ĐẠI HỌC HUẾ TRANH ĐẤU
Qua hai giờ nói chuyện với Giáo sư Lê Tuyên
Tác giả: Nguiễn Ngu Í
(Thư Viện GĐPT trích đăng nguyên văn bài viết với từ ngữ, văn phong cũng như lối trình bày của tác giả từ “Tạp chí Bách Khoa” số 171, ra ngày 15.2.1964 & 172, ra ngày 1.3.1964, chỉ bổ sung thêm một vài hình ảnh minh họa cho bài viết).
oOo
L.T.S. Ông Lê Tuyên là một trong những người đầu tiên đã từ ngoại quốc về để cùng Linh Mục Cao Văn Luận xây dựng viện Đại Học Huế. Ông phụ trách môn Việt Văn, đồng thời cũng là tác giả quyển “Chinh Phụ Ngâm, Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Đày”, một tập thơ; và có chân trong nhóm Bút Việt.
Ông là một trong những vị giáo sư hưởng ứng phong trào giáo sư và sinh viên đại học chống chế độ cũ (Ngô Đình Diệm). Cuộc đàm thoại sau đây giữa bạn Nguiễn Ngu Í (của báo Bách Khoa) và ông Lê Tuyên, nhơn dịp ông vô Sài Gòn để họp Hội Đồng Nhân Sĩ, sẽ trình bày cùng bạn đọc những nét chính của cuộc tranh đấu nói trên.
— oOo —
Lần đầu gặp anh ở nhà một người bạn chúng tôi không ngờ người vui vẻ bắt tay mình là người mình muốn gặp.
Tôi chờ đợi một thân thể gầy gò, hay một gương mặt xanh xao, hoặc đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi: Hơn hai tháng trường nằm trong bàn tay sắt của Công an Mật vụ Ngô Đình Diệm, một trong những người đã từng hướng dẫn phong trào giáo sư Đại học và sinh viên, học sinh Huế chống lại chế độ cũ đang hồi hăng máu, mà vẫn giữ được cái vẻ thư sinh với sắc diện hồng hào, ánh mắt vui cười sau gương trắng, thì quả là một điều ngạc nhiên thích thú. Mặc dầu hai tháng đã trôi qua…
Như đoán được ý nghĩ tôi, anh mở lời trước:
– Tôi bị mất tự do bảy mươi ba ngày, nhưng không bị tra tấn, nên nay mới được như thế này.
– Nhưng mà tinh thần anh, họ nào có để yên đâu!
Anh cười lặng lẽ. Tôi tiếp:
– Lắm khi thể xác mình bị xác xơ, nhưng rồi sức khỏe hồi phục dễ dàng; còn như tinh thần bị dày vò, nhiều lúc bên ngoài có vẻ như chẳng sao đâu, mà bên trong mình vẫn chưa được bình thường. Chắc anh hiện ở trong tình trạng đó.
Anh xác nhận bằng một cái gật đầu nhẹ.
– Tôi thấy con người tôi chưa được bình thường như trước, tuy tôi được về với gia đình, với xã hội đã trên hai tháng.
– Cũng trên hai tháng nay, anh em chúng tôi muốn tiếp xúc thân mật với anh, để nhờ anh mà hiểu đầu đuôi phong trào giáo sư, sinh viên Đại học Huế chống đối với chánh phủ trước. Vì nếu sinh viên và học sinh Sài Gòn tiếp tục và kết thúc phong trào chống lại bạo quyền, thì cái danh dự giương cao lá cờ chống đối, vốn là phần sinh viên và học sinh Huế, trong đó có thể nói các anh em giáo sư Đại học là linh hồn. Cách tổ chức, những kinh nghiệm cùng các biến cố từ ngày phong trào nhen nhúm đến khi bị đàn áp, rã tan… chúng tôi nghĩ rằng người Việt nào cũng muốn biết. Vẫn biết anh là người trong cuộc, nói ra làm sao tránh khỏi cái “tôi”, điều người trí thức nào cũng kị. Nhưng nếu người trong cuộc mãi giữ im lặng, thì dư luận ắt là phải nghe tiếng nói của người ngoài cuộc, thế nào cũng thiếu sót, nếu chẳng phải sai lầm.
Thấy anh ra chiều nghĩ ngợi, tôi lại tiếp:
– Hẳn anh cũng thấy, chúng ta đang ở trong một thời kì chưa ổn định. Bây giờ chúng ta ngồi đây, thong thả chuyện trò; ai biết ngày mai sẽ dành cho chúng ta những cái bất ngờ gì. Vả lại, chúng ta từng khó chịu – và lắm khi tủi hổ – phải tìm hiểu những gì xảy ra ở nước mình, hay cách mình mấy bước, qua đài phát thanh, qua báo chí, qua bản tin nước người! Chẳng lẽ anh lại nỡ để chúng tôi phải chờ người ngoại quốc cho biết sự thật về vụ này, khi nào họ muốn!
Tới đây, anh vòng tay ôm lấy hai đầu gối, chậm rãi nói:
– Các anh hiểu cho. Sở dĩ tôi lần lữa, là vì tôi đã hành động với một số anh em. Cần hội ý với nhau trước để xét xem có nên hay không. Nếu anh em thấy lúc này có thể nói, thì tôi có tiếc gì với Bách Khoa.
Thế là đành phải chờ anh vào họp(1) khóa sau vậy.
oOo
Lần này, thì anh “được phép” nói. Và chính tôi lại lúng túng, không biết nên hỏi về giáo sư trước hay về sinh viên trước! Anh thì sẵn sàng “chịu đựng”. May sao một câu hỏi ổn thỏa vụt đến:
– Chẳng hay cuộc tranh đấu của giáo sư và của sinh viên xảy ra đồng thời hay nó… so le?
– Đồng thời, và bên trong, có cả một chương trình hành động.
– Hai bên chắc có một sự lãnh đạo chung?
– Lãnh đạo chung thì không có, nhưng hai bên thường liên lạc với nhau để biết phải làm gì và để hành động ăn khớp với nhau.
– Phong trào nổi dậy nhơn cuộc đàn áp tín đồ Phật Giáo trong ngày Phật Đản(2), song âm ỉ từ lâu?
– Âm ỉ thì chẳng riêng gì viện Đại học Huế. Anh nhớ lại không khí trong nước lúc bấy giờ, đâu cũng nghẹt thở. Cốc nước đã đầy, vụ đàn áp trắng trợn và vô nhơn đạo trên kia là giọt nước cuối cùng làm cho nước phải tràn ra. Chúng tôi ở ngay tại chỗ, thấy tận mắt, nghe tận tai, nên công phẫn trước. Tôi có thể nói rằng, ngày lịch sử ấy tại Huế, quần chúng thế nào, thì sinh viên, giáo sư thế ấy!
– Nghĩa là máu nóng sôi lên, và không còn sợ gì nữa?
Anh mĩm cười rồi nói:
– Tôi xin kể lại đầu đuôi. Chiều ngày 7 tháng 5 – tức 14 tháng 4 ta – tôi đang dùng cơm với cha Luận, thì nghe tin Chánh phủ ra lịnh cấm treo cờ Phật trong dịp Phật Đản. Tôi rất đổi ngạc nhiên, linh tính báo có điều gì khác thường; cha Luận cũng sững sốt. Đến 9 giờ tối, thì lại được tin ông tỉnh trưởng Thừa Thiên nhượng bộ và mai – ngày Phật Đản – chùa chiền, nhà cửa của Phật giáo đồ được treo cờ. Ai nấy tưởng thế là yên. Nào ngờ sáng hôm sau, sự thật lại khác. Thế là dân chúng tự động biểu tình, rồi cuộc biểu tình biến thành mết tinh. Những gì đã xãy ra trong ngày Phật Đản, hẵn các anh đã rõ, báo chí đã thuật lại, nhất là thiên hồi ký của thượng tọa Thích Trí Quang. Tôi chỉ kể đôi chi tiết nhỏ anh nghe. Đêm rằm ấy, 9 giờ quân đội xịt nước rồi bắn vào đám đông đang tụ tập trước đài phát thanh. Ông tỉnh trưởng đã đích thân ra (vì lúc bấy giờ, ông và thượng tọa Thích Trí Quang đang ở trong đài) yêu cầu ngưng xịt nước và ngưng bắn, quân đội chẳng thèm đếm xỉa…
– Như thế là đã có lịnh trên rồi. Nhưng ai ra lịnh ấy? Ông Cẩn, ông Thục? Hay ông Nhu, ông Diệm?
– Đến giờ, tôi cũng chưa biết rõ. Đạn bắn qua trường Đại học, đối diện với đài phát thanh, làm bể mấy tấm cửa gương, hiện nay vẫn còn để làm chứng. Sáng lại, xe đạp và guốc, dép vứt bỏ ở trước đài phát thanh nhiều đến đỗi Chánh quyền phải cho mấy xe cam nhông đến để thu dọn.
– Sáng hôm sau, anh có đến thăm ông Luận?
– Có. Lúc 7 giờ. Bàn về vụ rắc rối đêm qua, cha cho là do Việt cộng liệng plastic gây nên. Nhưng đến trưa, thì theo tin riêng của phái bộ quân sự Hoa Kì cho biết, họ đã lượm được những quai lựu đạn, đã đục tường đài phát thanh để lấy đạn bắn ghim vào đó, những thức ấy là loại võ khí do Hoa Kì viện trợ. Bởi vậy họ điện về tòa đại sứ ở Sàigòn xác nhận rằng chính những quân nhân được điều động để đàn áp cuộc biểu tình đến đó đã gây ra cuộc đổ máu, chứ chẳng phải Cộng sản. Họ lại nhấn mạnh thứ lựu đạn đưa ra sử dụng là lựu đạn tự vệ, chớ không phải lựu đạn tấn công.
– Có gì khác nhau giữa hai thứ lựu đạn ấy?
– Lựu đạn tự vệ mạnh hơn lựu đạn tấn công.
Im lặng một hồi tôi mới hỏi tiếp:
– Thái độ đầu tiên của các anh chắc là dè dặt.
– Phải nói là rất dè dặt. Vì thấy Chánh quyền chưa tỏ gì gọi là nhượng bộ. Khiến đại úy Minh báo cáo về văn phòng ông cố vấn Chánh trị, đại khái: “Tụi trí thức Huế không có phản ứng gì cả”.
– Nhưng lúc đó, các anh nghĩ sao ?
– Chúng tôi bàn riêng với nhau: Lần nầy, Chánh quyền không giải quyết ổn thỏa thì Chánh phủ chết đến nơi. Đổi đi vài người có trách nhiệm trong vụ nầy; trừng trị nặng vài người gây cuộc đổ máu. Đừng để kéo dài. Dân chúng sẽ phản ứng mạnh, thì tức nước vỡ bờ. Đa số đồng bào dù không phải là Phật tử, nhưng không bằng lòng Chánh phủ từ lâu, nay gặp dịp, tất nhiên họ sẽ đứng vào một mặt trận với các Phật tử để tranh đấu…
– Tôi nhớ dường như lúc gay cấn nhất, ông Cao Văn Luận đi Mĩ thì phải…
Anh gật đầu:
– Cha từ giã Huế đúng vào hôm có cuộc biểu tình vĩ đại của Phật giáo. Có trên bảy vạn người. Đó là ngày thứ sáu, 10 tháng 5.
