Sau những diễn tiến dồn dập đưa Phật Giáo đến đường cùng qua những vụ đàn áp, bắt bớ, tù đày và phong tỏa các chùa chiền khắp nơi… Để cứu nguy Phật Giáo, chỉ trong mấy ngày của tháng Sáu âm lịch năm Quý Mão (tháng 8/1963), có đến 4 ngọn lửa thiêng uy dũng bùng lên tại Phan Thiết, Nha Trang và Huế. Các cuộc tự thiêu liên tiếp đến mức Đại Lão Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam phải lên tiếng kêu gọi ngưng lại các hành động tự thiêu vì đạo. Thật là một sự kiện bi hùng hy hữu trong lịch sử Phật Giáo thế giới!
NGỌN LỬA NGUYÊN HƯƠNG
Ngày 15 tháng 6 Quý Mão (4.8.1963), trong khi Chư Tăng Ni và Tín đồ Phật Giáo tỉnh Bình Thuận đang còn tuyệt thực ở chùa hội quán Tỉnh Hội, Đại Đức Thích Nguyên Hương châm lửa tự thiêu mình ở Đài Chiến Sĩ ngay trước Tỉnh đường Bình Thuận (thị xã Phan Thiết).
Đại Đức Thích Nguyên Hương tục danh là Huỳnh Văn Lễ, sinh năm 1940 tại làng Long Tỉnh, quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Thầy xuất gia năm 18 tuổi, theo học với Thiền sư Viên Trí chùa Bửu Tích. Năm 20 tuổi, Thầy thọ đại giới và có đạo hiệu Đức Phong. Thầy nhận trụ trì chùa Bửu Tạng ở Bình Thuận từ tháng 9 năm 1962. Đại Đức Nguyên Hương tự thiêu thân một mình, không cho ai hay biết. Trước khi thực hiện bản nguyện, Thầy để lại một bức thư gởi Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, một bức thư gởi bổn đạo chùa Bửu Tạng và một bức thư khác gởi lại song thân. Nội dung những bức thư này là ý nguyện của Thầy muốn đóng góp vào những nỗ lực tranh đấu để chấm dứt tình trạng đàn áp Phật Giáo Đồ. Trong lá thư gởi song thân, Thầy xin hai người tinh tiến niệm Phật và đừng trách cứ gì vị Bổn Sư của Thầy là Thiền sư Viên Trí, vì Thiền sư không hề hay biết gì về bản nguyện tự thiêu của Thầy.
Đại Đức Nguyên Hương tuy mới có 23 tuổi, nhưng đã có định lực khá vững vàng. Thầy ngồi yên bình tĩnh tại trong lửa đỏ cho đến khi ngã xuống. Đồng bào thấy lửa cháy, chạy đến bao quanh Đài Chiến Sĩ. Một đơn vị quân đội được lập tức huy động tới để giải tán quần chúng và chở thi hài Thầy về bệnh viện Phan Thiết. Đồng bào kéo tới bệnh viện, nhưng các nhân viên công lực đã kéo đến phong tỏa bệnh viện này.
Tuy vậy, trước khi bệnh viện bị phong tỏa, khoảng 20 vị vừa Tăng Ni, vừa Gia Đình Phật Tử đã lọt vào được bệnh viện để túc trực bên thi thể của Đại Đức. Sau khi bệnh viện bị phong tỏa, những người này không ra được nữa. Quần chúng kéo đến bệnh viện càng lúc càng đông. Tăng Ni và Phật Tử ngồi xuống trước cổng bệnh viện bắt đầu tụng niệm cầu siêu cho Giác linh người mới xả thân vì đạo. Chính quyền cho xe thông tin đi phát thanh khắp thị xã, báo tin “một thanh niên thất tình chán đời vừa tự tử tại Đài Chiến Sĩ”. Các lực lượng cảnh sát không giải tán được quần chúng. Mãi cho đến nữa đêm, theo lời yêu cầu của quý Thầy Quang Thế, Minh Thuần và Ấn Tâm, đồng bào mới chịu ra về. Các vị Tăng Ni và thanh thiếu niên Phật Tử bên trong nhất định không rời bệnh viện, sợ chính quyền chuyển thi hài của Thầy mình đi phi tang. Một số Tăng Ni và Phật Tử khác cũng nhất quyết ngồi ngoài bệnh viện. Suốt đêm họ luân phiên tụng kinh cầu nguyện.
