365 Lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ:
Quyển sách “365 Lời Khuyên Tâm Huyết Của Đức Đạt-lai Lạt-ma – Cẩm Nang Cho Cuộc Sống Ngày Nay” (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này – gồm 53 câu thay vì 365 câu – cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 (“Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma”, Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là “Dalai Lama – Conseils du coeur”, Pocket, 2003). Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ nhất gồm toàn bộ 365 câu, là vào năm 2017. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây được dựa vào ấn bản mới này. Người đọc cũng có thể tham khảo bản tiếng Anh của quyển sách này: “365 Dalai-Lama: Daily Advice From The Heart” (Hampton Roads Publishing Company, 2012).
Các câu “suy tư” trong quyển sách này chính thật là những “lời khuyên”, giúp chúng ta biến cải chính mình hầu đối phó hay thích nghi với mọi cảnh huống trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ trên thân xác đến bên trong nội tâm mình. Những lời khuyên rất thiết thực nhưng cũng thật thâm sâu này của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhà sư Matthieu Ricard trực tiếp ghi chép bằng tiếng Tây Tạng, và sau đó đã được học giả Christian Bruyat dịch sang tiếng Pháp.
Nếu nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì tín ngưỡng đó không hề bị ám ảnh bởi cái chết và những lời hứa hẹn phía sau cái chết, bởi vì đối với Phật giáo thì cái chết cũng chỉ là một thành phần của sự sống mà thôi. Những lời khuyên trong quyển sách này nhất thiết chỉ nói lên sự sống đó với tất cả các khía cạnh khó khăn cũng như thuận lợi của nó. Thật ra thì đấy cũng là những gì hiện lên bên trong tâm thức mình và trên thân xác mình trong từng ngày. Do đó chúng ta có thể xem quyển sách này như là một quyển sách “gối đầu giường”, hoặc một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mình. Mỗi khi cần phải đối phó với một nghịch cảnh hay gặp phải một vấn đề nan giải thì biết đâu chúng ta cũng có thể tìm được một vài lời khuyên trong sách để suy ngẫm hầu tìm một giải pháp thích nghi.
Quyển sách gồm tất cả năm phần:
Phần I: Suy tư về sự sống (câu 1 đến 48):
- Sự sống nói chung (1-16).
- Tuổi trẻ (17-35).
- Tuổi trưởng thành (36-42).
- Tuổi già (43-48).
Phần II. Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129):
- Đàn ông và đàn bà (49-53).
- Cuộc sống trong gia đình (54-70).
- Cuộc sống độc thân (71-74).
- Cuộc sống tập thể (75-79).
- Cuộc sống sung túc (80-92).
- Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93-97).
- Bệnh tật (98-101).
- Những Kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102-105).
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106-118).
- Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119-120).
- Nhà giam và các tù nhân (121-129).
- Đồng tính luyến ái (130-132).
Phần III. Suy tư về cuộc sống tập thể trong xã hội (câu 133 đến 181):
- Chính trị (133-139).
- Công lý (140-144).
- Tương lai thế giới (145-147).
- Giáo dục (148-150).
- Khoa học và kỹ thuật (151-153).
- Thương mại và kinh doanh (154-156).
- Nghệ thuật viết lách và nghề làm báo (157-161).
- Canh nông và môi trường (162-167).
- Chiến tranh (168-175).
- Dấn thân vì kẻ khác (176-181).
Phần IV. Suy tư về các khó khăn trong cuộc sống (câu 182 đến 304):
- Hạnh phúc (182-188).
- Bất hạnh (189-198).
- Yếm thế (199-210).
- Sợ hãi (211-215).
- Tự tử (216-219).
- Cô đơn và sự cô lập (220-229).
- Giận dữ (230-241).
- Kiềm tỏa dục vọng (242-247).
- Ganh tị và chứng ghen tuông (248-253).
- Kiêu hãnh (254-257).
- Khổ đau (258-267).
- Rụt rè (268-271).
- Do dự (272).
- Thù ghét chính mình (273-276).
- Nghiện rượu và ma túy (277-280).
- Đam mê tình ái (281-285).
