Notice: Function add_theme_support( 'html5' ) được gọi không chính xác. Bạn cần truyền array của các types. Vui lòng xem Hướng dẫn Debug trong WordPress để biết thêm thông tin. (Thông điệp này đã được thêm vào trong phiên bản 3.6.1.) in /home/thuvieng/public_html/wp-includes/functions.php on line 5833
Cuộc tự thiêu của Đại Đức Thích Nguyên Hương & những nổ lực đòi lại di thể

Cuộc tự thiêu của Đại Đức Thích Nguyên Hương & những nổ lực đòi lại di thể

0

CUỘC TỰ THIÊU BẤT NGỜ:

Ngày 4.8.1963 là ngày tranh đấu quyết liệt của Phật Giáo Đồ tỉnh Bình Thuận. Trước đó, cùng Phật Tử toàn quốc, và có văn thư thông báo cho chính quyền theo y như cách của trung ương Tổng Hội, một cuộc tuyệt thực kéo dài đã bắt đầu từ ngày 17.7.1963, ngày mở đầu đợt cầu nguyện thứ 2 cuộc vận động của Phật Giáo trong giai đoạn đòi hỏi Chính phủ thực thi bản Thông Cáo Chung. Phương thức tiến hành tuyệt thực cũng như lần trước, nghĩa là trong số Chư Tăng tập trung về chùa Tỉnh Hội cầu nguyện sẽ phân ban ra luân phiên tuyệt thực với sự chăm sóc của các Đạo hữu Hội viên. Ngày 3.8.1963 là đợt tuyệt thực thứ hai của Đạo hữu Cư sĩ Phật Tử và là lần thứ tư của Chư Tăng Ni tại chùa Tỉnh Hội.

Trong số Tăng Ni và Phật Tử tuyệt thực, có Đại Đức Thích Nguyên Hương và hơn 10 em nam, nữ Đoàn viên Gia Đình Phật Tử cũng phát nguyện tuyệt thực. Đại Đức Nguyên Hương đã phát đại nguyện tự thiêu thân để góp phần vào cuộc tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo nhưng tâm nguyện của Đại Đức không được một Thầy, Cô nào hay một Cư sĩ Phật Tử tại chùa nào hay biết cả. Tối hôm ấy, Đại Đức Nguyên Hương thức thâu đêm để viết lại những bức thư  lưu bút mà Đại Đức đã thảo ra hôm trước: Thư gởi cho Giáo Hội, cho song thân, cho Phật Tử bổn đạo v.v… nhưng những ai trông thấy đều tưởng rằng Đại Đức viết thư về thăm gia đình thân sinh Đại Đức mà thôi, chứ không ai ngờ đó là những lá thư tuyệt mệnh và phó chúc tâm nguyện.

Sáng ngày 4.8.1963, Sau cuộc sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử nhằm tác động tinh thần tranh đấu của Phật Tử bảo vệ chánh pháp, các Phật Tử ra về, chỉ còn lại quý Thầy và một số Phật Tử tình nguyện tuyệt thực ở lại chùa Tỉnh Hội. Đại Đức vẫn trò chuyện thân mật với các em Gia Đình Phật Tử đang tuyệt thực trong một dáng điệu trang nghiêm, từ hòa, hoan hỷ chưa từng thấy. Với đại nguyện cao cả, với ý chí hy sinh dấu trong lớp áo tràng nâu mà thường nhật ít ai để ý đến Đại Đức, vị thanh niên Tăng ấy chỉ vùng dậy nhất thời và hùng dũng trong một buổi trưa, giờ Ngọ ngày hôm ấy, ngày 4.8.1963, nhằm Rằm tháng Sáu âm lịch năm Quý Mão; Đại Đức tay xách một cái thùng 4 lít (loại thùng đựng dầu cải) dấu trong mình ra đi với nét mặt trầm tĩnh nên trong chùa không một ai hay biết và lưu ý đến Đại Đức. Đến trạm xăng, Đại Đức mua 4 lít xăng pha nhớt, vì sợ mua xăng không pha sẽ bị người ta nghi biết làm hỏng tâm nguyện thiêu thân (việc mua xăng pha nhớt, sau khi Đại Đức thiêu mới nghe kể lại). Đại Đức đến trước Đài Chiến Sĩ bên cạnh Tòa Hành Chánh tỉnh (tại thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận – QM) lúc 12g10′, choàng tấm y vàng ngồi kiết già ngay ngắn, tự tay rưới xăng vào mình rồi quẹt diêm châm lửa. Ngọn lửa bốc cao phủ kín toàn thân. Đại Đức chắp tay tịch diệt trong ngọn lửa đỏ rực huy hoàng. 4 phút sau ngọn lửa hạ dần, nhục thân ngã xuống. Thế là Đại Đức tâm nguyện viên thành. Người giả biệt Thầy tổ và đồng đạo, hiến thân mình cho Phật pháp năm ấy khi vừa tròn 23 tuổi đời, 15 tuổi đạo và chỉ mới 1 tuổi Hạ.

