Phong trào Du Ca Việt Nam

SƠ LƯỢC VỀ PHONG TRÀO DU CA VIỆT NAM

PHONG TRÀO DU CA (viết là Duca) VIỆT NAM được thành lập năm 1966, cùng lúc với phong trào làm công tác cộng đồng, công tác xã hội của sinh viên, học sinh tại miền Nam Việt Nam.

Hai sáng lập viên của phong trào là Nguyễn Ðức Quang và Ðinh Gia Lập.

Du Ca là một đoàn thể hoạt động về văn hóa và văn nghệ phục vụ cộng đồng.

Thành viên Du Ca trao đổi những khả năng chuyên môn qua sinh hoạt tập thể và gây tinh thần cộng đồng trong quần chúng nhờ vào những tư tưởng gởi gắm trong các bài hát và bằng chính việc làm trong phạm vi khả năng của họ. Du Ca Viên “nói” với mọi người bằng những lời tai nghe mắt thấy qua âm thanh tiếng nhạc; các hoạt cảnh, vũ khúc…

Những loại nhạc Du Ca thường xử dụng như: Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Sinh hoạt Ca, Nhận thức ca, Sử ca, Dân ca, những bài hát ca ngợi tình yêu con người và thân phận quê hương…

Phong trào Du Ca do dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được bầu làm chủ tịch kể từ năm 1967, đến năm 1972 được thay thế bởi Ðỗ Ngọc Yến.

Trưởng Xưởng Du Ca do nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang điều hành, cho đến năm 1972 được thay thế bởi Ngô Mạnh Thu tức nhạc sĩ Trần Tú.

Các Huynh Trưởng hướng dẫn cũng như Cố Vấn như: Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Hà Tường Cát, Trần Ðại Lộc, Trần Văn Ngô, Nguyễn Thanh, Nguyễn Khả Lộc, Phan Huy Ðạt, Tống Hoằng, Trần Dạ Từ, Phương Oanh…

Phong trào quy tụ khá nhiều các nhạc sĩ tên tuổi, cũng như huấn luyện và đào tạo những cây bút trẻ mới gồm: Phạm Duy, Nguyễn Ðức Quang, Trần Tú, Nguyễn Quyết Thắng, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Giang Châu, Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Ðình Quân, Lý Văn Chương, Nguyễn Thiện Cơ, Lê Quang Dũng, Nguyễn Văn Phiên, Võ Thị Xuân Ðào v.v…

Những tuyển tập Du Ca đã phát hành:

  • Du Ca I.
  • Du Ca II (Hát cho mùa xuân đi tới).
  • Du Ca III (Ta đi trên dòng lịch sử).
  • Du Ca IV (ấn hành tháng 3-1975).
  • Những bài ca khai phá (in ronéo).
  • Trầm ca (in ronéo).
  • Anh hùng ca.
  • Nghi thức ca.
  • Sinh hoạt ca.
  • Hát từ tim – Hát bằng hơi thở.
  • Hát cho những người sống sót.
  • Những khuôn mặt Du Ca.
  • Những điều trông thấy (băng nhạc).
  • Đồng Vọng (nội san).
  • V.v…

Trước năm 1975, phong trào Du Ca có tác dụng sâu mạnh đối với giới trẻ qua các Đoàn, Toán, ca diễn đây đó: Trong trường học; ngoài sân cỏ; trên sân khấu; trong các đoàn thể bạn: Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử tại các tỉnh miền Nam Việt Nam như:

  • Du Ca Áo Nâu.
  • Du ca Áo Xanh.
  • Du Ca Lòng Mẹ.
  • Du Ca Ðồng Vọng.
  • Du Ca Phù Sa.
  • Du Ca Trùng Dương.
  • Du Ca Vượt Sóng.
  • Du Ca Giao Chỉ.
  • Du Ca Ðà Nẵng.
  • Du Ca Biên Hòa.
  • Du Ca Kiên Giang
  • Du Ca Vàm Cỏ Tây.
  • Du Ca Vàm Cỏ Ðông.
  • Du Ca Hồ Gươm.
  • Du Ca Sông Hậu.
  • Du Ca Con Sáo Huế.
  • Ca Đoàn Trùng Dương.
  • Toán Du Ca Mùa Xuân.
  • V.v…

TIÊU CHÍ & TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

(Trích tài liệu khóa huấn luyện “Thanh Ca Tác Động” do Xưởng Du Ca ấn hành)    

Định nghĩa:

Phong Trào Du Ca Việt Nam là một đoàn thể hoạt động về văn nghệ phục vụ cộng đồng (kết hợp thanh niên thiếu niên bằng văn nghệ cộng đồng và phục vụ xã hội bằng văn nghệ cộng đồng). Văn nghệ cộng đồng là hình thức văn nghệ trong đó cả người nghe lẫn người hát đều cộng tác với nhau. Loại văn nghệ này có mục đích tác động tinh thần và cảm hóa người nghe hơn là ru ngủ, để tất cả cùng ý thức và phục vụ cho cộng đồng, xứ sở.

