Tổ chức Thanh Niên Phật Tử Việt Nam

Thanh Niên Phật Tử Việt Nam là một tổ chức thanh niên Phật Giáo, cơ cấu chính thức là Thanh Niên Phật Tử Vụ trực thuộc Tổng Vụ Thanh Niên – Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, theo điều 14 Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ban hành ngày 4-1-1964; điều 1 Nội quy Thanh Niên Phật Tử ban hành ngày 24-11-1969.

Tiên khởi (năm 1964), Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên là Thượng Tọa Thích Thiện Minh – Sáng lập viên phong trào Thanh Niên Phật Tử năm 1963 – và Vụ trưởng Thanh Niên Phật Tử Vụ là Đại Đức Thích Thế Tịnh. Các chức danh được suy cử trong Đại Hội Phật Giáo toàn quốc nhiệm kỳ I Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hòa Thượng Thiện Minh – Người sáng lập tổ chức Thanh Niên Phật Tử Việt Nam.

Bản Nội Quy Thanh Niên Phật Tử gồm 7 chương, 26 điều do Đại Hội Thanh Niên Phật Tử toàn quốc thông qua ngày 7-7-1969; được phê chuẩn bởi quyết định số 030/TVTN ngày 1-11-1969 của Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên – Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; Vụ trưởng Thanh Niên Phật Tử Vụ ban hành ngày 24-11-1969.

oOo

NỘI QUY

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
— oOo —

NỘI QUY
THANH NIÊN PHẬT TỬ
oOo

CHƯƠNG NHẤT
DANH HIỆU – MỤC ĐÍCH – CHÂM NGÔN – LỜI HỨA – LUẬT – TRỤ SỞ

Điều 1: DANH HIỆU

Chiếu điều 14 Hiến Chương lập ngày 4.1.1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, có Thanh Niên Phật Tử Vụ nằm trong Tổng Vụ Thanh Niên, thuộc Viện Hóa Đạo, gồm những thanh niên tin Phật trên toàn quốc.

Điều 2: MỤC ĐÍCH

– Đoàn kết tất cả thanh niên tin Phật trên toàn quốc.
– Đào luyện thanh niên thành những Phật Tử chân chính.
– Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.

Điều 3: CHÂM NGÔN

Trung – Dũng

Điều 4: LỜI HỨA

1. Trung thành với Tổ Quốc và Đạo Pháp.
2. Giữ vẹn nghĩa khí trong mọi hoàn cảnh.
3. Tuân theo luật Thanh Niên Phật Tử.

Điều 5: LUẬT

1. Thanh Niên Phật Tử nhất tâm bảo vệ danh dự của đoàn thể.
2. Thanh Niên Phật Tử triệt để tôn trọng kỷ luật của đoàn thể.
3. Thanh Niên Phật Tử đặt nghĩa khí trên mọi danh lợi.
4. Thanh Niên Phật Tử đem thân, tâm giúp ích mọi người.
5. Thanh Niên Phật Tử tinh tấn tu học chánh pháp.

Điều 6: TRỤ SỞ

– Trụ sở Thanh Niên Phật Tử Vụ đặt tại Tổng Vụ Thanh Niên, Viện Hóa Đạo.
– Trụ sở Tỉnh Đoàn, Thị Đoàn, Quận Đoàn và Đoàn tùy nghi định liệu.

CHƯƠNG HAI
TỔ CHỨC – PHÂN NHIỆM – ĐẠI HỘI

Điều 7: TỔ CHỨC

A. Cấp Trung Ương:

– Cấp lãnh đạo cao nhất của Thanh Niên Phật Tử Vụ là Ban Chỉ Đạo Trung Ương của Thanh Niên Phật Tử Vụ.
– Chủ Tịch Ban Chỉ Đạo Trung Ương là Vụ Trưởng Thanh Niên Phật Tử do đại hội Thanh Niên Phật Tử toàn quốc bầu, được Tổng Vụ Trưởng đề nghị lên Viện Hóa Đạo chấp thuận.
– Ban Chỉ Đạo Trung Ương gồm có: Ban Thường Vụ và các Ủy Viên.

