Có câu chuyện về một con bọ cạp và một con nhái. Một ngày nọ, trên bước đường phiêu lưu đây đó, chú bọ cạp và chú nhái phải băng qua một cái ao. Tuy ao không lớn lắm nhưng bọ cạp không biết lội nên không thể nào vượt qua được. Vì vậy, chú bọ cạp nói với chú nhái: “Này bạn Nhái, bạn có thể đưa tôi qua ao không? Tôi cần sang bờ bên kia!”.
Và chú nhái nói: “Tôi cũng muốn giúp anh lắm, nhưng nếu anh giở chứng chích tôi là tôi chết”. Bọ cạp nói: “Sao tôi lại làm điều dại dột đó? Tôi chích anh chết để tôi cùng chết theo hay sao?” Nghe thế, chú nhái có vẻ bằng lòng và nói: “Anh nói cũng có lý! Thôi anh cứ nhảy lên lưng tôi để tôi đưa anh qua ao”. Con bọ cạp leo lên lưng con nhái và con nhái nhanh nhẹn bơi qua ao. Nhưng đến nửa đường, con bọ cạp chích vào lưng con nhái và nọc độc làm con nhái đau đớn, hấp hối. Trước khi chìm xuống đáy hồ, chú nhái hỏi con bọ cạp: “Tại sao anh chích tôi? Vì tôi chết thì anh cũng chết”. Bọ cạp thốt lên: “Tôi biết điều đó nhưng tôi không thể tự chủ được, vì đó là cái bản tính bọ cạp của tôi!”.
Bọ Cạp Tính (Scorpion Nature)
Chúng ta có bọ cạp tính không? Ví dụ như một hành động nào đó mà chúng ta biết rằng nó sẽ gây tổn hại cho bản thân và làm hại người khác, nhưng ta vẫn cứ làm, đó là bản tính bọ cạp. Trong cuộc sống hàng ngày, có một số hành động, lời nói, và tư duy mà chúng ta biết rõ rằng chúng đã không giúp ích mà còn làm hại cho bản thân mình và người khác. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ làm những điều đó, vẫn nói lời đó, vẫn suy nghĩ như thế. Tại sao vậy? Bởi vì tập khí chúng ta thúc đẩy chúng ta làm như vậy và chúng ta không thể kiểm soát, kháng cự hoặc ngăn chặn chúng.
Có một lần, và tôi cũng không còn nhớ ở vào trường hợp nào, Thầy của tôi đã nói với tôi rằng, “Vấn đề không phải là mình thích hay không thích”. Lúc đó, thú thật tôi không hiểu ý của Thầy và tôi cũng không thích lắm câu nói đó. Tuy nhiên, vì tôn trọng và tin tưởng vào lời Thầy nên tôi đã tiếp nhận lời dạy đó, cất giữ vào trong tâm trí để chiêm nghiệm. Sau vài năm, đột nhiên tôi đã hiểu ra. Khi chúng ta thích một cái gì đó hoặc chúng ta không thích một cái gì đó, thì nó đều do tập khí hay năng lượng của thói quen sai sử. Không nhiều thì ít, chúng ta ai cũng có tập khí. “Tôi thích màu này, tôi ghét màu kia”. “Tôi muốn có cái ipad này, tôi muốn cái điện thoại cầm tay kia”. “Tôi không muốn thức dậy sớm để đi ngồi thiền”. “Tôi không muốn thiền hành vì trời quá nóng”. “Tôi muốn ở trong nhà để có thể nghe nhạc và nghỉ ngơi” v.v… Cứ như thế, luôn luôn có những điều chúng ta thích và những điều chúng ta không thích, những điều chúng ta muốn và những điều chúng ta không muốn. Chúng biểu hiện liên tục trong tâm trí chúng ta, sai sử những lời nói và hành động của chúng ta. Cũng như thế, có những điều mà chúng ta cảm thấy cần thiết cho hạnh phúc của mình: “Tôi cần một chiếc xe; tôi cần một chứng chỉ; tôi cần một bộ trang phục mới”, mặc dù chúng ta đã có sẵn tất cả những điều kiện này. Như vậy, những điều chúng ta cần và những điều chúng ta không cần, cũng được quy định khá rõ ràng trong tâm trí chúng ta.
