LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ TÁT
The Bodhisattva Ideal
Nguyên tác: Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ
——=oOo=——
CHƯƠNG VIII
Đức Phật và người Bồ-tát – vĩnh cửu và thời gian
oOo
- Bài 50: Đức Phật và người Bồ-tát – vĩnh cửu và thời gian.
- Bài 51: Con đường đúng đắn.
- Bài 52: Spinoza và Thượng Đế; không gian và thời gian.
- Bài 53: Nirmanakaya hay thân xác sáng tạo.
- Bài 54: Ngũ Phật và Sambhogakaya.
- Bài 55: Bản chất của Dharmakaya trong Kinh Hoa Sen.
- Bài 56: Lãnh vực vô biên và khung cảnh tạm thời.
Bài 54
Ngũ Phật và Sambhogakaya
Sambhogakaya (Báo Thân, Thụ Dụng Thân hay Thân Hình Tướng của Đức Phật) được hình dung dưới nhiều thể dạng khác nhau. Năm thể dạng chủ yếu nhất được gọi là Năm Jina hay Năm Vị Chiến Thắng (chữ jina có nghĩa là vị chiến thắng hay vinh quang / the conqueror, the victor. Xin lưu ý chiến thắng ở đây không có nghĩa là chiến thắng một kẻ thù hay một sức mạnh bên ngoài, mà là sự chiến thắng u mê – còn gọi là vô minh – trong tâm thức mình, khí giới giúp mình chiến thắng sự u mê hay vô minh đó là trí tuệ), hoặc đơn giản hơn cũng có thể gọi năm thể dạng đó là Năm Vị Phật (kinh sách Hán ngữ gọi là Ngũ Phật, Ngũ Trí Phật, Ngũ Trí Như Lai, v.v…). Như chúng ta thường thấy năm thể dạng đó là năm thể dạng hay năm khía cạnh trí tuệ của Tâm Thức Giác Ngộ. Thật hết sức quan trọng phải luôn ghi nhớ là năm thể dạng đó không là để biểu trưng cho Đức Phật ở thể dạng con người, có nghĩa là mang tính cách lịch sử, mà đúng hơn đấy chỉ là năm khía cạnh khác nhau của thân xác vinh quang của Đức Phật dưới hình thức các khuôn mẫu (archetypal), hiện hữu trong lãnh vực khuôn mẫu, giữ vị trí trung gian giữa sự sinh hoạt bình dị của chúng ta và Hiện Thực Tuyệt Đối (độc giả có thể xem thêm về khái niệm này trong bài 43 chương VI, mang tựa “prajna hay năm thể dạng trí tuệ”).
Vairocana hay Vị Phật Chiếu Sáng
Jina (vị chiến thắng) thứ nhất là Vairocana, có nghĩa là “Vị Chiếu Sáng” (Đại Nhật Như Lai hay Tỳ Lô Giá Na Như Lai, nguyên nghĩa của chữ vairocana trong tiếng Phạn là “sinh ra từ mặt trời”). Như chúng ta đã thấy, vị này đôi khi cũng được gọi là “Vị Phật Mặt Trời To Lớn”, chiếu sáng toàn thể vũ trụ tâm linh, tương tự như mặt trời chiếu sáng toàn thể thái dương hệ. Vị này có thân hình màu trắng rạng rỡ, cử chỉ nơi hai bàn tay của vị này gọi là mudra (ấn, thủ ấn, pháp ấn hay mẫu-đà-la), biểu trưng cho việc thuyết giảng, và đặc biệt trong trường hợp này là để nói lên dharmacakrapravartana (kinh Chuyển Pháp Luân) hay sự khởi động bánh xe Dharma. Vị này cầm trong hai tay một chiếc bánh xe bằng vàng gồm tám nan hoa, thật rõ ràng chiếc bánh xe biểu trưng cho mặt trời, và như chúng ta thường thấy chiếc bánh xe đó đồng thời cũng biểu trưng cho Giáo Huấn của Đức Phật. Trong trường hợp vị Vairocana được biểu trưng trong một mandala (mạn-đà-la) – có nghĩa là một “vòng tròn” gồm các hình ảnh mang tính cách khuôn mẫu nói lên một ý nghĩa nào đó – thì vị này thường được đặt vào vị trí trung tâm của vòng tròn đó (khi trông thấy một vị Phật được trình bày trong trung tâm của một mạn-đà-la thì đấy là vị Vairocana, vị chiếu sáng khắp vũ trụ, một vị Phật khuôn mẫu, không phải là Đức Phật Gotama/ Cồ-đàm).
