BÁNH ĐƯỜNG
Có vị học tăng đến tham vấn Thiền Sư Mục Châu Đạo Minh. Mục Châu hỏi:
– Bình thường ông xem kinh gì?
Học tăng nói:
– Con từng đọc luận Duy Thức.
– Giảng được luận Duy Thức không?
Học tăng khiêm tốn đáp:
– Không dám (ý là được).
Mục Châu cầm cái bánh đường bẻ làm hai, hỏi:
– Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, hãy nói đây là cái gì?
Học tăng không đáp được. Mục Châu hỏi:
– Cái này là bánh đường phải không?
Học tăng tháo mồ hôi hột, đáp vội:
– Không thể gọi là bánh đường.
Mục Châu nhìn Sa-di bên cạnh và hỏi:
– Một cái bánh đường bẻ làm hai, ông gọi là cái gì?
Sa-di không chút do dự đáp:
– Hai miếng lưu trong tâm.
Mục Châu hỏi lại:
– Ông gọi là cái gì?
Sa-di đáp:
– Bánh đường.
Mục Châu cười to, nói:
– Ông biết giảng luận Duy Thức.
Lời bình:
Học Duy Thức và học Thiền, phương pháp và phương hướng đều không giống nhau. Duy Thức trọng tri giải, trọng phân tích, còn Thiền không trọng tri giải, không trọng phân tích. Thiền là trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Lời nói của các Thiền Sư có vẻ dí dỏm mà thái độ rất thân thiết. Các Ngài không cố chấp thuyết giáo, có lúc nói Đông mà lại chỉ Tây. Có lúc đánh chửi người học, nhưng thực ra là thương giúp người học. Nhà Duy Thức nói ngang nói dọc, cốt làm sáng tỏ nghĩa Duy Thức, còn một câu của thiền giả gọi nó là cái gì? Đáp: “Bánh đường”. Đó là đã biểu đạt tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức rồi.