Tại chùa Tỉnh Hội, quần chúng cũng đã tập trung rất đông đảo. Loa phóng thanh được mắc lên cột cờ chính trước sân chùa và Thầy Châu Đức đứng ra trình bày về sự tình đã xảy ra, cải chính những điều mà xe thông tin của chính quyền phát thanh trong thành phố. Thầy cho đồng bào biết là “Đại Đức Nguyên Hương, một vị Tăng sĩ của Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận vừa tự thiêu để phản đối chính quyền về việc không chịu thực tâm thi hành Thông Cáo Chung”.
Lập tức các lực lượng cảnh sát liền tới bao vây chùa Tỉnh Hội. Sáng ngày 5.8.1963, cảnh sát và dân vệ kéo tới đàn áp, bắt các Tăng Ni nhốt vào trong phòng danh cho người điên ở bệnh viện và chở thi hài của Đại Đức Thích Nguyên Hương đi mất.
– oOo –
Tại Sài Gòn, tin Đại Đức Nguyên Hương tự thiêu đến tai Ủy Ban Liên Phái ngày 5.8.1963. Lễ cầu siêu cho Đại Đức được dự định tổ chức vào ngày 11.8.1963 trên toàn quốc. Tại chùa Xá Lợi ngày hôm đó, lễ cầu siêu được Đoàn Sinh Viên Phật Tử, Đoàn Thanh Niên Bảo Vệ Phật Giáo và Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử điều động và tổ chức. Số người tham dự lên đến 20.000 người.
Tại lễ cầu siêu này, số lượng Tăng Ni rất đông đảo. Các Tăng sĩ gốc Miên có mặt từng đoàn. Cùng mặc pháp phục như họ là các Tăng sĩ Nam Tông gốc Việt. Tăng sinh và Ni sinh của tất cả các Phật Học Viện miền Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức đều có mặt.
Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết thân lâm đứng ra làm chủ lễ. Lễ cầu siêu cử hành xong, chúc thư của Đại Đức Thích Nguyên Hương được đem ra tuyên đọc trước máy vi âm. Trong quần chúng, một rừng biểu ngữ được dựng lên. Trong các biểu ngữ này, có một biểu ngữ nội dung thật đặc biệt: “Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy nắm vững trách nhiệm, đừng để ai lũng đoạn quyền hành, vu khống, đàn áp Phật Giáo!”.
Thiền sư Giác Đức đứng trước máy vi âm giải thích về biểu ngữ này. Thầy nói đến áp lực nặng nề của các ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và bà Trần Thị Lệ Xuân đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thầy nhấn mạnh đến sự lộng quyền của ông bà Ngô Đình Nhu, phân tích những âm mưu phá hoại tổ chức Phật Giáo và những cố tình vi phạm bản Thông Cáo Chung. Quần chúng xúc động hoan hô từng chặp.
Cũng vào ngày 5.8.1963, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết gởi một lá thư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, lưu ý Tổng thống về tin đồn liên hệ tới một cuộc đảo chánh giả có mục đích ép ông phải tức khắc đàn áp Phật Giáo.
NGỌN LỬA THANH TUỆ
Ngày 24 tháng 6 Quý Mão (13.8.1963), một cây đuốc người nữa được thắp lên tại chùa Phước Duyên ở quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Người tự thiêu là một Học tăng 18 tuổi, Pháp danh Thanh Tuệ.
