Được tạc từ bạch ngọc nguyên khối, bức tượng “Quan Âm Tống Tử” được ước định là có niên đại thuộc thế kỷ thứ XIX đang lưu giữ và trưng bày ở Bảo Tàng Văn Hóa Phật Giáo đầu tiên của Việt Nam – đặt tại chùa Quán Thế Âm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng – được các nhà nghiên cứu cổ vật nhận xét là xứng đáng liệt vào hàng “quốc bảo”.
Pho tượng điêu khắc hình Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi trên tòa sen, cổ đeo chuỗi Anh Lạc, đầu đội mũ Quan Âm, pháp y thể hiện nhiều nếp gấp, diềm y trang trí hoa văn, trước ngực và trên hai đầu gối chạm hoa sen nổi, hai tay nhẹ nhàng bồng một đứa bé rất sinh động. Tượng chỉ cao 29cm, rộng 16,5cm, nặng chừng 5kg, trước đây được thếp vàng nhưng hiện nay theo thời gian chỉ còn lại những dấu tích…
Được trưng bày cùng trên 200 cổ vật Phật Giáo tại đây, pho tượng độc đáo không chỉ ở chất liệu quý, hiếm và xuất xứ, nguồn gốc mà còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc, có thể nói là cổ vật quý nhất trong bộ sưu tập hiện tại của Bảo Tàng Văn Hóa Phật Giáo.
Từ đáy giếng hoàng cung đến bảo tàng Phật Giáo
Theo Thầy trụ trì chùa Quán Thế Âm (Thượng Tọa Thích Huệ Vinh) cho biết, pho tượng do một Phật Tử hiến cúng cho chùa. Cho đến ngày được tìm thấy, pho tượng đã trải qua một thời gian khá dài nằm dưới đáy giếng sâu ở hoàng thành Huế. Câu chuyện về pho tượng được mấy đời trụ trì chùa Quán Thế Âm lưu truyền lại cho đến bây giờ. Thượng Tọa Huệ Vinh được Thầy trụ trì tiền nhiệm kể lại rằng, sau chiến trận 30/4/1975 một thời gian, vài người dân khi vét giếng trong khu Đại Nội (Huế) để lấy nước sinh hoạt đã tình cờ phát hiện pho tượng nằm dưới lớp bùn đất. Sau đó, bức tượng đến tay một người phụ nữ. Trước khi người Phật Tử này ra nước ngoài định cư, bà đã tìm đến chùa Quán Thế Âm để hiến cúng pho tượng. Kể từ đó, quý Thầy trong chùa cất giữ rất kín đáo trong chùa cho đến ngày thành lập bảo tàng mới đem ra giới thiệu với công chúng. Về nguyên nhân khiến pho tượng lưu lạc, Thầy trụ trì hiện nay cho rằng, có thể khi chiến tranh ác liệt xảy ra, trên đường chạy loạn, pho tượng đã được người nào đó của Hoàng tộc giấu xuống đáy giếng sâu để tránh bị hủy hoại hay cướp bóc.
Cũng theo Thầy, trong Kinh Phổ Môn có các đoạn “…thiết dục cầu nam thiện sanh phước đức trí huệ chi nam” với ý là ước mong có được đứa con trai phước đức, trí tuệ và đầy sức lực; “…thiết dục cầu nữ thiện sanh đoan chánh hữu tướng chi nữ” với ý là cầu mong sinh được con gái với đầy đủ nữ tướng thùy mị, đoan trang, chánh trực thì hãy cầu nguyện, lễ bái, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát; nên có thể nói gần như chắc chắn rằng pho tượng Quan Âm Tống Tử này từng được các bà hoàng trong cung đình Huế thờ để cầu tự con cái hoặc cầu hoàng nam, thái tử. Thời thế loạn lạc, có lẽ pho tượng phải cất giấu dưới lòng giếng, rồi theo nhân duyên về với nhà chùa.
