KÝ SỰ
TRẠI HUẤN LUYỆN TINH TẤN
Đào tạo Đoàn Trưởng GĐPT tại Nha Trang năm 1952
Trại do anh Nguyên Hùng – Võ Đình Cường làm Trại Trưởng
và có sự tham dự của chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc suốt thời gian trại.
Bài viết dưới đây trích trong tập “Đây, Gia Đình” do anh biên soạn năm 1952.
——=oOo=——
Lễ khai mạc
Ngày 14-7-1952. Tám giờ sáng hôm nay, khai mạc Trại huấn luyện Đoàn Trưởng Nha Trang. Trại này lấy tên là trại Tinh Tấn. Trại sinh gồm có ba mươi người cả nam lẫn nữ, chia ra như sau: Nha Trang 7, Diên Khánh 4, Hòa Tân 8, Ninh Thuận 11.
Lễ khai mạc cử hành trong không khí thân mật, đơn giản. Đến dự lễ chỉ có các Đạo hữu trong Ban Trị Sự Tỉnh Hội Khánh Hòa và các em Thiếu Niên, Thiếu Nữ, Đồng Niên và Đồng Nữ Phật Tử. Nhưng đến phút cuối cùng trước giờ khai mạc, ông Tỉnh trưởng Khánh Hòa Trần Thúc Linh mặc y phục Hướng Đạo, lặng lẽ đạp xe đến, lấy tư cách là một Phật Tử dự buổi lễ khai mạc và nói mấy lời khuyến khích Trại Sinh. Cử chỉ giản dị của Đạo hữu Trần Thúc Linh thật là khôn khéo, đã gây được cảm tình một cách dễ dàng trong hàng Phật Tử, đáng làm gương cho nhiều nhà chánh khách khác, vì chỉ có cảm tình là gây được cảm tình mà thôi. Đối với người Phật Tử chân chính, uy quyền cũng như danh lợi đều không thể lung lay được. Và nếu có những người nào tự xưng là Phật Tử mà lại mắc vào lưỡi câu danh lợi thì những người ấy lại không có ảnh hưởng gì đối với ai hết, có câu cũng thêm mất mồi vô ích. Những con cá ấy lại rẻ hơn cả miếng mồi đem câu.
Nhưng mà tôi đã đi xa vấn đề rồi. Trong buổi lễ khai mạc, Đạo hữu Võ Đình Dung nhân danh Ban Trị Sự có mấy lời giản dị tuyên bố khai mạc trại huấn luyện, cám ơn Tổng Trị Sự, Ban Quản Trại, và khuyến khích Trại sinh.
Sau đấy, nhân danh Trại trưởng Trại Tinh Tấn, tôi đứng ra nói mấy lời cám ơn Ban Trị Sự Tỉnh Hội Khánh Hòa và khuyến khích Trại sinh.
Lễ khai mạc chấm dứt trong điệu hát hùng dũng, vui vẽ của anh chị em Trại sinh.
oOo
Đời sống trong Trại Tinh Tấn
Đời sống của trại đã hoạt động ngay từ phút đầu. Sau lễ khai mạc, anh chị em Trại sinh được giải tán để về trại riêng của mình lấy giấy bút vào dự khóa B trong ngày. Và từ đây trở đi cứ mỗi ngày 6 khóa học, 4 khóa lý thuyết và 2 khóa thực hành, xen lẫn những trò chơi và hát. Anh chị em Trại sinh đã theo đuổi sự học tập của mình một cách cần mẫn, siêng năng.
Mỗi ngày, Trại sinh phải dậy từ lúc 5 giờ sáng, hoạt động cho đến 10 giờ đêm mới được đi ngủ. Những Trại sinh nào bài vở chưa chép kịp, có thể xin phép thức thêm một vài giờ để làm việc. Hai ngày đầu, vì số ít Trại sinh chưa quen với đời sống trại nên có một đôi khi mất trật tự. Nhưng từ ngày thứ ba, trại đã chạy đều như xe lăn trên 4 bánh. Tinh thần kỷ luật, trật tự và cố gắng của Trại sinh nhất là về phái nữ rất tốt. Một nữ Trại sinh đã được một bức thư của chồng gửi đến khuyên chị cố gắng tiếp tục dự trại. “Còn con đau, đã có anh săn sóc, đừng lo lắng gì cả…” Thật là một cái gương dũng mãnh đáng nêu cao cho những anh em thanh niên còn trẻ tuổi, chưa vợ con mà tâm hồn đã bạc nhược, già nua, e mưa sợ nắng, chỉ lục đục trong xó nhà cho yên phận.
