TVGĐPT – Dưới đây là một trong các bài viết rất “cũ” về mục đích, lập trường, những nhận xét, và một phần sử liệu Gia Đình Phật Tử Việt Nam do tác giả Hùng Khanh(*) biên soạn, đăng trên tạp chí Liên Hoa (đã đình bản năm 1966), nói về tổ chức Gia Đình Phật Tử từ những ngày đầu hình thành và giai đoạn phôi thai phát triển tiếp sau đó.
Nhân dịp “Kỷ Niệm 70 Năm Danh Xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam” (1951-2021), Thư Viện GĐPT sưu tầm và tái đăng tải những tài liệu khá hiếm này để anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT có thêm nguồn tham khảo. Chúng tôi, trong khả năng cho phép và với thời gian hãn hữu, sẽ cố gắng tiếp tục sưu tầm, đả tự, trình bày lại thêm những bài khác liên quan đến quá khứ và sự phát triển qua những chặng đường dài của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Xin anh chị em Lam Viên GĐPT và Quý Độc Giả chờ đọc…
CẦN HIỂU ĐÚNG ĐẮN Ý NGHĨA
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Hùng Khanh
I/ SỐ NGƯỜI HIỂU SAI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ MỖI NGÀY MỖI ĐÔNG
Mặc dù Gia Đình Phật Tử đã ra đời trên mười năm, ngày nay vẫn còn có nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của nó; và hình như bây giờ số người hiểu sai lại càng nhiều hơn khi nó mới ra đời.
Điều này, mới nghe, thấy như vô lý. Nhưng xét cho kỹ, lại đúng với sự thật. Khi mới ra đời số lượng Gia Đình Phật Tử đang còn ít và chỉ nằm gọn trong các thị xã. Số người có tương quan đến Gia Đình Phật Tử còn ít, thì số hiểu sai nó tất nhiên cũng không nhiều. Vả lại vì nó còn ở trong phạm vi hẹp hòi, cho nên có thể giải thích dễ dàng cho những người có quan niệm sai lầm về nó, dù là người ở ngoài hay ở trong tổ chức. Hiện nay, số người trong tổ chức đã đông, mà số người đứng ngoài nhìn vào, nhìn qua sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử lại càng đông hơn. Vì quá đông, cho nên Đoàn Sinh có người hiểu sai ý nghĩa của nó, mà Đoàn Trưởng hay người có trách nhiệm về Gia Đình Phật Tử không đủ thì giờ để giải thích, cải chính, hay không có đủ tầm mắt quán xuyến để bao quát tất cả những gì đã xảy ra trong Đoàn mình, trong Gia Đình mình, trong tâm hồn, lý trí Đoàn Sinh.
Trong nội bộ, còn chưa đủ thời giờ để kiểm soát một cách chu đáo, thì còn thì giờ đâu để đính chính những quan niệm sai lầm của những kẻ đứng ngoài nhìn vào, đứng xa nhìn lại. Đây là chưa nói đến cái số người nhận xét một cách xuyên tạc, nhìn với ý kiến riêng của mình, với những tấm lòng đã nhuộm sẵn màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng…
II/ NGƯỜI TA HIỂU SAI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ NHƯ THẾ NÀO?
1. Những người đứng ngoài:
Chúng tôi muốn nói những người không phải là Phật Tử, những người ở các tôn giáo khác, đoàn thể khác. Đối với những người này, Gia Đình Phật Tử là đoàn thể tín đồ con con, sinh hoạt in hệt như tín đồ lớn tuổi, chỉ khác có bộ y phục màu lam, và sự sắp đặt có hàng lối hơn. Họ chỉ thấy đó là một vấn đề tín ngưỡng mà có tổ chức thanh niên ấy, chứ không thấy ngoài vấn đề tín ngưỡng, cái gì khác hơn nữa, như là vấn đề giáo dục thanh niên chẳng hạn.
