Thư Viện GĐPT – Không chỉ Tín đồ Phật Giáo mà cả người ngoài đạo Phật tại Việt Nam, có lẽ rất ít người không biết rằng hầu như mọi Tăng sĩ xuất thế của Phật Giáo Việt Nam đều dùng chữ THÍCH làm HỌ (chữ Thích cho hàng Tỳ-kheo; chữ Thích Nữ cho hàng Tỳ-kheo-ni), đặt trước Pháp hiệu trong cách xưng hô hay ghi vào mọi văn kiện, văn bản, chứng thư v.v…
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, bổ sung kiến giải cho “quy luật”, “quy ước định chế” được xem như mặc nhiên và đã trở thành truyền thống này trong Phật Giáo Việt Nam, Thư Viện GĐPT xin đăng tải lại bài LUẬN GIẢI VỀ CHỮ THÍCH dưới đây, trích trong tập “Giải Luận Giáo Lý” của tác giả Giác Không, do Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xuất bản tại Sài Gòn năm 1969.
oOo
LUẬN GIẢI VỀ CHỮ THÍCH
Gần đây, có nhiều người nêu ra một thắc mắc khi thấy danh hiệu của các vị Tăng sĩ đều mở đầu bằng chữ THÍCH, tỷ dụ như Thích Tâm Châu, Thích Tâm Giác, v.v… và do đó nêu lên những câu hỏi:
– Chữ Thích có nghĩa gì?
– Tại sao người tu theo hạnh xuất thế mới dùng chữ Thích? Người tại gia tu Phật có dùng chữ Thích được không?
– Chữ Thích nếu là một họ thì họ ấy phát sinh tự đâu, thịnh hành vào thời nào?
Với mục đích diễn xướng và luận giải về chân nghĩa những danh từ Phật Giáo, đặng làm tài liệu nhận xét chung, nơi đây đề cập đến từng vấn đề giải đáp để cùng liễu giải và xác luận:
I/ Chữ THÍCH có nghĩa gì?
Theo sự định nghĩa danh tự thông thường thì chữ Thích có nghĩa: cổi (cởi) ra, nới ra, giải thích rõ ràng nghĩa sách; tỷ dụ như chữ Thích-hỗ là giải thích cho rõ nghĩa một chữ, một câu; Thích-huấn là giải thích cho rõ những lời huấn giáo.
Ngoài ra, chữ Thích lại cũng có nghĩa buông thả, như trong sách có chữ: “Kiên trì bất thích” tức là giữ vững không buông, và chữ “Khai thích vô cô” tức là buông tha cho kẻ không tội.
Chữ Thích cũng lại còn có nghĩa tiêu tan hết những nỗi sân hận trong lòng, như giảng câu “Tâm trung vi chi thích nhiên”, phải hiểu rằng trong lòng đã được tiêu tan hết cả phần nào điều sân hận, không còn vướng vấp một chút ân hận, não phiền gì nữa.
Tuy nhiên, chân nghĩa chữ THÍCH mà các vị tu hành đặt trước Pháp-hiệu chỉ có nghĩa đơn thuần là:
a) Coi mình là Thích-tử, tức là đệ tử của Phật, bởi theo quan niệm Trung Hoa từ đời Tấn, cho rằng những ai theo đạo của Đức Thích-ca phải nên lấy theo họ Thích mà chữ Thích tức là họ Thích-ca cho dễ xưng hô.
b) Một vị tu theo hạnh khoáng nhiên không vướng mắc phiền não thế cảnh.
Tóm lại thì chữ THÍCH chư Tăng hay dùng là theo họ Phật Thích-ca; ngụ kỳ chung còn có ý nghĩa hiểu rành sự lý, tâm hồn buông thả, tiêu hết não phiền, không còn mảy may trần lụy.
II/ Tại sao người tu theo hạnh xuất thế mới dùng chữ THÍCH? Người tại gia tu Phật có dùng chữ THÍCH được không?
Thật ra, khi Phật Giáo truyền qua Trung Hoa vào khoảng thời Hán, những vị mặc dầu tu theo đạo Phật, trở thành Tăng sĩ có bỏ đi giòng họ thế tục, nhưng thường theo hai điều kiện:
1. Tự đặt cho mình theo họ Trúc, có nghĩa tu theo nguyên tắc tu trì của các bậc Tăng-già từ Tây Trúc truyền sang.
2. Hoặc theo họ của bậc Sư trưởng đã truyền giáo cho mình, tỷ dụ như Ngài Chi Tuần nguyên trước họ Quan, nhưng vì thụ giáo với Ngài Chi Khiêm nên đổi thành họ Chi; Ngài Bạch Đạo Hiển nguyên họ Phùng nhưng học thầy là Bạch Thi Ly Mật nên đổi thành họ Bạch v.v…
Như vậy là khi đạo Phật mới truyền qua Trung Hoa từ đời Hán, khoảng 25-220 TL, hầu như theo một tục lệ thông thường như vừa trình bày. Kịp đến thời Đông Tấn, khoảng 317-349 TL, Ngài Đạo An người Thường Sơn, tỉnh Hà Bắc, sinh năm 312, xuất gia từ 12 tuổi, học hạnh rất siêu việt, đã đề xướng việc cải biến để những vị tu hạnh xuất gia theo Phật nên theo họ của Phật, và do đó, những Tăng sĩ thụ đại giới (giới Tỳ-khưu: 250 giới) lấy theo họ Thích-tử.
