Có lẽ trong chúng ta không mấy ai còn xa lạ với bài thi kệ “Thị đệ tử” trứ danh ẩn tàng triết lý vô thường của Thiền sư Vạn Hạnh:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Tạm dịch nghĩa là: Đời người như bóng chớp, có rồi lại không; cũng như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu đến thì khô héo. Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy cũng đừng sợ hãi; vì sự thịnh suy cũng mong manh như giọt sương mai treo đầu ngọn cỏ.
Thiền sư Vạn Hạnh (938?-1018) là một Tăng sĩ Phật giáo, gốc người họ Nguyễn, quê quán ở hương (châu) Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); thuộc thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam phương Tì-ni-đa-lưu-chi. Ngài học thông Tam giáo (Phật – Nho – Đạo), từng hết lòng cố vấn giúp vua Lê Đại Hành chống ngoại xâm và dựng xây đất nước; về sau đã dạy dỗ, hướng đạo và khuông phò Lý Công Uẩn lên ngôi vua, khai sáng triều đại nhà Lý, nên rất được triều đình cũng như quân, dân kính trọng.
Theo sách Thiền Uyển Tập Anh (1337), Vạn Hạnh Thiền Sư còn lưu lại một số bài thơ sau khi Ngài viên tịch, đặc biệt trong đó có một bài kệ dặn bảo đồ chúng trước giờ Ngài thị tịch, có ý nghĩa thâm thúy sâu xa. Có lẽ vì vậy người đời sau đã đặt tên cho bài thi kệ thất ngôn tứ tuyệt ấy là “Thị đệ tử” (示 弟 子) nghĩa là ‘Dặn học trò’ hay ‘Bảo học trò’. Thiền Uyển Tập Anh chép: Ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), Sư không bệnh, gọi Tăng chúng đến đọc bài kệ:
身 如 電 影 有 還 無
萬 木 春 榮 秋 又 枯
任 運 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 鋪
Phiên âm:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Cũng theo Thiền Uyển Tập Anh: Sư lại bảo các đệ tử: “Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ”… Một lát sau Sư thị tịch. Vua cùng quan dân làm lễ hỏa táng, xây tháp chứa xá lỵ, để đèn hương phụng thờ”.
Bài kệ sau đó đã được nhiều văn nhân, thi sĩ, trí giả, thiền sư dịch nghĩa và dịch thành thơ…
Về dịch nghĩa, có thể xem như hầu hết đều có đại ý là:
Đời người như tia chớp có rồi không,
Cây cối xanh tươi vào mùa xuân, mùa thu lại khô héo.
Biết lẽ thịnh suy nên không sợ hãi,
Thịnh suy chỉ như giọt sương trên ngọn cỏ.
Hay:
Đời người như bóng chớp, có rồi không,
Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo.
Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.
Còn về dịch thơ, thì cũng như bài kệ “Cáo tật thị chúng” (cáo bệnh để dạy chúng đệ tử) của Mãn Giác Thiền Sư, không biết đã đạt đến mức kỷ lục “bài thơ có nhiều người dịch nhất” hay chưa, nhưng con số các bài dịch thơ thật khó mà kiểm đếm hết được. Nhân khi nhàn rỗi chưa nhiều Phật sự đa đoan, hãy cùng nhấp ly trà thơm còn nóng, lắng lòng đọc lại – chỉ đọc thôi, chẳng dám luận bàn hay dỡ – vài bài thơ được người đời sau dịch từ bài thi kệ mà chúng ta có thể gọi bằng nhiều thể loại đều không sai: kệ thị tịch, thi tụng, hay thơ thiền, tuy ngắn ngũi mà vừa thâm sâu, vừa… trứ danh và lý thú:
Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
(Ngô Tất Tố).
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu héo hon.
Tùy vận thịnh suy không hãi sợ,
Thịnh suy đầu cỏ có phơi sương.
(Lê Mạnh Thát).
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xanh tươi thu đượm hồng.
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.
(Bản dịch trên chùa Thiên Tâm, núi Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh).
Có không tựa chớp chiếc thân này,
Muôn vật tư mùa khéo đổi thay.
Khí vận thịnh suy nào chút sợ,
Xem dường giọt móc đỗ trên cây.
(Đinh Văn Chấp).
