chưa là vấn đề. Hiềm nỗi ngôi chùa tổ chức lễ đề cập ở đầu bài viết này nếu chỉ nói về quy mô, hình thức, cấu trúc xây dựng thì quả thật rất khiêm tốn. Chùa đang trong tình trạng đơn sơ và khá… nghèo trong một địa phương cũng chưa lấy gì gọi là giàu có; ngôi Phật tự chỉ như một Niệm Phật Đường vừa phải với không gian chánh điện chừng 40-45m2, không đủ chỗ cho Phật Tử vào trong mỗi khi có lễ lớn; tường mỏng, mái thấp, chưa có tiền đường, tam quan, lầu chuông, gác trống gì. Trong chùa, đại hồng chung, đại cổ, chuông gia trì, mõ và các pháp khí khác đều thuộc loại “khiêm nhường” nhất. Vốn sinh hoạt khá gần gũi với nơi này, tôi còn biết khi cần xây dựng một công trình phụ tối cần thiết nào đó, Sư Cô và Phật Tử trong chùa luôn phải đắn đo, tính toán và… vận động đóng góp… và mua nợ của Phật Tử quen biết hằng tâm hằng sản trong hoặc ngoài địa phương bản tự.
Vậy thì tổ chức một buổi lễ “hoành tráng” và tốn kém như thế để làm gì nhỉ? Sư Cô và các Đạo Hữu quan niệm sẽ “lấy thu bù chi” chăng? Thì tổ chức “vừa vừa” thôi cũng đâu chết ai? Quan khách và Phật Tử đến tham dự lễ có tâm cúng dường vẫn cứ cúng dường vậy? Số hiện kim họ cúng dường còn lại sẽ chi vào những việc nhiêu ích như xây dựng tự viện, thỉnh kinh sách, pháp khí pháp tự, hổ trợ con em Phật Tử – mà cụ thể là đang có một Gia Đình Phật Tử sinh hoạt tại đây – có điều kiện tu học, sinh hoạt nhằm gầy dựng những mầm non Đạo pháp, những đạo hữu kế thừa để duy trì và bảo tồn ngôi chùa trong tương lai và trong số đó có thể là có cả những vị trụ trì trong tương lai. Số hiện kim ấy sẽ không phải chi trả những phí tổn cho một buổi lễ “hoành tráng hơn sự cần thiết” như trên (mà rất có thể nhà chùa sẽ “mang nợ” sau đó).
Tôi cứ loay hoay không thôi với suy nghĩ một buổi lễ ở một chùa như vậy thì tổn phí bao nhiêu? nhiều chùa như vậy sẽ tổn phí bao nhiêu? (tôi chỉ nói tổn phí chứ không dám nói đến tổn phước!). Phải chi đây là một lễ khánh thành ngôi Phật tự khang trang hay an vị một tôn tượng to lớn thì tôi chắc sẽ không chút băn khoăn mà còn thực tâm vô cùng hoan hỷ.
Đó là vì trong thời buổi nhiễu nhương, “tài chánh là huyết mạch” nên tôi đặt vấn đề chi phí lên trước một cách có phần quái gỡ, kỳ cục. Còn nội dung, mục đích và ý nghĩa? Xin đê đầu sám hối Chư Tôn Giới Đức Tăng-già và kính cẩn nghiêng mình tạ tội Quý Thiện Hữu Tri Thức là tôi không dám lạm bàn vào lĩnh vực tế nhị và quá ư nhạy cảm này.
Đoàn lân ngũ sắc chào mừng trong một lễ bổ nhiệm.
