A. GIỚI THIỆU :
Nghi lễ là một pháp môn hay phương tiện dẫn dắt đời sống tinh thần con người đạt đến nguồn chánh tín cứu cánh, hoằng hoá lợi sanh để đưa con người vào Đạo một cách dễ dàng.
B. NỘI DUNG :
I. ĐỊNH NGHĨA :
* Nghi : là những phương thức biểu lộ sự cung kính một cách trang nghiêm đối với Tam bảo hay để truy tiến báo ân đối với các đấng cao cả mà mình tôn thờ.
* Lễ : là một hình thức sinh họat truyền thống có giá trị tâm linh nhằm đánh dấu những thời điểm quan trọng trong cuộc đời tu tập và sinh hoạt của một Đoàn sinh và Huynh trưởng trong tổ chức.
Tóm lại : Nghi lễ là chỉ chung cho nghi thức tụng niệm, cũng như phương thức hành lễ sinh hoạt trong phạm vi tín ngưỡng của một tôn giáo.
II. GIÁ TRỊ VÀ MỤC ĐÍCH :
Bất cứ một tôn giáo nào cũng phải có những hình thức nghi lễ để tiêu biểu tinh thần đạo vị của mình, mặc dù trên hình thức âm điệu của mỗi đạo giáo có phần sai khác nhưng mục đích vẫn là chí thành cầu nguyện, tán thán vị giáo chủ mà mình đã quy ngưỡng tôn thờ.
Đạo Phật không phải là một tôn giáo chỉ chú trọng về phương diện nghi lễ, nhưng là bước đầu của quy hướng, nhờ có nghi lễ mà đưa người vào Đạo một cách dễ dàng.
Vậy nghi lễ là một pháp môn hoằng đạo rất đắc lực, do pháp môn này nhiên hậu chúng ta lần lượt đưa con người vào chỗ hiểu đúng giá trị cao siêu, lợi ích rộng lớn của Đạo Phật.
III. PHƯƠNG TIỆN HỖ TƯƠNG TRONG NGHI LỄ:
Mỗi khi hành lễ, muốn được hoà điệu âm thanh nhịp nhàng, tăng phần trang nghiêm cảm ứng, đưa người trở về trong tâm thức của ý nghĩa “ Đạo Giáo nan tư nghì ”. Đó là sự giao cảm thiêng liêng giữa chúng sanh và chư Phật. Chúng ta cần phải có những pháp khí để làm phương tiện hỗ tương trong những khoá lễ như Đại hồng chung, chuông mỏ, khánh, linh . v.v. . .
IV. TƯ CÁCH CỦA NGƯỜI HÀNH LỄ VÀ KHI HÀNH LỄ :
1. Người chủ lễ và đại chúng :
Phải thành kính trong khi hành lễ, THÀNH và KÍNH là hai yếu tố cần phải có trong một buổi lễ. Phải thận trọng trong cử chỉ và hành động, tâm phải chuyên chú hướng lên chân dung đức Phật, để tạo sự trang nghiêm trong đạo tràng, mới không làm mọi gười chung quanh tán loạn và mất tín tâm.
2. Nghi thức hành lễ đúng quy định :
Gia Đình Phật Tử áp dụng nghi lễ thống nhất, do đó chúng ta phải theo đúng nghi thức mà Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã quy định, tuỳ theo buổi lễ. Không xáo trộn và thêm bớt những bài tán tụng không đúng quy định hoặc không nói lên tinh thần của buổi lễ. Dù là một buổi lễ đơn giản, điều cần thiết là phải nói lên được tinh thần buổi lễ và tín tâm chí thành của mọi người chung quanh.
V. NHỮNG HÌNH THỨC NGHI LỄ CẦN BIẾT:
Hình thức nghi lễ đối với Phật Giáo rất nhiều, nhưng có thể tóm lược và quy định trong những hình thức như sau :
1. Trang trí thờ Phật :
Mục đích trang trí thờ Phật là để kính ngưỡng. Đức Phật là hình ảnh nhiếp thiện. Người Phật Tử thờ Phật là để tri ân và noi gương sáng của Ngài. Không nên quan niệm thờ Phật là để ỷ lại thần quyền ban ơn giáng hoạ, để cầu cạnh van xin trái với chánh Pháp. Cho nên chỉ thờ Phật và các vị Bồ Tát đầy đủ đức tướng từ bi, hỷ xả, không thờ những hình tượng thánh thần mông lung vô ý nghĩa. Tôn trí bàn thờ nơi trang nghiêm. Tại tư gia nên thờ ở căn giữa, người Phật tử còn phải thờ ông bà cha mẹ. ( Tiền Phật hậu linh ) với quan niệm tri ân báo hiếu, Pháp khí thờ tự đơn giản, tránh hình thức lố lăng.