– Thế thì ai trông nom viện Đại học khi ông viện trưởng vắng mặt?
– Anh Lê Văn xử lí thường vụ, nhưng lúc cha Luận đi, anh Văn đang bận việc ở Sàigòn, nên cha nhờ anh Lê Văn Diệm, khoa trưởng Văn khoa, coi giùm công việc trường. Cha Viện trưởng đi hôm trước thì hôm sau chúng tôi được giấy mời đến chùa Từ Đàm vào lúc 6 giờ chiều hôm ấy để nghe trình bày đơn phương về vụ đáng tiếc vừa xảy ra. Giấy mời từng người nên chúng tôi dễ định đoạt. Ai muốn đi thì đi, ai không muốn đi thì tùy.
– Thế thì như thế giới, giới giáo sư các anh cũng chia làm hai phe!
– Phe đã “dấn thân” (engagé) thì mượn công xa, xe của Viện, mà đi, để tỏ rằng việc mình làm tỏ rõ như ban ngày; còn phe ngần ngại thì ở nhà hay đi cửa Thuận nghỉ mát!
– Phe nầy có nhiều không anh?
– Độ mươi người.
– Buổi trình bày đơn phương ở chùa Từ Đàm ngày 11 tháng 5 ấy, có dân chúng không?
– Không. Chỉ có giáo sư, học sinh và sinh viên.
– Chắc là Thượng tọa Thích Trí Quang đứng lên trình bày.
– Phải. Ông giải thích năm nguyện vọng, và cho rằng Phật giáo đòi hỏi như thế chẳng có gì là quá đáng. Cử tọa đồng ý cho rằng đòi hỏi như vậy là điều chánh đáng.
– Chắc là sau đó, tên các anh em đi dự bị ghi vào sổ đen.
– Chẳng những thế, mà sau đó ông Cẩn cho gọi một anh, trách: Lên đó làm chi để Phật giáo họ lợi dụng sự có mặt của các giáo sư Đại học mà tuyên truyền. Anh bạn nọ trả lời trôi chảy: Bởi có giấy mời chứ nào tự động; vả lại, chính quyền cũng chẳng cấm người đến nghe. Nhưng tình hình mỗi ngày mỗi nghiêm trọng. Chính phủ chưa có dấu gì là nhượng bộ, mà có vẻ “hoãn binh”.
Anh ngưng nói, nhớ một điều gì:
– Tôi muốn nói với anh: Trước kia, anh em giáo sư Đại học Huế đã chận đứng tại ngưỡng cửa Đại học những gì của vợ chồng Nhu. Bất cứ tổ chức gì định lợi dụng giáo sư, sinh viên, là chúng tôi tìm mọi cách “mời” nó ra xa. Như tổ chức “Thanh niên Cọng hòa” là một, tổ chức “Phụ nữ bán quân sự” là hai, và “Tổng hội giáo giới” là ba.
– Nhưng còn trại Giáo dục ở Suối Lồ Ồ vào khoảng tháng sáu ?
– Lúc đầu, chúng tôi định phản đối trại ấy một cách thụ động: Không tham dự. Nhưng vài anh em ngại không đi tức là ra mặt chống đối rồi, thì càng bị để ý, chi bằng một số ở nhà một số đi. Như thế, Chánh quyền chẳng bắt bẻ vào đâu được. Đi để nghe ngóng, để hiểu thái độ anh em ở Sàigòn, cũng có cái lợi. Ý kiến nầy được chấp thuận. Một số lớn đi Lồ Ồ, một số nhỏ ở lại Huế.
– Anh ở lại?
– Tự nhiên là tôi ở lại. Tôi cần có mặt ở Huế hơn là ở Lồ Ồ. Và chính trong thời gian các bạn dự trại, ở Huế có cuộc biểu tình tuần hành lớn. Và chính trong cuộc biểu tình, người ta thấy xuất hiện đoàn Sinh viên Phật tử. Và đoàn sinh viên nầy gởi bản kiến nghị đầu tiên cho Tổng thống, yêu cầu thực thi bản thông cáo chung. Chánh quyền có ý làm khó dễ viện Đại học về vụ nầy, chúng tôi phản đối ngay, vì họ đi biểu tình, họ viết kiến nghị, không phải với tư cách sinh viên suông mà là với danh nghĩa Sinh viên Phật tử, một việc làm không còn thuộc phạm vi viện Đại học.
Khi cuộc biểu tình vừa xảy ra, tôi có đánh điện vào anh em ở Suối Lồ Ồ nên anh em đã có thái độ sẵn. Bởi vậy, trong một buổi họp, khi một vị theo phe chánh quyền yêu cầu tất cả giáo sư Đại học thông qua một bản tuyên ngôn đã được soạn sẵn lên án hành động của sinh viên Huế thì một giáo sư Huế lập tức đứng lên phản đối là anh em ở xa, không thể biết việc làm của sinh viên ngoài ấy đúng hay là sai mà vội lên án được. Lập trường của anh em giáo sư ở Huế được đa số bạn đồng nghiệp ở Sàigòn ủng hộ. Khi bỏ phiếu để lấy quyết định của hội nghị, tuy thắng “phe địch” có hai lá thăm, nhưng anh em Huế cũng tự hào rằng mình đã thắng trong ván đầu.
Không khí nặng nề càng đè nặng lên Huế. Chùa chiền bị canh gác. Ai lên chùa Từ Đàm đều bị khám xét.
Trọn tháng bảy, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau để nhận định cho rõ ràng tình hình hầu có một quyết định hành động. Chúng tôi phải tỏ ra hết sức thận trọng; những con mắt của Công an Mật vụ đã hướng về phía chúng tôi.
Nhưng bước qua tháng tám là phong trào bột phát.
Sinh viên Phật tử bắt đầu lên tiếng than phiền: “Thời thế như thế nầy mà các thầy còn ngồi yên”.
Tôi cười:
– May mà họ mới trách móc nhè nhẹ chớ chưa nặng lời mạt sát!
– Ấy cũng nhờ họ hiểu chúng tôi. Anh em chúng tôi đã ôn tồn nói với họ: “Không phải các thầy lãnh đạm thờ ơ. Nhưng các em là Phật Tử, còn các thầy không phải người theo đạo Phật hết. Các thầy ở Đại học, các thầy chờ một sự kiện đặc biệt liên quan với Đại học, các thầy sẽ lên tiếng. Mà sự kiện kia thế nào cũng xảy ra. Chẳng phải các thầy trốn trách nhiệm. Nhưng giờ các thầy chưa điểm…” Nói thế, song thấy các học sinh, sinh viên bị bắt bớ, bị tra tấn, mà vẫn âm thầm hoạt động, chúng tôi cũng thấy khó chịu. Ngày nào chúng tôi cũng họp. Chúng tôi có đặt vấn đề với cha Luận. Cha Luận thì chủ trương ôn hòa: Ta không làm thì thiên hạ cũng làm; chế độ nầy không thể tồn tại lâu; chúng ta làm gì bây giờ cũng sẽ bị đối phương chúng ta – Cộng sản – lợi dụng để khai thác. Nhóm đầu não không chịu. Họ thấy cần tỏ thái độ mình ngay.
Ngày 14 tháng 8, nhân một chú tiểu chùa Phước Duyên tự thiêu (đêm 12 rạng 13), chúng tôi họp bàn với nhau, đặt vấn đề: Nói thẳng với Linh mục Viện trưởng. Rồi vụ một người thợ mộc chùa Từ Đàm bị ám sát bí mật…
Tôi ngắt lời anh:
– Chúng tôi ở trong nầy chưa biết việc nầy. Chẳng hay người thợ mộc ấy có làm gì…
– Người thợ ấy lãnh việc treo biểu ngữ cho nhà chùa. Một khuya nọ, có người kêu cửa, anh ra là bị bắn chết.
– Và chẳng tìm ra thủ phạm!
– Chúng tôi xét rằng mình không thể kéo dài thái độ chờ đợi nữa. Bên Chánh quyền ngày càng nghi ngờ, mà bên sinh viên đã bắt đầu lộ vẻ khinh khi. Tôi với anh Trường bèn đến nhà riêng cha viện trưởng xin từ chức. Cha không nhận, buồn ra mặt, yêu cầu chúng tôi đợi ít ngày, vì từ chức ngay bây giờ không lợi. Thì ngày hôm sau, 15 tháng 8, nhân lễ Đức Bà, học sinh và sinh viên biểu tình. Chính quyền thả chó dữ đàn áp, có cuộc xô xát, và một số sinh viên bị bắt. Tình trạng căng thẳng quá rồi. Ngay chiều hôm đó, sinh viên Phật tử cử một phái đoàn đến yết kiến linh mục viện trưởng với hai yêu sách:
1- Cha viện trưởng và giáo sư Đại học phải tỏ rõ thái độ của người trí thức.
2- Cha viện trưởng và các khoa trưởng can thiệp ngay với chánh quyền để các sinh viên bị bắt được trả lại tự do.Về yêu sách thứ nhì, nếu không được chấp thuận, thì ngay chiều hôm sau, sẽ có một sinh viên tự thiêu trước viện hay trước chùa Diệu Đế.
– Thế linh mục Luận đối phó ra sao?
– Cha đã rơi lệ. Vì con người Đạo và con người Đời xung đột quyết liệt trong cha, không thể dung hòa được nữa. Cha triệu tập hội đồng khoa trưởng và giám đốc lại. Chúng tôi tường thuật những sự việc đã xãy ra và sau cùng cha Viện trưởng nhận lãnh trách nhiệm can thiệp với chánh quyền để trả lại tự do cho tất cả sinh viên Phật tử bị bắt giam.
Trong khi đó, Phật giáo càng tranh đấu mãnh liệt – trong sự bất bạo động. 4 giờ rưỡi khuya ngày 16 tháng 8, chùa Từ Đàm đã chuẩn bị xong cho đại đức Thích Tiêu Diêu châm ngòi lửa vào người. Chánh quyền đối phó bằng cách thiết quân luật vào lúc 6 giờ sáng. Xe tăng ở ngã tư đường, rào thép gai đây đó.
– Thế các anh cũng đối phó chớ?
– May thay, cơ hội đến đúng lúc. Sáng ngày ấy, có cuộc thi về Văn chương Việt Nam do tôi chịu trách nhiệm. Tôi nhắn bảo sinh viên đừng thi vì sinh viên ở ngoại ô không đến được, thi là gây thêm một sự bất công. Tôi bèn nhờ cha Luận điện thoại cho ông Đại biểu Chánh phủ xin phép hoãn cuộc thi. Tự nhiên là người thay mặt chánh quyền nầy cho phép ngay.
Lúc ấy vào khoảng 8 giờ, chúng tôi – 5 anh em – họp nhau ở ngoài hành lang…
– Sao các anh không họp ở trong phòng lại đứng ở ngoài hành lang?
