Đại lễ cầu siêu Tăng Ni vị pháp thiêu thân ngày 18.8.1963 quy tụ 30.000 người và các diễn biến sau 4 cuộc tự thiêu trong tháng 8

Đại lễ cầu siêu Chư Tăng Ni vị pháp thiêu thân
tại chùa Xá Lợi ngày 18.8.1963 quy tụ 30.000 người
và các diễn biến sau 4 cuộc tự thiêu trong tháng 8.1963
oOo

TẠI HUẾ:

Các diễn biến sau 2 cuộc tự thiêu liên tiếp trong thành phố:

Ngay trong ngày ngọn lửa tự thiêu bảo vệ Chánh pháp của Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu bừng sáng trong sân chùa Từ Đàm (Huế) lúc 4 giờ sáng 16.8.1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo – trú sở tại chùa Ấn Quang ở thủ đô Sài Gòn – sau khi được tin đã công bố ngay một Thông Bạch tố cáo sự tàn nhẫn của chế độ trước dư luận quốc dân toàn quốc và trên thế giới.

Một lá thư của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết cũng được gởi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm ngay trong chiều hôm ấy, chỉ trích sự ngược đãi của nhà cầm quyền đối với Phật Giáo Đồ là “một sự ngược đãi chưa từng có trên đất nước này”. Hòa Thượng tuyên bố: “Chúng tôi đã đến nước không còn nghĩ đến sự kêu cầu nhân đạo và công lý. Chúng tôi chỉ mong bao nhiêu tội ác của một chế độ xem dân như cỏ rác được thực hiện ngay để chúng tôi có dịp chết an hơn sống khổ và cũng để cho chân tướng của nền Cộng Hòa Nhân Vị do nhà Chí Sĩ xây dựng được phô bày trước mắt đồng bào và thế giới.”

Trong khi đó tại Huế, Linh Mục Cao Văn Luận – Viện trưởng Viện Đại Học Huế – xúc động sau những cuộc tự thiêu liên tiếp, đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống và Chính phủ hãy giải quyết các nguyện vọng của Phật Giáo. Vị Linh mục Thiên Chúa Giáo nói thẳng vào mặt những người cầm đầu Chính phủ: “Các ông vô đạo. Bên Phật Giáo có chính nghĩa”. Liền sau đó ông bị cách chức Viện trưởng như một cách “trả lời” của Tổng thống và Chính phủ cho yêu cầu của vị Linh mục Viện trưởng. Chưa bao giờ Tổng thống Ngô Đình Diệm và chế độ bị đả kích một cách mạnh mẽ, công khai đến như vậy.

Nhiều sinh viên gởi “thư xin tự thiêu”, “thỉnh nguyện thư xin tự thiêu” đến các cấp lãnh đạo Phật Giáo, họ tha thiết xin sẵn sàng theo gương Hòa Thượng Thích Quảng Đức và các Thượng Tọa, Đại Đức, Sư Cô vừa tự thiêu để cầu nguyện cho 5 nguyện vọng Phật Giáo; có sinh viên tuyên bố “tình thế đã đến nước này, chuyện vào ngồi trong ngọn lửa tự thiêu cho Chánh Pháp không còn có gì là đáng sợ hãi cả”. Đoàn Sinh Viên Phật Tử mua củi và mấy thùng phuy xăng, chất củi  thành mấy giàn hỏa trong sân chùa Diệu Đế (Huế) chuẩn bị sẵn cho những sinh viên ghi danh xin tự thiêu. Tin sinh viên Huế chuẩn bị tự thiêu ở chùa Diệu Đế lan ra khắp thành phố. Người người thương cảm, xúc động và lo âu…

