Gia Trưởng – Bác là ai?

Vào đề…

TVGĐPT – Đây là một bài viết khá sát với thực tế sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT) do anh TÂM THƯỜNG (GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) gởi đăng. Không cần liệt kê những chức vụ lớn hơn Gia Trưởng mà anh từng đảm nhiệm mà điều quan trọng thú vị là anh từng đảm trách khá lâu dài và tại nhiều địa phương cương vị Gia Trưởng GĐPT.

Tuy bài viết có những chỗ còn phải tranh luận nhiều, nhưng tôn trọng tác giả và cũng để thu thập được nhiều hơn những ý kiến của anh chị em Lam Viên về tư cách pháp nhân và trách nhiệm của chức vụ quan trọng nầy trong giai đoạn GĐPT chúng ta đã và đang chuyển tiếp – chứ chưa kết thúc…

TỪ NHỮNG: Bác Gia Trưởng, Đạo hữu Gia Trưởng là một Cư sĩ từ 30 tuổi trở lên, có uy tín trong Ban Ðại Diện Giáo Hội ở cấp Xã, Phường, Chi hay Khuôn và hiểu biết về GÐPT, do Ban Huynh Trưởng mời và được sự đồng ý của Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã. Hoặc là một Liên Ðoàn Trưởng từ 30 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban Ðại Diện Giáo Hội cấp Xã, Phường, Chi hay Khuôn có thể kiêm chức Gia-Trưởng (theo chương II, điều 7, khoản D, mục 1, phần a, b Nội Quy GĐPTVN).

THÀNH: Anh/Chị Gia Trưởng (danh xưng chưa xác lập bởi văn kiện chinh thức) vì Gia trưởng cũng – và đương nhiên – là Huynh Trưởng (theo như thực tế đã áp dụng được lâu nay).

Do vậy tôi chuyển tải lại dưới đây hoàn toàn nguyên văn bài viết, chỉ điều chỉnh đôi chút sơ xuất không đáng kể phần đả tự và trình bày.

Quang Mai – Thư Viện GĐPT

GIA TRƯỞNG – BÁC LÀ AI?

I/ Cách đây mấy năm tôi có đọc quyển “Liên Đoàn Trưởng, Anh Chị là ai?”của Huynh Trưởng HOÀNG (tôi quên tên họ đầy đủ vì cho người ta mượn rồi thất lạc) và gần đây lại đọc luận văn kết khóa của trại sinh Huyền Trang Quảng Nghiêm (chưa đăng hết) về đề tài: “Vai trò Liên Đoàn Trưởng đối với sự thịnh suy của tổ chức” đăng trong nội san “Sen Trắng” số 8 ra ngày 01.03.2005 của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN. Tôi có vài điều thắc mắc xin nêu ra sau đây để rộng đường dư luận đồng thời ước mong các Anh Chị có trách nhiệm trong GĐPT cho ý kiến.

Nói đến vai trò, trách nhiệm của người Liên Đoàn Trưởng trước khi GĐPTVN thực hiện việc chia ngành thì những điều trình bày trong hai tài liệu trên không có gì đáng nói. Nhưng kể từ khi việc chia ngành nam nữ sinh hoạt riêng thì vai trò, trách nhiệm không những của người Liên Đoàn Trưởng mà ngay cả vị Gia Trưởng cũng đã có sự thay đổi.

Tuy nhiên, trên thực tế sinh hoạt, tôi nhận thấy hầu hết các đơn vị đều còn áp dụng lề lối cũ như hai tài liệu trên trình bày, nhất là vấn đề trách nhiệm lãnh đạo. Một lý do phổ biến mà các đơn vị nêu ra là vì Huynh Trưởng nữ yếu nên ngành nam phải bao sân. Nhưng thiết nghĩ, bao sân cũng chỉ nên trong một phạm vi nào đó. Người Liên Đoàn Trưởng không thể là người lãnh đạo và điều hành một đơn vị Gia Đình thay Bác Gia Trưởng được. Trái lại, người Liên Đoàn Trưởng chỉ có trách nhiệm trong phạm vi Liên Đoàn của mình mà thôi. Trong luận văn của trại sinh Quảng Nghiêm viết: “Liên Đoàn Trưởng là người lãnh đạo công việc của toàn Ban Huynh Trưởng, thực hiện nhiệm vụ giáo dục Đoàn Sinh, là người ban hành các quyết định, là người điều hành, là một nhà giáo dục và chịu trách nhiệm toàn thể công việc trong Gia Đình…” Lớn thật! Xin xem kỷ lại Nội Quy anh ơi!