Và khi đã hiểu sai như thế, thì người ta rất dễ gắn cho nó cái danh từ “phản giáo dục” nghĩa là người ta có thành kiến rằng những đứa bé mặc áo lam ấy đến chùa để kinh kệ, quỳ lạy lê nghê lúc ngúc, cũng xuýt xoa “Mô Phật”, cũng lim dim đôi mắt, và có nhiều khi ngủ gật thật. Tạo ra trong trí đầy thành kiến của mình những mẫu người tí hon như thế, tất nhiên họ sẽ tội nghiệp thương xót những đứa bé mà họ tưởng rằng người ta đặt ra hình thức “Gia Đình” mới mới cho vui mắt vậy thôi, chứ thực ra giáo dục cũng chẳng có, mà tín ngưỡng cũng không. Đó là vấn đề hoàn toàn hình thức, không chứa một nội dung gì cả. Người ta cho trẻ em mặt đồng phục, tập cho chúng đi ra đường có hàng lối, biết năm bảy bài hát, vài chục trò chơi, thỉnh thoảng đi cắm trại để đổi không khí tổ chức, một vài buổi văn nghệ để lòe những thằng ranh con khác, vác tràng phan đi đưa đám ma, hay làm hàng rào danh dự với những tiếng hô “khẩu hiệu” rất kêu, rất lớn có thể làm giật mình những khách quý đến thăm chùa; đó, người ta thu gọn hoạt động của Gia Đình Phật Tử trong từng ấy cử chỉ, dáng điệu!
2. Những người trong cuộc:
Những người đứng ngoài nhìn vào hiểu sai lầm ý nghĩa của Gia Đình Phật Tử, điều đó không đáng trách lắm, và cũng không nguy hại cho tổ chức ấy lắm. Đáng trách và nguy hại nhất là những người ở trong cuộc, những người có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp về Gia Đình Phật Tử mà vẫn vô tình hay cố ý hiểu sai mục đích, đường lối của Gia Đình Phật Tử.
Chính những người này đã gián tiếp cung cấp thêm bằng chứng để người ngoài dựa vào đó mà lập luận sai lạc về mục đích, ý nghĩa của Gia Đình Phật Tử. Người ngoài cho rằng tổ chức ấy chỉ có mục đích tín ngưỡng rất lạc hậu, thiếu phương pháp giáo dục, thiếu hiểu biết cái hướng đi của con người giữa thế kỷ hai mươi, thì một số người trong tổ chức, hay liên quan đến tổ chức, quả thật không hiểu biết hay không chú trọng gì đến những vấn đề ấy hết. Đến nay vẫn có người chủ trương rằng “cho bọn nhỏ ấy đến chùa lễ Phật là đủ rồi”. Có người, nhất là quý vị lớn tuổi, lấy làm bực mình, khó chịu, khi thấy các em chơi, hát, nhảy múa. Ừ! Tu gì lại ồn ào, “động” như quỷ sứ thế? Đạo Phật từ xưa đến nay đã mấy chục thế kỷ rồi, có ai làm cái “trò khỉ” y như thế đâu, mà cũng vẫn tu thành chánh quả, tín đồ cũng vẫn đông đảo như thường? Quý vị ấy chỉ thích các em cũng thuộc nghi thức tràng giang đại hải như mình, cũng tán tụng được như mình, mỗi khi có cầu an, hay cầu siêu, cũng ngồi từng giờ bên cạnh mình để hành lễ. Nhất là ở thôn quê, không có gì làm cho các bác hài lòng bằng thấy các em sắp hàng hai nắm tràng phan đi đưa đám ma. Vâng! thật là rậm đám! Đó là những em ngoan, những em đã thuần thục mà quý vị ấy tin chắc sau này sẽ trở thành những “Phật Tử chân chính”.
