Đọc lịch sử GĐPT trên "Bách khoa toàn thư mở Wikipedia"

 

Lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện nay tuy chưa phải là vấn đề gây tranh cải – vì từ giai đoạn hình thành đến thời điểm 1975 là một pho lịch sử khá thuần nhất (dù do ai chấp bút) – Nhưng kể từ thời điểm ấy về sau, bắt đầu sẽ có những sai lệch đáng kể…

Trước hết là do GĐPT bị phân hóa bởi những nguyên nhân ngoại tại. Sau một thời gian dài các thế lực chính trị cố tình triệt tiêu tổ chức này như những người anh em của nó trước đó nhưng không thành công, họ bèn chuyển qua một chính sách củ mèm nhưng hiệu  quả: “chia để trị” ! Thế là một phần GĐPT – trong đó có cả Tăng Già và Huynh Trưởng – chấp nhận cái gọi là biện pháp “quản lý GĐPT” (của những thành phần phi GĐPT) để mưu cầu tồn tại và phát triển tổ chức (ban đầu đúng là vậy), nhưng lại không lường được sự xảo quyệt của những mưu mô chính trị, lĩnh vực mà từ  lúc khai sinh đến khi lớn mạnh GĐPT cố tránh và đã tránh được. Vậy là hình thành 2 (rồi sau này đã là 3) khối GĐPT ngay trong nước!

Giai đoạn tiếp sau đó, những mâu thuẫn nội tại bắt đầu nảy sinh do môi trường sinh hoạt rất khác xa nhau: Một, tuân phục để tồn tại theo quan điểm “tùy duyên”, “tùy quốc độ”; và một, kham nhẫn, hy sinh, chấp nhận gian khó để tồn tại trong tinh thần “tùy duyên nhưng bất biến”, “khai phóng nhưng không mất gốc”. Tuy vậy, sự thể cũng sẽ chưa lấy gì làm nghiêm trọng mấy, mâu thuẫn sẽ chưa sâu rộng mấy, nếu tình trạng “ai lo việc nấy” lúc bấy giờ, theo quan điểm của cả 2 khối – những người mới cùng chung mái nhà lam, dòng máu Phật – không bắt đầu bị ngoại nhân cấy sư tử trùng vào âm thầm đục khoét vết thương mới tinh khôi còn đang nhiễm độc trong thân thể GĐPT. Thế là hàng ngũ GĐPT bắt đầu thấp thoáng bóng dáng thành phần biến chất, xu thời, lợi dụng… chen lẫn trong thành phần cầu an, tiêu cực… để quân sư, xúi bẩy, đào sâu tận cùng sự phân hóa!

Vẫn chưa hết! Trong khi đã có 2 hệ tư tưởng đối lập không thỏa hiệp nhau được – vì mục tiêu đen tối của ngoại nhân là cố “làm cho bên nào cũng yếu” – thì lại xuất hiện dòng tư tưởng thứ 3: Bất phục và nghi kỵ! Bằng con mắt cực đoan thiển cận suy diễn, ngờ vực và phán xét mọi vấn đề, nhưng đã không những không tìm ra dược liệu nào điều trị vết thương phân hóa thì chớ, mà lại còn tính hạ gục GĐPT thêm một lần nữa bằng cách “nhân bản” – không phải từ một cơ thể khỏe mạnh, mà là một thể trạng chưa được điều trị bình phục – tạo ra một khối GĐPT thứ 3 với ý tưởng là sẽ khai tử tất cả những gì thuộc các “phiên bản” trước!

Vậy là tuy có cùng màu cờ, sắc áo, huy hiệu, văn kiện pháp quy… và dĩ nhiên là chung cùng dòng lịch sử truyền thống lâu đời, nhưng sự thống nhất – tài sản quý báu nhất của GĐPT qua các giai đoạn – từ đây không còn nửa! Không giống thời kỳ tự phát hình thành nhiều Ban Hướng Dẫn của các “Kỳ”, các Hội, mà sau đó GĐPT đã đồng lòng thống nhất lại được 1 Ban Hướng Dẫn Trung Ương duy nhất. Hiện nay từ 1 GĐPT duy nhất lại chia ra 2, rồi 3 (ai biết đâu sẽ không có 4, 5… nữa chứ?).

Bộ đồng phục thống nhất đã bắt đầu có sự thay đổi, thêm bớt. Phù hiệu, cấp hiệu thống nhất đã có thêm “râu ria”. Hệ thống phân ngành, bậc học thống nhất đã đổi khác ít nhiều. Chương trình tu học và thi cử thống nhất đã được biến tấu theo chiều hướng đưa dần vào những nội dung thuộc phạm vi “kiêng kỵ” của GĐPT từ trước đến nay. Thậm chí 2 văn bản lập quy là Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng cũng đã bị tùy tiện sửa đổi, cắt xén, thêm bớt!… Vậy thì ai dám khẳng định trang lịch sử bi hùng GĐPT sẽ không bị xuyên tạc, bóp méo? Khó mà tiên liệu phần sau (sau 1975) của sử liệu sẽ được viết tiếp như thế nào, nhưng phần trước – phần đã được tiền nhân và thế hệ Lam Viên chúng ta hiện tại khâm phục và thừa nhận bấy lâu nay – liệu có còn nguyên vẹn? Thế hệ GĐPT mai hậu liệu có còn đọc được những dòng Lam Sử chính xác, chính trực và chính sử?

Xin nhường “công án” cho tất cả Đoàn Viên GĐPT vẫn còn đang là GĐPT.

Thời kỳ GĐPT đang “tùy duyên” hòa chung vào dòng chảy tiến bộ cùng nhân loại, tôi cố đi tìm những thứ “bất biến” còn sót lại đâu đó chưa “biến chất” và bắt gặp trang này trên mạng điện toán toàn cầu, mà theo nhận định của cá nhân tôi thì tác giả chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phân hóa tổ chức. Và vì chỉ viết đến giai đoạn sau thống nhất 1964 (có thể kể là đến 1975 dù tác giả kết thúc bằng nhận định tới năm 1996) nên thiết nghĩ chúng ta có thể dùng thêm như một tài liệu tham khảo đáng tin cậy nên tôi xin mạnh dạn giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôn trọng bản quyền, tôi giữ nguyên văn từ lối trình bày đến văn phạm và chính tả. Chỉ có những lỗi đả tự sai trầm trọng mà biết chắc chính xác, đã được tôi sửa đổi đôi chút.

Cũng xin nói thêm, Wikipedia là một kiểu “Bách Khoa Toàn Thư Tự Điển Mở”, do đó từng thời điểm về sau nhất định sẽ có sự thay đổi nội dung của các thành viên tự do – được hệ thống chấp nhận dù thông tin chưa hẳn chính xác – so với thời điểm đăng tải bài này.