Cũng có giả thiết khác cho rằng bạch ngọc du nhập vào cung đình Việt Nam từ Miến Điện hoặc Trung Hoa chứ Việt Nam không có loại quý thạch này; nhưng những nhà nghiên cứu cổ vật đã “mục sở thị” pho tượng và đã tiếp xúc, tìm hiểu với Thầy trụ trì cùng Tăng chúng chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng thì vẫn giữ nguyên ý kiến: “là những người từng được tiếp xúc với nhiều cổ vật nhưng chưa bao giờ được sờ tận tay một cổ vật đặc biệt quý hiếm như pho tượng Quan Âm Tống Tử này; chỉ đến khi đến Bảo Tàng Văn Hóa Phật Giáo và được trò chuyện với quý Thầy tại chùa Quán Thế Âm mới ngỡ ngàng về giá trị đặc biệt của pho tượng. Khi so sánh với những bộ sưu tập đồ ngọc của Hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia thì nhận thấy loại ngọc thạch làm nên pho tượng vô cùng tinh tế và đường nét điêu khắc cũng cực kỳ tinh xảo. Sự xuất hiện của pho tượng cùng những cứ liệu lịch sử thực tế đã có thể nói Việt Nam cũng có bạch ngọc”.
Riêng giới Phật Tử chúng ta thì nghĩ rằng, cho dù nguyên liệu ngọc trắng ấy dù xuất xứ từ đâu, thì với nguồn gốc nơi tìm ra và hoàn cảnh ly kỳ về sự trở về của pho tượng (theo cứ liệu lịch sử và cũng là theo chiều hướng tâm linh); cộng với nguyên liệu vô cùng quý, hiếm, tạc thành pho tượng với đường nét mỹ thuật siêu đẳng dưới bàn tay người nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy vô danh (theo kiểm định của giới nghiên cứu cổ vật) cũng đủ xứng đáng xếp báu vật Phật Giáo này vào hàng quốc bảo của Việt Nam.
Tượng Quan Âm Tống Tử đứng
được chế tác từ đá Non Nước tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Và… truyền thuyết Quan Âm Tống Tử
Chuyện về hóa thân Đức Quán Thế Âm Bồ Tát qua hình tượng Quan Âm Tống Tử có khá nhiều và chuyện kể về mỗi hóa thân Ngài đều khác nhau. Dưới đây là hai trong số những truyền thuyết về các hóa thân ấy, mời quý Phật Tử và độc giả cùng thưởng lãm:
Chuyện thứ nhất: Quan Âm Tống Tử cảm hóa ác quỷ hành thiện (Ban Thông Tin Truyền Thông GHPGVN)
Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ-tát ngàn tay ngàn mắt, đại từ đại bi, tìm theo tiếng kêu cứu của chúng sinh để giúp người vượt qua biển khổ, cảm hóa người hữu duyên.
Người xuất hiện mọi nơi, mọi lúc trong cõi Ta-bà, với 32 hóa thân vi diệu để thị hiện hóa độ chúng sinh. Trong đó, xin giới thiệu về sự tích hóa thân Tống Tử Quán Âm của Bồ-tát. Nhờ công ơn lớn lao của hóa thân Quán Âm Tống Tử Bồ Tát mà sự sống được sinh sôi trong bình yên và an lành, biết bao người phụ nữ được “mẹ tròn con vuông”.
Bồ-tát Quán Âm Tống Tử thị hiện trên đời để ban cho những người cầu xin con trai sẽ có được đứa con trai hiếu thảo, người cầu xin con gái sẽ có người con gái ngoan hiền. Không những thế, Bồ-tát Quán Âm Tống Tử còn cảm hóa Ma Nữ bảo vệ sự an toàn cho những người phụ nữ trong khi sinh và sau khi sinh được mẹ tròn con vuông.
Vì người ta hay nói, phụ nữ sinh con chỉ cách cái chết trong gang tấc, không ít những phụ nữ từ xưa đã không thể bảo toàn tính mạng sau khi sinh con vì những ca đẻ khó.
