Một thanh niên làm lao công cho các cửa hàng trong những khu mua sắm khi sang Mỹ tỵ nạn trở thành một nhà khoa học không gian vũ trụ của Trung Tâm Thí Nghiệm Nghiên Cứu Không Quân Hoa Kỳ sau 25 năm miệt mài vượt khó vươn lên. Đó là câu chuyện thành công của Tiến Sỹ Phạm Đại Khánh (hình trên), cháu nội đích tôn của sử gia nổi tiếng Phạm Văn Sơn và là cháu ngoại của nhà thơ lừng danh một thời Bàng Bá Lân.
Đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O vì cha mẹ là cựu tù nhân chính trị từng làm việc cho chính phủ Mỹ trước năm 1975, chàng thanh niên 19 tuổi quyết tâm theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.
Ý chí kiên trì và những nỗ lực không ngừng đã mang về cho anh những thành quả đáng nể. Trong số này phải kể tới hàng trăm bài viết nghiên cứu khoa học cùng hàng chục giải thưởng của Không Quân Hoa Kỳ như huy chương Không Quân Về Thành Tựu Dân Sự, giải Kỹ Sư Không Quân Xuất Sắc, Bài Nghiên Cứu Xuất Sắc Nhất Năm. Anh cũng là thành viên phê bình trong các Ủy Ban luận án tiến sỹ và thạc sỹ tại các trường đại học Mỹ; cố vấn nghiên cứu cho các cơ quan khoa học danh tiếng của Mỹ như Cơ Quan Phòng Thủ Tên Lửa, Cơ Quan Dự Án Nghiên Cứu Quốc Phòng Cao Cấp, Hội Kỹ Thuật Khoa Học Quốc Phòng Hoa Kỳ v.v…
Tạp Chí Thanh Niên V.O.A hôm nay mời các bạn cùng gặp gỡ tấm gương thành công Phạm Đại Khánh, niềm tự hào của người Việt hải ngoại.
T.S Phạm Đại Khánh: Khi tôi đến Mỹ, mọi sự đều bỡ ngỡ: về văn hóa, lịch sử, phong tục-tập quán. Khó khăn lớn nhất đối với tôi và cả gia đình là không có đủ khả năng đọc hiểu và nói tiếng Anh. Bản thân tôi phải bắt đầu lại con đường học vấn từ lớp 10. Các khó khăn về kinh tế người tỵ nạn nào cũng phải đương đầu, nhưng mình cũng phải cố gắng. Tôi cùng với em trai mỗi sáng sớm phải đi làm thêm. Sáng sớm, chúng tôi đi dọn dẹp, lau chùi các cửa hàng to trong các khu thương mại lớn. Mình làm 2-3 tiếng/ngày; và đi học cho tới 10 giờ đêm. Lên thạc sỹ, mình được học bổng. Mình biết tiết kiệm nên tiền học bổng cũng đủ trang trải các chi phí như đi lại, xe cộ, bảo hiểm.
PV Trà Mi: Với những cái giá đã trả để có được vị trí hôm nay; nhìn lại, anh nghiệm ra cho mình điều gì?
T.S Phạm Đại Khánh: Tôi nghĩ mình lúc nào cũng nên luôn làm việc chăm chỉ, không được hài lòng với những gì đạt được; và con đường đó lúc nào cũng đòi hỏi những hy sinh. Chẳng hạn như vì công việc, thời gian của tôi dành cho gia đình đã bị ít đi.
PV Trà Mi: Tư chất ham học, nỗ lực, và sự may mắn chiếm tỷ lệ thế nào trong sự thành công của anh?
T.S Phạm Đại Khánh: Tinh thần học hỏi và sự nỗ lực, hai tố chất này cộng lại chiếm 90%. Còn lại là do sự may mắn hay do cơ hội chính mình tự tạo nên. Những người tỵ nạn như tôi khi gặp khó khăn mà không biết cách giải quyết vấn đề và đương đầu với khó khăn một cách tích cực thì rất khó khăn. Làm sao để vượt qua và tìm phương hướng tùy thuộc vào bản thân mỗi người kèm theo các yếu tố tác động xung quanh từ gia đình.