– Vì chúng tôi được biết An ninh quân đội đã móc thêm dây đặc biệt vào điện thoại ở viện, nói gì ở phòng họp đều bị người ta biết cả!
Chúng tôi cũng đồng ý ở điểm chánh quyền họ Ngô đã để lộ bộ mặt tàn bạo, vô nhơn đạo của họ rồi, thì chẳng nên chần chờ gì nữa. Người sống tay không, họ cho xe tăng cán bừa lên, liệng lựu đạn át-xít vào đám học sinh sinh viên; người chết tự thiêu, họ cướp xác chôn vùi ở đâu không ai biết, hoặc xin họ cái hòm để chôn cho kịp, họ cũng không cho. Tàn bạo với người sống, vô nhơn đạo với người chết. Không thể tiếp tay cho một chế độ phi nhơn như thế.
Nhưng muốn tranh đấu có hiệu quả nhiều, phải làm một người dân thường; chớ còn bị ràng buộc bởi những chức tước, địa vị, thì vướng bận lắm. Phải cùng nhau xin từ chức ngay. Nhưng sau đó, ông tổng thư kí viện Đại học cho hay linh mục viện trưởng vừa đi Đà Nẵng, ông không có quyền nhận sự từ chức của chúng tôi, vậy chúng tôi hãy chờ cha Luận sẽ về ngay chiều hôm ấy. Chúng tôi liền yêu cầu ông tổng thư kí ghi vào nhật ký của viện để làm bằng, rằng vào ngày đó, giờ đó, chúng tôi có đến xin viện trưởng từ chức.
Chiều hôm đó, ông bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục ra Huế cùng với ông Trần Hữu Thế, tân viện trưởng. Hai ông ở Sàigòn ra lúc 5 giờ thì 7 giờ, cha Luận hay tin mình bị cách chức, nhờ ông Thế báo tin riêng nên anh Hanh, khoa trưởng Khoa học, cũng biết. Nhưng vì lúc đó nhằm giờ thiết quân luật, anh chỉ có thể cho những người ở cùng một khu với anh hay được thôi.
Hôm sau, 17 tháng 8 lúc 6 giờ, tôi được anh Nguyễn Văn Thạch cho biết tin. Chúng tôi kéo đến nhà cha Luận. Được biết 9 giờ làm lễ bàn giao, chúng tôi vội vã họp nhau lại ở nhà anh bác sĩ Quyến để phác họa chương trình sẽ cho “bom nổ” cùng một lúc: Cha Luận vừa hết nhiệm vụ là chúng tôi lần lượt từ chức, để anh cao niên nhất mở đầu, rồi theo thứ tự tuổi lớn nhỏ. Cần cho ngoại quốc biết tin sốt dẻo nầy ngay. Anh em giao tôi việc thảo thông cáo. Tôi thảo xong đọc lên, anh em đồng ý, bèn đánh máy rồi cho người mang trao cho đài VOA, Associated Press (AP) và UPI.
– Xin anh cho biết nội dung bản thông cáo ấy.
– Chúng tôi xin từ chức khoa trưởng, giáo sư Đại học vì bị ba xúc động liên tiếp: Chánh phủ đàn áp Phật giáo – Chánh phủ không thực thi bản cam kết với Phật giáo – Chánh phủ cách chức viện trưởng Cao Văn Luận.
– Thế “âm mưu” của các anh có được hai ông Trình, Thế biết trước buổi họp không?
– Không. Tất cả khoa trưởng, giáo sư đều đủ mặt. Ông Trình nói ít lời, đọc sắc lịnh bổ ông Thế đảm nhiệm chức viện trưởng thay cha Luận. Rồi cha Luận đứng lên nói rằng cha sung sướng mà thấy ngày mong đợi đã đến vì vai trò người viện trưởng rất quan trọng, nặng nề, nhất là viện Đại học Huế đang ở thời xây dựng. Cha là người tu hành, không thể kéo dài công việc ngoài đời mãi được. Hơn nữa, không khi nào cha cho mình là người không thể thay thế được. Và cha đọc một câu của Valéry: “Les cimetières sont remplis de gens irremplaçables”(3).
Cha Luận nói tiếp: Cha nghĩ rằng Văn hóa lúc nào cũng trường tồn, nhưng đôi khi nó bị Chánh trị lãnh đạo. Vậy, muốn làm việc đắc lực cho Văn hóa lúc nầy đây, người lãnh đạo viện Đại học phải là người có cái “thế” chánh trị. Tưởng không ai hơn ông tân viện trưởng. Ông Trần Hữu Thế là người “có thế” hơn ai hết: Ông có cái thế của Tổng thống tức là cái thế của Chánh phủ; lại có cái thế của Tổng giám mục Huế tức là cái thế của mấy trăm ngàn giáo dân. Từ trung ương đến địa phương, từ đời qua đạo , thì chắc rằng viện Đại học Huế sẽ có một tương lai vô cùng tốt đẹp, và hơn hẳn quá khứ đi rồi…
– Hẳn là mặt ông Thế lúc đó xám xịt?
– Anh đoán sai. Mặt ông ấy xanh ngắt. Rồi cha cảm ơn các vị giáo sự và yêu cầu chúng tôi cộng tác với tân viện trưởng như đã cộng tác với cha.
– Đến phiên ông Thế, chắc ông cũng tìm cách “trả đũa” ông Luận?
– Đại khái ông Thế cho biết ông đã cố gắng xây dựng Đại học Huế ngay từ khi ông còn làm bộ trưởng. Bằng cách tỏ ra rất dễ dãi về mặt hành chánh, để cho cha Luận mọi sự tự do hành động, lắm khi cha Luận trực tiếp với Tổng thống mà không qua ông, theo hệ thống dưới trên, nhưng ông không lấy thế làm buồn, hiểu rằng cha Luận sở dĩ làm thế vì quá thiết tha với viện, muốn cho công việc được mau chóng. Ông chỉ đảm nhiệm chức vụ này trong một thời gian thôi, trong giai đoạn chuyển tiếp vì ông phải trở về với chức vụ đại sứ tại Phi Luật Tân của ông.
– Ông tân viện trưởng dứt lời chắc cử tọa vỗ tay như thường lệ?
– Không ai vỗ tay cả.
– Cả ông bộ trưởng?
– Cả ông bộ trưởng cũng không buồn vỗ tay.
Ông Thế vừa ngồi xuống trong im lặng thì bác sĩ Lê Khắc Quyến, người lớn tuổi nhất, khoa trưởng Y khoa, đứng lên xin từ chức. Nhưng trái với bản thông cáo gởi cho các đài ngoại quốc, anh chỉ nói: Vì xúc động bởi việc cách chức cha Luận. Rồi đến anh Bùi Tường Huân, khoa trưởng Luật khoa, anh Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Khoa học, anh Nguyễn Văn Trường, giám đốc ban Khoa học Đại học Sư phạm.
Anh Lê Văn Diệm thấy anh em đồng lòng như thế bèn tìm một lối ra khác là xin ông bộ trưởng cho du học ngoại quốc một năm! Đến tôi, tôi đưa ra hai lẽ: Một là vì tôi là học trò của cha Luận, cha Luận gọi về công tác tôi mới về; hai là ở trong tình trạng nầy, tôi ở lại đây không làm được gì.
Đến đây, ông Trình không cho ai nói nữa, viện lý do: Đây là lễ bàn giao giữa hai ông tân và cựu viện trưởng. Các giáo sư có muốn từ chức xin nói sau với ông viện trưởng mới.
– Thế ông đại biểu chánh phủ chẳng nói gì sao?
– Sao lại không, anh. Ông Khương nói với vẻ hăm dọa tế nhị. Ông bảo rằng chúng tôi không vì quyền lợi cá nhân mà về Huế (Huế kém quyến rũ, quyền lợi vật chất không nhiều), thì khi đưa ý kiến từ chức hẵn là chúng tôi muốn xa Huế lâu dài vậy.
– Tôi hiểu lời hăm dọa tế nhị ấy rồi. Muốn xa Huế lâu dài tức là muốn bị đày ra miền quan tái như chàng Giang Châu tư mã đời Đường, hay muốn bị nhốt dưới một hầm bí mật nào của cậu Cẩn. Chắc anh cũng có lời gì với vị đại diện chánh quyền ấy?
– Có, nhưng mà thẳng thắn hiền lành. Anh Nguyễn Hữu Trí đáp lại: Chúng tôi về Huế là để phục vụ cho viện Đại học Huế, nay xét không thể phục vụ được như ý thì xin từ chức. Chớ ở lại mà chẳng làm được gì thì chẳng hóa ra phụ người mà cũng phụ mình. Còn như phải xa Huế là việc đã đành.
Ông Trình vội vàng tuyên bố bế mạc buổi lễ bàn giao.
Chúng tôi đưa bản thông cáo cho một số anh em, được 27 người ký; sau đó, số người lên đến 45. Một phái đoàn được cử đến tòa lãnh sự Mĩ để cho hay rằng công việc đã xong xuôi. Ở đây, họ đã dịch tờ thông cáo của chúng tôi rồi, và hỏi chúng tôi có định rút lại đơn từ chức không. Chúng tôi trả lời không, chỉ trừ khi nào chánh phủ giải quyết êm đẹp với Phật giáo, sinh viên, cha Luận.
Ngay sau đó, vào lúc 10 giờ 10 phút, ông Thế nhờ anh đưa lên thăm chùa Từ Đàm. Gặp lúc dân chúng lên chiêm ngưỡng Xá Lợi của đại đức Tiêu Diêu, người đông như thác. Ông Thế mất tinh thần. Trở về, lại được nghe bản thông cáo của chúng tôi. Ông thấy mình bị cô lập nên lẽn về Sài Gòn tức khắc (lúc 10g30).
Ngay hôm đó, lúc 11 giờ, chúng tôi đến thăm cha Luận. Cha cho biết sắp đi Đà Nẵng để rồi đi Sài Gòn. Chúng tôi khuyên cha hãy ở lại Đà Nẵng để chúng tôi tiện bề liên lạc, có gì thì bàn tính với nhau trước khi định thái độ.
Chiều ngày 17, sinh viên biểu tình. Chúng tôi có đưa ý cho anh em tách cuộc tranh đấu nầy ra ngoài cuộc tranh đấu Phật giáo. Anh chị em biểu tình là để phản đối Chính phủ cách chức cha Luận, do đó đa số giáo sư phải từ chức. Mục đích là để yêu cầu cha Luận và các giáo sư ở lại. Tuyệt nhiên không nói gì đến vấn đề Phật giáo cả.
– Như thế là các anh đặt Chính phủ đứng trước hai vấn đề rắc rối cả hai!
– Có phải thế không anh? Gom lại một thì ít, thì yếu. Tách ra làm hai: Sinh viên Phật tử tranh đấu để bảo vệ Phật pháp, tất cả sinh viên tranh đấu để giữ lại viện trưởng và giáo sư – thì làm khó dễ Chánh quyền thêm!
Hai giờ chiều, ông Trình cho mời chúng tôi tới, yêu cầu rút đơn từ chức.