I. Ban Thường Vụ:

1. Vụ Trưởng.
2. Hai Phó Vụ Trưởng.
3. Một Tổng Thư Ký.
4. Hai Phó Tổng Thư Ký.
5. Một Thủ Quỹ.
Số thành phần Ban Thường Vụ là bảy (7) người.

II. CÁC ỦY VIÊN:

1. Ủy Viên Giáo Lý  Kinh Kệ.
2. Ủy Viên Nghiên Huấn
3. Ủy Viên Tổ Chức và Kiểm Soát.
4. Ủy Viên Văn Nghệ.
5. Ủy Viên Giao Tế.
6. Ủy Viên Xã Hội và Tương Trợ.
7. Ủy Viên Tài Doanh.
8. Ủy Viên Tu Thư và Báo Chí.
Số Ủy Viên có thể gia, giảm tùy theo nhu cầu.

Bên cạnh Ban Chỉ Đạo Trung Ương có một Ban Cố Vấn và một Ban Bảo Trợ (có nội lệ riêng).
– Thành phần Ban Cố Vấn gồm có chư Tăng, Ni trong hàng Giáo Phẩm.
– Thành phần Ban Bảo Trợ gồm có các vị Cư Sỹ.

B. Cấp Tỉnh (Tỉnh Đoàn, Thị Đoàn hay Quận Đoàn Đô Thành):

– Mỗi tỉnh từ ba (3) Đoàn Thanh Niên Phật Tử được thành lập một Tỉnh Đoàn Thanh Niên Phật Tử.
Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn gồm có Ban Thường Vụ và các Ủy Viên.
– Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn do đại hội thường niên của Tỉnh Đoàn bầu.
– Mỗi tỉnh dưới ba (3) Đoàn Thanh Niên Phật Tử được thành lập một Tỉnh Đoàn “Lâm Thời” Thanh Niên Phật Tử.

I. Ban Thường Vụ

1. Tỉnh Đoàn Trưởng.
2. Hai Tỉnh Đoàn Phó.
3. Một Chánh Thư Ký.
4. Hai Phó Thư Ký.
5. Một Thủ Quỹ.

II. CÁC ỦY VIÊN

Tùy theo nhu cầu của Tỉnh Đoàn.
– Bên cạnh Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn có một Ban Cố Vấn và một Ban Bảo Trợ (có nội lệ riêng).
– Tỉnh Đoàn Trưởng Thanh Niên Phật Tử đương nhiên là Trưởng Ban Thanh Niên Phật Tử trong văn phòng Thanh Niên Vụ của Tỉnh Giáo Hội.

C. Cấp Đoàn:

1. Mỗi quận có thể thành lập một hay nhiều Đoàn Thanh Niên Phật Tử (Đoàn 30 người).
2. Mỗi Đoàn sinh hoạt riêng biệt: Nam và Nữ.
3. Ban Chỉ Đạo Đoàn gồm có:

– Đoàn Trưởng
– Hai Đoàn Phó.
– Một Thư Ký.
– Một Thủ Quỹ.

D. Cấp Đội:

– Mỗi Đoàn gồm có ba (3) Đội (Đội 10 người).
– Ban Chỉ Đạo Đội gồm có: Đội Trưởng và hai Đội Phó. Được Ban Chỉ Đạo Đoàn đề nghị và Tỉnh Đoàn chấp thuận.

Điều 8: PHÂN NHIỆM

A. Cấp Trung Ương:

1. Vụ Trưởng điều động toàn Ban Chỉ Đạo Trung Ương điều khiển và kiểm soát các Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn.
2. Thực hiện đúng Nội Quy của Thanh Niên Phật Tử Vụ.
3. Tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ chỉ đạo các trại toàn quốc.
4. Báo cáo sinh hoạt mỗi tam cá nguyệt lên Tổng Vụ Thanh Niên và Viện Hóa Đạo.