Chúng ta đã tiếp nhận nhiều tính cách của Tổ Tiên từ trong các di thể (genes) được trao truyền cho chúng ta. Chúng ta có các bản tính bẫm sinh như tính muốn sống còn, muốn tồn tại và chúng ta sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để được sống còn, được tồn tại; đó là những năng lượng nằm sâu trong tiềm thức luôn luôn thúc đẩy chúng ta. Ngoài ra, khi chúng ta muốn điều này hay muốn điều kia, nghĩa là điều đó phải thuộc về ta. Khi có cái “ta”, thì sẽ có cái “của ta” tiếp theo. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nói: “Tôi là như vậy đó”. “Tôi cảm thấy như thế và tôi có thể nói bất cứ điều gì tôi muốn nói, tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn làm”. Chúng ta có thể phát biểu những lời thiếu hiểu biết như vậy, nhất là những lúc trong tâm trạng chán nản, buồn bực, giận dữ hoặc bồn chồn (trạo cử). Và chuyện gì đã xảy ra khi chúng ta nói như vậy? Người đối diện vội vàng đóng kín cảm giác của họ lại; họ không nghe, không tiếp nhận nữa! Điều này làm chúng ta uất ức và thất vọng hơn. Và cứ thế, càng nói nhiều, sự thất vọng và bực bội càng gia tăng và lời nói của chúng ta trở nên khắc nghiệt nặng nề hơn. Cho đến khi bình tĩnh lại thì đã muộn; mình cảm nhận được một cái hố sâu đã ngăn cách giữa mình và cha mẹ, anh chị em và bạn bè. Chúng ta trở nên cách biệt nhau cũng chỉ vì “tôi như thế đó, đó là cách thức của tôi, đó là bản tính của tôi”, và “anh như thế đó, đó là cách thức của anh, đó là bản tính của anh”. Trong gia đình và xã hội, đôi khi chúng ta xa cách và không giải hòa được với nhau cũng chỉ vì những ý nghĩ và lời nói nông nổi, vụng về như vậy. Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy đó là bản tính bọ cạp (bọ cạp tính). Bản tính này của chúng ta đã làm khổ chính chúng ta, làm khổ những người thân yêu, gây ra sự chia rẻ và cái chết dần của nội tâm. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải thực tập để ý thức được và nhận diện được những đặc tính bọ cạp đang tác động từng giờ từng phút trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Chánh niệm và bọ cạp tính
Để học nâng cao ý thức về các tâm hành, chúng ta đến một trung tâm thực tập như tu viện Mộc Lan này. Đây là một tu viện vì ở đây có các thầy và các sư cô, và cũng là một trung tâm thực tập vì tất cả chúng ta đến đây để tu học. Làm thế nào để chúng ta có thể chăm sóc bản tính bọ cạp của chúng ta? Chúng ta thường nói đến Phật tánh, cái bản tính tĩnh lặng và sáng chói trong chúng ta. Nhưng bản tính Phật (Bụt) đó nằm ở đâu? Bản tính Bụt nằm ngay trong bản tính bọ cạp! Vì vậy, chúng ta phải chăm sóc bản tính bò cạp, phải nhận ra nó, chấp nhận nó và chăm sóc nó, để bản tính Bụt có thể biểu lộ rõ ràng hơn. Ví dụ, chúng ta thấy một bình hoa được sắp xếp và trình bày rất mỹ thuật. Tất cả các bông hoa đẹp rạng rỡ; nhưng giả dụ nếu có nhiều loại cỏ cao mọc xen lẫn vào hoa và chung quanh hoa thì chúng ta sẽ không còn nhìn thấy những bông hoa này nữa. Vì vậy, chúng ta phải chăm sóc các loại cỏ, phải sắp xếp chúng một cách nào đó để vài nét đẹp của cỏ có thể biểu lộ mà không che lấp cái đẹp của hoa. Vậy làm thế nào để chăm sóc cỏ tốt, cỏ dại, chăm sóc bản tính bọ cạp để tính Bụt có thể biểu hiện rõ ràng? (Chúng ta có thể hiểu tính Bụt hay Phật tánh là một bản tính rất đẹp và chứa đựng những yếu tố thật, lành và đẹp hay chân, thiện và mỹ). Có những sự thực tập cụ thể có thể giúp chúng ta làm hiển lộ bản tính Bụt hoặc giúp chăm sóc tính Bụt trong ta, chẳng hạn như pháp môn đi thiền hành. Khi đi thiền hành với chánh niệm, chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều về cách tư duy của chúng ta. Chẳng hạn như chúng ta thấy đi thiền hành hôm nay trời quá nóng! Chúng ta nghe được những lời phàn nàn từ bọ cạp tính: “Trời ơi, nóng gì mà kinh khủng thế này! Tại sao chúng ta phải đi thiền hành trong cái nóng bức như thế?”