DÙ PHẬT XUẤT HIỆN HAY KHÔNG XUẤT HIỆN
PHÁP TÁNH VẪN VẬY
Pháp thoại của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
trong lễ kỷ niệm Phật Đản PL. 2550 trên hệ thống Aksadhatu Institute.
(Thích Nữ Quảng Đoan lược ghi).
oOo
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính thưa quý Thầy, quý Sư Cô và các Phật Tử.
Hôm nay, chúng ta vào đây để làm lễ kỷ niệm Phật Đản. Tuy buổi lễ tổ chức trong phạm vi phòng học nhỏ thế này nhưng nghi thức vừa được cử hành rất trang trọng. Lớp học của chúng ta bị gián đoạn một thời gian dài, nhưng cái phòng học này vẫn quen thuộc với chúng ta.
Vào đây, tôi có cảm giác là ở đây chúng ta đang dấn thân vào một môi trường đấu tranh. Ngoài cái phòng học mà chúng ta đang nói còn có rất nhiều phòng học khác; có hàng chục, hàng trăm cái và hàng trăm, hàng nghìn người chen chúc nhau trong cái không gian rất nhỏ trên mạng lưới toàn cầu này. Môi trường đấu tranh ở đây rất khốc liệt. Ngay trong phạm vi mà chúng ta đang nói đây, với không khí được cảm nhận là trang nghiêm này; thì bên ngoài kia còn có vô số những tiếng nói khác: tốt có, xấu có, thiện có, ác có, cao thấp sang hèn… đủ mọi thứ trên đời. Ngay cả trong những giảng tòa Phật Pháp qua mạng lưới toàn cầu này vẫn có những sự cạnh tranh với nhau; Đạo tràng này cạnh tranh với Đạo tràng kia, tuy rằng cùng hướng đến một mục đích được nghĩ tưởng là giảng truyền Phật Pháp. Nó cho chúng ta thấy có một quy luật khó mà vượt qua được – Đó là sự cạnh tranh để tồn tại; cạnh tranh bên ngoài, cạnh tranh cả trong nội bộ. Những quy luật cạnh tranh, va chạm, tiếp xúc và tan vỡ, đó là những định luật của pháp hữu vi buộc chặt chúng ta trong thế giới hận thù, nghi kỵ. Bằng trí tuệ hữu lậu, chúng ta không thể nghiệm được bản chất ấy của pháp hữu vi; nên khi dấn thân vào đời, chúng ta tự biến mình thành một nhân tố của đấu tranh ở đời; khiến cho trường đời đấu tranh càng trở nên khốc liệt hơn nữa!
Những người học Phật như chúng ta đến với Phật Pháp để tìm sự an lạc. Có điều, tất cả chúng ta đều trải qua một chiêm nghiệm rằng, cái an lạc mà chúng ta tìm thấy có lẽ quá ít, trái lại những cái phiền muộn, hay nói cách khác là những sân si phiền muộn, những cái đó còn quá nhiều chung quanh chúng ta. Nguyên do bởi đâu?
Chúng ta học Phật, chưa thể học với cái tâm vô lậu được, mà còn phải học với cái tâm hữu lậu; đó là điều tất nhiên vì khi tất cả chúng ta còn là phàm phu. Tâm hữu lậu là cái mà đụng tới vật gì thì nó làm cho vật đó càng thêm vấy bẩn. Như mang cái khăn bẩn mà lau chùi thì không làm cho đồ vật sạch hơn, mà trái lại càng làm cho bẩn thêm. Chúng ta nói là mình học đạo và phụng sự đạo nhưng thực tế là đang làm rối đạo!
Đức Phật sau khi thành đạo, trước khi thuyết pháp, Ngài nói thế này: “Dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện thì pháp giới này vẫn thường trú; pháp trụ, pháp vị vẫn như vậy.” Đó là pháp tánh thâm sâu mà trí phàm phu của chúng ta không thể hiểu hết. Nhưng điều cơ bản nhất mà Đức Phật nói: Luật thế gian là vậy, thiện ác, xấu tốt đều theo quy luật của nó. Đó là luật quan hệ duyên khởi, quan hệ giữa cái này với cái kia. Cũng đất, đá, cát sỏi đó, nhưng với bàn tay thiện nghệ thì chúng được sắp đặt trong mối quan hệ khéo léo để làm nên những tượng thánh, nhưng với những bàn tay thiếu tài năng thì chỉ làm thành những cái chướng mắt kỳ quái mà thôi!
Trong này, khi chúng ta suy nghĩ việc làm của mình, khi chúng ta đi vào học Phật, đi vào những môi trường đạo tràng, hầu hết đều mong rằng môi trường của chúng ta được êm đẹp và đem lại sự an lạc cho mọi người. Nhưng tới một lúc nào đó, bất chợt chúng ta thấy rằng chính mình cũng trở thành đối tượng của mọi tranh chấp và là nguyên nhân của mọi tranh chấp, là đầu mối của bất an. Có ai suy nghĩ để thấy mình đang sai lầm và sai lầm từ chỗ nào? Rất tiếc, chúng ta không thấy được điều đó, mà quy trách nhiệm cho người, cho hoàn cảnh.