(Pho tượng trên được tìm thấy tại Sarnath (Lộc Uyển), một thánh địa của Phật Giáo tại tiểu bang Uttar Pradesh, nơi này cũng là nơi Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên, Sarnath cách thị trấn Varanasi (Ba-la-nại) khoảng 10km. Vào tháng ba năm 1997, người viết các dòng này may mắn được đứng yên lặng trước pho tượng này để chiêm ngưỡng và thầm lặng suy tư. Pho tượng là một thanh niên còn trẻ đã tìm đến nơi này, tại khu rừng Sarnath này, để khởi động chiếc Bánh Xe của sự Hiểu Biết Siêu Việt mà mình vừa thực hiện được, hầu cùng chia sẻ với năm người bạn đồng tu với mình trước đây. Chiếc Bánh Xe đó vẫn còn lăn đều cho đến ngày nay. Bàn tay phải của pho tượng để ngửa hướng lên phía trên, bàn tay trái úp vào bên trong, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ của hai bàn tay chạm vào nhau tạo thành thành hai vòng tròn liên kết với nhau, nói lên sự chuyển động của bánh xe Hiểu Biết gọi là Dharmachakra. Pho tượng được đặt trên một chiếc bệ thấp, hai gan bàn chân, hai đầu gối, và cả hai cánh tay bóng loáng và đen đúa vì tay người sờ mó. Điều đó quả đáng tiếc và đáng trách, thế nhưng qua một góc nhìn khác thì hình bóng của người thanh niên đó vẫn còn bên cạnh chúng ta hôm nay. Màu của bức hình của pho tượng cũng không trung thực vì đã được “cố ý”(?) chuyển thành màu vàng, trên thực tế thì màu đá sa thạch dùng để tạc pho tượng là màu xám xanh. Bảo tàng viện bé tí xíu, vắng vẻ, không biết ngày nay có khác hơn hay không? Điểm đáng lưu ý sau cùng là pho tượng trên đây biểu trưng cho Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni khi mới đạt được Giác Ngộ, trong khi đó vị Phật Vairocana nêu lên trong bài giảng trên đây chỉ đơn giản là một vị Phật mang tính cách “khuôn mẫu”, biểu trưng cho một thể dạng, một phẩm tính của Đức Phật lịch sử).
Akshobhya hay Vị Phật Không Nao Núng
Jina thứ hai là Akshobhya hay “Vị Không Nao Núng” (A Súc Bệ Như Lai), vị này có thân hình màu xanh dương đậm, sâu thẳm và rạng rỡ, tương tự như màu trời giữa đêm khuya, hoặc bầu trời trong một đêm trong trẻo tại các xứ nhiệt đới. Mudra (thủ ấn) nơi tay phải được gọi là bhumisparsha, có nghĩa là chạm vào địa cầu (bhumi có nghĩa là mặt đất hay địa cầu, sparsha có nghĩa là chạm vào), đó là cách nói lên sự chứng giám của địa cầu. Biểu hiệu của vị này là vajra (là tiếng Phạn có nghĩa là kim cương, tiếng Tây Tạng là dorje) là một cái chùy kim cương, biểu trưng cho sức mạnh và một quyền lực vững chắc, không hề lay chuyển. Vajra (cái chùy kim cương) biểu trưng cho trí tuệ đập vỡ sự u mê (vô minh), phá tan mọi sai lầm và ảo giác (chữ vajra cũng có nghĩa là tiếng sét). Vị trí của vị Akshobhya thuộc phương Đông.
Ratnasambhava hay Vị Phật Sinh Ra Từ Một Viên Bảo Châu
Jina thứ ba là Ratnasambhava, là “Vị Sinh Ra Từ Một Viên Bảo Châu” (Bảo Sanh Như Lai), hay “Cội nguồn của viên bảo châu”. Vị này có thân hình màu vàng ròng, mudra (thủ ấn) nơi tay phải gọi là varada, biểu trưng cho sự hiến dâng (nguyên nghĩa của chữ varada là “hiến dâng một cái gì đó tốt đẹp nhất” hay “thực hiện lời nguyện ước của một người nào đó”), đặc biệt hơn cả là hiến dâng Dharma (Đạo Pháp / Giáo Huấn của Đức Phật). Biểu hiệu của sự hiến dâng này là một viên bảo châu (viên ngọc). Vị trí của vị Ratnasambhava thuộc phương Nam.