. “Tôi muốn về phòng, mát mẻ hơn. Tại sao tôi phải ra ngoài đó, tôi điên chăng?”. Cái bản tính bọ cạp luôn luôn thúc đẩy chúng ta phàn nàn và than vãn. Nếu chúng ta không ý thức được khuynh hướng này, thì trước sau gì bò cạp tính sẽ thừa thắng xông lên, làm cho chúng ta đi… tụt về phía sau của đại chúng và trở về phòng mình, có máy lạnh để đọc sách hoặc nghe nhạc. Nhưng khi chúng ta biết mỉm cười với những ý nghĩ đó và bám sát vào từng hơi thở và từng bước chân, chúng ta sẽ thấy những lời đối thoại lao xao trong tâm dần dần lắng dịu. Chúng ta lại có cơ hội để phát hiện được những điều thú vị gì khác. Ví dụ như gần đây tôi thường hay bị nhức đầu, nhưng trên đầu tôi đang có một chiếc nón lá che nắng cho tôi, và tôi phát sinh lòng biết ơn đối với cái nón đó. Hơn nữa, tôi lại có mang một cặp kính mát rất tốt vì nếu không, ánh nắng gay gắt phản chiếu vào mắt sẽ làm tôi nhức đầu thêm, và vì vậy tôi cũng biết ơn cặp kính của tôi. Tôi thường nói với các vật dụng cá nhân: “Em là vật vô tri, nhưng em chăm sóc tôi và thủy chung với tôi. Cảm ơn em”. Trong khi đi, tôi cũng có thể lắng lòng để được nghe tiếng gió thổi xào xạc trên các cành lá, và biết rằng tôi chỉ cần đứng yên hoặc ngồi yên để tận hưởng làn gió mát. Và như thế, chỉ trong vài phút ngắn ngủi mà cơn nóng gay gắt đã được chăm sóc, và ta cảm thấy sự mát mẻ dễ chịu đang bao phủ lên toàn bộ cơ thể và tâm hồn. Như vậy, chánh niệm có thể giúp chúng ta thấy được tâm của mình và chăm sóc được hạnh phúc của mình. Những gì đang có là cơn nóng như thiêu đốt, nhưng cùng một lúc là những điều kiện hạnh phúc khác đang biểu hiện như sự có mặt của Tăng thân, của chiếc nón lá, cặp kính đen và cơn gió mát thỉnh thoảng thổi đến. Một hạnh phúc tuyệt diệu nữa là chúng ta có cơ hội thuần phục được bò cạp tính hay đòi hỏi than phiền, để Phật tính an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh được biểu hiện trong ta.
Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta nhận ra được những gì đang có mặt, và dù tích cực hay tiêu cực, chúng ta cũng phải nhận biết chúng như chúng đang là (as it is). Khi chúng ta ý thức được một cái gì đó mang tính tiêu cực và chúng ta có mặt với nó, nó sẽ dần dần lắng dịu xuống. Nếu chúng ta không nhận ra mặt thật của nó, nó sẽ tiếp tục ngấm ngầm tác động trong chiều sâu của tâm thức chúng ta. Rồi đột nhiên cơn giận bộc phát và chúng ta có thể la hét, chưởi mắng, nói những lời nặng nề khắc nghiệt hoặc có những hành động thô bạo, chỉ vì chúng ta không nhận thức được các yếu tố tiêu cực còn liên tục và lặng lẽ tác động trong tâm. Vì vậy, khi nhận ra một điều khó chịu nào đó, chúng ta phải thừa nhận nó và nói, “Ồ, cái này khó chịu quá nhưng tôi đang có mặt để chăm sóc em đây”. Khi gặp một hoàn cảnh tiêu cực, một người hay một cái gì đó mà chúng ta không thích, chúng ta phải thừa nhận nó và có ý thức về những điều tích cực khác đang xảy ra cùng lúc, để có một cái nhìn bình đẳng và toàn diện hơn về hoàn cảnh đó.