Đại Đức Thích Nguyên Hương hiệu là Đức Phong, tục danh Huỳnh Văn Lễ, sinh năm 1940 tại làng Long Tỉnh, xã Liên Hương, quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (Trung Việt). Thân phụ là Huỳnh Thân, Thân mẫu là Trương Thị Lang, chỉ sinh được một mình Thầy là con một.

Trong thời thơ ấu, vì nhà ở sát chùa, nên Thầy thường được mẹ dẫn dắt tới lui cảnh thiền môn để lễ Phật nghe kinh. Do đó, năm vừa lên 6, lòng mến đạo đã thấm nhuần trong tâm tưởng, Thầy được cha mẹ cho xuất gia học đạo, làm chú tiểu theo hầu Hòa Thượng Quang Chí, trụ trì chùa Linh Quang tại quê nhà, được đặt Pháp danh là Nguyên Hương.

Năm 12 tuổi (1952), Thầy thọ ngũ giới và được Bổn Sư cho theo tập sự hầu hạ Chư Tăng ở chùa Linh Quang (Huế). Hằng năm, vào mùa An Cư Kiết Hạ, Thầy về tập sự tại chùa Phật Quang ở Phan Thiết.

Năm 1958, Thầy được Bổn Sư cho đến cầu pháp và thọ giới Sa-di với Hòa Thượng Viên Trí (húy Tâm Bí), tọa chủ chùa Bửu Tích, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Từ đó Thầy chuyên tâm tu niệm, dốc lòng phụng sự Tam Bảo.

Năm 20 tuổi (1960), Thầy thọ Cụ Túc giới tại Giới Đàn ở chùa Bửu Tích, được Hòa Thượng Viên Trí ban Pháp hiệu là Đức Phong. Thọ giới xong, đạo niệm của Đại Đức ngày một thêm tinh tấn. Và trên bước đường vân du hóa đạo, Đại Đức được rất nhiều người cảm mến kính trọng, nhưng vì thầm nguyện an tâm tu niệm, nên Đại Đức dừng bước vân du và nhận trụ trì tại chùa Bửu Tích.

Trong số 3 bức thư gởi cho Giáo Hội, gởi cho thân sinh và gởi đến các Đạo hữu Phật Tử trước khi tự thiêu thân, Thầy để lại lời trần tình tâm huyết thiết tha cho Phật Giáo Đồ: “Tôi, một chú tiểu quét lá đa nhà chùa, cảm thấy cái trách nhiệm mình đã đến, không thể ngồi yên nhìn đạo pháp suy tàn, lý tưởng thiêng liêng bị dày xéo, nên phát nguyện tự thiêu thân giả tạm này cúng dường mười phương Chư Phật để nguyện cầu bản Thông Cáo Chung được Chính phủ thực thi một cách trọn vẹn”.