Nhưng trong trại có điều đáng buồn là tinh thần địa phương hẹp hòi của một vài Trại sinh. Các anh em ấy quên rằng mình là Phật Tử, có một tâm hồn rộng rãi có thể dung hòa tất cả. Và hơn nữa, mình là một phần tử của Đại Gia Đình Phật Tử, trong ấy mọi người là cha mẹ, anh em; một dòng sông, một trái núi hay một lưng đèo không thể ngăn cách, chia rẽ tình thâm.
Điều đáng tiếc thứ hai là có một số vài ba anh em Trại sinh khác, một hôm nhân lúc cùng cả trại đi biển tắm, đã lén bỏ hàng ngũ để vào xem giải vô địch bóng tròn ở sân vận động. Cử chỉ nông nổi ấy không đẹp chút nào hết, anh em đã vì “một làn banh, một cú suýt” mà đành lìa bỏ dễ dàng – dù chỉ trong chốc lát – đời sống chung mà mình đã tình nguyện sống.
Cử chỉ ấy, mới nhìn qua, không thấy đáng phàn nàn lắm. Nhưng nếu chúng ta đi sâu vào tâm lý để xét, chúng ta sẽ thấy những người ấy thiếu một căn bản vững vàng, dễ chạy theo người quá! Họ thiếu đức tánh trung kiên, đức tánh rất cần cho đời sống đoàn thể. Họ “vui đâu chúc đó”. Họ quên rằng con người bị hoàn cảnh chi phối, nhưng con người cũng chi phối lại hoàn cảnh. Tại sao mình lại không dám có gan tạo cho mình một đời sống, một hoàn cảnh và có cao vọng rằng mình cũng có thể lôi kéo được người khác theo mình? Sao lại cứ là cái chong chóng quay tít theo mọi hướng gió? Không thể là “con bướm liệng vành mà chơi” được! Hãy là con ong. Cần phải có đức tánh kiên nhẫn mới gầy được mật cho đời mình.
Nhưng dù sao, những cử chỉ lẻ tẻ ấy cũng không ung độc không khí quang đãng, hoạt động, thân yêu của trại được. Vả lại, một câu nói, một cử chỉ hay một hành động gì có phương hại đến tinh thần trại thì bị phê bình ngay trong cuộc họp Đội Trưởng, Chúng Trưởng tối ngày ấy; và được giải thích, sửa chữa sáng hôm sau trong buổi họp danh dự chung của toàn trại.
Ngoài cuộc sống đều đều hàng ngày, chúng tôi có tổ chức một ngày đi cắm trại ở Vườn Dương và một buổi lửa trại ở chùa Hội quán. Trong ngày đi cắm trại, các em Thiếu Niên, Thiếu Nữ Phật Tử Gia Đình Thiện Đạo cũng được đi theo. Như thế hôm ấy chúng tôi phải tổ chức luôn 3 trại ở Vườn Dương: một trại Đoàn Trưởng, một trại Thiếu Niên và một trại Thiếu Nữ.
Nhân ngày đi cắm trại hôm ấy, tôi đi sau hết; trong lúc tôi đến Vườn Dương, anh chị em Trại sinh đã bắt đầu tản mác mỗi Đội mỗi nơi để tìm chỗ cắm trại. Dưới rừng thông cao vút dựng lên trước nền xanh đậm của núi rừng bao bọc phía sau và đại dương xanh dờn dàn trải phía trước, màu áo lam của Trại sinh đã hòa hợp một cách nhịp nhàng với màu sắc của khung cảnh. Ai đã có lần đứng ngắm làn khói lam chiều uyển chuyển quyện dần trên sườn núi xanh để tan dần trên nền trời xanh nhạt, mà cảm nhận được cái vẻ đẹp hòa hợp thanh bình của núi sông muôn thuở, người ấy có thể hiểu được vẻ đẹp của màu áo lam trong khung cảnh này. Nếu ta thế vào đấy màu áo vàng, áo xanh, áo đỏ hay áo đen, sự hòa hợp sẽ tan vỡ, màu sắc sẽ lạc lõng một cách đáng thương.
