365 Lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ:
Quyển sách “365 Lời Khuyên Tâm Huyết Của Đức Đạt-lai Lạt-ma – Cẩm Nang Cho Cuộc Sống Ngày Nay” (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này – gồm 53 câu thay vì 365 câu – cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 (“Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma”, Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là “Dalai Lama – Conseils du coeur”, Pocket, 2003). Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ nhất gồm toàn bộ 365 câu, là vào năm 2017. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây được dựa vào ấn bản mới này. Người đọc cũng có thể tham khảo bản tiếng Anh của quyển sách này: “365 Dalai-Lama: Daily Advice From The Heart” (Hampton Roads Publishing Company, 2012).
Các câu “suy tư” trong quyển sách này chính thật là những “lời khuyên”, giúp chúng ta biến cải chính mình hầu đối phó hay thích nghi với mọi cảnh huống trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ trên thân xác đến bên trong nội tâm mình. Những lời khuyên rất thiết thực nhưng cũng thật thâm sâu này của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhà sư Matthieu Ricard trực tiếp ghi chép bằng tiếng Tây Tạng, và sau đó đã được học giả Christian Bruyat dịch sang tiếng Pháp.
Nếu nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì tín ngưỡng đó không hề bị ám ảnh bởi cái chết và những lời hứa hẹn phía sau cái chết, bởi vì đối với Phật giáo thì cái chết cũng chỉ là một thành phần của sự sống mà thôi. Những lời khuyên trong quyển sách này nhất thiết chỉ nói lên sự sống đó với tất cả các khía cạnh khó khăn cũng như thuận lợi của nó. Thật ra thì đấy cũng là những gì hiện lên bên trong tâm thức mình và trên thân xác mình trong từng ngày. Do đó chúng ta có thể xem quyển sách này như là một quyển sách “gối đầu giường”, hoặc một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mình. Mỗi khi cần phải đối phó với một nghịch cảnh hay gặp phải một vấn đề nan giải thì biết đâu chúng ta cũng có thể tìm được một vài lời khuyên trong sách để suy ngẫm hầu tìm một giải pháp thích nghi.
Quyển sách gồm tất cả năm phần:
Phần I: Suy tư về sự sống (câu 1 đến 48):
- Sự sống nói chung (1-16).
- Tuổi trẻ (17-35).
- Tuổi trưởng thành (36-42).
- Tuổi già (43-48).
Phần II. Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129):
- Đàn ông và đàn bà (49-53).
- Cuộc sống trong gia đình (54-70).
- Cuộc sống độc thân (71-74).
- Cuộc sống tập thể (75-79).
- Cuộc sống sung túc (80-92).
- Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93-97).
- Bệnh tật (98-101).
- Những Kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102-105).
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106-118).
- Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119-120).
- Nhà giam và các tù nhân (121-129).
- Đồng tính luyến ái (130-132).
Phần III. Suy tư về cuộc sống tập thể trong xã hội (câu 133 đến 181):
- Chính trị (133-139).
- Công lý (140-144).
- Tương lai thế giới (145-147).
- Giáo dục (148-150).
- Khoa học và kỹ thuật (151-153).
- Thương mại và kinh doanh (154-156).
- Nghệ thuật viết lách và nghề làm báo (157-161).
- Canh nông và môi trường (162-167).
- Chiến tranh (168-175).
- Dấn thân vì kẻ khác (176-181).
Phần IV. Suy tư về các khó khăn trong cuộc sống (câu 182 đến 304):
- Hạnh phúc (182-188).
- Bất hạnh (189-198).
- Yếm thế (199-210).
- Sợ hãi (211-215).
- Tự tử (216-219).
- Cô đơn và sự cô lập (220-229).
- Giận dữ (230-241).
- Kiềm tỏa dục vọng (242-247).
- Ganh tị và chứng ghen tuông (248-253).
- Kiêu hãnh (254-257).
- Khổ đau (258-267).
- Rụt rè (268-271).
- Do dự (272).
- Thù ghét chính mình (273-276).
- Nghiện rượu và ma túy (277-280).
- Đam mê tình ái (281-285).
- Thiếu suy nghĩ (286-289).
- Tính hay nói xấu (290-294).
- Tính độc ác (295-303).
- Thờ ơ (304-308).
Phần V. Suy tư về cuộc sống tâm linh (câu 309 đến 365):
- Người có đức tin (309-315).
- Người vô thần (316-327).
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện (328-339).
- Người hành thiền (340).
- Đức tin (341-344).
- Các giáo phái (345-347).
- Người muốn bước theo con đường Phật Giáo (348-356).
- Việc tu tập Phật Giáo (357-365).
Phần IV: SUY TƯ VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CUỘC SỐNG
Suy tư về hạnh phúc
182
Tôi nghĩ rằng mỗi người đều cảm nhận được một ý niệm mang tính cách nội tại về “cái tôi” của mình. Thật khó cho chúng ta giải thích được cảm tính đó phát sinh từ đâu, thế nhưng rõ ràng là nó hiện hữu(1). Từ “cái tôi” đó phát sinh ra sự thèm khát đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Điều đó thật hết sức chính đáng: từ bản chất chúng ta có quyền được hưởng hạnh phúc tối đa, và cũng có quyền né tránh khổ đau. Toàn thể lịch sử nhân loại đều diễn tiến xuyên qua cảm tính đó (tức là cảm tính về “cái tôi” của mình, và cái tôi đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến sự hình thành của toàn thể thế giới đầy biến động này. “Cái tôi” chính là “tác giả” đã viết ra lịch sử của nhân loại. Dòng lịch sử đó vẫn còn đang tiếp diễn, đó là tình trạng xã hội ngày nay của chúng ta). Hơn nữa cảm tính đó không nhất thiết chỉ hiện hữu với con người, bởi vì theo Phật Giáo thì ngay cả một con côn trùng bé tí xíu cũng có cảm tính ấy, và tùy theo khả năng của nó, nó cũng muốn tìm được hạnh phúc tối đa và né tránh các hoàn cảnh bất hạnh (ba thứ bản năng – sinh tồn, truyền giống và sợ chết – cũng hiện hữu nơi các loài thú vật, kể cả những loài côn trùng nhỏ bé nhất. Điểm khác biệt là đối với con người thì các bản năng đó biến dạng và trở thành phức tạp hơn nhiều so với thú vật).