Viện dẫn lý do này, Ngài Đạo An nêu ra một đoạn trong kinh Tăng Nhất A Hàm có chép: “Bốn con sông lớn chảy vào bể cả, tự nó không còn danh tự gốc của con sông mà chỉ có danh tự là bể cả”. Việc định họ cho người tu hành cũng như thế. Xưa ở Ấn Độ có 4 giòng họ là: Sát-lỵ, Bà-la-môn, Trưởng-giả, Cư-sĩ. Đối với những ai gọt bỏ râu tóc, khoác 3 tấm áo Pháp như Phật chế định, nguyện xin xuất gia học đạo thì không còn giữ giòng họ gốc mà chỉ kêu là: Sa-môn tức là đệ-tử của Đức Phật Thích-ca mà thôi.
Trong kinh Đại Bát Nhã xác định rằng: “Phi Sa-môn, phi Thích-ca tử” có nghĩa nếu không phải là bậc Sa-môn, tức là bậc xuất gia theo Phật, thì chưa phải là đệ tử của Đức Thích-ca.
Bởi những lý do trên, chỉ khi nào phát nguyện xuất gia và đã thụ đại giới mới được xưng là thuộc giòng họ THÍCH, tức là đệ tử chính của Phật, và sau nầy coi các bậc Tỳ-khưu là hàng trưởng tử của Phật nên được đổi họ thế gian mà lấy theo họ THÍCH vậy.
III/ Chữ THÍCH nếu là một họ thì họ ấy phát sinh tự đâu? Thịnh hành vào thời nào?
Đúng ra họ Thích-ca là họ của Đức Phật mà theo lịch sử là một giòng họ quý tộc trước đó kêu là Sát-lỵ mà sau đổi ra là Thích-ca (Sakya).
Theo kinh điển ghi chép thì 10 vị đại đệ tử của Phật như Ma-ha Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề v.v… không dùng họ Thích, mà khi Phật Giáo truyền qua Trung Hoa tới thời nhà Tấn, Ngài Đạo An xướng xuất việc lấy họ Thích làm họ cho người đi xuất gia; rồi từ sự kiện chính Ngài theo phong tục cổ truyền, trước đó theo học với Ngài Trúc Phật Đồ Trừng, Ngài Đạo-An lấy luôn tên là Trúc Đạo An, và sau vì lấy cớ những người đi xuất gia đều lấy Đấng Thích Tôn làm gốc, vì thế Ngài đổi tên là Thích Đạo An; cho đến sau nữa, Ngài Thích Tuệ Viễn nối nghiệp thầy mà cũng xưng là Thích Tuệ Viễn. Kịp đến thời nhà Đường, Ngài Tuệ Năng khi dâng sớ lên vua Đường Cao Tôn để xin cáo từ việc, cớ già yếu hay bệnh cũng xưng là Thích Ca Tuệ Năng.
Như thế, họ Thích là sự thay đổi của giòng họ Sát-đế-Lỵ, một giòng họ quý phái thuộc Ấn Độ, cho đến khi Phật Giáo truyền qua Trung Hoa và thịnh hành từ sau sự khởi xướng của Ngài Đạo An thời Đông Tấn.
Riêng tại Việt Nam, có lẽ cũng chỉ quan niệm một vị xuất gia theo Phật là thuộc giòng Thích-tử; còn trong sử sách, danh hiệu các vị Thuyền-sư (Thiền sư) không mấy khi có thêm chữ Thích, ví dụ như Ngài Cảm Thành, Ngài Khuông Việt, Ngài Viên Chiếu v.v… Cho mãi đến thời gần đây mới có Điều-Ngự-Tử Thích Mật Thể, một vị khởi xướng dùng chữ họ Thích để ký tên trong văn liệu là cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược ấn hành vào năm 1943, và có thể là một khởi đoan phong trào lấy họ Thích đối với Tăng-chúng Việt Nam.
Tóm lại, chữ Thích là danh xưng của một giòng họ y theo giòng họ của Đấng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, có nghĩa theo chữ Phạn Sakya tức là Bậc Năng Nhân, tức là một bậc có năng lực phát hiện tấm lòng nhân từ vô lượng.
Ngoài ra, theo chân nghĩa thế gian thì chữ Thích cũng có nghĩa khiến lòng mình tiêu tan hết mọi phiền não, một hạnh quý giá của người tu hành những pháp môn quý giá. Do đó, chỉ những vị nào đã thụ đại giới tức là một vị chính thức gia nhập Thích-môn mới được coi là hàng Thích-tử.
Cũng vì thế, những người tại gia cho đến hàng Sa-di mà lấy họ Thích là một sự kiện tiếm xưng, và cũng nhân y theo chân nghĩa luận giải, những vị nào dù có hình tướng xuất gia mà không giữ theo giới hạnh của bậc xuất gia, mà dùng chữ Thích cũng là tiếm xưng họ Phật, bởi những người tu hành mà không giữ giới thì không còn Tăng-cách và không xứng đáng là người Thích-tử nữa vậy.
Họ Thích rất cao đẹp, nhưng phải được nêu lên đối với những bậc tu hành chân chính, đầy đủ đức hạnh, đáng cho Tín đồ cung phục, thì không cần phải xưng họ Thích mà thiên hạ đều tôn là bậc xứng đáng trong giòng họ Thích-ca vậy.
Trích “Giải Luận Giáo Lý” của tác giả GIÁC KHÔNG.
Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn.