Đời Sống Trại – anh/chị là ai?

A. MỞ:

3 chữ “Đời Sống Trại” gợi lên cho anh chị em chúng ta rất nhiều ý nghĩa: Đời sống ở trại, khác với sống ở nhà, ở truờng, ở công sở v.v… vì sống gần gũi thiên nhiên. Huynh Trưởng phụ trách sinh hoạt chung, gạch nối giữa Ban Quản Trại và Trại Sinh v.v… Ở đây xin được giới hạn trong phạm vi nói về Huynh Trưởng phụ trách Đời Sống Trại nên xin thêm vào 1 chữ “người”: “Người Đời Sống Trại”.

Thật ra, trước hết và trên hết, khi chưa đuợc huấn luyện đặc biệt, chúng ta đều là những Huynh Trưởng bị bắt buộc phải đa năng, đa hiệu, đa dụng, nghĩa là phải ở trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, từ tập sự Thư Ký đơn vị, đến Chăn Đàn, coi Đoàn Thiếu Nam, Thiếu Nữ khi các Đoàn thiếu cả Đoàn Trưởng lẫn Đoàn Phó… nghĩa là “thiếu đâu điền vào đó” không khác gì một thầy giáo PHỤ trong một trường học.

Vì thế, người Đời Sống Trại, trước hết và trên hết, là một Huynh Trưởng với những đức tính của một Anh/Chị Trưởng hướng dẫn đàn em của mình tu học; sau đó là những đặc tính về chuyên môn, về tay nghề v.v…

B. NGƯỜI ĐỜI SỐNG TRẠI, ANH/CHỊ LÀ AI?

1. Là một nhà giáo dục; một Huynh Trưởng huấn luyện viên:

+ CÓ TƯ CÁCH TÁC PHONG ĐẠO ĐỨC THẬT TỐT: Ngoài tư cách và tác phong gương mẫu của người Huynh Trưởng mà chúng ta đã biết trong nội dung trại huấn luyện A Dục, người ĐST còn phải trau giồi đặc biệt những đức tính sau đây: Hết sức khiêm tốn, cẩn trọng và bao dung bởi vì hơn ai hết người ĐST luôn luôn tiếp xúc với các anh chị lớn hơn mình về tuổi tác về cấp bậc… (nên phải hết sức nhỏ nhẹ, khiêm tốn), luôn phải đối diện và giải quyết những vấn đề hết sức tế nhị, có khi giữa các Trại Sinh, có khi giữa BQT và Trại Sinh (cho nên phải hết sức cẩn trọng) và phải thường xuyên trông coi, để ý theo dõi Trại Sinh của mình, những người đang được huấn luyện và cũng thường xuyên phạm sai lầm (cho nên người ĐST phải biết tha thứ, bao dung).

Ngoài ra, người ĐST luôn giữ cho mình một sự quân bình trong Tâm (tâm bình, khí hoà) vì những công tác ở trại của người ĐST là luôn luôn “động” nhưng xử lý các tình huống, giải quyết các vấn đề lại đòi hỏi một sự tĩnh lặng, tập trung cao độ… nói cách khác, người ĐST của GĐPT rất cần THIỀN trong đời sống, không chỉ “thiền” theo thời khóa biểu mà gần như “sống thiền” – phong cách an nhiên tự tại của người ĐST chính là bài học rất hay cho Trại Sinh.

+ CÓ TRÌNH ĐỘ VÀ KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN:

– Trình độ & khả năng về văn hoá, tư tưởng: mặc dù GĐPT nói riêng, tổ chức giáo dục Phật Giáo nói chung không chủ trương chú trọng văn bằng, khoa cử nhưng người Huynh Trưởng GĐPT phải có trình độ văn hoá và tư tưởng tương đối để có thể tiếp nhận Phật pháp, mới có vốn liếng trao truyền cho các em, cũng như có căn bản để học hỏi, nghiên cứu những vấn đề về kiến thức tổng quát hay chuyên môn khác, ví dụ:

  • Có kỹ năng về những sinh hoạt GĐPT.
  • Nhạy bén trong sự  nắm bắt những ưu tư của Trại Sinh.
  • Nhạy bén trong việc giải quyết những vấn đề chung và riêng.
  • Có những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc làm cho trại hưng phấn, lớp học sinh động, các buổi hội thảo sôi nổi…
  • Biết học hỏi trong mọi lúc: vừa trao truyền vừa học hỏi cũng là một năng khiếu của người ĐST; nhiều anh chị em Trại Sinh có những khả năng chuyên môn đặc biệt mà qua trao đổi, liên lạc, nguời ĐST có thể học hỏi, tìm hiểu để nâng cao trình độ của mình.