Màu lam không những chỉ hòa hợp với màu sắc của đất nước, mà lại còn phản chiếu được tâm hồn của người Phật Tử, tâm hồn thanh đạm, hiền hòa, không quá khích. Người Phật Tử chân chính, cũng như đạo Phật thuần túy, đi đến đâu cũng không buông lung, không độc tài mà cũng không nô lệ. Người Phật Tử hiểu rằng sống là phải tranh đấu, nhưng tranh đấu để tìm lại sự thăng bằng, sự hòa hợp, chứ không phải để giữ ngôi bá chủ.
Áp dụng nguyên tắc trên, người Phật Tử sống với mình, tìm sự hòa hợp của lòng mình; sống với xã hội, tìm sự thăng bằng cho xã hội; sống với thiên nhiên, tìm sự thích ứng với thiên nhiên. Màu lam tượng trưng cho bao nhiêu ý nghĩa đó.
Những ý nghĩ trên, thêm một lần nữa đã được chứng minh một cách rõ ràng khi anh em Trại sinh chúng tôi đi đến thăm Viện Hải Học ở Cầu Đá sáng hôm ấy. Chúng tôi đã có một ý niệm tổng quát về đời sống muôn hình vạn trạng dưới biển khơi. Có những con vật mới nhìn qua, chúng tôi tưởng rằng là những tảng đá; những con cá như một làn rong, hay một thân cây; có những con điệp với sắc nước. Những hình thù ấy, bản năng hay tự vệ đã khiến chúng phải “ngụy trang” như thế? Có lẽ cả hai. Nếu chúng nó “ly khai” với hoàn cảnh hay hoàn cảnh ly khai chúng, chúng sẽ không sống được.
Ngay trong Viện Hải Học này, muốn chúng khỏi chết, người ta cũng phải tạo lại hoàn cảnh mà chúng đã sống dưới biển khơi: con này phải sống lẫn lộn với đá; con kia phải sống với rong; con nọ với san hô… và nhất là với thứ nước mà người ta phải đem vào đúng với nước chúng nó đã sống dưới biển khơi.
Cho nên, muốn sống còn cần phải có một sự “ăn khớp”, sự hòa hợp với mọi vật ở chung quanh, như những bánh xe răng cưa trong một bộ máy, không thể tách riêng ra được. Cái gì không thích hợp với hoàn cảnh sẽ bị đào thải.
Đi thăm Viện Hải Học về thì vừa đúng 12 giờ trưa. Chúng tôi ăn cơm xong, nằm nghỉ dưới bóng thông đến hai giờ rưỡi chiều mới dậy và sửa soạn trò chơi lớn.
Đề của trò chơi lớn như sau: Một nước kia, dân cư đều mù cả. Một hôm họ được tin rằng ở một xứ nọ, có một đạo sĩ có thể chữa cho họ sáng mắt được. Họ rủ nhau đi tìm đạo sĩ ấy. Họ lần theo tiếng gió, tiếng chim mà đi. Họ phải vượt qua bao nhiêu đường đất hiểm trở, bị những bọn yêu quỷ khuấy phá, phỉnh phờ, trải qua nhiều trạm thử thách tài năng của họ. Sau cùng họ mới đến gặp được đạo sĩ ấy. Đạo sĩ hỏi họ về Phật Pháp, nếu họ trả lời được, thì sẽ cho họ một đạo bùa làm họ sáng mắt.
Trò chơi rất vui, nhưng cũng rất nguy hiểm, anh chị em Trại sinh đều bịt mắt hết từ đầu trò chơi cho đến cuối. Có anh đã lội xuống hồ; có anh ngã lăn ra mấy vòng; có chị vào ngồi giữa bụi gai hàng giờ mà vẫn không gỡ ra được.