PV Trà Mi: Nếu đặt tất cả những bí quyết thành công anh vừa kể vào môi trường ở Việt Nam, anh nghĩ đích đến của mình có giống ngày hôm nay không?
T.S Phạm Đại Khánh: Chị hỏi một câu rất sát thực tế. Những tố chất về nỗ lực, ham học, sự giúp đỡ của những người xung quanh thì ở trong hay ngoài nước mình đều có được, nhưng môi trường nuôi nấng nghiên cứu và các chính sách hay những khuyến khích từ các cơ quan, Hội Đồng Khoa Học rất quan trọng. Có thể trong nước đang dần dần có môi trường này nhiều hơn so với những năm trước, nhưng những điều kiện đó không thể nào bằng được bên Mỹ này.
PV Trà Mi: Có nhiều con đường để thành công, vì sao anh chọn theo đuổi con đường khoa học đầy cam go đòi hỏi rất nhiều kỳ công và chất xám để tiến thân?
T.S Phạm Đại Khánh: Lĩnh vực khoa học luôn năng động, thay đổi, biến động nên tôi muốn đóng góp một phần nào đó cho hướng đi này.
PV Trà Mi: Thành tựu hôm nay đạt được trên đất Mỹ có ý nghĩa thế nào đối với anh, một người tỵ nạn gốc Việt?
T.S Phạm Đại Khánh: Tôi vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam và đề ra mục tiêu dài hạn là hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu sáng tạo do người Việt đứng đầu hoặc các chuyên gia người Việt ở đây.
PV Trà Mi: Vì sao mục tiêu đó chỉ mới giới hạn ở cộng đồng người Việt ở Mỹ? Anh có bao giờ nghĩ tới mình có thể làm gì để đóng góp, giúp đỡ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chăng?
T.S Phạm Đại Khánh: Câu hỏi này tương đối rất khó. Bất kỳ thể chế nào muốn thu hút nhân tài về giúp nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu đất nước trân trọng sự phát triển về khoa học, thúc đẩy và động viên tinh thần nghiên cứu khoa học thì ai cũng muốn về giúp đỡ cả. Hiện nay, tôi biết vài nhân tài người Việt bên này đang hợp tác với các cơ quan hữu trách ở Việt Nam để nâng cấp giáo dục đại học. Nhân tài người Việt ở nước ngoài đang dần dần trở về hợp tác và giúp đỡ phát triển kinh tế trong nước. Tôi nghĩ nếu môi trường và các điều kiện trong nước thích hợp với các nhân tài bên này và tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng và lương bổng gần gần với bên này thì dần dần họ sẽ trở về thôi.
PV Trà Mi: Theo ý kiến của Tiến Sỹ, học vấn cao và vị trí lãnh đạo có phải là thước đo chính xác về sự thành công của người trẻ hay không?
T.S Phạm Đại Khánh: Tôi nghĩ học vấn vẫn là một công cụ nhiều tiềm năng. Về tinh thần lãnh đạo, đối với giới trẻ, nếu mình có vị trí cao trong một cơ quan hay tổ chức nào đó, mình nên truyền đạt tinh thần đóng góp tích cực và tinh thần tự nguyện. Tinh thần lãnh đạo và học vấn, hai điều này phải luôn đi đôi với nhau.
PV Trà Mi: Một lời khuyên cho các bạn trẻ ngưỡng mộ thành quả anh đạt được, anh sẽ nói gì?
T.S Phạm Đại Khánh: Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ một lời khuyên đơn giản thôi, đó là phải luôn luôn làm việc tích cực, ham học và hướng tới. Đây là những bí quyết đã giúp tôi thành công. Và mình cũng không nên quên nguồn gốc gia đình của mình và bản thân mình là ai.