(1) “Cái tôi” là một khái niệm vô cùng quan trọng liên quan đến thật nhiều lãnh vực hiểu biết: từ triết học, sinh học, tâm lý học, xã hội học và cả tôn giáo. “Cái tôi” là một “cảm tính” hiện ra bên trong tâm thức mỗi cá thể, do đó cũng là một thứ tạo tác tâm thần. Sự tạo tác đó là một tổng hợp gồm thật nhiều xúc cảm liên kết và tương tác với nhau. Các xúc cảm đó liên hệ với ba thứ bản năng: sinh tồn, truyền giống và sợ chết, và động cơ thúc đẩy phía sau các bản năng này là nghiệp của mỗi cá thể.
Cảm tính về “cái tôi” đôi khi cũng còn được gọi là “linh hồn” của một cá thể. Khi mới lọt lòng mẹ thì bản năng sinh tồn khiến nó biết khóc la đòi bú, đó là sự biểu lộ sơ đẳng nhất của bản năng này. trước khi các cơ quan sinh dục nẩy nở và các kích thích tố tính dục phát sinh tạo ra các đòi hỏi tính dục. Khi đứa bé bắt đầu cảm nhận được sự luyến ái và ý thức rõ rệt được giới tính của mình thì đấy là sự xuất hiện của bản năng truyền giống. Khi còn là một hài nhi thì một tiếng động mạnh cũng có thể làm cho nó giật mình và sợ hãi, lớn thêm một tí và nếu bị đứt tay hay vấp ngã thì sẽ làm cho nó đau đớn khiến nó khóc la, đấy là sự phát lộ ở thể dạng sơ khởi nhất của bản năng năng sợ chết, mặc dù nó chưa có một ý niệm nào về cái chết cả.
Trên dòng phát triển của một cá thể, ba thứ bản năng trên đây cũng dần dần trở nên phức tạp và cụ thể hơn. Bản năng sinh tồn, dưới hình thức khóc la đòi bú lúc còn là hài nhi sẽ chuyển thành các thái độ hành xử đa dạng và phức tạp hơn trong cuộc sống, liên quan đến của cải, nghề nghiệp…, đưa đến các cảm tính ích kỷ, tham lam, lường gạt, mưu mô, tranh giành quyền lực, hoặc cũng có thể là lòng rộng lượng, vị tha, từ bi, ngay thẳng, v.v… Trên phương diện tập thể thì “cái tôi” qua các sự thúc đẩy của ba thứ bản năng là nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành của xã hội với tất cả sự phức tạp của nó: từ chính trị, luật pháp, giáo dục, truyền thông, triết học, chiến tranh… và đến cả tôn giáo – gccncntV.
183
Có nhiều cách cảm nhận hạnh phúc khác nhau. Một số người có tâm trí kém minh mẫn (dérangé/disturb/rối loạn, xáo trộn) thường đắm mình trong một thứ hạnh phúc lâng lâng (béat/beatific, blissful). Họ nghĩ rằng mọi sự đều hiện ra thật tốt đẹp. Chúng ta không quan tâm đến thể loại hạnh phúc đó (một thể dạng hạnh phúc vô ý thức, ẩn nấp phía sau một tấm màn u mê che lấp hiện thực bên trong và cả bên ngoài tâm thức, đó là một thể dạng hạnh phúc hời hợt thường thấy ở những người lúc nào cũng hớn hở, không một chút ý thức về bất cứ một điều gì cả).
Một số người khác tạo dựng hạnh phúc của mình dựa vào của cải vật chất và sự thỏa mãn của các cơ quan cảm giác (mùi, vị, sự đụng chạm…, một cách cụ thể là miếng ăn ngon, quần áo đẹp, ca hát, xoa bóp, chăm sóc sức khỏe, thỏa mãn tính dục, du lịch, v.v…) Trên đây chúng ta cũng đã có dịp nói đến tính cách phù du của các thứ hạnh phúc đó (xin xem lại các lời khuyên dành cho những người giàu có). Ngay cả trường hợp khi nghĩ rằng mình cảm nhận thật sự được hạnh phúc và nghĩ rằng mình đã đạt được nó một cách vững chắc đi nữa, thì nhất định đến một lúc nào đó khi hoàn cảnh thay đổi, không còn thuận lợi như trước nữa, thì mình sẽ khó tránh khỏi khổ đau gấp bội.
Tuy nhiên, cũng có một số người cảm thấy hạnh phúc nhờ mình biết suy nghĩ và hành động đạo đức. Đấy mới thật sự là thứ hạnh phúc mà chúng ta cần đến, bởi vì nó được thiết lập dựa vào các cội nguồn thật sâu xa, vượt lên trên mọi cảnh huống.
184
Nếu không biết hành xử đúng đắn thì dù được bạn bè thân thiết săn đón, sống trong khung cảnh tiện nghi, các bạn cũng sẽ không sao tìm được hạnh phúc. Vì thế thái độ tâm thần quan trọng hơn các điều kiện bên ngoài. Dù vậy tôi vẫn nhận thấy dường như nhiều người chỉ biết quan tâm đến các điều kiện vật chất bên ngoài, nhưng không hề nghĩ đến thái độ tâm thần của mình. Lời khuyên của tôi là nên quan tâm nhiều hơn đến các phẩm tính của nội tâm mình.
185
Nếu muốn cảm nhận được những niềm hạnh phúc đích thật và lâu bền thì trước hết phải ý thức được hiện thực của khổ đau là gì (khổ đau là một cảm tính, một thể dạng xúc cảm hiện ra bên trong tâm thức đối với sự sống nói chung. Cảm tính đó phát sinh từ sự cảm nhận bản chất vô thường của hiện thực. Dù đôi khi không ý thức được một cách minh bạch, thế nhưng cảm tính đó về vô thường đã ăn sâu trong tâm thức, gắn liền với thân xác và bàng bạc trong môi trường chung quanh, và đó cũng là Sự Thật thứ Nhất trong số Bốn Sự Thật Cao Quý làm nền tảng cho toàn bộ giáo huấn của Đức Phật). Sự ý thức đó về khổ đau lúc đầu có thể tạo ra sự yếm thế (déprimant/depressing, demoralizing/tuyệt vọng, chán nản, mất tinh thần), thế nhưng trong lâu dài sẽ mang lại thật nhiều điều lợi. Nhiều người không dám nhìn thẳng vào hiện thực, họ dùng ma túy để tạo ra cho mình một niềm phúc hạnh (béatitude/bliss) giả tạo, chìm đắm trong một khung cảnh tâm linh mù quáng, hoặc chạy theo một cuộc sống hối hả để khỏi phải suy nghĩ gì cả. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là một bản án treo ngắn hạn. Khi nào các khó khăn hiện ra trở lại thật mãnh liệt thì họ sẽ hoàn toàn bó tay, và nếu nói theo người Tây Tạng thì họ chỉ còn biết thốt lên những lời ta thán “ngập cả quê hương” (dù thốt ra một lời khuyên nào thì Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng không quên một dân tộc đau thương, một quê hương đã mất). Giận dữ và thất vọng sẽ xâm chiếm họ và đấy cũng chỉ là cách ghép thêm các thứ khổ đau vô ích vào những thứ khó khăn mà mình đang phải gánh chịu.