Viện trưởng Viện Đại Học Huế bị cách chức, lập tức các Giáo sư Khoa trưởng cùng 30 Thầy cô và Nhân viên Giáo huấn (Giảng huấn) của Viện đồng loạt từ chức để phản đối, trong đó có Quý thầy: Lê Khắc Quyến (Khoa trưởng Y Khoa), Bùi Tường Huân (Khoa trưởng Luật Khoa), Tôn Thất Hanh (Khoa trưởng Khoa Học), Lê Tuyên (Giám đốc học vụ Văn Khoa), Nguyễn Văn Tường (Giám đốc học vụ Đại Học Sư Phạm)… Đồng thời toàn thể Giảng viên Viện Hán Học Huế cũng ra tuyên cáo phản đối Chính phủ và tuyên bố từ bỏ chức vụ. Các Giáo sư, Giảng viên cùng ra một bản “Thông Cáo từ chức”:

“Tuyên bố cùng thế giới, quân dân, và sinh viên nam nữ toàn quốc:

  1. Vô cùng xúc động trước hai vụ hỏa thiêu tại Huế trong vòng năm ngày, trước sự cướp xác của vị Tu sĩ tự thiêu, trước sự bắt bớ Phật Tử và Sinh viên Phật Giáo, trước viễn tượng tự thiêu của các Sinh viên, trước vấn đề tranh đấu cho sự thực thi Thông Cáo Chung giữa Phật Giáo và Chính Phủ;
  2. Vô cùng xúc động trước sự thờ ơ của Chính phủ đã để cho vấn đề kéo dài đến ba tháng rưỡi nay mà không đem lại một giải pháp nào để ổn định tình thế;
  3. Vô cùng xúc động trước sự thay thế Linh mục Viện trưởng Viện Đại Học Huế trước tình thế trầm trọng này.

Xin từ chức các chức vụ mà chúng tôi đảm nhận tại Viện Đại Học Huế kể từ ngày hôm nay 17-8-1963.”

Bản thông cáo ngắn gọn nhưng súc tích, mạnh mẽ, dứt khoát. Hai cuộc tự thiêu của Đại Đức Thanh Tuệ và Thượng Tọa Tiêu Diêu cùng thái độ sẵn sàng tự thiêu của một số sinh viên đã gây xúc động mạnh đến các Giáo sư Đại học, thôi thúc họ phải hành động.

Ngay đầu buổi chiều ngày 17.8.1963, không biết được bằng cách thông tin, liên lạc nhau thế nào mà khoảng chừng 500 sinh viên Đại học Huế tự động tụ tập “họp mặt” tại giảng đường Đại Học Khoa Học để tỏ thái độ với Chính phủ về việc cách chức Linh mục Viện trưởng Cao Văn Luận. Đây là cuộc họp mặt trong hình thức “xuống đường” đầu tiên của sinh viên Đại học Huế kể từ sau vụ đàn áp tại Đài phát thanh Huế đêm 8.5.1963. Trong số sinh viên tham dự không chỉ có sinh viên Phật Giáo mà luôn cả sinh viên Thiên Chúa Giáo, Tin Lành; nhiều sinh viên xuất thân từ các “trường Dòng”, “trường Tây”; đặc biệt nữa là còn có cả các nữ sinh viên xưa nay được coi là thùy mị, đài các, khép kín trong phong cách nữ sinh xứ Huế, chiều nay cũng bất ngờ tham dự cuộc “xuống đường”.

Sau một cuộc tuần hành (đến nhà Linh Mục Cao Văn Luận) với tấm biểu ngữ yêu cầu Chính phủ trả lại chức vụ cho Linh mục Viện trưởng, ngay tại hiên nhà Linh Mục Cao Văn Luận, họ thảo một Bản Kiến Nghị gởi Tổng thống, trong đó đoạn chủ yếu viết:

“Chúng tôi, toàn thể sinh viên thuộc các Phân khoa Viện Đại Học Huế, họp tại Trường Đại Học Khoa Học lúc 14 giờ ngày 17-8-1963, ký tên dưới đây đồng kiến nghị và quyết định:

  1. Yêu cầu Tổng thống thâu hồi lệnh bãi chức Viện trưởng của Linh Mục Cao Văn Luận.
  2. Yêu cầu Tổng thống và ông Bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục tìm mọi phương sách để quý vị Khoa trưởng và Giáo sư đã từ chức để phản đối lệnh bãi chức trên, đảm nhận lại chức vụ của mình.
  3. Quyết định bãi khóa từ ngày hôm nay cho đến khi nào những nguyện vọng trên được thỏa mãn.