B. Cấp Tỉnh Đoàn:

1. Tỉnh Đoàn Trưởng có phận sự điều động, thi hành các chỉ thị của trung ương, điều khiển và kiểm soát các Đoàn Thanh Niên Phật Tử trong tỉnh.
2. Thành lập các Đoàn Thanh Niên Phật Tử mới trong tỉnh.
3. Tổ chức các lớp huấn luyện Đoàn Trưởng, Đội Trưởng, tổ chức các trại toàn tỉnh.
4. Báo cáo sinh hoạt hàng tháng lên Đặc Ủy Thanh Niên Tỉnh, Đại Diện Thanh Niên Phật Tử Miền và Ban Chỉ Đạo Trung Ương.

C. Cấp Đoàn:

1. Đoàn Trưởng:

– Điều động Ban Chỉ Đạo Đoàn.
– Thi hành chỉ thị của Tỉnh Đoàn.
– Tổ chức các lớp huấn luyện Đội Trưởng.
– Tổ chức các lớp, trại, triển lãm, văn nghệ và công tác xã hội thuộc phạm vi Đoàn, có sự đồng ý của Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn.
– Báo cáo sinh hoạt hàng tháng lên Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn.

2. Đội Trưởng:

Điều động và điều khiển Đội với sự trợ lực của Đội Phó.
– Hoạch định chương trình sinh hoạt hàng tháng và hàng tuần cho Đội.
– Tổ chức các hoạt động của Đội với chấp thuận của Đoàn Trưởng.
– Chịu trách nhiệm trước Đoàn Trưởng.

3. Toán Trưởng:

Thi hành quyết định của Đội Trưởng.
– Soạn chương trình sinh hoạt hàng tuần của Toán (dựa theo chương trình của Đội).
– Chịu trách nhiệm trước Đội Trưởng.

Điều 9: ĐẠI HỘI

ĐẠI HỘI CẤP TRUNG ƯƠNG

1. Hai năm một lần, có Đại Hội Đồng thường niên để bầu lại Ban Chỉ Đạo Trung Ương, gồm Ban Chỉ Đạo Trung Ương và Đại Biểu các Tỉnh, Quận Đoàn Đô Thành và Thị Đoàn trên toàn quốc.
2. Ngoài Đại Hội Đồng thường niên, còn có những Đại Hội Bất Thường do Ban Chỉ Đạo Trung Ương triệu tập khi cần thiết.

ĐẠI HỘI CẤP TỈNH ĐOÀN.

1. Mỗi năm có Đại Hội thường niên, gồm Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn và các Ban Chỉ Đạo Đoàn trong tỉnh để bầu lại Ban Chỉ Đạo khóa mới.
2. Ba tháng một lần có Đại Hội Đoàn Trưởng do Ban Chỉ Đạo Tỉnh triệu tập, để kiểm điểm sinh hoạt chung cho các Đoàn trong ba tháng tới.

ĐẠI HỘI CẤP ĐOÀN

1. Mỗi năm có một buổi họp thường niên của các Đội Trưởng, để bầu Tân Ban Chỉ Đạo Đoàn.
2. Mỗi tháng Ban Chỉ Đạo Đoàn họp một lần để kiểm công việc của Đoàn trong tháng và hoạch định chương trình hoạt động cho tháng tới.

CHƯƠNG BA
TÀI CHÁNH

Điều 10: GÂY QUỸ, PHÂN BỔ.

TIẾT 1: Gây quỹ

Quỹ Thanh Niên Phật Tử gồm có những khoản như sau:

a. Tiền ủng hộ do các nhà hảo tâm.
b. Tiền tài trợ do các cấp Giáo Hội.
c. Tiền nguyệt liễm do trung ương ấn định.
d. Tiền thu được do các phương tiện gây quỹ hợp pháp.

