Nghe và không nghe

 

 

NGHE VÀ KHÔNG NGHE

Thiền Sư Thanh Lâm – Sư Kiền ban đầu tham vấn Thiền Sư Động Sơn. Động Sơn hỏi:

– Ông từ đâu đến?

Thanh Lâm đáp:

– Vũ Lăng.

Động Sơn lại hỏi:

– Phật Pháp của Vũ Lăng có khác gì của ta ở đây không?

Thanh Lâm đáp:

– Như trên vùng cát đá hoang vu nở một đóa hoa tươi đẹp.

Động Sơn nghe xong, xoay đầu dặn đệ tử:

– Làm một bữa cơm ngon đặc biệt để cúng dường người này.

Thanh Lâm nghe xong phất tay áo ra đi.

Động Sơn nói với đại chúng:

– Ông ấy sau này tất nhiên sẽ làm cho học tăng đua nhau đến tham học trong pháp hội của ông.

Có một hôm, Thanh Lâm đến từ giã Động Sơn ra đi. Động Sơn hỏi:

– Ông chuẩn bị đi đâu?

Thanh Lâm thưa:

– Mặt trời không che giấu mà không để cho mọi người xem thấy, vì đã là mặt trời tất nhiên sáng soi trùm khắp.

Động Sơn ấn khả:

– Ông cần phải bảo trọng, khéo tự làm lấy!

Khi ấy, Động Sơn đưa Thanh Lâm ra sơn môn. Lúc chia tay, Động Sơn chợt nói:

– Lần đi xa này, ông có thể nói được một câu thoại không?

Thanh Lâm không cần suy nghĩ, nói:

Bước bước đạp hồng trần
Toàn thân không bóng dáng.

Động Sơn trầm tư giây lâu, Thanh Lâm hỏi:

– Lão Sư! Sao Thầy không nói thoại?

– Ta đã nói thoại cho ông nhiều lần như thế, sao ông còn vu khống ta không nói?

Thanh Lâm quỳ xuống thưa:

– Khi Thầy nói, đệ tử không nghe; khi Thầy không nói, đệ tử nghe.

Động Sơn đỡ Thanh Lâm dậy, nói:

– Ông có thể đạt đến chỗ không nói, không dạy rồi.

Lời bình:

Các Thiền Sư rất cẩn trọng, không bao giờ dối gạt. Rõ ràng lời của người khác nói mà Ngài nói không nghe; còn người khác không nói mà Ngài cho rằng nghe. Thực ra, nghe khai thị pháp ngữ vô ngôn vô thuyết, đó mới là nghe được pháp âm thiền ngữ chân chánh.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.