Xin mời quý vị bắt đầu tham khảo:

Quảng Mẫn NGUYỄN QUANG MAI

 

Biểu trưng Gia Đình Phật Tử trên Wikipedia (nguyên bản)

Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật Giáo tại Việt Nam được thành lập năm 1951, trên cơ sở các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật Giáo do Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập. Gia Đình Phật Tử Việt Nam có hơn 150.000 Huynh Trưởng và Đoàn Sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên.

A/ Thông tin:

  • Mục đích: “Ðào luyện thanh thiếu, đồng niên thành Phật Tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. (Năm 1964 – Mục đích được tu chỉnh rất gọn nhưng rất đầy đủ, được giữ cho đến ngày nay).
  • Bài ca chính thức: Sen Trắng (Nhạc: Ưng Hội, lời: Phạm Hữu Bình – Nguyễn Hữu Quán).
  • Huy hiệu: Hoa sen trắng tám cánh, trên nền tròn xanh lá mạ, viền trắng. Ba cánh dưới tượng trưng cho ba ngôi báu: Phật – Pháp – Tăng. Năm cánh trên tượng trưng cho năm hạnh của người Phật tử: Tinh tấn – Hỷ xả – Thanh tịnh – Trí tuệ – Từ bi.
  • Chào: Ấn Cát Tường (Ấn Tam Muội) chỉ áp dụng khi mặc đồng phục GÐPT. (Bàn tay mặt ngửa về phía trước, đưa ngang vai, cánh ngoài thẳng dọc với ngón cái giữ lấy ngón đeo nhẫn).

Châm ngôn: Bi – Trí – Dũng.

 B/ Lịch sử:

I. Bối cảnh:

Phật Giáo Việt Nam trong thời Pháp thuộc đã có các tổ chức sau đây:

  • Tại Nam Kỳ, năm 1931 thành lập Hội Nghiên Cứu Phật HọcHội Lưỡng Xuyên Phật Học (về sau là Hội Phật Học Nam Việt).
  • Tại Trung Kỳ, năm 1932 thành lập Hội An Nam Phật Học.
  • Tại Bắc Kỳ, năm 1934 thành lập Hội Phật Giáo Bắc Kỳ <<Bắc Kỳ Phật Giáo Tổng Hội – Nghị định số 4283 ngày 6 tháng 11 năm 1934 của nhà cầm quyền Pháp – Nguyễn Quang Mai chú thích>>.

Công cuộc chấn hưng, canh tân Phật Giáo Việt Nam không chỉ về tổ chức quản trị, giới luật tu trì của Tăng sĩ mà còn có sự tham dự hộ pháp của Cư sĩ tại gia, đồng thời đưa đạo Phật đến với tuổi trẻ. Từ đấy bắt đầu xúc tiến hình thành Ban Đồng Ấu Phật Giáo để quy tụ thanh, thiếu, đồng niên đến chùa học Phật Pháp, tụng kinh, nghe giảng giáo lý, vui hát, rước lễ dâng hoa…

Tổ chức Đồng Ấu Phật Giáo bắt đầu hình thành tại Huế và Hà Nội, về sau phát triển tới các tỉnh. Phong trào Chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, cũng như phôi thai hình thành Ban Đồng Ấu đang trên đà phát triển với cường độ thuận lợi đầy khả quan, nhưng chưa được bao lâu thì bị gián đoạn trước biến cố lịch sử và chiến tranh chống Pháp bùng nổ tại Nam Kỳ (1945), Bắc và Trung Kỳ (1946).

Đến năm 1948, Tăng-già và Cư sĩ tại ba miền, cũng như quần chúng Phật Tử tiếp nối công cuộc chấn hưng và hoằng pháp. Và đã phục hồi tổ chức Đồng Ấu trước đây với danh xưng “Gia Đình Phật Hóa Phổ“.

Đến năm 1951, cải tổ danh xưng “Gia Đình Phật Tử” với sự canh tân về cơ cấu tổ chức điều hành và các hình thức sinh hoạt.

Pháp Huệ Nguyễn Hữu Huỳnh, một thành viên khởi đầu Ban Đồng Ấu tại Huế và Huynh Trưởng hình thành tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Nam Việt thuộc Hội Phật Học Nam Việt, trong cuốn Thử tìm hiểu nguồn gốc Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã minh chứng rằng Ban Đồng Ấu là tiền thân của Gia Đình Phật Tử ngày nay.

Tháng 5 năm 1951, Đại hội Phật Giáo toàn quốc họp tại chùa Từ Đàm (Huế) để thảo luận về tương lai đạo pháp. Đại hội gồm trên 50 đại biểu Tăng-già và Cư sĩ của 6 tập đoàn Phật Giáo của ba miền gồm:

  • Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt.
  • Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt.
  • Giáo Hội Tăng Già Trung Việt.
  • Hội Phật Giáo Trung Việt.
  • Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.
  • Hội Phật học Nam Việt.

Đã quyết nghị thống nhất Phật Giáo Việt Nam với danh hiệu “Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam” và tôn thỉnh Đại lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đảm vị Hội Chủ. Đồng thời quyết nghị chấp thuận lấy bản nhạc “Phật Giáo Việt Nam” (do nhạc sĩ Lê Cao Phan, Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam sáng tác) làm nhạc lễ chính thức của Phật Giáo Việt Nam.

Sau cuộc vận động bình đẳng tôn giáo, tự do tín ngưỡng của Pháp nạn 1963 thành công. Năm 1964 Đại hội Phật Giáo toàn quốc họp tại chùa Xá Lợi, quyết nghị thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bởi một hiến chương quy định giáo chế, và cơ cấu tổ chức hành chánh, quản trị của Giáo Hội.

II. Thời kỳ sơ khai (1938-1945):

a) Tại Trung kỳ

Hoàn cảnh đất nước, từ khi Nguyễn Hoàng đặt đô thành tại Phú Xuân – Huế cho đến lúc vua Gia Long lên ngôi (1802) thì Huế – Thừa Thiên trở thành kinh đô nước Việt Nam. Những tinh hoa văn hóa, lịch sử, phong tục, tín ngưỡng tôn giáo được hội tụ tại Thuận Hóa (Huế). Cùng với lòng sùng kính của các nhà đương quyền và quần chúng Phật Tử, Phật Giáo đã thiết lập được những ngôi chùa tráng lệ và được sắc phong “Quốc Tự” (chùa Quốc Ân, chùa Thuyền Tôn, chùa Thiên Mụ, Bảo Quốc, Diệu Đế), những đạo tràng thanh tịnh đào tạo Tăng giới xuất hiện nhiều bậc tôn túc tài cao, đức trọng truyền thừa chánh pháp.

Do đó, những thập niên sau này (1960) trở đi, Huế được tán dương là “cái nôi Phật Giáo”, biểu trưng qua các thời kỳ chấn hưng, canh tân và công cuộc vận động bình đẳng tôn giáo của Pháp nạn năm 1963.