– Ông bộ trưởng yêu cầu các anh chung một lần hay riêng từng người?
– Riêng từng người. Nhưng không phải ông gặp chúng tôi hết, một số được ông tiếp, còn anh Trường và tôi thì lại “bị” ông đại biểu chánh phủ ngỏ ý muốn gặp.
– Tiếp hai anh một lượt?
– Không, anh ạ. Ông ta chỉ mới ngỏ ý muốn gặp riêng từng người. Chúng tôi phản đối. Ông bộ trưởng là cấp trên trực tiếp, ông muốn tiếp từng người cái đó tùy ông; còn ông đại biểu chánh phủ là người thay mặt chánh quyền tiếp người này trước rồi đến người kia, ai biết ông sẽ dở trò gì đối với một người chống đối mà ông định mua chuộc hay dọa dẫm, không ai làm chứng. Nên chúng tôi đưa điều kiện mời hai người một lần chúng tôi mới chịu.
– Nhưng ông ta không chịu?
Anh mĩm cười, và mắt anh mơ màng sau kính trắng như để nhớ lại cảnh và người hôm ấy.
– Trong lúc ấy, hơn ngàn sinh viên kéo đến nhà cha Luận thì cha Luận đã đi Đà Nẵng trước đó năm phút. Lúc bấy giờ là hai giờ rưỡi. Đoàn sinh viên đi xuống tòa đại biểu để trình kiến nghị cho ông bộ trưởng, cuộc biểu tình nầy được ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Hà cho phép. Ông Trình coi mòi không êm, gọi máy bay ở Đà Nẵng ra Huế rước ông về Sàigòn gấp. Máy bay ra nhưng sinh viên đã vây chặt tòa đại biểu, ông đành chịu kẹt.
Ông đại biểu Chánh phủ cho mời một phái đoàn sinh viên vô, nhưng sinh viên không chịu, họ yêu cầu hoặc cho họ vô hết hoặc ông bộ trưởng ra. Ông bộ trưởng đành nhượng bộ. Họ lễ phép trình bày nguyện vọng và trình bản kiến nghị đệ lên Tổng thống.
Trong bản kiến nghị “toàn thể sinh viên thuộc các phân khoa viện Đại học Huế, họp tại trường Đại học Khoa học lúc 14 giờ ngày 17-8-1963” yêu cầu Tổng thống thâu hồi lệnh bãi chức viện trưởng của linh mục Cao Văn Luận và tìm mọi phương sách để các khoa trưởng và giáo sư đã từ chức đảm nhận lại chức vụ của mình – cũng trong bản kiến nghị nầy, các sinh viên “quyết định bãi khóa cho tới khi nguyện vọng trên đây được thỏa mãn”.
Đưa kiến nghị xong, họ về cầu Tràng Tiền định diễn hành sang phố nhưng bị Cảnh sát Chiến đấu bao vây nên phải tập trung lại trong tòa Khâm sứ cũ và giải tán tại đó.
Bốn giờ, chúng tôi họp để vận động anh em từ chức, nhưng có bảy anh chẳng khứng.
– Anh cho biết nhân viên giảng huấn của viện được bao nhiêu người?
– Được từ 52 đến 55 người mà có 45 người ký vào đơn xin từ chức.
– Như thế số người đứng ngoài cuộc tranh đấu không là bao.
– Nhưng chúng tôi muốn không có một bạn nào đứng riêng nên cố vận động với anh em Đại học Văn khoa: Chưa có một chử ký nào của anh em này cả. Các anh ấy hẹn ngày mai, để tối suy nghĩ lại và ra về. Những bạn đã xin từ chức ở lại bàn với nhau nên đặt kế hoạch hẳn hoi. Đã ra mặt chống đối Chánh quyền – dù là tiêu cực đi nữa – thì cần phải có quĩ tranh đấu. Mỗi anh em góp một số tiền để thành lập quĩ. Chớ còn dùng phương tiện của Chánh phủ (như đánh máy, quay rô-nê-ô) thì danh bất chánh mất. Rồi chúng tôi chia tay, hẹn họp lại sáng mai, chủ nhật 18-8.
Trước khi họp, bác sĩ Quyến cho hay ông Cẩn khi được biết cha Luận bị cách chức, có thốt một câu: “Tụi nó đạp trên đầu tôi mà đi”!
Trong phiên họp sáng 18-8 này tại Đại học Sư phạm, chúng tôi quyết định đánh điện cho ông bộ trưởng cho hay vẫn giữ lập trường. Chúng tôi cũng đánh điện cho hai viện Đại học Sàigòn và Đà Lạt, báo tin việc chúng tôi từ chức chớ chưa kêu gọi các bạn đồng nghiệp hai nơi này ủng hộ. Rồi chúng tôi thảo một bức thư ngỏ cho toàn thể giáo chức Tiểu, Trung và Đại học toàn quốc. Đến chiều thì bức thư ấy được anh em giáo chức duyệt y và đồng ý gởi đi. Trong thư có những đoạn nguyên văn như sau:
… Tình trạng sinh viên của viện Đại học Huế càng ngày càng trầm trọng vì tinh thần của họ luôn luôn bị căng thẳng bởi tất cả lực lượng quân sự hay võ trang, bấy lâu nay chỉ biết thẳng tay đàn áp chứ không quan tâm đến sự thực thi bản Thông cáo chung giữa Phật giáo và Chánh phủ. Hầu hết sinh viên đều là Phật tử, và họ đã gánh chịu một cách thê thảm hậu quả tàn khốc của những vụ đàn áp đến nỗi ngày 15-8-63 vừa qua, một phái đoàn Nam Nữ Sinh viên đã đến yết kiến linh mục Viện trưởng, kêu gọi lòng nhân đạo của Người để ra tay cứu vớt cho họ. Một giàn củi đã được dựng lên tại chùa Diệu Đế và họ đau đớn tuyên bố sẽ hỏa thiêu và bãi khóa.
Linh mục Viện trưởng đã xúc động rơi lệ trước buổi tiếp kiến đó, nhưng người chưa kịp làm gì thì đã bị cách chức và sinh viên phẩn uất biểu tình chiều 17-8 trước tòa Đại biểu Chánh phủ, trao cho ông Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục một bản kiến nghị để đệ trình Tổng thống. Họ cũng long trọng xác định lại vấn đề bãi khóa và hỏa thiêu làm cho chúng tôi vô cùng đau đớn vì nhận thấy rằng vấn đề càng ngày càng thêm trầm trọng, không những chỉ ở phạm vi tín ngưỡng mà còn lan tràn sang cả địa hạt giáo huấn, gây cho những giáo chức có trách nhiệm những khó khăn mà tự cá nhân mình cũng như cả Đại học họp lại cũng không thể nào giải quyết được.
… Vì thế chúng tôi thiết tha kêu gọi sự sáng suốt giúp đỡ của quí vị Khoa trưởng các phân khoa Đại học, các vị Giám đốc các trường Cao đẳng, các vị Hiệu trưởng các trường Trung, Tiểu học toàn quốc, sự đoàn kết huynh đệ chân thành về mọi phương diện của tất cả các bạn đồng nghiệp giáo chức, để cùng nhau tìm ra một giải pháp ổn định cho tình thế mà giáo dục cũng như xã hội đã bị lâm nguy suốt ba tháng rưỡi.
Chúng tôi được tin mai ông Thế ra, bèn làm cho xong một việc chưa kết liễu, đó là một vận động lấy chử kí của anh em Văn khoa. mãi đến 9 giờ tối mà các bạn ấy vẫn không chịu kí. Chúng tôi hết sức buồn, buồn vì nói hết nước bọt thì ít mà buồn vì thấy anh em không chịu “dấn thân”. Có tới hai cớ để mà chẳng thể đứng bàng quan: Nếu không xúc động vì Phật giáo bị đàn áp dã man thì cũng xúc động vì linh mục viện trưởng bị cách chức vô lối. Sau cùng, các bạn ấy bảo “Để rồi chúng tôi làm riêng”. Thôi thế cũng được. Miễn là anh em rồi cũng có làm một cái gì hơn là mãi thờ ơ…
– Nhưng sau rốt “một cái gì” ấy có không?
Anh thở dài và gương mặt tươi trẻ của anh bỗng tối lại:
– Rốt lại chẳng có gì cả. Đáng buồn hơn nữa là các bạn ấy cho là bản văn chúng tôi đã kí và mời các anh cùng kí vốn kém ôn hòa, để các anh sẽ thảo một bản khác ôn hòa hơn. Nhưng bản văn từ chức soạn vào chiều 17-8-1963 là chính do đề nghị của các anh em ấy.
Xin nhắc lại rằng bản văn từ chức nầy khác với bản Thông cáo của chúng tôi do đài VOA loan đi. Bản văn nầy chỉ nói đến tình hình của Viện Đại học mà thôi, còn bản Thông cáo gửi đài VOA nêu rõ 3 lý do từ chức của các Khoa trưởng, Giám đốc học vụ và nhân viên giáo huấn Y khoa, Luật khoa, Khoa học, Sư phạm trong viện Đại học Huế: – Xúc động trước hai vụ hỏa thiêu và cướp xác tại Huế, trước sự đàn áp bắt bớ Phật tử và sinh viên Phật giáo, – Xúc động trước sự thờ ơ của chánh phủ kéo dài đến 3 tháng rưỡi mà không đem lại giải pháp nào để ổn định tình thế, – Xúc động trước sự thay thế linh mục viện trưởng.
Sáng ngày 19, ông tỉnh trưởng Thừa Thiên cho hay rằng Công an đã được lệnh bố trí để kịp thời ngăn chận những cuộc biểu tình của sinh viên. Vì hôm nay là ngày kỷ niệm cách mạng tháng 8 nên Công an có thể nhân dịp sinh viên biểu tình mà buộc tội những người đi biểu tình là Việt Cộng – tin nầy ông Tỉnh trưởng mật báo cho tôi để kịp đề phòng, ngăn giữ đừng cho sinh viên mắc mưu họ mà biểu tình hôm đó.
Chúng tôi bèn về sân viện Đại học chờ ông Thế. Chính trong lúc chờ đợi nầy chúng tôi nhận được tờ Tuyên cáo của viện Hán học, lời lẽ còn hăng hơn chúng tôi nhiều.
Nói tới đây, anh đưa cho tôi coi bản “tuyên cáo” in ronéo của “Giảng viên Viện Hán học Huế” đề ngày 17/8/63, nội dung tán đồng quan điểm của các khoa trưởng và giáo sư các phân khoa Đại học Huế, phản đối những lời tuyên bố của những nhân vật không có trách nhiệm đã gây hoang mang trong dân chúng; phản đối những hành động che dấu sự thật; xúc động trước sự tranh đấu bất bạo động của Phật giáo đồ; bất bình vì sự bãi chức linh mục viện trưởng Cao Văn Luận cũng là Giám đốc viện Hán học Huế. Do đó, toàn thể giảng viên Viện Hán học tuyên bố nghĩ việc giảng dạy.