Thân như chớp có lại không,
Cỏ cây xuân thắm rồi đông úa tàn,
Sợ gì suy thịnh thế gian,
Thịnh suy như cỏ bên đàng treo sương.
(Nguyễn Duy).
Đời người chớp ảnh thoáng rồi không,
Xuân thắm muôn hoa thu não nùng.
Thịnh suy chi ngại vương lòng,
Chẳng qua như giọt sương trong đầu cành.
(Xuân Như).
Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi khô héo đông,
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương mòng.
(Nhất Nguyên).
Thân người dù có như không,
Ngàn hoa xuân nở song thu thì tàn.
Đừng sợ suy đến thịnh tàn,
Như sương ngọn cỏ muôn vàn mong manh.
(Nguyễn Hoàng Duy).
Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, khô héo đông.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy mỏng mảnh tựa sương trong.
(Xuân Lộc).
Thân như ánh chớp có, không,
Cỏ cây xuân thắm mênh mông thu buồn.
Mặc cho suy thịnh không cùng,
Thịnh suy như hạt sương đông đầu cành.
(Phạm Đình Nhân).
Thân như ánh chớp hoàng hôn,
Ngàn cây xuân thắm, thu buồn mênh mông.
Dòng đời suy thịnh… có không,
Thịnh suy như giọt sương đông đầu cành.
(Trần Quê Hương).
Cỏ cây, thu héo xuân tươi,
Cái thân bào ảnh có rồi lại không.
Ngại gì suy thịnh hưng vong,
Chẳng qua ngọn cỏ sương lồng sớm mai.
(Nguyễn Tấn Hưng).
Thân như chớp điện lóe hoàn không,
Cây cối xuân tươi thu héo cong.
Mặc vận thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy như móc cỏ đầu chong.
(Minh Chu).
Có rồi không, thân như bóng chớp,
Cây mùa thu khô héo, xuân tươi.
Thịnh suy, đừng sợ, vận đời,
Như trên cây cỏ, sương phơi đầu cành.
(Phạm Thanh Cải).
Thân như tia chớp, loé tàn mau,
Xuân lá hoa tươi, thu úa màu.
Suy thịnh mặc đời, sao phải sợ,
Sương treo ngọn cỏ chẳng âu sầu.
(Đất Văn Lang).
Có – không, tia chớp một đời người,
Cây xuân xanh tốt, thu hết tươi.
Biết lẽ thịnh suy không sợ hãi,
Giọt sương ngọn cỏ đấy ai ơi!
(Phan Thành Khương).
Thân như ánh chớp có, không,
Mùa xuân tươi tốt, thu sang héo tàn.
Thịnh suy, suy thịnh lẽ thường,
Cũng như ngọn cỏ sương đầu sớm mai.
(Thế Anh Võ).
Thân như chớp có rồi không,
Tốt tươi xuân sắc não nùng vẻ thu.
Mặc cho bao cuộc thịnh suy,
Như sương đầu cỏ có gì sợ đâu.
(Trương Việt Linh).
Như chớp đời người có lại không,
Xuân tươi cây cỏ héo thu đông.
Thịnh suy mặc thế không e sợ,
Hưng phế mong manh sương cỏ bồng.
(Lương Trọng Nhàn).
Thân như ánh chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu héo hon,
Ngắm cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương nồng.
(Nguyễn Khắc Phục).
Đời người chớp nhoáng, thoáng thật nhanh,
Như lá xuân xanh, thu lìa cành.
Mặc kệ thịnh suy, đừng khiếp hãi,
Thịnh suy, sương cỏ, đều mong manh.
(Hoàng Đình Thi).
………
Còn, còn nhiều rất nhiều bài dịch thơ khác nữa… nhưng e rằng chúng ta đã hết thời gian trà đàm hý luận mất rồi. Xin hẹn nhau vào một buổi sớm mai nào đó sương thu còn treo đầu ngọn cỏ, bạn hãy đem tới đây thêm những bài dịch thơ khác nữa, chúng ta lại cùng nhau tiếp tục luận bàn chuyện mong manh suy thịnh đời người qua những câu thơ dịch từ bài kệ thị tịch huấn chúng bất hủ của Người – một cội tòng lâm đại thụ.
QUANG MAI