Amitabha hay Vị Phật Ánh Sáng Vô Tận
Jina thứ tư là Amitabha, là “Vị Ánh Sáng Vô Tận” (Vô Lượng Quang Như Lai tức là Phật A-di-đà). Vị Amitabha có một vẻ đẹp thật sâu xa, thân hình màu đỏ rạng rỡ, tương tự như mặt trời lúc hoàng hôn. Mudra (thủ ấn) nơi hai bàn tay biểu trưng cho phép hành thiền: bàn tay này đặt lên bàn tay kia (thông thường trong khi ngồi thiền thì bàn tay trái để ngửa nằm bên dưới, bàn tay phải đặt lên trên trong lòng bàn tay trái, hai đầu ngón cái của hai bàn tay chạm vào nhau). Biểu hiệu của vị Amitaba là một đóa hoa sen, biểu trưng cho sự nẩy nở tâm linh. Vị trí của vị này thuộc phương Tây.
Amoghasiddhi hay Vị Phật Thành Công Chắc Chắn
Sau hết, Jina thứ năm là Amoghasiddhi hay “Vị Chắc Chắn Thành Công” (Bất Không Thành Tựu Như Lai). Vị Amoghasiddhi có thân mình màu xanh lá cây thật đậm, mudra (thủ ấn) nơi tay phải biểu trưng cho sự bình lặng (thăng bằng, thanh thản, không xao xuyến, không sợ hãi). Biểu hiệu của vị này là hai dorje (dorje là tiếng Tây Tạng có nghĩa là kim cương, đã được nói đến trên đây), gồm hai chiếc chùy kim cương bắt chéo vào nhau (tạo thành một hình chữ thập). Vị trí của vị Amoghasiddhi thuộc phương Bắc.
Trên đây là năm thể dạng chủ yếu nhất của Sambhogakaya (Thân hình tướng / Báo thân); Ngoài ra Sambhogakaya cũng còn được biểu trưng bởi hàng trăm thể dạng khác nữa (xin nhắc lại Sambhogakaya là thân xác hình tướng, tức thân xác cùng thụ hưởng và cùng chia sẻ sự Giác Ngộ), tất cả đều là các hình thức khuôn mẫu, hiện hữu ở một cấp bậc thật cao, làm trung gian giữa tri thức bình dị của chúng ta và Hiện Thực tối hậu và tuyệt đối. Vì vậy, tất cả các thể dạng [khuôn mẫu đó] đều vượt lên trên các kích thước thời gian và cả các sự cảm nhận thông thường của chúng ta (có nghĩa là các thể dạng mang tính cách khuôn mẫu của Sambhogakaya vượt lên trên khung cảnh lịch sử và cả các sự cảm nhận quy ước và công thức của chúng ta về thời gian và không gian. Đấy là lý do cho thấy tại sao các kinh sách hậu Đức Phật – tức là xuất hiện sau khi Đức Phật đã nhập diệt – vẫn được Đại Thừa xem là do chính Đức Phật thuyết giảng. Các vị Phật và các vị Bồ-tát nêu lên trong các kinh sách Đại Thừa đó không phải là các thể dạng “cụ thể” mà chỉ là các thể dạng “khuôn mẫu” (archetypal) của Sambhogakaya/ Báo thân). Trong một số trường hợp, chúng ta cũng có thể hòa nhập và thật sự tiếp cận với thế giới khuôn mẫu đó của Sambhogakaya, chẳng hạn như nhờ vào phép thiền định sâu xa (phép thiền định quán tưởng hay quán thấy của Phật Giáo Tây Tạng), hoặc các khuôn mẫu hiện lên trong các giấc mơ (chẳng hạn như mơ thấy mình đang hiện hữu trong một khung cảnh huyền diệu, hoặc trông thấy chư Phật hay các vị Bồ-tát…), hoặc nhờ vào các sự cảm nhận thẩm mỹ (esthetic) mang tính cách quán thấy (visionary) (chẳng hạn như ngắm nhìn các ảnh tượng nghệ thuật và cảm nhận được vẻ đẹp thiêng liêng và huyền diệu toát ra từ các tác phẩm đó).
