I. NGÀY KỶ NIỆM TIỀN BỐI HỮU CÔNG
Truyền thống tổ chức LỄ HIỆP KỴ trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam bắt nguồn từ “Ngày Kỷ Niệm Tiền Bối Hữu Công” (vào dịp lễ Phật Thành Đạo hằng năm) được thiết lập bởi quyết định của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1969. Lễ Hiệp Kỵ đầu tiên của tổ chức Gia Đình Phật Tử được kiến lập và cử hành năm 1973 tại Huế trong Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc GĐPTVN lần thứ 8.
Nguyên văn quyết định nói trên của Giáo Hội về việc ấn định Ngày Tiền Bối Hữu Công như sau:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Số: 0176 – VHĐ/VP/QĐ
VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO
– Chiếu Giáo-chỉ ngày mồng 8 tháng 12 Phật lịch 2509 (14-12-1965) của Đức Tăng-thống ban bành Hiến-chương G.H.P.G.V.N.T.N. được tu-chỉnh bởi đại-hội khoáng-đại kỳ II.
– Chiếu Biên-bản đại-hội G.H.P.G.V.N.T.N. kỳ III ngày 20-08-1968 lưu-nhiệm chức-vụ Viện trưởng Viện Hóa-đạo G.H.P.G.V.N.T.N.
– Chiếu Giáo-chỉ số 08 ngày 20-08-1968 phê-chuẩn và tấn-phong Ban Chỉ-đạo Viện Hóa-đạo của Đức Tăng-thống.
– Chiếu Tuyên-cáo ngày 01-12-1969 của Viện Hóa-đạo Giáo-hội Phật-giáo Việt-nam Thống-nhất.
– Chiếu Biên-bản phiên họp Hội-đồng Viện Hóa-đạo ngày 12-12-69.
Q U Y Ế T Đ Ị N H:
Điều 1: Nay trân trọng thiết-lập ngày kỷ-niệm pháp-định các vị Tăng-sĩ, Cư-sĩ Tiền-bối thuộc Nam Bắc Tôn tại Nam Trung Bắc hữu công trong Phong-trào Chấn-hưng Phật-giáo Việt-nam trong hậu bán thế-kỷ 20 (1920-1963 Dương lịch).
Điều 2: Ngày kỷ-niệm trên được ấn-định vào ngày mồng 8 tháng chạp Âm lịch, nhằm ngày Thành Đạo của Đức Bổn-Sư.
Điều 3: Các Giáo-phái Phật-giáo Nam Bắc Tông trong Giáo-hội, các Ban Đại-diện Giáo-hội và các cấp có nhiệm-vụ lập danh-sách và tiểu-sử các vị Tiền-bối hữu-công, trình lên Giáo-hội Trung-ương, để ghi vào sử Phật-giáo Việt-nam cận đại.
Điều 4: Quý vị Phó Viện Trưởng, Tổng Thư-ký, Tổng vụ trưởng, Tổng-vụ Tăng-sự, Tổng-vụ Cư-sĩ, Tổng-vụ Thanh-niên chiếu nhiệm-vụ thi-hành quyết-định này.
Phật lịch 2513
Sài-gòn, ngày 16 tháng 12 năm 1969.
Thượng-tọa THÍCH THIỆN HOA
(ấn ký)
Nơi nhận:
– Các Tổng-vụ, Vụ.
– Các cơ-quan trực-thuộc Viện Hóa-Đạo.
– Các B.Đ.D. Giáo-hội các cấp trong, ngoài nước.
“để chiếu hành”.
oOo
II. LỄ HIỆP KỴ ĐẦU TIÊN CỦA TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc GĐPTVN lần thứ VIII nhiệm kỳ 1973-1975 (Đại Hội toàn quốc sau cùng tính đến biến động chính trị 30/4/1975 và nhiệm kỳ đã kéo dài nhiều năm sau đó vì lý do thời cuộc) tổ chức từ ngày 29 đến ngày 31-7-1973, Phật lịch 2517, tại chùa Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Đà Nẵng (chùa Pháp Lâm). Đây là một Đại Hội có những sự kiện đặc biệt:
– Lần đầu tiên tổ chức 3 Đại Hội toàn quốc đồng thời gồm Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT, Đại Hội Cựu Huynh Trưởng GĐPT, Đại Hội Ban Bảo Trợ GĐPT.