Tri túc và hạnh phúc
Trong giáo lý đạo Phật có một lối thực tập gọi là tri túc (知足 biết đủ), nghĩa là chúng ta biết rằng chúng ta đã có đủ, và như Thầy tôi thường nói: “Bạn có đủ” (You have enough). Trong từ ngữ Hán-Việt, chữ tri có nghĩa là “để biết, để làm chủ, để ghi nhớ”. Chữ túc có nghĩa là “đủ”. Chữ túc này còn có một nghĩa khác là “bàn chân”. Chúng ta thực tập để biết rằng chúng ta có đủ, làm chủ được những gì mình có, và nhớ rằng mình có đủ. Nhưng tri túc cũng có nghĩa là chúng ta biết chúng ta có chân. Nhìn vào chữ túc (足) này, từ trên đi xuống ta thấy có cái miệng, cánh tay, và bàn chân. Điều thú vị là chữ này có thể nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta hiện đang có hai chân tốt, không có cái đinh vít kim loại nào trong xương chân, không có sưng khớp, không có ung thư xương, và chúng ta chưa phải chống một hoặc hai cái nạng để đi! Có chân lành mạnh để đi là một điều kiện quá đủ để làm cho chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, khi thiền hành, chúng ta cần nhận thức và nhớ rằng chúng ta đang có đôi chân tốt. Đôi chân chúng ta tượng trưng và nhắc nhở chúng ta nhớ đến tất cả các điều kiện hạnh phúc khác mà chúng ta đang có. Khi chúng ta chưa biết trân quý những cái bình thường nhất mà chúng ta đang có thì chúng ta chưa thật sự biết hạnh phúc là gì. Chúng ta không ý thức được rằng chúng ta đã có đủ, nên lòng ham muốn sẽ phát khởi và chúng ta luôn luôn khao khát mong cầu một cái gì đó. Chúng ta sẽ muốn đi chỗ này, muốn đến chỗ kia, muốn làm điều này, điều nọ, và sẽ không bao giờ có thể có mặt ở thời điểm hiện tại với những gì chúng ta có. Đó là lý do tại sao chúng ta thường cảm thấy mình nghèo, mình khổ, mình cô độc. Hơi thở và bước chân có ý thức giúp chúng ta nhận diện những yếu tố mầu nhiệm đang xảy ra trong ta và chung quanh ta, cho chúng ta niềm tự tin rằng: “Đây là giây phút hạnh phúc!” (This is a happy moment).