(Trong trường hợp của mạn-đà-la trên đây thì vị Phật Amitaba (màu đỏ) được đặt vào phương Bắc, vị Phật Amoghasiddhi (màu xanh lá cây) vào phương Đông, vị Phật Akshobhya (màu xanh dương đậm) vào phương Nam, vị Phật Ratnasambhava (màu vàng ròng) vào phương Tây, trong khi dó vị Phật chiếu sáng Vairocana thì luôn luôn được đặt vào giữa. Tất cả các vị này không phải là các vị Phật lịch sử mà chỉ là các biểu hiệu nói lên các phẩm tính hay các thể dạng khuôn mẫu của Đức Phật lịch sử).
Theo tôi thì các vị Bồ-tát khuôn mẫu (Quán Thế Âm, Dược Sư, Địa Tạng, Di Lặc…) là các thể dạng Dharmakaya (Pháp Thân, Thân Đạo Pháp), tuy nhiên cũng có thể xem các vị ấy là các vị Bồ-tát ở thể dạng Sambhogakaya (Báo Thân hay Thụ Dụng Thân). Chúng ta không thể nhận biết được sự khác biệt giữa hai thế giới hình tướng (các hóa thân) và phi-hình-tướng (các khuôn mẫu). Từ bên trong con người của họ – nếu có thể nói như vậy – thì các vị Bồ-tát khuôn mẫu ấy và Dharmakaya (Pháp Thân) là một thứ, thế nhưng đồng thời họ vẫn tiếp tục hiển lộ dưới thể dạng Sambhogakaya (họ là Dharmakaya từ “bên trong” chính họ, thế nhưng họ hiện ra “bên ngoài” qua các thể dạng Sambhogakaya/ Báo Thân, Thụ Dụng Thân). [Tóm lại] họ vừa là Dhamakaya nhưng cũng vừa là Sambhogakaya, tương tự như chính Đức Phật: lúc còn tại thế Ngài vừa là Dharmakaya, Sambhogakaya và cả Nirmanakaya (Tam thân của Đức Phật). Các vị Bồ-tát ở cấp bậc Dharmakaya, có nghĩa là đã thực hiện được cho mình thể dạng Dharmakya, thế nhưng – qua một cách nói nào đó – thì họ vẫn còn tiếp tục giữ lại cho mình một thể dạng Sambhogakaya nào đó. Khi họ bắt đầu tạo được cho mình một thể tính (identity/ bản sắc, cá tính) vững chắc xác nhận mình là một vị Bồ-tát [đích thật], thì họ sẽ thuộc vào cảnh giới Sambhogakaya (Thụ Dụng Thân), thế nhưng trong trường hợp khi họ đã thực hiện được cấp bậc Dharmakaya (Pháp Thân) và hiển hiện ở thể dạng này, thì không phải vì thế mà họ sẽ không còn tách ra khỏi cảnh giới Dharmakaya của họ nữa (mà họ sẽ vẫn còn giữ nguyên có thể hiển hiện trở lại dưới thể dạng Sambhogakaya trước đó của họ). Trong trường hợp một vị Bồ-tát, ngoài thể dạng thuộc cấp bậc Sambhogakaya (Báo Thân) [mà mình đã thực hiện được] vẫn có thể chọn cho mình (tạo ra cho mình) thể dạng Nirmanakaya (Ứng Thân, Biến Hóa Thân), và [trong trường hợp này] thì vị ấy sẽ trở thành một vị Bồ-tát hóa thân (hiển hiện dưới thể dạng con người / embodied / incarnate body / incarné), người Tây Tạng gọi vị Bồ-tát hóa thân này là Tulku (có nghĩa là vị hóa thân hay biến hóa thân của một vị lama/ lạt-ma tiền nhiệm, thuộc một dòng truyền thừa nào đó. Chữ tulku – tiếng Tây Tạng là sprul sku – là một thuật ngữ bắt nguồn từ chữ nirmanakaya/ thân biến hóa trong tiếng Phạn). Nếu vị Bồ-tát ấy đúng thật là một vị tulku với đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ này, thì vị ấy cũng sẽ vẫn còn giữ được bên trong con người của mình ít nhất một phần nào đó các cảm nhận ở cấp bậc Sambhogakaya và cả cấp bậc Dharmakaya (vị hóa thân – tulku, ngoài thể dạng Nirmanakaya/ Hóa Thân của vị tiền nhiệm, vẫn còn tiếp tục giữ được ít nhất một phần nào đó các thể dạng Sambhogakaya/ Báo Thân và Dharmakaya/ Pháp Thân của vị ấy. Chẳng hạn như trường hợp Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV vừa là hóa thân của vị Bồ-tát Avalokitesvara/ Quán Thế Âm vừa là hiện thân của cả ba thể dạng Dharmakaya, Sambhogkaya và Nirmanakaya của vị ấy qua hình tướng của một con người mang tên là Tenzin Gyatso. Nói một cách khác thì Ngài là một vị Phật sống, hiện ra ở thể dạng Nirmanakaya trong thế giới chúng ta, thế nhưng ngoài thể dạng Nirmanakaya đó, Ngài vẫn giữ được bên trong chính mình các phẩm tính Sambhogakaya và cả Dharmakaya của vị Bồ-tát Quán Thế Âm, một thể dạng lý tưởng mang tính cách khuôn mẫu của một vị Phật).
Dharmakaya hay Thân Sự Thật
Chữ Dharmakaya (Pháp Thân) như chúng ta đã thấy thường được dịch là “Thân Sự Thật”, thế nhưng đúng ra thì phải dịch là “Thể dạng của hiện thực tuyệt đối”. Dharmakaya biểu trưng cho Phật tính bên trong con người của mình, và thật ra thì cũng là vị Phật bên trong chính mình. Vì thế Dharmakaya không hẳn biểu trưng cho Đức Phật ở thể dạng con người, cũng không phải là Đức Phật dưới một hình thức khuôn mẫu nào cả, mà là Đức Phật thật sự và duy nhất, đúng thật và tối hậu (Đức Phật không hẳn là vị Gotama/ Cồ Đàm với 32 tướng tốt chính yếu và 80 tướng tốt thứ yếu, cũng không hẳn là các khuôn mẫu lý tưởng và cũng không hẳn là các biểu tượng nói lên một quyền năng siêu phàm và huyền diệu nào cả, mà Ngài chỉ là Dharmakaya, hiện thân của một Sự Thật tối hậu và tuyệt đối, hòa nhập vào thế giới, cùng vận hành với thế giới, nhưng đồng thời cũng vượt lên trên thế giới).
Kinh Kim Cương
Trong kinh Kim Cương, qua các câu thơ nổi tiếng dưới đây, Đức Phật từng tuyên bố về Dharma như sau:
Những ai trông thấy ta qua hình tướng của ta,
Những ai bước theo ta bằng cách nghe thấy tiếng nói của ta,
Thì các sự cố gắng ấy của họ cũng chỉ là vô ích.
Họ sẽ chẳng bao giờ trông thấy ta.
Nếu muốn trông thấy chư Phật thì phải nhìn vào Dharma (Đạo Pháp),
[Bởi vì] các giáo huấn của họ đều xuất phát từ thân xác Dharma (Dharmakaya)
Thế nhưng bản chất đích thật của Dharma thì lại không thể nào trông thấy được nó.
Không bất cứ ai có thể hình dung được Dharma như là một vật thể (sự vật) nào cả.
(Dharma là một cái gì đó biến hóa không cùng, vượt lên trên mọi cách hình dung cụ thể cũng như các sự hiểu biết quy ước và khái niệm. Tất cả mọi hiện tượng hiện ra chung quanh chúng ta, cũng như tất cả mọi xúc cảm, tư duy và các sự tạo dựng bên trong tâm thần chúng ta đều là các hiện tượng, chỉ toàn là các hiện tượng. Sự hiện hữu của chúng tùy thuộc vào sự níu kéo và trói buộc giữa các hiện tượng ấy với nhau, sự chuyển động đó của chúng tạo ra thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống trong đó. Vì vậy không thể nào dựa vào sự chuyển động đó của các hiện tượng để hình dung ra Dharma. Xin mạn phép nhắc lại là chữ Dharma dịch sang Hán ngữ là “Pháp” với ý nghĩa gốc của thuật ngữ này trong tiếng Hán là “luật pháp”, do đó không phản ảnh trung thực được ý nghĩa của chữ Dharma trong nền tư tưởng Phật Giáo và văn hóa Ấn Độ nói chung. Tốt hơn hết nên dùng thẳng chữ Dharma trong tiếng Phạn hoặc chữ Dhamma trong tiếng Pali).