Thánh Tử Đạo vị pháp thiêu thân Thích Nguyên Hương

CUỘC GIỮ XÁC & CƯỚP XÁC TRONG BỆNH VIỆN:

Khi ngọn lửa tự thiêu của Đại Đức bùng lên thì một người phu xe cyclo nhìn thấy, kíp chạy về chùa Tỉnh Hội phi báo, đồng bào biết được kéo nhau chạy tới rất đông. Lại cũng có người chạy báo với Ty Cảnh Sát. Lúc ấy Đạo hữu Tâm Trực – Ban Đại Diện Phật Giáo – hay được tin, vội chạy về chùa Tỉnh Hội khẩn trình với Chư Đại Đức Tăng, Ni tìm biện pháp bảo vệ và đem nhục thể Đại Đức Thích Nguyên Hương về chùa. Chư Tăng và Phật Tử chạy qua Đài Chiến Sĩ, nhưng đến cuối đường Gia Long thì bị nhân viên công an chặn lại không cho đi, trong khi ấy Ty Cảnh Sát huy động nhân viên khiêng di thể Đại Đức Thích Nguyên Hương bỏ lên xe jeep chạy thẳng tới Bệnh viện Phan Thiết và đưa vào nhà xác hòng phi tang sự hy sinh chính nghĩa của vị Thánh Tăng Tử Đạo. Đồng bào chứng kiến sự thật ai cũng lấy làm căm giận.

Sau 10 phút giằng co tại đường Gia Long, quý Thầy và Phật Tử hay tin di thể Đại Đức Nguyên Hương đã bị chở đến nhà xác nên tất cả kéo thẳng đến bệnh viện. Tiếp đó Sư Bà Huyền Học và một số Sư Cô chùa Bình Quang Ni Tự cũng tức tốc lên bệnh viện, vào thẳng ngay trong nhà xác để giữ nhục thân Đại Đức.

Một cuộc họp chớp nhoáng của quý Thầy và vài đạo hữu Ban Đại Diện Tỉnh Hội hiện diện. Sau khi thảo luận, các Ban hoạt động lâm thời nhanh chóng hình thành và một kế hoạch cấp tốc được bí mật phân công:

– Một ban Chư Tăng Ni và các Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử lên bệnh viện giữ xác Thầy do Đại Đức Thích Minh Thuần và các Sư Cô hướng dẫn. Ban này có bà Bác sĩ Ưng Văn Vy và các em Đoàn viên Gia Đình Phật Tử xung phong trước hết, làm các công  an, mật vụ rất gai mắt.

– Một ban văn phòng lo việc thư từ gởi Ủy Ban Liên Phái và gởi thư cho ông Tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận để yêu sách nhà cầm quyền xin rước nhục thể Đại Đức Nguyên Hương về chùa. Ban này do đạo hữu Tâm Trực phụ trách.

– Một ban đến thương lượng trực tiếp với ông Tỉnh trưởng, ông Chánh án và các Ty, Sở An Ninh, Hiến Binh v.v… xin rước di thể Đại Đức Nguyên Hương, gồm Đại Đức Thích Long Đoàn, Đại Đức trụ trì Thích Quang Thể, Đạo hữu Hội trưởng Lê Văn Thọ và các Đạo hữu Ưng Văn Vy, Ôn Năng Nhượng, Nguyễn Văn Lành (nhưng sau đó đã không đem lại kết quả).

Tỉnh Hội cho các em Gia Đình Phật Tử phân công nhau gấp rút vào Sài Gòn báo tin cho Ủy Ban Liên Phái và ra Nha Trang báo tin cho Phật Học Viện để thỉnh quý Thượng Tọa đến Phan Thiết can thiệp cho đại cuộc chung, đồng thời cũng đánh khẩn điện cho Ủy Ban Liên Phái, đề phòng các em Gia Đình Phật Tử  trên đường đi về thủ đô bị công an, mật vụ ngăn chặn.

Lúc 14 giờ, nhân viên công an, cảnh sát nghe ngóng được tin các em Gia Đình Phật Tử đi Sài Gòn và Nha Trang nên đổ ra các bến xe xét hỏi giấy tờ tùy thân, nhưng thật ra các em đã đi khỏi trước đó chừng 30 phút.