Tôi lẫn thẩn nhớ lại trước đây, một Thầy hay Cô được bổ nhiệm về trụ trì một ngôi chùa, một tự viện, một tòng lâm nào đó, thường chỉ tổ chức một buổi Lễ Nhập Tự trong không gian trang nghiêm và thực sự thanh tịnh – dưới sự chứng kiến của vị Bổn Sư và/hoặc Chư Tăng, Ni đại diện Giáo Hội – trước là để Thầy/Cô tân trụ trì ấy phát nguyện trước Tam Bảo thọ lãnh sứ mạng trụ trì ngôi nhà Như Lai và hướng dẫn tín đồ tu học theo chánh pháp; sau là ra mắt với Tăng chúng hay Ni chúng và đồng bào Phật Tử tại địa phương bản tự để chính thức “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, hoằng dương đạo pháp tại địa phương quản hạt. Lễ lượt đơn giản là vậy mà những Thầy, Cô trụ trì ấy sau đó không những chỉ hướng dẫn cho nhiều tín đồ sơ cơ trở thành Phật Tử thuần thành; quy y – truyền giới cho nhiều người khác trở thành đệ tử nhà Phật, mà còn đào tạo nên nhiều bậc Tăng tài làm xương minh đạo pháp, làm rạng rỡ Tông môn Pháp phái trong ngôi nhà chung Phật Giáo.
Thế nhưng các vị ấy khi xây dựng quang huy ngôi Phật tự mình đang trụ trì rồi, nếu có một nơi biên địa nào khác cần đến, liền sắp xếp giao lại cho ai đó trong Tăng chúng, Ni chúng hay Phật Tử địa phương quản trị toàn bộ tòng lâm và tiếp tục sinh hoạt, tu học; rồi nhẹ nhàng “ba y một bát” tìm đến nơi trú xứ mới cần mình hơn để lại phát nguyện, lại cần cù khổ nhọc kiến thiết hay tái thiết…, thậm chí có ngài khai sơn hằng chục chốn tòng lâm về sau trở thành danh tiếng mà chẳng chịu mang danh nghĩa trụ trì một ngôi chùa nào. Có lẽ đó là lý do lúc bấy giờ quý Thầy, quý Cô cứ tự xưng là trú trì chứ ít xưng là trụ trì; gọi nơi mình đang ở là trú xứ thay vì trụ xứ chăng? Điều này thì thật tình tôi rất lơ mơ, không hiểu biết nhiều.
Tôi lại vẫn vơ suy nghĩ gàn dỡ hơn: Hai tòa tháp đôi WTC của Hoa Kỳ sụp đổ, trên thế giới trong vòng 20, 30 năm sau hẳn sẽ có vài chục tháp đôi tương tự mọc lên. Hai tượng Phật nổi tiếng lâu đời ở Afghanistan bị Taliban triệt phá không còn dấu tích, nhưng ở Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới đã bắt đầu phục chế lại những công trình kỷ niệm tương tự. Quy luật thành – trụ – hoại – diệt xoay vòng hiển hiện quá rõ ràng trước mắt. Hà cớ gì cứ lao tâm phải “bám chắc” lấy cái nhà vật chất (bằng tranh tre mây lá hay bê-tông cốt thép cũng vậy) ấy? Mắc mớ chi cứ khổ trí phải “nắm chặt” lấy tờ quyết định bổ nhiệm vô tri vô giác ấy? Phát tâm lập nguyện kiến thiết, xây dựng ngôi Phật tự trở thành chốn Già Lam tôn nghiêm, thanh nhả và phải bảo vệ ngôi nhà Như Lai như giữ gìn con ngươi trong mắt để hoằng dương chánh pháp – dù trong lúc an bình hay trước sóng gió của vô minh, ngoại đạo – là cần thiết, là sứ mạng; nhưng có nên chăng “bám chắc, nắm chặt” lấy những thứ vật chất thế gian tầm thường vì ảo tưởng nó là của ta, do ta, nhờ có ta… bởi cái cá thể đầy bản ngã của mình? Tư duy ấy, quan niệm ấy e rằng chắc chắn sẽ gây ra đủ thứ lục đục, rối rắm, mâu thuẫn, chia rẻ; biến “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” thành ngôi nhà lửa đầy phiền não, nguy hiểm, ngay trong hiện tại và ngay trong vùng đất Phật lẽ ra phải thanh tịnh, hòa hợp, thương yêu chỉ vì tâm tưởng, hành vi thiên lệch của từng cá thể hay cả một tập thể.