Đại Đức Thích Thanh Tuệ thế danh là Bùi Huy Chương, sinh năm 1945 tại Quảng Trị. Thầy xuất gia năm 1960, theo học với Thiền sư Đảnh Lễ tại chùa Phước Duyên. Đêm 12.8.1963, Thầy viết 4 bức thư để lại, một cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, một cho Tăng-Tín đồ Phật Giáo, một cho Thầy bổn sư và Phật Tử bổn tự, và một cho gia đình. Thư của Thầy viết rất gọn gàng, vắn tắt. Trong thư viết cho Tổng thống, Đại Đức yêu cầu chấm dứt việc khủng bố, áp bức Phật Tử và phóng thích hết những người bị giam giữ. Thầy còn hàm ý rằng chính sự nhục mạ và càn rỡ của bà Ngô Đình Nhu sẽ làm cho chính quyền sụp đổ và đưa Phật Giáo Đồ đến thành công.
2 giờ khuya ngày 13.8.1963, tại ngôi chùa Phước Duyên hẻo lánh, trong lúc Thầy bổn sư đi vắng, Đại Đức ra ngồi kiết già ngoài tam quan chùa và châm lửa tự thiêu. Khi nhân viên công lực hay tin thì quần chúng trong xã đã tới bao quanh cổng chùa khóc lóc. Cảnh sát không cho phép đưa di thể người Học tăng trẻ tuổi về chùa Từ Đàm. Việc xô xát diễn ra trong một cuộc đàn áp và 25 người dân trong làng đã bị thương, trong số đó có 5 người phải chở đi bệnh viện. Cảnh sát cũng lại chở thi hài Đại Đức Thích Thanh Tuệ đi mất tích.
– oOo –
Ngày 13.8.1963, Ủy Ban Liên Bộ của Chính phủ mở cuộc họp báo tại Hội Trường Diên Hồng, đổ trách nhiệm cho Ủy Ban Liên Phái đã không cộng tác để thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp trong mục đích thi hành Thông Cáo Chung. Ngày hôm sau, Ủy Ban Liên Phái mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, trước mặt giới báo chí quốc nội và quốc tế, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã giải thích những lý do khiến Ủy Ban Liên Phái không tham dự thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp. Thượng Tọa nói rằng, sở dĩ Thông Cáo Chung không được thi hành là chỉ vì chính quyền không chịu thi hành. Theo Thượng Tọa, Thông Cáo Chung chỉ là một biện pháp của chính quyền để dẹp bỏ ngày tang lễ của Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức; không có một điều khoản nào ghi trong Thông Cáo Chung đã được thi hành. Thượng Tọa cho biết báo chí tại quốc nội, kể cả tờ The Times of Vietnam, chỉ được quyền đăng tải quan điểm của chính quyền và sự thực luôn luôn bị chính quyền che lấp. Thượng Tọa kêu gọi chính quyền ngừng phong tỏa các chùa, phóng thích tất cả những người bị bắt giữ và chấm dứt mọi hành động đàn áp, khủng bố, phỉ báng, xuyên tạc. Đồng thời, Thượng Tọa cũng phổ biến việc Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết kêu gọi chư Tăng Ni và Tín Đồ hãy ngưng hành động tự thiêu bảo vệ Phật Giáo.
NGỌN LỬA DIỆU QUANG
Tại Huế, ngày 26 tháng 6 Quý Mão (15.8.1963), khoảng một ngàn sinh viên và học sinh tổ chức biểu tình tại thành phố để phản đối vụ đàn áp trước chùa Phước Duyên và đòi hỏi chính quyền phải trả lại di thể Cố Đại Đức Thích Thanh Tuệ về chùa. Cũng vào hồi 8g30′ ngày hôm đó thì một Ni Cô tẩm dầu xăng và châm lửa tại quận Ninh Hòa, gần thị xã Nha Trang.
Ni Cô Thích Nữ Diệu Quang thế danh là Ngô Thị Thu, sinh năm 1936 tại làng Phù Cát, tỉnh Thừa Thiên. Cô xuất gia năm 21 tuổi, theo học với Ni Sư Diệu Hoa tại Ni viện Vạn Thạnh, Nha Trang. Ngay sau khi Sư Cô tự thiêu, tất cả những di bút của Cô để lại cũng như thi hài của Sư Cô Diệu Quang lập tức bị cảnh sát mang đi biệt tích, không ai biết được nội dung của những bức thư Sư Cô để lại.
