Ý nghĩa Vô Tân Đăng

DẪN NHẬP

Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam chúng ta chắc ai cũng đã từng  tham dự và tổ chức lễ truyền Vô Tận Đăng trong những lần phát nguyện đảm nhiệm sứ mạng và trọng trách người  Huynh Trưởng; trong lễ kết  khóa huấn luyện; trong những lần phát nguyện thọ cấp v.v… Không khí trang nghiêm của buổi lễ đã tác động rất mạnh vào tâm thức chúng ta. Từ đó lý tưởng phụng sự Phật pháp được nuôi dưỡng và tinh thần dấn thân hy sinh cho GĐPT được phát triển. Đó chính là chất liêu tâm linh quý báu mà chỉ có người  Huynh Trưởng GĐPTVN mới có duyên tiếp nhận được để hoàn chỉnh tự thân và cống hiến cho đạo pháp.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của buổi lễ Vô Tận Đăng mà các vị tiền bối sáng lập tổ chức GĐPTVN đã vận dụng rất có trí huệ, mang tính giáo dục rất cao khi đưa vào trong chương trình đào tạo và huấn luyện cho Huynh Trưởng GĐPTVN.

I/ XUẤT XỨ: KINH  DUY MA CẬT- PHẨM BỒ TÁT (Phẩm thứ tư).

Đức Phật  bảo Bồ-tát Trì Thế:

– Ông hãy đi thăm bệnh Duy-ma-cật.

Trì Thế đáp:

– Bạch Thế tôn, con không đủ khả năng để thăm bệnh ông. Con nhớ, có lần đang ở trong tĩnh thất, khi ấy Ma Ba-tuần hình trạng như Đế Thích xuất hiện cùng với mười hai ngàn thiên nữ theo sau đàn hát, đi đến chỗ con. Sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân con, họ chắp tay đứng sang một bên. Con tưởng đó là Đế Thích nên nói: “Xin chào Kiều-thi-ca (Kauśika). Dù ông đã thành tựu nhiều phước báo, nhưng không nên phóng túng. Ông nên quán ngũ dục là vô thường để tìm cầu gốc rễ thiện. Hãy tìm cầu pháp chắc thật cho thân thể, sinh mạng và tài sản này”. Ma liền nói: “Thưa Đại Chính Sỹ, xin ngài nhận lấy mười hai ngàn Thiên nữ này để hầu hạ ngài, lo việc quét dọn”. Con bảo: “Này Kiều-thi-ca, chớ đem cho Sa-môn họ Thích món quà phi pháp như vậy. Nó không thích hợp với tôi”.

Con chưa dứt lời thì Duy-ma-cật chợt đến và nói: “Nó đâu phải là Đế Thích. Nó là Ma đến quấy nhiễu ngài đấy”. Rồi ông quay sang bảo Ma: “Hãy cho ta các cô gái này. Như ta thì có thể nhận”. Ma kinh sợ, nghĩ rằng: “Duy-ma-cật có thể gây hại ta chăng?”. Nó bèn muốn ẩn hình nhưng không được. Nó vận dụng hết thần lực cũng không thể bỏ đi được. Chợt trên không có tiếng vọng xuống: “Này Ba-tuần, hãy cho ông ấy các Thiên nữ thì mới có thể đi được”. Sợ quá, Ma đành dâng hết các Thiên nữ cho Duy-ma-cật. Ông mới nói với các người nữ: “Ma đã đem các cô cho ta. Bây giờ các cô hãy phát tâm cầu vô thượng chính đẳng bồ-đề”.

Đoạn, ông tùy chỗ thích hợp giảng pháp cho họ nghe, giúp họ phát đạo ý. Ông bảo: “Các cô đã phát đạo ý, có thể tìm thấy niềm vui nơi pháp thay vì nơi ngũ dục thế gian”.

Các Thiên nữ liền hỏi ông: “Vui nơi pháp là thế nào?”.