(Nhân trò chơi này, chúng tôi nhận thấy sự bất tiện và lôi thôi của cái áo dài lam của các em Thiếu Nữ và các chị Phật Tử. Đi trại mà mặc áo lam dài trông có vẻ yếu đuối, lệt bệt quá. Nhất là mỗi lần mang xách hay chơi trò chơi lớn, cái áo dài lôi thôi thật khó chịu, không có vẻ thanh niên chút nào cả. Chúng tôi đang nghiên cứu để đề nghị một thứ đồng phục cho thiếu nữ gọn gàng, mạnh mẽ hơn. Ý kiến này đã được phần đông các anh chị đồng ý).
Trò chơi lớn chấm dứt vào khoảng 5 giờ chiều. Anh chị em Trại sinh được ra biển tắm rửa, rồi vào nhổ trại ra về, sau khi họp chung để nghe Ban Quản Trại tuyên bố kết quả trò chơi lớn và kiểm điểm ngày trại.
Xét chung, ngày trại đã diễn tiến một cách đều đặn, vui vẻ, không có gì đáng tiếc xảy ra. Và điều đáng để ý là sau trò chơi lớn, các nam nữ Trại sinh đều được “sáng mắt” cả. Anh chị em Trại sinh từ giả Vườn Dương ra về trong tiếng hát. Còn hai trại Thiếu Niên và Thiếu Nữ, các em đều được hưởng một ngày vui thỏa thích dưới sự điều khiển khéo léo của hai Ban Quản Trại.
Nhân ngày trại hôm ấy, tôi được biết thêm tài đóng trại và chuyên môn của các em Thiếu Niên. Các em cắm trại rất giỏi, những cái gút buộc rất chắc chắn, lựa địa điểm rất hợp vệ sinh. Các em Thiếu Nữ tương đối cũng tạm được. Nhưng cuộc đi cắm trại của các em có tánh cách gần như một cuộc du ngoạn. Trong trại, các em sao có nhiều kẹo và nước chanh thế? Đáng lẽ người ta đem giấu không hết, trái lại các em, trong lúc Ban Quản Trại đi thăm trại, lại đem ra chưng bày ở chính giữa trại như là những cái quán bán giải khát! Các em thích “ngọt” quá. Tôi nói như thế này không biết các em có nhăn mặt, cho là “chua” lắm không?
Tối hôm ấy, các em Thiếu Nữ đều về cắm trại qua đêm tại chùa Hội quán. Trước khi các em đi ngủ, có một buổi lửa trại tổ chức chung cho tất cả 3 trại. Buổi lửa trại này, không có gì đặc sắc và cũng gặp những khiếm khuyết như thường thấy trong phần nhiều những buổi lửa trại khác là:
1) Thiếu trật tự, vì người ngoài đến xem đông quá.
2) Diễn viên nói nhỏ quá, ít người nghe được. (Thường thường những kịch lửa trại, nên lựa những kịch ít lời, mà nhiều điệu bộ để khán giả dù không nghe cũng có thể hiểu được).
3) Nhiều kịch dài quá mà lại thiếu mạch lạc.
4) Thiếu chủ điểm của buổi lửa trại, mặc dù Ban Quản Trại đã nêu lên.
5) Thiếu sự cảm thông giữa người diễn và Trại sinh ngồi xem, vì không khí trại đã bị làn sóng người ngoài đến xem xâm lấn.
Đây là những khuyết điểm chung trong giai đoạn lịch sử nước nhà đang chiến tranh. Chúng ta chỉ có thể cắm trại và tổ chức lửa trại ở gần hay ở chính giữa thành phố. Nên mỗi lần nghe “chở củi” đến là thiên hạ rủ nhau đến xem lửa trại. Thôi thì người đứng lớp trong, lớp ngoài; mẹ kêu, con khóc; buổi lửa trại, đáng lẽ là một cuộc vui thân mật dành riêng cho anh chị em Trại sinh, lại hóa ra là một cuộc biểu diễn của một “ban hát dạo lộ thiên”.