Có tích kể rằng những con quỷ Nguyệt Lý ra đời từ cái chết của những phụ nữ sau khi sinh, lũ quỷ Nguyệt Lý ngày đêm tìm những người phụ nữ đang sinh nở vất vả để bắt hồn người đó làm vật thế mạng cho chúng dưới âm phủ để chúng có thể đầu thai lại. Biết bao gia đình đã tan nát, đau khổ. Hóa thân Quán Âm Tống Tử của Quán Thế Âm Bồ Tát đã không đành lòng trước cảnh đó. Dù Người đã đã đích thân ra tay kéo các sản phụ từ Quỷ Môn Quan trở về, nhưng có quá nhiều chúng sinh cần giúp đỡ mà Người lại không lo xuể.
Nhiều nơi dân chúng thờ cúng tôn tượng Quan Âm Tống Tử.
Có sự tích Quán Âm Tống Tử Bồ Tát rằng mỗi đêm Ngài đứng ngoài Quỷ Môn Quan, khi thấy Ma Nữ nào đi ra thì Ngài theo sau. Lúc đó Ngài sẽ hóa độ cho Ma Nữ tỉnh ngộ để khi quay trở về sẽ truyền lại cho những tên quỷ Nguyệt Lý khác nghe. Có câu: “đến sớm không bằng đến đúng lúc”. Đêm đó, Quán Âm Tống Tử Bồ Tát đứng ngoài âm phủ, vừa đến nơi, Người thấy một con quỷ Nguyệt Lý lén chạy ra. Ra khỏi quỷ môn quan, nó liền chạy ngay đến những nhà còn sáng đèn.
Tìm hết 3 nhà không thấy có gì. Đến nhà thứ tư, nó nhìn vào thấy một phụ nữ đang mang thai đang chờ đến giờ sinh nở. Hình như lần đâu tiên cô sinh con. Quỷ Nguyệt Lý liền nhân cơ hội này lẻn vào phòng định giết chết người phụ nữ. Nhưng không biết tại sao, khi hai tay vừa giơ lên, thì nó lại thu về ngay, tiếp đó thổi mấy luồng hơi lên mặt sản phụ. Rồi những tiếng khóc oa oa vang lên, đứa trẻ đã ra đời. Khi đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, quỷ Nguyệt Lý liền âm thầm trở về âm phủ. Quán Âm Bồ Tát không hiểu tại sao, quyết định tìm hiểu cho ra lẽ.
Tối hôm sau, Quán Âm Tống Tử Bồ Tát lại đứng trước cổng âm phủ. Không lâu, quỷ Nguyệt Lý hôm qua lại xuát hiện. Nó tiến thẳng về thôn quê, thấy vài nhà có sản phụ đang sinh con vẫn không vào. Cuối cùng, nó dừng lại ngoài cửa sổ của nhà một sản phụ trung niên. Cái thai của sản phụ này bị nhau chặn ngang nên đã hai ngày hai đêm mà chưa ra. Quỷ Nguyệt Lý lẩm bẩm: ”Hôm nay cô ta có chết cũng không trách ta được”. Nói xong, nó vẫn đứng ngoài cửa sổ quan sát.
Bà đỡ thấy sản phụ đã hai ngày mà không sinh được nên rất lo, liền dùng tay kéo thai nhi. Nhưng cả buổi chỉ kéo ra được một ngón tay. Sắc mặt sản phụ trắng bệch, môi tím ngắt, máu ra quá nhiều. Bà đỡ đành nói: “Xem ra khó giữ được cả hai mẹ con, mọi người hãy mau quyết định đi. Giờ nếu muốn giữ người mẹ thì lấy một cái móc, móc từng miếng của đứa bé ra. Còn nếu muốn giữ đứa bé thì phải mổ bụng sản phụ”.
Mẹ chồng nghe xong, liền sợ đến điếng người “giờ… giờ thì… làm cách nào đây?” rồi im lặng. “Bà ơi, bà xem còn cách nào không? Người lớn và đứa bé ta đều muốn giữ” – bên ngoài cửa có tiếng van xin thảm thiết của người chồng. Bà đỡ nói “Không phải là tôi không muốn giúp, nhưng đây là ý trời, không còn cách nào cứu chữa”. Ngoài cửa lại vang lên những tiếng rên khóc thảm thiết.