Những giây phút thật “hoành tráng” trong một lễ “đăng quang trụ trì”.
Chẳng phải hiện nay chúng ta đã quá lạm xưng chữ nghĩa khi sử dụng các tên gọi “đao to búa lớn” để nói về một tờ quyết định bổ nhiệm mang tính chất hành chánh, và phung phí tiền bạc thập phương tín thí vào những buổi lễ rình rang cũng để chỉ nhận một tờ quyết định mang tính chất hành chánh, hơn là việc phát nguyện trước chư Phật, chư Bồ Tát, trước Thầy Tổ và Sơn Môn, Giáo Hội là mình sẽ thọ lãnh trọng trách trụ trì, để khi đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai làm người sứ giả trụ Pháp Vương gia – trì Như Lai tạng, sẽ thành tâm toàn ý tác Như Lai sứ – hành Như Lai sự như thế nào mà bảo tồn và làm quang huy được ngôi nhà Như Lai, xương minh được giáo pháp Như Lai hay sao? Mười phương ba đời Chư Phật dạy vạn pháp vô thường, nay còn mai mất, vậy thì ngôi chùa vật chất hay tờ quyết định hành chánh ấy há lại thường còn – trước hết là với Thầy, Cô đương kim trụ trì ấy – hay sao, để mà chúng ta phải hao tâm tổn trí chạy theo hình thức, phung phí tịnh tài tịnh vật của Đàn na – Tín chủ?
Và rồi sau khi những lễ “đăng quang”, “tấn phong”, “bổ nhiệm” uy nghi, hoành tráng và… “ồn ào” ấy kết thúc thì sao nữa?
Hãy nghe tâm sự của một Cư Sĩ về hoa… rác:
Mỗi khi đi qua những cơ sở Phật Giáo những ngày sau lễ, rất dễ thấy hoa tươi thành rác bó thành những bó lớn chờ xe rác đem đi đổ bỏ.
Đó là kết cục tất nhiên của những buổi lễ Phật Giáo đầy hoa tươi: Lẵng hoa, bó hoa, bình hoa, hoa cắm trên bàn, trên bục, trên cả tay vịn cầu thang, khung cửa… Có cuộc lễ nhìn sơ qua có thể ước tính nhiều triệu đồng tiền hoa để chưng bày, làm đẹp, nhìn cho thích mắt.
Nhưng khi hoa đã thành rác để trước cửa chùa thì thật là phản cảm, làm hiện ra một bộ mặt Phật Giáo xa xỉ, hình thức, tiêu pha…
Nhìn những người đi qua chùa ném những cái nhìn khó chịu, bất bình về những đám rác trước cửa thiền, quả thật làm người Phật Tử không khỏi áy náy. Nhưng cũng không dám nói, vì phải chăng những người dự lễ yêu thích hoa, biết thưởng thức hoa, thuộc về đẳng cấp giao lưu bằng hoa? Mình nói ra thì không giống ai!
(CS. Minh Thạnh – Báo động tình trạng lãng phí hoa trong các sự kiện Phật Giáo – http://phatgiao.org.vn)
Những lẵng hoa “đồ sộ”…
và các đoàn dâng hoa kiều diễm…
…với “xiêm y” vô cùng “rực rỡ”.
Và đây lả lời dạy của một Tăng Sĩ về “tiền chùa”:
Tiền chùa là của tất cả mọi người mang đến để xây dựng nên công đức, nếu như người trụ trì nói riêng, các vị sư nói chung mà tiêu tiền đó không cẩn thận thì phạm giới luật, phạm tội, vi phạm tội trộm của Tam Bảo.
Tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt, tiền công sức của mỗi người; người giàu có thì đã đành, nhưng người nghèo vì tín tâm vẫn mang đến mà mình chi tiêu không cẩn thận thì sẽ chịu luật nhân quả, chịu sự quả báo.
(Hòa Thượng Bảo Nghiêm – http://vnmedia.vn/)
Lúc Đức Phật còn tại thế, có một vị đệ tử được người ta cúng dường quần áo, mặc chỉ hai ba hôm là đã dơ bẩn, rách rưới; lúc ăn cơm, bát cơm chưa vét hết đã đứng dậy mà đi, không hề biết giữ gìn tiếc rẻ vật dụng.
Một hôm, Đức Phật bảo người này hãy cởi bỏ áo cà-sa, mặc đồ như người thế tục mà vào thành khất thực. Khi ông vào thành, những người lúc trước vẫn thường cúng dường ông thì hôm nay thấy ông, ai cũng nhất định không chịu cúng dường. Vừa thấy ông trở về, Đức Phật hỏi:
– Hôm nay ông được cúng dường những gì?
– Bạch Thế Tôn, hôm nay con không nhận được gì hết. Xin Thế Tôn cho con mặc áo cà-sa trở lại.
– Ta cũng định trả lại cho ông tấm áo cà-sa mà ông gởi cho ta giữ, nhưng lại quên mất để nó ở chỗ nào. Thôi thì ở đây có mớ bông gòn, ông có thể lấy mà tự may áo cà-sa mặc cũng được.
Đức Phật giao cho vị đệ tử này một bó bông gòn. Ông cầm lấy tự nghĩ, làm sao mà may áo với những thứ này? Ông hỏi với một giọng châm biếm:
– Bạch Thế Tôn, con không phải là nhà ảo thuật, làm sao có thể may áo cà-sa với mớ bông gòn này?
Phật dạy:
– Áo cà-sa từ ban đầu cũng là do bông gòn mà làm thành, không cần phải là nhà ảo thuật mới có thể làm được. Có một vài công việc cố định phải làm, và ai cũng có thể làm. Nhưng để biến bông gòn thành vải phải mất rất nhiều công lao gian khổ; phải hái bông gòn, kéo thành sợi, dệt thành vải, sau đó cắt may mới thành được một tấm cà-sa. Áo cà sa mà ông đang cần đó, phải làm như thế mới có được.
Người này kinh ngạc hỏi:
– Trời ơi! Phiền phức đến thế sao?
– Phải rồi, muốn làm thành một tấm cà-sa phải trải qua bấy nhiêu đó gian khổ. Vì thế ông phải biết gìn giữ đồ vật. Và không phải chỉ có quần áo mà thôi đâu. Ta thấy ông ăn cơm cũng phí phạm như thế. Ông phải biết, một hạt thóc là do người nông phu phải cực nhọc làm lụng mà có. Muốn có hạt thóc ấy để nấu thành cơm, thì phải gieo mạ, nhặt cỏ, bỏ phân, tưới tẩm… Chúng ta được sống qua ngày một cách an ổn như thế này là do sự giúp đỡ của rất nhiều người. Chúng ta không nên quên lãng ân huệ ấy, mà phải dùng cái tâm tri ân để giữ gìn đồ đạc mà họ cúng dường cho chúng ta, và lấy sự tu hành chuyên cần để báo đáp ơn thí chủ.
Thật ra. mọi thứ tài sản châu báu, của cải nơi thế gian đối với Đức Phật đều chẳng có giá trị gì; nhưng dầu là một cọng cỏ, một nhánh cây trên thế gian này, không có vật gì là Ngài không cẩn thận gìn giữ. Đó là vì Ngài luôn hiểu và trân trọng công sức cũng như tấm lòng của những người đã làm ra những tài vật ấy. Vì thế, phàm là đệ tử Phật thì không thể không ghi nhớ những lời dạy sâu sắc của Ngài.
QUANG MAI
@ Mọi hình ảnh trong bài đều chỉ mang tính chất minh họa và không được đẹp do đã bị xóa tên chùa, địa phương cũng như “che” các hình ảnh cá nhân có thể gây hiểu lầm.
Ngoài đời đã vậy, nay lan qua cả đạo, chỉ vì sức mạnh vật chất, tiền đã chi phối và làm băng hoại tất cả. Cảnh tỉnh chưa đủ để thay đổi!