186
Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem khổ đau của mình phát sinh từ đâu. Khổ đau cũng như tất cả mọi hiện tượng khác đều phát sinh từ vô số nguyên nhân và điều kiện. Nếu các sự cảm nhận của chúng ta chỉ đơn giản và thật sự lệ thuộc thật chính xác vào một nguyên nhân duy nhất và cụ thể nào đó, thì khi đó chúng ta sẽ có thể bảo rằng hạnh phúc cũng vậy chỉ cần một nguyên nhân duy nhất cũng đủ làm phát sinh ra nó. Chúng ta đều hiểu rằng điều đó không đúng một chút nào cả (hạnh phúc là một thể dạng tâm thần, lệ thuộc vào vô số các yếu tố bên trong tâm thức và cả môi trường bên ngoài. Hạnh phúc dù vô hình nhưng cũng là một hiện tượng, tương tự như tất cả mọi thứ hiện tượng khác, vì thế nó cũng mang tính cách cấu hợp, tức là một thể dạng liên kết và tương tác giữa thật nhiều hiện tượng khác, thể dạng hay cấu hợp đó luôn ở trong tình trạng chuyển động không ngừng). Vì thế phải loại bỏ ngay ý nghĩ cho rằng luôn luôn phải có một nguyên nhân gây ra khổ đau và chỉ cần tìm ra cái nguyên nhân đó thì mình sẽ hết khổ đau (nói một cách tóm tắt và cụ thể là không nên quy tội cho một sự kiện, một vật thể hay một người nào đó để xem đấy là nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình. Cách suy nghĩ đó rất thô thiển và hạn hẹp).
Trong lời khuyên 182 trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết là “Toàn thể lịch sử nhân loại diễn tiến xuyên qua cảm tính về cái tôi”. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm về khái niệm về “cái tôi” này và sự liên hệ của nó đối với các niềm hạnh phúc và khổ đau của con người.
“Cái tôi” là một thể dạng tâm thần phức tạp, phát sinh từ sự liên kết và tương tác giữa thật nhiều các thứ tạo tác tâm thần khác nhau, mỗi thứ cũng lại là kết quả phát sinh từ vô số các nguyên nhân và điều kiện thật đa dạng. Nhằm cụ thể hóa và đơn giản hóa sự phức tạp đó, chúng ta hãy thử phân tích các thể dạng tâm thần khác nhau của quá trình diễn tiến đưa đến sự hình thành của tổng thể của “cái tôi” đó: chẳng hạn như cái tôi lúc còn là một hài nhi, cái tôi khi đã trở thành một đứa trẻ, cái tôi khi đã trưởng thành và cái tôi lúc già nua. Hạnh phúc của mỗi “cái tôi” đó tất nhiên sẽ phải khác nhau trong không gian và qua thời gian, bởi vì chúng bị chi phối bởi các nguyên nhân và điều kiện khác nhau trên dòng phát triển thể xác và tâm thần của một cá thể.
Nếu gộp chúng các “cái tôi” ấy với nhau để tạo ra tổng thể của một “cái tôi” duy nhất trong hiện tại, thì thật rõ ràng “cái tôi” đó là do rất nhiều nguyên nhân và điều kiện trải rộng qua các lứa tuổi khác nhau để tạo ra nó. Nếu đồng hóa tổng thể của “cái tôi” đó với định nghĩa của một “linh hồn” thì cái “linh hồn” đó không mang tính cách duy nhất và bất biến, một sản phẩm của một vị Sáng Tạo nào cả, mà chỉ là một thể dạng tâm thần mang tính cách cấu hợp, luôn đổi thay và biến động..
Hạnh phúc cũng vậy, một khi đã lệ thuộc vào tổng thể “cái tôi” hay cái “linh hồn” đó cũng sẽ liên hệ và tùy thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện trải rộng trong không gian và thời gian. Người tu tập Phật giáo không đi tìm các thể dạng hạnh phúc lệ thuộc và do một sự kết hợp nào tạo ra nó, mà là một thứ hạnh phúc phi-nguyên-nhân và phi-điều-kiện, thoát ra khỏi “cái tôi” hay cái “linh hồn” chi phối bởi không gian và thời gian – gccncntV).
187
Chúng ta không khỏi phải thừa nhận khổ đau cũng chính là thành phần của sự hiện hữu, và nếu nói theo Phật Giáo thì đấy là samsara/cõi luân hồi, có nghĩa là chu kỳ xoay vần bất tận của một sự hiện hữu trói buộc (conditioned existence, một sự hiện hữu do sự liên kết và tương tác giữa nhiều nguyên nhân và điều kiện mà có). Nếu chúng ta xem khổ đau là một thứ gì đó tiêu-cực và bất-bình-thường mà chúng ta là nạn nhân thì nhất định cuộc sống này của mình sẽ là cả một sự khốn khổ (khổ đau là thành phần tự nhiên của sự sống, nằm bên trong sự sống). Các vấn đề khó khăn là do các phản ứng của mình tạo ra cho mình mà thôi (sự bám víu và các thúc dục bản năng không cho phép chúng ta chấp nhận khổ đau là bản chất tự nhiên của sự sống, và cũng là bản chất vô thường của hiện thực. Các nỗ lực chống lại bản chất đó, trên cả hai phương diện vật chất và tâm linh, là cách tạo ra thêm các khổ đau khác ghép thêm vào bản chất khổ đau tự nhiên của sự sống). Hạnh phúc chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta có thể xem những gì mà mình cho là khổ đau không thể làm cho mình cảm thấy bất hạnh (nói một cách khác là phải chuyển các cảm tính khổ đau mang tính cách hiện sinh (existentialism) trở thành khác hơn – biến chúng trở thành các cảm tính hạnh phúc chẳng hạn – hoặc nếu có thể thì loại bỏ chúng bằng sự tu tập).