Có mặt với hiện tại
Khi còn là một sinh viên y khoa, tôi có qua nước Kenya để thực tập trong một bệnh viện tên Kikuyu Hospital. Một hôm tôi và người y tá vào phòng bệnh nhân để kiểm tra và chăm sóc các bệnh nhân. Đó là một căn phòng có hai dãy giường kê sát vào tường để chừa một lối đi ở giữa và mỗi dãy có ít nhất khoảng 20 cái giường với bệnh nhân nằm la liệt trên đó. Hôm đó, như thông lệ, chúng tôi vào phòng và bắt đầu khám từ dãy giường gần cửa ra vào. Nhưng ngay khi tôi sắp sữa khám người bệnh đầu tiên ở dãy bên tay trái thì ở dãy bên tay phải có một bệnh nhân gọi lớn: “Bác sĩ, bác sĩ! Xin giúp tôi!”. Tôi nhìn qua và thấy một người trai trẻ đang gọi một cách thảng thốt. Tôi chưa biết xử trí ra sao thì người y tá nói với tôi: “Anh ấy luôn luôn than phiền như vậy! Không sao đâu, bác sĩ đừng lo”. Anh y tá nói với tôi như vậy, và vì đây là lần đầu tiên tôi “đi tuần” để chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện này, nên tôi tin vào kinh nghiệm của anh ta, và tôi cứ tiếp tục khám bệnh từ bên dãy phía tay trái. Việc khám bệnh cứ tuần tự như thế, giường này rồi đến giường khác, nhưng khi tôi đến giường của người thanh niên trẻ thì… anh ta đã chết! Tôi vô cùng kinh ngạc, không thể tin được là anh ta đã chết, vì anh ta chỉ ở tuổi hai mươi, trông rất lực lưỡng và khỏe mạnh. Lúc đó, chúng tôi đã cố gắng chích tất cả các loại thuốc cần thiết vào cơ thể của anh ta, nhưng tôi biết mọi sự đã quá muộn, không thể nào cứu sống được nữa. Sau đó tôi phát hiện ra rằng anh ta bị nhiễm trùng xương và có thể là một mô (tissue) trong xương đã đi vào máu và làm tắc nghẽn một động mạch chính của tim khiến cho tim phải ngưng đập (a major heart attack). Ở Kenya người ta không khám nghiệm tử thi thường xuyên nên tôi không thể biết rõ hơn về lý do đưa đến cái chết đột ngột của anh ta. Có điều là khi anh kêu cứu, anh thực sự có cơn đau, và tôi đã không nhận biết được rằng đó là một tình trạng rất nghiêm trọng để kịp thời chữa trị. Chuyện này đã để lại một cái gì đó trong tôi, và cho đến bây giờ, thỉnh thoảng hình ảnh của người thanh niên ấy vẫn đột nhiên xuất hiện trong tâm trí tôi. Ngay cả trong những giờ ngồi thiền, đôi khi tôi vẫn nghe văng vẳng lời kêu cứu của anh ta: “Bác sĩ! Bác sĩ! Xin giúp tôi!”
Hình ảnh của người thanh niên ấy nhắc nhở tôi nên cố gắng thực tập có mặt thực sự trong hiện tại và để nhận thức được những gì đang xảy ra trong bản thân và chung quanh mình. Chánh niệm có thể đem tâm trí trở về với hiện tại ngay thời điểm này để chăm sóc những gì đang diễn tiến. Chúng ta đừng tùy thuộc nhiều vào những gì ta nghĩ chúng sẽ xảy ra, những gì ta muốn chúng xảy ra, hoặc những gì đã xảy ra trước đây. Thông thường chúng ta hành động theo kinh nghiệm đã có chứ không chịu tìm hiểu sự kiện hoặc tình huống hiện tại cho rõ ràng. Và như vậy là chúng ta không sống với cuộc sống trong hiện tại như nó đang là. Chúng ta đã đánh mất một cơ hội để trải nghiệm một cái gì đó mới mẻ đang xảy ra trong hiện tại khi chúng ta nói: “Ồ, tôi đã biết điều này”. “Ngồi thiền ư? Tôi ngồi thiền nhiều lần rồi!”. Ngay cả các sinh hoạt thiền cũng có thể trở thành một cái gì đó thường lệ, và chúng ta sinh tâm nhàm chán. Ví dụ như trong tu viện, chúng tôi khuyến khích những người trẻ dậy sớm vào buổi sáng để đi ngồi thiền. Nhưng hầu như phần lớn các em lên giường sau mười một giờ khuya. Các em thức khuya để xem phim, để nói chuyện trên điện thoại, để chơi video games, v.v… Như vậy là các em đã bị cái bản tính bọ cạp điều khiển mình. Quý thầy, quý sư cô luôn đặc biệt quan tâm và hướng dẫn người trẻ vì khi còn trẻ, Phật tính của các em còn biểu hiện dễ dàng. Khi thành người lớn, các em sẽ bị ràng buộc vào nhiều trách nhiệm và lo lắng. Hơn nữa, chung quanh chúng ta đầy dẫy những quảng cáo, những lời rao bán và kêu gọi như: “Hãy mua cái này! Cái này rất cần cho bạn! Đây là cái hạnh phúc bạn có thể sở hữu được!”. Ngày đêm những hạt giống tham vọng và thèm khát bị tưới tẩm trong chúng ta. Phật tính của chúng ta ngày càng bị che lấp, trong khi bản tính bọ cạp của chúng ta ngày càng lớn mạnh và biểu lộ rõ ràng. Người trẻ có thể tu học để sớm nhận ra những điều này để không phải trở thành nạn nhân của bản tính bọ cạp, xem thường và lãng quên những gì chúng ta đang có, những gì mà rất nhiều người khác mong muốn nhưng không thể có.