Đức Phật không đúng là thân xác vật chất, cũng không phải là một hình thức khuôn mẫu (archetypal) nào cả. Đức Phật là Dharmakaya. Đức Phật là Hiện Thực.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Khái niệm về Tam Thân và các biến dạng của khái niệm này – chẳng hạn như khái niệm về Năm Jina – có thể gợi lên với chúng ta một ý niệm tiên khởi và bao quát nào đó về sự khác biệt giữa các tông phái Phật Giáo. Các cách giải thích về Tam Thân nêu lên trong các bài 53, 54 và cả bài 55 tiếp theo bài này, chủ yếu dựa vào quan điểm của Đại Thừa. Khái niệm về Dharmakaya (Pháp Thân) được nêu lên trước hết trong kinh Bát-nhã (Prajñāpāramitā-sutra) và cũng là tạng kinh đầu tiên của Đại Thừa, xuất hiện vào khoảng thế kỳ thứ I sau Tây lịch. Sau đó toàn bộ khái niệm Tam Thân gồm đầy đủ Dharmakaya, Sambhogakaya và Nirmakaya, chỉ được các học phái Duy Thức và Du-già Hành Tông (Yogakara) của Đại Thừa nêu lên vào khoảng thế kỷ thứ IV.
Tuy nhiên nếu nhìn vào kinh điển Pali thì chúng ta cũng có thể tạo được hay hình dung được một ý niệm nào đó về khái niệm Tam Thân, thế nhưng ý nghĩa có đôi chút khác biệt với Đại Thừa. Theo Phật Giáo Theravada thì Tam Thân gồm có: 1) Thân hình tướng (caturmahābhūtikāya) tức là thân tứ đại (đất, nước, lửa, khí) của Đức Phật; 2) Thân tâm thần (manomayakāya) tức là thể dạng tâm thức Giác Ngộ của Đức Phật nơi cõi thiêng liêng; 3) Thân Dhamma (dhammakāya) tức là “Pháp thân” hay Giáo Huấn của Đức Phật.
Ngoài ra trong một trường phái xưa gọi là Sarvastivada, xuất hiện khoảng ba trăm năm sau khi Đức Phật tịch diệt, người ta cũng thấy nói đến khái niệm Tam Thân. Trường phái Sarvastivada cũng được gọi là Sarvastivadin, có nghĩa là “Những người bước theo học phái Sarvastivada”, hoặc đôi khi cũng được gọi là Vaibhasika. Sở dĩ nêu lên các chi tiết này là vì tầm quan trọng của nó đối với kinh điển Hán tạng, bởi vì hầu hết các kinh điển gốc – tức là các bài kinh hay bài giảng của Đức Phật – bằng tiếng Phạn lưu lại đến nay là do trường phái này dịch lại từ các kinh điển “nguyên thủy” bằng tiếng Pali của Phật Giáo Theravada. Các bản dịch sang tiếng Hán và tiếng Tây Tạng nhiều thế kỷ sau đó đã được dựa vào các bản “kinh gốc” bằng tiếng Phạn này. Theo trường phái Sarvastivada thì Tam Thân gồm: 1) Thân Dharma (dhammakāya) hay “Pháp thân” là một thể dạng của Đức Phật mang tính cách siêu-thế-tục, tức là vượt lên trên thế giới vật chất; 2) Thân vật chất (vipākakāya), tiền ngữ vipaka có nghĩa là kết quả hay sự xứng đáng, đôi khi thể dạng này cũng được gọi là Rupakaya, chữ rupa có nghĩa là hình tướng hay hình tướng vật chất; 3) Thân biến hóa (nirmāṇakāya), là các thể dạng biến hóa của Đức Phật nhằm giúp đỡ chúng sinh hữu hiệu hơn.
Tuy nhiên chúng ta sẽ không đi sâu vào các cách định nghĩa về Tam Thân theo các trường phái trên đây, mà chỉ nhìn vào khái niệm Tam Thân qua một góc nhìn khác hơn, liên quan đến sự tiến hóa của tư tưởng Phật Giáo qua không gian và thời gian.