TIẾT 2: Phân bổ

1. ĐOÀN: Mỗi tháng phải phụ nạp cho Tỉnh Đoàn một phần ba (1/3) của Đoàn Viên trong toàn tỉnh.
2. TỈNH ĐOÀN: Mỗi tháng phải nạp cho Ban Chỉ Đạo Trung Ương một phần ba (1/3) số tiền thu được của Đoàn Viên trong toàn quốc.

CHƯƠNG TƯ
HUY HIỆU – PHÙ HIỆU – KỲ HIỆU – ĐỒNG PHỤC – CHÀO – KHẨU HIỆU – KHUÔN DẤU – THẺ ĐOÀN VIÊN

Điều 11: HUY HIỆU và PHÙ HIỆU

Do Ban Chỉ Đạo Trung Ương quy định.

Điều 12: KỲ HIỆU

Đều dùng theo thể thức như nhau, nhưng cỡ lớn nhỏ khác nhau tùy theo cấp bậc do Ban Chỉ Đạo Trung Ương quyết định.

Điều 13: CA ĐOÀN

Do Ban Chỉ Đạo Trung Ương quy định.

Điều 14: ĐỒNG PHỤC

A. NAM:

Áo sơ-mi nâu, tay cụt, cổ bẻ, có cầu vai, hai túi có nắp.
Quần dài xanh nước biển.
Mũ Phật Tử.

B. NỮ:

Áo dài đà nâu.
Quần trắng.
Nón lá.

CHÚ TRỌNG: Đồng phục, Huy hiệu, Kỳ hiệu chỉ được dùng trong những buổi sinh hoạt chung.
Đồng phục công tác tùy nghi và linh động.

Điều 15: CHÀO KÍNH

Do Ban Chỉ Đạo Trung Ương quy định.

Điều 16: KHẨU HIỆU

Hô: TRUNG; Đáp: DŨNG

Điều 17: KHUÔN DẤU

Chỉ có 3 cấp có khuôn dấu: Trung Ương – Tỉnh Đoàn – Đoàn. Khuôn khổ mỗi cấp do Ban Chỉ Đạo Trung Ương định.

Điều 18:  THẺ ĐOÀN VIÊN

Mỗi năm, Tỉnh Đoàn sẽ cấp cho Đoàn Sinh chính thức một thẻ Đoàn Viên. Thẻ Đoàn Viên do Ban Chỉ Đạo Trung Ương quy định.

CHƯƠNG NĂM
ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP – GIA NHẬP – GIẢI TÁN

Điều 19: ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP

a. Đoàn quán lập nơi nào thì liên lạc theo hệ thống ngang với Ban Đại Diện Giáo Hội Tỉnh sở tại.
b. Mỗi Đoàn Thanh Niên Phật Tử phải có ít nhất là hai thanh niên đã dự khóa huấn luyện cán bộ cấp Đoàn.

TRƯỜNG HỢP ĐỊA PHƯƠNG CÓ BAN CHỈ ĐẠO TỈNH ĐOÀN

a. Phải có giấy ỦY NHIỆM của Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn.
b. Phải trình giấy này cho Ban Đại Diện Giáo Hội sở tại.
c. Khi Đoàn Thanh Niên Phật Tử đã thành lập theo điều 7, mục C về cấp Đoàn:
– Đoàn Trưởng phải báo cáo cho Ban Đại Diện Giáo Hội sở tại và Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn biết để thị sát và hướng dẫn.
– Sau 6 tháng sinh hoạt điều hòa mới được Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn chính thức thừa nhận.

Điều 20: ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP

1. Muốn gia nhập phải có đơn xin, dưới 18 tuổi, phải có sự ưng thuận của phụ huynh.
2. Sau 3 tháng sinh hoạt liên tục, nếu được Đội Trưởng xác nhận đủ điều kiện, Đoàn Viên mới có được làm lễ phát nguyện và sẽ được Ban Chỉ Đạo công nhận là Đoàn Viên chính thức.