Tôi mơ tưởng đến những buổi lửa trại, thật đúng nghĩa của nó: Vài ba chục Trại sinh ngồi quanh ánh lửa hồng, giữa một khoảng rừng rậm sau một ngày làm việc mệt nhọc; mỗi người đều là khán giả và diễn viên, cùng hát, cùng nhảy, cùng kể chuyện, có thể thổ lộ bề sâu của lòng mình mà không e ngại có kẻ dòm ngó. Những ngọn lửa ở giữa rừng đêm, như thể có sức mạnh ràng buộc chúng ta trong tinh thần đoàn kết, thân yêu hơn, và khắc sâu vào ký ức những ai đã được nó chiếu sáng.
oOo
Ngày 18-7-1952. Chỉ còn hơn một ngày nữa, trại Tinh Tấn Nha Trang sẽ bế mạc. Hôm nay đã có vài Trại sinh bắt đầu chìa những quyển vở kỷ niệm cho bạn mình viết. Nỗi buồn chia biệt hiện rõ dần trên nét mặt Trại sinh theo với thời gian ngắn ngủi còn lại. Ngày đầu nhập trại, một số Trại sinh đã cho một tuần ở trại sẽ lâu dài lắm. Hôm nay cũng những người ấy lại thấy một tuần qua nhanh và yêu cầu kéo dài thêm thời gian huấn luyện!
Tình cảm thân yêu vừa chớm nở trong lòng Trại sinh, thì không khí chia ly phảng phất trong trại, và hiện rõ dần theo với chiều nắng xuống sau đồi. Năm bảy Trại sinh nhân giờ nghỉ, bắc ghế dưới cây phượng giữa sân chùa, ngồi nắn nót từng câu văn trong những tập kỷ niệm, trong lúc nắng chiều đang xao xuyến quanh mình.
Đứng nhìn những Trại sinh ấy đang uốn lưng rạp trên trang giấy, chăm chú diễn đạt cảm tình, tôi thấy thương cho họ về cách trao đổi, giữ gìn tình cảm với nhau. Tôi nhớ thời kỳ niên thiếu lúc còn đi học, mỗi lần phượng nở báo hè về, là mỗi lần học sinh trao cho nhau những quyển vở kỷ niệm để góp cảm tình và thề nguyền gắn bó. Nhưng những quyển vở ấy bây giờ đâu cả rồi, và những cảm tình ghi giữ ở trong ấy có in lại một dấu vết gì trong lòng những chủ nhân của chúng chăng? Có lẽ cũng có, nhưng phần nhiều là không.
Tôi nói như thế này chắc cũng làm phật lòng một số các “O” và các “Chú” Trại sinh mà tôi gặp trong các trại. Nhất là những “O” đã chìa một cách rất thành thật những quyển vở kỷ niệm cho tôi viết và tôi cũng đã cảm động nhiều, khi viết những dòng lưu niệm.
Nhưng tôi muốn nói rằng chừng ấy chưa đủ. Trong Gia Đình chúng ta, sự trao đổi và ghi nhớ cảm tình cần phải sâu xa, linh động và sống hơn thế nữa kia. Nghĩa là chúng ta nhớ tưởng nhau qua lý tưởng, qua hành động, qua công việc hằng ngày của chúng ta trong Đại Gia Đình. Chúng ta có xa nhau đâu mà phải ghi giữ kỷ niệm? Cùng chung sống dưới mái ấm Gia Đình, chúng ta không cần nhìn nhau mà vẫn thấy, không cần lắng tai mà vẫn nghe, không cần nói mà vẫn hiểu. Dù lẻ loi hay đoàn tụ, dù ở xa hay gần, chúng ta là một khối mà một hành động ở đây đều có ảnh hưởng ở nhiều nơi khác; một tiếng động ở nơi khác vẫn vang dội đến đây.
Ta vui cái vui của toàn thể Gia Đình. Toàn thể Gia Đình khổ cái khổ của ta.
oOo
Lễ bế mạc
Ngày 20-7-1952. Hình như khi chúng ta càng lo sợ thời gian đến nhanh thì nó càng đến nhanh hơn nữa. Mới đó mà sáng nay đã làm lễ bế mạc trại rồi.