Chăm sóc thân tâm
Trong một khóa tu dành cho giới trẻ, tôi có hướng dẫn một nhóm pháp đàm và tôi đã hỏi họ đã học được những gì trong suốt khóa tu. Nhiều em đã chia sẻ rằng họ học được cách đi và cách ăn. Một em nói: “Em thấy các món ăn rất ngon khi em nhai chậm rãi và ăn trong im lặng”. Đây là một khám phá tuyệt diệu. Tôi nhớ có một lần ba người phụ nữ lớn tuổi đến thăm tu viện Lộc Uyển và chúng tôi mời họ ăn cơm trong im lặng cùng với đại chúng. Khi ăn xong, một bà cho biết: “Tôi chưa bao giờ ăn trong im lặng! Thật là quá thú vị!”. Bà ta đã ở tuổi sáu mươi hoặc bảy mươi nhưng chưa bao giờ ăn trong im lặng trước đó. Bà ta chưa bao giờ kinh nghiệm được cái cảm giác bình và măn nguyện trong khi ăn. Chúng ta thật may mắn vì trong tu viện chúng ta có nhiều cơ hội để ăn trong im lặng và cảm nhận được những điều tốt đẹp đó. Tất cả mọi sinh hoạt và mỗi hành động chúng ta làm trong chánh niệm đều có công năng nuôi dưỡng được cả thân và tâm. Đây là tình thương đích thực mà chúng ta có thể vun trồng hàng ngày.
Chúng ta cũng có thể thực tập để thương quý hơn cơ thể của mình. Khi chúng ta còn trẻ chúng ta chỉ biết chạy nhảy, chơi đùa, và chúng ta không bao giờ nghĩ rằng: “Ồ, tôi có đôi chân, tôi có đôi mắt, tôi có thể ca hát và hít thở thoải mái”, nhưng khi bị bệnh, chúng ta nói: “Ôi thật là khổ! Tôi không muốn bị bệnh”. Như một em thiếu niên đã nói: “Tôi có bệnh hen suyễn, tôi rất ghét hen suyển” và em chỉ muốn chối từ cái bệnh của mình. Chúng ta có nên ghét bỏ bệnh tật của chúng ta không? Chúng ta có thể học cách biết ơn bệnh tật của chúng ta. Ví dụ, hồi còn đi học, tôi đã rất khỏe mạnh. Tôi có thể chạy từ trường của tôi thẳng xuống bờ biển ở San Francisco, bơi lội một lúc trong nước lạnh ngắt, rồi chạy ngược về trường. Từ trường xuống đến bờ biển xa khoảng 3 miles nhưng hồi đó tôi vui thích chạy và bơi như vậy trong một thời gian khá lâu và xem đó là một việc quá dễ dàng. Nhưng sau đó, khi tôi bắt đầu bị huyết áp thấp, tôi không thể chạy nhảy như thế nữa, có khi chỉ đứng lên là tôi đã thấy nhức đầu và chóng mặt. Thường thì tai tôi rất tốt, có thể nghe rất rõ, nhưng gần đây, tôi không thể nghe tiếng chuông thỉnh và tôi phải nhìn vào các thầy và các sư cô để khi thấy họ dừng lại là tôi dừng lại. Bởi vì khi bị huyết áp thấp, máu chúng ta không được bơm đầy đủ, và vì không đủ oxy nên các giác quan không còn bén nhạy như lúc bình thường. Chúng ta không thể nghe rõ, không nhìn thấy rõ và đôi khi chúng ta cũng không thể suy nghĩ cho chín chắn, tỏ tường. Nhưng thay vì buồn phiền về những điều đó, tôi tập triển khai lòng biết ơn, và tôi biết ơn những tháng ngày tôi được khỏe mạnh trước đây. Cũng như thế, những lúc bị cảm hay đau nhức trong thân, chúng ta có thể tập ngồi cho yên tĩnh và quay về thực hành phương pháp thở bụng. Hoặc chúng ta nằm xuống, đặt một tay lên bụng và nói: “Tôi đang có mặt cho em đây. Có