TVGĐPT – Tìm lại lịch sử hình thành các Hội Phật Học, Hội Phật Giáo – tiền thân của tất cả các Giáo Hội Phật Giáo hiện nay của Việt Nam ở trong và ngoài nước; tìm lại lịch sử các Ban Đồng Ấu, Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên – tiền thân của Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Việt Nam hiện nay tại quốc nội và hải ngoại; tìm lại lịch sử khai sinh Ban Hướng Dẫn các Phần, các Kỳ (Trung-Nam-Bắc) – tiền thân của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại quốc nội cũng như tại các châu lục, quốc gia, trên thế giới hiện tại; tìm lại lịch sử khai sinh các đơn vị Gia Đình Phật Tử đầu tiên tại các Phần, các Kỳ, các Miền v.v…; tìm lại đôi nét về cuộc đời và hành trạng các bậc Tiền bối Tăng Ni, Cư sỹ Sáng lập; Tiền bối Hữu công của Phật Giáo Việt Nam và Gia Đình Phật Tử Việt Nam… có lẽ là mong muốn của nhiều anh chị em Đoàn Viên và cả Cựu Đoàn Viên của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Tuy nhiên để có thông tin, tài liệu chính xác, chuẩn mực và… trung thực quả không hề là chuyện dễ dàng!
Bên cạnh đó, nhiều anh chị em Lam Viên GĐPT rất mong muốn và cũng nhiều anh chị em đã cất công truy nguyên nguồn gốc chính xác các “bảo vật” bản quyền của tổ chức GĐPT như Huy Hiệu, Kỳ Hiệu, các bản Nội Quy (và Nội Quy Trình), Quy Chế, Châm Ngôn, Khẩu Hiệu, Luật, Bài Ca Chính Thức, Phù Hiệu Cấp Bậc, Phù Hiệu Chuyên Năng và các bài ca nghi thức, bài ca sinh hoạt quen thuộc…
Mong mỏi đóng góp một phần nhỏ nhoi vào Lam sự khó khăn nhưng cần thiết này, Thư Viện GĐPT đã và sẽ tiếp tục chuyển tải những tài liệu của các tập thể, các cá nhân – trong và ngoài tổ chức GĐPT – có liên quan đến lãnh vực này để Chư tôn đức Tăng-già, quý Đạo hữu, anh chị em Lam Viên GĐPT và các Bạn đọc có thêm nguồn cứ liệu tham khảo và so sánh.
Dưới đây là nguyên văn nội dung một dòng trạng thái (status) mới đây trên Facebook kèm theo một bài viết cũ của Huynh Trưởng GĐPT Quảng Long – Nguyễn Thế Phước mà chúng tôi –TVGĐPT– mới tìm thấy; xin được truyền tải lại cùng bạn đọc (và nhằm bảo đảm tính chất trung thực của thông tin, chúng tôi đã xin phép anh Nguyễn Thế Phước đăng tải nguyên văn những email liên lạc qua lại của quý anh chị trong cuộc).
———=oOo=———
Nhân đọc được một status của anh Lưu Khánh Kim (FB: Khánh Lưu Kim) về bài hát TRẦM HƯƠNG ĐỐT, nay tôi xin post lại bài viết của tôi mấy năm về trước để quý anh chị em hết nghi ngờ, vì cuối bài viết là bài hát Trầm Hương Đốt do chính tay tác giả, Cụ Trừng Bạc – Bửu Bác viết. Tiện thể, tôi xin nói thêm là Lão trưởng Lê Bá Ngữ có cho tôi biết là hồi Trưởng tham gia sinh hoạt Đoàn Đồng Ấu thì bài hát này còn có thêm một đoạn nữa, tuy nhiên dù đã liên lạc với ái nữ của cụ Bửu Bác mấy lần nhưng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm của chị[*].