Sản phụ khi nghe tiếng khóc của chồng thì nói một cách dứt khoát: “Mau… mau mang dao đến… Đứa con… là quan trọng… Tôi không đau đâu… các người hãy…”
Quỷ Nguyệt Lý thấy vậy thì không kìm được nước mắt. Nó như đã quên mất việc đến đây là để tìm người thế mạng, liền xông thẳng vào phòng để cứu người. Nó đẩy lại ngón tay trẻ vừa được kéo ra vào trong bụng, sau đó nhẹ nhàng xoa lên bụng sản phụ. Không lâu sau, bà đỡ và mẹ chồng sản phụ đều thấy vùng bụng từ từ thẳng lại, đầu của thai nhi lộ ra. Hai người già vui mừng la lên “Bồ-tát phù hộ! Bồ-tát phù hộ”.
Thai nhi tuy đã ra, nhưng sản phụ đã mất máu quá nhiều, cộng thêm việc gần hai ngày hai đêm không ăn uống nên người lịm dần. Bà đỡ thấy tình hình xấu đi, liền bảo người mang canh nhân sâm bổ khí đến cho sản phụ. Bà nói, nếu không sản phụ không có sức để sinh con tiếp, đứa bé sẽ bị chết.
Nhân sâm vốn là thức ăn của những người giàu, người nghèo làm sao có thể có? Dù có cũng không đủ thời gian. Quỷ Nguyệt Lý thấy mọi người vô cùng bối rối, liền chạy đến thổi ba luồng hơi vào mũi sản phụ, luồng hơi thứ nhất, sản phụ mở mắt; luồng hơi thứ 2, sản phụ nắm chặt các ngón tay; tới luồng hơi thứ 3 thì đứa bé cát tiếng khóc chào đời.
Mẹ chồng sau khi thấy con dâu sinh cho mình đứa cháu bụ bẫm, vui mừng đến rơi nước mắt. Bà dặn con trai đi chiên trứng cho con dâu tẩm bổ, còn bà vội đi pha hồng trà đưa cho bà mụ. Mọi người đang vui mừng nên quên mất việc cảm tạ “Bồ-tát cứu giúp”. Quỷ Nguyệt Lý thấy mọi việc thuận lợi, liền chạy về. Nhưng tiếng gà gáy đã báo hiệu, nó không thể quay trở về nữa. Quỷ Nguyệt Lý trải qua cả đêm mệt mỏi, không còn tinh thần, nên chỉ biết ngồi quay về hướng Tây Bắc như đang đợi gì đó. Nó đang đói, muốn ăn chút thức ăn. Có thể nó đang nhớ lại câu nói khi còn sống người ta vẫn thường nói “phía Đông Bắc là hướng phát tài, phía Tây Bắc là nơi để cúng tế” nên mới ngồi đợi như vậy.
Quả nhiên gia đình này không quên ơn cứu mạng của vị “Bồ-tát” này. Trước lúc trời sáng, họ vội đốt ba nén nhang, hai xấp vàng mã, một chén nước đường và một bát mì. Quỷ Nguyệt Lý sau khi nhận được báo đáp liền vui vẻ ra đi. Nhưng đã trễ giờ về Quỷ Môn Quan nên nó chỉ có thể làm một hồn ma phiêu bạt.
Quán Âm Bồ Tát đã đi theo nó trong suốt bảy ngày bảy đêm, phát hiện rằng mỗi lần nó đều có ý hại sản phụ, nhưng lần nào cuối cùng cũng lại cứu sản phụ. Vào một đêm, khi quỷ Nguyệt Lý lại lén nhìn một sản phụ ngoài cửa sổ, đột nhiên có người vỗ vai nó, nói “Ngươi hãy theo ta”. Nó quay đầu nhìn thì thấy Quán Âm Bồ Tát, quá sợ hãi liền quỳ xuống thưa “Xin Quán Âm Bồ Tát tha tội, tôi vốn không có ý hại người”. Quán Âm Bồ Tát nói: “Ác quỷ hành thiện, thế gian hiếm có. Ta đang có ý định hỏi ngươi tại sao lại làm thế?”