Nguồn gốc:

Phong Trào Du Ca Việt Nam được thành lập năm 1966 tại Việt Nam cùng lúc với phong trào làm công tác xã hội của Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh. Hai sáng lập viên của phong trào là anh Nguyễn Đức Quang và anh Đinh Gia Lập. Phong Trào đã được Bộ Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa chính thức công nhận và cấp phép hoạt động trên toàn quốc kể từ ngày 24-01-1969.

Mục đích:

  • Gây tinh thần cộng đồng bằng tính chất hòa hợp của văn nghệ để giúp thanh niên hăng hái dấn thân vào công cuộc phục vụ xã hội.
  • Huấn luyện và phát triển khả năng lãnh đạo của thanh niên bằng sinh hoạt tập thể.

Hoạt động:

Phong Trào Du Ca hướng dẫn và huấn luyện thanh niên qua những sinh hoạt sau:

  • Hàng đội tự trị: Để phát triển khả năng lãnh đạo và tinh thần phát triển của thanh niên.
  • Trại: Để phát triển óc tháo vát, tính tự lập, tình đồng đội, tinh thần kỷ luật, đời sống tình cảm & tính khí cá nhân.
  • Công tác xã hội: Để gây tinh thần phục vụ cộng đồng và đức bác ái.
  • Sinh hoạt văn nghệ cộng đồng: Để phát triển khả năng chuyên môn, giáo dục quần chúng và gây tinh thần dân tộc (hát dân ca).

Phương pháp huấn luyện:

Phong Trào Du Ca Việt Nam huấn luyện đoàn viên bằng:

  • Hành động (trại công tác…).
  • Tập thể  (họp toán, chỉ huy, phân nhiệm…).
  • Xã hội (công tác xã hội, văn nghệ, giáo dục…).
  • Nghị luận (hội thảo, thuyết trình, diễn thuyết trước công chúng…).

Đoàn viên Du Ca khi gia nhập sẽ được vào mỗi Toán, làm quen với hàng đội tự trị, đuợc huấn luyện về các sinh hoạt thanh niên và văn nghệ, tham gia các trại công tác phục vụ, sống trong kỷ luật tập thể nhận lãnh trách nhiệm và chu toàn. Sau một thời gian huấn luyện và sinh hoạt, đoàn viên được sát hạch về khả năng và tinh thần để mang cấp hiệu và tiếp tục huấn luyện ở trình độ cao hơn, đóng vai trò chỉ huy một Toán, một Liên Toán, hoặc tổ chức một trại hay công tác. Đoàn viên nếu tiếp tục sinh hoạt sẽ trở thành một thanh niên có khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm chuyên môn để phục vụ xứ sở.

Tổ chức:

Phong Trào Du Ca Việt Nam được tổ chức chặt chẽ từ đơn vị căn bản là Toán, nhiều Toán hợp thành Liên Toán hoặc Đoàn.

Tại trung ương có Ban Chấp Hành Trung Ương điều hành tổng quát và Xưởng Du Ca nghiên cứu, huấn luyện tổ chức phát triển và cung cấp tài liệu huấn luyện cho mỗi nơi.

HUY HIỆU & LUẬT

Hình thức: Huy hiệu Du Ca biểu thị một “cây Văn” (văn hóa) gồm có 7 rễ, 5 cành, và 5 trái.

  • Bảy rễ: Tượng trưng cho nền móng Du Ca được đặt trên 7 điểm căn bản: Lý tưởng, tổ chức, lãnh đạo, sinh hoạt, kỹ thuật, sáng tạo, kinh nghiệm.
  • Năm cành: Tượng trưng cho 5 điều luật Du Ca:
    1. Du Ca Viên tích cực và kỷ luật trong nhiệm vụ.
    2. Du Ca Viên bền bỉ và can đảm trước mọi khó khăn.
    3. Du Ca Viên kiên tâm học hỏi và thực thi những điều lợi ích.
    4. Du Ca Viên tự tin và gây tin tưởng cho mọi người.
    5. Du Ca Viên thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
  • Năm trái: Tượng trưng cho 5 kết quả mà Du Ca Viên tạo được:
    1. Tinh thần cộng đồng.
    2. Tinh thần nghệ thuật.
    3. Tinh thần dân tộc.
    4. Tinh thần tiến bộ.
    5. Tinh thần nhân ái.

Màu sắc:
– Nền màu trắng: Tinh khiết phục vụ.
– Cây Văn màu xanh đậm: Trẻ trung và bền bỉ.
– Trái màu đỏ: Can trường và thành công.