Trong một bài hát khác, bài “Dây Thân Ái”, nhạc ngoại quốc, lời Việt của anh Lê Lừng, theo ba tôi, Cố Huynh Trưởng Tâm Túc – Nguyễn Thế Phong, sinh hoạt với Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Nguyên Trung Phần từ những năm 1950, thì câu thứ tư của bài hát này là “Ca hát trong không gian đượm hòa”, đúng như anh Lưu Kim Khánh đã nêu lên (anh Khánh nói là: Ca hát vang không gian đượm hòa). Tôi có đưa ra hỏi một số Huynh Trưởng lớn nhưng không nhận được câu trả lời nên chỉ đưa ra đây để góp thêm một ý kiến và mong quý anh chị lớn giải đáp giúp. Sau đây là bài viết của tôi:
ĐI TÌM NGUYÊN BẢN CỦA MỘT BÀI HÁT
Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh chữ dùng ở đầu đề. Tôi dùng chữ bài hát mà không dùng chữ nhạc phẩm hay nhạc bản hoặc ca khúc… bởi lẽ đây là một trong những bài hát thân thương nhất của đời tôi. Dùng chữ khác nghe có vẻ khách sáo làm sao ấy! Cũng có thể dùng chữ nhạc lễ nhưng lại làm giảm đi tính chất thân thương, gần gũi mà tôi cảm nhận về nó! Có lẽ kỳ thật đấy khi mở đầu như vậy, nhưng đúng là như vậy, tôi cảm nhận như vậy và dùng chữ bài hát để diễn tả những cảm nhận đó.
Là Phật Tử, không mấy ai mà không một lần được nghe bài hát Trầm Hương Đốt của cụ Trừng Bạc – Bửu Bác, một tiền bối thiện tri thức hữu công của thời kỳ Chấn Hưng Phật Giáo đầu thế kỷ hai mươi! Nhất là đối với anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử, bài hát được sử dụng trong nghi thức Lễ Phật hàng tuần khi đi sinh hoạt thì không ai mà không thuộc nằm lòng! Tôi cũng vậy, đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ năm 1960, thì bài hát là một phần của cuộc đời tôi, không thể quên dù chỉ là trong chốc lát! Bài hát thật trang nghiêm nhưng lại dạt dào tình cảm bày tỏ lòng tôn kính và tri ân rất mực Đức Điều Ngự Thế Tôn.
Từ đó cho đến nay, tôi vẫn hát mỗi Chủ Nhật là trong lòng không hề gợn lấy một chút hoài nghi về bài hát Trầm Hương Đốt như sau:
Trầm hương đốt
Xông ngát mười phương
Nguyện nguyện kính Đức Nghiêm Từ vô lượng
Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con
Vận vận khói kết mây lành cúng dường
Ðạo nhiệm mầu đã lan truyền nơi cùng nơi
Nhờ chân lý chúng sanh đều thoát luân hồi
Ðồng quy kính quỳ dưới đài sen
Dâng hoa thơm tinh khiết màu thắm tươi cành
Ðài quang minh xem huy hoàng trang nghiêm
Ơn mười phương Ðiều Ngự hào quang an lành
Nghìn đạo uyển chuyển soi khắp cùng quần sanh
Phật Ðạo đồng cùng nhau tu tinh tấn mau viên thành.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Sau đó, tôi cũng có biết một đôi chữ được anh Nguyên Định – Bửu Ấn (Cố Ủy Viên Văn Nghệ Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, mà tôi là Phụ Tá của anh) thay đổi, ví dụ như “Đồng quay về…” thay vì “Đồng quy kính…”(câu 8), “Đài quang minh sáng huy hoàng…” thay vì “Đài quang minh xem huy hoàng…”(câu 10). Tôi có hỏi chuyện anh thì anh cười và nói rằng “Cũng chẳng sao, miễn mình hát nghe thuận và với tất cả lòng thành tâm của mình là được rồi”. Hoặc giả có đôi chữ khác như “Nhìn đạo…” thay vì “Nghìn đạo…”(câu 12) v.v…
Cho đến một hôm, Đồng Thái – một Huynh Trưởng ở Seattle – vốn dĩ là một chuyên gia về ngữ văn, đặt vấn đề với tôi về hai chữ “Vận vận…” ở câu thứ 5. Anh Đồng Thái nghe có người hát “Vần vần”… thay vì “Vận vận”, và đưa ý kiến là nếu dùng chữ “vần vần” thì có lẽ dùng “vầng vầng” e chính xác hơn. Tôi không đồng ý, vẫn giữ nguyên chữ “Vận vận” và giải thích rằng đây là một động từ có nghĩa là níu kéo lại, dùng, sử dụng để đối với động từ “Nguyện nguyện” ở câu trên. Hai anh em bàn luận khá căng thẳng nhưng vẫn không ngã ngũ. Vậy là để yên đó nhưng trong lòng tôi đã manh nha ý tưởng đi tìm nguyên bản của bài hát.
