Sau hơn 3 tuần lễ chờ đợi bản Thông Cáo Chung được thực thi, nhưng nhà cầm quyền không những không thực tâm thi hành bản thông cáo đã ký kết mà còn tìm đủ biện pháp ngăn cản sự thực hiện, lại còn áp dụng mọi thủ thuật làm yếu mòn tiềm lực tranh đấu của Phật Giáo. Vào ngày 15.7.1963, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam – nhân danh lãnh đạo tối cao của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ban hành bản Thông Bạch kêu gọi Tăng – Tín đồ Phật Giáo đoàn kết sau Ủy Ban Liên Phái để tranh đấu “đòi hỏi thực thi nghiêm chỉnh và nhanh chóng bản Thông Cáo Chung” đồng thời ấn định những phương thức tiến hành cuộc tranh đấu.
Thông bạch của Hòa Thượng Tịnh Khiết đưa ra ngày 15.7.1963 thì chiều ngày 16.7.1963 hơn 150 Tăng Ni đã tổ chức biểu tình trước tư dinh Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Họ trương biểu ngữ kêu gọi Hoa Kỳ và các nước bạn của Việt Nam Cộng hòa thuyết phục Chính phủ Ngô Đình Diệm hãy thành tín thực thi những gì đã được ký kết trong bản Thông Cáo Chung. Cũng từ ngày 15.7.1963, chư Tăng tại chùa Xá Lợi, kể cả chư tôn túc lãnh đạo cuộc vận động trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực.
Sau khi Thông Bạch này được ban hành, tình hình khắp nơi trên toàn miền Nam Việt Nam trở nên sôi động. Cuộc tranh đấu quyết liệt của Phật Giáo Đồ toàn quốc trong một giai đoạn mới lại bắt đầu… Nội dung Thông Bạch như sau:
KÍNH THÔNG BẠCH
Các Tập đoàn trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Như bản sao và văn kiện đính kèm bản sao Thông bạch này, quý vị lãnh đạo các Tập đoàn và đoàn thể Tăng-già và Tín đồ trực thuộc đều có thể nhận thấy:
Nguyện vọng của Phật Giáo là đòi hỏi bản Thông Cáo Chung phải được thực thi nghiêm chỉnh và mau chóng.
Nhắm nguyện vọng đó các Tập đoàn và các tỉnh trực thuộc hãy thi hành các chi tiết Phật sự sau đây:
1/ Khẩu hiệu đòi hỏi:
a) Có ba khẩu hiệu được nên lên sau đây:
– Chúng tôi đòi hỏi thi hành đứng đắn bản Thông Cáo Chung
(Anh ngữ: The Joint Communiqué must be carried out seriously).
– Hãy chấm dứt mọi hình thức khủng bố và áp bức Phật Giáo Đồ
(Anh ngữ: Stop all formis of terrorizing and suppressing Buddhists).
– Yêu cầu Chính Phủ giữ sự thành tín đã hứa
(Anh ngữ: Request the Government to keep its promises faithhully).
b) Cách dùng các khẩu hiệu là viết ra nhiều tấm treo lên ngay nơi tiền đường và những nơi quần chúng có thể nhìn thấy rõ ràng của Khuôn, Vức, tất cả các chùa thuộc Giáo Hội và Hội. Những chùa xa xôi ở thôn quê và núi non cũng viết và căng lên như vậy. Nhưng ngoài 3 khẩu hiệu này tuyệt đối không dùng khẩu hiệu nào khác.
2/ Hình thức đòi hỏi:
a) Hình thức đòi hỏi thực thi bản Thông Cáo Chung là áp dụng tất cả phương thức bất bạo động đã áp dụng trước đây.
b) Địa điểm tụng kinh và tuyệt thực – những điều phổ thông trong phương thức bất bạo động thì: Tại thị xã, Tăng-già và Tín đồ (Hội viên và Gia Đình Phật Tử của các Khuôn Hội phụ cận, các giới Phật Tử trực thuộc) tập trung tại trụ sở, văn phòng, hoặc chung, hoặc riêng của Giáo Hội và Hội. Còn tại Khuôn thì Hội viên và Gia Đình Phật Tử thuộc Khuôn nào tập trung tại Khuôn ấy.
Chú ý: Tập trung theo chế độ luân phiên.
3/ Thời gian đòi hỏi:
Kể từ khi ra Thông bạch này cho đến khi có Thông bạch mới.
4/ Tinh thần Bất Bạo Động:
a) Tuyệt đối cố thủ tinh thần và phương pháp bất bạo động.
b) Nếu đi tụng kinh và tuyệt thực để cầu nguyện mà bị ngăn chặn lại thì dầu mấy người cũng ngồi xuống niệm xong 100 tiếng niệm Phật rồi trở về. Nếu bị bắt thì tất cả cùng xin vào tù. Nếu chùa bị bao vây thì bình tĩnh cầu nguyện cho đến chết.
5/ Mục đích đòi hỏi:
a) Hoàn toàn thuộc ý thức tôn giáo tín ngưỡng.
b) Và thu hẹp trong sự đòi hỏi thực thi bản Thông Cáo Chung một cách nghiêm chỉnh, nhanh chóng.
Vì ý thức được tính cách sinh tử của Đạo pháp, tôi chắc chắn toàn thể Phật Tử không ai từ chối một sự hy sinh nào trong khuôn khổ tinh thần bất bạo động.
HÒA THƯỢNG HỘI CHỦ TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
LÃNH ĐẠO TỐI CAO ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO
THÍCH TỊNH KHIẾT
— oOo —
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013) – Quang Mai đả tự và trình bày theo tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN (tập III) của tác giả Nguyễn Lang.