Kinh Mahāparinibanna Sutta (Đại-bát Niết-bàn Kinh) cho biết trước khi nhập diệt Đức Phật đã dặn dò người đệ tử thân cận của mình là Ananda như sau: “…, Này Ananda, hãy sống như một hòn đảo, và xem hòn đảo đó là nơi an trú cho mình. Dhamma cũng vậy, cũng tương tự như một hòn đảo, vậy hãy xem Dhamma là nơi an trú độc nhất và duy nhất cho chính mình…”. Những lời của Đức Phật trên đây cho thấy khái niệm Dhammakaya (tiếng Phạn là Dharmakaya) là chủ đích tối hậu trong việc tu tập, thế nhưng sau đó quan điểm này đã được mở rộng và trở nên đa dạng hơn, đưa đến vô số các hình thức và các chủ đích tu tập khác nhau, qua các học phái và tông phái khác nhau. Trước hết và sớm nhất là sự xuất hiện của các khái niệm Vipākakāya và Nirmāṇakāya trong trường phái Sarvastivada như đã được nói đến trên đây, và tiếp theo sau đó là các khái niệm Sambhogakāya và Nirmāṇakāya trong Đại Thừa nói chung. Sự biến dạng của các khái niệm này lại tiếp tục được giải thích và khai triển phong phú hơn sau đó.
Đối với Phật Giáo Theravada, Đức Phật là một vị hoàng thân, một con người mang nhiều tướng tốt, gần với con người hơn. Thế nhưng sau đó Đức Phật đã phát huy được một trí tuệ siêu việt giúp mình thoát ra khỏi thế giới hiện tượng, đánh dấu kiếp nhân sinh cuối cùng của Ngài trong thế giới đó. Sự chấm dứt kiếp nhân sinh đó của Ngài được xem như là một sự tắt nghỉ hoàn toàn gọi là Parinirvana (Đại-bát Niết-bàn). Trái lại đối với Đại Thừa, nhất là Kim Cương Thừa và Phật Giáo Trung Quốc, Đức Phật vụt trở nên thiêng liêng, siêu nhiên, và mầu nhiệm hơn. Ngài từng là một vị Phật từ vô tận, và từ cõi Thiên đã hiện ra trong thế giới này để cứu độ chúng sinh. Sau khi tịch diệt Ngài vẫn tiếp tục hiện hữu qua muôn ngàn thể dạng Sambhogakaya và Nirmanakaya khác nhau hầu lúc nào cũng ở bên cạnh chúng sinh để giúp đỡ họ.
Đối với Phật Giáo Theravada thì Đức Phật đã cắt đứt chuỗi níu kéo bất tận giữa sự sinh và cái chết, tức là thoát ra khỏi cõi samsara (luân hồi). Sự chấm dứt đó của sự sinh cũng tương tự như một ngọn lửa tắt khi nó không được châm thêm nhiên liệu. Đối với Đại Thừa thì Đức Phật vượt lên trên samsara và cả nirvana, có nghĩa là vượt thoát mọi hình thức đối nghịch để trở thành một sự trống không tuyệt đối (sunyata) và sự trống không đó cũng chính là bản thể đích thật của Hiện Thực tối hậu. Qua một góc nhìn khác cụ thể hơn, thì trong Đại Thừa, Đức Phật cũng trở thành hạt mầm của sự Giác Ngộ (tathagatagarbha/ Như Lai Tạng) hay Phật tính hay Bản Thể của Phật (buddhata, buddha-svabhava, tiếng Anh là buddhahood). Ngoài ra theo Đại Thừa, Đức Phật cũng có thể hiện ra qua năm thể dạng của trí tuệ siêu nhiên là Vairocana, Ratnasambhava, Amitaba, Amoghasiddhi và Akshobya. “Đức Phật không phải là thân xác vật chất, cũng không phải là một hình thức khuôn mẫu nào cả. Đức Phật là Dharmakaya. Đức Phật là Hiện Thực”, câu này cũng là câu kết luận cho bài giảng trên đây của nhà sư Sangharakshita.
Bures-Sur-Yvette, 22.02.2022
HOANG PHONG chuyển ngữ