- Thiếu suy nghĩ (286-289).
- Tính hay nói xấu (290-294).
- Tính độc ác (295-303).
- Thờ ơ (304-308).
Phần V. Suy tư về cuộc sống tâm linh (câu 309 đến 365):
- Người có đức tin (309-315).
- Người vô thần (316-327).
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện (328-339).
- Người hành thiền (340).
- Đức tin (341-344).
- Các giáo phái (345-347).
- Người muốn bước theo con đường Phật Giáo (348-356).
- Việc tu tập Phật Giáo (357-365).
Phần II: SUY TƯ VỀ CÁC CẢNH HUỐNG TRONG CUỘC SỐNG
Suy tư về người đàn ông và người đàn bà
49.
Giữa người đàn ông và người đàn bà tất nhiên là có một số khác biệt về mặt thể xác. Các khác biệt này lại đưa đến một số khác biệt khác trong lãnh vực xúc cảm. Thế nhưng trên căn bản thì sự suy nghĩ, các cảm giác cũng như những đặc tính khác liên quan đến bản chất con người giữa nam và nữ đều hoàn toàn giống nhau. Nam giới thích nghi hơn với các công việc cần đến sức lực, nữ giới thì lại khéo léo hơn trong các công việc cần đến sự suy nghĩ minh bạch (cụ thể) và mau lẹ (người phụ nữ thường nhanh nhẹn hơn nam giới). Trái lại trong các lãnh vực mà sự suy tư (đắn đo, suy xét, ngẫm nghĩ / reflection) giữ một vai trò chủ động thì nam và nữ giới đều ngang hàng nhau.
Sự khác biệt chủ yếu nhất giữa đàn ông và đàn bà là ở lãnh vực sinh học: một đằng là “gieo giống” và một đằng là “tạo giống”. “Gieo giống” thì rất nhanh, “tạo giống” đòi hỏi sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và một thời gian lâu dài từ lúc mang thai đến khi sinh nở, nuôi nấng và dạy dỗ. Hình ảnh những đàn ong bướm bay dập dìu và những cánh hoa khoe sắc phản ảnh khía cạnh khác biệt trên đây. Tranh nhau hút mật thì rất nhanh, thế nhưng noãn hoa muốn trở thành quả ngọt thì cần phải mất một thời gian lâu dài.
Sự khác biệt giữa vai trò của người đàn ông và người đàn bà trong lãnh vực sinh học trên đây – “gieo giống” và “tạo giống” – sẽ đưa đến các sự khác biệt trong lãnh vực tâm lý, phản ảnh qua hai thái độ hành xử khác nhau giữa nam và nữ giới trong cuộc sống thường nhật: một đằng là “chinh phục”, một đằng là “thu hút”. Tuy khác nhau nhưng cả hai thái độ hay cung cách hành xử đó đều bắt nguồn từ một thứ bản năng chung là truyền giống. Các hình thức biến thể của hai thể dạng tâm lý trên đây đã ra tạo ra một thế giới thật nhộn nhịp và đầy màu sắc: quần áo, phấn son, thể dục, giải phẩu thẩm mỹ, phim ảnh, âm nhạc, ca hát, văn chương, thi phú, luyến ái, si mê, thất tình, tự tử… kể cả các hình thức lệch lạc như ấu dâm, hiếp dâm, đồng tính luyến ái… Tu tập Phật giáo trước hết là chủ động các hình thức biến dạng đó của bản năng truyền giống, sau đó là hóa giải hoàn toàn bản năng này để trở về bản chất nguyên sinh của chính mình là sự yên lặng tuyệt đối và phi-khác-biệt giữa nam-nữ và cả các chúng sinh khác (ghi chú thêm của người chuyển ngữ tiếng Việt/gccncntV).
50
Không có một sự khác biệt căn bản nào giữa người đàn ông và người đàn bà vì thế thật hết sức hiển nhiên là cả hai phải có các quyền hạn ngang hàng nhau, mọi sự kỳ thị nam-nữ đều không thể chấp nhận được, dù là dưới bất cứ hình thức nào. Hơn nữa người đàn ông phải cần đến người đàn bà và ngược lại người đàn bà cũng phải cần đến người đàn ông.