Chúng ta học Phật, phải nên như người mới học cắm hoa. Thầy dạy thế nào, người học làm theo thế ấy, cho đến khi thành thạo, nắm vững nguyên lý nghệ thuật và bản chất của hoa. Không phải tất cả chúng ta đều có đủ trí tuệ vô lậu để thực hành Phật Pháp, nhưng lại thường xuyên viện lý “tùy duyên bất biến” để rồi tùy tiện hành xử, khiến cho những lời dạy của Phật được hiểu lệch lạc, dẫn ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác!
Hy vọng rằng, chúng ta học những điều Phật dạy không phải là chấp chặt chữ nghĩa, nhưng trước khi chưa nắm vững được chữ nghĩa thì khoan tự giải thích theo ý mình. Chúng ta đã biết, truyền thống Trung Hoa thường theo truyền thống Thiền, “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” – coi văn tự chỉ là phương tiện. Song, các Tổ Sư cũng dạy lại câu nói mà chúng ta cần suy gẫm: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan” – căn cứ theo kinh mà giải thích từng chữ, từng nghĩa thì đó là chúng ta vu oan cho ba đời Chư Phật; và “ly kinh nhứt tự tiện thành ma thuyết” – rời kinh một chữ để mà giải thích theo ý mình thì cái đó trở thành ma thuyết. Không học Phật, không đọc kinh điển, làm theo kiến thức nông cạn của mình, mà tự nghĩ rằng ta đang phụng sự Phật Pháp bằng phương tiện tùy duyên để đấu tranh với đời, thế thì cũng khó mà biết được cái nào tà, cái nào chánh, cái nào ma, cái nào Phật? Thôi thì cứ tạm thời bằng lòng với trí tuệ thấp kém của mình; cố hiểu theo văn tự rồi sau mới tự giải thích, tới một lúc nào đó đủ khả năng thì mới “tùy duyên bất biến”. Bằng phương tiện, chúng ta tùy theo duyên, tùy theo hoàn cảnh mà thực hiện Phật Pháp. Song để đạt đến trình độ “tùy duyên bất biến” thì chúng ta phải biết rằng, trong quá trình tu chứng, chúng ta phải trải qua hai a-tăng-kỳ kiếp, đến a-tăng-kỳ kiếp thứ ba mới đạt đến địa vị “tùy duyên bất biến” của hàng Bồ-tát. Cho nên, chúng ta phải thận trọng với cái tùy duyên bất biến này. Nếu không, như trong thực tế, chúng ta đã thấy rồi, đa số nói “tùy duyên bất biến” mà thực chất là biến hết. Vì tâm ta đang là đất bùn chứ không phải kim cang bất hoại. Đất, đá, sỏi, cát… tùy theo bàn tay của con người, nó biến thiên hình vạn trạng, biến thành thánh, biến thành phàm, không có cái gì là không biến, tùy theo điều kiện mà nó biến hóa; chỉ trừ khi đạt đến Phật tánh, thấy rõ chân tâm thì lúc đó mới nói được rằng “tùy duyên bất biến”.
Đấy là điều mà chúng ta mượn giáo lý Phật, mượn chữ nghĩa rồi giải thích theo ý mình, làm theo ý mình và cho rằng đó là chân lý. Chính chỗ này, chúng ta tạo ra những va chạm không thể tránh được, biến trường học Phật thành trường tranh chấp quyền lợi như thế gian. Điều này, chúng ta cần phải nghĩ lại; mỗi người trong chúng ta đều có đóng góp vào đó một phần.
Trong buổi lễ Phật Đản hôm nay, quý Thầy, quý Cô và quý Phật Tử dành cho tôi vài phút để nói chuyện. Tôi cũng không có điều gì để nói nhiều hơn, chỉ lập đi lập lại những điều chúng ta đang học, có thể là chắp lại những điều mà chúng ta đã học. Chỉ mong rằng, những điều mà chúng ta học từ Phật, đó là từ bản thân những giáo lý vô lậu, giáo lý đem lại an lạc; không biến những cái mà chúng ta đang học trở thành những cái tranh chấp hận thù, không biến giáo lý thành những cái nguyên nhân của tranh chấp hận thù; không để trường học Phật trở thành sân khấu tranh giành quyền lợi với thế gian. Giống như chúng ta lau chùi tượng thánh, chớ để cho khăn bẩn mà vô tình làm hoen ố tượng thánh. Có lẽ trong lễ Phật Đản này, đây là tâm nguyện riêng, suy nghĩ riêng của tôi. Mong rằng, trong các Thầy, các Cô, các Phật Tử có thể chia sẻ những điều này, thì đây cũng là điều mà tôi cũng cảm thấy rất là hoan hỷ.
Trước khi dứt lời, nhân mùa Phật Đản, cũng xin kính chúc quý Thầy, quý Cô và quý Phật Tử suốt mùa Phật Đản và cả thời gian sau này luôn luôn an lạc, sống trong sự hòa bình an lạc của Phật. Xin lặp lại câu nói trong kinh Pháp Cú:
Hạnh phúc thay chư Phật xuất hiện.
Hạnh phúc thay Chánh Pháp được tuyên dương.
Hạnh phúc thay chúng Tăng hòa hợp.
Hạnh phúc thay các đệ tử Phật cũng hòa hợp và tu hành.
Xin kính chào quý Thầy, quý Cô và các Phật Tử.
Tỳ-kheo THÍCH TUỆ SỸ
Nguồn: PHÁP LUÂN số 27 – năm 2006.