Cơ duyên tới, gần đây, Đạo hữu Hoàng Tâm – một cô giáo ở Maryland thông thạo 5, 6 thứ tiếng, đã từng dịch nhiều bài thơ, nhiều nhạc phẩm ra tiếng Anh – được “đặt hàng” để dịch bài hát Trầm Hương Đốt qua tiếng Anh hầu có thể tập cho một số Phật Tử Mỹ hát trong những buổi sinh hoạt hay tu học. Chị Hoàng Tâm liền thực hiện việc dịch thuật rất ưa thích này và… chị e-mail kêu cứu vì có quá nhiều dị bản làm chị phân vân, không biết nên dịch theo bản nào! Thế là nhiều anh chị vào cuộc: Anh Thiện Tánh – một Bác sĩ lành nghề và là Giảng viên đại học ở Washington D.C, anh Tuệ Kiên – một Thi sĩ ở Texas, anh Nguyễn Tuấn – một Nhạc sĩ ở Pennsylvania đồng loạt lên tiếng. Tôi cũng e-mail cho Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Tấn Hoa Kỳ để cầu cứu các anh chị. Thế là ngày nào đi làm về cũng ngồi trước màn hình, lục tìm hết chỗ này tới chỗ khác!
Tin tức nhận được cũng nhiều nhưng căn cứ chính xác vẫn chưa có. Tuy vậy, e-mail của anh Nguyên Siêu – một Huynh Trưởng cấp Tấn kỳ cựu của GĐPT Hoa Kỳ cho biết tên của bài hát là HẢI TRIỀU ÂM và cho biết thêm là cụ Bửu Bác hiện vẫn còn sống tại Virginia. Tôi một nghi mười ngờ, vì nếu cụ còn tại thế thì hẳn là tuổi hạc dư trăm! Tuy vậy, tôi vẫn phóng lên một e-mail để hỏi thăm tin tức về cụ, nội dung như sau:
Kính quý anh chị,
Em được tin là cụ Bửu Bác, tác giả bài hát Trầm Hương Đốt (Hải Triều Âm) đang sống ở Virginia. Anh chị nào có thể tìm cách để hỏi địa chỉ của cụ hoặc có cách nào để liên lạc với cụ không?
Chị Hoàng Tâm liền chuyển e-mail của tôi đến các bạn chị và nhận được hồi đáp sau đó bởi chị Xuân Lan – cũng là một Đoàn Viên GĐPT, hiền nội của anh Hoàng Trọng Hàn em ruột Lão trưởng Hoàng Trọng Cang, tác giả bài hát “Dòng A Nô Ma” quen thuộc với tất cả mọi Đoàn Viên GĐPT. Đây là nội dung bức thư vàng, đầu dây mối nhợ cho việc phăng tìm nguyên bản bài hát:
Hoang Tam than,
Bac Buu Bac la nghiem phu chi Tam Thuong / phu nhan BS. Vo Van Tung, co tham nhieu trong Ngay Nho Hue cua chung ta. Bac da qua doi tu lau tai Hue… Ai muon hoi ve Bac Buu Bac xin moi tham du Ngay Nho Hue se gap chi Tam Thuong… ma hoi…
XL.
Và e-mail tiếp theo của chị Xuân Lan cho biết địa chỉ e-mail của chị Tâm Thường:
Hoang Tam oi, day la email cua BS. VVTung: …..@yahoo.com
XL.
Vậy là chị Hoàng Tâm liên lạc ngay với chị Tâm Thường:
Chị Tâm Thường mến,
Em đã gặp chị ở khóa Quán Âm Sám với Thầy HT năm ngoái (hay năm kia?) và rất vui khi nghe anh chị sẽ về với NNHuế mùa hoa anh đào này. Em mới chuyển ngữ bài Trầm Hương Đốt để hát tiếng Anh theo yêu cầu của một số Phật Tử ở Đạo Tràng Cát Trắng (FL), nhưng lời Việt từ mạng internet có vẻ tam sao thất bản. Không biết chị còn giữ nguyên bản của ông cụ không. Em là lớp “Hậu sinh khả ố”, không biết chi hết về cụ. Nếu chị có thể viết ít dòng về cụ thân sinh cho bà con hiểu thêm trong trường hợp nào cụ viết bài hát này thì tụi em cám ơn lắm lắm.
Sen búp,
Hoang-Tam.
Tôi cũng có thư cám ơn hai chị và mong hai chị giúp đỡ:
Kính chị Tâm Thường và Hoàng Tâm,
Vậy là chị Hoàng Tâm đã tìm ra cách liên lạc với ái nữ của cụ Bửu Bác. Em mừng lắm. Tâm nguyện của em là làm thế nào để giữ đúng nhạc và lời của các bài hát Gia Đình Phật Tử (trước đây, vào thời mà cụ BB viết bản nhạc Trầm Hương Đốt ni, tiền thân của GĐPT là Đoàn Thanh Niên Đức Dục, sau đó là Gia Đình Phật Hóa Phổ).