– Về giảng huấn: mặc dù đã có Khối Giảng Huấn của trại nhưng sự hổ trợ của ĐST rất lợi ích và cần thiết, nếu không Khối Giảng Huấn nói riêng, toàn trại nói chung, không làm chủ thời gian được, không khí trại sẽ uể oải, trể nãi… và đưa đến PHẢN TÁC DỤNG GIÁO DỤC, HUẤN LUYỆN; ngoài ra, người ĐST có thể giúp anh chị em Khối Giảng Huấn biết được những đề nghị yêu cầu của Trại Sinh mà vì lý do tế nhị Trại Sinh không đưa ra Ban Quản Trại.

2. Là một nhà giáo dục mới (giáo dục tuổi trẻ theo tinh thần Phật Giáo) của một nền giáo dục Phật Giáo: Đó là 1 nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng:

  • Thế nào là 1 nền giáo dục nhân bản (Humanity)? Nghĩa là con người được giáo dục phải biết mình là ai – ví dụ như người Phật Tử thì biết mình là sự kết hợp của 12 nhân duyên, hay mình là một hợp thể của 5 uẩn v.v…
  • Thế nào là một nền giáo dục dân tộc (Nationality)? Nghĩa là giáo dục cho chúng ta biết nguồn gốc của mình, ông bà tổ tiên mình là ai? Đất nước của mình nằm ở đâu? Lịch sử dân tộc mình như thế nào? v.v…
  • Thế nào là 1 nền giáo dục khai phóng (Liberal)? Nghĩa là dạy cho con người biết mở mang trí tuệ và tâm thức, biết tiếp thu những tinh hoa của thế giới, những thành quả của khoa học hiện đại, và biết mở rộng lòng ra đón những ngọn gió mới làm cho cuộc đời tươi mát hơn chứ không chỉ khư khư ôm lấy quá khứ của mình, dòng họ mình, dân tộc mình, chấp chặt vào những định kiến… để trở nên lạc hậu

Phật Giáo đã có mặt trên 2500 năm nhưng quan điểm giáo dục của Phật Giáo cho đến thế kỷ 20 nhân loại mới theo kịp, nền giáo dục toàn diện trên thế giới hiện nay phải hội đủ 3 yếu tố trên đây – điều này đức Phật đã nói cách đây hơn 2 thế kỷ.

3. Là một Huấn Luyện Viên: Xuyên qua nghề ĐST, “thấy” được giáo lý “Một là Tất Cả, tất Cả là Một”: Người ĐST với những phẩm chất đạo đức, khả năng chuyên môn của mình, đã từng sống đời sống ở Trại, gần với thiên nhiên, tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên, với vũ trụ rộng lớn, hưởng được những niềm vui từ cây cỏ, suối ngàn, sông, biển, trăng thanh gió mát… đã có kinh nghiệm về đời sống tập thể, tư tưởng tình cảm vô tư trong sáng cao thượng do Tình Đồng Đội đem lại, học được nhiều bài học về vô thường vô ngã, khi đối diện với trời cao biển rộng, sẽ có nhiều kinh nghiệm bản thân để trao truyền cho trại sinh của mình về:

  • Lợi ích của nếp sống thiên nhiên.
  • Những bài học từ thiên nhiên.
  • Những khó khăn phải vượt qua nhờ sự tháo vát, tinh thần đồng đội, tính kỷ luật v.v…
  • Bạn với ta là một.
  • Vũ trụ với ta là một.

4. Người ĐST là người nắm rõ mục đích huấn luyện:

  • Nắm vững Nội Quy – Quy Chế Huynh Trưởng.
  • Đào tạo những con người kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp (kế thừa truyền thống là cao nhất): sống trong chánh niệm, giữ giới, tôn trọng Luật Đoàn, kính trên nhường dưới…
  • Đào tạo những con người sống tốt 2 đời sống (cuộc sống bình thường và đời sống tâm linh): người Huynh Trưởng GĐPT có đến 2 gia đình: một là gia đình thế gian gồm cha mẹ, vợ/chồng, con cái… hai là GĐPT; chúng ta phải chăm lo 2 gia đình ấy và xem trọng như nhau; nếu ta chỉ biết GĐPT mà bỏ bê Gia đình thế gian là ta thiếu bổn phận làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, làm con v..v.. Ngược lại, nếu ta chỉ biết gia đình thế gian mà bỏ bê GĐPT thì ta đã không hoàn thành sứ mệnh của người Huynh trưởng Áo Lam đối với đàn em của mình, tuổi trẻ Phật giáo VN ở hải ngoại rồi!
  • Mở rộng tầm nhìn (về con người, về tổ chức, về vị trí của người Huynh trưởng huấn luyện viên và đối tượng huấn luyện): người ĐST nhờ có Phật Pháp hiểu được về con người ngủ uẩn, một cơ chế vô ngã, và vô thường nên không quá nuông chiều thân này, trái lại dùng nó để phục vụ, để sống có lợi ích cho tha nhân.

