Đạo Phật qua các hệ tư tưởng văn hóa Việt Nam

Trong quá khứ các nhà nghiên cứu cho rằng, chủ trương Phật Giáo chỉ hướng đến nhất tâm (Single – mind) trong mục tiêu nhắm vào Niết Bàn (Nirvàra). Từ bỏ thế gian phàm trần như một trường hợp buông xuôi tuyệt vọng. Với ý niệm nguyên sơ đó, họ cho rằng đạo Phật rất ít tham gia vào sinh hoạt xã hội, để mặc xã hội đi theo chiều hướng của nó.

So với thời đức Phật còn tại thế thì hiện nay trong các tu viện, trường đào tạo tăng tài, hoặc ở trong các tổ chức Phật Giáo hiện nay như Gia Đình Phật Tử, Tuổi Trẻ Phật Giáo, Phân Ban Cư Sĩ, Đạo Tràng Tu Học, Đạo Tràng Niệm Phật v.v… thì người Phật Tử có thể làm nhiều việc thiện hơn để giúp đỡ mọi người trong mọi thời điểm, ở mọi quốc gia khác nhau. Tất cả mọi hình thái sinh hoạt của Phật Giáo đã liên tục giúp đỡ con người bằng cách nhìn mà đức Phật gọi là Trạch Pháp Nhãn. Dù bằng tư cách cá nhân hay tập thể thì mối tương quan này vẫn hòa quyện lẫn nhau như nước và sữa vậy. Đạo Phật bất ly thế gian lời Phật dạy cách đây mấy nghìn năm, câu nói ấy như vừa mới nghe xong tức thì. Không bao giờ có tình trạng đạo Phật không quan tâm thế gian. Tự do và hạnh phúc của chúng sanh luôn luôn là lý tưởng rốt ráo, là mục tiêu đích thực của người con Phật.

Việt Nam chúng ta đã trãi qua 4000 năm văn hiến trong đó còn tồn tại các hệ văn hóa tư tưởng như:

1. Tư tưởng văn hóa bản địa:

Con người khi sinh ra nguyên sơ, choáng ngợp với thiên nhiên bao la và sự hùng vĩ sông núi, vì vậy họ sống quấn quýt với nhau, họ nương tựa vào nhau và bắt đầu xây dựng cộng đồng để bảo vệ lẫn nhau trước mọi hiểm họa của thú dữ, trước sự đe dọa thanh toán vì  lãnh thổ, địa giới. Từ đó họ bắt đầu tin vào Núi, Sông, Gió, Lửa và coi đó như các vị Thần giúp đỡ, che chở suốt đời sống con người qua nhiều thiên niên kỷ, bởi vậy trong văn hóa tư tưởng người Việt tồn tại ”Tam Vị Chi Thần” là Tiên Sư , Thỗ Địa và Ông Táo.

2. Nho Giáo:

Từ lâu sự ảnh hưởng Nho Giáo vào trong văn hóa Việt Nam với những điều răn dạy của đức Khổng Tử là Tam Cương – Ngũ Thường, sự kiện nầy được sử dụng rộng rãi từ trong tầng lớp vua chúa cho đến người dân để thiết lập trật tự xã hội theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng vẫn chưa đủ thỏa mãn đối với các bậc đại giác hoàn thiện nhân cách. Sách Nho có dạy: ”Làm điều nhân đức, trung với vua, đạo thầy – trò, hiếu với cha – mẹ, kính lão, thương người và vật để tu nhân tích đức.

3. Lão Giáo:

Ngài Trang Tử ra đời với Tam Nguyên, Ngũ Khí mục đích cũng giống như Nho giáo nhằm hướng con người biết tu nhân tồn đức. Ngũ Kinh gồm có năm bộ kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu cũng đề huề trong văn hóa tư tưởng của Việt Nam vậy.