(Những cuộc bãi khóa, xuống đường, biểu tình của sinh viên và giáo chức sẽ xin thuật trình riêng trong các bài tiếp theo).

Tại Huế, mọi hoạt động, các guồng máy xã hội đều tê liệt. Ngoài lực lượng Cảnh sát, Công an, Mật vụ và Lực lượng Đặc biệt, không còn ai mù quáng nghe theo mệnh lệnh đàn áp Phật Tử hay những mệnh lệnh vô lý của Chính phủ nữa. Chính quyền lâm vào một tình thế nguy cấp đến nỗi họ đã phải chuyển vận ra Huế nhiều đơn vị Cảnh Sát Chiến Đấu và Lực Lượng Đặc Biệt từ thủ đô Sài Gòn. Không khí căng thẳng còn hơn cả trong tình hình chiến sự nguy hiểm, trên các đường phố im lìm đáng sợ có rất ít, hay có thể nói là không còn mấy người qua lại.

Đến thời điểm này, hầu như các giới đều đã tham gia vào cuộc tranh đấu đòi tự do, công bằng. Sự bất hợp tác trở nên toàn diện. Từ Huế, phong trào bất hợp tác đó bắt đầu chuyển vào Sài Gòn và lan rộng đến các tỉnh/thị miền Nam Việt Nam…

TẠI THỦ ĐÔ:

Đại lễ Cầu Siêu tại chùa Xá Lợi:

Ngày 16.8.1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo gởi một bức điện tín cấp báo cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và cho các tổ chức Phật Giáo bạn của: Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, Tân Gia Ba, Tích Lan, Miến Điện, Đài Loan và Ấn Độ. Bức điện tín nhấn mạnh đến tình trạng bi thiết của Phật Giáo Việt Nam và kêu cứu khẩn cấp:

“Chúng tôi gởi đến Thế Giới Tự Do, các tổ chức Phật Giáo ngoại quốc lời kêu cứu thiết tha này và thành thật tri ân mọi sự can thiệp nhân danh dân quyền, để chấm dứt một sự ngược đãi đã trở thành dã man.”

Trong thời điểm đó thì Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại thủ đô đã được lệnh “Cắm trại 100%”. Đường phố tràn ngập lực lượng cảnh sát võ trang đủ các thành phần. Những vòng dây kẻm gai chất từng đống lớn trên vỉa hè quanh các chùa.

Ngày 17.8.1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo truyền đi thông tin tổ chức Lễ Cầu Siêu cho anh linh liệt vị Tăng Ni đã tự thiêu thân để bảo vệ Chánh pháp trong Pháp Nạn.

Vào ngày 18.8.1963, trên 30.000 Phật Tử cùng đồng bào ở Sài Gòn và phụ cận tập trung đến chùa Xá Lợi để tham dự khóa lễ đặc biệt này. Thiện nam Tín nữ đứng đông nghẹt vòng trong vòng ngoài sân chùa và kín cả các con đường xung quanh chùa. Chư tôn túc Tăng Ni chắp tay hành lễ giữa trời nắng cùng hàng Cư sĩ và công chúng. Thượng Tọa Thích Thiện Hoa chủ trì nghi lễ buổi cầu siêu “vĩ đại” hiếm thấy này.

