TVGĐPT – Có lẽ sẽ có anh chị em Đoàn viên Gia Đình Phật Tử thắc mắc: Sao một website chuyên sưu tập và chia xẻ tài liệu về Tổ chức Gia Đình Phật Tử như trang Thư Viện GĐPT này lại chọn đăng tải một đề tài về Tổ chức Hướng Đạo (hay các tổ chức khác không phải là GĐPT)? Xin thưa một cách ngắn gọn: Mục đích chỉ là để hỗ trợ kiến thức hữu ích cho Lam Viên GĐPT và âu cũng là để “trông người mà ngẫm đến ta”. Đơn giản có vậy thôi!…
oOo
TÂM THƯ CỦA MỘT HƯỚNG ĐẠO GIÀ KHÔNG ĐỒNG PHỤC
Gởi các Anh Chị Trưởng và Trại sinh Trại Họp Bạn Thẳng Tiến
– Cung Giũ Nguyên –
Thể theo đề nghị của mấy anh bạn Việt Nam sống ở Hoa Kỳ, tôi được vinh hạnh, từ nơi xa xôi ngỏ đôi lời cùng các anh chị Trưởng và các Hướng Đạo Sinh, từ nhiều nước, vui sướng tham dự một cuộc Họp mặt truyền thống.
Người Việt Nam ở hải ngoại, sống theo lý tưởng Hướng Đạo thế giới, nói lên hai điều đáng mừng, liên kết các bạn trong cuộc họp mặt hôm nay, chứng tỏ một giá trị tinh thần quý giá được bảo tồn, đó là sự tưởng nhớ đến nguồn gốc chung. Không nói đến giá trị tinh thần tươi đẹp của những người Việt gặp gỡ vui cười với những người Việt, và mặc nhiên không bỏ cơ hội để nói tiếng Việt và nhắc nhở với nhau lắm chuyện, xưa và nay, về quê hương, các bạn lại là thành viên của những đoàn thể có tên gọi khác nhau, nhưng trong đó, Hội hay Liên hội, Nhóm hay Phong trào của địa phương, nhất định phải có chữ Scout, hay Hướng Đạo (HĐ – Scouts abound) hay một tiếng đồng nghĩa, nhắc lại nguồn gốc và lý tưởng chung, cho phép một Hướng Đạo Sinh, một Scout ở bất luận phương nào cũng có thể, trên nguyên tắc, xem các bạn như là “anh em” đồng chí hướng.
Nhưng chúng ta nên cẩn thận, tránh ngộ nhận, đừng lầm từ ngữ với thực tại mà từ ngữ muốn nói lên. Cái gì thật sự liên kết người để có những thực hiện chung, không thể chỉ cần một từ ma thuật hay khẩu hiệu là được rồi. Cho phép tôi giải thích thêm. Như các bạn cũng biết, một bộ đồng phục nói lên một người theo phong trào Hướng Đạo nhưng không đủ để làm nên một Hướng Đạo thật sự, cũng như tục ngữ đánh thức người mê muội nơi dấu chỉ, danh từ, phù hiệu, hình thức, hào dáng, bao bì. Cái áo dòng không làm nên thầy tu. Ta thử hỏi một cách nôm na hay trắng trợn, khi ta lột đồng phục ra, ta không còn phải theo luật Hướng Đạo nữa chăng? Một nhà tu hành, không thể cởi áo dòng – vì trời quá nóng bức và nói “thôi, ta nghỉ tu vài bửa để đi tắm biển đã”. Không thể so sánh hay để ngang hàng sắc phục bậc tu hành với áo quần Hướng Đạo Sinh, dù cho hai hạng người đều có điểm chung, là đã tuyên xưng giao ước tu thân. Hướng Đạo Sinh có vẻ tự do hơn nhiều với đồng phục, cái vỏ bọc của mình. Chúng ta thường quên là thứ áo quần Hướng Đạo bất cứ ai cũng có thể mặc như vậy; xưa nay không thiếu gì người hay đoàn thể, chẳng phải Hướng Đạo hay xi-cút gì cả, cũng từng dùng áo quần, mũ bốn u, khăn quàng cổ như Hướng Đạo Sinh vậy, mà chẳng luật pháp nào ngăn cấm, trừng trị, chẳng có bia miệng nào chê cười. Ðiều không phải dễ làm như với thứ đồng phục mà một nhà nước hay xã hội trật tự quy định cho một tư cách, một chức năng, chức vụ, hay địa vị nhất định, như đồng phục của cảnh sát, công an, quân nhân, quan tòa, thầy tu, v.v…
Cái gọi là đồng phục Hướng Đạo từ nguyên thủy không hề có giá trị về tư cách như các đồng phục nói trên. Kiểu áo quần Hướng Đạo dùng, không có giá trị gì đối với những người chung quanh mà chỉ do sự đòi hỏi của các sinh hoạt của người Hướng Đạo.