Người ta đọc được những tên ký dưới Tuyên cáo như sau: Võ Như Nguyện, Nguyễn Duy Bột, Hà Ngãi, Nguyễn Hưng Giáo, Hồ Đắc Định, Cao Hữu Hoành, Phan Chí Chương, Nguyễn Hữu Châu -Phan, Cao Xuân Duẫn, Phan Văn Dật, Châu Văn Liệu, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Doãn Thám, Trương Xuân Trực, bà Nguyễn Thị Trang (tức bà Nguyễn Hữu Trí), La Hoài, Vĩnh Quyền, Nguyễn văn Kháng.
– Hẳn là ở viện Hán học mọi người đều kí vào tuyên ngôn “nẩy lửa” nầy?
– Tiếc thay, có hai người không kí. Chúng tôi bèn gửi bản Thông cáo của chúng tôi, bản tuyên ngôn nầy, cùng bức Thư ngỏ với giáo chức toàn quốc đã quay ronéo vào Sàigòn, nhờ một bà Mĩ mang đi. Trưa hôm ấy thì chùa Xá Lợi phát thanh hai tài liệu đó.
Chúng tôi cấp tốc thành lập một ủy ban gồm 5 người lấy tên là Ủy ban Liên lạc Giáo chức với 5 tiểu ban sau đây ra đời: Ấn loát, Liên lạc, Chính trị, Ngoại giao và Phụ trách sinh viên.
Xong, chúng tôi nhờ người giữ công văn ghi đơn từ chức của chúng tôi vào sổ, kèm theo thông cáo của chúng tôi và tuyên ngôn của viện Hán học. Lúc 11 giờ, bác sĩ Quyến đọc cho sinh viên và chúng tôi nghe bức điện tín của đại sứ Trần văn Chương (thân phụ bà Nhu) gởi linh mục Cao Văn Luận. Đây là một bức điện tín công khai ủng hộ lập trường của viện Đại học và phỉ báng chính quyền Ngô Đình Diệm:
TÉLÉGRAMME
Washington, le 18-8-1963
Révérend Père CAO VAN LUẬN, University Hue
Veuillez recevoir l’expression de ma sincère sympathie (stop). Vous aurez rendu un grand service au pays et au gouvernement en contribuant à montrer que la dignité humaine est le plus respectable des biens et que les forces morales triomphent toujours au Vietnam comme au treizème siècle et comme en 1954 et 1955 – Trần Văn Chương.
(Dịch: Hoa Thạnh Đốn, ngày 18-8-1963
Linh mục Cao văn Luận, Đại học Huế
Xin nhận cảm tình chân thành của tôi (stop). Ngài đã giúp ích nhiều cho xứ sở và cho chính phủ bằng cách giúp cho thấy rằng phẩm giá con người là tài sản đáng kính trọng nhất và những lực lượng đạo đức luôn luôn đắc thắng ở nước Việt, cũng như ở thế kỉ thứ mười ba và cũng như ở những năm 1954 và 1955 – Trần Văn Chương).
11 giờ 15 phút, ông Thế tới. Tất cả sinh viên đều đứng im lặng trong sân tòa viện trưởng. Ông Thế tưởng đâu sinh viên đến chào mừng viện trưởng mới, nên rất vui vẻ, song chưa biết nên có thái độ như thế nào. Sau đó ông vào văn phòng và ngỏ lời với toàn thể giáo chức, nhưng khi ông chấm dứt thì cả một sự im lặng đáp lại với ông.
Trong sự im lặng nặng nề, anh niên trưởng Quyến bước ra đưa đơn từ chức của chúng tôi và liền sau đó chúng tôi rút lui. Một đoàn đại diện sinh viên liền vào văn phòng viện trưởng và đưa bức Tâm thư. Trong thư nầy, sinh viên rất mực tán dương ông… đại sứ (họ không gọi là viện trưởng!). Yêu cầu ông dùng tất cả uy tín đề đạt lên chánh phủ sự thiết tha của toàn thể sinh viên Huế được thấy cha Luận về làm viện trưởng trở lại. Trong khi ông Thế xem thư thì tất cả sinh viên đều ngồi ngoài nắng và tuyệt đối giữ im lặng.
Trong bức tâm thư của sinh viên Đại học Huế gửi giáo sư Trần Hữu Thế có những đoạn sau đây:
… Sự thay thế chức vụ viện trưởng của linh mục Cao Văn Luận đã gây xúc động lớn trong toàn thể sinh viên chúng tôi. Chúng tôi buộc phải tranh đấu để mong Chính phủ hiểu thấu nguyện vọng sâu thẳm của chúng tôi để linh mục Cao Văn Luận có thể phục hồi lại chức vụ viện trưởng.
Đây là một cuộc tranh đấu chính đáng, đầy nghĩa khí mà một người trí thức như Giáo sư hẳn không bao giờ phủ nhận.
Vậy để cuộc tranh đấu của chúng tôi khỏi gặp thêm trở ngại khó xử, chúng tôi tha thiết kính mong giáo sư từ chối chức vụ Viện trưởng của viện Đại học Huế.
– Nhưng rồi ông Thế phải phá tan sự im lặng ấy chứ?
– Chớ còn ai làm việc ấy. Ông chỉ nói một câu: “Tôi xin nhận thư nầy và tôi sẽ chuyển lên cấp trên”. Rồi ngại sinh viên có thể xúc phạm đến người ông, ông định chuồn ngõ sau. Nhưng anh Hồ, tổng thư ký, cản không cho, khuyên ông nên đi ngõ trước để giữ thể diện viện trưởng. Ông đành phải làm theo, sinh viên bèn rẽ ra, để đường cho ông đi. Chừng ấy, họ mới vỗ tay.
Chúng tôi giải tán ra về, anh em sinh viên cũng thế. Chúng tôi về cùng một xe để bàn tiếp công việc phải làm. Ai cũng đồng ý mỗi ngày phải làm một cái gì mới để dồn chánh quyền vào cái thế bị động, luôn luôn phải đối phó không thì thua họ mất. Biểu tình là hành động cuối cùng và quyết liệt một mất một còn, phải để dành cho đúng lúc. Còn bây giờ thì quyết định một cuộc họp báo tại viện vào chiều thứ ba 20-8. Và mời ngay cha Luận về Huế để cha có thể tránh được những áp bức của chánh quyền.
Nếu mời không được thì yêu cầu cha đừng kí vào cứ giấy tờ chi, vì e vô tình cha cản trở cuộc tranh đấu của chúng tôi khi bị áp lực của các “bề trên tôn giáo” chẳng hạn.
Phải đẩy phong trào lan xuống giới giáo sư Trung học để khỏi bị cô lập hóa. Và vận động liền với hai trường Trung học Quốc học và Đồng Khánh, rồi đến các trường Trung học khác để sao mỗi ngày mỗi trường tung ra một bản tuyên ngôn.
Chúng tôi phải phân công việc cho mỗi tiểu ban họp riêng, làm việc riêng, và đến 17 giờ chiều ấy cùng đến trường Y khoa để họp.
– Các anh làm ráo riết thế chẳng lẽ ông Thế lại ngồi im đợi?
– Ông cũng làm phần ông chớ. Ông cho mời riêng chúng tôi và yêu cầu rút chử kí. Nhưng không một ai chịu cả. Đến 5 giờ chiều, chúng tôi được tin Sài Gòn có cuộc tuyệt thực vĩ đại ở chùa Xá Lợi, sinh viên và học sinh có tham dự đông đảo. Chùa lại có phát thanh những bài công kích ông bà Nhu. Chúng tôi định cử người vào Sài Gòn để bàn cách tranh đấu sao cho thống nhất giữa Sài Gòn và Huế. Vì thế nào, với cái đà nầy, tăng ni, sinh viên, học sinh, giáo sư cũng phải cùng xuống đường. Và chừng ấy, là một còn một mất.
– Thái độ của người Mĩ ở Huế ra sao anh?
Anh đưa hai bàn tay ra nhưng chỉ nói:
– Đương nhiên những người có trách nhiệm tại Huế tán thành và giúp đỡ để phổ biến mau chóng việc làm của chúng tôi. Nhưng trên cương vị chính trị và ngoại giao, họ vẫn chính thức thừa nhận Chánh phủ Ngô Đình Diệm là chánh phủ có thẩm quyền hiện hữu.
– Còn Phật giáo?
– Phật giáo thì rất đỗi hoan nghinh. Chúng tôi tạo thêm cho họ yếu tố để đẩy mạnh cuộc tranh đấu bảo vệ Phật pháp.
Chiều thứ hai 19, sau buổi họp chung tại Đại học Y khoa của Ủy ban liên lạc, chúng tôi ra một bản thông cáo tóm tắt những việc đã làm, và xác nhận chúng tôi không bao giờ rút lại chữ kí. Bản thông cáo nầy, người trong nước không hay, nhưng tin lãnh sự Mĩ được biết.
Sáng thứ ba, chúng tôi họp khoáng đại hội nghị tại viện, hay tin cha Luận đã trả lời một bức thư ông Thục. Ông đại diện Chánh phủ chụp lại phần “Tái bút” gởi qua viện.
– Anh còn nhớ đoạn “Tái bút” ấy nói gì mà ông đại biểu Chánh phủ miền Trung lọi dụng nó…
– Nguyên văn thì tôi không nhớ, nhưng đại ý cha Luận nói với ông Thục dầu Tổng thống có yêu cầu, cha vẫn không trở về làm viện trưởng lại.
Chúng tôi lật ngược thế cờ. Vì nhận xét thấy cha Luận viết có mấy dòng mà sai chánh tả, sai văn phạm nhiều quá trái hẳn với mọi khi. Chúng tôi kết luận rằng cha viết thư nầy dưới một áp lực nào đó, khiến cha mất hẳn bình tĩnh. Vậy thì đoạn “Tái bút” nầy vô giá trị.
– Còn anh em sinh viên?
– Hai anh chánh phó đoàn trưởng, Thơ và Giàu, luôn luôn liên lạc với chúng tôi. Anh em họp tại Morin, lập quĩ tranh đấu được vài ngàn. Rồi in truyền đơn, phát; viết biểu ngữ, căng; tối lại thì viết khẩu hiệu ở vách tường, công an đem vôi lại quét thì anh em lại viết.
Phần chúng tôi trù liệu một cuộc họp báo nên đự định cho người vô Đà Nẵng mời cha Luận về – đi bằng xe lửa để ít ai để ý. Có người tin cho chúng tôi biết vài sinh viên bị bắt. Anh em sinh viên và chúng tôi quyết định nếu Chánh quyền khủng bố mạnh thì giáo sư và sinh viên phải biểu tình.
Anh em sinh viên còn quyết liệt hơn: Hễ một giáo sư ban nào bị bắt thì có ngay một sinh viên ban ấy tự thiêu để phản đối. Và đã có bảy sinh viên ở bảy phân khoa tình nguyện hy sinh.
– Thật là một tiết lộ bất ngờ! Chúng tôi ở Sàigòn rất ít ai biết điều nầy.
– Chúng tôi lại được biết trong khoảng từ 21 đến 23 Sàigòn sẽ có cuộc biểu tình lớn. Huế sẵn sàng ũng hộ.