Nghe được những lời này, quỷ Nguyệt Lý vừa khóc vừa nói “Con vốn họ Triệu tên Kình Tiêu, là người núi Nga Mi, trong lúc sinh con bị một con quỷ Nguyệt Lý khác bắt thế mạng xuống âm phủ. Sai dịch ở địa phủ thấy con chết oan uổng, lúc sống lại không làm việc gì xấu, nên cho phép con mỗi tối đi tìm người thế mạng”. Nhưng do quá hiền lành, nên khi thấy những sản phụ sắp chết, định bắt họ làm người thế mạng, thì nó lại nghĩ đến tình cảnh khi trước của mình, không nỡ ra tay.
Cứ thế, những sản phụ sắp bị hại lại được nó giúp đỡ sinh con một cách thuận lợi. Chín ngày đã qua đi, không những không có một sản phụ nào bị nó hại chết, mà giờ đây nó còn bị biến thành một hồn ma phiêu bạt. Kình Tiêu cảm thấy tuy bản thân không có làm việc gì xấu xa, nhưng vẫn thấy hổ thẹn trong lòng nên quyết từ nay sẽ không kiếm người thế mạng nữa.
Quán Âm Bồ Tát liền đỡ nó dậy “Sau này con không nên làm việc này một mình, hãy tìm thêm vài người giống con cùng làm”. Quán Âm Bồ Tát thấy nó ngẩn người ra bèn nói tiếp “Ta có ý mời con giúp đỡ ta, trở thành Thôi Sinh Nương Nương, chuyên giúp đỡ các sản phụ khi sinh, không biết ý con thế nào?”
Triệu Kình Tiêu nhìn Quán Âm Bồ Tát đầy nghi ngờ, sau đó rơi lệ, nhanh chóng đồng ý. Từ đó, Triệu Kình Tiêu trở thành Thôi Sinh Nương Nương. Đó là người phụ nữ hiền lành, cô không nhiều lời, không nhiều chuyện, mà chỉ biết chuyên tâm làm việc.Trong một đêm, cô cứu sống mấy chục sản phụ nhưng hiếm khi thấy cô nói. Khi gặp lại những con quỷ Nguyệt Lý khác đi tìm người thế mạng, cô cũng chỉ nói với họ “Ta và người vốn như nhau, tại sao lại đi hại người, sao không làm việc thiện để tích đức”. Tiếp đó là mời họ cùng làm việc chung với cô.
Không biết, do hành động của cô đã cảm động các quỷ Nguyệt Lý khác, hay do lời nói của cô rất đúng, mà sau một thời gian ngắn, người giúp đỡ cô ngày càng đông hơn. Họ giống như Kình Tiêu, chạy vào phòng sản phụ âm thầm giải nguy, vì thế số sản phụ sinh con tử vong ngày càng ít.
Tượng Quan Âm Tống Tử thờ tại chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).
Chuyện thứ hai: Tống Tử Quan Âm (Chùa Hải Đức – Jacksonville)
Chùa Từ Vân nhờ có thờ tượng Đa Bảo Quan Âm nên khách dâng hương lễ bái kéo đến nườm nượp, tiền cúng dường vô cùng hậu hĩ. Tuy nhiên, người dâng hương lễ bái không phải bất cứ người nào cũng là hạng người mà Bồ-tát kỳ vọng, nghĩa là những người có tâm hướng thiện. Có rất nhiều người đến lễ bái Quan Âm với tâm ích kỷ, với ý đồ riêng tư.
Lúc ban đầu, đại đa số đến chỉ để cầu tiền, cầu phúc; muốn bất cứ việc nhỏ, việc lớn nào cũng đến trước tượng Bồ-tát mà cầu khẩn. Về sau nữa thì thậm chí kỹ nữ, tú bà cũng đến thắp hương quỳ lạy, cầu xin Bồ-tát gia hộ cho việc làm ăn của mình được phát đạt; dân trộm cắp xin cho đường sinh nhai của mình được hanh thông; kẻ si tình, người thất chí thì xin được thành duyên gia thất… Người đến dâng hương lễ bái hạng nào cũng có, làm cho ngôi chùa Từ Vân đang trang nghiêm trở thành rối ren.