2. Sự cúng kính :
Thờ Phật tất phải có cúng dường Phật là để tỏ lòng thành chứ không phải để cầu đảo van xin ban phước. Vì thế sự cúng kính cần phải chí thành và lễ phẩm cốt đơn giản, thanh khiết. Sự dâng lễ cúng dường gồm có 3 phần :
* Lễ phục : Y phục sạch sẽ trang nghiêm với tâm hướng thiện để tỏ lòng thành kính khi đối trước Tam Bảo ( giữ trong sạch từ thể chất đến tinh thần ). Lễ phục cốt trang nghiêm để tỏ lòng thành kính. Không nên dùng lễ phục hoa hoè, màu sắc rực rỡ. Nếu không có áo tràng có thể dùng y phục Á Đông. Riêng Gia Đình Phật Tử, vì để được đồng phục và phù hợp với tuổi trẻ nên có thể mặc đồng phục GĐPT tượng trưng cho y phục lễ.
* Lễ phẩm : Gồm hương, hoa, tịnh thuỷ, trái cây tươi tốt để cúng dường chủ yếu là ở chất lượng nơi lễ phẩm cúng dường với lòng thành, dâng cúng không nhất thiết phải có đa mâm, đa lễ như trong kinh đã dạy ( Hương hoa tịnh thuỷ biến sái Tam Thiên ).
* Lễ nhạc : Sử dụng các thứ Pháp khí và âm nhạc là để cúng dường, mục đích nhạc lễ là để nương theo âm điệu hoà với tiếng kinh để nhiếp tâm chánh niệm và nhất tâm. Không nên tạp âm thanh quá náo nhiệt ồn ào gây nên loạn tâm và mất thanh tịnh, trang nghiêm của buổi lễ.
VI. NHỮNG NGHI THỨC VÀ LỄ LƯỢC HIỆN NAY GIA ĐÌNH PHẬT TỬ ĐANG ÁP DỤNG :
1. Nghi thức :
Gồm có 07
– Nghi Tinh độ
– Nghi Cầu Siêu
– Nghi Cầu An
– Nghi Khánh Đản
– Nghi Vu Lan
– Nghi Thành Đạo
– Nghi Phổ thông.
2. Lễ lược :
– Lễ sinh nhật Đội, Chúng, Đàn và Đoàn : Kỹ niệm ngày thành lập.
– Lễ Chu niên : Kỹ niệm ngày thành lập cấp Đơn vị Gia đình trở lên.
– Lễ Phát nguyện : kết nạp Đoàn sinh để công nhận là Đoàn sinh chính thức của GĐPT Việt Nam .
– Lễ Lên Đoàn : Từ oanh vũ lên ngành Thiếu và từ ngành Thiếu lên ngành Thanh.
– Lễ gắn cấp hiệu bậc học cho Đoàn sinh : sau khi có quyết định trúng cách bậc học.
– Lễ Thọ cấp cho Huynh trưởng.
– Lễ Truyền Đăng : Tổ chức cho các Trại Huấn luyện trước khi bế mạc trại.
C. KẾT LUẬN :
Nói tóm lại, chúng ta là Phật tử, lại là một Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử thì chúng ta phải luôn luôn tinh tấn tụng niệm để sám hối, cầu an, cầu siêu với mục đích cuối cùng là hướng dẫn con người trở về cảnh giới an vui giải thoát. Do đó học và hiểu rõ ý nghĩa giá trị nghi lễ, để áp dụng đúng với ý nghĩa của nó, ngoài ra còn phải hiểu rõ được các nghi thức cũng như lễ lược đặc thù của tổ chức Gia Đình Phật Tử tức là đã áp dụng một phương tiện tốt đẹp cho công việc tu dưỡng bản thân, và cảm hoá mọi người, đưa mọi người vào đạo một cách tốt đẹp, cũng như làm cho tổ chức ngày một thăng tiến.