Trong lúc có một số Đạo hữu lớn tuổi chủ trương huấn luyện các em bằng phương pháp… “thiếu phương pháp” như thế, thì một số các anh em Huynh Trưởng lại chỉ nghĩ đến chuyện hình thức. Trong lúc hăng hái hoạt động, nhiều người đã quên quách mục đích của Gia Đình Phật Tử. Mỗi người theo một sở thích, một khả năng riêng của mình, và lôi Gia Đình về phía ấy: người thạo về hoạt động thanh niên chỉ muốn đem các em đi cắm trại; người thạo về văn nghệ chỉ thích tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ; người giỏi về Phật Pháp chỉ muốn các em ngồi hàng giờ để nghe mình giảng giáo lý, thành ra ai cũng vì sở thích của mình mà hoạt động, ít ai nghĩ đến mục đích chung, đến việc giáo dục các em. Đối tượng chính của Gia Đình Phật Tử đã bị đánh lạc mất. Có người nghĩ rằng các em đồng niên, thiếu niên, thiếu nữ ấy phải phục vụ cho đạo, cho Hội, cho chùa, cho Gia Đình, cho các lễ bái trong Hội, trong Chi, trong Khuôn: Các em trở thành đồ dùng người lớn. Và tội nghiệp nhất là các em, và một số các anh nữa, cũng tưởng lầm như thế. Cho nên khi có một lễ lược, một tổ chức gì quan trọng, là Ban Trị Sự các cấp hướng về Gia Đình Phật Tử, lấy họ làm một mục chính trong chương trình lễ lược, lấy họ làm tay sai đắc lực cho buổi tổ chức. Và thế là các em, và một số các anh nữa, tưởng mình quan trọng thật, nai lưng ra làm việc, quên ăn bỏ ngủ, trải nắng, dầm mưa, để rồi sau buổi lễ, lăn ra đau từng loạt!
Người ta quên rằng đối tượng chính của Gia Đình Phật Tử là các em, là phục vụ các em, là đào tạo cho các em thành người, thành Phật Tử. Các em là những cây con mà chúng ta cần bón tưởi, uốn nắn chăm nom cho chúng lớn, chúng mạnh để sau này chúng trổ hoa ra trái. Chỉ sau này mà thôi, chứ dùng ngay chúng bây giờ, bắt chúng phải nở hoa, kết trái sớm, che bóng cho người ta, làm sào làm gậy và làm củi nữa, thì thật là đã phản lại mục đích ý nghĩa của Gia Đình Phật Tử.
III/ NHỮNG HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA SỰ HIỂU LẦM VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
A. Bên ngoài:
Khi người ngoài nhìn và nghĩ một cách sai lạc về Gia Đình Phật Tử như thế, thì tất nhiên người ta sẽ không có một quan niệm tốt, thiện cảm đối với tổ chức thanh niên này. Và do đó, chúng ta sẽ thấy những hậu quả tai hại như sau:
1) Người ta không muốn cho con em đến với Gia Đình Phật Tử:
Ngày nay, ngoài số người vì hoàn cảnh xã hội, phải lo chạy ăn, chạy mặc, đầu tắt mặt tối, không có thì giờ nghĩ đến việc dạy dỗ con em, còn phần đông Phụ Huynh đều chú trọng đến vấn đề giáo dục con cái. Nếu người ta nghĩ rằng gởi con đến Gia Đình Phật Tử mà chỉ để cho chúng tập tụng niệm, hay chỉ vì một bộ mả đồng phục bên ngoài, thì chắc người ta không thiết cho chúng đến lắm. Phải chăng vì thế mà số Đoàn Sinh ở các thành thị tương đối ít hơn ở thôn quê?
2) Những người có khả năng về tổ chức, hay giáo dục thanh niên không sốt sắng hưởng ứng:
Cũng như các bậc Phụ Huynh, những người có kinh nghiệm, có khả năng về sự điều khiển thanh, thiếu niên sẽ không sốt sắng tham gia, giúp đỡ Gia Đình Phật Tử một khi họ hiểu sai lạc về tổ chức này, một khi có quan niệm rằng đó là một tổ chức tôn giáo thuần túy, chỉ cốt luyện cho thanh niên thành những tín đồ bao giờ đôi mắt cũng lim dim như buồn ngủ, thân hình ẻo lả xanh xao như tàu lá chuối, cử chỉ yếu ớt đuổi ruồi không bay. Khi sai lầm mục đích như thế thì họ thấy mình không có lý do gì để đến đây, mà còn tìm cách tránh xa để khỏi mang tiếng là hưởng ứng một tổ chức phản giáo dục.