Ngay buổi chiều hôm ấy, Tỉnh Giáo Hội cũng đưa văn thư đến Tòa tỉnh, xin thỉnh di thể Đại Đức Thích Nguyên Hương về chùa để làm lễ cầu siêu và an táng. Để hậu thuẫn cho văn thư của Giáo Hội, các em Gia Đình Phật Tử đang tuyệt thực tại chùa và một số đông nam nữ tín đồ theo sự hướng dẫn của quý Đại Đức Thích Minh Thuần và Thích Quang Thể kéo đến ngồi trước cổng bệnh viện (vì cửa bệnh viện đã bị nhân viên công lực khóa chặt) đòi được thỉnh nhục thân của Đại Đức về chùa.

Không khí châu thành Phan Thiết lúc bấy giờ trở nên náo động và sôi nổi. Bên ngoài xe phóng thanh của Ty Thông Tin chạy quanh liên tục rao tin thất thiệt và xuyên tạc sự thật mà ai cũng biết:

– Có một gã lưu manh thua bạc ở Sài Gòn đã đến tự thiêu tại Đài Chiến Sĩ Phan Thiết. Đồng bào hãy bình tỉnh!

– Một gã đàn ông bị bệnh thất tình ở Phan Rí vào để tự tử tại Đài Chiến Sĩ Phan Thiết.

Một điều oái oăm hơn nữa là xe phóng thanh đã đến dừng ngay trước chùa Tỉnh Hội để xuyên tạc sự thật. Lúc bấy giờ vào khoảng 14g40′, Phật Tử xa gần hay tin đều tụ tập về chùa Tỉnh Hội để tính chuyện tham gia đem di thể Thầy về. Khi nghe xe phóng thanh xuyên tạc, Cựu đại tá Nguyễn Quang Hoành là Hội viên của Hội đã khuyến khích Gia Đình Phật Tử bắc loa lên trên cột cờ chính ở sân chùa để phản bác:

“Toàn thể Phật Giáo Đồ và đồng bào nên nhận định và đề cao cảnh giác, đừng nghe theo lời xuyên tạc, che dấu sự thật của xe phóng thanh bên ngoài vừa loan tin. Sự thật, người đã tự thiêu chính là một vị Tăng thuộc Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận đã tự thiêu để phản đối Chánh phủ không thực tâm thi hành bản Thông Cáo Chung đã ký kết với Phật Giáo và vẫn tiếp tục đàn áp Phật Giáo Đồ”.

Lời của Phật Tử trong chùa đính chính và phản đối xe phóng thanh tung tin thất thiệt khiến đồng bào tụ tập lại trước chùa để nghe rất đông, từ 14g48′ đến 18 giờ mới giải tán. Công an, cảnh sát bắt đầu kéo đến canh gác trước chùa.

Mặc dù đã có văn thư của Giáo Hội và đoàn người trong cũng như ngoài bệnh viện đều kêu nài đòi trả lại nhục thân Đại Đức Nguyên Hương nhưng Tòa tỉnh cố tình làm ngơ, định thủ tiêu di thể để phi tang, mặt khác lại ra thông cáo ban bố bắt đầu “lệnh giới nghiêm” để ngăn chặn sự tập trung của Tín đồ Phật Tử. Tuy vậy, dù cảnh sát đã khóa chặt cổng bệnh viện sau khi quý Sư Cô, quý Thầy cùng một nhóm Phật Tử đã vào được trong nhà xác để giữ xác và liên tục tụng niệm; đoàn người tập trung trước cổng vẫn không giải tán, cương quyết đòi xác. Nhất là với sự hổ trợ của các loa cầm tay, Đại Đức Thích Minh Thuần tuyên bố cho đồng bào biết ác tâm của nhà cầm quyền cố cướp nhục nhân của Đại Đức Nguyên Hương nhằm che dấu sự thật và ngăn chặn Tăng Ni, Tín đồ không cho vào bệnh viện rước xác Thầy.