Một hôm, có một tên cướp tên là Hồ Thất cũng đến chùa Từ Vân dâng hương. Tên cướp này vốn có tà tâm nên cứ lảng vảng đứng ngắm bức tượng Đa Bảo Quan Âm. Bảo tượng Quan Âm này được khắc bằng tinh lõi của cây lê lúc Bồ-tát hiển thân dùng cây lê thế thân chịu đòn cho mình ngày xưa. Bên trên tượng có che trướng bằng hạt châu, tràng phan bằng đá quý. Tên cướp trở về tụ họp bọn đồng lõa lại bàn thảo, chuẩn bị ra tay. Tối hôm ấy, Hồ Thất một mình leo tường đột nhập vào chùa Từ Vân cõng tượng Quan Âm ra, kéo đến một chỗ hẻo lánh và cùng đồng lõa lột hết các bảo vật trên 18 cánh tay của tượng chia đều với nhau, xong đem tượng liệng xuống sông cho tượng theo dòng nước trôi đi chỗ khác.
Khi bọn cướp vứt tượng Đa Bảo Quan Âm xuống sông thì Ngài Quan Âm cũng vừa qua sông để đến thành Kim Lăng. Đôi mắt từ bi của Bồ-tát nhìn thấy bọn cướp trộm tượng lột bảo vật nên Ngài không vui lòng chút nào. Thấy bức tượng đang trôi về phía Kim Lăng, Ngài chợt nghe động tâm, quyết định chọn một người thiện lành và có duyên với Phật pháp để nhờ người ấy ra tay giúp đỡ.
Người này họ Phan tên Hòa, là một người làm nghề bán gạo ở Kim Lăng, có một cửa hàng bán lương thực nên cảnh nhà cũng khá giả. Đây là một Phật Tử thuần thành, thích bố thí, làm việc thiện, xa gần ai cũng khen ông là người tốt. Tuy là người chí thành thờ Phật và làm việc thiện nhưng Phan Hòa vẫn có điểm ưu phiền, đó là tuy đã quá nửa đời người rồi mà trong nhà chỉ có một cô con gái chứ không có con trai nối dõi. Ông mong muốn con trai tha thiết mà không được như ý, đành tìm nơi xứng đáng kén rể quý rồi bắt rể coi như con trai. Nhưng vì ông quá kén chọn, cao không tới, thấp không thông, nên cứ dùng dằng mãi cho đến ngày nay, cửa nhà vẫn cứ trống trải.
Bồ-tát Quan Âm biết rằng người này có thiện căn nên mới chọn ông ta. Một hôm Phan Hòa nằm mộng thấy một người đàn bà đầu đội khăn, toàn thân áo trắng, nói với ông rằng:
– Ông Phan, ngày mai ông hãy ra cửa sông đứng chờ, khoảng giữa giờ Tý và giờ Ngọ sẽ có một bức tượng Quan Âm 4 mặt và 18 cánh tay trôi vào. Ông hãy cẩn thận vớt tượng lên rồi sau đó đem tượng lên chùa Kê Ô ở trên núi Thanh Lương tu sửa lại để thờ phụng. Chỗ đó có một tảng đá hình như cái lá sen, vừa khéo có thể dùng làm đài sen. Ông làm được việc này thì công đức vô lượng, muốn điều chi cũng có.
Phan Hoà đáp rằng:
– Tôi xin tuân theo lời dạy của bà làm tất cả các điều ấy. Hôm nay có phúc lành xin cho tôi hỏi một chuyện, tuy đã quá nửa đời người rồi mà nhà vẫn chưa có con trai, mấy năm nay ao ước mong cầu, không biết tôi có hy vọng nào không?
Người đàn bà áo trắng nói:
– Điều đó dễ thôi, tôi ban cho ông một đứa con trai cũng được.