Vị trí người HTr. huấn luyện viên nói chung, người ĐST nói riêng và đối tượng huấn luyện của mình là vị trí của anh em/chị em với mục đích trao truyền mà không phải là nhồi nhét; yêu thương tha thứ bao dung chứ không phải sát phạt, đối phó, thù hằn v..v..

5. Người ĐST là sợi chỉ xuyên suốt kết nối tất cả các thành viên của Trại, từ BQT đến trại sinh:

+ NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐST: chịu trách nhiệm trước BQT và trại sinh:

– Về sinh hoạt:

  • Vật chất (ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh v..v..) đáp ứng những nhu cầu của trại sinh
  • Sức khỏe (thuốc men, dự phòng cấp cứu v..v.. ): quan tâm hàng đầu đến sức khỏe, vệ sinh về ăn uống, ngủ nghỉ của trại sinh
  • Học tập: quan tâm đến những trại sinh yếu về văn hóa, về sức khỏe v..v..

– Về thi cử, ôn tập: giúp trại sinh bằng cách theo dõi các buổi giảng để có thể phụ đạo cho trại sinh không theo kịp. Vấn đề không phải cần thi đậu, trúng cách mà là sự cố gắng, nổ lực tinh tấn tự thân của trại sinh.

+ PHÂN BIỆT CHÂN DUNG “NGƯỜI ĐỜI SỐNG TRẠI” của các trại từ nhỏ đến lớn: Tuyết Sơn, Anoma – Ni Liên, Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang.