24 giờ đêm, đường phố bắt đầu vắng lặng không còn ai đi lại ngoài số công an, cảnh sát và lính gác. Sương đêm xuống lạnh nhưng các Tín đồ Phật Tử trước bệnh viện vẫn không chịu ra về, cứ canh thức cầu nguyện cho Giác linh Đại Đức, người yếu mệt quá thì nằm ngồi la liệt. Nhìn thảm cảnh ấy không ai không mũi lòng rơi nước mắt. Tội cho các em nhỏ nhịn đói luôn cả buổi trưa, cũng như Tăng Ni, Phật Tử trong nhà xác không ăn uống gì, vẫn một lòng cương quyết gìn giữ di thể Thầy mà thôi. Lúc ấy, viên Đại úy Trưởng Ty Cảnh Sát đến khuyên Phật Tử hãy ra về vì đã khuya và hứa ngày mai Tỉnh đường xác nhận lại sẽ cho Tỉnh Hội đưa xác về chùa, bảo đảm xác ấy không mất trong đêm nay, vì đã có một số Tăng Ni, Phật Tử canh giữ bên trong. Do đó, Thầy Ấn Tâm cho lệnh Tín đồ về chùa để lo công việc chuẩn bị cho cuộc rước di thể ngày mai, chỉ còn số đã vào được nhà xác thì vẫn ở lại canh giữ trọn đêm hôm ấy. Suốt một buổi chiều và qua một đêm đói lạnh quyết giữ đến cùng nhục thể của Thầy mình, chư Tăng Ni, Tín đồ vẫn kiên trì ngồi trước nhà xác tụng kinh.

Đến lúc 7 giờ sáng ngày 5.8.1963, lính được huy động đến nhà xác rất đông để chiếm đoạt thi thể Đại Đức. Cùng lúc ấy, xe khách chở song thân của Đại Đức đến bệnh viện. Một số Phật Tử chạy ra đón nhưng bị công an chặn lại và họ đưa thẳng song thân Thầy vào phòng riêng bàn bạc. Một giờ sau, họ dẫn hai vị ra nhà xác. Đã được bày vẽ trước nên khi vừa được đưa đến trước cửa nhà xác thì Mẫu thân Thầy sụp lạy quý Sư Cô ngồi trước cửa, khóc lóc thảm thiết xin quý Thầy Cô cho gia đình đem xác về quê an táng. Công an theo sát bên song thân Thầy, dùng magnétophone thu âm nhưng không để cho Tăng Ni phân trần với song thân Thầy lời nào. Tiếp đó họ cho lính vào dồn Tăng Ni ra khỏi nhà xác và canh giữ chặt. Bên ngoài, một số Dân Vệ khiêng một chiếc quan tài vào trước cửa nhà xác. Quý Sư Cô và Phật Tử đẩy lùi chiếc quan tài ra ngoài. Vậy là đợt tấn công cướp xác lần thứ nhất bất thành. Họ lui ra canh giữ cho đến trưa. Song thân Thầy thì không nói được lời nào, chỉ khóc lạy quý Thầy trong lúc những người chỉ huy (các ông PC & NVH) không tiếc lời xỉ vả Tăng Ni, Phật Tử:

– Tu hành gì mà bất hiếu vậy, con người ta chết không cho người ta đem về. Phật Giáo gì mà tàn nhẫn, vô nhân đạo vậy?”

Một Thiếu Nữ Phật Tử cãi:

– Chưa chắc ông đã hiểu được nghĩa chữ nhân đạo là gì nữa là khác! Ông xưng là người theo đạo Phật mà mắng Phật Giáo là vô nhân đạo. Thì ra ông là kẻ vô nhân đạo lắm!

– Mày mà ở ngoài đường thì tao mượn mày một giò chứ chẳng không.