Áo quần phải dùng thứ vải dày, như áo quần của người lao động, trong nhà máy hay ngoài đồng áng, vì phần lớn sinh hoạt của người Hướng Đạo là ở ngoài trời, nơi bờ biển, đồng hoang, rừng núi. Áo quần phải có khả năng che chở con người khi có tiếp cận bất ngờ với gai gốc, đá sỏi, trên đường thám du hay trong các trò chơi, nhỏ, lớn. Áo, khi cần, phải đủ sức chịu đựng để góp phần trong việc làm cáng chở người bị thương từ nơi chẳng có phươmg tiện nào khác. Sau đó đồng phục mới dùng luôn cho các buổi hội họp, lễ nghi thuần túy Hướng Đạo, và khó mà chấp nhận lối dùng một số đồng phục Hướng Đạo đi làm hàng rào danh dự chào với bàn tay ba ngón một quan lớn triều đình nào đó, (Scout abound viết nghiêng) không phải Hướng Đạo (trừ khi như đã nói, quan lớn ấy đến dự một lễ Hướng Đạo như Trại họp bạn chẳng hạn).
Tương tự như vậy, khăn quàng cổ của Hướng Đạo không thể làm bằng tơ lụa cho sang hay đẹp khi chỉ biết nghỉ đến việc trình diễn, phô trương, mà Hướng Đạo thường nghỉ đến ích lợi khi cần hơn. Màu sắc của khăn, cũng như màu viền của khăn, vàng, lục, đỏ hay tím, đã được dùng để phân biệt các Liên đoàn, Đạo, nói lên ngành, Ấu, Thiếu, Tráng của cơ quan Hướng Đạo quốc tế. Khăn quàng Hướng Đạo có thể có những công dụng khác, như khi đi trại nhiều ngày, gặp rủi ro, thiếu hay hết dụng cụ, có thể dùng làm dây treo một cánh tay bị gãy hay bị thương. Ðối với người Việt, một khăn quàng, khi lỡ không có nồi (và không kiếm được ống tre) có thể dùng để nấu cơm được. Các bạn làm được việc ấy không? hay đã thử làm lần nào chưa? Có ai đó trong số các bạn, để đùa chơi, sẽ cười, và la lên: Xưa quá rồi, từ lâu chúng tôi theo chế độ ăn uống Tây phương, không còn nghĩ đến chuyện ăn cơm và nhất là nấu cơm nữa. Nấu cơm có nồi điện rồi. Ði trại, chỉ đem theo bánh mì và thức ăn liền (fast food) không có vấn đề nấu nướng dơ bẩn, mất thì giờ. Nếu có ý kiến như vậy, tôi muốn hỏi bạn ấy dùng thì giờ để làm gì ở trại gọi là Hướng Đạo? Tôi nhận thấy không theo kịp thời thế. Xã hội công nghệ hóa, hiện đại hóa làm cho các trang lịch sử tiến hoá loài người bị lật quá nhanh, đến rách cả lề. Tôi không còn ngạc nhiên khi nghe nói chuyện một người Việt, ngũ tuần, tốt tướng, bụng phệ, khi thấy đĩa rau muống luộc trên bàn ăn, hỏi chủ nhà, cũng người Việt, một bạn lâu đời nhưng không được may mắn dự phần cảnh ‘phồn vinh giả tạo’: “Rau gì lạ vậy, tôi chưa bao giờ ăn thứ này.”
