Mục đích của Gia Đình Phật Tử Việt Nam qua những lần tu chỉnh Nội Quy

Qua những lần tu chỉnh Nội Quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) trong các kỳ Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) toàn quốc, duy chỉ có Khẩu Hiệu “TINH TẤN” là không tu chỉnh, thay đổi; còn Mục Đích GĐPT, Châm Ngôn GĐPT, và Luật GĐPT của các Ngành đã có những tu chỉnh cập nhật để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tổ chức áo lam có thể coi là lâu đời này.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm hoán cải danh hiệu từ Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử (1951-2021), chúng ta hãy thử cùng nhau ôn lại những điểm quan yếu nhất trong sự hình thành và phát triển qua từng giai kỳ của một tổ chức có quy mô rộng lớn và “trường thọ” đến “cổ lai hy” như GĐPTVN.

Trước khi tìm hiểu các phần mục khác trong Nội Quy đã có sự thay đổi hay bổ sung qua các Đại Hội, tiếp theo bài “Danh hiệu GĐPTVN qua những lần tu chỉnh Nội Quy“, chúng ta hãy tìm xem mục đích của GĐPT đã có những khác biệt nào từ khi kiến lập nền móng lúc ban sơ và sau 3 lần tu chỉnh…

oOo

MỤC ĐÍCH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
(từ ban sơ và qua 3 lần tu chỉnh)

1) Trong thời kỳ Gia Đình Phật Hóa Phổ, mục đích của tổ chức (ghi trong chương 1, điều thứ 2 của bản Nội Quy Trình Gia Đình Phật Hóa Phổ) là:

“Đào tạo những Phật Tử chân chính,
Xây hạnh phúc gia đình trên nền luân lý Phật Giáo.”

2) Khi hoán đổi danh xưng trong Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ toàn Phần (Trung-Bắc-Nam Phần) năm 1951 (tức Đại Hội GĐPT toàn quốc lần thứ nhất), đã được tu chỉnh:

“Mục đích của Gia Đình Phật Tử là huấn luyện Thanh, Thiếu, Đồng Niên về 3 phương diện: Trí Dục, Đức Dục, Thể Dục trên nền tảng Phật Giáo để đào tạo thành những Phật Tử chân chính.”

3) Năm 1957, Hội Việt Nam Phật Học thay đổi danh hiệu thành Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Trung Phần, một Hội Nghị GĐPT vào thượng tuần tháng 8 năm 1958 đã tu chỉnh:

“Mục đích của Gia Đình Phật Tử là đào tạo những Thanh, Thiếu và Đồng Niên thành những Phật Tử chân chính để phục vụ Chánh Pháp và thành những Hội Viên xứng đáng của Hội.”

4) Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn quốc năm 1964 (tức Đại Hội thống nhất GĐPT) đã tu chỉnh một lần nữa (được ghi tại chương thứ Nhất, điều 2, bản Nội Quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam) như sau:

Mục đích:
– Đào luyện THANH, THIẾU, ĐỒNG niên thành Phật Tử chân chính,
– Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.”

Mục đích này được đã duy trì ngót 57 năm cho đến hiện nay.

Nhận định (chủ quan của người viết) qua các lần tu chỉnh mục đích của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, sẽ thấy rất rõ rằng:

– Thời kỳ hình thành và mang danh hiệu Gia Đình Phật Hóa Phổ đã khơi gợi cho chúng ta thấy khi đoàn ngũ hóa các Đoàn Đồng Ấu Phật Giáo, Thanh Niên Phật Học Đức Dục thành Gia Đình Phật Hóa Phổ, mục đích khiêm nhường ban đầu là đào tạo những “cá nhân” thành Phật Tử chân chánh nhằm đem lại hạnh phúc cho các “gia đình” lúc bấy giờ đang trong giai đoạn bị lung lạc đạo đức bởi làn sóng văn minh vật chất Tây Phương xâm thực làm xáo động đến tận gốc rễ. Đây là thời kỳ các “Phổ” quy tụ nhiều lớp tuổi lại như một gia đình với sinh hoạt thuần túy giáo lý Phật Giáo; lấy giáo lý làm căn bản để đi đến mục đích đào tạo cá nhân những Phật Tử chân chính nhằm đắp xây hạnh phúc gia đình trên nền tảng luân lý Phật Giáo.