Vừa nói y vừa lăm le khẩu súng trong tay và còn nói rất nhiều, đại để là hăm dọa, chưởi bới, mạt sát Phật Giáo…

Đến 13 giờ, họ đưa thêm lính đến đông hơn và dồn hết Tăng Ni, Phật Tử vào một phía canh giữ rất nghiêm ngặt. Những con người mang trong lòng tình thương rộng lớn và tay không ấy đành thất bại đứng nhìn toán Dân Vệ do Đại úy Chi, Quận trưởng Tuy Phong chỉ huy khiêng quan tài vào, bẻ tay chân Thầy lại cho vừa với quan tài rồi đậy nắp khiêng đi để rồi bùi ngùi thương tiếc. Diễn tiến sự việc cướp xác chỉ khoảng chừng trong 5 phút.

Di thể Thầy đã mất, chư Tăng Ni và Phật Tử định về chùa nhưng cổng bệnh viện đã lại khóa chặt và lệnh không cho ai ra. Đến 17 giờ chiều thì Hiến Binh đến lập biên bản.

Một sự kiện bên lề rất đáng ghi nhớ: Một anh dân chài cụt một chân đã đem hết số tiền dành dụm được để mua thức ăn tiếp tế cho Tăng Ni, Phật Tử bên trong bệnh viện và vì việc này mà sau ngày mất xác Thầy, anh bị bắt và đánh đập rất tàn nhẫn.

Lúc này Sư Bà Huyền Học cùng Tăng, Ni lại ngồi xếp hàng trong sân bệnh viện tụng kinh. Đến 18 giờ, một chiếc xe chở Thượng Tọa Thích Huyền Minh cùng chư Đại Đức trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo từ Sài Gòn ra đến. Thượng Tọa sụp lạy chư Tăng, Ni đang tụng niệm trong sân. Tất cả nhìn nhau cùng khóc. Sau khi hỏi qua sự vụ và sức khỏe mọi người, tất cả đưa nhau về chùa Tỉnh Hội trong nỗi niềm buồn tủi, uất ức nghẹn ngào.

CUỘC BIỂU TÌNH ĐÒI RƯỚC XÁC:

Do ban phụ trách thương lượng với nhà chức trách đã không đem lại kết quả, Đạo hữu Ôn Năng Nhượng bèn bàn kín kế hoạch với quý Đại Đức phải tổ chức cuộc biểu tình rước xác Đại Đức Nguyên Hương mới nên việc. Trong lúc này, rủi ro là Đại Đức Thích Quang Thể lại bị bệnh, còn Đại Đức Thích Châu Đức, Giảng sư của Tỉnh Hội đi Huế chưa về. Tuy vậy, Đại Đức Quang Thể vẫn gắng gượng góp ý kiến cho chư Tăng và các Đạo hữu làm việc.

Cũng nhắc lại, như đã thuật trên đây, đêm mùng 4 rạng ngày 5.8.1963, khi Chư Tăng và Phật Tử trước cổng bệnh viện về đến chùa thì không một ai yên giấc, phần lo lắng cho di thể Đại Đức trong nhà xác, phần thương Chư Tăng Ni, Phật Tử đói lạnh trong nhà xác. Theo ý kiến của Đạo hữu Nguyễn Quang Hoành đưa ra lúc trưa là nhất quyết phải biểu tình để đòi cho được di thể Đại Đức Nguyên Hương, một cuộc họp của Chư Tăng và một số Hội viên hữu quan cho đến lúc 2g30′ (5.8.1963) đã quyết định xong kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình rước xác vào sáng mai.

Cuộc biểu tình này quyết định trong thời gian cấp bách và có tính chất bí mật nên chính quyền không hề đề phòng và chuẩn bị nhân lực ngăn chặn trước. Cũng vì bí mật và cấp bách, Tỉnh Hội không phổ biến kịp cho Tín đồ biết nên số Tăng Ni, Tín Đồ tham dự chỉ chừng 100 người.