– Lần đầu tiên tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Toàn Quốc của GĐPTVN (tại Huế) trong chương trình Đại Hội.
Nhiều anh chị em Huynh Trưởng – Đoàn Sinh (và có cả vài tài liệu) GĐPT nói rằng “năm 1973, có 4 Đại Hội được tổ chức đồng thời: Đại hội Huynh Trưởng, Đại hội Cựu Huynh Trưởng, Đại hội Ban Bảo Trợ và Đại hội Hương linh Cố Đoàn Viên”, vì trong thời gian và không gian Đại Hội này có thiết lập một Linh đường tưởng niệm Hương linh chư vị Sáng Lập Viên, Đoàn Viên, Cựu Đoàn Viên, Bảo Trợ Viên GĐPTVN quá cố và đã tổ chức một Trai đàn – Hiệp kỵ trước khi kết thúc các Đại Hội.
Đại lễ Hiệp Kỵ – Trai đàn Chẩn tế do Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN và Ban Tổ Chức Đại Hội tổ chức, được ủy nhiệm cho Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên kiến lập đạo tràng. Đại lễ cử hành trang nghiêm, long trọng trong hai ngày 31-7 và 1-8-1973 dưới sự chứng minh của Chư tôn Giáo phẩm đại diện Viện Hóa Đạo G.H.P.G.V.N.T.N. Chức sự đàn tràng và Ban Kinh Sư được Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên chiếu liệu. Đảm trách Ban Đại Bái do Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN chánh tế. Linh vị chư Chơn linh, Hương linh Đoàn Viên, Cựu Đoàn Viên, Bảo Trợ Viên GĐPT được Phái đoàn Ban Tổ Chức cung thỉnh từ Linh án thiết trí tại Đại Hội ở chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng ra cố đô Huế tựu vị đàn tràng. Đại lễ hoàn mãn thì Linh vị được cung thỉnh về phụng thờ tại Tổ đình Ấn Quang, thủ đô Sài Gòn.
Chương trình Đại lễ Hiệp Kỵ – Trai Đàn được cử hành thập phần viên mãn với đầy đủ các nghi tiết truyền thống Phật giáo: Chiêu phan, Thượng phan, Tiên thường, Chánh kỵ – Hiệp kỵ, Thí thực Mông sơn, Chẩn tế, Phóng sanh đăng, Tạ đàn…
Từ sau lễ Hiệp Kỵ này, qua sự thống nhất trong Đại Hội Huynh Trưởng nói trên, Ban Hướng Dẫn GĐPT các tỉnh/thị/thành bắt đầu ấn định và tổ chức các lễ Hiệp Kỵ thường niên tại địa phương quản hạt, tùy định vào dịp một ngày lễ, vía Phật giáo (thường là lễ Vu Lan, vía Phật A Di Đà, Địa Tạng Bồ-tát…,) và báo cáo Ban Hướng Dẫn Trung Ương thiết lập, nhật tu ‘lịch Hiệp Kỵ’ của toàn quốc. Những lễ Hiệp Kỵ thường niên này của GĐPT các tỉnh/thị/thành đã tổ chức được, duy trì đến hết năm 1975.
III. LỄ HIỆP KỴ TOÀN QUỐC & CÁC ĐỊA PHƯƠNG SAU NĂM 1975
Sau trận chiến quân sự nổ ra cùng khắp miền Nam Việt Nam và sự biến động, đổi thay thế chế chính trị vào ngày 30/4/1975 sau Hiệp định Paris về Hòa Bình Việt Nam năm 1973, mọi tổ chức, đoàn thể trên miền Nam hoàn toàn ngưng mọi hoạt động, duy còn Gia Đình Phật Tử là tổ chức thanh – thiếu niên duy nhất còn nhiều nơi duy trì sinh hoạt được trong hoàn cảnh khó khăn; tuy nhiên các hoạt động tập trung luôn gặp trở ngại nên hầu như không có Lễ Hiệp Kỵ nào còn tổ chức được.