tôi đây. Có tôi đây. Không sao đâu”. Chúng ta tập cách chấp nhận sự mong manh của cơ thể và yêu mến cơ thể, bởi vì cơ thể chúng ta rất bao dung và có thể tự chữa lành các vết thương trong ta. Ví dụ nếu các em thức đến mười hai giờ hoặc một giờ khuya hoặc sau này khi trưởng thành, các em có thể uống rượu, hút thuốc lá và tất cả những điều đó làm cho cơ thể rất mệt mỏi và ốm yếu. Tuy nhiên, cơ thể luôn tha thứ chúng ta và nó sẽ tự chữa lành mỗi lần chúng ta gây thương tích và làm khổ nó. Vì vậy mà dù thức rất khuya, hút thuốc lá và uống rượu rất nhiều, người ta cũng có thể thức dậy vào sáng hôm sau và sinh hoạt bình thường trở lại. Cơ thể chúng ta có chức năng phục hồi sức khỏe và chữa lành bệnh tật cho chúng ta. Nó kiên nhẫn chăm sóc chúng ta như thế năm này qua năm khác cho đến một ngày nó không thể làm gì được nữa. Và chúng ta bắt đầu ho, bắt đầu thấy đau gan, bắt đầu thấy mệt mỏi khi leo lên một ngọn đồi bởi vì phổi bị hư hỏng và nhiều biến chứng khác lần lượt phát sinh.
Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra những gì chúng ta vẫn còn và những gì đang xảy ra, và chúng ta nói: “Có tôi đây, có tôi đây”. Tôi thường nói “chị xin lỗi em” với chính bản thân. Trước đây, tôi chỉ chờ mọi chuyện xảy ra một cách nào đó theo ý muốn và khi không được như vậy, tôi lại thất vọng và buồn bực. Nhưng tu học là để nuôi lòng biết ơn, và để biết xin lỗi về những hành động thiếu khôn khéo của chính mình. Và khi chúng ta biết nói “xin lỗi” với cơ thể của chúng ta, biết nói những lời ngọt ngào biết ơn với cơ thể của chúng ta, thì đó là một dấu hiệu của tình thương đích thực. Bởi vì bây giờ chúng ta không phô trương cơ thể của chúng ta chỉ vì nó xinh đẹp, có quần áo mới, bởi vì nó gắn liền với một chiếc xe đời mới hay cái điện thoại lưu động tối tân. Chúng ta học cách yêu thương cơ thể vì đã nhận ra cơ thể của chúng ta là người yêu lý tưởng nhất, là người bạn đời bao dung nhất ta có thể tìm thấy. Đó là tri túc, là biết để làm chủ những gì chúng ta có, và để ghi nhớ và biết ơn những gì chúng ta có.
Mỗi ngày chúng ta nên để một chút thời gian để lân mẫn với hình hài của chính mình. Ví dụ như lúc mới thức dậy còn nằm trên giường, trước khi đi ngủ, hoặc khi nghe một tiếng chuông hoặc tiếng điện thoại reo, chúng ta có thể nằm, đứng hoặc ngồi cho thật đẹp, lưng thẳng, và nhận diện từng phần của cơ thể:
Thở vào, tôi ý thức toàn bộ đầu của tôi,
Thở ra tôi thư giãn toàn bộ đầu của tôi.
Thở vào, tôi ý thức đôi mắt tôi,
Thở ra, cảm ơn đôi mắt tôi.
Mắt vẫn còn trong tình trạng tốt, cảm ơn mắt giúp tôi thấy những điều tốt đẹp chung quanh tôi, những khuôn mặt chung quanh tôi.
Rồi trong sự bình an, thong thả, chúng ta có thể tiếp tục nhận diện từng phần khác của cơ thể: Hai tai, mũi, miệng, phổi, tim, tay, chân, và tất cả các bộ phận của cơ thể đã và đang có mặt cho chúng ta, chăm sóc chúng ta, tha thứ cho chúng ta.