Bệnh lãng quên, mất trí nhớ, thường xuyên, hay từng cơn, từng lúc, không dành riêng cho những người già cả, mà hình như đã trở thành một bệnh, hay một cái “mốt” của thời đại, lây lan nơi mọi lứa tuổi, trong nhiều giới. Người Hướng Đạo cũng dễ bị vướng, nếu không có, hay không cần, sự giúp đỡ của đám huynh đệ của mình.
Chúng ta có thể quên việc nấu ăn, hay cứu cấp, việc trẻ dùng những phương tiện nghèo nàn, sẵn có để làm những công việc cần cho sự sống còn, là những thách đố, những trò chơi tháo vát, giúp xây dựng cho trẻ óc sáng kiến kịp thời, trước những cảnh bất ngờ, hay học lại những cử chỉ, hoạt động cơ bản, thiết yếu mà con người tiền sử hay thời đồ đá đã nhờ đến, để sống còn trong cảnh thiên nhiên ác nghiệt, để rồi có được những thế hệ con người ngày nay. Chỉ nhìn vào một khía cạnh nào đó, một lối sinh hoạt nào đó, người ta cho Hướng Đạo chỉ là một đoàn đi pic-nic cuối tuần, hay một hội thể dục thể thao, hay ca kịch hay đám bụi đời, hay gì gì nữa, tùy theo lối đánh giá và điều được thấy của họ. Sai lầm vô hại. Ðáng lo hơn là khi người mặc áo quần Hướng Đạo, cũng nghỉ một cách phiến diện và nông nỗi như thế, hay cũng chẳng biết chính mình vào Hướng Đạo làm gì nữa.
Vì có trẻ vào là theo lệnh một uy quyền nào đó, bố mẹ, thầy cô giáo. Thật ra, lỗi không phải của người Hướng Đạo bất đắc dĩ, lỗi của người lớn, không được biết về nguyên lý Hướng Đạo. Xin gia nhập phải là tự ý muốn của đương sự (dĩ nhiên với sự cho phép của gia đình nếu đương sự còn vị thành niên). Nguyên tắc tự nguyện là thiết yếu. Hướng Đạo trọng trẻ, vì trẻ cũng là một nhân vị đang hình thành, có tự do và trách nhiệm về thân phận của mình. Hướng Đạo là một phương pháp giáo dục, bổ sung (không phải thay thế) giáo dục của gia đình, của học đường, của Giáo Hội tín ngưỡng của trẻ, giúp trẻ ý thức và đảm nhận bổn phận của trẻ đối với bản thân, không chỉ là thể xác động vật, mà cả phần tâm, thức, tình, cảm, đặc điểm của giống người, nhân đó có bổn phận đối vối cộng đồng xã hội, tôn giáo, trẻ đã nhờ cậy và mang ơn.