Ông đáp: “Là vui thường tin Phật; vui muốn được nghe Pháp; vui cúng dường Tăng; và vui dứt bỏ năm dục; vui quán sát năm uẩn là kẻ thù; vui quán sát bốn đại như rắn độc; vui quán sát các nội xứ như xóm hoang; vui tùy thuận hộ trì đạo ý; vui thấy mình lợi ích cho chúng sinh; vui kính dưỡng Thầy; vui rộng rãi thực hành bố thí; vui kiên trì tịnh giới; vui nhẫn nhục khoan hòa; vui siêng tu thiện căn; vui thiền định không loạn tưởng; vui có tuệ sáng suốt sạch không cáu bẩn; vui trải rộng tâm bồ-đề; vui vượt thắng tà ma; vui nhổ gốc phiền não; vui làm thanh tịnh cõi đất Phật; vui tu tập các công đức để thành tựu thân tướng tốt đẹp; vui làm đẹp đạo tràng; vui nghe Pháp thậm thâm mà không sợ hãi; vui trong ba cửa giải thoát, không vui với phi thời tiết; vui gần gũi đồng học, vui tâm không hận thù ác hại giữa những người phi đồng học; vui ngăn ngừa bằng hữu tri thức xấu; vui khi ở gần thiện tri thức; vui vì tâm hoan hỷ thanh tịnh; vui thực hành vô lượng pháp đạo phẩm. Đó là những niềm vui nơi Pháp của Bồ-tát”.

Nghe vậy, Ma bảo các Thiên nữ: “Ta muốn các ngươi cùng ta trở về Thiên cung”.

Các Thiên nữ nói: ‘Ông đã đem chúng tôi cho Cư sĩ. Chúng tôi thấy vui nơi Chính Pháp, chẳng còn ham muốn thú vui nơi năm dục”.

Ma nói với Duy-ma-cật: “Cư sĩ hãy buông thả những Thiên nữ này. Vì Bồ-tát là người sẵn lòng ban cho tất cả những gì mình có”.

Duy-ma-cật nói: “Ta đã buông bỏ rồi. Ngươi có thể mang họ đi để hết thảy chúng sinh có thể thành tựu ước nguyện như pháp”.

Các Thiên nữ quay hỏi Duy-ma-cật: “Ở Ma cung chúng tôi phải sống như thế nào?”.

Duy-ma-cật đáp: “Này các cô, có Pháp môn được gọi là Ngọn đèn vô tận, các cô nên học. Ví như, một ngọn đèn có thể được dùng để mồi sáng hàng trăm ngàn ngọn đèn khác, do đó bóng tối sẽ được soi sáng và ánh sáng này sẽ không bao giờ tắt. Cũng vậy, các cô, một Bồ-tát dẫn đường hàng trăm ngàn chúng sinh khiến cho họ phát tâm cầu giác ngộ tối thượng; mà đạo ý của Bồ-tát không hề tắt ngúm. Cứ mỗi lần thuyết pháp là mỗi lần tăng thêm tất cả pháp thiện cho mình. Cho nên gọi là Vô Tận Đăng. Dù các cô có ở nơi cung điện của Ma, các cô hãy nên dùng pháp Vô Tận Đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của Trời khiến phát tâm cầu giác ngộ, vừa để báo Phật ân vừa làm lợi chúng sinh”.

Khi ấy các Thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân Duy-ma-cật rồi theo Ma về cung điện. Trong phút chốc họ biến mất cả. Bạch Thế Tôn, Duy-ma-cật thần thông siêu việt, biện tài và trí tuệ như vậy, con không đủ khả năng viếng thăm người.

II/TƯ TƯỞNG BẤT NHỊ: KHÔNG TÁCH LÌA BỐI CẢNH XÃ HỘI

  • Qua những lời lẽ lạ lùng của Duy-ma-cật đã nói lên khá rõ nét mối xung đột nội tâm khi quan sát bản thân giáo lý nguyên thủy của Đức Phật trong sự phát triển của thời đại lịch sử.
  • Con người không thể tách mình ra khỏi thời đại, ra khỏi trào lưu phát triển của xã hội mà mình lớn lên trong đó để tự hành đạo. Những cuộc luận đạo của Duy-ma-cật với các Đại Thanh Văn đã giới thiệu Phật pháp trên cũng một nền tảng giáo nghĩa nhưng được nhìn từ hai góc độ khác nhau, trong hai bối cảnh xã hội khác nhau.
  • Để hoàn thiện nhận thức, Duy-ma-cật đã luận đạo với các Bồ-tát trong một xu hướng xã hội khác trước. Tư tưởng Bất nhị đã được đặt trong bối cảnh phồn tạp của xã hội. Hương thơm của sen được tỏa ngát từ vũng bùn phi lý của nghị nguyên.