Vào khoảng năm 1938 (?), tại Huế, Ban Quản Trị Hội An Nam Phật Học (gồm Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Toàn, Bửu Bác, Lê Thanh Cảnh, Trợ Dư, Tôn Thất Tùng) nhận thấy hội đủ điều kiện thuận lợi hình thành tổ chức “Ban Đồng Ấu Phật Giáo” tại chùa Từ Đàm (Bửu Bác trực tiếp phụ trách). Bước đầu hình thành, các Đồng Ấu được chọn trong thành phần con em tín hữu thuộc giới trí thức, dòng dõi thế tộc, làm nòng cốt tổ chức. Hướng dẫn trong việc phát triển về sau tại các địa phương gồm có:

  • Các bà Công Huyền Tôn Nữ Hà và Hân (con ông Ngũ đợi Nguyễn Phúc Vĩnh Trân)
  • Các bà Mân chị, Mân em và ông Lê Đình Luân (con của Bác sĩ Lê Đình Thám)
  • Các ông Nguyễn Hữu Sanh, Nguyễn Hữu Huỳnh, Bửu Cang, Bửu Phê, Tôn Thất Ngoạn, Tôn Thất Túy, Tôn Thất Phú, Tráng Thông (con Kỳ Ngoại Hầu Cường Để), Lê Lừng, Lê Bối, Nguyễn Hữu Viện v.v…

Song hành với việc hình thành Ban Đồng Ấu, Ban Quản Trị thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục thuộc thành phần thanh niên trí thức đã vào đời với địa vị ngoài xã hội, hoặc đang là sinh viên cao đẳng, để nghe giảng luận và nghiên cứu Phật học. Ban Quản Trị gồm có: Đinh Văn Nam (nay là Hòa Thượng Thích Minh Châu), Võ Đình Cường, Phạm Quy, Lê Bối, Ngô Điền, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Hữu Quán, Lê Đình Luân, Lê Lừng v.v…

Tổ chức “Đồng Ấu” lúc bấy giờ, cơ cấu điều hành, hình thức sinh hoạt chưa có hệ thống quy củ và phát triển có tính cách địa phương, nên ít có dịp sinh hoạt chung để được gặp gỡ, liên hệ, hiểu biết nhau, ngoài trừ Họp Bạn (1942?) tại đồi thông Quảng Tế ở Nam Giao (dịp này có sự thăm viếng của phái đoàn Ban Quản Trị Hội An Nam Phật Học do Nguyễn Khoa Toàn hướng dẫn), lần thứ hai tại chùa Túy Vân thuộc vùng cửa biển Tư Hiền và lần thứ ba là Trại Họp Bạn tại Lăng Cô.

Nội dung tại các dịp sinh hoạt là học kinh, tụng niệm, rước lễ, dâng hoa trong các ngày tại đại lễ Phật Giáo, vui chơi, tập hát theo nhạc điệu cổ xưa (Kim tiền; Đăng đàn cung) và một số bài hát theo nhạc điệu Tây phương. Trang phục thì áo dài đen (nữ màu trắng), quần dài trắng học trò, về sau (1943?) mới bắt đầu có đồng phục áo chemise màu đà ngắn tay, túi có nắp, quần đùi đen dây lưng thun, mũ casque trắng, hoặc nón lá (nhất là khi đi trại), nhưng chưa đồng bộ. Các dịp đại lễ, hay hành lễ các ngày vía Phật đều được mang thêm một băng vải màu vàng, từ vai tay trái qua trước ngực chạy xéo xuống tà áo bên phải với dòng chữ màu đỏ “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.

Hệ thống điều hành lúc bấy giờ gồm:

  • Ban Phụ Trách Đồng Ấu Phật Giáo trực thuộc Ban Quản Trị Hội An Nam Phật Học.
  • Tại địa phương là Ban Đồng Ấu, do Khuôn Hội Phật Học cử một thành viên đứng tuổi, uy tín, năng động và có trình độ văn hóa liên lạc với ban phụ trách vùng (thành viên Ban Phụ Trách Đồng Ấu) để tiếp nhận các cách thức thành lập Ban Đồng Ấu Khuôn Hội.

Ban Đồng Ấu phân chia thành các Đội, Chúng. Thời này việc chiêu mộ Đoàn Sinh rất khó khăn, phần lớn là phái nam, nữ rất hiếm, ngoại trừ tại Huế và vùng phụ cận (Kim Long, Long Thọ, Vĩ Dạ, An Cựu…).

Lúc sơ khai này đã lấy hoa sen 8 cánh (không rõ tác giả thiết kế, cũng như minh định ý nghĩa) làm biểu tượng chung cho từng Đội, Chúng của Ban Đồng Ấu với màu sắc khác nhau như:

  • Đội Sen Xanh, Chúng Sen Vàng…
  • Đội Sen Hồng, Chúng Sen Trắng…

8 màu sắc đó là: Vàng, Trắng, Hồng, Xanh, Nâu, Lam, Cam, Đỏ.

Đây là mốc hình thành đầu tiên tiêu biểu cho truyền thống huy hiệu “Hoa Sen”, và bài “Trầm Hương Đốt” (cúng dường chư Phật do Bửu Bác sáng tác) ngày nay của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Thời kỳ phục hồi với danh hiệu “Gia Đình Phật Hóa Phổ”, huy hiệu Hoa Sen được chuyển thành biểu tượng truyền thống chung của tổ chức thay vì trước đây chỉ hạn hẹp trong đội, chúng…, và bản nhạc “Sen Trắng” được chọn làm đoàn ca chính thức của Gia đình Phật tử Việt Nam.

<<Thật ra tác giả huy hiệu Hoa Sen (và cả bài ca Dây Thân Ái nữa) là Lê Lừng, một Trưởng đã đóng góp nhiều công sức với Cư sỹ Lê Đình Thám trong phong trào sơ khai tổ chức và phát triển Gia Đình Phật Hóa Phổ, huy hiệu hoa sen được thiết kế và sử dụng khoảng năm 1939-1940. Sau khi Gia Đình Phật Hóa Phổ chính thức sử dụng, huy hiệu này cũng được Đoàn Thanh Niện Phật Học Đức Dục dùng nhưng thêm mấy chữ viết tắt PHÐD phía trên hoa sen – Nguyễn Quang Mai chú thích>>.

Ngoài việc học kinh nghĩa, nghi thức tụng niệm, sinh hoạt linh động về trí năng, kèm theo là làm việc thiện để phân giải cho các em thấu hiểu trong hành xử lòng từ bi, vị tha… Trong những dịp đi cắm trại, ngoài những sinh hoạt thường lệ, còn có mục làm việc thiện, như truyền bá vệ sinh, quét dọn những khu ô uế, rác rưởi, khơi mương rãnh, quy tụ các em nhỏ địa phương cùng vui hát, dự lửa trại. Thời kỳ này, các hình thức phô diễn như phù hiệu, cấp hiệu hay danh xưng các cấp điều khiển chưa có đặt ra. Vị đứng đầu Ban Đồng Ấu gọi là “Anh Phụ trách”, nếu luống tuổi thì “Bác Phụ trách”, chưa có danh từ “huynh trưởng, gia trưởng”.