Sau khi bài diễn văn được tuyên đọc vừa kết thúc, Đại diện Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đứng ra kêu gọi đồng bào tham gia một cuộc tuyệt thực tại chỗ. Chừng 10.000 người trong đám đông đại chúng đã hưởng ứng ngồi xuống tham dự. Thành phần chủ lực của cuộc tuyệt thực này là lực lượng thanh thiếu niên thuộc các đoàn thể Sinh Viên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử và “Đoàn Thanh Niên Bảo Vệ Phật Giáo”, Gia Đình Phật Tử giữ vai trò yểm trợ và “Trật Tự”. Rất nhiều đồng bào cũng sốt sắng ở lại yểm trợ mặc dù không trực tiếp tham gia tuyệt thực.

Suốt ngày 18.8.1963 hôm ấy, đông đảo quần chúng thủ đô hết lớp này đến lớp khác thay nhau kéo đến chùa Xá Lợi để ủng hộ tinh thần cuộc tuyệt thực. Cảnh sát sắc phục, Cảnh sát chiến đấu ứng trực khắp một vùng xung quanh chùa để đề phòng cuộc tuyệt thực sẽ trở thành một cuộc biểu tình diễn hành của Phật Giáo Đồ và công chúng thủ đô.

Đại Đức Thích Giác Đức đứng trước máy vi âm khuyếch đại thanh, dùng những lập luận sắc bén tố cáo với đại chúng những hành động đàn áp Phật Giáo Đồ của Chính phủ; lên án gắt gao bà Trần Lệ Xuân vợ ông Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu về những lời lẽ nhục mạ Phật Giáo đã phát ngôn trước báo chí và công luận; đồng thời Đại Đức diễn giải, trình bày tường tận hết ý nghĩa cuộc vận động của Phật Giáo cho tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo; khẳng định tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của Phật Giáo Đồ nhưng cũng cương quyết tuân thủ và duy trì tinh thần tranh đấu trong chủ trương “bất bạo động” từ khi Pháp Nạn khởi phát cho đến kỳ cùng, khi nào Pháp Nạn được hóa giải.

Trình bày đúng vào sự quan tâm và tâm lý bức thiết của đồng bào, Thầy được công chúng tán thành, liên tục nhiều lần hoan hô nhiệt liệt. Đại Đức đã lên diễn đàn đều đặn nhiều lần trong một ngày, duy trì cho không khí cuộc tuyệt thực luôn sinh động, không đượm nét ai oán, bi lụy trong hoàn cảnh thương đau của Pháp Nạn Phật Giáo hiện tại. Quý Thượng Tọa Tâm Châu, Trí Quang và quý vị trong Ủy Ban Liên Phái lần lượt có mặt ở mọi nơi, thăm viếng, chuyện trò cùng Phật Tử và đồng bào đang can trường ngồi tham dự cuộc tuyệt thực.

Từ ngã tư các đường Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm đến đường Phan Thanh Giản, công chúng không tham gia tuyệt thực đứng ngồi đông nghẹt, chật ních giữa trời nắng cũng như trong các bóng cây. Giữa rừng người trong cuộc tuyệt thực ngày hôm ấy có 3 vị Tu sĩ Phật Giáo đã phát nguyện tinh thần và dự bị vật liệu dẫn hỏa, sẵn sàng châm lửa tự thiêu nếu cơ quan công quyền động vào bất cứ ai trong buổi lễ cầu siêu – meeting – tuyệt thực này!

Cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật Giáo Đồ đã đến hồi gay go, quyết liệt, và tinh thần đấu tranh của Phật Tử cũng như quần chúng càng lúc càng thêm dũng mãnh…

(Một số hình ảnh lịch sử minh chứng dưới đây ghi lại sự tham gia đông đảo của Phật Tử và công chúng trong buổi lễ cầu siêu và cuộc tuyệt thực – meeting tại chùa Xá Lợi ngày 18.8.1963)

Kỷ niệm 60 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2023)
QUANG MAI
Biên tập dựa theo tài liệu “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”
của tác giả Nguyễn Lang (tức Thiền Sư Thích Nhất Hạnh)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.