Trại sinh dậy từ lúc 5 giờ sáng và được miễn tập thể dục để sửa soạn đồng phục cho chỉnh tề; mỗi Đội, Chúng đều lo sắp đặt và trang hoàng góc Đội, góc Chúng của mình rồi mới đảm nhận công việc chung của toàn trại. Đội này phụ trách sạch sẽ; Đội nọ phụ trách trật tư; Chúng kia trang hoàng phòng họp; Chúng khác soạn diễn văn… Công việc tuy bề bộn, thời gian gấp rút, nhưng Trại sinh vì quen nề nếp của trại, nên tiến hành một cách đều đặn, nhịp nhàng như một bản hợp tấu.
Đến 8 giờ sáng, mọi việc sắp đặt đều xong xuôi. Trại sinh sắp hàng ở điện Phật để đợi làm lễ. Buổi bế mạc hôm nay, cũng như buổi khai mạc hôm trước, Ban Trị Sự chỉ muốn tổ chức trong phạm vi thân mật, nên ngoài các Ban viên Ban Trị Sự chỉ có thêm một số Đạo hữu và các Đoàn Thiếu Niên, Thiếu Nữ Phật Tử đến dự.
Tuy thế, buổi lễ vẫn trang nghiêm. Giảng đường được trang hoàng một cách mỹ thuật hơn: ở đây một bức thêu; bên kia một bức họa; nơi khác một tờ báo tường hay những tấm ảnh ghi lại những hoạt động trong trại…
Và trong khung cảnh văn nghệ ấy, nam nữ Trại sinh đứng oai nghi, ngay ngắn theo từng Đội hay Chúng của mình để lễ Phật. Mới trông qua, ai tinh mắt một chút, cũng nhận thấy sự biến đổi đáng mừng của Trại sinh sau bảy ngày được huấn luyện: cách đứng, cách nhìn của họ có vẻ chỉnh đốn, tự tin hơn; những bài hát rập ràng, đúng điệu hơn khi anh chị em mới nhập trại. Nhất là những lúc tập họp, không còn chậm chạp lôi thôi như một hai ngày đầu. Vẫn biết đây là những sự thay đổi về hình thức, nhưng những sự thay đổi này có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, nếu không phải chính là những phản ánh của sự thay đổi về tinh thần.
Sau buổi lễ Phật, đại diện Ban Trị Sự, Đạo hữu Võ Đình Dung tuyên bố bế mạc trại, và nói mấy lời nhắn nhủ với Trại sinh về đời sống của một Phật Tử và gia đình riêng của mình.
Những điều của Đạo hữu nói rất thiết thực, tưởng cũng cần nhắc lại ở đây. Trước hết, Đạo hữu nêu ra căn bệnh của một số anh chị em thanh thiếu niên Phật Tử là khi đến với Đoàn thì tỏ ra rất đảm đương, cần mẫn, mà khi trở về với gia đình riêng của mình thì lại hững hờ, không giúp đỡ được gì cho cha mẹ trong công việc nhỏ nhặt hằng ngày. Buổi sáng không quét được một cái nhà, buổi chiều không lau chùi được một vài ngọn đèn dầu để thắp cho sáng… Đó là chưa nói đến những công việc khó nhọc hơn, như gánh nước, chẻ củi, làm vườn. Vì thế một số phụ huynh đã phàn nàn rằng con em mình đến với Gia Đình Phật Tử mà không được hoán cải gì hết; có khi trách Gia Đình Phật Tử đã làm mất thì giờ của con em mình nữa.
Để bổ khuyết vào điểm trên, Đạo hữu khuyên anh chị em Đoàn Trưởng hãy nêu gương cần mẫn ở gia đình riêng của mình, và giải thích cho các em Thiếu Niên, Thiếu Nữ hiểu rằng: Gia Đình Phật Tử là nơi để các em tập sự đời sống chân chính của người Phật Tử ở gia đình riêng của mình. Đừng tưởng những hành vi, cử chỉ nhỏ nhặt hằng ngày là không đáng kể, và chỉ chú trọng đến những công việc lớn lao, thường rất ít xảy ra. Chính những công việc vụn vặt hằng ngày đó lại là tinh luyện tính khí con người rất nhiều.