Huy hiệu Du Ca cũ áp dụng từ 1966-1967: Khổ 150x300mm bằng kim loại, biểu tượng mầm “cây Văn”, dạng tựa như cây đàn tỳ bà với đường cong hình chữ S tượng trưng hình thể bản đồ Việt Nam.

— — — ooOoo — — —

ĐỒNG PHỤC

Đồng phục của Phong Trào Du Ca Việt Nam được biểu quyết chấp thuận trong Đại Hội Du Ca toàn quốc nhóm họp lần thứ 2 tại Sài Gòn.

Nam:
Áo sơ mi ngắn tay màu xanh da trời; quần tây dài màu xanh đậm hoặc đen (mặc vạt áo bỏ trong quần).

Áo có hai cầu vai và hai túi áo có nắp trên ngực. Túi áo trái may huy hiệu, phía trên thêu băng chữ “Phong Trào Du Ca Việt Nam”. Trên túi áo phải thêu tên. Trên tay áo phải thêu tên Đoàn hay Toán.

Nữ:
Áo sơ mi ngắn tay màu xanh da trời; quần ta màu đen (mặc vạt áo bỏ ngoài quần).

Áo có hai cầu vai và hai túi áo có nắp trên ngực, Túi áo trái may huy hiệu, phía trên thêu băng chữ “Phong Trào Du Ca Việt Nam”. Trên túi áo phải thêu tên. Trên tay áo phải thêu tên Đoàn hay Toán.

Ngoài ra để thích nghi với thời tiết địa phương, áo đồng phục Du Ca có thể may dài tay nhưng phải được đồng nhất. Và để phù hợp với từng địa phương trong những buổi làm công tác xã hội, thăm viếng, sinh hoạt hay trình diễn… Phong trào Du Ca còn cho phép đoàn công tác có thể mặc sắc phục địa phương đó, nhưng vẫn phải được tôn trọng đồng nhất. (ví dụ bộ bà ba Việt Nam màu nâu hay đen…).

ĐOÀN CA

Đoàn Ca của Phong Trào Du Ca Việt Nam được Đại Hội Du Ca toàn quốc nhóm họp lần thứ nhất tại Sài Gòn quyết định là nhạc phẩm “Đoàn Ta Ra Đi ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.

— — — ooOoo — — —

PHỤ LỤC THAM KHẢO

7 NỀN MÓNG DU CA

(Nguyên văn tài liệu của Duca Việt Nam)

Biểu hiệu Phong Trào là cây Văn 7 rễ tượng trưng cho nền móng của Phong Trào Du Ca Việt Nam.

Lý tưởng:

Lý tưởng của phong trào là phục vụ một xã hội sống tốt đẹp với một tâm thức mới. Vì lý tưởng đó, mà Phong Trào Duca đẩy mạnh các công tác phục vụ văn hóa, để xây dựng tâm hồn cho người tham dự. Lý tưởng càng được nuôi sống mãi, vì xã hội sẽ còn nhiều biến đổi và mỗi thời biến đổi làm cho nhiều sự việc cho những ý nghĩa khác. Người Duca có lý tưởng làm cho ý nghĩa đó được trọn vẹn tốt đẹp. Tỷ như mỗi thời đại người ta nghĩ về con người mỗi khác, và Duca làm cho con người đó có một giá trị sáng chói lâu dài… Lý tưởng là phần Duca Viên phải giữ lấy bên mình để hướng dẫn mọi hoạt động của mình hầu đánh giá sâu công việc, xem có theo đúng lý tưởng hay không. Lý tưởng Duca không có gì xa vời, nhưng vô cùng, vô tận, làm cho công tác Duca sống mãi với thời gian.

Tổ chức:

Phong trào muốn hoạt động đúng tôn chỉ của mình, dựa trên nguyên tắc cộng đồng, và muốn cho ngay chính cộng đồng tồn tại phát triển, cần phải có tổ chức. Sự vô tổ chức là giai đoạn ấu thời của nhân loại đã đi qua từ lâu và chúng ta muốn phục vụ hữu hiệu, phải tôn trọng mọi nguyên tắc tổ chức. Tổ chức đòi hỏi một cố gắng, quên mình, phải dẹp bỏ mọi riêng tư hẹp hòi, tự do cá nhân để cho cộng đồng được sống còn và đủ sức làm việc. Mỗi đơn vị Duca được tổ chức tôn tri trật tự là để giúp cho đơn vị thực hiện được đường lối và lý tưởng Duca, không phải là cơ hội cho một cá nhân bất mãn hay tự mãn. Tổ chức là một nhu cầu tối cần thiết. Thiếu tổ chức, phong trào chỉ xây dựng những kết quả hời hợt như xây lâu đài trên cát.

