BA THÁNG AN CƯ
Hòa Thượng Thích Trí Thủ
oOo
Theo thời tiết ở Ấn Độ, một năm chia ra làm ba mùa: Xuân, Hạ và Đông, mỗi mùa bốn tháng. Từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Tư là mùa Xuân. Từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Tám là mùa Hạ. Từ rằm tháng Tám đến rằm tháng Chạp là mùa Đông. Mùa Hạ là mùa hay mưa nhất, lại là mùa các loài sâu bọ, súc vật sanh trưởng. Nhân đó Đức Phật chế luật nhất định dạy hàng đệ tử xuất gia của Phật mỗi năm về mùa Hạ phải nhóm họp nhau lại một chỗ, kiết giới hạn cùng nhau ăn ở tịnh tu trong thời hạn ba tháng, từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy. Mục đích là để hàng Tỷ-kheo giữ giới bất sát sanh được hoàn toàn. Vì mùa mà muôn vật sanh nở, phải an trụ một nơi cho khỏi chà đạp sát hại sinh linh, rất có hại đến lòng từ bi. Thêm vào một ý nữa: sứ mệnh của hàng đệ tử xuất gia là xen lẫn trong đám bụi trần để tùy duyên hóa độ, rày đây mai đó với ba tấm áo cà sa, ngàn nhà một bình bát, sớm hôm lấy gốc cây làm nơi nương tựa.
Đến ngày sen đã hé nụ ở hồ, báo tin mùa hè sắp đến, các thầy Tỷ-kheo cùng nhau trở về y chỉ với những bậc tiên giáo Thượng tọa để kiểm điểm lại hành vi lợi lạc của mình và tham học, đào luyện thêm những phương diện còn thiếu sót hầu mong đủ năng lực để đối phó với mọi ma lực có thể làm chướng ngại trên con đường hoằng pháp lợi sanh. Bởi vậy, thầy Tỷ-kheo khi đã thọ đại giới rồi lấy ba tháng hạ an cư này làm tuổi của mình, trong kinh thường gọi là Hạ lạp. Nhất là hàng niên thiếu Tỷ-kheo nhất định phải từ 5 hạ trở lui không được ly y chỉ, nghĩa là luôn luôn y chỉ theo các bậc kỳ cựu như Hòa Thượng (thầy truyền giới), A-xà-lê (thầy dạy bảo) mà an trú, tuyệt nhiên không được rời xa nếu chưa đủ 5 hạ. Nếu 5 hạ đã đủ mà chưa thông hiểu về luật học cũng không được phép rời y chỉ. Cũng vì điều luật nhất định này, Chúng Tăng không kể tuổi đời nhiều ít mà chỉ lấy mùa kiết hạ là mùa tuổi của mình. Cho nên người nào không đủ 10 hạ không được phép làm thầy truyền giới cho ai, không được phép làm Hòa Thượng.
Hàng năm, cuối mùa Xuân, các thầy Tỷ-kheo cùng nhau tìm chỗ thuận tiện, trên có các bậc Thượng tọa Đại đức, các thiện hữu chân chính, dưới có các nhà đàn việt cung cấp cúng dường đủ điều kiện dung tất trong ba tháng, các thầy nhóm nhau kiết lập giới hạn, đúng với pháp Lục Hòa mà an trụ để thanh tịnh tu học, không có cớ hệ trọng chính đáng không ai được phép bước chân ra khỏi giới hạn ấy. Nếu vô cớ vượt ra ngoài giới hạn tức là ‘phá hạ’, không được kể thêm một tuổi hạ. Có việc cần thiết như là Tam Bảo sự duyên, Cha Mẹ hoặc Bổn Sư tạ thế, phải bạch Chúng xin phép y ước từ giờ nào đi đến giờ nào về phải đúng như lời hẹn, nếu sai lời tức là hỏng; nghĩa là phá hạ. Nhưng dù có việc gì quan trọng ít nhất cũng phải an trú từ hai tháng trở lên, nếu ở ngoài nhiều hơn ở trong tức là phá hạ.
Phật lại mở rộng phạm vi cho các người nhiều việc mà chia ra ba thời kỳ an cư: tiền, trung và hậu. Bắt đầu ngày 16 tháng Tư là tiền an cư; ngày 17 tháng Tư đến 16 tháng Năm là hậu an cư; trung an cư tính từ 17 tháng Tư đến 15 tháng Năm.
