DIỄN VĂN KHAI MẠC
ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI LẦN THỨ I
của Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ
Ngày 7/11/2004 tại Trung Tâm Viên Giác, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
– Ngưỡng vọng bái bạch đức Đại Lão Hoà Thượng Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Kính bái bạch Hòa Thượng Viện Trưởng, chư tôn Giáo phẩm trong Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Trung Ương tại Việt Nam và Hải Ngoại.
– Kính bạch Thượng Toạ Tổng Vụ Trưởng và chư tôn Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni trong Hội Đồng Tổng Vụ đại diện Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Kính bạch Thượng Toạ Trưởng Ban và anh chị em trong Ban Tổ Chức Đại Hội.
– Kính thưa quý vị Quan Khách.
– Kính thưa quý Đạo Hữu đại biểu Bảo Trợ, anh chị em đại biểu Cựu Huynh Trưởng và toàn thể đại biểu Huynh Trưởng thân mến.
– Kính bạch Chư Tôn Đức – Kính thưa liệt quý vị.
Nhân danh Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ, Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, thay mặt Ban Tổ Chức Đại Hội chúng con xin thành kính đảnh lễ chư tôn Giáo Phẩm – chư Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni. Xin trân trọng kính chào liệt vị quan khách, quý Đại Biểu đại diện các đơn vị, đoàn thể đã hoan hỷ đáp lời mời đến dự lễ khai mạc Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế giới của chúng tôi.
Sự hiện diện của chư Tôn Đức làm cho quang cảnh của buổi lễ thập phần quang huy rực rỡ. Sự hiện diện của chư vị quan khách làm cho buổi lễ thêm phần long trọng đồng thời nói lên sự quan tâm ưu ái của Chư Tôn và quý vị với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Tổ chức giáo dục có mục đích cao quý rõ ràng là “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật Tử chân chánh; góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Đó là nguồn động viên tiếp thêm năng lượng cho tất cả anh chị em Huynh Trưởng trên bước đường phục vụ và thăng tiến tổ chức.
Kính bạch chư tôn Thiền Đức – Kính thưa liệt quý vị.
Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới lần đầu tiên trong Lam sử trên 60 năm sinh hoạt, đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại và nhiệm mầu. Trọng đại, bởi lẽ Gia Đình Phật Tử Việt Nam giờ đây không còn gò bó trong một quốc gia, châu lục nào, mà Sen Lam đã ngoi lên và nở ra trên toàn thế giới, bất cứ nơi đâu có cộng đồng người Việt. Tùy thuận vào quốc thổ, tập quán địa phương, châu lục. Ở đâu có chùa là ở đó có Gia Đình Phật Tử; ở đâu có Gia Đình Phật Tử, ở đó có Niệm Phật Đường, dù đó là trại tạm cư. Tùy thuộc vào sự tư duy, duy lý, duy ý chí của Thầy chúng ta, của mỗi cộng đồng Huynh Trưởng nên mục đích của Gia Đình Phật Tử chỉ có một, nhưng sự hành trì, thống thuộc có lúc, có nơi, có chiều hướng tự phát ra ngoài sự thống nhất. Tất cả chúng ta đều đồng cảm qua một bước ngoặc, một giai đoạn lịch sử tất yếu như vậy, nên cùng nhau theo tiếng gọi nhiệm mầu, vượt trọn vòng trái đất, quy tụ về đất Phật, đem tất cả ngã sở thành tâm sám
hối, xiết chặt tay nhau, hướng về thành quả của Đại Hội để đền đáp ân đức giáo dưỡng của chư Tôn Đức.