  • Đối với Trại HL Đội/Chúng trưởng Tuyết Sơn, Anoma – Ni Liên: Trại sinh của Trại này đều còn non nớt, nhưng đang thời kỳ phát triển về cả thể lẫn trí nên rất hăng hái, ham học hỏi… Đây là trại huấn luyện đầu đời của cấp lảnh đạo nhỏ nhất nhưng quan trọng nhất, căn bản nhất, cần một người Đời sống Trại am tường trong chuyên môn và già dặn trong tâm lý để các em trại sinh thấy mình được ưu ái, săn sóc, không cô đơn lạc lỏng. Đây cũng là Trại huấn luyện gồm những Đội Chúng Trưởng Đầu/Thứ Đàn được lựa chọn, xuất sắc của các Đơn vị nên tương đối các em sinh hoạt rất sinh động, hứng thú và rất biết vâng lời BQT; vì vậy người ĐST vừa rất thân ái với trại sinh cũng vừa nghiêm túc, thưởng phạt công minh; Trại này được hướng dẫn theo tinh thần Hòa Tin Vui đối với Trại sinh Tuyết Sơn và tinh thần Bi Trí Dũng đối với trại sinh Anôma Ni Liên – Tình Thương, Tinh tấn (+ Trí tuệ) và Kỷ luật. Người ĐST xử sự trong sinh hoạt cũng như trong khi chơi Trò Chơi lớn, cố gắng hướng các em trại sinh đến những mục tiêu này. Tâm lý ngành Thiếu là tâm lý phức tạp nhất nên người ĐST của Trại Anôma NiLiên cũng là một người đặc biệt, biết “cương” biết “nhu” biết “tiến” biết “thoái” biết “động” biết “tĩnh” v..v.. tùy theo trường họp để có thể chế ngự “những con ngựa chứng trên đất trại” (theo tâm lý “có tài có tật” của những nam/nữ trại sinh thiếu niên tính tình đặc biệt, “sáng nắng chiều mưa buổi trưa sương mù” rất khó chiều chuộng) Tuy nhiên, những huấn luyện đầu đời này in đậm vào tâm tư các em, rất có ích cho các em và cho tổ chức; nếu được huấn luyện tốt, các em sẽ là những viên gạch chắc, tốt, xây nền móng cho nhà Lam vững bền sau này. Đó là lý do vì sao phải chọn người ĐST giỏi, vừa giỏi tâm lý, vừa nhanh nhẹn, thông minh, nhiều sáng kiến, áp dụng nghiêm túc Luật Trại lại vừa cởi mở, bao dung đối với trại sinh.
  • Đối với Trại Lộc Uyển: Đây cũng là một Trại huấn luyện với thành phần trại sinh phức tạp về tuổi tác (có người 18 tuổi nhưng cũng có người trên 28 tuổi, đã có gia đình con cái nữa) về trình độ văn hoá và khả năng (nghề nghiệp chuyên môn ngoài đời, thâm niên trong tổ chức v..v..) Phần đông là học sinh Trung học và đại học cho nên lớp trẻ thường năng động hơn, xuất sắc hơn về nhiều mặt. Bên cạnh đó có những thành phần như “bạn Đoàn” hay giáo viên dạy Việt ngữ nhưng muốn làm quen với đời sống HTr. v..v.. thì hơi xa lạ với những sinh họat GĐPT, một số có những khả năng chuyên môn đặc biệt nên ban đầu có thái độ tự mãn, xem thường môn học trong chương trình huấn luyện. Người ĐST Lộc Uyển là một Huynh trưởng có khả năng thiện xảo trong nhiều bộ môn, biết khéo léo cho những trại sinh “tự mãn” những bài học kín đáo mà “nhớ đời” để đối trị với thái độ coi  thường một vài giảng viên hay vài môn được truyền dạy trong chương trình.  Những bài học “ngoại khóa” của người ĐST, vì vậy, đôi khi có tác dụng gấp nhiều lần những bài giảng chính khóa trong phòng học. Ngoài ra, trại Lộc Uyển là trại đầu đời của người Huynh trưởng, tinh thần chịu đựng, khắc phục khó khăn là chủ yếu. Người ĐST chính là người “dạy” cho trại sinh những điều đó qua nghệ thuật điều khiển của mình, dưới hình thức những trò chơi, những công tác mà trại sinh không ngờ đó chính là thực tập, rèn luyện sức chịu đựng, tính nhẫn nại v..v.. của mình. Để phụ tá cho mình, người ĐST biết sử dụng lực lượng HTr. trẻ, giỏi, đa năng đa hiệu mà khiêm tốn, vận dụng khả năng của họ đề ra những công tác (làm mà chơi, chơi mà làm) để nâng cao tinh thần trại.
  • Đối với Trại A Dục: Trại sinh của trại A Dục tương đối hoàn chỉnh, về cả khả năng chuyên môn lẫn tư cách tác phong nên công việc của ĐST ở đây tương đối nhẹ nhàng hơn đối với Lộc Uyển. Người trại sinh A Dục mang trên mình những sắc thái riêng của đơn vị mình, khả năng chuyên môn riêng của bản thân mình, nên người ĐST được bắt gặp ở đây những phong cách mới, những hiểu biết mới, những chuyên môn đa dạng; hơn hết trong các trại nào khác, người ĐST vừa dạy vừa học, vừa trao truyền vừa tiếp nhận những sở trường của những huynh trưởng trại sinh xuất sắc từ khắp nơi hội tụ về; vì vậy trại A Dục nên tổ chức tập trung chứ không nên tổ chức riêng lẻ từng Miền, để BQT được biết những tinh hoa của các Miền qua lực lượng trại sinh tham dự trại A Dục. Người ĐST không phải học hỏi bằng cách “sao chép” từ các trại sinh mà là biết biến những cái đó thành sở trường của mình, làm cho ngay chính tác giả cũng  khó nhận ra, đó chính là nghệ thuật “vừa dạy vừa học” của người ĐST A Dục. Nhiệm vụ chủ yếu của người ĐST A Dục là khơi dậy ý thức trách nhiệm nơi Trại sinh, khơi dậy nguồn cảm hứng nơi họ để từ đó có thể làm bộc lộ những khả năng đặc biệt của họ, và mình có thể khai thác, vận dụng vào các công việc chung. Về phẩm chất và cấp bậc, người ĐST của trại A Dục phải là một Huynh trưởng cấp Tín hay đã qua trại huấn luyện HT cấp 2 Huyền Trang, là một huynh trưởng mẫu mực của Đơn vị, của tổ chức.
  • Đối với Trại  Huyền Trang: Trại sinh Huyền Trang hầu hết là trên 25 tuổi đời, là những Liên đoàn trưởng tương lai, đã từng là giảng viên hay ban viên BQT trong những trại dưới, cho nên khả năng chuyên môn và kiến thức tổng quát của họ nói chung là phong phú và đa dạng. Ở đây, người ĐST cũng vừa dạy vừa học nơi những trại sinh của mình và hơn thế nữa, là tấm gương để trại sinh nhìn vào, noi theo. Nói cách khác, người ĐST trong bất cứ Trại huấn luyện nào cũng phải lấy thân giáo làm đầu, vì hình ảnh người huynh trưởng ĐST đối với trại sinh chính là hình ảnh tiêu biểu của BQT. Trong sinh hoạt dân chủ của Trại Huyền Trang, người ĐST là người đại diện BQT phối hợp công tác với Hội đồng Trại sinh (HĐTS) và cùng chịu trách nhiệm về sinh hoạt của Trại trong ngày – Mỗi ngày đều bầu lại HĐTS. Tuy nhiên bắt đầu ngày thứ 2 mới có HĐTS, còn ngày đầu tiên, công việc của ĐST rất nặng nề: phải lo ổn định đời sống, phải tạo một nề nếp, một không khí hưng phấn cho Trại để làm mẫu mực cho những ngày kế tiếp. Và bắt đầu ngày thứ hai, tuy công việc điều khiển không còn trực tiếp nữa nhưng ĐST vẫn phải quan tâm đến những buổi bầu cử HĐTS, sao cho không khí “vận động bầu cử” thật sinh động và hào hứng. Ngoài ra, hằng ngày người ĐST phải luôn theo dõi, nhắc nhở để HĐTS thực hiện thời khóa biểu đúng giờ, theo dõi tình hình học tập và thi cử của trại sinh v..v.. cũng như vẫn phải quan tâm về ăn uống, sức khoẻ của trại sinh y như ở các Trại dưới. Nhìn chung nhiệm vụ người ĐST Huyền Trang rất nặng nề, đòi hỏi người ĐST phải là một HTr. cấp Tấn hay một HTr. cấp Tín thâm niên, có uy tín đối với Tổ chức, có trình độ và khả năng chuyên môn về nhiều mặt. Điều đáng chú ý là người ĐST tuy không có khóa giảng chính thức nhưng chính là người thường xuyên giảng dạy, trao truyền cho trại sinh của mình nhiều bài giảng không cần có tên gọi, thích hợp với hoàn cảnh lúc đó, tình huống lúc đó nên sống động và hấp dẫn vô cùng, đánh mạnh vào tâm thức trại sinh có khi còn hơn những bài giảng chính khóa.