Nói xong người đàn bà lấy một con cờ vây trắng trao cho Phan Hòa. Ông tính hỏi thêm một câu nữa thì người đàn bà đã biến mất, bèn giật mình thức giấc. Hôm sau Phan Hòa chạy ra cửa sông đứng đợi, quả nhiên thấy một bức tượng Quan Âm bằng gỗ từ từ trôi vào. Ông cẩn thận vớt tượng lên, lập tức đưa lên chùa Kê Ô và còn bỏ tiền ra mướn thợ tu sửa lại kim thân Bồ-tát, xong lấy tảng đá hình lá sen tạc thành một đài sen. Khi tên cướp Hồ Thất trộm tượng cõng lên lưng vượt tường ra khỏi chùa, vô ý đụng bể phần dưới của tượng nên tượng không đứng được, chỉ có thể nằm nghiêng nghiêng trên đài sen nên người đời đặt tên cho bức tượng này là “Quan Âm nằm hoa sen” (Ngọa Liên Quan Âm).
Lúc ấy Phan Hòa bỗng nhiên ngộ ra rằng người đàn bà áo trắng đến báo mộng cho mình không ai khác hơn là Quan Âm Bồ Tát. Vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, ông bèn mời một người thợ vẽ nổi tiếng ở Kim Lăng vẽ lại hình dáng người đàn bà áo trắng mà mình đã mộng thấy, và với tâm mong cầu con trai tha thiết, ông còn nhờ người thợ vẽ thêm một cậu bé trai trong lòng Ngài Quan Âm, đặt tên hình là “Tống Tử Quan Âm” (Quan Âm cho con), thờ phụng tại nhà, ngày nào cũng chí thành lễ bái.
Các tranh tượng Quán Âm Tống Tử thường được thờ hoặc treo trong nhà.
Quả nhiên không lâu sau, vợ Phan Hòa hoài thai sinh được một quý tử trắng trẻo dễ thương. Chuyện Phan Hòa thờ tượng Bạch Y Tống Tử mà sinh được con trai được truyền đi khắp nơi, nên toàn vùng Giang Nam, nhà nào không có con trai cũng thi nhau bắt chước, về sau việc này trở thành một phong tục địa phương.
Kỳ thật, Ngài Quan Âm mà Phan Hòa mộng thấy chỉ trao cho ông một con cờ vây trắng, trong lòng không hề ôm đứa bé nào cả, tấm hình ôm con kia hoàn toàn do trí tưởng tượng của Phan Hòa đặt ra.
Nhắc đến Hồ Thất và đồng lõa, khi chúng chia nhau xong bảo vật cướp được của Đa Bảo Quan Âm, mỗi người đi một hướng khác nhau mà trốn tránh quan quân. Hồ Thất một mình chạy đến Nam Kinh, trốn lên núi Tử Kim Sơn ẩn mặt một thời gian, nghe ngóng thấy sự truy nã đã bớt gắt gao mới dám chường mặt ra giả làm một địa chủ vào thành bán bảo vật. Hắn tìm đến một tiệm vàng nói với chủ tiệm rằng muốn bán một vài bảo vật gia truyền.
Tên chủ tiệm cũng là một phường lưu manh xảo trá không kém gì hắn, nên tuy thừa biết những hạt minh châu của Hồ Thất rất quý giá song vẫn nói rằng đó là đồ giả. Sau hắn còn muốn bóp chẹt nên bảo rằng hiện tại buôn bán khó khăn, hắn chỉ có thể mua lại với một giá rẻ mạt. Hồ Thất thấy chủ tiệm bóp chẹt mình mà vẫn còn tỏ ra vênh váo hợm hĩnh thì lửa giận phừng phừng. Theo thói gian ác của hắn, hắn đã muốn cho tên chủ tiệm một bài học đích đáng nhưng biết mình hiện còn đang bị truy nã, không muốn làm kinh động tới quan quân nên mới không ra tay. Hắn ước lượng những hạt châu mình mang tới ít nhất cũng đổi được một ngàn hai trăm lượng bạc, ai ngờ tên chủ tiệm chỉ bằng lòng đưa có hai trăm lượng. Hắn không nhẫn nhịn được nữa, bèn lấy tay quơ lại bảo châu bảo không muốn bán nữa, xong hầm hầm quay mình bỏ đi.