Điều 21:  KỶ LUẬT

A. Đoàn Viên nghỉ sinh hoạt trong ba (3) buổi liên tiếp mà không có giấy phép.

B. Làm tổn hại thanh danh Thanh Niên Phật Tử

SẼ:

1. Quyết định cho chỉ tạm thời hay vĩnh viễn do Đoàn Trưởng với sự chấp thuận của hai phần ba (2/3) Ban Chỉ Đạo Đoàn.
2. Danh sách của các Đoàn Viên đã bị trục xuất phải được thông báo lên Tỉnh Đoàn để kịp thời chỉ thị cho các Đoàn Thanh Niên Phật Tử trong tỉnh không được thâu nhận.
3. Đoàn Viên muốn xin ra Đoàn, phải có đơn xin và phải trả lại cho Đoàn những giấy tờ đã cấp.
4. Đoàn Viên đã tự ý xin ra hoặc bị trục xuất, thì không được quyền đòi hỏi một sự bồi thường nào.

Điều 22: NGƯNG HỌAT ĐỘNG

a. Mọi sự ngưng hoạt động của một Đoàn Thanh Niên Phật Tử Tỉnh phải được 2/3 Ban Chỉ Đạo biểu quyết và được sự thỏa thuận của Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn.
b. Mọi sự ngưng hoạt động của Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn phải được 2/3 Ban Chỉ Đạo biểu quyết và với sự chấp thuận của Ban Chỉ Đạo Trung Ương.
c. Mọi sự ngưng hoạt động của Ban Chỉ Đạo Trung Ương phải do Đại Hội Đồng trong toàn quốc quyết định với sự phê chuẩn của VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN.

Điều 23: GIẢI TÁN VÀ HUY ĐỘNG TÀI SẢN

TIẾT 1: GIẢI TÁN

a. Những Đoàn Thanh Niên Phật Tử không sinh hoạt đúng Nội Quy của Thanh Niên Phật Tử sẽ do Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn quyết định cho tạm ngưng hoạt động hay giải tán sau khi điều tra kỹ và lập báo cáo về Ban Chỉ Đạo Trung Ương.
b. Chỉ có Ban Chỉ Đạo Trung Ương mới có quyền giải tán Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn. Ban Đại Diện Giáo Hội cấp tỉnh chỉ có quyền đề nghị giải tán Ban Chỉ Đạo Tỉnh Đoàn với những lý do xác đáng kèm theo tài liệu đầy đủ và quyết định tối hậu vẫn do Ban Chỉ Đạo Trung Ương.

TIẾT 2: HUY ĐỘNG TÀI SÀN

Những Đoàn hay Ban Chỉ Đạo bị giải tán, các vật dụng và tài chánh giao lại cho cấp trên theo hệ thống dọc.

CHƯƠNG SÁU
SỬA ĐỔI NỘI QUY

Điều 24:

Mọi sự sửa đổi Nội Quy phải do Đại Hội toàn quốc quyết định với 2/3 đại biểu chính thức chấp thuận và được Viện Hóa Đạo GHPGVNTN phê chuẩn.

Điều 25:

Không được đổi điều 24 và 25 này.

CHƯƠNG BẢY
CHUYỂN TIẾP

Điều 26:

Cho đến khi có Đại Hội Thanh Niên Phật Tử Toàn Quốc lần thứ I, bản Nội Quy này được Ban Chỉ Đạo Trung Ương soạn thảo và đệ trình VIỆN HÓA ĐẠO phê chuẩn và do VỤ TRƯỞNG ban hành.

Làm tại Saigon, ngày 7 tháng 7 năm 1969
ĐẠI HỘI THANH NIÊN PHẬT TỬ TOÀN QUỐC
VỤ TRƯỞNG THANH NIÊN PHẬT TỬ

DUYỆT Y

TỔNG VỤ TRƯỞNG TỔNG VỤ THANH NIÊN
(Ấn ký)
THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH

Quyết định ban hành Nội quy Thanh Niên Phật Tử Vụ.