Chúng tôi còn nghe tin Chánh quyền dự định bắt anh Lê Khắc Quyến và tôi, vì họ cho rằng mất hai chúng tôi thì phong trào tranh đấu của giới giáo sư và sinh viên sẽ tan ngay.
– Biết thế, các anh có định lánh mặt chăng?
– Việc bị bắt chúng tôi có nghĩ đến, còn việc lánh mặt thì không. Trốn tránh lẩn núp là cho việc làm của mình sai bậy; hơn thế nữa, đối với học trò và bạn bè của mình là một sự phản bội.
Thấy tôi không hỏi gì thêm mà có chiều tư lự, anh ngước nhìn tôi bằng đôi mắt.
– Anh làm tôi nhớ lại một bạn khác, bạn thân với Nhất Linh. Anh bạn nầy có nói với tôi nhân cùng bàn về cái chết của Nhất Linh: “Anh Nhất Linh quan niệm rằng người lãnh đạo có bổn phận đi trước quần chúng, và khi cần phải chết trước quần chúng chớ không phải quan niệm như Cọng sản. Người Cọng sản quan niệm rằng nếu cần thì hi sinh quần chúng để bảo vệ cấp lãnh đạo, và cấp lãnh đạo có bổn phận đi sau quần chúng, và có gì nguy thì lẩn tránh ngay để chờ cơ hội thuận tiện; quần chúng lúc nào cũng có sẵn có hao hụt cũng chẳng sao, còn một người lãnh đạo phải mất nhiều công phu và thời giờ để đào tạo, và lắm khi mất một người lãnh đạo là thiệt hại cho cả một phong trào…”
– Chúng tôi có thái độ như thế quyết không lẫn tránh, vì nghĩ đó là thái độ phải chăng của người trí thức. Và (anh mĩm cười) xin anh chớ xem chúng tôi là những “nhà cách mạng” hay những “lãnh tụ một phong trào quần chúng” mà phê phán.
Mình đi xa câu chuyện rồi! Chúng tôi họp đến một giờ mới chia tay. Qua một giờ rưỡi chúng tôi liên lạc được với nữ Trung học Đồng Khánh, được tin là đến 5 giờ Đồng Khánh sẽ có bản tuyên ngôn. Thế là ngày 20, chúng tôi có một cái gì “mới” rồi. Ngày 21 sẽ đến phiên nam Trung học Quốc học. Chúng tôi hăng hái hơn, chia nhau vận động các giáo sư các trường tư, các cựu sinh viên Đại học Sư phạm để họ hưởng ứng phong trào mà lần lượt tung ra những bản tuyên ngôn. Thắng lợi chót của chúng tôi về mặt nầy là lúc 14g30, anh em giáo sư Cao đẳng Mĩ thuật đồng ý với chúng tôi về nguyên tắc tranh đấu, trong đó có anh giám đốc Mai La Phương. Chúng tôi sắp đặt chương trình hành động cho những ngày 21, 22 và 23.
Hai giờ chiều, chúng tôi về nhà hàng Morin thì biết được ông Thế bắt đầu mở cuộc phản công. Ông vừa ra thông cáo số 1 cho hay từ đây các giáo sư muốn họp phải có phép.
Ba giờ, thông cáo ấy đến tay chúng tôi. Đại ý là các khoa trưởng và giáo sư hay Tổng hội Sinh viên muốn sử dụng các phòng họp và giảng đường phải xin phép trước tòa viện trưởng. Những cuộc họp báo hay thảo luận về tôn giáo, chính trị phải xin phép thêm ông thị trưởng thành phố Huế.
Nhưng trong phạm vi viện Đại học, chúng tôi còn có quyền họp tại phòng giáo sư. Độ ba chục anh em chúng tôi đã họp tại đây và đối phó lại thông cáo số 1 của ông tân viện trưởng bằng Thông cáo 2, cho rằng ông nầy đã hành động trái với truyền thống Đại học, vốn tự trị, tự do.
THÔNG CÁO SỐ 2
Các Khoa trưởng và Giám đốc ký tên sau đây cực lực phản đối việc ông Trần Hữu Thế vừa ra Thông cáo số 1 ngày 20 tháng 8 năm 1963 cho biết rằng: “Những cuộc hội họp trong các phân khoa Đại học phải được Tòa Viện trưởng cho phép”.
Điều khoản trên của thông cáo nầy không dựa trên một văn bản pháp lý nào và trái với tinh thần Tự do và Tự trị của các phân khoa Đại học từ trước đến nay.
Huế, ngày 20 tháng 8 năm 1963
Các Khoa trưởng Đại học Y khoa, Luật khoa, Khoa học: Lê Khắc Quyến, Bùi Tường Huân, Tôn Thất Hanh.
Các Giám đốc Học vụ Đại học Sư phạm: Nguyễn Văn Trường, Lê Tuyên.
– Và thông cáo 2 nầy, các anh cũng đưa cho tòa lãnh sự Mĩ như thông cáo 1?
Anh gật đầu:
– Chúng tôi định cho chụp hình lại để gởi các cơ quan ngoại quốc khác, và hủy bản chánh. Nhưng hiệu làm “photocopie” lại thối thác bảo để mai mới làm.
– Các anh có ngờ rằng hiệu nầy đã được lịnh trên “dạy” làm thế chăng?
Lúc đó thì không ngờ nhưng sau nầy, nhớ lại thì nghi có bàn tay chánh quyền trong đó. Bởi “ngày mai”, hôm sau, có nghĩa là chẳng bao giờ. Phần ông Thế, ông vội vã cho ra thông cáo số 2 để “trấn an” sinh viên và dư luận. Nội dung thông cáo số 2 cho hay “những chứng chỉ Đại học khóa hai sẽ tiếp tục thi và ngày tựu trường sẽ định sau khi thi xong. Đặc biệt là các thông cáo số 1 và số 2 của ông viện trưởng Thế đều có sao gữi “Thiếu tướng Tư lệnh quân khu I” cả.
– Anh em sinh viên hẵn ngày ấy cũng hoạt động mạnh để “trả lời” lại ông tân viện trưởng?
– Mạnh hơn bao giờ hết. Và cả hai phe!
– Hai phe?
– Có gì mà anh lấy làm lạ. Một phe chống áp bức, bạo tàn, thì viết lại thông cáo của chúng tôi đem đi dán khắp phố phường. Nhóm bị mua chuộc thì hoặc viết lên thông cáo kia hai chử “Đả đảo” to tướng, hoặc đi rãi truyền đơn chống lại thầy, chống lại bạn.
– Những phần tử này chỉ chống lại các anh hay có còn làm gì khác?
– Làm gì thì chưa thấy nhưng nói thì rõ ràng lắm. Họ doạ… bằng chữ rằng chúng tôi là bọn phản dân, phản nước, không sớm quay về với chánh nghĩa quốc gia thì họ sẽ đâm lủng ruột, họ sẽ chặt đầu. Họ đã hăm dọa ngay trên đài phát thanh bằng cách chỉ tên những giáo sư đã hướng dẫn sinh viên biểu tình và cho là phản động.
Không khí căng thẳng hơn lúc nào hết nên chúng tôi sắp đặt cho người vào Đà Nẵng mời cha Luận về Huế ngay.
– Còn như trường hợp linh mục không thể về hay không muốn về?
– Thì cha đừng kí vào bất cứ giấy tờ gì.
– Bởi vì…
– Bởi vì cha thì rất thực thà. Mà họ thì rất điêu ngoa.
Nhưng rồi ba giờ đêm ấy chùa chiền bị tấn công. Nhà tôi ở trên đường đi đến chùa nên tôi nghe rõ cả tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng kêu cầu cứu. Đồng bào ở quanh chùa bèn đánh mõ đánh thùng thiếc để báo nguy. Đợt xung phong đầu, cảnh sát chiến đấu bị thanh niên, sinh viên, học sinh và các đạo hữu trong chùa dùng gậy, củi đẩy lui.
Lúc ấy họ chưa được lịnh bắn. Nhưng rồi tiếng súng đầu tiên nổ. Em anh Trí đi xe vêlô lại báo tin nhà anh Trí đã bị bắt cóc, rồi hối hả đạp xe đến các nhà anh khác.
– Anh có ý nghĩ thoát thân chăng?
– Ngay lúc đó thì có. Tôi nghĩ đến tòa Lãnh sự Mĩ, ở cách nhà tôi độ 200 thước. Nhưng rồi xét lại, tôi trốn không có lợi. Chỉ thoát được thân mình. Đã làm thì chịu trách nhiệm. Mười lăm phút sau khi em anh Trí báo tin, thì nhà tôi bị bao vây. Chúng kêu mở cửa. Lúc ấy là 4 giờ sáng. Tôi không cho mở, cố ý để họ mất thì giờ và buộc họ dùng bạo lực. Họ phá cửa trước không được họ phá cửa sau. Trong lúc đó tôi lo hủy gấp một số tài liệu bằng cách xé ra và nuốt vào bụng, và thu dấu một số tài liệu khác. Lúc họ vô nhà, tôi đứng ở trên lầu lắng tai nghe. Họ vào phòng mấy đứa con tôi và bật đèn hỏi tôi. E họ đánh đập chúng, tôi lên tiếng hỏi họ muốn gì.
Tôi cười:
– Thì họ muốn gì anh dư biết rồi kia mà…
– Ấy đó, mà họ hỏi lại tôi ”Đây có phải nhà ông Lê Trọng Vinh không?”.
– Thế là họ lộn nhà. Nhưng tốp tìm anh họ lại đi đâu?
– Sau, hỏi ra, thì tốp đó về làng tìm tôi ở Kẻ Vạn. Họ tưởng tôi không dại gì ở ngay giữa Huế.
– Rồi họ bỏ đi?
– Không. Họ đòi tôi đưa thẻ căn cước. Họ xuống lầu nói với xếp họ đây không phải nhà Lê Trọng Vinh mà là nhà Lê Tuyên. Người nầy “À” lên, “Lê Tuyên cũng có tên trong sổ!”.
Ông ta mời tôi xuống. Tôi lúc đó mặc đồ bi da ma, xin trở lên lầu thay đồ thì ông ta lắc đầu, bảo cấp trên mời tôi đến hỏi chuyện riêng một chút rồi về. Họ đưa tôi đến nha cảnh sát. Tôi là người thứ sáu được Chánh quyền “mời đến hỏi chuyện riêng”
– Anh có thể cho biết năm người đến trước?
– Ba bạn đồng nghiệp: Trí, Trường, Nam; một giáo sư trường Quốc học và ông hiệu trưởng trường tư thục Bồ Đề.
– Chưa có anh Quyến?
– Mãi đến 8 giờ, anh Quyến mới bị bắt.
– Về vụ anh bác sĩ Quyến bị bắt, tôi có biết một anh bạn cũng bác sĩ rất khổ tâm về vụ này. Tiện đây, tôi xin kể lại cho anh nghe.