C. KẾT:

Người Đời Sống Trại gương mẫu không chỉ là người biết cầm còi, biết vạch những trò chơi lớn đặc sắc, biết cho những trò chơi nhỏ thật hào hứng hay biết điều khiển một buổi lửa trại thật sinh động… mà còn là người nắm tinh thần của toàn Trại. Một trại, bất cứ là Trại họp bạn, hay trại chu niên, đặc biệt là Trại huấn luyện… thành công hay thất bại nếu không hoàn toàn do người Đời Sống Trại thì cũng trên 50% do trách nhiệm của người ấy mà ra. Ở Hoa Kỳ chúng ta, thường có Khối Sinh Hoạt, hay Ban Sinh Hoạt  hay Trại Phó Sinh Hoạt… nên vai trò của Đời sống Trại hình như “lu mờ” hơn ở Việt Nam; tuy thế nhiệm vụ của người Đời Sống Trại cũng rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi người ĐST nhiều quan tâm vô cùng tế nhị và một trình độ  chuyên môn rất cao của “nghề Trưởng”.

Mỗi Huynh Trưởng là một viên ngọc của tổ chức, một viên ngọc với nhiều khả năng còn “nằm ngủ” mà qua trại huấn luyện, những khả năng ấy mới được khai mở, đánh thức, để người huynh trưởng trở thành sắc bén hơn, năng động hơn, trong chuyên môn của mình, đóng góp nhiều cho Tổ chức, dìu dắt đàn em trong tương lai. Như người xưa đã nói:

Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài,
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Chúng ta hãy sẵn sàng để được huấn luyện, để những tài năng còn tiềm ẩn đó có dịp được nở ra, để chúng ta có thể phục vụ hữu hiệu hơn, tốt hơn, hay hơn cho đàn em thân yêu của mình.

Tâm Minh – GĐPTVN Tại Hoa Kỳ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.