Mỗi đơn vị Gia Đình có đến hai Liên Đoàn Trưởng, ai là người lãnh đạo Gia Đình và ai chịu trách nhiệm đây?

Tôi nhớ trong một tài liệu hội thảo do Ban Hướng Dẫn Miền Khánh Hòa ấn hành năm 1974 với đề tài: “Vai trò Bác Gia Trưởng” mà tôi đọc được cách đây cũng đã mấy chục năm, đã phân tách rạch ròi vai trò, trách nhiệm của Bác Gia Trưởng và sau đó là các chức danh liên quan đến Ban Huynh Trưởng từ sau ngày GĐPT được chia ngành.

Không lý sau mấy chục năm chia ngành, GĐPTVN vẫn sinh hoạt theo lề lối cũ? Liên Đoàn Trưởng – như hai tài liệu trên – là người lãnh đạo, điều động, huấn luyện, chịu trách nhiệm việc thịnh suy…, nghĩa là làm tất cả việc của Gia Đình, còn Bác Gia Trưởng chỉ đặt ra ngồi chơi xơi nước, làm bù nhìn cho vui sao?

Theo thiển ý, Liên Đoàn Trưởng là người có nhiệm vụ điều động, huấn luyện và chịu trách nhiệm… trong phạm vi Liên Đoàn của mình mà thôi. Đối với Gia Đình, công việc nầy phải là của Ban Huynh Trưởng mà người có trách nhiệm cao nhất là Bác Gia Trưởng.

Mỗi đơn vị Gia Đình, Bác Gia Trưởng là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm mọi mặt với Ban Hướng Dẫn liền kề, chịu trách nhiệm với Giáo Hội địa phương, với Phụ Huynh và Đoàn Sinh của mình.

Lại nữa, Liên Đoàn Trưởng hai ngành cùng với Thư Ký và Thủ Quỷ là những cánh tay của Gia Trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sự điều động của Bác Gia Trưởng trong chức danh và nhiệm vụ của mình đồng thời chịu trách nhiệm chuyên môn đối với (ngành) Ban Hướng Dẫn cấp trên liền kề.

Như vậy, công việc điều hành một đơn vị Gia Đình không bị chồng chéo, dẫm đạp lên nhau và như thế sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.

II/ Cũng đã từ lâu, mỗi lần đem bản Nội Quy ra đọc, tôi vẫn thấy có một cái gì đó không ổn, không thống nhất là ở điều 7 liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Huynh Trưởng Gia Đình.

– Nhiệm vụ – Liên lạc: Điều 7 Nội Quy viết: … D. Cấp Gia Đình:

1) Gia Trưởng:
a) …
b) …
c) Thu nhận Đoàn Sinh vào Gia Đình.
d) Thay mặt Ban Huynh Trưởng về mặt đối ngoại liên quan đến GĐPT, thi hành Nội Quy và cùng với Ban Huynh Trưởng. Chịu trách nhiệm trước BHD Tỉnh hay Thị xã.

Nhìn qua những quy định trên chúng ta thấy Gia Trưởng không phải là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm toàn diện của một đơn vị Gia Đình trước sự thịnh suy của nó. Bằng chứng là phần đối nội, Nội Quy quy định Liên Đoàn Trưởng làm hết. Gia Trưởng là người đứng đầu đơn vị Gia Đình mà nhiệm vụ chỉ làm một phần nữa công việc của Gia Đình, nghĩa là chỉ làm phần đối ngoại và một ít công việc khác. Như vậy có đúng là người lãnh đạo của một đơn vị, của một tổ chức hay không?