Lãnh đạo:

Nếu có tổ chức mà không có người lãnh đạo thì coi như xe không có tài xế. Lãnh đạo được coi là nền tảng của phong trào để ghi nhận vai trò lớn lao của người trưởng đơn vị và cũng là để nhắc nhở người lãnh đạo phải nhớ đến trách nhiệm quan yếu của mình đối với phong trào. Không người lãnh đạo không thể thực hiện được lý tưởng Duca, nhưng một người lãnh đạo kém cũng như xấu cũng làm phong trào chịu một kết quả tương tự. Phong trào vững khi lãnh đạo xứng đáng, vững vàng và làm tròn vẹn vai trò mà phong trào đã giao phó.

Sinh hoạt:

Sinh hoạt là phương thức duy nhất để Duca vững mạnh và phát triển. Sinh hoạt quyết định vận mạng đơn vị. Sinh hoạt là tâm niệm của mỗi Duca Viên vì Phong Trào Duca không phải là một lớp học thụ động. Trong cộng đồng, sinh hoạt còn nói lên hào khí quyết liệt của đơn vị đi đến lý thuyết đời đời. Một lần nữa, Duca không được tạo nên và chấp nhận chỉ để ẩn mình như một con tu hú, và mỗi Duca Viên có những chứng tỏ sự thành công của mình hay không cũng bằng cách sinh hoạt mà thôi. Phong Trào đặt mỗi giá trị của mình đối với xã hội ở phần sinh hoạt này.

Kỹ thuật:

Làm công tác văn hóa phục vụ xã hội ngày nay đòi hỏi phải có kỹ thuật. Kỹ thuật là phần căn bản để học tập chuyên môn. Kỹ thuật ngày càng quan trọng và ngày càng ảnh hưởng đến các hoạt động của giới trẻ. Kỹ thuật là phần xác của nghệ thuật mà Phong Trào nhắc nhở mỗi đơn vị phải kiên trì học hỏi để nắm cho vững trước khi sinh hoạt cộng đồng. Ðứng trước đà tiến bộ ngày càng nhanh, những ai không có kỹ thuật không thể chinh phục người khác. Nếu một đơn vị Duca không có kỹ thuật làm sao có thể truyền đạt được tâm thức Duca cho người khác?

Sáng tạo:

Phục vụ xã hội là phục vụ một cái gì luôn luôn biến đổi. Do đó những gì đem ra xử dụng phải linh động đúng mức. Muốn được vậy, phải có óc sáng tạo, phải luôn luôn làm mới tất cả những gì đang có thể đáp ứng với thay đổi của đám đông. Sáng tạo là phần hồn của kỹ thuật, cho nên kỹ thuật và sáng tạo sẽ giúp cho Phong Trào đến với mọi người trong xã hội. Sáng tạo là một sự tìm kiếm đầy cố gắng để thể hiện tiềm lực Duca vì không có gì tồn tại trong đám đông muôn người. Phải sáng tạo để làm cho giá trị tinh thần của phong trào trở nên phong phú và ngày càng hữu hiệu.

Kinh nghiệm:

Kinh nghiệm là một kho quý báu. Kinh nghiệm Duca lại càng quý báu hơn nữa, vì nó là những môn không thể tìm thấy ở bất cứ một trường hợp nào. Cũng phải biết thu thập những kinh nghiệm để lưu truyền cho người đi sau rút kinh nghiệm. Cũng là cách rút ngắn thời gian học tập mà kẻ khôn ngoan cũng học tập xử dụng. Qua bao năm sinh hoạt, kinh nghiệm Duca cần phải đem ra cân nhắc, học hỏi để đơn vị đi đến hoàn toàn, để Phong Trào mau hoàn thành lý tưởng Duca.

Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang trong một buổi “du ca” tại Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức.

PHONG TRÀO DU CA VIỆT NAM HIỆN NAY

Hiện nay, Phong trào Du Ca trong quốc nội hầu như không còn thấy các hoạt động cộng đồng công khai, ngoại trừ một hậu thân có tên là “Dòng Nhạc Du Ca” trên internet (vẫn sử dụng logo là huy hiệu Phong trào Du Ca Việt Nam trước đây), chủ trương sưu tập và tái phát hành các nhạc phẩm Du Ca cũ trước năm 1975, đồng thời tiếp nhận và giới thiệu các ca khúc “mới”. Riêng ở hải ngoại tuy ít hơn xưa nhưng vẫn còn hoạt động, ví dụ như các Toán: Du Ca Về Nguồn Toronto Canada, Du Ca Đồng Vọng Canada, Du Ca Hamilton Canada, Du Ca Úc Châu, Du Ca Mùa Xuân Nam Cali, Du Ca San José Bắc Cali, Du Ca Hòa Lan, Du Ca Paris, Du Ca Paloma…

QUANG MAI sưu tập.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.