— oOo —

 HUY HIỆU & Ý NGHĨA HUY HIỆU

Chú thích: Huy hiệu chính thức trước đây của Thanh Niên Phật Tử chỉ có vòng trong; hình vòng tròn và chữ bên ngoài được quyết định bổ sung sau khi Thanh Niên Phật Tử Việt Nam tổ chức tái sinh hoạt tại hải ngoại (sau năm 1975).

Mô tả:

Huy hiệu Thanh Niên Phật Tử biểu hiện bằng một pháp luân có 12 căm màu vàng trên nền nâu, trên pháp luân có 2 hình tam giác cân màu đỏ, đối nghịch, có gạch chéo nối liền nhau. [Nguyên văn tài liệu Thanh Niên Phật Tử có ghi thêm: Bánh xe (Pháp luân) gồm có: trục, căm và niềng (vành) – Các chú thích trong ngoặc ( ) của QM].

Ý nghĩa: 

Bánh xe pháp luân có 12 căm, tượng trưng cho pháp “Thập nhị nhân duyên” (12 nhân duyên) ấy là: Vô Minh, Hành Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão và Tử. Bánh xe pháp luân có 12 căm, màu vàng tượng trưng cho “Đạo pháp”, màu nâu tượng trưng cho đất, trục bánh xe tượng trưng cho Phật, căm bánh tượng trưng cho Pháp, niềng (vành) bánh xe tượng trưng cho Tăng. Tăng thay Phật quay bánh xe Pháp, nghĩa là giảng dạy giáo lý cho Phật Tử.

Hai hình tam giác cân màu đỏ đối nghịch, có gạch chéo nối liền. Phần trên tượng trưng cho “Tam Thế Phật”: Phật quá khứ (Phật A Di Đà), Phật hiện tại (Phật Thích Ca Mâu Ni), Phật vị lai (Phật Di Lặc). Phần dưới tượng trưng cho “Tam Thế”: quá khứ, hiện tại và vị lai (tức ba đời) là nói lên luật nhân quả trong ba đời. Muốn biết đời trước ta gieo nhân gì, thiện hay ác, tốt hay xấu v.v… thì hãy xem “cái quả” trong hiện tại: giàu sang hay nghèo hèn, hạnh phúc hay khổ đau, sung sướng hay cực khổ v.v… Và muốn biết đời sau như thế nào thì hãy xem “cái nhân” mà ta đã gieo trong hiện tại. Hễ gieo nhân nào thì gặt quả nấy không sai.

Hai hình tam giác cân đối nghịch có gạch chéo nối liền nhau tạo thành hình chữ S, tượng trưng cho hình thể nước Việt Nam. Trên dải đất hình chữ S có 86 triệu đồng bào. Vậy, hai hình tam giác cân đối nghịch, có gạch chéo nối liền, màu đỏ là tượng trưng cho “dân tộc”, màu đỏ tượng trưng cho máu đỏ, màu vàng tượng trưng cho da vàng.

(Theo tài liệu Thanh Niên Phật Tử Việt Nam)

— oOo —

CHÀO KÍNH & Ý NGHĨA CHÀO KÍNH

Cách chào của Thanh Niên Phật Tử là tay phải bắt ấn Tham Thiền Liên Hoa, khuỷu tay gập khép lại thành hình chữ V, cánh tay áp sát vào sườn, lòng bàn tay bắt ấn hướng ra trước; ngón cái áp lên ngón trỏ, với ý nghĩa là luôn giúp đỡ người yếu; 3 ngón còn lại hướng lên trời, tượng trưng cho tinh thần Bi – Trí – Dũng của người Phật tử.

QUANG MAI
(Sưu tầm).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.