Giờ đây, chúng tôi xin thành kính đảnh lễ chư tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Viện Hoá Đạo và chư tôn Cố Vấn. Quý ngài đã từ bi, tư duy trí tuệ, hành xử y Pháp, nhìn xa trông rộng và cố vấn chỉ đạo cho Gia Đình Phật Tử quy về một mối, nhằm có tiềm năng tu dưỡng hộ trì chánh pháp. Chúng tôi xin tán dương công đức của Ban Tổ Chức, Ban Bảo Trợ, anh chị em Cựu Huynh Trưởng, Huynh Trưởng các cấp, đã ý thức được sự thiêng liêng miên viễn bất khả phân của Gia Đình Phật Tử, mà nỗ lực hy sinh, góp công, góp của để tổ chức nên Đại Hội thế giới mang tầm vóc lịch sử nơi cội nguồn tâm linh của Phật Giáo.
Chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện mười phương chư Phật thùy từ gia hộ chư tôn Thiền Đức Hội Đồng Giáo Phẩm, Hội Đồng Cố Vấn pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. Kính chúc quý vị Quan Khách, quý Ban Bảo Trợ, Cựu Huynh Trưởng, Huynh Trưởng đại biểu được Phật lực hộ trì tinh tấn, dõng mãnh, hạnh phúc và an lạc.
Nhân đây tôi cũng xin chia xẻ cùng anh chị em Huynh Trưởng đã tận lực chuẩn bị về dự Đại Hội nhưng nghịch duyên quá lớn chưa về được. Thành công của Đại Hội chắc chắn có sự đóng góp âm thầm, và bóng dáng thân thương của quý anh chị. Công đức của Ban Tổ Chức, quy anh chị, lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam xin ghi một nét son hoành tráng và đó cũng là sự nhiệm mầu an lạc mà chúng ta đang chia xẻ.
Kính bạch chư Tôn Đức – Kính thưa liệt quý vị.
Nơi đây là quê cha đất tổ, nơi mà đã có một ngàn hai trăm năm mươi vị La Hán thường trực và vô số Thánh Chúng trời, người vân tập nghe Pháp – chứng ngộ. Anh chị em chúng ta có duyên lành trong vinh dự được sum họp. Giờ này chúng tôi xin Đại Hội dừng lại một phút để tưởng niệm những Huynh Trưởng, Đoàn Sinh bỏ mình tại quê hương, nơi cội nguồn của tổ quốc, cũng như trên biển cả mênh mông, trên đất liền nơi xa xứ.
Chúng ta hãy nhiếp tâm nương vào Phật lực, mời gọi tất cả Chơn linh, Hương linh, Anh linh chư Thánh Tử Đạo; Chơn linh chư vị Cố vấn, Sáng lập; Hương linh Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Bảo Trợ, Đoàn Sinh các quốc gia, châu lục; Oan hồn uổng tử ly hương, biệt quán nương Phật lực và tha tâm chú nguyện lực, về hội tụ trên đất Phật hộ trì cho Đại Hội thành công. Đó là Đại Hội thế giới thứ nhất của người quá cố và đó là Đại Hội cội nguồn của tổ chức.
Thứ hai là Đại Hội của ngành Bảo Trợ hải ngoại, không có ngành này chúng ta thiếu trợ duyên để sinh hoạt tốt.
Thứ ba là Đại Hội Cựu Huynh Trưởng hải ngoại, quý anh chị đã dày công cống hiến một quãng đời mình cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam, nay vì ràng buộc bởi nhiều duyên nợ nên không trực tiếp điều hành nhưng là những tư liệu sống, vốn quí, nhất là được tập trung thống thuộc về một mối. Thật đáng trân trọng và di dưỡng.