Người bạn của tôi còn trẻ, ở ngoại quốc về không bao lâu. Anh được bổ làm giám đốc một bịnh viện nọ ở lục tỉnh. Khi hay tin người bạn đồng nghiệp ở Huế bị Chánh quyền bắt ngang rồi tống giam chẳng đưa ra tòa án xét xử, anh rất đỗi bất bình, và vì còn trẻ, vì về nước chẳng lâu, anh trông ngóng các bậc đàn anh, giám đốc các bệnh viện trong toàn quốc lên tiếng phản đối vụ bắt giam trái phép này để tỏ tình liên đới, và anh tưởng thế nào rồi các bậc ấy sẽ có đơn từ chức, thì hạng đàn em như anh sẽ sẵn sàng để trả chức. Nhưng uổng công anh ngóng trông và dò hỏi. “Sống chết mặc… mày!”. Anh không thể làm gì hơn là bực dọc với mình và khinh các “bậc đàn anh” ấy. Anh ấm ức nói với tôi sau đó một tháng: “Anh tưởng tượng nếu giám đốc tất cả bệnh viện trong nước đều từ chức một lượt để phản đối chuyện anh Quyến thì cuộc đời chắc chẳng êm rơ như thế nầy, và “họ” cũng bớt khinh bọn trí thức chuyên việc “cứu nhơn độ thế”.
– Anh Quyến biết được việc nầy chắc anh được an ủi nhiều lắm. Chính tôi sau nầy rất buồn cho cái giới trí thức nước nhà, trong đó có mình! Cọng sản họ khinh, họ Ngô xem rẻ, rồi đến lớp trẻ xem thường là đáng lắm. Không dám lãnh trách nhiệm, chẳng dám có sáng kiến, cứ đùn trách nhiệm cho cấp trên, cứ tưởng mình khôn ngoan thận trọng nhưng thật ra nhút nhát và hèn nhát hơn ai!
– Chắc ngoài anh em trong giáo giới, còn các tăng ni, sinh viên, học sinh?
– …và Hướng Đạo nữa. Chiều, thêm một số ít đồng bào.
– Số người bị bắt ngày 21 ấy chắc là đông lắm.
– Tôi phỏng độ ngàn người. Họ nhốt vào hội trường của nha cảnh sát, vốn chứa ngày thường được ba trăm người là nhiều.
– Nhốt chung như thế, các anh lúc ấy có hiểu lí do cuộc bắt bớ nầy chăng?
– Chưa một ai hiểu. Chỉ phỏng đoán có lẽ là một vụ Saint Barthélémy mới, mà nạn nhân không phải là người theo đạo Phản Thệ (Tin Lành) mà là Phật giáo đồ. Chúng tôi bàn với nhau: Nhất định không rút đơn từ chức. Nhưng nếu Chánh phủ giải quyết trong vòng danh dự đôi bên, trưng dụng chúng tôi thì chúng tôi làm việc lại.
– Các anh bắt đầu… bi quan chưa?
– Trái lại là khác. Trọn ngày 21, chúng tôi lạc quan, mà ai bị bắt cũng lạc quan như chúng tôi. Hẳn là Sàigòn đã xảy ra gì quyết liệt nên ở đây họ mới dùng biện pháp thất nhân tâm nầy. Mà nếu chưa có gì xảy ra hôm nay thì cũng có cái gì xảy ra ngày mai ngày mốt: Phải bắn phá chùa chiền, bắt bớ sư vãi trí thức sinh viên như thế ni, là báo hiệu cơn giãy chết của chế độ. Riêng chúng tôi thì nghĩ: Mình thất một trận đánh nhưng rồi mình thắng cả trận giặc.
Trưa hôm sau – thứ năm 22-8 – người ta mời anh Quyến đi. Năm phút sau, đến phiên tôi. Tôi theo người dắt đi vô một hành lang tối om. Một người cảnh sát chiến đầu chờ sẵn, dí súng lục vào bụng tôi và bảo tôi cởi quần áo ra. Tôi bảo tôi không có mặc đồ lót. Anh ta cau mặt rồi giữ áo quần cùng gương trắng, anh ta ra lịnh vô một cái phòng. Tôi vừa để chân vào xà lim thì anh ta to tiếng chửi…
– Anh ta chửi có chút gì… văn chương không?
– Văn chương thì không, mà tục tằn cũng không nốt. Chỉ có điều trắng trợn.
– Vậy xin anh lập lại… Cũng là một tài liệu!
– “Tài liệu” nầy có hai đoạn. Đoạn đầu, thông thường; Đoạn sau, thật là bất ngờ. Bất ngờ đối với tôi. Tôi xin lập lại:
“Đồ Việt gian, đồ phản động, đồ Cộng sản! Tụi bây thắng thì tụi bây cắt cổ tụi tau, còn tụi tau thắng thì tụi tau cắt cổ tụi bây!”.
Rồi hắn đóng sầm cửa xà lim, khóa và niêm lại. Khoảng một giờ sau, họ mang cho tôi một cái thùng sắt tây sét rỉ để tôi đi ngoài.
– Anh bị nhốt xà lim mấy ngày?
– Năm tuần.
– Cơm nước ra sao, anh?
– Ngày hai dĩa cơm nửa chín nửa sống với một ít xì dầu.
– Anh ăn được chớ?
– Lần đầu, tôi đành chịu. Nhưng rồi cố nhắm mắt. Còn nước thì họ cho mỗi ngày một chai, thứ chai xa xị đó, để dùng trọn ngày trong một lúc cho đủ mọi thứ, uống, rửa tay, rửa mặt v.v… Xuít nữa tôi quên, họ có để cho tôi đôi dép Nhật để đi. Tôi không đi mà dùng chúng để gối đầu. Nền xi măng lâu đời bể vụn, nằm khó chịu vô cùng. Chẳng dám lăn vì lăn thì rách da.
– Trong 5 tuần xà lim ấy, chắc anh không giữ một kỉ niệm nào êm ấm cả?
Mắt anh chớp chớp:
– Có, anh à. Đời thỉnh thoảng cũng dành cho mình đôi cái bất ngờ sung sướng đến có lúc mình ngờ mắt ngờ tai. Đêm thứ ba, phiên gác vừa đổi, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Tôi thức mà làm thinh. Có tiếng gọi khe khẽ: “Thầy! Thầy…”, rồi một một miếng giấy khá lớn được chuồi vào dưới khe cửa. “Em là một Phật Tử đây thầy; thầy lấy giấy nầy để lót lưng cho đỡ đau đỡ lạnh. Đến 5 giờ sáng đổi phiên gác, em gõ cửa, thầy chuồi miếng giấy ra cho em kẻo chúng nó bắt gặp thì chết thầy, chết em”. Và, sau đó, hễ tới phiên gác của người lính Phật Tử mà tôi không biết tên, biết mặt là lưng tôi được “sướng” mấy giờ.
Chúng tôi bị bắt sáng thứ tư 21-8, thì đến chủ nhật 25-4 họ tha gần hết, còn có 5 người trong ban chỉ đạo: Các anh Trường, Hanh, Huân, Quyến và tôi, cùng với anh Võ Như Nguyện thuộc viện Hán học. Anh Nguyện lãnh đạo phong trào ở viện nầy.
– Bốn anh kia cũng bị nhốt xà lim như anh?
– Chỉ có mình anh Quyến và tôi vì chỉ có hai xà lim. Ba anh kia được nằm ghế bố có mùng.
– Còn các anh chỉ đạo anh chị em sinh viên?
– Ba anh Giàu, Thơ, Bính thì vẫn bị giam cạnh đấy.
– Ngày đầu, đêm đầu nằm xà lim, chắc anh khổ sở lắm?
– Khổ sở và mất hết tinh thần. Vì hoàn cảnh thay đổi quá đột ngột và quá khác. Nhưng rồi cái gì cũng quen đi, và nói như ai đó, con người là con vật dễ thích nghi với hoàn cảnh nhất. Đến ngày thứ sáu thấy bớt khó chịu nhiều, qua ngày thứ bảy thì thấy như thường.
Tôi nhìn anh chăm chú và hỏi:
– Đố anh biết tại sao ngày thứ bảy anh chẳng thấy khó chịu?
Anh đẩy gọng kính, nhìn lại tôi. Tôi nói vì Đức Chúa Blời tạo ra cái thế giới nầy trong sáu ngày thôi. Qua ngày thứ bảy, Ngài bèn xoa tay mà đi nghỉ vậy! Anh cười.
Tôi hỏi:
– Anh có tìm được cách gì để giết thì giờ không?
– Được hai cách. Một là gỡ những miếng xi măng vụn dính vào người, hai là hát nghêu ngao…
– Mấy ngày sau họ mới thẩm vấn anh?
– Năm ngày sau. Buồn cười một nỗi là những kẻ thẩm vấn tội trạng lại là cán bộ Việt Minh cũ.
– Có gì lạ đâu anh. Sau khi phụng thờ một chế độ hết sức duy vật thì họ lại phụng sự một chính thể cực kỳ… duy linh! Những cái cực đoan rồi sẽ đụng nhau! Chắc họ hỏi anh về đêm?
– Đúng vậy. Từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng. Họ thường dựng đứng tôi trong khoảng ấy. Như tôi đã nói với anh, tôi không bị tra tấn, họ nói với tôi rất ư lịch sự.
– Và những khi đó, họ cho anh…
– Phải, họ cho tôi mặc quần áo, đưa gương cho tôi mang đàng hoàng.
Họ hỏi khéo léo lắm, định dồn chúng tôi phải nhận ba điều nầy: Có liên lạc với Phật giáo; có liên lạc với tòa lãnh sự Mĩ; định từ chức trước lúc cha Luận bị cách chức. Mục đích của họ là cố gài tôi gián tiếp nhận để đưa tôi ra tòa án Quân sự. Nhưng tôi trước sau vẫn trả lời: Không.
– Họ hỏi anh từ…
– Từ 20-8 đến 20-10. À, có lúc họ hỏi tôi luôn ba đêm liền. Mệt là mệt. Có khi họ cho nghỉ vài đêm rồi kêu hỏi lại. Sau, Sàigòn có gởi một phái đoàn ra hỏi nữa.
– Như thế, những lúc quá mệt, anh có khi nào trả lời cho rồi để về ngủ cho khỏe!
– Không khi nào. Vì mình biết họ cố ý hỏi mình trong lúc nửa tỉnh nửa mê, làm cho tinh thần mình căng thẳng tột độ để mình không làm chủ được mình nên tôi hết sức giử vững tinh thần. Không là không.
– Thế thì kết quả…
– Kết quả là họ đách cần mình khai ra sao. Họ tự tiện dựng đứng hồ sơ mình để đi đến kết luận: Mình đã chống đối và khuynh đảo Chính phủ thì Tòa án Quân sự ! Và là Tòa án Quân sự Mặt trận nghĩa là không có quyền có luật sư, không có kháng cáo, bản án được thi hành ngay.
– Mấy anh kia có ai cũng một cảnh đoạn trường như anh không?
– Có. Đó là Thượng tọa Thích Trí Thư, bác sĩ Lê Khắc Quyến, anh Võ Như Nguyện (ở viện Hán học) và hai anh sinh viên Võ Văn Thơ và Hoàng Văn Giàu.