7 giờ sáng ngày 5.8.1963, sau khi cử hành phát nguyện trước Tam Bảo: “Nguyện rước cho kỳ được nhục thân Bồ Tát Thích Nguyên Hương”, đoàn biểu tình xuất phát từ chùa Tỉnh Hội, dẫn đầu với một biểu ngữ: “Chúng tôi đi rước Thầy chúng tôi”.

Mặc dù chùa bị phong tỏa, đoàn biểu tình vẫn vượt ra được khỏi cổng tiến ra đường. Đi được chừng 200m, họ bị kẽm gai và Cảnh sát Công lộ chặn lại. Đoàn người ngồi xuống giữa đường niệm Phật. Bây giờ thì họ đòi thêm quyền tự do đi lại nữa, cũng bằng phương pháp bất bạo động. Được nữa giờ, thấy tình trạng kéo dài thì không tài nào giữ trọn lời phát nguyện được, Giảng sư Thích Minh Thuần – người hướng dẫn chuyến đi – ra lệnh cho Tăng Ni và Phật Tử phá vòng rào hầu thi hành bổn phận. Một Phật Tử hô to: “Tiến!”. Nhanh như chớp, một cuộc hổn loạn xảy ra… Sau 5 phút vòng rào bất lực. Kết quả: Đoàn biểu tình có 2 người bị thương nhẹ, một số khác rách áo quần, hàng ngũ vô trật tự, nhưng được cũng cố ngay sau đó. Phía chính quyền dĩ nhiên hoàn toàn vô sự.

Phá được vòng vây, khoảng 100 đồng bào Phật Tử bên ngoài tháp tùng vào và cùng tiến về hướng bệnh viện. Nhưng rồi họ bị chặn lại lần nữa tại công viên Cộng Hòa. Lần này có thêm lực lượng quân đội võ trang đầy đủ. Lúc này là 9g30′. Dưới nóng, trên nắng, nhưng đoàn người giữ vững hàng ngũ lại tiếp tục ngồi xuống mặt đường tụng kinh cầu nguyện.

Sự lưu thông trong thành phố cũng như đường Sài Gòn – Nha Trang bị gián đoạn. Đồng bào các giới dồn về công viên nhiều vô kể. Thầy Minh Thuần và một số Đoàn viên Gia Đình Phật Tử lên tiếng: Yêu cầu chính quyền cho đi rước xác Thầy, đồng thời kêu gọi đồng bào Phật Tử bên ngoài tham gia vào đoàn rước xác. Đồng bào bên ngoài đã bắt đầu bị khủng bố, xô đẩy bởi nhân viên công lực và công an, nhưng với ý chí cương quyết, họ cứ gia nhập vào với đoàn người mỗi lúc một đông, chẳng bao lâu từ con số 200 đã lên đến 500, rồi 700, rồi trên hàng ngàn người.

Nắng càng lúc càng gay gắt, nóng càng lúc càng tăng, nhưng với tâm nguyện và tấm lòng thương Thầy đã vị pháp thiêu thân và thương 26 Tăng Ni, Phật Tử nhịn đói, nhịn khát gần 24 giờ đồng hồ cũng quyết giữ nhục thân Thầy trong bệnh viện, những người con Phật ở đây chẳng quản nguy nan, vẫn kiên tâm giữ vững hàng ngũ tranh đấu.

Đến 14 giờ, được tin chính quyền dùng lực lượng quân đội Bảo an, Dân vệ đàn áp những Tăng Ni, Phật Tử trong bệnh viện và uy hiếp song thân Đại Đức, bắt ép phải ký giấy nhận xác con rồi cướp mất xác đem đi, Phật Giáo Đồ đã công phẩn lại càng công phẩn hơn, họ cực lực lên án sự dã man của nhà cầm quyền. Những lời kinh cầu nguyện vang lên hòa với những tiếng khóc nức nở của Phật Giáo Đồ. Mồ hôi chan hòa cùng nước mắt.