4. Phật Giáo:

Vào cuối thế kỷ thứ 2, Ngài Mâu Bác – cũng gọi là Mâu Tử  – (sinh vào khoảng năm 165 hay 170, mất năm 230), ngài tên là Dung tự Tử Bác, người gốc Thang Ngô (Thương Ngô) từ Trung Hoa sang Việt Nam truyền giáo vào khoảng năm 189. Ngài là người văn võ song toàn. Từ đó giáo lý Phật Giáo đến như thỏa cơn khát cho biết bao thiên niên kỷ. Từ các bậc vua chúa, vương tôn, công tử cho đến người dân bình thường đều lĩnh hội toàn vẹn những giáo điều thật đơn giản như Tam Quy, Ngũ Giới và ý tưởng  cho rằng Tam Giáo Đồng Nguyên bắt đầu từ đây.

5.Thiên Chúa Giáo:

Theo sử sách, đạo Thiên Chúa mới có mặt tại Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ, lại trải qua những năm tháng thăng trầm, đầy sóng gió. Thế nhưng tôn giáo nầy đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong văn hóa nước nhà.

Đạo Thiên Chúa ra đời ở vùng Tiểu Á nhưng lại được phát triển mạnh ở Châu Âu và mang đậm sắc thái châu lục nầy. Khi du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XVI, nó cũng mang theo cả nền văn minh tây phương, nhiều Giáo Sĩ khi đến Việt Nam đã được đào tạo trong các học viện, dòng tu danh tiếng và một số học giả danh tiếng là cầu nối giao lưu văn hóa Đông – Tây.

Nhưng trải qua một tiến trình khá dài thông qua các triều đại vua chúa thì Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng lớn nhất là Nho, Lão, Phật Giáo. Đã có thời người ta cho rằng “Tam Giáo Đồng Nguyên”. Trong một số sách vở các nhà nghiên cứu xác định thế nào là đồng nguyên? Những điều răn dạy con người thông qua Nho Giáo “tu nhân tích đức”, Lão Giáo thì “tu nhân tồn đức”, Phật Giáo là “minh tâm kiến tánh”.

Đặc biệt hơn là “minh tâm kiến tánh” của Phật Giáo thì có ý nghĩa hơn nhiều. Trong bài  Sự Dung Thông Thiền Sư Hương Hải đã lấy hình ảnh xe, thuyền làm ví dụ để so sánh hai khía cạnh phương tiện và công dụng của Tam Giáo trong đời.  Sự kết luận Tam Giáo ví như ba cổ xe cùng đi đến một đích. Đối chiếu ba cặp phạm trù Tam Cương – Ngũ Thường (đạo Nho) với Tam Nguyên – Ngũ Khí (đạo Lão) và với Tam Quy – Ngũ Giới (đạo Phật), ngài có bài thơ sau:

Trong nơi danh giáo có ba

Nho hay giúp nước, sửa nhà, trị dân

Đạo thời dưỡng khí an thần

Thuốc trừ tà bịnh, chuyên cần luyện đan

Thích độ nhân miễn tam đồ khổ

Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương

Nho dùng tam cương – ngũ thường

Đạo dùng ngũ khí, giữ giềng ba nguyên

Thích giáo nhân tam quy – ngũ giới

Thế một đường xe phải đụng ba.

Thế nào là minh tâm? Theo tôi khi con người được giáo dục chu đáo và rèn luyện kỹ càng qua một quá trình sống xứng đáng với mọi người với xã hội để trở thành một người cao thượng mới là một con người có “đức”. Đức ở đây chỉ là một phần của minh tâm. Khi thân, tâm, ý sạch làu mới là minh tâm thì cần đến trí tuệ, mà trí tuệ không dững dưng mà có, cũng không phải nhờ học vấn mà tựu thành mà phải nhờ đến công năng tu chứng với một quá trình bền bỉ lâu dài thông qua Ngũ Giới mới diệt trừ “tam độc”. Khi con người đoạn trừ được tham, sân, si, tâm đã sạch làu thì chính lúc ấy tuệ năng mới phát triển, tuệ năng phát triển càng cao mới thấy được Phật tánh.

Sự giáo dục ấy đã gắn liền với xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ hai. Vào năm 189. Ngài Mâu Bác đã truyền bá và từ ấy giáo lý Phật Giáo đối với người Việt như cơm phải ăn hằng ngày, như nước phải uống hằng bữa vậy!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.