Nội lệ Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử Việt Nam

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
BI – TRÍ – DŨNG
—oOo—

NỘI LỆ

BAN BẢO TRỢ
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

CHƯƠNG I
DANH XƯNG – MỤC ĐÍCH – TRỤ SỞ – THỜI HẠN

Điều 1: Nay thành lập Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử Việt Nam để hoạt động trong phạm vi của tổ chức Gia Đình Phật Tử thuộc Phật Giáo Việt Nam.

Điều 2: Mục đích của Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử Việt Nam là đoàn kết các Phụ huynh Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, các cựu Đoàn viên Gia Đình Phật Tử, cùng tất cả Đạo hữu có cảm tình với Gia Đình Phật Tử để giúp đỡ các cấp Gia Đình Phật Tử về mọi nhu cầu tinh thần, vật chất, công tác.

Điều 3: Trụ sở của Ban Bảo Trợ đặt tại trụ sở Gia Đình Phật Tử trực thuộc liên hệ nếu thích hợp cho sự hoạt động.

Điều 4: Ngoại trừ trường hợp ghi ở Điều 50 Chương IX của Nội Lệ, Ban Bảo Trợ GĐPT hoạt động vô thời hạn.

CHƯƠNG II
THÀNH PHẦN – ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP

Điều 5: Tất cả Đạo hữu nam hay nữ, đều có thể gia nhập làm Ban viên của Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử.

Điều 6: Ban viên Ban Bảo Trợ gồm có 3 hạng: Ban viên Danh Dự, Ban viên Ân Nghĩa, và Ban viên Hoạt Động.

Điều 7: Ban viên Danh Dự là những vị có nhiều công lớn và đặc biệt với Gia Đình Phật Tử.

Điều 8: Ban viên Ân Nghĩa là những vị đóng góp và giúp đỡ không thường xuyên vào hoạt động của Ban Bảo Trợ.

Điều 9: Ban viên Hoạt Động là những vị đóng góp nguyệt liễm và thường xuyên góp phần duy trì, điều hành Ban Bảo Trợ.

Điều 10: Muốn gia nhập làm Ban viên, các Đạo hữu phải được 2 Ban viên cũ giới thiệu và có sự đồng ý của Ban Thường Vụ thuộc Ban Bảo Trợ liên hệ.

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC – NHIỆM VỤ

Điều 11: Ban Bảo Trợ chia làm 3 cấp:
– Cấp trung ương gọi là Ban Bảo Trợ Trung Ương Gia Đình Phật Tử.
– Cấp tỉnh được gọi là Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử Tỉnh.
– Cấp Gia Đình gọi là Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử.

Điều 12: Ban Bảo Trợ các cấp ngoài nhiệm vụ bảo trợ trực tiếp còn có nhận sự liên lạc và tương trợ lẫn nhau.

Điều 13: Mỗi Ban Bảo Trợ có 1 Ban Chấp Hành đảm nhiệm và thi hành công việc của toàn Ban (….)[*] Tổng kết hoạt động mỗi tháng báo cho Ban Bảo Trợ cấp trên.

Điều 14: Ban Chấp Hành Ban Bảo Trợ mỗi cấp gồm có các chức vụ:
– Cố vấn.
– Trưởng ban, Phó trưởng ban.
– Tổng thư ký, Phó tổng thư ký.
-Thủ quỹ, Phó thủ quỹ.
– Kiểm soát viên.
– Các Ủy viên.

Điều 15: Với chức vụ nêu trên ở điều thứ 14, tùy theo nhu cầu, Đại Hội các cấp Ban Bảo Trợ tùy nghi ấn định số Ban viên của Ban Chấp Hành. Ngoài ra, trong niên khóa đương nhiệm, Ban Chấp Hành có thể tùy nhu cầu bổ sung các Ủy viên và các Kiểm soát viên.

Điều 16: Nhiệm kỳ Ban Chấp Hành mỗi cấp theo nhiệm kỳ Ban Hướng Dẫn.

Điều 17: Văn phòng Thường vụ của Ban Chấp Hành gồm có: Trưởng ban, Phó trưởng ban, Tổng thư ký và Thủ quỹ. Văn phòng Thường Vụ chỉ thi hành quyết định của Ban Chấp Hành và không có quyền định đoạt.