188
Sự suy tư về hiện thực của khổ đau, qua góc nhìn của Phật Giáo, không hề đưa đến các cảm tính yếm thế hay tuyệt vọng. Sự suy tư đó sẽ giúp chúng ta khám phá ra các nguyên nhân tiên khởi nhất mang lại những điều bất hạnh cho mình: các sự thèm khát, hận thù và u mê (u mê ở đây có nghĩa là sự nhận định sai lầm vể hiện thực, kinh sách Hán ngữ gọi là “vô minh”) kể cả các sự cố gắng loại bỏ những thứ ấy. Sự u mê/vô minh ở đây có nghĩa là sự thiếu hiểu biết về bản chất đích thật của tất cả chúng sinh và mọi sự vật. Sự u mê đó là cội nguồn làm phát sinh ra hai thứ độc tố là sự thèm khát và hận thù. Khi sự u mê tan biến hết thì hai thứ độc tố còn lại là sự thèm khát và hận thù cũng sẽ mất hết cơ sở tồn tại của chúng, và cội nguồn của khổ đau cũng sẽ khô cạn (sở dĩ chúng ta bám víu hay hận thù là vì sự u mê trong tâm thức không cho phép mình nhận thấy được bản chất vô thường và vô thực thể của mọi sự vật, nói một cách khác là sự “trống không” của thế giới hiện tượng. Một khi đã ý thức được bản chất ấy của thế giới hiện tượng thì chúng ta sẽ biết “buông bỏ”, không còn bám víu hay hận thù bất cứ một hiện tượng nào trong bầu không gian ảo giác đó). Những gì hiện ra sẽ là một niềm phúc hạnh thấm đượm lòng vị tha bùng lên một cách tự nhiên, và niềm phúc hạnh đó cũng sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức xúc cảm tiêu cực (khi nào không còn bám víu vào bất cứ một hiện tượng nào nữa thì một sự thanh thản mênh mông sẽ hiện ra với mình, và nếu nhìn trở lại thế giới thì mình sẽ nhận thấy vô số chúng sinh khác đang ngụp lặn trong sự bám víu và hận thù, và từ bên trong niềm hạnh phúc mà mình vừa cảm nhận được sẽ bùng lên lòng vị tha vô biên).
Tâm thức bị ô nhiễm bởi ba thứ độc tố thật khủng khiếp là sự thèm khát, hận thù và u mê, và động cơ thúc đẩy phía sau các độc tố đó là ba thứ bản năng: sinh tồn (thèm khát), truyền giống (bám víu) và sợ chết (u mê không chấp nhận vô thường). Một tầm nhìn xuyên qua góc cạnh của ba độc tố đó sẽ làm cho hiện thực bị méo mó, trái lại một tầm nhìn thoát khỏi ba độc tố ấy nhất là độc tố u mê – cỏn gọi là trí tuệ – sẽ giúp mình trông thấy được hiện thực đúng với nó, nói một cách khác thì đấy là sự trống-không và vô-thực-thể của thế giới hiện tượng. Sự trông thấy đó hay sự ý thức sâu xa đó về hiện thực Phật giáo gọi là sự Giải Thoát.. Đó là ý nghĩa trong lời khuyên trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma – gccncntV.
Suy tư về sự bất hạnh
189
Người ta nhận thấy trong các nước phát triển thường có nhiều người cảm thấy bất hạnh. Thật ra họ chẳng thiếu thốn gì cả, được hưởng mọi thứ tiện nghi, cuộc sống thật đầy đủ, thế nhưng họ vẫn không hài lòng với số phận mình. Họ tự làm cho mình phải khổ sở vì ganh tị hay tưởng tượng ra bất cứ một lý do nào. Một số lúc nào cũng bị ám ảnh bởi các tai họa sắp xảy ra, một số khác thì nghĩ rằng ngày tận thế đã gần kề. Họ tự tạo ra khổ đau cho mình chỉ vì không đủ sức suy nghĩ một cách lành mạnh. Nếu họ biết thay đổi cách nhìn vào mọi sự vật thì các niềm ray rứt đó cũng sẽ tan biến ngay (mở rộng lòng mình để yêu thương từng cọng cỏ, hạt cát, để trông thấy một con sâu thật dễ thương đang gặm một chiếc lá non, hay lắng nghe tiếng nô đùa hồn nhiên của đàn trẻ trong một sân trường mẫu giáo, cũng đủ giúp mình xóa bỏ những sự lo âu và đau buồn vô cớ trong nội tâm mình. Cách nhìn vào một vài nét chi tiết đó của thế giới chung quanh không phải là để đánh lạc hướng tâm thức mình mà là những sự chú tâm nho nhỏ giúp mình hướng vào hiện thực và sống với hiện thực qua một khía cạnh tích cực nào đó của nó và cả chính mình).
190
Tuy nhiên cũng có nhiều người phải khổ sở vì các nguyên nhân chính đáng hơn, chẳng hạn như ốm đau, lâm vào cảnh cơ hàn, nạn nhân của thiên tai, hoặc bị ngược đãi hay bị đối xử bất công. Thế nhưng, thêm một lần nữa, cũng xin nhắc lại là họ cũng có thể biến cải được tình trạng đó của họ. Nếu các khó khăn thuộc mặt vật chất thì họ phải tự xoay sở, chẳng hạn như tố cáo đích danh những kẻ đối xử tàn tệ với mình, đưa họ ra tòa để đòi bồi thường, hoặc nếu thiếu ăn thiếu mặc thì phải ra sức làm việc. Trên phương diện tinh thần thì phải tạo ra cho mình một tầm nhìn tích cực hơn.
191
Mức độ khổ đau tùy thuộc vào thái độ tâm thần của mình (đau buồn hay những cảm nhận đớn đau là các thể dạng tâm thần, nói một cách khác thì đấy là các phản ứng của tâm thức. Mức độ của các phản ứng đó tùy thuộc và liên hệ với bản tính hay tính khí của mỗi cá thể, và cả quan điểm của cá thể ấy về hiện thực, sâu xa hơn nữa là nghiệp của cá thể ấy). Chẳng hạn như khi đau ốm thì phải vận dụng tất cả mọi phương tiện chữa trị: đi khám bác sĩ, uống thuốc, tập một vài động tác trên thân thể… Thế nhưng thông thường thì người ta lại làm cho mọi sự trở nên phức tạp hơn, chẳng hạn như tự dày vò mình, bực tức về thân phận mình. Đấy cũng chỉ là cách ghép thêm khổ đau tâm thần vào khổ đau thể xác mà thôi.
192
Nếu là một căn bệnh trầm trọng thì thường chúng ta nhìn vào nó qua một góc cạnh thật tiêu cực. Nếu đau ở đầu thì chúng ta sẽ có thể nghĩ rằng: “Chẳng có gì tệ hại hơn như thế này được, nếu hai chân không đi được thì có phải là tốt hơn không!”. Chúng ta không ngớt ta thán và xem mình là kẻ duy nhất trên thế gian này phải gánh chịu những thứ khổ đau đó, thay vì tự an ủi bằng cách nghĩ đến vô số những người khác cũng phải gánh chịu khổ đau không kém gì mình.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể suy nghĩ ngược lại, chẳng hạn như nếu hai cánh tay bị bại thì chúng ta có thể nghĩ như thế này: “Dù không còn sử dụng được hai cánh tay, nhưng đôi chân thì vẫn còn khỏe”. Và nếu hai chân bị bại thì sẽ nghĩ rằng: “Tuy không còn đi đứng được nữa nhưng đã có xe lăn, và tay thì vẫn còn cầm bút được. Các cách suy nghĩ đơn giản như vậy cũng đủ để mang lại cho mình một chút an ủi nào đó (tuy là một cách tự đánh lừa mình trước hiện thực, thế nhưng cũng là một cách tự trấn an mình, không để các ý nghĩ đen tối xâm chiếm tâm thức mình).
193
Dù lâm vào bất cứ một hoàn cảnh nào thì mình cũng vẫn có thể nhận định nó qua một góc nhìn tích cực hơn, nhất là vào thời buổi tân tiến ngày nay khi mà các tiến bộ kỹ thuật có thể mang lại cho mình nhiều hy vọng. Thật vậy, không thể nào tìm được một phương pháp tâm thần khả dĩ có thể làm giảm bớt các sự đau đớn gây ra bởi các cảnh huống cụ thể (bệnh tật, thương tích, thiên tai…). Thế nhưng quả hết sức hiếm hoi khi xảy ra các trường hợp mà chúng ta chỉ thấy toàn là các lý do khiến mình phải khổ sở, không tìm được một sự trấn an nào cả. Khi phải đối đầu với các sự đau đớn thể xác thì cứ hãy nghĩ đến các khía cạnh tích cực và giữ vững các ý nghĩ ấy trong tâm thức mình, đó là cách có thể làm nhẹ bớt đôi chút những sự đớn đau đang hành hạ mình.
194
Dù căn bệnh có kéo dài và trở nên trầm trọng đến đâu thì vẫn có một phương cách giúp mình không bị tràn ngập bởi sự tuyệt vọng. Nếu là người Phật Giáo thì các bạn nên nghĩ như thế này: “Mong sao căn bệnh đang hành hạ tôi sẽ tinh khiết hóa được các việc tệ hại mà tôi đã gây ra trong quá khứ! Cầu xin khổ đau của kẻ khác cứ ghép thêm vào khổ đau của tôi, giúp tôi nhận chịu thay họ những khổ đau của họ!” (khổ đau của mình là do các hành động tệ hại của mình trong quá khứ tạo ra cho mình trong hiện tại, nhận chịu một cách ý thức các sự khổ đau đó là cách hóa giải “nghiệp” do chính mình tạo ra cho mình. Đồng thời mở rộng lòng mình để nhận chịu thêm sự khổ đau của tất cả những người khác là cách phát động lòng từ bi bên trong chính mình. Tuy lòng từ bi đơn giản chỉ là một hình thức xúc cảm thế nhưng sức mạnh của xúc cảm đó có thể làm giảm bớt hoặc quên đi sự khổ đau của riêng mình, đồng thời nó cũng sẽ tạo ra thêm cho mình một sức mạnh khác, một thứ nghiệp mới mang tính cách tích cực hơn gọi là “công đức” hay “đạo hạnh” – tiếng Phạn là “punya”. Sức mạnh của công đức đó tùy thuộc vào quyết tâm và sự chân thành của mình có thể hóa giải hoặc làm chuyển căn bệnh của mình theo một chiều hướng thuận lợi hơn). Đồng thời cũng nên nghĩ đến vô số các chúng sinh khác cũng đang khổ đau như mình và hãy cầu xin những khổ đau mà mình đang gánh chịu sẽ làm vơi bớt khổ đau của các chúng sinh ấy. Trong trường hợp nếu không còn đủ sức để suy nghĩ như thế thì cũng chỉ cần ý thức được là bệnh tật không phải chỉ xảy đến với mình mà cả với nhiều người khác nữa, họ cũng đang phải gánh chịu những thứ khổ đau như mình. Cách suy nghĩ đơn giản đó cũng đủ giúp mình chịu đựng dễ dàng hơn các sự đau đớn của riêng mình.
Nếu bạn là người Ki-tô giáo và tin vào một vị Trời sáng tạo ra vũ trụ thì hãy tự an ủi bằng cách nghĩ rằng: “Sự khổ đau này dù tôi không mong đợi nó thế nhưng nhất định phải có một nguyên nhân tạo ra nó, chẳng qua vì lòng từ bi mà Trời đã cho tôi sự sống này” (vì Trời thương tôi mà cho tôi sự sống này, thế nhưng sống thì phải chấp nhận khổ đau, dù mình không biết đích xác được là nó phát sinh từ nguyên nhân nào hay vì lý do nào. Người Phật Giáo hiểu rằng khổ đau là do các hành động của chính mình tạo ra cho mình).
Nếu các bạn không theo một tôn giáo nào cả thì hãy cứ nghĩ rằng niềm bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu dù khủng khiếp đến đâu đi nữa thì cũng không phải là chỉ xảy ra với riêng mình. Dù các bạn không tin bất cứ một thứ gì đi nữa thì cũng hãy cứ tưởng tượng có một luồng ánh sáng từ bên ngoài xuyên thẳng vào chỗ đau của mình làm cho nó tan biến hết. Cứ thử làm như thế xem có bớt đau được chút nào hay không?
195
Có những niềm bất hạnh xảy ra thật bất ngờ, không tránh né được, chẳng hạn như cái chết của một người thân. Tất nhiên trong các trường hợp đó chúng ta sẽ không thể nào làm đảo ngược được nguyên nhân gây ra nó. Chính vì lý do không thể làm gì khác hơn được nên sự tuyệt vọng sẽ chẳng ích lợi gì, nếu không thì cũng chỉ làm cho sự đau đớn thêm gay gắt mà thôi. Sở dĩ nêu lên lời khuyên này là vì tôi nghĩ đến những người không có một niềm tin tôn giáo nào cả.
Trước cái chết của một người thân thuộc, thì người không tín ngưỡng sẽ dễ rơi vào một sự xao động không lối thoát hoặc một sự đớn đau không kham nổi. Trái lại nếu người quá cố từng là một kẻ thù của mình thì người này cũng có thể nghĩ thầm: “Đáng đời cho mi!”.
Đối với một người tu tập Phật Giáo chân chính thì sự ra đi của một người thân hay một kẻ thù cũng vậy, đều là một dịp cụ thể nhắc nhở mình về bản chất vô thường của sự sống trong thế giới hiện tượng. Các cảm tính bám víu sẽ chẳng mang lại một sự ích lợi nào cho kẻ ra đi và cả người ở lại. Hiểu được điều đó và để tiễn biệt người quá cố – dù là thân thuộc hay kẻ thù – thì mình cũng nên hồi hướng công đức của mình và gửi gấm tất cả tình thương yêu của mình cho người ra đi, đồng thời cũng nên nhìn lại các hành động của mình trong quá khứ xem có giúp được mình chút nào hay không khi đến lượt mình phải ra đi, tương tự như người thân hay kẻ thù vừa nằm xuống – gccncntV.
196
Phân tích các nỗi khổ đau của mình là điều cần thiết, đó là cách giúp mình khám phá ra các nguyên nhân làm phát sinh ra chúng hầu tìm xem có phương pháp nào làm cho chúng phải chấm dứt hay không. Thông thường chúng ta nghĩ rằng tất cả mọi lỗi lầm nhất định là do người khác hay một thứ gì khác tạo ra cho mình. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng điều đó luôn luôn đúng thật là như thế. Trường hợp trên đây cũng chẳng khác gì với các sinh viên thi trượt nhưng không chấp nhận là nếu học hành chuyên cần hơn thì mình sẽ thi đỗ. Chúng ta trách cứ một Vị nào đó bằng cách đổ thừa cho Vị ấy đã tạo ra các cảnh huống toàn đưa đến những điều bất lợi cho mình. Thế nhưng đấy phải chăng cũng chỉ là một cách tạo ra thêm một thứ khổ đau khác trên phương diện tâm linh để ghép thêm vào các thứ khổ đau mà mình đang phải gánh chịu?
197
Rất nhiều cuộc xung đột đã từng xảy ra trong gia đình rộng lớn của nhân loại và cả bên trong từng gia đình nhỏ bé của các bạn, đấy là chưa nói đến vô số các cuộc xung đột khác giữa các tập thể và các quốc gia, và cả bên trong nội tâm của từng mỗi cá thể… Tất cả các sự kình chống và đối nghịch đó đều phát sinh từ các tư duy và quan điểm do trí thông minh tạo ra cho chúng ta. Quả thật đáng tiếc, điều đó cho thấy trí thông minh đôi khi cũng chỉ là cách đưa đẩy chúng ta rơi vào các thể dạng tâm thần tiêu cực mà thôi. Trí thông minh qua góc nhìn đó cũng chỉ là một thứ cội nguồn tạo thêm khổ đau cho con người. Thế nhưng theo tôi thì dưới một góc nhìn khác dường như trí thông minh cũng là phương tiện duy nhất có thể giúp chúng ta vượt lên trên mọi sự xung đột và các hình thức dị biệt (từ các chủ nghĩa, giáo điều, thể chế, triết học,… cho đến các hình thức mưu đồ, lừa đảo, quỷ quyệt…, đều phát sinh từ trí thông minh của con người, Khí giới được sáng chế ngày càng tinh xảo, chiến tranh xảy ra triền miên, xung đột bùng lên khắp nơi tất cả đều bắt nguồn từ trí thông minh của con người. Thế nhưng con người thường không ý thức được là động cơ thúc đẩy phía sau trí thông minh là ba thứ độc tố vô cùng nguy hiểm là sự u mê, thèm khát và hận thù, và cũng không mấy khi con người ý thức được lòng từ bi và tình thương yêu là một sức mạnh đối nghịch, một liều thuốc có thể hóa giải được tất cả các thể dạng bệnh hoạn và ô nhiễm đó của trí thông minh).
198
Ngay cả đối với trường hợp khi phải xa lìa một người thân thiết, chẳng hạn như cha hay mẹ mình, thì các bạn cũng nên suy nghĩ chín chắn hơn. Hãy nghĩ rằng khi tuổi tác đã chồng chất thì sự sống tất sẽ đi đến chỗ chấm dứt của nó. Thuở ấu thơ, cha mẹ các bạn từng làm tất cả những gì mà họ làm được để nuôi nấng các bạn, giờ đây các bạn không có một điều gì để mà hối tiếc cả (cha mẹ đã làm tròn bổn phận của họ trước khi ra đi, nếu có hối tiếc là chính mình hối tiếc đã không làm trọn bổn phận mình khi cha mẹ còn sống. Quả là một lời khuyên vô cùng kín đáo, sâu sắc và ý nhị). Tất nhiên nếu cha mẹ mình qua đời quá sớm, chẳng hạn như bị tai nạn xe cộ, thì đấy mới thật là điều đáng đau buồn (vì mình chưa kịp đền đáp công ơn của cha mẹ mình).
Suy tư về sự yếm thế
199
Đối với những người yếm thế và những người lúc nào cũng tự dày vò mình thì tôi cũng chỉ biết nói với họ rằng: “Các bạn quả thật dại dột!”. Một hôm trên đất Mỹ, tôi gặp một người phụ nữ lúc nào cũng cảm thấy mình vô cùng khổ sở nhưng không biết là vì lý do gì. Tôi nói với bà ta như sau: “Tại sao lại cứ làm cho mình khổ sở như vậy! Bà còn trẻ, còn nhiều năm trước mặt để sống, không có lý do gì để mà tự dày vò mình như thế”. Bà ấy nói với tôi rằng tại sao tôi lại xen vào chuyện của bà ta như vậy. Tôi cảm thấy buồn. Tôi trả lời bà ta rằng nói lên như thế cũng chẳng mang lại một chút ích lợi nào cả. Tôi bèn nắm lấy tay bà, vỗ khe khẽ một cách thật thân thiện và bà ấy liền thay đổi thái độ.
Người ta chỉ có thể giúp đỡ những người trong hoàn cảnh đó bằng tình thương yêu và sự trìu mến. Tình thương đó không phải là một thứ tình thương trên đầu môi, cũng không phải là những lời rỗng tuếch, mà là một cái gì đó phát xuất từ đáy tim mình. Trong những lúc tranh cãi người ta sử dụng lý trí, thế nhưng khi bộc lộ tình thương yêu đích thật hay sự trìu mến thì phải biểu lộ trực tiếp hơn (bằng con tim của mình). Cuối cùng thì người phụ nữ ấy đã thay đổi, bắt đầu cười nói thật hồn nhiên.