Đến ngày 15 tháng Bảy, gọi là ngày “Tăng tự tứ”, ngày “Phật hoan hỷ” hay là ngày “hàng Tỷ-kheo nhận tuổi”. Cũng gọi là ngày Chúng Tăng an cư trong ba tháng được viên mãn, nếu xét lại ai có tội lỗi gì từ mắt thấy tai nghe cho đến ý nghi ngờ thì tự mình đem bày tỏ ra trước đại chúng. Đại chúng căn cứ vào giới luật mà xử trị, tùy theo nặng nhẹ, gọi là ngày Tăng tự tứ. Chư Phật vì trông thấy hàng đệ tử biết tuân theo giới luật tinh tấn thanh tịnh tu hành, hoặc có người tăng tấn đạo nghiệp, hoặc có người hàng phục được ma quân, chứng ngộ vào quả vị Thánh, thấy đàn con được nhiều lợi ích trong sự tu tập nên hết sức hoan hỷ, gọi là ngày “Phật hoan hỷ”. Hàng Tỷ-kheo tinh tấn an cư tu hành thanh tịnh trong ba tháng mới được nhận mình thêm một tuổi, nên gọi là “ngày nhận tuổi”. Trong ba tháng kiểm điểm lại nếu hoàn toàn viên mãn không phạm một lỗi gì, dù là nhỏ, thì được hưởng công đức. Nghĩa là được hưởng quyền lợi trong bốn tháng về mùa Đông như là: được sắm thêm y áo ngoài các thứ có hàng ngày; được ăn thêm bữa trước giờ ngọ; được đi lại tự do không phải xin phép; được ngủ lại các chỗ khi quên đem y theo; được biệt Chúng mà ăn. Các điều này được hưởng đến ngày Rằm tháng Chạp là hết hạn. Người nào trong ba tháng bị Chúng Tăng cử tội thì không được hưởng công đức như trên.
Ngày Rằm tháng Bảy cũng gọi là ngày “cứu thoát vong nhân” tức là ngày lễ Vu Lan, ngày hàng Phật Tử nhớ ơn cha mẹ đã quá vãng. Trong ngày này, hàng Phật Tử vận hết tinh thành cảm niệm đến ân sinh thành trời bể của cha mẹ, cúi đầu trước Tam Bảo, trước hàng Chúng Tăng tu hành trong ba tháng vừa xong nhờ sức chú nguyện, để làm nơi xu hướng đền đáp công ơn cha mẹ.
Đại khái ba tháng hạ an cư của hàng Phật Tử xuất gia là thế, đó là luật rất quan yếu của nhà Phật. Phàm ai đã thọ giới rồi phải triệt để tuân theo. Nếu không thì dù người có trọn đời mang áo cà sa cũng gọi là người không có tuổi nào trong hàng ngũ Tăng Chúng. Người đó không có quyền làm thầy ai, không có quyền độ cho ai xuất gia được. Nhưng nếu nhóm họp nhau an cư mà không đúng theo giới luật, không có thầy dạy bảo săn sóc cho chân chính thì trở nên tặc trú (bọn giặc ở với nhau), sự hại cũng không nhỏ.
Hàng niên thiếu Tỷ-kheo sau khi 5 hạ đã đầy đủ, am hiểu rành mạch về giới luật, thông thạo thế nào là Khai, Giá, Trì, Phạm của luật học, hiểu tôn chỉ một cách thấu đáo; Phật cũng cho phép tùy theo thuận tiện hoàn cảnh ở vào chỗ nào cũng có thể an cư được. Nhưng nếu đến ngày an cư mà bỏ qua tức là phạm tội khinh pháp.
Kính lạy Đức Thế Tôn! Trong 2.512 năm lại đây*, các bậc tiền bối tiên triết của chúng con về trước, cũng như đoàn con em của chúng con theo sau, năm nào về mùa Hạ, vẫn tuân theo kim ngôn ngọc luật của Thế Tôn đã dạy mà phụng hành. Chúng con vì nghiệp chướng nặng nề, mãi trôi lăn trong tam đồ lục thú, không có duyên lành trông thấy kim dung. Nhờ được phước thừa của ngày trước nên nay mới lạm xen vào hàng Tăng số, thật vô cùng may mắn. Cho nên, năm nào chúng con cũng không dám bỏ qua những ngày cao quý ấy. Nhất là vài năm lại đây nhân loại đang vùi dập dưới làn khói lửa vô cùng thảm khốc của nạn chiến tranh. Mặc dù không ngày nào là không chứng kiến những sự đau thương giết chóc của đồng loại, chúng con vẫn nhất tâm hướng về Phật. Ngoài bổn phận tu học, chúng con luôn chuyên tâm cầu nguyện cho nhân loại sớm trở lại hòa bình, người còn kẻ mất đều được ánh quang minh của Chư Phật che chở.
Kính lạy Đức Mục-kiền-liên Tôn Giả! Chúng tôi xin nối gót theo Tôn giả, cầu xin mười phương Chúng Tăng oai thần pháp lực chú nguyện cho cha mẹ, anh em, thầy bạn của chúng tôi trong nhiều đời nhiều kiếp dù oán hay thân, và tất cả những ai đã giúp chúng tôi về tài thí cũng như về pháp thí ít nhiều trên đường đạo, đều được giải thoát an vui. Hôm nay, đồng thời ngày Tự Tứ của Chúng Tăng và lễ Vu Lan, trước giờ phút thiêng liêng rung cảm này, chúng tôi lại càng gia công tinh tấn thêm lên, vận hết lòng thành hầu mong các đức cha lành trong mười phương pháp giới rủ lòng thương xót gia hộ cho chúng tôi được như lời thệ nguyện.
(Nguyệt san Chánh Pháp, số 16, 2010)
Nguồn: Trang nhà Hoằng Pháp – GHPGVNTN.