Vô thường và buông bỏ
Khi chúng ta kinh nghiệm một cái gì đó dễ chịu, chúng ta muốn nhiều hơn nữa. Khi chúng ta ăn một cây kem và thấy ngon, chúng ta ăn rất nhanh và bắt đầu nghĩ đến một cây kem khác. Khi chúng ta có nhiều niềm vui, chúng ta cũng muốn nó kéo dài mãi mãi. Tuy nhiên, mọi thứ đều vô thường và chúng có đó rồi mất đó. Tôi thường thực tập quán chiếu về vô thường để thấy rằng “điều này cũng sẽ đi qua” (“This, too, shall pass” – tục ngữ). Tôi thấy rằng ngay trong những lúc tôi có nhiều hạnh phúc nhất, những lúc tôi thương mến một người và có mặt thật sự cho người đó, tôi vẫn nghe một tiếng thì thầm trong tâm: “Điều này cũng sẽ đi qua, đi qua…”. Thật vậy, hoàn cảnh nào, cảm nhận nào, dù tích cực hay tiêu cực, dù ngọt ngào hay đắng cay, tất cả rồi cũng phải đi qua.
Các em bây giờ có em mới 9 hay 10 tuổi; vài năm nữa các em sẽ được 15 hay 16; và một ngày không xa các em sẽ ngạc nhiên khi thấy mình đã già, đã ở vào lứa tuổi 50, 60 hay 70. Có thể các em sẽ luyến tiếc những ngày tháng tươi đẹp đã qua. Nhưng nếu chúng ta biết thực tập trong mọi thời điểm, chẳng hạn như khi nghe một tiếng chuông chúng ta chỉ cần theo dõi hơi thở và xả bỏ mọi suy tư duy. Khi đang nói, chúng ta ngưng nói; khi đang làm một cái gì đó, chúng ta ngưng làm; và khi đang suy nghĩ, chúng ta chỉ cần xả bỏ sự suy nghĩ. Đây là sự thực tập buông bỏ (letting go) rất sâu sắc trong đời sống hàng ngày. Chúng ta từ từ huấn luyện chính mình để có khả năng không nắm bắt cả những điều tốt đẹp nhất. Dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn phải cho mọi thứ ra đi bởi vì chúng không thể mãi mãi ở đó. Vậy thì sự thực tập chánh niệm với ý thức rằng “điều này cũng sẽ đi qua” giúp chúng ta có mặt thực sự, sâu sắc và tận tình trong thời điểm đó. Chúng ta sẽ không nghĩ rằng “tôi sẽ lại gặp anh” hoặc “tôi sẽ luôn luôn ở trong tình huống đó”. Chúng ta sẽ không xem mọi điều đang có mặt là đương nhiên phải có mặt ở đó mãi và vì thế, khi một người ra đi, khi một tình huống tốt đẹp không còn, chúng ta sẽ không buồn rầu hoặc hối tiếc. Chúng ta chỉ hối tiếc vì chúng ta đã không tiếp xúc sâu sắc với những thời điểm và yếu tố đã có mặt này. Khi chúng ta tiếp xúc rất sâu sắc một cái gì đó, nó sẽ trở thành nội tại và luôn luôn hiện hữu bên trong chúng ta, và chúng ta có thể tiếp tục sử dụng nó để nuôi dưỡng thân tâm. Vì vậy, cái định về vô thường và ý thức rằng “điều này cũng sẽ đi qua” giúp chúng ta tận hưởng thực sự từng giai đoạn trong cuộc sống, dù đang ở bất cứ lứa tuổi nào. Chúng ta chỉ cần tập có mặt sâu sắc ngay bây giờ và ở đây, vì bây giờ và ở đây là nơi gặp gỡ duy nhất của chúng ta với tình yêu và hạnh phúc. Và cuộc hẹn hò này chắc chắn thú vị hơn là với anh chàng hay cô nàng bọ cạp khó tính kia!
NGUYÊN LÂM phiên tả và chuyển ngữ.
Sư Cô ĐẲNG NGHIÊM hiệu đính.
Trang nhà GĐPTVN/UĐL.