200
Nếu bạn là một người yếm thế thì hãy nghĩ rằng mình cũng là thành phần của xã hội con người, và một khi đã là con người thì tất nhiên từ nơi sâu kín bên trong chính mình luôn hiển hiện tình thương yêu giữa người này và người khác. Do vậy thế nào bạn cũng sẽ tìm được một người trong số họ, một người mà bạn xem như một tấm gương, hầu gửi gấm niềm hy vọng của mình. Tự dày vò mình như bạn đang làm chẳng ích lợi gì cả.
201
Hãy mở ra một khúc quanh mới tích cực hơn cho dòng tư duy của mình. Quả là cả một sự sai lầm khi cho rằng tất cả mọi người đều xấu xa. Tất nhiên cũng có những người không tốt, thế nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều xấu. Có rất nhiều người cao quý và rộng lượng.
202
Những người nhận định về thế giới qua cung cách đó sẽ không còn tin vào bất cứ một ai cả, họ sẽ cảm thấy cô đơn, cô đơn từ bên trong chính mình. Sở dĩ tình trạng đó xảy ra là vì họ không còn đủ sức để nghĩ đến kẻ khác. Vì không đủ sức nghĩ đến kẻ khác nên họ đánh giá kẻ khác xuyên qua chính mình và từ đó họ sẽ tưởng tượng rằng kẻ khác nhìn mình cũng tương tự như mình nhìn họ. Trong trường hợp đó thì cũng không nên ngạc nhiên trước các cảm tính cô đơn trong lòng họ.
203
Môt hôm có một người liên hệ mật thiết với Trung Quốc đến viếng Dharamsala (nơi lưu vong của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Ấn Độ). Nhiều người sinh sống tại đây biết được tin này, họ là những người có định kiến không tốt về nhân vật này. Điều đó đã khiến buổi họp diễn ra trong một bầu không khí hết sức ngột ngạt.
Riêng đối với cá nhân tôi thì tôi chẳng có gì chống lại người này cả. Tôi nghĩ rằng người này cũng chỉ là một con người như tất cả mọi người khác. Chỉ vì không được tiếp nhận các nguồn thông tin đầy đủ nên người này đã quá tin vào những người Trung Quốc mà thôi.
Trong buổi họp đầu tiên, người này ăn nói với tôi bằng một giọng điệu gây hấn, thế nhưng tôi vẫn cứ xem người này đơn giản là một con người và nói với người này về xứ sở Tây Tạng của tôi bằng những lời thật thân thiện. Trong buổi họp ngày hôm sau, thái độ của người này đã hoàn toàn thay đổi.
Nếu trước đó tôi cũng tỏ ra căng thẳng như người ấy thì mỗi người trong chúng tôi sẽ càng lúc càng nấp kín hơn phía sau quan điểm của mình. Tôi sẽ không còn màng đến các lập luận của người ấy, và người ấy cũng vậy cũng sẽ chẳng chú ý gì đến các luận cứ mà tôi đưa ra. Một khi đã xem người ấy là một con người thì tôi cũng tự nhủ nếu đã là con người thì tất cả mọi người nào có khác gì nhau, sự khác biệt nếu có là vì đôi khi họ không được thông tin đầy đủ mà thôi (có nghĩa là bị tuyên truyền, bưng bít…). Vì thế tôi luôn đối xử với người ấy thật thân thiện, và dần dần tôi đã giúp người ấy cởi mở hơn.
204
Có nhiều người chỉ toàn nhận thấy các khía cạnh tiêu cực của mọi sự vật. Quả hết sức lạ lùng. Chẳng hạn như trong tập thể những người Tây Tạng lưu vong, dù tất cả đều là những người tị nạn như nhau, cùng chịu chung một hoàn cảnh như nhau, thế nhưng một số luôn tỏ ra hài lòng, thuật lại toàn những câu chuyện lý thú khiến những người chung quanh đều vui lây. Ngược lại một số khác dường như chẳng cảm thấy bằng lòng về bất cứ một thứ gì cả. Họ chỉ nêu lên toàn cái xấu của tất cả mọi thứ và lúc nào cũng tự dày vò mình (mỗi khi trách móc một điều gì thì Đức Đạt-lai Lạt-ma đều nêu lên trường hợp của những người Tây Tạng, thế nhưng thật ra thì đấy cũng là một cách nhắc nhở và khuyên bảo kín đáo tất cả chúng ta. Thật vậy, quả hết sức lạ lùng, có nhiều người lúc nào cũng có những ý nghĩ đen tối, suy nghĩ và nói ngược lại người khác. Đấy cũng chỉ là một cách khiến họ tự nép mình vào một góc tối tăm nhất của hiện thực. Những người lớn tuổi từng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường hay rơi vào tình trạng đó, tuy nhiên đấy cũng có thể là hậu quả tạo ra bởi nghiệp từ lâu đời của họ).
205
Theo kinh sách Phật Giáo thì thế giới có thể hiện ra với mình như một người bạn hay một kẻ thù, có nghĩa là đầy khiếm khuyết hay đầy những phẩm tính tốt, tất cả đều do nơi tư duy của mình mà ra cả (tầm nhìn của mình vào thế giới luôn luôn xuyên qua một tấm màn ngăn cách giăng ra bởi nghiệp tồn lưu bên trong tâm thức mình, tấm màn đó được dệt bằng những sợi chỉ gai chằng chịt của ba thứ độc tố là u mê, thèm khát và hận thù, nhưng cũng có thể là bằng những sợi tơ óng ả của từ bi, thương yêu và rộng lượng, tấm màn đó gồm có nhiều lớp là như vậy. Khi nào các lớp màn dày đặc của vô minh rơi xuống, chỉ còn lại một tấm màn tơ mỏng thì đấy là sự Giác Ngộ. Người Bồ-tát sẽ tiếp tục giữ nguyên tấm màn đó trong tâm thức mình, trong khi các vị Arahant/A-la-hán thì buông bỏ tất cả, kể cả tấm màn tơ lụa mỏng). Nói một cách bao quát hơn thì chẳng có một thứ gì chỉ gồm toàn là các điều thuận lợi. hoặc toàn là khó khăn. Tất cả những gì mà chúng ta tiêu dùng, hoặc liên hệ với chúng ta, từ thức ăn, quần áo cho đến nhà cửa, kể cả những người thân trong gia đình, bạn hữu, cấp trên, cấp dưới, bậc thầy hay hàng đệ tử, v.v…, tất cả đều mang một số phẩm tính và các khiếm khuyết. Mọi sự thể cũng chỉ là như thế. Nếu muốn nhận định một cách chính xác hiện thực là gì thì phải chấp nhận các khía cạnh tồt cũng như xấu ấy đúng là như thế (hiện thực không tốt cũng không xấu mà “chỉ là như thê”, tốt hay xấu là các tạo tác tâm thần, liên hệ đến nghiệp ghi khắc trên dòng luân lưu của tri thức. Thuật ngữ “Như Thế” – tiếng Pa-li và tiếng Phạn là Tathagata, tiếng Hán là Như Lai / 如來 – nói lên một cái gì đó thật đơn giản, chẳng có gì là quan trọng cả, thế nhưng thật ra hàm chứa một ý nghĩa thật bao quát và sâu sắc, phản ảnh toàn bộ sự vận hành “tự nhiên” và “hợp lý” của hiện thực, đồng thời cũng là một đối tượng suy tư và thiền định giúp người tu tập vượt lên trên mọi sự bám víu vào các sự chuyển động – dù là tích cực hay tiêu cực – của thế giới hiện tượng).