– Đến thời kỳ hoán cải danh xưng thành Gia Đình Phật Tử năm 1951, đối tượng đào luyện được ưu tiên nhắm đến là Thanh-Thiếu-Nhi (Thanh niên, Thiếu niên và Đồng niên); mục tiêu đào luyện được nhắm đến là Đức Dục, Trí Dục và Thể Dục; và 3 mục tiêu đào luyện cho 3 thành phần này vẫn là đặt trên nền tảng Phật Giáo trong mọi ý thức sinh hoạt và đào luyện, đối với 3 đối tượng chính Thanh, Thiếu, Đồng Niên ấy.

– Lần tu chỉnh thứ 2 năm 1958 (sau khi Hội Việt Nam Phật Học thay đổi danh hiệu vào năm 1957), mục đích GĐPT đã đặt tiêu chí gắn kết ý thức của cá nhân với tha nhân, của người Phật Tử với Đạo Pháp. Đồng thời với mục tiêu đào luyện cho Thanh, Thiếu, Đồng Niên tu tập, hoán cải bản thân để trở thành Phật Tử chân chính, những người con Phật áo lam được đào luyện trong môi trường GĐPT còn nhận lãnh sứ mệnh phục vụ cho Chánh Pháp và về trách vụ tinh thần, đối nội cũng như đối ngoại, phải là những thành viên xứng đáng, gương mẫu của một Hội Phật Giáo, hay nói rộng ra là của Giáo Hội.

– Giai đoạn sau cuộc vận động bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội của Phật Giáo Việt Nam năm 1963 là thời kỳ Phật Giáo toàn quốc bước vào một giai đoạn mới: đem lý tưởng hòa bình của Phật Giáo để phụng sự dân tộc, kiến tạo xã hội. Trong xu hướng đó, GĐPT đã có một sự “chuyển mình” ngoạn mục. GĐPT bắt đầu dở bỏ dần cái rào cản hạn hẹp: cá nhân tu tập và xây dựng một gia đình riêng, để bước vào buổi mình minh của các giai kỳ góp phần mình vào sứ mệnh xây dựng xã hội. Cánh cửa Gia Đình thì vẫn còn là ranh giới chuẩn mực; tôn ti thượng hạ, gia quy, gia phong thì vẫn giữ nguyên nề nếp luân lý Á Đông và nền tảng Phật Giáo; mục đích xây dựng từng cá nhân trong tổ chức vẫn không ngoài Đức Dục (BI) – Trí Dục (TRÍ) – Thể Dục (DŨNG) như Châm Ngôn GĐPT, nhưng cánh cửa ấy bây giờ đã mở rộng hơn, cao hơn cho hàng ngũ Thanh, Thiếu Nhi bước ra cộng đồng xã hội để thực hiện một mục đích khó khăn hơn, một sứ mệnh nặng nề hơn nhưng cũng cao cả hơn, và với nhiều trách vụ hơn: Đưa đạo vào đời bằng lợi kỷ và lợi tha; hoàn thiện nhân cách và khả năng cá nhân để góp phần xây dựng cộng đồng, bắt đầu bằng bản thân đối với gia đình; tín đồ đối với tôn giáo; cá nhân đối với quốc gia, xã hội và nhân loại. Song song với việc trở thành Phật Tử chân chính, những Đoàn Viên áo lam GĐPT còn phải góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo bằng chính con người PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH được trưởng thành trong tổ chức giáo dục Thanh Thiếu Niên GĐPT. Lúc nào cũng là Phật Tử chân chính; ở đâu cũng là Phật Tử chân chính; làm gì cũng là Phật Tử chân chính; luôn luôn là Phật tử chân chính; mãi mãi là Phật Tử chân chính… như mục đích GĐPT trải qua bao lần tu chỉnh vẫn không thay đổi điểm căn bản mấu chốt này./.

Quảng Mẫn NGUYỄN QUANG MAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.