Valentine: Ngày tưởng niệm một Thánh tử đạo Ki-tô giáo (hay nguồn gốc ngày ‘Lễ Tình Nhân’)

Ngày Valentine (14 tháng 2 dương lịch hằng năm) hay hiện nay ở Việt Nam và một số quốc gia khác được biến tướng gọi là ngày “Lễ Tình Nhân”, “Ngày Tình Yêu” v.v… thực ra có nguồn gốc là ngày lễ tưởng niệm một Linh mục từng được Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã tôn phong là Thánh tử vì đạo, đó là Linh mục Valentine (Valentinô) ở thành Roma (La-mã), Italia.

Ngày tưởng niệm Thánh Valentine lần đầu tiên là vào ngày 14 tháng 2 năm 496, được Giáo hoàng Gelasio I giới thiệu cho toàn thể Giáo Hội, nhưng sau đó, vào năm 1969 đã bị loại bỏ khỏi “Lịch Chung” Roma, đưa vào lịch địa phương và các quốc gia khi Giáo Hội sửa đổi lại ‘lịch các Thánh’.

Trong tiểu sử của các vị Thánh tử đạo này vào đầu thời kỳ Trung Cổ chỉ ghi lại những dấu ấn về đức hy sinh chứ không có bất cứ yếu tố lãng mạn nào được đề cập. Trước đây ngày Valentine là ngày lễ chỉ ở châu Âu và Bắc Mỹ, hiện nay mới phổ biến tại các quốc gia khác.

Còn “ngày Tình Yêu” theo văn hóa phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc và vài nước lân cận, vốn là ngày “Thất Tịch” (7 tháng 7 âm lịch), còn được gọi là Lễ Thất Tịch (Trung Quốc gọi là Tết Ngâu), theo truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ (ông Ngâu, bà Ngâu) sẽ được gặp nhau đúng một ngày này trên cầu Ô Thước sau một năm dài chia cách. Hàn Quốc gọi lễ này là Chilseok (칠석), Nhật Bản gọi là Tanabata (七夕), cũng để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (織 姫 / Chức Cơ / tức sao Chức Nữ) và Hikoboshi (彦 星 / Ngạn Tinh / tức sao Ngưu Lang), nhưng kỷ niệm theo ngày tháng dương lịch.

TRUYỀN THUYẾT NGUỒN GỐC NGÀY VALENTINE

Valentine là tên một Linh mục dưới thời Hoàng đế Claudius II (đế quốc La Mã – thế kỷ thứ III). Thời điểm bấy giờ La Mã đang có nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu và không được dân chúng ủng hộ nên việc kêu gọi nhập ngũ rất khó khăn. Cho rằng hôn nhân và gia đình là nguyên nhân khiến đàn ông La Mã hèn yếu không muốn rời xa người yêu, gia đình để gia nhập vào quân đội; Claudius II ra sắc lệnh cấm tổ chức các lễ đính hôn hay kết hôn để chỉ tập trung nhân lực cho các cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên Linh mục Valentine ở thành La Mã cùng Thánh Marius nhận thấy rằng đây là một mệnh lệnh vô lý, nên vẫn âm thầm tiếp tục cử hành các Thánh lễ hôn phối cho các cặp vợ chồng mới trong vòng bí mật. Khi bị phát giác là đã dám chống lại sắc lệnh của vị hoàng đế La Mã rất hùng mạnh thời bấy giờ, Linh mục Valentine bị bắt, kết án tử hình bằng hình phạt kéo lê trong thành và ném đá cho đến chết.

Cũng cần nên biết rằng, trong lịch sử Thiên Chúa Giáo, đã có nhiều vị Thánh tử vì đạo của Ki-tô giáo tên là Valentinô (Valentinus) được vinh danh trong ngày 14 tháng 2:

– Valentine thành Roma (Valentinus presb. M. Romae) là một Linh mục ở Rome, tử đạo khoảng năm 269 và được chôn cất trên con đường Via Flaminia; di hài hiện đặt tại nhà thờ Thánh Praxed tại Rome, và nhà thờ Whitefriar ở Dublin, Ireland.

– Valentine thành Terni (Valentinus ep. Interamnensis m. Romae) là Giám mục của Interamna (nay là Terni) khoảng năm 197, được cho là tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới thời hoàng đế Aurelianus. Ông cũng được chôn cất trên đường Via Flaminia (ở một vị trí khác với Valentine thành Rome); Di hài hiện nay đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Valentine (Basilica di San Valentino) ở Terni.