206
Từ một góc nhìn nào đó chẳng hạn thì mình có thể nhận thấy mọi sự đều tích cực vào một ngày nào đó, kể cả khổ đau cũng có thể được xem là hữu ích. Tôi nhận thấy những người từng trải, từng phải đối đầu với thật nhiều thử thách trong quá khứ, thường không ta thán trước những khó khăn nhỏ nhặt (đây là một phản ứng ngược hẳn lại với trường hợp của những người yếm thế nói đến trong lời khuyên 204 trên đây, tức là những người chỉ toàn nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực của mọi sự vật. Điều này cho thấy hai cách tác động khác nhau của nghiệp đối với hai nhóm cá thể cùng chịu chung một hoàn cảnh như nhau). Các đớn đau mà họ từng chịu đựng đã trui rèn tâm tính họ, mang lại cho họ một tầm nhìn bao quát hơn, một tâm thức thăng bằng hơn, nhất là gần hơn với hiện thực. Điều đó giúp họ nhận thấy dễ dàng hơn tất cả mọi sự chẳng qua cũng chỉ là như thế. Những người chẳng bao giờ gặp phải khó khăn, trải qua cuộc đời mình trong nhung lụa, sẽ tự tách rời mình ra khỏi hiện thực. Khi phải đối đầu với một chút khó khăn thì họ làm “ngập tràn cả quê hương bằng những lời ta thán”.
207
Tôi đã đánh mất quê hương và phải trải qua phần còn lại của đời tôi trong cảnh lưu vong. Dân tộc tôi bị tra tấn, sát hại, đền chùa bị san bằng, văn minh bị quét sạch, xứ sở tan hoang, tài nguyên bị cướp phá. Trước cảnh đó quả thật chẳng có gì là vui sướng cả. Thế nhưng mặt khác thì tôi đã học được rất nhiều trong khi tiếp xúc với các dân tộc khác, các tín ngưỡng khác, các nền văn hóa khác và cả các nền khoa học khác. Tôi tìm thấy các hình thức khác về sự tự do và các tầm nhìn khác hơn về thế giới mà trước đây tôi không được biết đến (một sự nhận xét thật sắc bén, lạc quan, phản ảnh một trí tuệ khác thường và cả một sự khiêm tốn thật sâu xa).
208
Trong tập thể những người Tây Tạng lưu vong, người ta nhận thấy những người từng chịu đựng nhiều khổ đau thường là những người vui vẻ hơn cả, nội tâm họ cũng thật vững vàng. Trong số họ nhiều người từng phải chịu đựng hai mươi năm giam cầm trong các điều kiện vô cùng khủng khiếp, thế nhưng họ vẫn tâm sự với tôi rằng về mặt tâm linh thì những năm tháng đó quả là những năm tháng đẹp nhất trong đời mình. Một nhà sư trong tu viện của tôi từng chịu đựng những sự tra tấn thật tàn ác suốt trong nhiều năm liền, nhằm mục đích bắt nhà sư này phải bỏ lòng tin của mình. Thế nhưng vị ấy đã vượt ngục và trốn được sang Ấn Độ. Tôi hỏi vị này trong lúc bị giam có sợ hay không? Người này trả lời tôi rất thành thật và cho biết rằng sự sợ hãi duy nhất đối với mình là đánh mất lòng từ bi đối với những người cai ngục đã tra tấn mình.
209
Một số dân chúng sinh sống tại Pháp, Đức, Anh Quốc và một vài nơi khác từng biết đến Thế Chiến Thứ Hai và từng chịu đựng cả một giai đoạn đói kém sau đó, sẽ thản nhiên trước những sự thiếu thốn lặt vặt. Họ luôn hài lòng với số phận mình vì đã từng trông thấy những cảnh đáng thương hơn mình rất nhiều. Trái lại những người chưa từng nếm mùi những gì xảy ra trong cuộc chiến ấy, sống phây phây trong hạnh phúc, chẳng khác gì như trong khu vườn trẻ của một trường mẫu giáo, thì rên siết hoặc ngã ra bất tỉnh mỗi khi gặp phải một chút khó khăn. Dù hạnh phúc có hiện ra với họ thì họ cũng chẳng hề ý thức được điều đó.
210
Một số người thuộc các thế hệ mới ngày nay không còn tin vào các tiến bộ vật chất nữa và đã bước theo con đường tâm linh. Theo tôi điều đó thật hết sức tích cực. Dầu sao cũng phải hiểu rằng thế giới này được xây dựng bởi những điều tốt đẹp và cả xấu xa, kể cả những gì mà chúng ta gọi là hiện thực thì phần lớn cũng chỉ là các thứ tạo tác tâm thần mà thôi (có nghĩa là những gì mà chúng ta nghĩ rằng là hiện thực, thật ra không đúng thật là hiện thực, mà chỉ đơn giản là các thứ tạo tác tâm thần. Những gì mà chúng ta trông thấy, ngửi được, nếm được, nghe thấy được, sờ mó được hay hiểu biết được, cũng chỉ là các cảm nhận vô cùng hạn hẹp của ngũ giác và tâm thức, thế nhưng chúng ta thì lại đồng hóa những thứ ấy với hiện thực, cho rằng thế giới đúng là như thế. Tóm lại hiện thực mà chúng ta nhận biết được qua sáu giác quan – lục giác và tâm thần – cũng chỉ đơn giản là những gì hiện lên bên trong tâm thức sau khi đã được nhuộm bởi đủ thứ màu sắc của xúc cảm, có nghĩa là chỉ phản ảnh một phần rất nhỏ của hiện thực, sau khi đã bị khả năng giới hạn của ngũ giác và các tác động sâu kín của nghiệp tồn lưu trên dòng luân lưu của tri thức, làm cho méo mó).
Bures-Sur-Yvette, 01.02.2019
Hoang Phong chuyển ngữ