Bất cứ ở đâu mà quyền hạn của người phụ nữ bị chà đạp thì chính họ phải tranh đấu, và người đàn ông phải bênh vực họ. Chính tôi đã từng đứng lên tranh đấu cho người phụ nữ Ấn được hưởng một số quyền hạn, chẳng hạn như được cắp sách đến trường, theo đuổi việc học hành đến khi thành đạt và được giao phó các chức vụ ngang hàng với nam giới.
51
Theo Phật giáo thì nam và nữ giới đều hàm chứa cùng một bản thể như nhau không chút khác biệt nào mà người ta gọi đó là Bản thể của Phật (Phật tánh) hay tiềm năng Giác Ngộ. Do đó họ hoàn toàn bình đẳng với nhau.
52
Sự kỳ thị nam và nữ vẫn còn xảy ra trong một số các truyền thống tín ngưỡng. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là hậu quả gây ra bởi xã hội và các truyền thống văn hóa. Trong tập luận Vòng Hoa Trân Quý (Precious Garland/Ratnavali) của Nagarjuna/Long Thụ(1) và tập thơ Bodhicaryavatara/Hành trình đến Giác Ngộ của Shantideva/Tịch Thiên(2) đều thấy nêu lên các “khiếm khuyết nơi thân thể của người phụ nữ”. Thế nhưng điều đó không có nghĩa người phụ nữ là thấp kém. Thời bấy giờ hầu hết những người xuất gia là nam giới, nên vạch ra các khiếm khuyết ấy là chỉ để cảnh giác người tu hành trước sự thèm khát thân thể của người phụ nữ thế thôi. Tất nhiên một ni cô cũng phải nhìn vào thân thể người đàn ông qua các góc cạnh đó.
(1) Nagarjuna/Long Thụ là một trong các nhà bình giải nổi bật nhất về tư tưởng của Đức Phật, và cũng là người sáng lập học phái Madhyamaka/Trung Quán, có nghĩa là Con Đường ở Giữa, một trong hai học phái quan trọng nhất của Mahayana/Đại Thừa (ghi chú trong sách của dịch giả Christian Bruyat/gcts. Học phái thứ hai của Đại Thừa là Cittamatra/Duy Thức do Maitreyana/Di Lặc, Asanga/Vô Trước, và Vasubandhu/Thế Thân thiết lập – ghi chú thêm của người chuyển ngữ tiếng Việt/gccncntV).
(2) Shantideva/Tịch Thiên, thế kỷ thứ VIII là một vị đại sư người Ấn và cũng là một thi sĩ và triết gia. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông là Bodhicaryavatara/Hành trình đến Giác Ngộ, có nói đến phong cách mà người bodhisattva/bồ-tát phải noi theo hầu giúp mình đạt được Giác Ngộ với mục đích giúp đỡ tất cả chúng sinh đang lâm vào cảnh khổ đau (gcts).
53
Ở các cấp bậc tu tập cao thâm nhất trong Kim Cương Thừa/Vajrayana(1), thì sự phân biệt giữa nam và nữ giới không những không còn xảy ra mà thành phần nữ tính còn được xem là giữ một vai trò vô cùng chủ yếu, đến độ sự khinh thường phụ nữ còn bị xem là vi phạm giới luật.
(1) Vajrayana/Kim Cương thừa là một trong ba “thừa”, còn gọi là “cỗ xe” hay “con đường” Phật Giáo. Hai thừa kia là Hinayana/Tiểu Thừa và Mahayana/Đại Thừa. Vajrayana/Kim Cương Thừa có nghĩa là “Cỗ xe bằng kim cương”, cách gọi đó là nhằm nêu lên bản thể tối hậu thật rắn chắc không thể hư hoại tương tự như kim cương của tất cả chúng sinh và mọi sự vật. Điểm nổi bật nhất của “thừa” này là tận dụng thật nhiều các phương tiện thiện xảo, trong đó một số có thể giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ nhanh chóng (gcts). (Kinh sách tiếng Việt thường lầm lẫn Kim Cương Thừa với “Mật Tông” là một “giáo phái” được thành lập tại Trung Quốc dưới thời nhà Đường – gccncntV).