Giáo dục Hướng Đạo dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cũng như trên nguyên lý cho từng trẻ một, tùy theo mức độ phát triển tâm sinh lý của trẻ. Việc phân chia ngành cũng theo mục đích ấy. Tổ chức hàng đội tự trị, trong đó trẻ dìu dắt trẻ đồng lứa, hệ thống đẳng cấp, hệ thống chuyên hiệu, là những phương tiện đưa trẻ tiến bộ tùy theo khả năng riêng từng trẻ một. Lời Hứa, mà Thiếu sinh long trọng tuyên bố, sau khi đã suy nghĩ và tự mình quyết định, đến tuổi Tráng sinh, sẽ xác nhận một lần nữa, trong lễ gọi là “Lên đường”, có một Bảo huynh hay Bảo tỷ làm chứng cho ý chí của trẻ, chẳng ai phỉnh gạt, mua chuộc, cưỡng bách quyết định tự lập và dấn thân, qua nghề nghiệp, gia đình, tôn giáo, trẻ đã có hay cần phải có. Sự giúp đỡ của phong trào, nếu tính luôn thời gian ở Bầy hay Ấu đoàn, không quá 15 năm. Ðến tuổi 25, Tráng sinh rời khỏi Tráng đoàn, và nếu còn ở lại phong trào, là với tư cách huấn luyện viên, quản lý hay chuyên viên của một trại trường, một cơ quan Hướng Đạo địa phương, quốc gia, vùng, hay quốc tế.
Thời gian sinh hoạt tích cực có qua đi, người đã “lên đường” cũng cố gắng tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần Hướng Đạo, theo một châm ngôn của người Pháp nói luôn và dễ nhớ: “Scout un jour, Scout toujours”, mà người Việt thường tâm niệm: “Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo suốt đời”. Người Hướng Đạo khác với sinh viên sau những năm đèn sách, và đỗ đạt, nói là đã thành tài; người Hướng Đạo không bao giờ xem việc “thành nhân” của mình đã xong. Ở cấp bậc nào, khi có hay không còn đồng phục, người Hướng Đạo cũng chỉ theo sự nhắc nhở của châm ngôn mấy ngành nối lại: Gắng sức, gắng sức, gắng hết sức mình, sắp sẵn, luôn luôn sẵn, để giúp ích, giúp ích tha nhân, giúp ích cộng đồng. Giúp ích, không phải trao đổi, bánh ít bánh dầy, giúp vô vụ lợi, không trông đợi gì hết, dù cho là một tiếng cám ơn. Một hạt giống Hướng Đạo được gieo nơi nào, dù khô khan hay ẩm ướt, hạt cũng cố gắng bám đất, mọc rễ, đơm chồi, lớn lên, ra hoa, nở trái.
Các bạn thân mến.
Những bâng khuâng lo ngại vu vơ vừa phơi bày, không ngăn cản hay thuyên giảm nỗi vui sướng của tôi khi nghe có một cuộc gặp gỡ lớn lao như Trại của các bạn. Vui mừng như mỗi khi biết được, bất cứ nơi đâu trên thế giới, phong trào Hướng Đạo nói lên sự có mặt hiên ngang của mình, vì chúng ta an tâm và biết ơn, những Hướng Đạo Sinh, nối tiếp nhau, đã nhận trọng trách mà B.P, người sáng lập, trong di chúc đã trao cho: “Hỡi các Tráng sinh, tôi trao tương lai của phong trào Hướng Đạo trong tay các Tráng sinh.”
Vui nừng hơn nữa, là sự có mặt của Hướng Đạo, trong một thế giới đầy rối loạn, đang mất linh hồn, trong đó, các giá trị tinh thần mà Hướng Đạo đề cao và mong cho các trẻ sống theo đó, nhưng giá trị ghi trong Luật Hướng Đạo, xã hội ngày nay hình như không muốn biết.
Danh dự con người, lời nói, chữ ký, của con người đều bị vứt giỏ rác. Trong thế giới của George Orwell, Bộ mang tên Bộ Sự Thật, chính là Bộ Nói Láo! Trong một bối cảnh xã hội nghịch lý, nghịch đời như thế, thật cảm động, đáng thương, đáng kính thay, chú Hướng Đạo 11, 12 tuổi, ngây thơ hay dại khờ, như có kẻ nghĩ, trẻ bị nhồi sọ đầu độc hay tuyên truyền xảo quyệt, chú bé dám nói: “Em xin lấy danh dự mà hứa…”, hay dám trả bài thuộc lòng: “Ðiều một, Hướng Đạo Sinh là ngưiời có danh dự, ai ai cũng tin nơi lời nói của Hướng Đạo Sinh…”
Sao chúng ta không cảm động và vui mừng khi còn có những tiếng bé nhỏ thốt lên như vậy trong thế giới vô luân và bất nhân?