Thứ tư là Đại Hội Huynh Trưởng đương nhiệm Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới. Đây là một thực thể bất khả phân, theo tiếng gọi linh thiêng của lương tâm và lý trí, ý thức được sự sống còn của tổ chức, tuân kỷ luật, nghe theo lời hiệu triệu kết tập và để cùng hoàn thành tâm nguyện: Đoàn kết thống nhất ý chí – Hộ trì chánh pháp ở mọi quốc độ và hướng về quốc nội vun bồi cội nguồn dân tộc. Cụ thể, chúng ta đóng góp:
1. Hình thành hệ thống cơ cấu tổ chức xuyên suốt trên thế giới.
2. Thống nhất một quy ước chung để phát huy sinh hoạt mà không đi ra ngoài khuôn khổ của Nội quy – Quy chế Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
3. Quy hoạch, đạt tiêu hướng tu dưỡng hành trì cho Huynh Trưởng.
4. Giương cao cờ lý tưởng, mở rộng vòng tay thương yêu, đoàn kết, hàn gắn vết thương lòng, san lấp các dị đồng chướng duyên làm cản trở tiềm năng, hạnh nguyện phục vụ của Huynh Trưởng áo lam – sen trắng, để xây cho được nền móng Gia Đình Phật Tử trên thế giới đầu tiên trong năm châu bốn Biển.
Nếu chúng ta đánh mất tính thống nhất và xuyên suốt, theo một lộ trình thống thuộc thì đã phụ lòng tín cẩn của Giáo Hội và sự giáo dưỡng của ân sư tiền bối, tâm huyết của Ban Tổ Chức, kỳ vọng của hàng triệu triệu Đoàn Viên trên toàn thế giới. Chỉ quy hướng thống nhất, cơ cấu tổ chức xuyên suốt mới có gia đình thân ái lục hòa cộng trụ, tiêu trừ biệt nghiệp nhỏ nhen ích kỷ, hòa vào cộng nghiệp cảm hoá, hoà đồng yêu thương đúng châm ngôn Bi – Trí – Dũng.
Hôm nay cùng nhau đốt nén hương lòng và ngọn đèn bà già hành khất để cúng dường trên từng dấu chân đức Phật. Hơn lúc nào hết, đứng ở cái mốc lịch sử của chúng ta, cần thiết nhìn lại mục đích Gia Đình Phật Tử Việt Nam:
Phần một: “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật Tử chân chánh”. Con người dù ở đâu, quốc độ nào trên thế giới đều trọng chân thật, ghét dối trá; yêu sự chung thủy, căm giận sự phản trắc, nên chúng ta huân tập cho các em sống vì mọi người, bỏ tham, sân, si, biết mình chính thật là con Phật, phải có trách nhiệm với Giáo Hội, với đạo pháp, có cuộc sống tiêu biểu của một Cư Sĩ tại gia.
Phần thứ hai: “Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Đây là cả một hoài bão to lớn của chúng ta cần vươn tới, bởi vì ở đâu, quốc độ nào, cũng chỉ có tinh thần Phật Giáo mới thật sự tự do bình đẳng, an lạc hoà bình. Sống hạnh phúc, chia xẻ hạnh phúc cho cộng đồng, mới thật sự hạnh phúc.
Từ lâu chúng ta đều có tu, nhưng thực sự chưa có một Pháp môn nào hành trì chuyên sâu riêng cho Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Vào những năm 1980, anh chị em trại sinh Vạn Hạnh II/T.Ư tại quốc nội đã đặt vấn đề, tham vấn Chư Tôn và quý anh chị Huynh Trưởng kỳ cựu trong Ban Quản Trại, cũng có quy hướng nhưng còn ở dạng công án cá nhân cần giải mã và thống nhất. Và trong biên bản Đại Hội Gia Đình Phật Tử Hải Ngoại có ghi: “Cần chú trọng về tu học. Ngoài tu học cần quan tâm nâng cao tu dưỡng bằng những phương pháp cụ thể mà thiết thực mà từ lâu chúng ta chưa quy hoạch thực hiện tiêu hướng. Cần nghiên cứu một Pháp môn đặc biệt cho Gia Đình Phật Tử để tu dưỡng”. Đây là một sự đồng cảm, đòi hỏi bức thiết đã đến độ chín muồi. Bởi không như thế thì như Cố Hoà Thượng Thích Tâm Thanh – một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử xuất gia; là Cố Vấn của Gia Đình Phật Tử Việt Nam thường ví von: “Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử như những con tằm chỉ ăn toàn thứ lá dâu xanh, nhả tơ vàng làm đẹp xã hội. Tằm nhả hết tơ chỉ còn trơ con nhộng”. Có tu dưỡng, hành trì mới tiếp được năng lượng, để đủ nội lực hộ trì và phục vụ.