B. Bên trong:
Nhưng hậu quả tai hại của sự hiểu sai ý nghĩa Gia Đình Phật Tử đối người ngoài, tuy thế mà còn ít trầm trọng, bi đát hơn khi chính những người ở trong tổ chức ấy trong số trước, hiểu sai ý nghĩa của nó. Như chúng tôi đã trình bày trong đoạn trước, sự hiểu lầm này có khi ở phía Huynh Trưởng, có khi ở những vị Tăng-già hay Đạo hữu có liên quan trực tiếp đến Gia Đình Phật Tử như Cố Vấn Giáo Lý, Hội Trưởng, Chi Trưởng, Khuôn Trưởng, Gia Trưởng, Ban Viên, Ban Bảo Trợ. Chúng tôi cho những nguy hại do sự hiểu lầm của những người ở trong trầm trọng hơn ở ngoài, vì bao giờ cũng thế, một tổ chức suy đồi, sụp đổ đều do bên trong gây ra trước, và bên ngoài chỉ là trợ duyên thôi. Dưới đây chúng ta thử đưa ra một ít hậu quả tai hại do những sự hiểu sai Gia Đình Phật Tử mà những người trong cuộc gây ra:
1) Tai hại khi Huynh Trưởng hiểu sai ý nghĩa Gia Đình Phật Tử:
Không kể những sự hiểu sai lầm nhỏ nhặt, nói ngay đến những điểm chính như lý tưởng, mục đích, đường lối của Gia Đình Phật Tử mà hiểu sai là có thể phá tan cả một phong trào giáo dục thanh thiếu niên Phật Tử. Quên rằng đối tượng của Gia Đình Phật Tử là các em, là những mầm non nẻo cần phải uốn nắn, chăm sóc, nuôi dưỡng để chúng thành những con người lý tưởng, kiểu mẫu của Phật Giáo, mà cứ nghĩ đến chuyện văn nghệ, hoạt động thanh niên, hay giỏi giáo lý, là đã đảo ngược mục đích của Gia Đình Phật Tử, lấy gốc làm ngọn, lấy phiến diện làm toàn thể, lấy phương tiện làm cứu cảnh. Làm như thế, chúng ta không đào tạo con em thành những Phật Tử chân chính đầy đủ ý nghĩa cao đẹp, mà chỉ đào tạo thành những nghệ sĩ, nhà chuyên môn hay nhà nghiên cứu. Nhưng nếu được thế còn may, có khi lại không thành gì cả, mà chỉ dở dở, ương ương, vì những người có trách nhiệm về chúng đã xem chúng như những tấm vải mà mỗi người như một họa sĩ giành nhau vẽ lên những hình ảnh theo sở thích của mình, và kết quả là không thành gì cả!
Vì hiểu sai lầm như trên, vì lấy phương tiện làm cứu cánh, nên một số Huynh Trưởng khi đến với Gia Đình Phật Tử đã có sẵn ý niệm rằng mình đến để dạy văn nghệ hay hoạt động thanh niên. Họ cho như cái ngành mà họ phụ trách là quan trọng nhất và bắt buộc các em phải hướng về đó. Nhất là khi gặp một Huynh Trưởng có khả năng phiến diện và về quan niệm hẹp hòi như thế, thì ảnh hưởng của họ thật là tai hại. Họ làm cho Gia Đình Phật Tử chỉ hoạt động có một khía cạnh, và làm lu mờ các khía cạnh khác. Và nếu có ai thấy cái nguy cơ ấy mà ngăn ngừa, cảnh giác, thì họ tỏ ra bất mãn và có khi phản đối bằng cách ra Gia Đình, nghỉ hoạt động. Thế là Gia Trưởng chỉ còn lựa chọn giữa hai giải pháp: hoặc để cho Gia Đình Phật Tử ấy bế tắc, hoặc để cho Huynh Trưởng ấy tiếp tục y như cũ.