PV Trà Mi: Xin cảm ơn Tiến Sỹ Khánh rất nhiều về thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.
Nguồn: V.O.A – 27/6/2015
Xem thêm:
Phạm Đại Khánh là cháu đích tôn của cố sử gia Phạm Văn Sơn và
cháu ngoại cố nhà thơ, họa sỹ, nhiếp ảnh gia Bàng Bá Lân
Tiến Sỹ Phạm Đại Khánh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn – Việt Nam với hai chị gái và một em trai. Bố mẹ của anh hết lòng vì con cái và rất ủng hộ con cái trong vấn đề học vấn. Còn nhớ, khi ở Việt Nam, mặc dù gia đình không có điều kiện nhưng bố thường chở anh bằng xe đạp đi học đàn guitar trong nhiều năm. Năm 19 tuổi, anh cùng gia đình di dân sang Mỹ theo diện HO3 và tạm cư tại thành phố Lincoln, Nebraska. Tại đây, ban ngày anh Khánh theo học trung học phổ thông tại Trường Trung Học Lincoln (Lincoln High School) còn ban đêm đi học tại Trường Cao Đẳng Cộng Đồng (Southeast Community College). Ngoài thời gian đi học, anh cũng tranh thủ đi làm thêm, lau chùi cho các cửa hàng JC Penny và Sears. Anh và em trai mình kém 2 tuổi, Phạm Đại Trị – nhưng người trong gia đình hay gọi thân mật là Bum – thường phải dậy sớm đi làm, rồi chạy về nhà ăn sáng và chuẩn bị sách vở để đi học. Được bao nhiêu tiền làm thêm, hai anh em đều đưa hết cho bố mẹ. Anh còn nhớ mãi việc hai anh em chắt bóp và chung nhau mua được một chiếc ô-tô cũ để có phương tiện chạy đi chạy lại từ nhà đến trường và đi làm.
Sau đó vài năm, anh tốt nghiệp với hai bằng kỹ thuật viên thiết bị điện tử và máy tính tin học. May mắn được mang trong mình những ảnh hưởng của cả gia đình nội và ngoại, anh được biết đến những đóng góp không ngừng nghỉ về thơ ca và hội họa đồng quê của ông ngoại – Bàng Bá Lân, và phục vụ đất nước Việt Nam qua binh nghiệp là những tác phẩm sử học chống giặc ngoại xâm của ông nội – Đại Tá Phạm Văn Sơn. Anh vẫn nhớ khi bố mẹ mình – Phạm Việt Sơn và Bàng Kim Linh – cả hai đều là thiếu tá của chế độ Sài Gòn, phải đi cải tạo, cả 4 chị em lúc đó được ông bà ngoại cưu mang chăm sóc. Ông ngoại thường có những người bạn thơ – như ông Nguyễn Toan Ánh tới chơi nhà. Ông ngoại được biết đến như một nhà thơ về đồng quê; tuy nhiên, ông cũng là một nhà nhiếp ảnh tài ba từng được đi trưng bày các tác phẩm của mình tại nhiều nước châu Âu. Một lần ông đi trưng bày ảnh tại Bỉ về, ông cho anh một con lợn bằng sứ vì ông biết anh sinh năm con lợn. Lúc bé, ông ngoại đã luôn nói với anh rằng: “Thằng này lớn lên vứt vào đâu cũng sống được” khi quan sát anh tự làm các đồ chơi để đi đổi lấy những đồ chơi mua ngoài tiệm của những đứa trẻ con khác. Anh không có may mắn được gần gũi với ông nội vì ông bận bịu công việc và lúc đó anh còn quá bé nhưng ông chính là người đã đặt tên cho anh.