Ngoài ra, theo Bách khoa Toàn thư Công giáo, còn một vị Thánh nữa là Valentine được ghi ở danh sách những Thánh tử vì đạo trong ngày 14 tháng 2. Vị này tử đạo ở châu Phi cùng một số đồng đạo khác, nhưng không có thông tin chi tiết nào thêm[*].

Trở lại câu chuyện truyền thuyết nguồn gốc ngày Valentine trên đây: Khi Linh mục Valentine bị bắt và bị kết án tử hình, trong buổi chiều trước khi ra pháp trường, ông gởi cho cô con gái của viên cai ngục Asterius – người thiếu nữ mù lòa bẩm sinh mà trước đó đã từng được ông chữa lành ‘bằng phép lạ’ – một tấm thiệp và ký tên “dal vostro Valentino” (from your Valentine / từ Valentine). Có lẽ nên coi đây là tấm “thiệp Valentine” đầu tiên, vì cho đến nay, các cặp tình nhân coi ngày Valentine là  ngày “lễ Tình Nhân”, “lễ Tình Yêu” vẫn có nhiều người còn giữ truyền thống ký tên bằng dòng chữ  “From your Valentine” của những ngày xa xưa ấy thay cho tên mình trong các tấm thiệp Valentine.

Dần dần, ngày 14 tháng 2 dương lịch hàng năm đã trở thành ngày trao gởi các bức thông điệp của tình yêu, và Thánh Valentine đã trở thành vị Thánh bổn mạng của những lứa đôi theo đạo Thiên Chúa. Họ gởi tặng nhau những bài thơ, những đóa hoa hồng, những thanh chocolate (sô-cô-la)… trong ngày kỷ niệm này.

NGÀY VALENTINE THỜI CẬN ĐẠI & HIỆN ĐẠI

Tại Việt Nam, sau năm 1975, “Lễ Tình Nhân” mới du nhập vào thời gian rất gần đây và rất khác với các quốc gia khác: Đàn ông sẽ tặng hoa và sô-cô-la cho bạn gái thay vì ngược lại như truyền thống các nước khác.

Tại Nhật Bản, các nữ nhân viên có “bổn phận” phải tặng sô-cô-la, kẹo bánh hay hoa quả cho các nam đồng nghiệp bởi ngày tục lệ truyền thống ở quốc gia này mang tên là ‘Giri-choko’ (義 理 チョコ) mà giri có nghĩa là bổn phận, choko là chocolate.

Tại Hàn Quốc, lễ ‘Black Day’ được tổ chức vào ngày 14 tháng 4 cho những người còn độc thân với mong muốn họ sẽ tìm được “một nửa” của mình.

Trong khi đó, tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, ngày truyền thống tình yêu vẫn là ngày “Thất tịch” mùng 7 tháng 7 âm lịch.

Tại Brasil, ngày ‘Dia dos Namorados’ (Ngày của các tình nhân) là ngày 12 tháng 6.

Tại Anh và Pháp, người ta đã tổ chức lễ này từ thời Trung Cổ, nhưng tập tục tặng thiệp (làm bằng tay) cho người yêu mới phổ biến vào thế kỷ thứ XVII.

Một số trường tiểu học tại Bắc Mỹ, các giáo viên thường có thói quen cho các em học sinh tự làm thủ công thiệp Valentine tặng cho bạn bè trong lớp.

Tuy nhiên tại Iran, Malaysia, Arab Saudi (Ả-rập Xê-út) và một số quốc gia Hồi giáo khác, ngày Valentne bị cấm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, cấm bán các món quà “lễ tình nhân” (luôn cả hoa hồng đỏ cũng bị cấm), vì họ quan niệm ngày Valentine về mặt tiêu cực là khuyến khích các mối quan hệ ngoài hôn nhân, cần phải bị cấm để ngăn chặn sự xâm nhập của nền văn hóa Tây phương.

QUANG MAI
Sưu tầm – Tổng hợp

[*] Theo bách khoa từ điển Wikipedia: “Không có yếu tố lãng mạn nào có mặt trong tiểu sử của các vị Thánh tử đạo này vào đầu thời Trung cổ. Vào thời điểm một vị Thánh Valentine liên quan đến chuyện tình lãng mạn vào thế kỷ XIV, thì sự phân biệt giữa Valentine thành Rome và Valentine thành Terni đã hoàn toàn bị mất. Vào năm 1969, trong việc sửa đổi Lịch các Thánh, ngày lễ Thánh Valentine vào ngày 14 tháng 2 đã được đưa ra khỏi Lịch chung”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.