Suy tư về đời sống gia đình
54
Gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội. Nếu trong gia đình bàng bạc một bầu không khí an bình và nhân hậu thì cha mẹ, con cái, cháu chắt và có thể là cả các thế hệ về sau, đều sẽ được hưởng hạnh phúc và một cuộc sống hài hòa. Nếu cha mẹ có một niềm tin tôn giáo thì con cái cũng sẽ quan tâm đến tôn giáo. Nếu cha mẹ ăn nói lễ độ, biết giữ gìn đạo đức(1), thương yêu và kính trọng nhau, biết giúp đỡ những người lâm vào cảnh khó khăn, luôn quan tâm đến tất cả mọi người chung quanh, thì rất có thể con cái cũng sẽ bắt chước theo và hành xử như những người ý thức được trách nhiệm mình. Trái lại, nếu cha mẹ bất hòa, thường xuyên thóa mạ nhau, làm theo bất cứ ý nghĩ nào bùng lên trong tâm trí mình, không hề biết kính nể nhau, thì không những họ sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc mà con cái cũng phải gánh chịu hậu quả do họ gây ra.
(1) Theo sự giải thích của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì “giữ gìn đạo đức” trong Phật Giáo là không được làm bất cứ gì có thể gây tai hại cho kẻ khác (gcts).
55
Với tư cách một người Phật Giáo, tôi thường nói với người Tây Tạng là nếu thật sự có một nơi mà họ phải cố gắng khơi động và quảng bá giáo huấn của Đức Phật thì nơi ấy chính là gia đình. Đấy là môi trường mà cha mẹ phải phát lộ lòng tin của mình hầu cảm hóa con cái, và cũng là nơi mà mình phải tự biến cải chính mình hầu giúp mình trở thành những người hướng dẫn tinh thần. Cha mẹ không phải chỉ biết bày ra các ảnh tượng và bảo với con cái đây là vị thánh nhân mang tên này, đây là vị thánh nhân mang tên kia, mà phải giải thích cặn kẽ hơn: đây là vị thánh nhân biểu trưng cho lòng từ bi, đây là vị thánh nhân biểu trưng cho trí tuệ tối thượng, v.v… Nếu cha mẹ thấu triệt chính xác giáo huấn của Đức Phật thì sự hiểu biết đó của họ tất nhiên sẽ tạo được các ảnh hưởng tích cực hơn đối với con cái. Điều này cũng đúng với các tín ngưỡng và tôn giáo khác.
56
Gia đình này lại tiếp tục ảnh hưởng đến gia đình kia, tiếp theo đó là các gia đình khác nữa, từ hàng chục sẽ nhân lên hàng trăm, hàng ngàn, sau cùng là toàn thể xã hội sẽ được lành mạnh hơn.
57
Trong các xã hội tân tiến ngày nay, một số người cho rằng không còn ai biết tôn trọng bất cứ một thứ gì nữa mà chỉ có những người sống trong các quốc gia kém phát triển về kỹ nghệ thì mới còn có một cung cách hành xử ý thức mà thôi, tuy nhiên chúng ta cũng nên dè dặt trước quan điểm này. Tại nhiều vùng sâu trong rặng Hy-mã-lạp-sơn tại Ấn Độ chẳng hạn, công nghệ tân tiến gần như chẳng có gì, thế mà không mấy khi xảy ra trộm cắp hay án mạng, dân chúng an phận với những gì mình có. Hơn thế nữa còn có những nơi mà mỗi khi đi vắng thì người nhà vẫn không khóa cửa, để dự trù nếu có khách đến thăm trong khi mình vắng nhà thì họ có chỗ tạm trú, nấu ăn, nghỉ ngơi để chờ mình về. Trái lại trong các thành phố lớn, chẳng hạn như Delhi (thủ đô Ấn-độ), tội ác nhan nhản, con người chẳng bao giờ hài lòng với số phận mình, tình trạng đó đưa đến vô số các vấn đề nan giải. Thế nhưng theo tôi nếu căn cứ vào các nhận xét trên đây để nhất quyết không phát triển kinh tế mà phải quay lại với tình trạng lạc hậu, thì đấy cũng sẽ là một sự sai lầm khác.