Với những ảnh hưởng của gia đình, anh tự nhủ rằng mình cần phấn đấu hơn trên con đường học vấn. Vì thế, anh quyết định học tiếp cử nhân và thạc sỹ về kỹ thuật điện. Cái duyên lớn nhất đến với anh là được học và làm việc với thầy Viện Trưởng, Giáo Sư Tiến Sỹ Stanley R. Liberty (Dean Liberty) tại Đại Học Nebraska, Lincoln. Đối với Thầy, tinh thần ham học và chăm chỉ là những phẩm chất cần phải có của những người theo đuổi nghiên cứu khoa học. Sau một thời gian nghiên cứu với Thầy tại Lincoln, Nebraska và Peoria, Illinois, Thầy đã khuyến khích anh theo đuổi chương trình Tiến Sỹ tại Đại Học Notre Dame, Indiana. Trong thời gian theo học tại Notre Dame, trải qua quá trình cộng tác với các bạn đồng nghiệp, được môi trường nuôi nấng nghiên cứu và nhất là sự hướng dẫn tận tình của Cố Giáo Sư Tiến Sỹ Michael K. Sain, đã định hướng rất nhiều về nghề nghiệp thời điểm đó và hiện nay của anh.
Khi nói về gia đình và con cái, anh cũng có những bước đi khá thú vị. Anh gặp người bạn đời của mình Diệu Hương, người Hà Nội sang học thạc sỹ tại Đại Học Notre Dame qua “bà mối” Giáo Sư Tiến Sỹ Noreen Dean Moran. Bà vừa là một người thầy và cũng là một người bạn mà anh vẫn thường giữ liên lạc qua những đêm khuya đi uống trà và cà phê. Anh và Diệu Hương đi đến hôn nhân sau hai năm quen biết và hai vợ chồng anh có hai cháu trai đầy cá tính. Các cháu thích đọc sách, đánh cờ, phân tích và bơi lội. Nếu không có sự giúp đỡ và cảm thông của Diệu Hương, anh cho biết: “tôi chỉ là một nửa những gì tôi đã trở nên ngày nay.”
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học và thành tích:
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về kỹ thuật điện với chuyên môn về điểu khiển tự động và toán ứng dụng, anh giữ nhiều chức vụ về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lãnh vực kiểm soát không gian, không gian nhận thức tình huống và tên lửa phòng thủ tại Viện Nghiên Cứu Không Quân Hoa Kỳ. Hiện nay, anh đang là một Kỹ Sư Hàng Không Vũ Trụ Cao Cấp (Senior Aerospace Engineer) và Nhà Quản Lý Kỹ Thuật (Technical Program Manager) cho những dự án tiên tiến về khoa học và công nghệ truyền thông với khả năng kháng nhiễu.
Trong quá trình làm việc và nghiên cứu, anh nhận thấy rằng sự hợp tác liên ngành là rất quan trọng. Anh được gặp gỡ và giao tiếp với rất nhiều giáo sư xuất sắc và đồng nghiệp nổi bật với nhiều nghiên cứu tiên tiến và quy hoạch sáng tạo. Vì vậy, anh không thể tự nhận rằng những thành tựu mà anh đã đạt được sau đây là hoàn toàn do cá nhân anh đạt được. Từ năm 2004 cho đến nay, anh là tác giả của trên 150 bài viết nghiên cứu, 24 chương sách tạp chí khoa hoc, 20 bài báo, 2 cuốn sách chuyên khảo nghiên cứu và trên 20 cuộc đàm phán tại các trường đại học. Đồng thời, anh là nhà phê bình của các hội nghị chẳng hạn như: IEEE Transactions on Automatic Control; IEEE Transactions on Aerospace and Systems; Systems and Control Letters, International Journal of Control; Decision Support System Journal; AIAA Journal of Guidance, Control and Dynamics; International Federation on Automatic Control v.v…
Qua những buổi thuyết trình, giao tiếp, gặp gỡ nhiều người và học hỏi ở họ, anh hiện đang là thành viên phê bình của các Ủy Ban luận án tiến sỹ và thạc sỹ tại các trường đại học; cố vấn nghiên cứu của những cơ quan như Cơ Quan Phòng Thủ Tên Lửa (Missile Defense Agency); Văn Phòng Dự Án Nghiên Cứu Cao Cấp Quốc Phòng (Defense Advanced Research Project Agency); Văn Phòng Nghiên Cứu Khoa Học Của Không Quân (Air Force Office of Scientific Research); học bổng Tiến Sỹ của Tổ Chức Khoa Học Cơ Bản Quốc Gia (National Science Foundation Graduate Fellowship) và học bổng Tiến Sỹ về Kỹ Thuật Và Khoa Học Quốc Phòng (National Defense Science & Engineering Graduate Fellowship) v.v… Đối với anh, không có gì hài lòng hơn khi sự hợp tác nghiên cứu của mình với các giáo sư và các công ty nghiên cứu sáng tạo đã gặt hái được 6 văn bằng sáng chế đang được xét duyệt trong lĩnh vực truyền thông và mạng lưới về tính định tuyến.