Điều 18: Trưởng ban đại diện cho toàn Ban trong mọi hoạt động Phật sự. Ngoài ra Trưởng ban có nhiệm vụ:
– Chủ tọa các phiên họp, nhóm.
– Đảm nhiệm thi hành các quyết định của toàn Ban Chấp Hành.
– Ký các ủy nhiệm thư cho các Ban viên có nhiệm vụ thi hành các quyết định của Ban Chấp Hành.
– Thay mặt toàn Ban ký các văn thư.
Những quyền hành kể trên được kể ra để trần thuật chứ không phải để hạn chế.

Điều 19: Phó trưởng ban giúp Trưởng ban để thừa hành nhiệm vụ và thay thế Trưởng ban khi Trưởng ban vắng mặt

Điều 20: Tổng thư ký điều hành Phòng Thư Ký dưới quyền Trưởng ban.
Tổng thư ký soạn thảo chương trình nghị sự các phiên họp của Ban Chấp Hành, thảo các văn thư, lập biên bản các phiên họp, thi hành các quyết định của Ban Chấp Hành, giữ gìn văn khổ và lập danh bộ Ban viên. Tổng thư ký có Phó tổng thư ký phụ tá và thay thế Tổng thư ký khi vắng mặt.

Điều 21: Thủ quỹ có nhiệm vụ quản thủ tài chánh của toàn Ban Bảo Trợ. Thủ quỹ có Phó thủ quỹ phụ tá và thay thế khi vắng mặt.

Điều 22: Kiểm soát viên có quyền kiểm soát tất cả sổ sách kế toán. Thủ quỹ phải chứng minh các hồ sơ thu chi hợp lệ mỗi khi Kiểm soát viên yêu cầu. Đến kỳ Đại Hội, Thủ quỹ có nhiệm vụ phải tường trình tình hình tài chánh.

Nhiệm vụ của các Ủy viên khác do Ban Chấp Hành tùy nghi ấn định.

Ban Chấp Hành Ban Bảo Trợ họp ít nhất mỗi tháng 1 lần. Ngoài ra khi có việc cần thiết Trưởng ban có thể triệu tập những buổi họp đặc biệt. Biên bản các buổi họp của Ban Chấp Hành sẽ được thông tri qua Ban Hướng Dẫn để biết.

Điều 23: Nhiệm vụ các Ủy viên và Kiểm soát viên sẽ do Ban Chấp Hành mỗi Ban tùy nghi ủy nhiệm.

Điều 24: Phiên họp của Ban Chấp Hành chỉ có giá trị khi có sự hiện diện ít nhất quá bán Ban viên của Ban Chấp Hành. Trong trường hợp có số thăm nghịch và số thuận bằng nhau, lá thăm của Trưởng ban được quyền quyết định.

Điều 25: Ít ra 3 tháng 1 lần, toàn Ban viên Ban Bảo Trợ phải nhóm họp để:
– Tham gia sinh hoạt toàn Ban Bảo Trợ.
– Kiểm điểm tình hình chung toàn Ban Bảo Trợ.
– Hoạch định chương trình hoạt động sắp đến.

CHƯƠNG IV
Đ Ạ I    H Ộ I

Điều 26: Bốn năm một lần, Ban Bảo Trợ sẽ tổ chức Đại Hội để công cử thành phần Ban Chấp Hành, kiểm điểm hoạt động đã qua và hoạch định chương trình sinh hoạt của nhiệm kỳ tới (…)[*]. Ngoài ra ở mỗi cấp, Trưởng ban với sự đồng ý của Ban Chấp Hành có thể triệu tập những buổi Đại Hội bất thường để giải quyết những vấn đề trọng đại.

Điều 27: Thành phần Ban Bảo Trợ cấp tỉnh Đại Hội gồm Đại biểu các Ban Bảo Trợ Gia Đinh liên hệ và Ban viên của Ban Bảo Trợ cấp tỉnh. Đại Hội này được tổ chức trước tháng Đại Hội Ban Bảo Trợ cấp trung ương.

Điều 28: Thành phần Đại Hội Ban Bảo Trợ Trung Ương gồm Đại biểu các Ban Bảo Trợ tỉnh trong toàn quốc và các Ban viên của Ban Bảo Trợ Trung Ương Gia Đình Phật Tử.

Điều 29: Đại Hội Ban Bảo Trợ của mỗi cấp do Ban Chấp Hành liên hệ triệu tập.