Năm 1945 mọi sinh hoạt đều gián đoạn vì cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ.

b) Tại Bắc kỳ

Tại Bắc kỳ, Hội Phật giáo Bắc kỳ đã được thành lập (1934) với trụ sở tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), do Cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng và Hòa thượng Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ.

Tháng 5 năm 1945 danh hiệu được cải đổi là Hội Việt Nam Phật giáo do Hòa thượng Tuệ Tạng (Tổ Cồn) làm Hội trưởng, trong khi Tố Liên và Trí Hải được ủy nhiệm điều hành thường trực công việc.

Từ khi thành lập, ngoài việc kết hợp sơn môn, tu đính giới luật tăng sự, thiết lập đạo tràng, Phật học đường tại các tổ đình để đào tạo tăng chúng. Đồng thời các thượng tọa cùng một số cư sĩ trong ban quản trị đã thực hiện việc quy tụ thanh, thiếu, đồng niên, con em hội viên để hình thành Ban Đồng Ấu, hàng tuần chiều thứ Năm và sáng Chủ Nhật đến chùa học kinh nghĩa, rước lễ dâng hoa các ngày đại lễ, tụng niệm, sinh hoạt vui chơi, tập hát các bài hát theo điệu nhạc truyền thống dân tộc, do Cư sĩ Thiều Chửu (tác giả cuốn Hán-Việt tự điển) hướng dẫn. Đó là thời kỳ sơ khai hình thành Ban Đồng Ấu Phật giáo tại Bắc kỳ.

Năm 1946 cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, Hội cũng như tổ chức Đồng Ấu gián đoạn sinh hoạt.

III. Thời kỳ phục hồi và cải cách (1948-1953):

a) Tại Trung Việt

Năm 1948 sau những ngày tản cư và hồi cư, do khuyến khích của các giáo phẩm tăng già tại các quốc tự và các cư sĩ thành viên Ban Quản trị Hội An Nam Phật học tại Huế trong việc phục hồi tổ chức Đồng Ấu.

Từ đó đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên (1948 – 1949?) của một số anh chị đầy đạo tâm, từng suy tư về giáo dục trẻ, đã từng tham dự từ khởi đầu hình thành tổ chức Ban Đồng Ấu cũng như Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, tại biệt thự số 11 đường Nguyễn Hoàng (thời trước Rue Paul Bert). Những cuộc gặp gỡ bàn luận về sau tại Chùa Từ Đàm do Võ Đình Cường đảm trách cùng với Lê Cao Phan, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu, v.v.

Sau thời kỳ gặp gỡ hội bàn và hoạch định các hình thức sinh hoạt, phục hồi tổ chức với đường hướng cải cách nội dung cũng như hình thức, đồng thời lấy danh hiệu là “Gia đình Phật Hóa Phổ” thay danh xưng “Đồng Ấu Phật Giáo” của thời kỳ sơ khai trước đây, dưới sự bảo trợ, cố vấn giáo lý của các thầy:

  • Thích Minh Châu (nay là Hòa thượng).
  • Thích Thiên Ân (viên tịch tại Hoa Kỳ).
  • Thích Đức Tâm, Thích Chân Trí.
  • Thích Trí Không v.v.

Từ đây đã thành lập hai đơn vị đầu tiên là Gia đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện do Phan Cảnh Trí làm gia trưởng và Gia đình Phật Hóa Phổ Gia Thiện do Nguyễn Văn Phiên làm gia trưởng, và tổ chức bắt đầu sự cải cách cơ cấu điều hành, chương trình tu học, các hình thức sinh hoạt như:

  • Đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu.
  • Chia hai ngành nam, nữ.
  • Chia đơn vị đội, chúng, đoàn, gia đình.
  • Tổ chức trại huấn luyện cho đoàn viên và huynh trưởng.

Sau đó, tổ chức Gia đình Phật Hóa Phổ ngày càng phát triển sâu rộng khắp các chùa và khuôn hội tại Huế tới nông thôn, rồi Đà Nẵng, Đà Lạt, Quảng Trị, Quảng Bình, Nha Trang, Phan Thiết. Và thiết lập các trại huấn luyện ngành các cấp và huynh trưởng, bầu cử ban hướng dẫn cấp địa phương và Trung Việt.

Năm 1949, Ban hướng dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên Huế được thành lập với thành phần:

  • Trưởng ban: Lê Cao Phan
  • Các thành viên: Tráng Thông, Võ Đình Cường, Phan Xuân Sanh, Lê Văn Dũng, v.v.

Các năm tiếp theo, tổ chức Gia đình Phật Hóa Phổ tại Trung Việt đã phát triển khắp các tỉnh (như nêu trên), từ thành thị đến huyện, xã với đội ngũ huynh trưởng được đào tạo qua các trại huấn luyện A Dục.

Trước sự phát triển rộng khắp ấy, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chung, nên Gia đình Phật Hóa Phổ đã triệu tập cuộc họp tại trụ sở Hội Phật Học Trung Việt (đường Nguyễn Hoàng) bầu Ban hướng dẫn Trung Việt Gia đình Phật Hóa Phổ (1951) gồm:

  • Trưởng Ban: Võ Đình Cường
  • Các thành viên: Lê Cao Phan, Lê Mộng Đào, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Hoàng thị Kim Cúc, v.v.

Ngày 6 tháng 5 năm 1951 Đại hội Thống Nhất Phật Giáo 3 miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, lấy danh hiệu “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”. Trong dịp này, khóa huấn luyện huynh trưởng đầu tiên do Ban hướng dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên Huế được ủy nhiệm đảm trách tổ chức, với sự tham dự của huynh trưởng ba miền, lấy tên “Trại Kim Cang” và thành phần tham dự trại gồm:

  • Ban Trại trưởng: Võ Đình Cường, Lê Cao Phan, Lê Văn Dũng, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, v.v.
  • Thành phần trại sinh:

– Bắc Việt: Lê Vinh, Đặng Văn Khuê, Trần Thanh Hiệp, v.v.

-Nam Việt: Nguyễn Hữu Huỳnh.

– Trung Việt: Đa số.

Đến năm 1954 Gia đình Phật tử tại Thừa Thiên Huế và số lớn các tỉnh ở Trung Việt và Cao Nguyên đã tiến triển khả quan, với cơ cấu tổ chức quy củ, các kỹ năng sinh hoạt và tu học hoàn chỉnh, cũng như một lực lượng huynh trưởng đông, đầy đạo tâm và khả năng.