Em kính mong chị Tâm Thường giúp em. Kính cảm ơn hai chị nhiều.
Em Phước.
Chị Tâm Thường chắc cũng cảm động và hồi âm như sau:
Chị Hoàng Tâm thân,
Vừa nhận được e-mail của chị. Rất cảm động khi biết chị đã dịch bài Trầm Hương đốt của Ba tôi, Cụ Bửu Bác pháp danh Trừng Bạc, ra Anh ngữ.
Tôi sẽ gởi bản chính của bài hát cho chị và sẽ gởi bài hát nầy do tôi, con út của Cụ hát để chị nghe cho vui.
Tâm Thường.
Vậy là chị Hoàng Tâm báo tin vui ngay cho tôi với lời cảm thán:
Anh Phước mến,
Bao giờ tôi được bản chính bài THĐốt do chính ái nữ cụ BBác gởi, tôi sẽ gởi cho anh và bà con Phật Tử biết liền. Thời đại internet tuyệt vời hí.
Sen búp,
HoangTam
Quả thực, thời đại internet quá tuyệt vời! Tôi viết thư cảm ơn chị:
Kính chị,
Em rất mừng đã có đầu dây mối nhợ chắc chắn về bài hát. Cũng nhờ quý anh chị đã sốt sằng giúp đỡ, như chị Lana Hoang (XL) mà em chưa một lần được hân hạnh gặp mặt, như quý anh Tuệ Kiên, anh Tuấn đã có nhiều ý kiến càng thôi thúc em nhiều hơn trong việc đi tìm lại nguyên bản của bài hát. Và đương nhiên, chị là người đã giúp em nhiều nhất, không chỉ là tìm giúp em nguồn liên lạc mà còn dịch bài hát ra Anh ngữ.
Em sinh hoạt trong GĐPT từ 1960, là lớp hậu bối nhưng cũng may, ba em là Huynh Trưởng GĐPT từ lúc đang còn tiền thân là Gia Đình Phật Hóa Phổ nên em cũng có cơ hội được tiếp cận với nhiều tài liệu. Tiếc là mấy cuộc chạy loạn, từ Mậu Thân cho đến 1972, 1975 làm bao nhiêu tài sản, tư liệu đều thất lạc cả, nhất là sau 1975, khi trở về nhà, chỉ còn căn nhà trống, thật là đau lòng!
Em hân hạnh được biết chị nhân khóa tu vừa rồi, cũng mong được góp mặt vào tháng 3 tới ở chùa Hoa Nghiêm nhưng không biết có đi được hay không vì thời gian đó, tụi em phải túc trực chuẩn bị cho con gái nhỏ của tụi em khai hoa nở nhụy.
Vợ chồng em chỉ mới qua định cư ở Mỹ 4 năm, tuy mọi việc còn khó khăn nhưng trong lòng luôn luôn nung nấu việc phụng sự cho lý tưởng của Gia Đình Phật Tử nên việc gì cũng lăn ra làm, cố gắng hết sức mình có thể. Thời gian này, việc tu tập có phần chểnh mãng vì em đi làm đêm từ 6g chiều đến 7g sáng hôm sau nên sức khỏe không được tốt lắm, tuy vậy ráng được tới đâu hay tới đó chứ biết sao hơn.
Vài dòng thăm và cảm ơn quý anh chị, em nguyện cầu thập phương Chư Phật thùy từ gia hộ cho quý anh chị được thân tâm thường lạc, luôn luôn tinh tấn trên con đường tu học. Em chuẩn bị để đi làm đây.
Kính.
Quảng Long Nguyễn thế Phước.
Và rồi, ngày vui đã tới. Một hôm tôi nhận được e-mail của chị Hoàng Tâm:
Phước thân mến,
Nhân dịp về dự Đại hội Huế – Mùa hoa anh đào ở vùng DC vừa qua, chị Tâm Thường – ái nữ cụ Bửu Bác – đã đưa tận tay chị bản chính của bài Trầm Hương Đốt mà ban đầu gọi là Hải Triều Âm, với thủ bút của tác giả (Pháp danh Trừng Bạc). Anh Nguyễn Cúc (người xuất bản Đặc san Tiếng Sông Hương ở Dallas, TX) còn giữ tài liệu này và có viết một bài về cụ BB.
Chị xin lỗi là bây giờ mới trả lời email cho Phước, nhưng sau đại hội thì chị đi Vietnam & Hongkong cả tháng .