Hắn đang giận dữ nên không nhìn thấy ai, không ngờ hắn vừa mới quay người đi thì đụng phải một người đàn bà mới bước vào cửa tiệm. Bước đi hùng hổ dữ dằn của hắn rất mạnh bạo nên khi đụng phải người đàn bà, người này ngã xuống đất một cách nặng nề. Đây là cô tiểu thiếp của vị quan phủ đương thời, hôm nay đến tiệm vàng tính mua sắm trân châu làm vật trang sức cho mái tóc, có lính hầu đi theo. Người lính hầu thấy bà chủ bị đụng ngã lăn xuống đất la oai oái, bèn xông tới tóm lấy Hồ Thất. Khi Hồ Thất thấy đó là người của quan phủ thì sợ hãi tính bỏ chạy, nhưng người lính túm lấy tay áo của hắn nắm cứng.
Hồ Thất nóng ruột muốn thoát thân nên rút dao ra tính đâm người lính, nhưng người này vốn là con nhà võ, võ công cao cường lại quen bắt giặc cướp, nên chỉ nhích thân tránh dao và bay lên đá vào tay của Hồ Thất, con dao rơi xuống đất đánh “keng!” một tiếng. Hồ Thất nào dám đánh tiếp, vừa lăn vừa bò lết tới cửa, ra tới ngoài rồi thì phi thân chạy thục mạng.
Người lính một mặt đuổi theo một mặt hô hoán lên, một vài người lính đang đi tuần tiễu ngoài đường nghe thế cũng đuổi theo Hồ Thất sát gót. Trong cơn hoảng hốt, Hồ Thất chạy bừa không kể đường xá, chạy tới bờ sông, nhìn thấy bọn lính đã đến ngay sau lưng mình rồi và xung quanh không có đường nào khác thối lui, quẫn bách quá hắn đành nhảy đại xuống sông. Nhưng tên cướp này không hề biết bơi, hắn vùng vẫy một lúc trong nước và trong nháy mắt, bị sóng cuốn vào một con nước xoáy, thế là không thấy hắn nữa.
Số phận của những tên đồng lõa cũng không khá hơn gì. Chia tay với Hồ Thất rồi, chúng tìm được một cái miếu hoang ẩn thân. Nhưng trong một đêm sâu, đột nhiên sấm chớp dậy trời, cuồng phong giận dữ, mưa như thác nước, bọn cướp sợ quá nép vào góc tường co rúm lại quỳ xuống đất dập đầu lạy xin tha mạng. Nhưng mưa to gió lớn vẫn không thuyên giảm, trong miếu mưa tuôn xối xả dội xuống bọn giặc cướp khiến chúng không còn chỗ dung thân. Đột nhiên trong ánh sáng một lằn chớp, chúng nhìn thấy một vài vị Kim Cang La Hán mắt trợn trừng giận dữ, tay cầm vũ khí giáng xuống đầu chúng dồn dập. Bọn cướp sợ quá không còn hồn vía, liều mạng chạy ra ngoài tìm đường trốn. Đúng ngay lúc đó, trong một tiếng nổ long trời lở đất, một lằn sét giáng xuống và toàn bộ những tên giặc cướp ngã lăn xuống. Những bảo vật chúng đã cướp được vung vãi đầy mặt đất.
Ngày hôm sau trời quang mây đãng, dân chúng làng bên đi ngang miếu hoang, thấy một vài tử thi nằm la liệt dưới đất, bên cạnh là rất nhiều bảo vật rải rác. Có một vài Thiện nam Tín nữ đã từng đi chùa Từ Vân và đã nhìn thấy tượng Đa Bảo Quan Âm, nay nhìn thấy bảo vật là nhận ra ngay, bèn lập tức gởi trả về chùa.
Sau việc này, dân chúng ở đây cảm nhận được uy lực vĩ đại của Quan Âm Bồ Tát, nên lòng tin kính Tam Bảo tăng trưởng rất nhiều, một lòng hướng về đạo. Những tên trộm vặt bắt gà trộm chó cũng do đó mà sám hối tội lỗi, bỏ dữ làm lành.
Tượng Quan Âm Tống Tử bằng các chất liệu khác nhau được các chùa hay trong dân gian chế tác.
QUANG MAI sưu tầm