Từ đó, trở nên khuôn mẫu trong việc canh tân và phát triển, hướng đến thống nhất toàn diện tổ chức Gia đình Phật Tử Việt Nam (tại miền Nam Việt Nam) sau ngày đất nước bị qua phân hai miền Nam, Bắc.

b) Tại Bắc Việt

Năm 1946 cuộc chiến tranh Đông Dương (Việt Namgọi là Chiến tranh chống Pháp) bùng nổ, mọi hoạt động của Hội Việt Nam Phật giáo bị gián đoạn.

Năm 1947, Hội phục hồi hoạt động, Cư sĩ Bùi Thiện Cơ được bầu làm hội trưởng, Thượng tọa Thích Tố Liên làm Phó hội trưởng Ban Quản trị. Thượng tọa thành lập tại chùa Quán Sứ một nhi viện nuôi dưỡng khoảng 200 trẻ em mồ côi, và mở trường tiểu học Khuông Việt.

Do có sự quan tâm đặc biệt trong giáo dục đối với tuổi thiếu sinh, Thượng tọa kết tập các em mồ côi với học sinh Khuông Việt cùng các Đồng Ấu thành đoàn ngũ lấy danh xưng là “Gia đình Phật Hóa Phổ”, ủy nhiệm Đặng Văn Khuê xây dựng, trông nom Gia đình Phật Hóa Phổ sơ khởi này.

Vào khoảng năm 1949 – 1950 Gia đình Phật Hóa Phổ lớn mạnh, đã phân chia thành đoàn, đội, chúng và chia thành hai ngành nam nữ do các huynh trưởng phụ trách. Đồng thời thành lập đơn vị Gia đình Phật Hóa Phổ Minh Tâm là đơn vị đầu tiên tại chùa Quán Sứ dưới sự bảo trợ, cố vấn giáo lý của Đại đức Thích Thanh Kiểm (cố Hòa thượng) và Đại đức Thích Tâm Giác (cố Hòa thượng), với thành phần huynh trưởng gồm có:

  • Gia trưởng: Đạo Hữu Viên Quang.
  • Liên đoàn trưởng: Lê Vinh.
  • Ủy viên: Trần Thanh Hiệp.
  • Đoàn trưởng Thiếu nam: Đặng Văn Khuê.
  • Đoàn trưởng Thiếu nữ: Tuệ Mai.
  • Đoàn trưởng Đồng nam: Đỗ Văn Tuyển
  • Đoàn trưởng Đồng nữ: Trần Thị Ngọ.

Tiếp đó thành lập Gia đình Liên Hoa, Minh Đạo, Từ Quang, Phả Quang và phát triển rộng lớn đến Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Yên v.v.

Tháng 5 năm 1951 Đại hội Phật giáo ba miền họp tại chùa Từ Đàm, Huế, đã quyết nghị thống nhất Phật giáo với danh hiệu Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Song hành với dịp đại hội này, trại huấn luyện Kim Cang được tổ chức nhân các huynh trưởng cấp tỉnh trở lên của ba miền về dự Đại hội Thống nhất Phật giáo đã hội thảo tiến tới thống nhất hình thức tổ chức, sinh hoạt đoàn thể Phật tử (Gia đình Phật Hóa Phổ). Phái đoàn huynh trưởng Bắc Việt được cử về dự gồm có các trưởng: Tâm Thiết Trần Thái Hồ (Lê Vinh), Thông Phương Đặng Văn Khuê và Chân Quang Trần Thanh Hiệp.

Qua các cuộc hội thảo và trại huấn luyện Kim Cang danh xưng “Gia đình Phật Hóa PhỔ” được cải đổi thành danh xưng Gia đình Phật tử Việt Nam. Sau đó nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, canh tân và hướng dẫn, Hội Việt Nam Phật Giáo thành lập Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Bắc Việt để điều hành các đơn vị của Gia đình Phật tử tại Bắc Việt với các thành phần như sau:

  • Trưởng ban: Nguyễn Văn Nhã.
  • Phó trưởng ban: Lê Vinh, Tuệ Mai.
  • Ủy viên: Trần Thanh Hiệp, Lê Văn Lãm, chị Ni v.v.

Tháng 1 năm 1953 phái đoàn đại biểu Gia đình Phật tử Bắc Việt gồm có Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Chị Ni, Tuệ Mai, Diệu Minh và Ty được cử vào dự Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc họp tại chùa Từ Đàm, hội thảo các dự án thành lập nội quy, chương trình tu học và sinh hoạt thống nhất.

Gia đình Phật tử tại miền Bắc ngày càng phát triển khắp đến Phúc Yên, Hải Dương, Hà Đông, Bắc Giang. Các khóa huấn luyện huynh trưởng lưu động được tổ chức tại mỗi tỉnh, hạt.

Năm 1953 Trại Bồ Đề I (huấn luyện đội, chúng trưởng và đoàn phó) được tổ chức tại Phúc Yên do Bùi Ngọc Bách làm trại trưởng. Trong khoảng thời gian này lại được thêm các trưởng Nguyễn Minh Hiền, Phạm Mạnh Cương từ Huế ra Hà Nội học, đã tăng cường thêm sức cho các hoạt động Gia đình Phật tử tại Bắc Việt.

Đầu năm 1954, trại họp bạn Vô Ưu được tổ chức tại chùa Voi Phục (Láng, Hà nội), qui tụ tất cả các Gia đình Phật tử các tỉnh cùng về dự, và do trưởng Nguyễn Minh Hiền làm trại trưởng. Đây là trại họp bạn sau cùng đánh dấu sự phát triển và lớn mạnh của tổ chức Gia đình Phật tử tại Bắc Việt, và sau đó nhận lấy sự qua phân hai miền Bắc – Nam bởi Hiệp định Genève.

Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Miền Bắc, tổ chức Gia đình Phật tử hoàn toàn giải thể. Tính đến nay (2008) ngoài Bắc vẫn không có lấy một đơn vị nào cả.

c) Tại NamViệt

Hoàn cảnh Nam Việt từ 1947 trở về trước khác với Bắc và Trung Việt, về sau mặc dầu đã có xu hướng và ý định tiến đến hình thành tổ chức Gia đình Phật tử, song không đủ nhân sự chuyên trách, cũng như thông hiểu hình thức và nội dung tổ chức.

Đến năm 1951, cơ duyên thuận lợi cho công cuộc Thống nhất Phật giáo ViệtNam, sau gần 3-4 thế kỷ bị phân ly do chính sách thống trị và ngược đãi của thực dân Pháp. Đại hội Thống nhất Phật giáo ba miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm gồm có 5 tập đoàn tăng già và cư sĩ:

  • Giáo hội Tăng già Bắc Việt.
  • Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt.
  • Giáo hội Tăng già Trung Việt.
  • Hội Phật giáo Trung Việt.
  • Hội Phật học Nam Việt.