Anh cũng may mắn đạt được 14 giải thưởng của Không Quân Hoa Kỳ; chẳng hạn như huy chương Thành Tích Dân Sự của Không Quân (Air Force Civilian Achievement Medal); Kỹ Sư Không Quân Xuất Sắc (Air Force Outstanding Engineer); Bài Nghiên Cứu Xuất Bản Tốt Nhất Trong Năm (Publication of the Year) v.v… Hiện nay anh còn là thành viên được bầu của Hiệp Hội Các Kỹ Sư Ảnh Quang Học Và Thiết Bị Đo Đạc (Fellow of Society of Photo-Optical and Instrumentation Engineers); thành viên cao cấp của Học Viện Các Kỹ Sư Điện Và Điện Tử (Senior Member of Institute of Electrical and Electronics Engineers); thành viên Viện Hàng Không Và Vũ Trụ Hoa Kỳ (Associate Fellow of American Institute of Aeronautics and Astronautics). Anh cho biết anh đã không thể đạt được những thành tựu này nếu không có sự giúp đỡ của cơ sở hạ tầng và sự hợp tác của các đồng nghiệp. Anh cảm thấy rất may mắn vì những cơ hội mình đã có.
Đối với cá nhân mình, anh vẫn luôn dành thời gian để nhìn nhận lại những điều gì khiến anh chọn con đường nghiên cứu khoa học và quản lý công nghệ kỹ thuật. Qua những bước đi trong sự nghiệp của mình, anh dành phần lớn thời gian cho việc trao đổi khoa học kỹ thuật với các cơ quan, tổ chức và cộng tác với các giáo sư và đồng nghiệp. Anh cũng nhận thấy thời gian dành cho gia đình và người thân ngày một ít đi. Vì thế, Diệu Hương vợ anh luôn nhắc nhở anh về việc cân bằng gia đình, bạn bè, sức khỏe và công việc: “công việc vẫn luôn còn đó cho ngày mai và các thế hệ sau mình, còn gia đình, người thân và sức khỏe một khi đã rạn vỡ hoặc mất đi thì khó mà bù đắp và lấy lại được.”
Cuối cùng, anh muốn gửi tới các bạn trẻ một lời khuyên đơn giản, đó là bạn luôn cần kiểm nghiệm tại sao mình đã chọn nghề nghiệp mà bạn theo đuổi và không bao giờ tự đặt mình vào cái bẫy suy nghĩ tiêu cực rằng bạn không có khả năng phát triển, sáng tạo và đóng góp hữu ích cho mọi người quanh bạn. Như tôi vẫn thường nhủ mình qua những tấm gương sống và đóng góp của các ông mình, qua những tác phẩm thơ ca đồng quê và lịch sử quân sự như: Cổng Làng, Vào Thu, Việt Nam Tranh Đấu Sử, Việt Sử Tân Biên v.v…
Tài liệu của “Vẻ Vang Dân Việt” – Nguồn: Việt Báo.