Phẩn uất về thái độ của giới công quyền, một cuộc biểu tình tuần hành rất lớn được tổ chức ngay tại thị xã Nha Trang để phản đối. Cuộc biểu tình này bị đàn áp hết sức dã man. Hơn 200 người bị bắt giữ và gần 30 người bị đả thương. Chùa hội quán Tỉnh Hội và Phật Học Viện Hải Đức bị phong tỏa, điện nước bị cắt suốt trong 3 ngày đêm. Khoảng 300 Tăng sĩ và Cư sĩ thân cận Chư Tăng bị cô lập trong 2 địa điểm đó.
Vì có nhiều người bị thương trong chùa và thuốc men, phương tiện chạy chữa khác không có nên một số Tăng Ni và Tín đồ liều phá vòng vây quanh chùa để chạy ra ngoài cầu cứu sau 3 ngày bị phong tỏa. Lập tức họ bị lực lượng chính quyền đàn áp dữ dội. 4 vị Tăng, 1 vị Ni và 3 vị Cư sĩ bị trọng thương. Hai vị Tăng sĩ khác bị ném xuống hồ. Rất đông thanh thiếu niên bị bắt.
NGỌN LỬA TIÊU DIÊU
Ngày 16.8.1963 (27 tháng 6 Quý Mão) tại Huế, tất cả mọi chợ búa, trường học, xí nghiệp và công tư sở đều nhất loạt “tổng đình công – bãi thị” theo lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật Giáo. Chính quyền thị xã cũng đối phó bằng cách ban hành lệnh “giới nghiêm” và “thiết quân luật toàn diện”. Tất cả các chùa lớn đều bị phong tỏa, hàng ngàn người bị cô lập trong các chùa Linh Quang, Từ Đàm, Diệu Đế…
Vào ngày hôm đó, với tâm nguyện để cứu nguy Phật Giáo, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu (Thích Thiện Huệ) châm lửa tự thiêu ngay tại chùa Từ Đàm, để lại 3 bức thư, một cho Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, một cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và một cho các đệ tử của mình.
Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu đã 71 tuổi. Thầy sinh năm 1892 tại làng An Truyền, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thầy xuất gia lúc 38 tuổi, theo học với Thiền sư Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân; thọ đại giới năm 1952 và sau đó dựng một tịnh thất tại chùa Châu Lâm để tĩnh tu. Thầy từng được học Phật tại các chùa Tây Thiên và Linh Quang ở Huế. Thượng Tọa tự thiêu vào lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 6 Quý Mão (16.8.1963).
Sợ chính quyền đến cướp nhục thể của Thầy như những lần trước, gần 5.000 người đã túc trực ngày đêm tại chùa Từ Đàm để bảo vệ và sẵn sàng ngăn chặn lực lượng cảnh sát tấn công.
— oOo —
Cùng ngày hôm ấy tại chùa Xá Lợi, Ủy Ban Liên Phái sau khi được tin, đã gởi một Thông bạch tố cáo sự tàn nhẫn của chế độ trước dư luận quốc dân và thế giới. Lá thư của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm chiều hôm ấy nói đến sự ngược đãi của chính quyền đối với người Phật Tử là “một sự ngược đãi chưa từng có trên đất nước này”. Hòa Thượng viết: “Chúng tôi đã đến nước không còn nghĩ đến sự kêu cầu nhân đạo và công lý; chúng tôi chỉ mong bao nhiêu tội ác của một chế độ xem dân như cỏ rác được thực hiện ngay, để chúng tôi có dịp chết an hơn là sống khổ và cũng để cho chân tướng nền Cộng Hòa Nhân Vị do nhà Chí Sĩ xây dựng được phơi bày trước mắt đồng bào và thế giới”.
Còn tại Huế, Linh Mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại Học Huế bị bãi chức vì ông đã nói thẳng vào mặt những người cầm đầu chính phủ: “Các ông vô đạo. Bên Phật Giáo có chính nghĩa!”.
QUANG MAI
- Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013).
Đả tự và trình bày theo các tài liệu:
– VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN (tập III) – Nguyễn Lang.
– VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ – Tuệ Giác.