Phái đoàn Hội Phật học Nam Việt do Đại Đức Thích Quảng Minh làm hội trưởng, trưởng phái đoàn và các thành viên gồm có:

  • Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền, tổng thư ký Hội Phật học Nam Việt
  • Đạo hữu Pháp Huệ Nguyễn Hữu Huỳnh, phó tổng thư ký Hội Phật học Nam Việt
  • Đạo hữu Trần Khoan Hậu

Pháp Huệ Nguyễn Hữu Huỳnh về dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam với tư cách thành viên phái đoàn Hội Phật học Nam Việt. Song ban trưởng trại huấn luyện Kim Cang dò biết vị đại biểu trẻ nhất phái đoàn Nam Việt có phong độ năng động, linh hoạt, hầu như đã từng trải về sinh hoạt thanh niên, và chính là một đồng hương Huế, đang là một huynh trưởng Hướng đạo tại Sài Gòn, nên đã tìm cách vận động, thúc đẩy tham gia trại Kim Cang, để tiến tới hình thành tổ chức Gia đình Phật tử tại Nam Việt (tại khóa tu học Anoma của Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm 1993, Trưởng Hồng Liên Phan Cảnh Tuân, giảng viên, cho biết hồi đó Trưởng phải chạy từng bộ đồng phục lam cho Trưởng Huỳnh để dự khóa huấn luyện).

Vốn sẵn dòng máu truyền thống Phật Giáo và đã đến với Ban Đồng Ấu thuộc Hội An Nam Phật Học từ ngày đấu thành lập (1938) và vào sinh sống ở Sài Gòn hạ niên 1940, Trưởng Pháp Huệ chấp nhận dự trại huấn luyện.

Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo bế mạc, và Khóa huấn luyện Kim Cang kết thúc, Trưởng Huỳnh trở về Nam Việt với nỗi lòng hân hoan đấy phấn khởi: Sự thống nhất Phật Giáo và tổ chức Gia Đình Phật Tử kết chặt “Tình Lam con Phật” nhằm canh tân và phát triển Gia Đình Phật Tử khắp ba miền.

Với cảnh trạng ấy, đã đáp ứng được nỗi đam mê, ước vọng của Trưởng Huỳnh trong việc giáo dục Thanh, Thiếu Đồng niên hướng thiện, theo tinh thần đạo Phật. Từ đó với bao kiến thức sẵn có, cùng với những tài liệu thu nhập được ở Khóa Huấn luyện Kim Cang, Trưởng Huỳnh đã dành hết thời gian và trí tuệ, quyết tâm thành lập bằng được tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Nam Việt.

Trước khi tiến hành thành lập, Trưởng Pháp Huệ nhận thấy trong BQT Hội Phật Học có bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, phó hội trưởng là người có đủ điều kiện về cơ sở vật chất (nhà cửa, phương tiện) và nhân lực (con cháu đông đúc) làm nhân, tác động hình thành tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Sài Gòn để dần dần lan rộng đến các tỉnh.

Trưởng liền tìm đến tiếp xúc với bác sĩ Thọ trình bày mục đích, ý nghĩa tổ chức Gia Đình Phật Tử đối với Đạo, và giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên hướng thiện theo tinh thần Đạo Phật. Đồng thời trình bày đầy đủ về hình ảnh sinh động, hòa vui cũng như chương trình tu học và sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, được Bác Sĩ Thọ thông cảm và tâm đắc khuyến khích đôn đốc Trưởng Huỳnh: – Đạo hữu nên mau tiến hành, Ban Quản trị Hội và tôi luôn ủng hộ. Bác sĩ liền giao biệt thự số 31 Nguyễn Thông (công xá được cấp theo công vụ), và con cháu trong gia quyến (gồm 28 nhân lực) làm khởi điểm hình thành Gia Đình Phật Tử tại Sài Gòn.

Từ đây một mình Trưởng Pháp Huệ Nguyễn Hữu Huỳnh đảm trách mọi vai trò, vừa là người huynh trưởng hướng dẫn, vừa là một đoàn sinh. Từ tổ chức thành đội ngũ, giảng dạy Phật Pháp; tập hát; các trò chơi; các chuyên môn sinh hoạt thanh niên: gút, morse, dấu đi đường; vạch chương trình sinh hoạt định kỳ; cho đến việc chiêu mộ thêm đoàn sinh…

Trong vòng thời gian gần ba tháng, các em đoàn sinh đã tiếp thu cách thức sinh hoạt, thuộc các bài hát: “Phật Giáo Việt Nam thống nhất”, “Trầm hương đốt”, “Dây thân ái”, “Dòng Anôma”, và đã thuộc kinh cùng nghi thức hành lễ Sám hối. Trưởng liền tổ chức Lễ ra mắt, thành lập Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm tại mặt tiền sân thượng tư gia bác sĩ Chánh Tâm Nguyễn Văn Thọ. Lễ ra mắt đơn vị đầu tiên này trước sự chứng giám của Chư Tăng, và Ban Quản trị Hội Phật Học gồm có:

– Thầy Đạt Từ, Thầy Quảng Liên (nay là Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức, Thủ Đức).

– Toàn thể thành viên Ban Quản Trị Hội Phật Học Nam Việt.

Chứng kiến lễ ra mắt, Thầy Quảng Liên đã hân hoan khen ngợi và khuyến khích mau chóng cho phát triển tổ chức Gia đình Phật tử để hướng dẫn tuổi trẻ đến với Chánh Pháp. Từ đó tổ chức Gia đình Phật tử họ Chánh lần lượt hình thành tại Sài Gòn và mau chóng lan tới các tỉnh ở Nam Việt.

Vào khoảng năm 1950, Trưởng Nguyễn Văn Thục thành lập Gia Đình Phật Tử Chơn Trí Sài Gòn sinh hoạt tại chùa Sùng Đức Chợ Lớn, sau đó chuyển về chùa Pháp Quang (gần sân vận động Renaul, sau này là sân Thống Nhất) đổi danh xưng là Gia Đình Phật Tử Chánh Giác, thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

Năm 1953 Trưởng Tống Hồ Cầm ở Đà Lạt xuống Sài Gòn (Trưởng Huỳnh cho biết 1951, Trưởng là thành viên phái đoàn Phật Học Nam Việt về dự Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo ba miền tại chùa Từ Đàm, Huế được quen biết Trưởng Tống Hồ Cầm (phái đoàn Trung Việt) và đạo hữu Viên Quang (phái đoàn Bắc Việt), mà cả hai cùng Trưởng Huỳnh đều là thành viên Ban Thư Ký đoàn của Đại Hội, cũng như đã làm quen tại Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng đầu tiên của Trại Kim Cang) Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt nhờ Trưởng Tống Hồ Cầm làm trung gian hợp nhất hai Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm và Chánh Giác thành Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo thuộc Hội Phật Học Nam Việt.