2) Liên Đoàn Trưởng:
a) Điều động Ban Huynh Trưởng. (Trong Gia Đình có đến 2 LĐT thì ai là người điều động BHT đây?)
b) Thi hành chỉ thị của BHD tỉnh. (Thế thì Gia Trưởng không có chức trách thi hành chỉ thị của BHD sao?)
c) Báo cáo sinh hoạt hàng tháng… (LĐT nào báo cáo? LĐT Nam hay Nữ? Báo cáo sinh hoạt của Gia Đình hay của Liên Đoàn? Nếu là báo cáo của Gia Đình thì Thư Ký Gia Đình làm gì?)
d) …………………………………

Còn Thư Ký và Thủ Quỹ làm việc và nhận chỉ thị của Gia Trưởng hay Liên Đoàn Trưởng?

Việc chia ngành trong GĐPT đã có hiệu lực thi hành từ năm 1964, nghĩa là đã trên 40 năm, thế nhưng sự sinh hoạt, điều hành và quản trị vẫn không thay đổi. Tại sao?

Vẫn biết rằng trong hiện tại Nội Quy chưa có điều kiện tu chỉnh, nhưng trên thực tế chúng ta có thể uyển chuyển áp dụng các thay đổi cần thiết bằng những bản văn mang tính chất pháp quy nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tổ chức và đúng với tinh thần ý nghĩa của sự chia ngành trong GĐPT.

Các Anh Chị Trưởng là Gia Trưởng – hiện nay tại các Gia Đình hầu hết các Gia Trưởng đều là Huynh Trưởng có cấp đảm nhiệm – có buồn không khi thấy mình “thất nghiệp” giữa bộn bề công việc của tổ chức?

Theo thiển ý và cũng là sự đồng tình của tôi đối với những điều ghi trong tài liệu hội thảo của miền Khánh Hòa năm 1974 như nói ở đoạn trên:

1. Gia Trưởng:
a) Người lãnh đạo và chịu trách nhiệm về đối ngoại cũng như đối nội của một đơn vị Gia Đình.
b) Thi hành chỉ thị của Ban Hướng Dẫn tỉnh hay thị xã.
c) Thu nhận Đoàn Sinh.
d) Điều động Ban Huynh Trưởng Gia Đình.
e) Báo cáo sinh hoạt của Gia Đình.
f) …………………………………..

2. Hai Liên Đoàn Trưởng (cánh tay mặt của Gia Trưởng):
a) Thi hành chỉ thị của Gia Trưởng và BHD tỉnh hay thị xã.
b) Điều động BHT/Liên Đoàn mình.
c) Tổ chức huấn luyện, trại… thuộc phạm vi Liên Đoàn mình.
d) Báo cáo sinh hoạt của Liên Đoàn.
e) …………………………………..

3. Thư Ký và Thủ Quỹ (cánh tay trái của Gia Trưởng):
a) Thi hành chỉ thị của Gia Trưởng.
b) Lập báo cáo sinh hoạt của Gia Đình.
c) Làm văn thư gởi đi.
d) Lưu trữ, quản thủ hồ sơ, văn thư gởi đến, gởi đi.
e) Lập sổ sách kế toán và kế hoạch thu chi của Gia Đình.
g) Giữ tiền quỹ và báo cáo tình hình thu chi của Gia Đình.

Như vậy, sự sinh hoạt và quản trị của Gia Đình không bị dẫm đạp lên nhau và vị Gia Trưởng sẽ không cảm thấy mình là người thừa, chỉ ngồi ở nhà, năm thì mười họa có các lễ lớn mới có mặt với Gia Đình.

Chúng ta không nên để tình trạng này kéo dài làm tiền lệ cho những sai lệch (nếu có) sau này trở thành trầm trọng hơn.

Mong lắm thay!

Sài Gòn, Hạ năm Ất Dậu – 2005
TÂM THƯỜNG