Vẫn chưa hết! Họ còn cho mang xe phóng thanh đến trước đám đông Phật Tử lớn tiếng la lối hầu át tiếng kêu van của đoàn người bất bạo động. Xe phát thanh bức thư của vị “Tăng Trưởng Cổ Sơn Môn” nội dung ra vẻ yêu nước, kêu gọi Phật Tử ra về, đừng nghe lời xúi dục của Cộng Sản giựt dây. Họ hăm dọa tín đồ “sẽ bị giải tán trong đau thương”. Họ truyền lệnh điều động xe dodge “xúc” những người mà họ mệnh danh là “phản động”… Vẫn không ai nao núng! Mọi người con Phật đều tuyệt đối tuân thủ đường lối bất bạo động, đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần hy sinh để bảo vệ lý tưởng của mình.

Ngay khi ấy, viên Trưởng Ty Cảnh Sát cho diễn một vở kịch nhưng sân khấu trống nên không lay động được ý chí của Tín đồ Phật Tử: Y bắt ông Hội trưởng với mục đích kích động những tín đồ tràn ra, sẽ thừa cơ bắt giữ để giảm bớt lực lượng của Phật Tử, nhưng vở kịch bịp bợm đã không kết quả. Tiếp theo đó là màn uy hiếp một nhiếp ảnh viên Phật Tử đòi tịch thu cuộn film đã ghi lại những hình ảnh sự kiện…

Đến 17 giờ chiều, đoàn rước định trở về chùa theo lệnh Thầy Minh Thuần thì phái đoàn đại diện Ủy Ban Liên Phái đến. Phật Tử cất mũ nón reo vang, biểu lộ cảm xúc vui mừng khôn xiết. Thượng Tọa Thích Huyền Minh – Trưởng phái đoàn – đã ngỏ lời cảm kích tinh thần hy sinh vì đạo pháp của Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo Bình Thuận. Vẫn giữ nguyên hàng ngũ để chờ đón 26 Tăng Ni, Phật Tử  đã chịu khổ sở để giữ xác Thầy trở về, đến 18 giờ thì mọi người đoàn tụ. Khóc thôi là khóc! Tiếng khóc làm át cả lời niệm Phật trên đường về chùa…

oOo

Tại Sài Gòn, sau khi phái đoàn Ủy Ban Liên Phái trở về, Lễ cầu siêu cho Đại Đức được dự định tổ chức vào ngày 11.8.1963 trên toàn quốc. Tại chùa Xá Lợi ngày hôm đó, lễ cầu siêu được Đoàn Sinh Viên Phật Tử, Đoàn Thanh Niên Bảo Vệ Phật Giáo và Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử điều động và tổ chức. Số người tham dự lên đến 20.000 người.

Tại lễ cầu siêu này, số lượng Tăng Ni rất đông đảo. Các Tăng sĩ gốc Miên có mặt từng đoàn. Cùng mặc pháp phục như họ là các Tăng sĩ Nam Tông gốc Việt. Tăng sinh và Ni sinh của tất cả các Phật Học Viện miền Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức đều có mặt.

Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết thân lâm đứng ra làm chủ lễ. Lễ cầu siêu cử hành xong, chúc thư của Đại Đức Thích Nguyên Hương được đem ra tuyên đọc trước máy vi âm. Trong quần chúng, một rừng biểu ngữ được dựng lên. Trong các biểu ngữ này, có một biểu ngữ nội dung thật đặc biệt: “Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy nắm vững trách nhiệm, đừng để ai lũng đoạn quyền hành, vu khống, đàn áp Phật Giáo!”

Huyễn thân vô thường tuy mất, nhưng Đại Đức ra đi rồi vẫn còn để lại trong lòng người một cái gì đó vô hình mà thiêng liêng bất diệt.

— ooOooOooOoo —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI

Theo “Bản tường thuật cuộc vận động cho 5 nguyện vọng Phật Giáo của tỉnh Bình Thuận” & tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ, Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (có bổ sung thêm phần tiểu sử và thông tin về Lễ cầu siêu cho Giác linh Đại Đức tại Sài Gòn).

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.