2) Tai hại khi các vị Tăng-già hay Hội-hữu có trách nhiệm về Gia Đình Phật Tử hiểu sai ý nghĩa của nó:
Như trong đoạn trước chúng tôi đã nói, có một số đông “người lớn” trong Gia Đình Phật Tử vì hiểu sai mục đích của tổ chức này, vì không nhiều phương pháp giáo dục mới, hay vị quen thói độc tài, nên chỉ muốn Đoàn Sinh Phật Tử cũng tu theo kiểu như mình, như người lớn, người già. Họ thích yên tĩnh, sợ ồn ào, nên họ bực mình khi thấy các Đoàn Sinh chơi đùa, chạy nhảy, múa hát trước mắt họ, sau lưng họ, chung quanh họ. Người có ít uy tín thì lặng thinh nhưng tỏ vẻ bất mãn, người có uy tín hơn tí nữa thì “đuổi các em đi chơi chỗ khác” để khỏi làm náo động cảnh chùa chiền hay hội quán; người có uy tín nhiều hơn nữa bắt các em tụng niệm nhiều hơn, hay ngồi nghe họ thuyết pháp hằng giờ.
Có người thực tế hơn, xem Gia Đình Phật Tử như một thứ trang trí cho vui chùa, vui Hội khi bình thường, và cần thiết khi có lễ lược. Và đối với họ như thế là đủ rồi, không cần đòi hỏi gì nhiều hơn nữa!
Hậu quả tai hại ở đây là, hoặc các em sẽ trở thành những ông cụ non khi chưa đến tuổi trưởng thành; hoặc những vật trang trí, có cái bề ngoài hào nhoáng mà trống rỗng bên trong.
Sự hiểu sai lầm trên còn đem đến một hậu quả bất lợi khác là làm chán nản những Huynh Trưởng có thiện chí, bắt buộc họ, hoặc ở trong một thế bị động, hoặc cương quyết chống lại.
3) Phần lớn sự xung đột giữa phái già và phải trẻ ở trong mọi Gia Đình Phật Tử đều do sự hiểu sai ý nghĩa của nó mà ra:
Thật ra, sự xung đột giữa phải già và trẻ là một tình trạng chung, thường xảy ra trong mọi tổ chức mà già và trẻ chung lộn: đại gia đình, nghiệp đoàn, nghị trường v.v… Đó là hậu quả không thể tránh của sự khác nhau giữa phái già và phái trẻ về mọi phương diện: sinh lý, tâm lý, kinh nghiệm, triết lý về quan niệm cuộc đời v.v… Ngoài lý do trên, sự xung đột trong Gia Đình Phật Tử còn là hậu quả của sự hiểu sai ý nghĩa của Gia Đình. Theo sự trình bày ở đoạn trên, chúng ta đã thấy Huynh Trưởng hiểu sai và làm sai mục đích của Gia Đình Phật Tử như thế nào, người lớn hiểu sai và làm sai như thế nào rồi. Hai sự hiểu sai và làm sai ấy thật xa nhau như trời với vực, khác nhau như âm với dương. Phái trẻ đổ cho phái già làm hư các em, phải già đổ cho phái trẻ làm sai đạo Phật. Mỗi phái đều đứng ở lập trường sai lạc của mình để công kích phái kia, và vì thế cho nên sự xung đột mới trầm trọng, khó giải quyết. Nếu ai cũng hiểu đúng đắn mục đích, đường lối, phương pháp giáo dục của Gia Đình Phật Tử; nếu ai cũng đứng trong một lập trường chung là lập trường của Gia Đình Phật Tử và hướng về một mục đích chung là tạo cho con em chúng ta thành những Phật Tử lý tưởng với tinh thần của đạo Phật và phương pháp của giáo dục mới ngày nay; nếu ai cũng hiểu và làm như thế, thì những sự xung đột giữa phái già và trẻ, cựu và tân sẽ được giải quyết một cách không khó khăn.
(*) Hùng Khanh là bút danh của Huynh Trưởng Nguyên Hùng – Võ Đình Cường trong những bài viết cho tạp chí Liên Hoa. (Xem chú thích trong các bài trước liên quan. – Thư Viện GĐPT chú thích).
- Đón xem tiếp bài kỳ sau: Làm thế nào để ý nghĩa của Gia Đình Phật Tử được hiểu đúng đắn.