“… Năm 1950 sau cơn ly tán tập hợp lại, tái lập tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ dưới sự hướng dẫn của chú Minh Châu, anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, chị Hoàng Thị Kim Cúc…” “… như một đóa sen vươn cánh nở từ khắp đất thần Kinh. Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên được thành lập. Lúc bấy giờ ở Sài Gòn anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục tổ chức Gia Đình Phật Tử trực thuộc Hội Phật Học Nam Việt, lúc này còn rất nghèo ở Chùa Phước Hòa …” (sách Người Áo Lam, sứ mệnh Gia Đình Phật Tử của Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền, Ủy viên Tu thư Ban Hướng Dẫn Trung Ương nhiệm kỳ I, 1964 – 1966).

Trại Kim Cang 1951, chỉ có Đại biểu Gia đình Phật hóa phổ Trung và Bắc Việt, Nam Việt chưa có Gia đình Phật hóa phổ nên anh Nguyễn Hữu Huỳnh Đại biểu phái đoàn Hội Phật Học Nam Việt được mời dự trại Huấn Luyện Huynh Trưởng như một Đại Biểu Gia đình Phật hóa phổ Nam Việt dự trại Huấn Luyện như đã nói ở phần trên.

Đến năm 1958, Hội Phật Học Nam Việt thành lập Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT thuộc Hội Phật Học Nam Việt, chỉ định Trưởng Tống Hồ Cầm Trưởng Ban, Trưởng Nguyễn Văn Thục Phó Trưởng Ban. Ban Hướng Dẫn nầy bổ sung một số Ủy viên, Trưởng Nguyễn Hữu Huỳnh giữ chức Ủy viên Hoạt Động Thanh Niên và Xã Hội.

IV. Thời kỳ cải cách theo hướng thống nhất (1953-1964):

a) Tiến trình phát triển và xây dựng:

Qua Đại Hội tháng 05/1951, cùng với Trại Huấn Luyện Kim Cang đầu tiên là cơ duyên mở đầu tinh thần thống nhất, và canh tân cơ cấu tổ chức điều hành, chương trình tu học và các hình thức sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Việt Nam, thuộc Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Do đó, đã dẫn đến Đại Hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc diễn ra vào tháng 01/1953 tại Huế, gồm có 63 Đại Biểu Huynh trưởng chính thức của ba miền.

Kết quả Đại Hội đã thành lập Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, và quyết nghị chấp thuận một nội quy và chương trình tu học, cùng hình thức sinh hoạt thống nhất toàn quốc.

Sau Đại Hội 1953, Gia Đình Phật Tử ba miền đã tỏ rõ sự trưởng thành và quy củ từ cơ cấu tổ chức đến điều hành, tu học, sinh hoạt, các hình thức phô diễn, đến việc đào tạo hàng ngũ Huynh Trưởng qua các khóa huấn luyện, làm nền tảng cho sự xây dựng và phát triển trong tương lai, nhằm tiến tới sự thống nhất toàn diện.

Qua năm 1954, Hiệp định Génève phân chia đất nước thành hai miền Nam, Bắc.

b) Gia đình Phật tử tại miền Nam Việt Nam (1955-1975 Trung và Nam Việt, từ Quảng Trị tới Cà Mau)

Đến năm 1955 Tổ chức Gia Đình Phật Tử Nam Việt đã hình thành và phát triển khả quan tại Đô Thành Sài Gòn – Gia Định và lan rộng tới các tỉnh Biên Hòa, Cần Thơ, Mỹ Tho (Định Tường), Vĩnh Long (Long Xuyên)…

Hiệp định Genève chia đất nước ta thành hai miền Nam, Bắc. Năm 1955, đồng bào miền Bắc thuộc mọi thành phần nói chung, trong đó có đồng bào Phật Giáo và Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử nói riêng, di cư vào định cư tại Sài Gòn Gia Định và một số Tỉnh thuộc Nam Việt và ở Trung Việt.

Từ bấy giờ Tổ chức Gia Đình Phật Tử tại Nam Việt có thêm hai hệ thống của hai Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bắc Việt tại Miền Nam:

– Một thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt đặt trụ sở tại Chùa Giác Minh đường Phan Thanh Giản (nay Điện Biên Phủ).

– Thứ hai, thuộc Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt đặt trụ sở tại Chùa Phước Hòa đường Phan Đình Phùng (nay Nguyễn Đình Chiểu).

Trong cảnh đất nước chia cắt Bắc -Nam, tạo ra những phức tạp, xáo trộn không tiên liệu được. Bởi vậy, ở thời gian giao thời lúc đầu không tránh khỏi những ngộ nhận và trở ngại trong hoạt động. Vì sự điều hành hoạt động và quản trị khác nhau, do thống thuộc mỗi tập đoàn Phật giáo, và không được sự chỉ đạo chung, bởi một Ban Hướng Dẫn toàn quốc theo tinh thần Đại Hội 1953.

Tuy vậy, vẫn có sự quan hệ “Tình Lam, con Phật”, và hình thức tổ chức, tu học vẫn theo nội quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Nhằm tạo hòa khí trước những ngộ nhận, dao động của giao thời và kết liên “Tình Đạo, Tình Lam”, Trưởng Huỳnh đã liên hệ Gia Đình Phật Tử Minh Tâm thuộc Hội Việt Nam Phật giáo (Bắc Việt) cùng Trưởng Hồng Liên Phan Cảnh Tuân thành lập Đoàn Huynh trưởng A Dục. Mục đích của Đoàn nhằm trao đổi kinh nghiệm, bồi bổ kiến thức trong vai trò Huynh Trưởng phụng sự Đạo Pháp, và hòa đồng hoạt động xây dựng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh đương thời.

Vào cuối năm 1960 nhằm kết liên tình Lam, đoàn Huynh trưởng A Dục do các Trưởng Nguyễn Hữu Huỳnh Phan Cảnh Tuân hướng dẫn đã thăm Đà Lạt & giao lưu với GĐPT địa phương.

Nhờ sự quan hệ thắm thiết “Tình Lam, con Phật”, dầu sự thống nhất khác nhau, song cùng một lý tưởng phụng sự Đạo Pháp và xây dựng tổ chức Gia Đình Phật Tử ViệtNam.

Năm 1958, Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt ký Quyết định Thành Lập Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử thuộc Hội Phật Học Nam Việt, chỉ định Trưởng Tống Hồ Cầm Trưởng Ban, Trưởng Nguyễn Văn Thục Phó Trưởng Ban. Từ đây, tại Nam Việt có ba Ban Hướng Dẫn:

  • Ban Hướng dẫn GĐPT Hội Phật Học Nam Việt.
  • Ban Hướng dẫn GĐPT Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam.
  • Ban Hướng dẫn GĐPT Hội Việt Nam Phật Giáo.

Cuối năm 1960, sau cuộc họp sơ bộ tại chùa Linh Sơn Đà Lạt, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Ủy Viên Thanh Niên Phật Tử Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, vào Sài Gòn họp với Đại Đức Ủy Viên Thanh Niên và một số Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Bắc Việt tại chùa Giác Minh. Các phiên họp này nhằm mục đích tìm phương thức đi đến thống nhất sự chỉ đạo các Gia Đình Phật Tử.

Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, đầy tế nhị của Thượng Tọa Ủy Viên Thanh Niên Phật Tử, cùng sự kết hợp Tình Lam qua Đoàn Huynh Trưởng A Dục bấy giờ, là một phần nhân tố duyên lành, dẫn đến Đại Hội Huynh Trưởng Toàn quốc họp tại Chùa Xá Lợi, từ ngày 26 tới 28-12-1961 bầu cử Ban Hướng Dẫn toàn quốc (như tinh thần Đại Hội 1953) gồm đủ thành phần Đại diện Bắc Trung Nam như:

  • Trưởng Ban: Thượng Tọa Thích Thiện Hoa.
  • Phó Ban ngành Nam: Tống Hồ Cầm.
  • Phó Ban ngành Nữ: Hoàng Thị Kim Cúc.
  • Tổng Thư Ký: Trần Quang Thuận.
  • Phó Tổng thư ký: Cao Chánh Hựu.
  • Thủ quỹ kiêm Đại diện Gia Đình Phật Tử Bắc Việt: Đạo Hữu Nguyễn Đức Lợi.

Kể từ đây trở đi tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Namthể hiện tinh thần đoàn kết vững chắc với một ý chí xây dựng và củng cố hàng ngũ, phát huy đức tính Bi, Trí, Dũng phụng sự Đạo Pháp.

Do đó, đã trở thành một lực lượng kiên cường với trí tuệ trong sáng, góp phần vào công cuộc đòi hỏi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, theo Giáo lệnh của Đức Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và của Ủy Ban Liên phái bảo vệ Phật Giáo năm 1963.

V. Thời kỳ thống nhất dưới Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất:

Năm 1964, sau cuộc vận động tự do tín ngưỡng, bình đẳng Tôn Giáo của Pháp nạn năm 1963, Đại hội Phật Giáo họp tại chùa Xá Lợi, gồm sáu tập đoàn tăng già và cư sĩ Bắc Trung Nam và Giáo hội Phật giáo Nam Tông (Nguyên thủy), đồng nhất quyết nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với bản văn Hiến chương ấn định giáo chế, cơ cấu tổ chức điều hành Giáo hội gồm 2 viện: Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo (gồm có các Tổng vụ và các vụ).

Đồng thời đặt Gia Đình Phật Tử thuộc Tổng vụ Thanh niên, trực nhiệm GĐPT vụ viện Hóa Đạo.

Chiếu Hiến Chương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tháng 06/1964, Gia Đình Phật Tử đã tiến hành đại hội Huynh trưởng toàn quốc họp tại trường Trung học Gia Long (Sài Gòn), bầu cử Ban Hướng dẫn Trung Ương, quyết nghị nội quy, quy chế Huynh Trưởng và các chương trình tu học, sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử Việt Nam thống nhất.

Từ đây, tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ cấp Ban Hướng Dẫn Trung Ương, xuống Ban Đại diện Gia Đình Phật Tử Miền, đến Ban Hướng Dẫn cấp Tỉnh phân định thành bảy miền:

  • Vạn Hạnh (Bắc Trung phần).
  • Liễu Quán (Nam Trung phần).
  • Khuông Việt (Cao Nguyên Trung phần).
  • Khánh Hòa (Đông Nam phần).
  • Quảng Đức (Thủ Đô Sài Gòn).
  • Vĩnh Nghiêm (Phật tử Bắc Việt).
  • Khánh Anh (Hậu Giang Nam phần).
  • Huệ Quang (Tiền Giang Nam phần) về sau được bổ sung thêm.

Cấp Miền có Ban đại diện Gia Đình Phật Tử Miền. Cấp Tỉnh có Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Tỉnh. Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm ngang cấp Ban Hướng Dẫn Tỉnh. Cấp Quận có Ban Đại diện Gia Đình Phật Tử Quận.

Sau năm 1964, Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã cường thịnh về mọi mặt, tổ chức điều hành cùng chương trình tu học, theo đúng mục đích: Học Đạo và giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên theo tinh thần luân lý Đạo phật, do chư bậc tôn đức Tăng già và chư vị Cư Sĩ uyên bác – Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám – tiền bối sáng lập.

Cho nên, dù trong cảnh huống nào Gia Đình Phật Tử vẫn giữ đúng truyền thống thuần túy Đạo Phật với hạnh nguyện Tự Giác, Giác Tha để phụng sự Đạo pháp và kết liên “Tình Lam” con Phật.

C/ Nhận định:

Từ phôi thai hình thành “Ban Đồng Ấu Phật Giáo” qua “Gia đình Phật Hóa Phổ” kết thành “Gia đình Phật Tử” dù trải qua bao trở lực khó khăn. Tổ chức Gia Đình Phật Tử vẫn đứng vững và trưởng thành trong sự dưỡng dục, đùm bọc của chư tôn đức Tăng già, Cư sĩ giáo phẩm Phật giáo Việt Nam; theo truyền thống Phật giáo và mục đích giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên hướng thiện theo tinh thần đạo Phật.

Trong hơn 50 năm (1938-1996) trong tu học và trong phụng sự đạo Pháp, Huynh Trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đã có những đóng góp quang minh, đầy trí tuệ theo ánh sáng giác ngộ của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật.

Qua những dữ kiện diễn tiến hình thành từ sơ khai “Ban Đồng Ấu” đến danh hiệu “Gia Đình Phật Tử Việt Nam” ngày nay có thể được minh chứng và khẳng định “Ban Đồng Ấu” là tiền thân của “Gia Đình Phật Tử Việt Nam”.

oOo

Tài liệu tham khảo:

  • Quyển Hội Phật Học NamViệt.
  • Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng, Trường đào tạo Huynh Trưởng A-DẬT-ĐA biên soạn 1964.
  • Đặc san Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, 1995.
  • Thử tìm hiểu nguồn gốc Gia Đình Phật Tử Việt Nam, của Trưởng Pháp Huệ Nguyễn Hữu Huỳnh 1995 cùng thư trao đổi của Anh Lê Lừng với trưởng Nguyễn Hữu Huỳnh.
  • Người Áo Lam – Sứ mệnh Gia Đình Phật Tử của Trưởng Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền, Ủy Viên Tu Thư Ban Hướng Dẫn Trung Ương nhiệm kỳ 1964-1966.
  • Gia đình Phật Tử cương yếu và tổ chức của cố Trưởng Huynh Cấp Dũng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ, Ủy viên Nghiên Huấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
  • Đạo Phật Hiện đại hóa của Hòa Thượng Nhất Hạnh.
  • ANÔMA, Tài liệu Khóa Tu học Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Tổ Đình Vĩnh Nghiêm, năm 1993.
  • Phật giáo Việt Nam.
  • Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
  • Chương trình tu học bậc Hướng thiện.