Điều 30: Đại Hội Ban Bảo Trợ trong lần đầu nhóm họp được coi là hợp lệ nếu có số Ban viên tham dự ít nhất là phân nửa của tổng số là Ban viên trong thành phần Đại Hội. Nếu không đủ túc số nói trên, Đại Hội sẽ tự giải tán và sẽ nhóm lại sớm nhất là 24 giờ sau. Trong phiên họp lần này, Đại Hội có quyền quyết định bất luận số Ban viên tham dự là bao nhiêu.

Bầu cử hay biểu quyết theo thể thức ủy quyền được chấp thuận trong Đại Hội này. Tuy nhiên mỗi Ban viên hiện diện chỉ có thể đại diện tối đa cho 3 Ban viên vắng mặt và chỉ được sử dụng nhiều nhất là 4 lá thăm, kể cả thăm của mình.

Điều 31: Ban viên được Đại Hội toàn quốc công cử vào thành phần Ban Chấp Hành của Ban Bảo Trợ Trung Ương hành động với tư cách là một Ban viên toàn vẹn của Ban Bảo Trợ Trung Ương.

Điều 32: Ban viên được Đại Hội cấp tỉnh công cử vào thành phần Ban Chấp Hành của Ban Bảo Trợ cấp tỉnh hành động với tư cách là Ban viên toàn vẹn của Ban Bảo Trợ tỉnh.

CHƯƠNG V
THỂ THỨC SINH HOẠT VÀ CHI TIÊU

Điều 33: Các khoản thu của Ban Bảo Trợ gồm có:
– Nguyệt liễm của Ban viên Hoạt Động.
– Tài vật của Ban viên Ân Nghĩa, Ban viên Hoạt Động và Phụ huynh của Đoàn viên Gia Đình Phật Tử ủng hộ.
– Tài vật ủng hộ của các Hội hữu và của các tổ chức trong và ngoài Giáo Hội.
– Tiền lợi tức về tài vật thủ đắc.
– Tiền lợi tức của các hoạt động của Ban Bảo Trợ hợp tác với Ban Hướng Dẫn tỉnh, Ban Huynh Trưởng hoặc với Đoàn viên Gia Đình Phật Tử như ấn hành sách báo có tính cách giáo dục, tổ chức các cuộc triển lãm hoặc trình diễn văn nghệ.

Điều 34: Chi phí của Ban Bảo Trợ gồm có:
– Những chi phí bảo trợ cho Gia Đình Phật Tử.
– Những chi phí cần thiết cho việc điều hành sinh hoạt Ban Bảo Trợ và những chi phí cần thiết của Ban Chấp Hành.

Điều 35: Tất cả các khoản thu đều phải có biên nhận. Việc tiếp nhận các khoản thu bất thường trên hay giá trị trên 1.000.000 đồng đều phải do một Hội đồng Tiếp nhận quyết định.

Điều 36: Thành phần tiếp nhận những khoản thu bất thường thay đổi tùy theo giá trị khoản thu:
– Từ 10.000 đồng đến 1.000.000 đồng do Văn phòng Thường Vụ tiếp nhận.
– Trên 1.000.000 đồng do Ban Chấp Hành tiếp nhận.

Điều 37: Tất cả các khoản chi đều có phiếu chi tiêu chứng minh. Phiếu chi tiêu do Ban viên Ban Chấp Hành lập, căn cứ trên nhu cầu cùng điều kiện chung do Trưởng ban chuẩn duyệt, nếu là khoản chi thông thường đã được trù liệu.

Điều 38: Thẩm quyền chuẩn duyệt các khoản chi bất thường ở mục quyết định của phiếu chi tiêu sẽ tùy theo Ban Chấp Hành liên hệ quyết định.

CHƯƠNG VI
BỔN PHẬN – TƯƠNG TRỢ – QUYỀN LỢI

Điều 39: Ban viên Ban Bảo Trợ sau khi gia nhập cần thể hiện lợi ích cho Gia Đình Phật Tử để tỏ ra xứng đáng là bậc phụ huynh trong danh nghĩa bảo trợ các con em tin Phật của Giáo Hội.

Điều 40: Ban viên Ban Bảo Trợ triệt để luôn luôn hoan hỷ và cao thượng để hướng dẫn và giáo hóa các Đoàn viên Gia Đình Phật Tử.

Điều 41: Ban viên Ban Bảo Trợ triệt để tôn trọng quyết định toàn Ban và thi hành trung thực các quyết định này trong bầu không khí hòa ái.