III/ PHÂN TÍCH Ý NGHĨA

1. Hàng Bồ-tát:

Duy-ma-cật gặp gỡ luận đạo với 4 vị Bồ-tát. Trong đó ngoại trừ Bồ-tát Di Lặc, ba vị còn lại không xuất hiện trong nhiều kinh điển lớn khác của Đại Thừa.

Trong 2 vị Bồ-tát đầu, Di Lặc ở vào địa vị cứu cánh, Quang Nghiêm Đồng Tử ở vào giai đoạn sơ phát tâm, vị nầy ta liên tưởng đến Thiện Tài Đồng Tử trong phẩm Nhập Pháp Giới, Kinh Hoa Nghiêm. 2 vị này tượng trưng cho khởi điểm và cứu cánh của Bồ-tát đạo. 2 vị sau, Trì Thế tượng trưng cho sự hoàn thiện giới đức trước sự cám dỗ của Ma. Cư sĩ Thiện Đức hoàn thiện hạnh bố thí. Nói cách khác, hai  phương diện  Trí và Bi của Đại Thừa được thể hiện qua nhân cách 4 vị Bồ-tát, vừa tại gia vừa xuất gia.

2. Ý nghĩa Trì Thế:

 Biểu tượng nhân cách của Bồ-tát Trì Thế, là vị nâng đỡ, hộ trì hay duy trì thế gian.

Bồ-tát Trì Thế được coi như biểu tượng cho phẩm chất cao nhất của Bồ-tát hàng Thập Địa. Phẩm chất đó, như vai trò sáng tạo thế gian của  các vị Thần mang sắc thái tôn giáo; ở đây, Bồ-tát hàng Thập Địa được quan niệm như là những vị sáng tạo nên các giá trị và ý nghĩa tồn tại cho thế gian. Tất nhiên, chỉ trong ý nghĩa tục đế, hay chân lý ước lệ.

3. Ý nghĩa nữ nhân:

  • Trong Kinh Duy-ma-cật thường xuất hiện trong những hình tượng nữ nhân. Chúng biểu tượng cho tính chất mâu thuẫn nội tại trong ý niệm giải thoát, để từ đó dẫn đến nhận thức về ý nghĩa giải thoát bất khả tư nghị.
  • Trong những môi trường văn hóa nhất định, nữ tính là biểu tượng cho yếu tố thẩm mỹ. Đồng thời đó cũng là hình ảnh phản diện của thẩm mỹ: tịnh và bất tịnh. Phẩm chất cao quý, dẫn đến giác ngộ và giải thoát, như trí bát-nhã, được gán cho nữ tính. Tham ái dẫn đến tái sinh, cũng được gán cho nữ tính.

4. Ý nghĩa của Ma:

  • Khi ác ma (đại biểu là Ba-tuần; Māra-Pāpīyas), có nghĩa là sát giả hay cực ác, vì nó là nguyên nhân làm đoạn thiện căn, và tội lớn nhất là chống Phật, nhiễu loạn Tăng. Nó đã thất bại, không thể chinh phục Cù-đàm với đạo quân hùng mạnh của mình, nó sai 3 người con gái đi chinh phục Thích Tôn. Các cô nói với ác ma Ba-tuần: “Chúng tôi sẽ trói người đó bằng sợi dây thừng tham ái, như trói con voi lớn trong rừng”.
  • Ở đây, Ma Ba-tuần đang thử thách bài giảng về không buông lung của Trì Thế bằng cả một đội quân Ma nữ.

5. Ý nghĩa Vô Tận Đăng:

  • Điều rất thú vị là Duy-ma-cật đã tiếp nhận đội quân Ma nữ ấy, và trao cho họ sứ mạng đi thắp ngọn đuốc soi sáng thế gian. Những ngọn đuốc ấy sẽ cháy sáng bất tuyệt. Thế gian chìm đắm trong ái dục, bị trói chặt bởi sợi dây thừng ái dục, không thể vùng thoát. Không thể bứt thoát dễ dàng được, nếu không châm ánh lửa trí tuệ lên chính những ngọn đuốc được làm bằng chất liệu ái dục ấy.