58
Bản tính ngoan ngoãn và nể nang kẻ khác (nhút nhát, rụt rè) mà người ta nhận thấy trong các xã hội truyền thống (cổ hủ, khép kín) thường là do sự nhịn nhục để được yên thân, hoặc cũng có thể là một sự cam phận tạm thời khi họ chưa có một ý niệm nào về các lối sống khác mà mình có thể thực hiện được. Hãy cứ hỏi những người du mục Tây Tạng xem họ có muốn tránh cái rét của mùa đông, tìm được sự ấm áp mà túp lều và các vật dụng trong đó không bị khói bám đen, được chăm sóc thuốc men mỗi khi đau ốm, được xem truyền hình về những gì xảy ra ở những nơi tận cùng của thế giới hay không? Tôi có thể đoan chắc về câu trả lời của họ.
59
Tiến bộ kinh tế và kỹ thuật là điều nên làm và thật ra thì cũng thật cần thiết. Sự tiến bộ đó phải nhờ vào rất nhiều yếu tố hết sức phức tạp thường vượt khỏi sự chủ động của chúng ta. Quả hết sức ngây thơ khi nghĩ rằng phải tìm cách làm cho mọi sự tiến bộ tức khắc dừng lại thì mới có thể giải quyết đồng loạt được tất cả mọi khó khăn. Thế nhưng cũng thật rõ ràng là không nên đưa ra bất cứ một biện pháp thiếu thận trọng nào. Bất cứ một giải pháp nào cũng phải đi kèm với các giá trị đạo đức. Là con người chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm đó, tức là phải thực hiện cùng lúc cả hai chủ đích (tiến bộ và đạo đức). Đấy là chiếc chìa khóa giúp chúng ta bước vào tương lai một cách vững vàng hơn. Một xã hội thực hiện được sự liên kết giữa phát triển vật chất và tiến bộ tinh thần mới mong mang lại hạnh phúc thật sự.
60
Gia đình phải giữ một vai trò chủ yếu. Nếu trong gia đình lan tỏa một sự an bình thật sự và ngoài sự cảm thông mọi người còn tìm thấy cả các giá trị đạo đức đích thật, biết sống ngay thẳng và vị tha, thì khi đó mới mong kiến tạo được phần còn lại của xã hội. Theo tôi, trọng trách mà gia đình phải gánh vác thật vô cùng lớn lao (nếu trong gia đình mà mọi người chỉ biết toan tính các mưu mô đủ loại, thì đấy chính là mầm mống đưa đến sự băng hoại của cả xã hội – gccncntV).
61
Điều chủ yếu nhất là các đứa trẻ phải được nẩy nở một cách thật sự, có nghĩa là phát huy được các phẩm tính căn bản của con người, tạo được một cung cách hành xử cao quý, phát động được tinh thần tương trợ cao độ, nhận thấy sự liên hệ giữa mình và những gì đang xảy ra chung quanh mình, hầu biến mình thành một tấm gương cho kẻ khác trông vào. Các đứa trẻ ấy sau này mới có thể đảm trách nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo và hội đủ khả năng dạy dỗ các thế hệ lớn lên sau mình. Khi về già dù phải trở thành những vị giáo sư lọm khọm với cặp kính mắt dầy cộm nhưng họ sẽ vẫn còn giữ được các thói quen tuyệt đẹp của ngày còn trẻ trung (tư tưởng và phong thái tươi mát và phóng khoáng)! Tôi luôn vững tin vào điều đó.