Năm 1980, Ban Hướng Dẫn GĐPT Gia Định (Miền Khánh Hòa) với sự tán trợ của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN – trong danh nghĩa Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên) – đã nổ lực tổ chức được một Đại trai đàn Chẫn tế – Hiệp Kỵ, cử hành liên tục trong 3 ngày 24, 25 và 26 tháng 8 năm 1980 (trong dịp Lễ Vu Lan năm Canh Thân) tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn với hơn 300 Huynh Trưởng GĐPT các cấp trên toàn quốc hay tin hội tụ về tham dự. Lễ Hiệp Kỵ chính thức được Chư tôn Giáo phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện G.H.P.G.V.N.T.N bất chấp mọi chướng duyên, ưu ái thân lâm chứng minh. Trong lễ Hiệp Kỵ này, với tư cách và quyền hạn Quyền Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, Chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc, dõng dạc nhấn mạnh trong bài diễn từ:
“…Chúng sanh còn, đạo Phật còn. Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do tín ngưỡng, đương nhiên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam[*] còn. Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đứa con của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam[*] đương nhiên tồn tại hợp pháp. Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam phát nguyện trước Tam Bảo thực hiện trọn vẹn Lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, phục vụ Dân tộc, Đạo pháp và Con người. Tam Bảo còn, Giáo Hội Phật Giáo còn, Tổ chức còn! Sứ mạng của Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử thập phần cao cả. Chỉ có ta thoái xuất chí hướng chứ không có ai tước đoạt Lý tưởng của chúng ta. Con đường trước mặt vô cùng chông gai và nhiều hiểm nạn. Chúc các anh chị em tinh tấn trong sứ mạng cũng như trong học tập và tu trì…”.
Từ sự thành tựu pháp sự Hiệp Kỵ trên, những năm sau đó Ban Hướng Dẫn GĐPT các tỉnh/thị/thành khác lại bắt đầu tổ chức các lễ Hiệp Kỵ thường niên của địa phương; có nơi tiếp tục tổ chức vào ngày đã ấn định sau Đại Hội Huynh Trưởng 1973, có nơi mới san định, có nơi thay đổi ngày hoặc thiết lập một tùy chọn mới có ý nghĩa. Trong thời điểm này Ban Hướng Dẫn GĐPT Lâm Đồng tổ chức một Hiệp Kỵ tại Tổ đình Linh Sơn ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt, nơi có ‘di tích’ Trại Trường GĐPTVN, và cũng với nhiều lý do tinh thần khác nữa nên Hiệp Kỵ này đặc biệt có rất đông Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT trong nước vân tập về tham dự.
Đến năm 1999, lần đầu tiên sau năm 1975, Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN ấn định thống nhất lấy ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm (là ngày Kỵ nhật Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, Sáng Lập Viên GĐPTVN) làm ngày Hiệp Kỵ truyền thống của Gia Đình Phật Tử toàn quốc.
Tại quốc nội, hiện hầu hết Gia Đình Phật Tử các tỉnh/thị/thành đều đã được Ban Hướng Dẫn sở tại quy định thống nhất tổ chức ngày lễ Hiệp Kỵ truyền thống toàn tỉnh hàng năm.
Một số GĐPT cấp đơn vị, quận/huyện thành lập đã lâu năm, có nhiều đời Huynh Trưởng, Đoàn Sinh, Cựu Huynh Trưởng, Cựu Đoàn Sinh quá vãng – trong đó có những Huynh Trưởng sáng lập hay hữu công với đơn vị, với tổ chức – cũng có tổ chức lễ Hiệp Kỵ hàng năm tại đơn vị, đáp ứng sự tuân thủ Cương yếu Hành chánh GĐPT về nguyên tắc lễ lượt và được Ban Hướng Dẫn trực thuộc tán đồng, tham dự.
Tại hải ngoại và trên thế giới, đã có 2 lễ Hiệp Kỵ theo nghi thức truyền thống được tổ chức trong Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Trên Thế Giới và hầu như các Ban Hướng Dẫn GĐPTVN tại các châu lục, quốc gia đều đã có san định ngày lễ Hiệp Kỵ tổ chức tại địa phương quản hạt./.
QUANG MAI
oOo
[*] Giáo Hội Phật Giáo chị Hoàng Thị Kim Cúc đề cập trong diễn từ là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau năm 1980, đến ngày 7 tháng 11 năm 1981 mới thành lập GHPGVN hiện có. (Chú thích của Thư Viện GĐPT).
– Ảnh trên cùng của bài viết là tác phẩm “Đường Lam” (chất liệu màu nước) của tác giả Trương Văn Tạo vẽ năm 2019 với chủ đề “Hướng về Hiệp Kỵ toàn quốc Gia Đình Phật Tử Việt Nam.