Kinh văn nói: Các thiên nữ quay hỏi Duy-ma-cật: “Ở trong cung điện của Ma, chúng tôi phải sống như thế nào?”.

Duy-ma-cật đáp: “Này các chị, có Pháp môn được gọi là Ngọn đèn vô tận;  các chị nên học… Dù các chị có ở nơi cung điện của Ma, các chị hãy nên dùng pháp Vô Tận Đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của Trời khiến phát tâm cầu giác ngộ, vừa để báo Phật ân, vừa làm lợi chúng sinh”.

IV/ HÀNH HOẠT CỦA NGỪỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN:

 – Người Huynh Trưởng qua nhân cách của Bồ-tát Trì Thế, nhận rõ trách nhiệm của mình là nâng đỡ, hộ trì hay duy trì Phật pháp ở thế gian. Như Thắng Man với tinh thần “Nhiếp thọ chánh pháp”,  Duy-ma-cật với tinh thần “Tịnh Phật quốc độ – thành tựu chúng sinh”.

– Sứ mệnh giáo dục mà GĐPTVN đảm nhận đối với dân tộc được thể hiện qua đối tượng là tầng lớp thanh thiếu niên, con em của những  người Phật Tử chân chính; và trên bối cảnh xã hội mang sắc thái văn hóa dân tộc Việt Nam nên cũng có những thuận duyên và nghịch duyên. Thuận duyên là tư tưởng đạo Phật phù hợp với tâm tư, tình cảm, truyền thống tín ngưỡng của người Việt Nam. Nghịch duyên thì thời nào cũng có, từ thời Đức Phật cũng đã có, nên Thắng Man phát nguyện:

“Bạch Thế Tôn, lại nữa, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chính pháp, khi Chính pháp gần tiêu diệt, bấy giờ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kết thành bè đảng, tranh tụng, phá hoại, ly tán, thì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy bằng sự không siểm khúc, không dối trá, không hư ngụy, mến mộ Chính pháp, nhiếp thọ Chính pháp, tham dự trong những bằng hữu của Chính pháp. Những ai tham dự trong những bằng hữu của Chính pháp sẽ được các đức Phật thọ ký”.

“Bạch Thế Tôn, con thấy sự nhiếp thọ Chính pháp có sức mạnh lớn như vậy. Phật là con mắt chân thật, là trí chân thật, là gốc rễ của pháp, là bậc thấu suốt pháp, là nơi nương tựa của Chính pháp, tất nhiên cũng biết và thấy như vậy”.

– Người Huynh Trưởng nên sống với tâm tư như vậy. Được như thế, lưới Ma (danh lợi) không xói mòn và gây chướng ngại lý tưởng phụng sự đạo pháp được. Và Vô Tận Đăng chính là ánh sáng vô tận, đó là ánh sáng Tuệ giác từ bản tâm người Phật Tử có tu học, có hành trì, có quán chiếu nội tâm. Lúc đó mới có nhân duyên lan tỏa khắp, làm lợi lạc quần sinh.

V/ CON ĐƯỜNG BỒ-TÁT ĐẠO

– Trong hình tướng xuất gia, dù ở vào hàng Thập Địa, Trì Thế vẫn không thể tiếp nhận đội quân ấy như Duy-ma-cật. Cho nên, người Huynh Trưởng, gần như là một Bồ-tát tại gia, cũng cần phải cảnh giác thế gian về Ma sự. Không thể để cho lòng  nhiệt tâm hộ trì Phật pháp  của mình trở thành yếu tố làm sụp đổ chính mình.

– Giữa Duy-ma-cật, Bồ-tát cư sĩ tại gia; và Trì Thế là hàng Bồ-tát xuất gia, giải thoát bất tư nghị là gì? Không thể có một mô hình hành hoạt chung cho hai giới. Tuy nhiên, điểm chung là: Tự tính của các pháp bản lai thanh tịnh. Bằng chất liệu ô nhiễm của thế gian mà thắp lên ánh sáng thanh tịnh vi diệu cho thế gian, Bồ-tát xây dựng cõi Phật thanh tịnh từ chính những môi trường ô nhiễm bất tịnh.

Tỳ-kheo THÍCH NHUẬN CHÂU
Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPTVN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.