62
Nếu gia đình muốn thực hiện được lý tưởng đó thì người đàn ông cũng như người đàn bà không nên chỉ biết quấn quýt vì vẻ đẹp trên thân thể, vì giọng nói hay dáng dấp bên ngoài của nhau, mà trước hết phải cố gắng tìm hiểu nhau. Khi nào cả hai cùng khám phá ra một số các phẩm tính của nhau, cảm nhận được tình yêu giữa nhau, thì khi đó tình yêu ấy mới được ghép thêm sự nể nang và tương kính, và cuộc sống lứa đôi nhờ đó mới có nhiều cơ may được hạnh phúc và lâu bền hơn.
63
Ngược lại nếu cả hai sống chung với nhau chỉ vì lạc thú, có nghĩa là vì sự bám víu dục tính, thì điều đó chẳng khác gì mấy với cách cư xử của các cô gái điếm, cả hai không cần biết đến tánh tình nhau, giữa nhau không có một sự kính trọng nào, cả hai chỉ biết yêu nhau khi nào sự thèm khát còn thúc đẩy. Thế nhưng một khi chẳng còn gì mới lạ giữa hai người để kích thích nhau, khi tình yêu không còn đi đôi với sự quý mến sâu xa giữa hai người với nhau, thì quả khó để cùng sống chung trong hạnh phúc. Thứ tình yêu đó quả là mù quáng, đến một lúc nào đó thì mọi sự sẽ trở ngược. Nếu có con với nhau thì những đứa bé ấy sẽ không hề biết đến sự trìu mến là gì. Thật hết sức quan trọng là mỗi người phải ý thức được các điều trên đây trước khi quyết định sống chung với một người khác.
64
Một hôm tại San Francisco (trên đất Mỹ) tôi có gặp một vị cố đạo Ki-tô giáo, cố vấn hôn nhân cho những người trẻ tuổi. Vị này khuyên họ trước hết nên quen biết thật nhiều bạn trai và bạn gái, sau đó thì mới nên chọn lựa. Không nên quyết định ngay sau một cuộc gặp gỡ đầu tiên, vì đấy cũng có thể là một sự sai lầm. Theo tôi lời khuyên này rất hữu lý.
Thật ra sự kiện này rất phức tạp, sự quyến luyến phát sinh qua một lần gặp gỡ đầu tiên có thể là do sự thúc đẩy sâu kín của nghiệp bên trong tâm thức của một cá thể. Vóc dáng, giọng nói, cử chỉ, ánh mắt… của một trong hai người – hoặc của cả hai người – làm “sống dậy” và “bùng lên” các xúc cảm phát sinh từ các dấu vết của nghiệp đã được ghi khắc trên dòng tri thức họ từ trước, liên quan đến bóng dáng của một hay nhiều cá thể nào đó liên hệ với họ trong quá khứ và đã tạo ra cho họ các xúc cảm thật mạnh lưu lại các dấu vết trên dòng tri thức họ. Các dấu vết này bất thần bùng lên trở lại là vì chúng được khơi động bởi bóng dáng của cá thể mà họ đang tiếp xúc trước mặt phù hợp với các xúc cảm trong quá khứ của họ, tức là các dấu vết in đậm trên dòng tri thức họ. Dấu vết ghi khắc trong tâm thức là nghiệp quá khứ, cá thể hiện ra trước mặt là “cơ duyên”, xúc cảm bùng lên bên trong tâm thức liên quan đến cá thể trước mặt là “hành động”, sự quyến luyến và si mê phát sinh từ sự bùng lên đó của xúc cảm là “nghiệp mới”. Người ta thường gọi “nghiệp mới” đó – tức là sự “quyến luyến” và “si mê” đó – là “tiếng sét ái tình”.
Tùy theo cường độ của nghiệp ghi khắc, “tiếng sét” có thể rất mạnh đưa đến sự si tình, nhưng cũng có thể chỉ là một xúc cảm thoáng qua, kích động bởi xung năng dục tính nhất thời. Do đó nếu căn cứ vào các sự thúc đẩy tạm thời để quyết định thì chỉ là cách đưa mình vào một cuộc phiêu lưu xa lạ và bất định trong sự chuyển động chung của thế giới hiện tượng.