Đạo hữu đã lấy ngay đời sống của mình ra làm bằng chứng cho lời nói của mình. Bây giờ Đạo hữu thành đạt như thế ấy cũng chính là nhờ trước kia, ngay từ ngày ấu thơ, Đạo hữu đã sống một đời cần cù siêng năng, giúp đỡ song thân trong mọi công việc gánh nước, chẻ củi, quét nhà… Nghĩa là không có một công việc gì làm được mà mình lại từ nan.
Có một quan niệm của một số anh chị em cũng cần bài trừ là quan niệm trưởng giả, sợ xấu, không dám làm những công việc mà họ cho là tầm thường, chỉ dành riêng cho người giúp việc như gánh nước, chẻ củi, nấu cơm… Không có một công việc gì có ích lợi mà xấu hết; chỉ có người xấu vì không làm việc mà thôi.
Đạo hữu lại kêu gọi các bậc phụ huynh hãy giúp anh chị em Đoàn Trưởng kiểm soát chặt chẽ các Đoàn Sinh, bằng cách cho họ biết tánh tình, hạnh kiểm của con em mình ở nhà như thế nào để anh chị em Đoàn Trưởng dựa theo đó mà sửa chữa các em.
Sau bài diễn văn của Đạo hữu Võ Đình Dung, là mấy lời cám ơn của anh tân đại diện Trại sinh. Sau khi cám ơn Tỉnh Hội, Ban Quản Trại, Ban Quản Lý trại và các Đạo hữu đã giúp đỡ trại rất nhiều, anh nói mấy lời quyết tâm của Trại sinh trong công việc hướng dẫn các em sau này, và hứa sẽ noi gương tinh tấn của trại để đẩy mạnh phong trào Gia Đình Phật Tử trong địa phương mình.
Để chấm dứt buổi lễ, tôi thay mặt Ban Quản Trại, đứng ra nhắc lại với Trại sinh chủ điểm của Trại Tinh Tấn năm nay là “căn bản của một người Đoàn Trưởng Phật Tử”.
Sau buổi lễ chúng tôi dẫn quý vị Đạo hữu đi thăm trại và chụp ảnh; trong lúc ấy một tiệc trà của Tỉnh Hội đang đợi toàn thể anh chị em chúng tôi tại phòng ăn. Đến gần 10 giờ sáng tiệc mới bắt đầu. Tiệc trà hôm nay không vui lắm: các nữ Trại sinh chảy nước mắt nhiều quá làm ướt cả bánh trái, và có lẽ một Trại sinh cũng đã trượt té vì những dòng nước mắt lai láng kia mà không dám nói ra đấy thôi.
Những chiếc “xắc” ở giữa sân đang nằm đợi mang về. Anh chị em Trại sinh ở Ba Ngòi và Phan Rang phải về ngay trưa nay cho kịp chuyến xe lửa. Sau những lời dặn dò, những lời cam kết; cái nắm tay chặt chẽ, cái buông tay nuối tiếc, anh chị em tuần tự lên đường. Ra đến cổng chùa, anh em còn ngoảnh lại, đưa tay vẫy…
Không khí Trại Tinh Tấn loãng dần, loãng dần theo với mỗi Trại sinh ra đi. Một tuần qua mau lẹ quá. Mới ngày nào anh chị em mang hành lý đến dự trại, chào hỏi nhau rối rít mà nay đã lại chia tay nhau rồi!
Còn đâu những bữa cơm ngon lành; những buổi học trật tự và linh động; những giờ nghỉ ngồi quây quần tập hát mãi không chán; những buổi hoàng hôn ngồi trò chuyện trên bãi biển; những đêm khuya lặng lẽ cùng năm bảy anh em ngồi chép bài, viết báo… Họa chăng chỉ còn hẹn lại đến sang năm./.
———=oOo=———
Trích “Đây, Gia Đình” – Võ Đình Cường, 1952.