– Sao anh biết họ dựng đứng hồ sơ anh và các người anh vừa kể? Vì các anh chưa bị tòa án Quân sự xử.
– Tôi biết vì chính mắt tôi thấy những tài liệu buộc tội ấy. Họ có đốt đi nhưng còn sót.
Tôi xin kể tiếp. Đến tuần thứ năm tôi bị ho ra máu, họ bèn đưa tôi ra ở ngoài. Tôi xin đi bịnh viện họ không cho. Hai bác sĩ đến khám tôi đều yêu cầu ông giám đốc cho tôi đến bịnh viện để rọi kiếng. Ông giám đốc không cho là không cho. Ông ta yêu cầu cho tôi thuốc solucamphre mà không cho phép nói ra ngoài là tôi đau bịnh chi, chắc là sợ người ta bảo tôi vì bị giam mà ho ra máu.
– Anh có làm bạn với con rệp, con muổi nào trong thời ở xà lim không?
– …
– Tôi có vài người bạn cũng bị nhốt xà lim như anh, cũng trong vụ chống chế độ cũ vừa qua. Các anh ấy bảo lần đầu trong đời phải chịu cảnh cô độc hoảng sợ vô cùng, Cho nên bất cứ có sự sống nào hiện diện là các anh bám ngay. Và chính do nhu cầu quá cần thiết này mà các anh làm chủ được phản ứng đập liền rệp, muổi hút máu mình. Các anh sung sướng để chúng tha hồ hút máu các anh. Nuôi chúng sống để thấy ngoài mình còn có một sinh vật đại diện cho sự sống trong cái cảnh địa ngục giữa trần gian ấy.
Tôi lại đi xa đề mất! À, anh vẫn bị nhốt ở nha Cảnh sát cho tới ngày đảo chánh thành công?
– Ngày phái đoàn Liên Hiệp Quốc ra Huế để điều tra – tức là ngày thứ tư 30 tháng 10 – họ đưa tôi đến Cơ quan đặc biệt Phản gián, chung quanh chôn mìn sẵn và bố trí như một pháo đài. Tới đây, tôi thấy hai anh Nguyện, anh Quyến, và bất ngờ hơn hết là sau hai năm mất tăm dạng, anh Dương Kỵ ngồi ung dung gọt cà rốt!
Họ dặn chúng tôi phải nói với phái đoàn Liên Hiệp Quốc là chúng tôi bị giam ở đây là vì có tội với Chánh phủ. Phái đoàn có hỏi tội gì thì trả lời không được biết. Điều quan trọng là nói không có kì thị tôn giáo ở nước Việt.
Nhưng khi họ đưa anh Bính (còn là tổng thư kí đoàn Sinh viên Phật tử) gặp phái đoàn thì anh Bính nói toạc ra tất cả sự thật. Vì thế họ miễn cho chúng tôi màn kịch ấy.
Rồi 8 giờ rưỡi ngày 2 tháng 11, họ cho gọi anh Lê Mộng Đào, anh Võ Văn Thơ, chị Cẩm Hà (một nữ sinh) và tôi. Thiếu tá giám đốc nhân danh Hội đồng Quân nhân Cách mạng cám ơn chúng tôi đã tích cực tham gia vào việc lật đổ chế độ thối nát và bạo tàn của họ Ngô Đình, và xin trả lại tự do cho chúng tôi. Chúng tôi nghe vậy mà chẳng hiểu ất giáp gì. Tôi lững thững về Đại học Sư phạm, tức Morin cũ.
– Sao anh không về nhà trước?
– Vì nhà tôi ở xa. Tới viện, thấy sinh viên đã tụ họp sẵn để đi rước chúng tôi. Chừng ấy tôi mới biết đầu đuôi tự sự. Được biết còn các anh Quyến, Nguyện, Giàu, Bính chưa được thả, anh chị em sinh viên bèn kéo đi đón.
Anh thở dài như trút xong một gánh nặng.
– Thế là anh mất tự do tất cả là…
– …73 ngày.
– Trong 73 ngày giam cầm ấy, có ngày nào anh cảm thấy xót xa nhất?
– Đó là ngày chủ nhật 25-8, ngày tôi được nghe một bạn đồng nghiệp từng sát cánh đấu tranh với mình nói qua đài phát thanh tố cáo mình là một tên lưu manh trí thức. Tôi cũng có biết vài bạn yếu bóng vía, có vài hành động phản bội, tôi chỉ buồn thôi chớ không có xót xa tận đáy lòng như khi nghe anh bạn kia buộc tội qua làn sóng điện. Nhất là họ mở ra-đi-ô cho mình nghe từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, mục đích để khủng bố tinh thần mình.
– Ra rồi, anh có nghe gì về việc đưa anh ra toà án Quân sự?
– Có sắc lệnh kí từ lâu để mở những tòa án Quân sự đặc biệt, nhưng chưa có vùng chiến thuật nào mở. Nếu không có cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm rồi thì tôi sẽ “được” tòa án Quân sự xử vào ngày 6 tháng 11. Mà như anh biết, bị đưa ra tòa nầy thì hoặc được tha bổng hoặc bị xử tử. Tội của tôi, thật ra, thì chỉ có một là không đưa kiểm duyệt ấn phẩm trước khi phổ biến, một tội về mặt hộ. Nhưng mà khi người ta không muốn mình sống thì không có tội gì cũng phải chết, huống chi là có một tội.
Vụ đưa ra tòa án Quân sự ngày 6 là thời bình. Chớ vào đêm thứ sáu mùng 1, lúc 22 giờ – sau khi tiếng súng cách mạng nổ được 8 tiếng rưỡi đống hồ, thì tại dinh ông Cẩn, Hội đồng Quân sự đã họp và lên án xử tử anh Quyến, anh Nguyện, một số sinh viên (Giàu, Thơ, Bính) và tôi. Gặp thời “loạn”, người ta có thể hành quyết chúng tôi lúc nào cũng được. Nhưng một giờ sau, tướng Đỗ Cao Trí tuyên bố đứng bên phe cách mạng, ra lịnh ngưng thi hành tất cả mạnh lịnh của chánh phủ cũ…
– Thế là mạng anh lớn lắm!
Anh cười nhẹ, cúi nhìn lòng bàn tay trái.
– Được tự do, anh vui. Nhưng hẳn sau đó, anh cũng được nghe thấy vài điều buồn.
Anh im lặng một đỗi.
– Tôi xin kể vài trường hợp điển hình. Trước hết, về cá nhân.
Chúng tôi có được tờ truyền đơn từ Genève gởi về cho biết Chánh phủ Ngô Đình Diệm sẽ bị lật đổ và ông Bữu Hội sẽ đứng ra lập chánh phủ mới. Bữu Hội là dân Huế, lại là Phật Tử, lại có truyền đơn kia nên khi ông ta về Huế trong hai ngày, anh Quyến đã gặp Bữu Hội để nói rõ sự thật về vụ đàn áp Phật giáo ở Huế cho ông ta biết, cùng những dự định của nhóm chúng tôi để mong ông giúp đở vế mặt tinh thần.
Anh Quyến mời nhà bác học nầy về nhà đãi cơm và giãi bày tất cả những thống khổ của một nhóm người có học. Chẳng dè về Sàigòn, ông ta mách lại với ông Nhu tất cả!
– Có bằng chứng gì về sự phản bội lịch sử trí thức nầy không?
– Chính một nhân vật trong chính phủ cũ – xin anh miễn cho tôi việc nói tên vị nầy – đã nói lại với chúng tôi. Và đã thêm: “Bữu Hội nó bán đứng anh em lấy 80.000 đô-la qua Tây ăn hút, tưởng thế cũng quá lắm rồi. Nào ngờ nó còn mặt dạn mày dày đi New York nói láo nói khoét nữa. Tôi không ngờ nó lại hèn đến thế!”
– Còn trường hợp cá nhân nào nữa không anh?
– Còn. An ninh quân đội có bắt được một số tài liệu của chúng tôi. Họ đem ra nghiên cứu. Một nhân viên reo lên: “Thằng cha Tuyên tới số rồi! Phen nầy nó chạy đâu cho khỏi chết. Giọng của nó đây này. Tao còn lạ gì, tao học với nó mấy năm!”.
– Ai nói lại với anh?
– Em tôi. Nó làm chung một chỗ với người học trò cũ nọ. Tôi kể tiếp: Một sinh viên ở Đại học Sư phạm dán truyền đơn xin thả tôi, bị bắt bị tra điện. Nay chưa trở lại bình thường…
– Anh cho biết đôi trường hợp tập thể.
– Một phái đoàn của bộ Giáo dục và giáo sư Đại học Sàigòn ra Huế ngày 25-8-63 (ông Trình và ông Thới cầm đầu), lên án thái độ chúng tôi, bắt anh em làm kiến nghị dâng lên Tổng thống, gián tiếp buộc tội chúng tôi.
– Tôi còn nhớ kiến nghị nầy, trong đó có đoạn bất hủ: “… nhớ ơn cao dày của Tổng thống”.
– Giáo sư Đại học Sàigòn làm chúng tôi thất vọng đến ê chề. Họ không có một phản ứng gì khi chúng tôi từ chức, khi chúng tôi bị bắt. Tuy vậy, chúng tôi còn hiểu họ. Chớ họ chẳng một lời gì tỏ tình thông cảm khi chúng tôi được tự do – sau khi chế độ họ Ngô bị lật đổ – thì quả là chúng tôi không hiểu họ nổi. Có khi chúng tôi nghỉ: “Nếu giáo sư Đại học Sàigòn mà lên tiếng ủng hộ lập trường của chúng tôi thì biết đâu…”. Thú thật với anh, lúc mới về tôi tính phớt qua…, nhưng càng lâu lại càng thấy khó chịu, nhưng mà muốn sống thì phải quên…
– Anh làm tôi nhớ lời một người bạn ở viễn phương: “Tôi có thể tha thứ nhưng tôi không thể quên”. Nhưng sau cơn “mưa gió” hẳn giờ anh có gì khác trước trong cuộc sống?
– Tôi trở nên dè dặt trong việc giao tế. Và tôi hạn chế sự giao thiệp. Trước kia tôi cởi mở, giờ đây tôi giữ gìn. Đó là một kinh nghiệm, theo anh, hay hay dở?
Tôi không trả lời anh, nâng tách nước trà bây giờ nguội như nước lạnh:
– Giờ, chúng ta có thể uống nước.
12 tháng chạp, Qúy Mão 64
Nguiễn Ngu Í
Nguồn: Tạp chí Bách Khoa số 171 & 172 ngày 15/2 & 1/3/1964.
(Hình ảnh Thư Viện GĐPT minh họa).
— — — oOo — — —
Ghi chú:
(1) Anh có chân trong Hội Đồng Nhân Sĩ.
(2) Rằm tháng Tư năm Quý Mão (nhằm ngày thứ tư, 8 tháng 5 năm 1963).
(3) “Nghĩa địa đầy những kẻ cho mình không ai thay thế được”.