Trái lại nếu quen biết nhiều bạn trai và bạn gái thì sự chọn lựa có thể gần hơn và phù hợp hơn với nghiệp trong quá khứ đã được ghi khắc trên dòng tri thức mình. Thế nhưng cũng phải hiểu rằng sự chọn lựa “cân nhắc” và “tính toán” đó có thể đưa đến một cuộc sống lứa đôi tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực, bởi vì tất cả còn tùy thuộc vào các hành động/nghiệp của cả hai cá thểi trong quá khứ. Vì thế cuộc sống lứa đôi đó – dù là kết quả mang lại từ một sự “cân nhắc” và “tính toán” hay chỉ qua một lần gặp gỡ “đầu tiên” – thì sau đó cũng sẽ đưa đến các nghiệp mới xô đẩy cả hai cá thể tiếp tục phiêu lưu trong thế giới hiện tượng này mà thôi – gccncntV).
65
Phải hiểu rằng sau khi lập gia đình thì một người sẽ trở thành hai. Ngay cả lúc còn độc thân, những gì mình suy nghĩ vào buổi tối đôi khi cũng có thể trở thành ngược lại vào buổi sáng hôm sau. Huống chi khi đã trở thành hai người thì sự trái ngược về quan điểm cũng có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu người này hay người kia chỉ biết bám chặt vào cách suy nghĩ của mình, không cần biết đến quan điểm của người phối ngẫu, thì cuộc sống lứa đôi sẽ khó có thể thuận buồm xuôi gió được.
66
Bắt đầu từ lúc sống chung với một người khác thì phải đối xử với tất cả sự thương mến của mình và phải luôn quan tâm đến quan điểm của người ấy. Dù chuyện gì xảy ra thì mỗi người đều phải nhận lãnh phần trách nhiệm của mình. Cuộc sống lứa đôi nào có phải là chuyện của một người đâu.
67
Người chồng phải chiều chuộng người vợ, người vợ phải chiều chuộng người chồng. Nếu người này không thực hiện được những điều mà người kia mong đợi thì tất sẽ đưa đến bất hòa và tan vỡ. Nếu chưa có con với nhau thì cũng chưa hẳn là một thảm họa. Cả hai đưa nhau ra tòa, điền vào các tờ khai in sẵn, phí tổn chỉ là một ít giấy mực. Ngược lại trong trường hợp đã sinh con đẻ cái thì suốt đời các đứa bé ấy sẽ bị ám ảnh bởi một thứ cảm tính đau buồn nào đó.
68
Nhiều cặp vợ chồng ly dị nhau, đôi khi cũng có cái lý của họ. Thế nhưng theo tôi thì tốt hơn và trước hết nên cố gắng làm tất cả những gì mà mình có thể làm được để tiếp tục sống chung với nhau trong hạnh phúc. Tất nhiên điều đó đòi hỏi thật nhiều cố gắng và suy nghĩ. Nếu sự chia tay không sao tránh khỏi được thì cần nhất là đôi bên phải giữ được sự êm thắm, không nên tạo thêm cho nhau một sự đau buồn nào cả.
69
Nếu muốn sống chung với một người khác thì phải thật lòng và nhất là không nên hấp tấp. Một khi đã sống chung với nhau thì phải ý thức bổn phận mình trong cuộc sống lứa đôi. Gia đình là chuyện hệ trọng. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để cùng mang lại hạnh phúc cho cuộc sống chung, phải chu cấp đầy đủ cho gia đình, dạy dỗ con cái để bảo đảm tương lai cho chúng.
70
Nên xem phẩm chất quan trọng hơn số lượng. Đó cũng là nguyên tắc hành xử chung trước bất cứ một cảnh huống nào xảy ra trong cuộc sống. Trong một ngôi chùa dù chỉ có một vài nhà sư thế nhưng nếu họ là những người nghiêm túc thì dĩ nhiên là vẫn tốt hơn. Nơi học đường cũng vậy, điều quan trọng không phải là có đông học trò mà phải là các học trò lễ độ, không hư hỏng. Trong gia đình, điều chủ yếu không phải là đông con mà là những đứa con lành mạnh, được dạy dỗ cẩn thận.
Bures-Sur-Yvette, 03.12.2018
Hoang Phong chuyển ngữ