Cháu ngoại bao lớn rồi?
Chúc vui khoẻ.
HoangTam.
Đính kèm, chị gởi cho tôi bản chụp của bài hát do chính tác giả, cụ Trừng Bạc – Bửu Bác thủ bút. Ngoài ra tôi còn có thêm một món lời, đó là bài viết về cụ Trừng Bạc do anh Nguyễn Cúc thực hiện.
Tâm nguyện đã hoàn thành, tôi thầm khấn nguyện Đức Từ Phụ cùng thập phương Chư Phật đã từ bi gia hộ cho tôi hoàn thành được ước nguyện tưởng chừng như bất khả thi này. Xin nguyện đem tất cả công đức này dâng lên Chư Phật và tất cả chúng sanh. Nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Đầu Thu Tân Mão.
Kính mừng 60 năm danh xưng Gia Đình Phật Tử
Quảng Long NGUYỄN THẾ PHƯỚC
Bài hát Hải Triều Âm viết tay của tác giả
(nguyên bản của bài Trầm Hương Đốt hiện nay)
Bài hát Trầm Hương Đốt (bản Anh ngữ)
INCENSE OFFERING
Incense offering, sending off sweet scents
Showing our respect to Buddha
Please witness our sincerity
Incense smoke turned into offering clouds
Marvelous Buddhism’s spreading everywhere
The truth helps all beings to be free
Kneeling down by the lotus throne
We offer Buddha pure ‘n fresh lotuses
The bright altar’s solemnly adorned
Peaceful halo glows over ten directions
Dharma shines over all living beings
Let’s practice Dharma diligently together.
Namo Sakyamuni Buddha…
Namo Sakyamuni Buddha…
————=====————
Translated by TÂM BẢO CHÂU (Hoàng-Tâm)
Gaithersburg, MD, 1/11/11.
oOo
Xin chân thành cảm ơn:
- Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Tấn GĐPTVN Tại Hoa Kỳ đã cho em nhiều ý kiến và manh mối về bài hát và tác giả.
- Chị Tâm Thường, ái nữ Cụ Trừng Bạc, tác giả bài hát Hải Triều Âm tức Trầm Hương Đốt đã vui lòng cho chúng em bản gốc của bài hát.
- Chị Hoàng Tâm, đã thông tin, liên lạc, góp phần lớn lao trong việc đi tìm nguyên bản bài hát, đã dịch bài hát ra Anh ngữ góp phần quảng bá lòng tôn kính Đức Thế Tôn.
- Chị Xuân Lan, người đã vui lòng cung cấp thông tin về chị Tâm Thường.
- Quý anh Thiện Tánh, Tuệ Kiên, Nguyễn Tuấn đã đóng góp cho em rất nhiều ý kiến.
Ngưỡng nguyện Chư Phật thùy từ gia hộ cho quý anh chị thân tâm thường lạc.
Quảng Long NGUYỄN THẾ PHƯỚC
oOo
Thư Viện GĐPT cập nhật:
[*] Trong một status mới post gần đây (26/7/2020) trên facebook cá nhân, Huynh Trưởng Nguyễn Thế Phước đã nhắc lại vấn đề này và đăng kèm tấm hình Cụ Trừng Bạc – Bửu Bác mà anh vừa sưu tầm được (Thư Viện GĐPT đã đăng tải bổ sung bên trên bài này), đồng thời anh bổ túc thêm các câu được cho là có trong nguyên bản bài Hải Triều Âm (Trầm Hương Đốt) lúc mới ra đời như sau:
“…Tôi đã có bài viết về bài hát này trước đây. Nay xin đưa thêm một việc, kính mong quý anh chị lão trưởng lưu tâm cho thêm ý kiến.
Theo Lão trưởng Tâm Pháp – Lê Bá Ngữ thì bài Hải Triều Âm tức Trầm Hương Đốt thời mà Trưởng còn sinh hoạt ở Ban Đồng Ấu còn có thêm mấy câu như sau:
Đấy đấy quần sanh đương đỗi lầm mê,
Chơi vơi bể khổ kiếp kiếp trầm luân
Xoay theo sanh tử luân hồi.
Giàu lòng từ bi Phật thị hiện về
Trình bày chân lý nơi nơi đều độ
Mong ân hoằng thệ nguyện xin ghi đền.
Cách đây mấy năm, tôi có viết thư cho ái nữ của cụ là chị Tâm Thường để xin thêm dữ kiện, tuy nhiên vẫn chưa nhận được hồi âm. Mong rằng quý anh chị lão trưởng quan tâm cho thêm ý kiến…”