Trong lúc bóng đen của ác quái muốn trùm lên địa cầu, phong trào Hướng Đạo, nghe theo lời người xưa, thay vì ngồi rủa bóng tối, cố gắng thắp, nơi đây, nơi kia, mhững ngọn nến, ngọn đuốc, để cho chính mình, hay cho một ai đó, thấy được đường đi, không rơi xuống vực thẳm. Và cứ như thế, ánh sáng nơi nào vì bão tố hay ngu dốt dập tắt, nơi khác đã có, hay trổi lên những tia sáng khác nuôi dưỡng lửa hồng. Từ năm 1907, từ khi Robert Baden Powell lập đoàn Hướng Đạo đầu tiên ở Đảo Biển Nâu (Brownsea Island), Anh quốc, đến nay, còn năm năm nữa, là được một thế kỷ (tác giả viết tâm thư năm 2002 – Scouts abound), chúng ta hẳn tin tưởng vững chắc hơn nữa nơi giá trị của lý tưởng Hướng Đạo thế giới, vì phong trào chủ xướng lý tưởng ấy đã sống lâu hơn những chế độ chính trị tung hoành trong thế kỷ XX muốn tiêu diệt nó, những chế độ dùng hư ngôn, xảo trá, độc đoán, bạo tàn, để bình thiên hạ. Chúng ta hân hoan và hãnh diện, khi có những người Việt như các bạn tiếp sức cho sự sống còn oai vinh và hữu ích của Hướng Đạo thế giới, mà Họp mặt của các bạn hôm nay là một bằng chứng xinh đẹp.
Nhưng… rất tiếc cuộc vui ngắn chẳng đầy gang, các bạn phải theo truyền thống, nắm tay nhau làm thành một vòng, một dây thân ái, một mạch nối liền những trái tim, các bạn đồng thanh cất tiếng hát bài ca chia tay Vui mà tạm biệt, nhắc lại lời nguyền bấy lâu ấp ủ, “Sông núi không ngăn tình thương, Mưa gió không lay can trường. Chúng ta hôm nay họp vầy, Giữ chặt mối giây.” Nhưng, đối với các Hướng Đạo, kết thúc nơi đây chỉ là một khởi đầu.
Các bạn “rời tay nhau, chớ quên, nhé!” Trở về với nơi thường trú, trở lại với gia đình, với công ăn việc làm, với những vấn đề nầy khác. Ước chi, các bạn trở về trong tinh thần Hướng Đạo tươi sáng lạc quan, và vững mạnh hơn, để ứng phó với những khó khăn thử thách thường nhật mà không một ai được miễn trừ. Các bạn sẽ không thiếu can trường để vươn lên, vượt qua những khó khăn, các bạn cũng sẽ nhờ đến động lực huyền diệu của tình thương, để thực hiện lý tưởng Hướng Đạo, giúp ích tha nhân, người gần ta và người cần đến ta, góp phần, dù cho là nhỏ bé, cho cộng đồng, nơi các bạn đang sống và thọ ơn.
Các bạn, với sự nâng đỡ của Đoàn các bạn, sẽ phấn đấu để thực hiện cho kỳ được ý chí sắt đá được nhắc lại cho các bạn qua hai từ làm tên Trại Họp Bạn nầy: Thẳng, Tiến.
Mến chúc các bạn Thành Công, mà theo Hướng Ðạo, đồng nghĩa với Hạnh Phúc, để đôi người chung quanh các bạn được vui lây.
Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, ý bất tận tình…
60 Hoàng Văn Thụ, Nha Trang, Việt Nam
Ngày 20 tháng Sáu, 2002
CGN
Nguồn: Pathfinder Scouts Vietnam (HDVN.INFO)