Với Đạo Pháp, qua biết bao nghịch duyên, thử thách khắc nghiệt, Gia Đình Phật Tử Việt Nam vẫn trung kiên, giữ vững lý tưởng, mục đích, trước sau như một, không vì tiền tài, danh lợi, bạo lực mà khuất phục. Đặt mình trong lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, học theo thông điệp của ngài Đệ nhất Tăng Thống: “Ai đàn áp ta, ta cầu nguyện cho họ. Ai áp bức ta, ta chúc lành cho họ”.
Với Dân Tộc, dù ở quốc nội hay ở đâu trên hoàn vũ, vẫn hướng về cội nguồn góp công, góp sức, góp tịnh tài, trí tuệ nhằm xoa dịu đau thương, hàn gắn đổ vỡ. Có sự đoàn kết, nhất định Đạo Pháp quang huy, đồng bào an lạc. Làm sao cho con em chúng ta dù ở đâu cũng không quên cội quên nguồn. Như vị Tổng Thống Pháp Jacques Chirac nói với sinh viên Việt Nam: “Đi ra thế giới nhưng đừng quên rằng chúng ta đều có một quê hương”.
Với tổ chức, những người ra đi ôm một lý tưởng màu Lam, giao vận mệnh cho biển cả phong ba, một lòng tin Phật Pháp, vượt sóng ba đào, biết bao hiểm hoạ, người mất kẻ còn, hôm nay làm sáng chói huy hiệu Hoa Sen trên thế giới. Thành quả này được đổi bằng xương máu và nước mắt, vì thế chúng ta nhất tâm chú nguyện hoá danh tánh Ân sư, Tiền bối, Bảo trợ, Cựu Huynh Trưởng, Đoàn viên Gia Đình Phật Tử quá cố vào cội nguồn tâm linh nơi Bồ Đề Đạo Tràng và ký linh vào Trung Tâm Viên Giác để đời đời kết duyên hộ trì giáo pháp. Đó là điều nhiệm mầu thứ hai.
Điều nhiệm mầu thứ ba: Chúng ta cũng dành một phút để niệm ân những người không có mặt trong Đại Hội này, nhưng chiếm một vị thế, ảnh hưởng rất quan trọng trong mỗi thành công của chúng ta, đó là các ông cha, bà mẹ, anh chị, là vợ, là chồng đã rất âm thầm nhưng rất nỗ lực gánh vác thế sự gia đình cho chúng ta an tâm, toàn tâm toàn ý chung lo Phật sự. Thật đáng trân trọng và niệm ân.
Kính bạch chư Tôn Đức – Kính thưa liệt quý vị.
Phật sự trước mắt còn nhiều, nhân lực, trí tuệ chúng ta không thiếu, mục đích chúng ta đã rõ ràng, đường lối chúng ta đúng đắn, kế hoạch được nhất trí cao. Ở chỗ chúng ta cần sự đồng cảm và thông cảm, đặt quyền lợi áo lam, sự thành công tối thượng của Gia Đình Phật Tử lên trên mỗi con người của chúng ta, nhất định Đại Hội sẽ thành công mỹ mãn.
Nguyện cầu chư vị La Hán Thánh Tăng, chư Long Thần Hộ Pháp thùy từ gia hộ để tất cả an lành, viên thành Phật sự.
Nhân danh Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ, tôi xin tuyên bố khai mạc Đại Hội.
Kính chào Tinh Tấn.