Điều 42: Tùy theo phương tiện, Ban viên được tương trợ trong các trường hợp hiếu hỉ, ốm đau, tai nạn…

Điều 43: Ban viên Ban Bảo Trợ được tổ chức các lễ cầu an, cầu siêu cho thân nhân tại chùa của Giáo Hội, với sự hộ niệm của các Ban viên trong Ban Bảo Trợ và các Đoàn viên Gia Đình Phật Tử.

Khi qua đời được Ban Hướng Dẫn tổ chức tang lễ và thờ phượng tại nơi thờ tự các Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử.

CHƯƠNG VII
TỔ CHỨC – KỶ LUẬT

Điều 44: Ban viên Ban Bảo Trợ muốn từ chức trong Ban Chấp Hành hay ra khỏi Ban Bảo Trợ chỉ cần gởi thư báo cho Văn phòng Thường Vụ biết và chỉ được chính thức xóa tên trong danh sách Ban Bảo Trợ trong một phiên họp gần nhất của Ban Chấp Hành.

Điều 45: Ban viên có những hành động trái với nội quy Ban Bảo Trợ hay trái với thanh danh của Gia Đình Phật Tử và của Giáo Hội sẽ bị đưa ra Hội Đồng Kỷ Luật của Ban Bảo Trợ mà thành phần sẽ do mỗi cấp tùy nghi ấn định.

Điều 46: Ban viên ra khỏi Ban Bảo Trợ không có quyền đòi lại tài sản đã đóng góp vào Ban Bảo Trợ.

CHƯƠNG VIII
SỬA ĐỔI NỘI QUY – GIẢI TÁN – THANH TOÁN

Điều 47: Nội quy Ban Bảo Trợ được sửa đổi do quyết định của Đại Hội cấp Bảo Trợ trung ương toàn quốc.

Điều 48: Tùy theo cấp bậc của Ban Bảo Trợ, các Ban này sẽ giải tán với một trong những điều kiện sau đây:

– Cấp trung ương (…)[*]

– Các cấp khác: Ban Bảo Trợ sẽ giải tán nếu:
a) Có lời yêu cầu của Gia Đình Phật Tử chiếu đề nghị của Ban Hướng Dẫn hay Ban Huynh Trưởng liên hệ, sau khi được sự đồng ý của Ban Bảo Trợ Trung Ương,
b) Tổ chức Gia Đình Phật Tử liên hệ bị giải tán.
c) Có 3/4 Ban viên Ban Bảo Trợ yêu cầu.

Điều 49: Khi giải tán, tài sản của Ban Bảo Trợ sẽ được trao cho Cia Đình Phật Tử Vụ hay Giáo Hội tùy nghi sử dụng.

CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP

Điều 50: Trong lúc chờ đợi tổ chức Đại Hội Ban Bảo Trợ Trung Uơng, Ban Chấp Hành Ban Bảo Trợ Trung Ương do toàn thể Ban viên Ban Bảo Trợ Trung Ương công cử.

Điều 51: Trong lúc chờ đợi tổ chức Đại Hội Ban Bảo Trợ tỉnh, Ban Chấp Hành Ban Bảo Trợ tỉnh do toàn thể Ban viên Ban Bảo Trợ Tỉnh công cử.

Điều 52: Bản nội quy này do Đại Hội Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử toàn quốc kỳ I chung quyết tại Quy Nhơn ngày 27-7-1970; đã được sửa đổi và bổ túc ở Đại Hội toàn quốc kỳ 2 tại Đà Nẵng ngày 28-7-1973 (PL. 2517).

———oOo———

DUYỆT Y
Đà Nẵng ngày     tháng     năm 1973
TM. BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG
TRƯỞNG BAN

VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Ghi chú của Thư Viện GĐPT 

1. Theo hệ thống sinh hoạt hiện thời, chưa có bản Nội Lệ Ban Bảo Trợ nào được chính thức ban hành mới. Xin đăng tải tài liệu này để đơn vị Ban Bảo Trợ các cấp, đơn vị Gia Đình Phật Tử các cấp linh hoạt, tùy nghi thêm bớt, bổ sung, thay đổi để áp dụng.

2. Tài liệu này chúng tôi đánh máy lại từ bản ronéo sau khi kết thúc Đại Hội [Ban Bảo Trợ 1973, Đà Nẵng] chưa được bổ sung để duyệt y nên vẫn còn những đoạn có dấu chấm lững (…) trong tài liệu mà trên đây chúng tôi đánh dấu sao [*]. Độc giả nào còn lưu giữ ấn bản đầy đủ hơn cho chúng tôi xin để có thể cập nhật hoàn thiện. Xin cảm niệm công đức.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.