Hướng Dẫn Đọc Tam Tạng Kinh Điển
Tác giả: GS. U KO LAY
Yangon, Miến Điện
Phật lịch 2546 – Dương lịch 2003 – Miến lịch 1365
Nguyên tác: Guide to Tipitaka
Việt dịch: Tỳ-khưu-ni Huyền Châu
— — — oOo — — —
Chương IX
THẾ NÀO LÀ TẠNG THẮNG PHÁP?
CHÚ THÍCH của THƯ VIỆN GĐPT: Trong bản Việt dịch của Tỳ-khưu-ni Huyền Châu đang lưu hành hiện nay hầu hết đều thiếu Chương IX: Về Tạng Thắng Pháp (mà chúng tôi không rõ nguyên do); may mắn thay, Thư Viện GĐPT đã tìm được một bản đầy đủ, được Bình Anson dịch bổ sung chương này vào và ghi đề tựa chương IX là: Thế Nào Là Tạng Thắng Pháp? (có lẽ để tương đồng tên chương với 2 chương I và III).
—=oOo=—
a) THẮNG PHÁP – GIÁO LÝ CAO CẤP CỦA ĐỨC PHẬT
Thắng Pháp (Abhidhamma, A-tỳ-đàm, Vi Diệu Pháp) là tạng thứ ba của Tam Tạng. Đây là một bộ sưu tập đồ sộ với các giáo lý của Đức Phật, được sắp xếp một cách có hệ thống, được lập bảng và phân loại, đại diện cho tinh hoa của Giáo Pháp của Ngài. Abhidhamma có nghĩa là giảng dạy cao hơn hoặc giảng dạy đặc biệt; đặc biệt trong tính chất trừu tượng, cách tiếp cận phân tích, phạm vi rộng lớn và thuận lợi cho sự giải thoát.
Phật Pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Nhưng trong các bài giảng của tạng Kinh, Đức Phật giảng dạy tùy mức độ trí tuệ của thính giả và thành tựu của họ trong các ba-la-mật. Do đó, Ngài giảng Pháp bằng các từ ngữ thông thường (vohāra vacana), nói về người và vật như tôi, chúng ta, anh ấy, chị ấy, đàn ông, đàn bà, con bò, cây cỏ, v.v… Nhưng trong Thắng Pháp, Đức Phật không dùng những từ đó; Ngài giảng Pháp với các thuật ngữ về thực tại tối hậu (paramattha sacca, chân đế). Ngài phân tích mọi hiện tượng qua các thành phần tối hậu. Tất cả các khái niệm tương đối như con người, núi non, v.v… được thu về các thành phần tối hậu rồi sau đó được định nghĩa chính xác, phân loại và sắp xếp một cách có hệ thống.
Do đó, trong Thắng Pháp, mọi thứ đều được thể hiện dưới dạng khandhas, năm uẩn của sự hiện hữu; āyatanas, năm cơ quan cảm giác và tâm (căn, xứ), và các đối tượng cảm giác tương ứng của chúng (cảnh, trần); dhātu, các yếu tố (giới); indriya, quyền (lực); sacca, sự thật cơ bản (đế); v.v…
Các đối tượng khái niệm tương đối như đàn ông, đàn bà, v.v .. được giải quyết thành các thành phần cuối cùng của khandhas, āyatanas, v.v… và được xem như một hiện tượng tâm vật lý, được quy định bởi nhiều yếu tố khác nhau và có tính vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).
Khi giải quyết tất cả các hiện tượng thành các thành phần tối hậu một cách phân tích (như trong bộ Pháp Tụ – Dhammasaṅganī, và bộ Phân tích – Vibhaṅga), Thắng Pháp tổng hợp lại bằng cách xác định các mối quan hệ liên kết (paccaya, duyên hệ) giữa các yếu tố cấu thành khác nhau (như trong bộ Vị Trí – Paṭṭhāna). Do đó, Thắng Pháp tạo thành một công trình đồ sộ về các kiến thức liên quan đến các thực tại tối hậu, trong phạm vi rộng lớn, vĩ đại, tinh tế và sâu sắc của nó, trong lĩnh vực trí tuệ của Đức Phật.
(b) BẢY BỘ THẮNG PHÁP
Tạng Kinh cũng có các bài giảng liên quan đến các thảo luận phân tích và duyên hệ của năm uẩn. Khi có nhu cầu, chủ đề như uẩn, xứ, giới,… cũng được đề cập đến trong các bài kinh. Nhưng chúng chỉ được giải thích ngắn gọn bằng phương pháp phân tích của kinh (suttanta bhājanīya), đơn thuần đưa ra các định nghĩa với giải thích ngắn gọn. Thí dụ như về năm uẩn (khandhas) chỉ được liệt kê như là sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Đôi khi chúng được mô tả chi tiết hơn một chút, chẳng hạn như sắc uẩn có thể định nghĩa thêm là thuộc về quá khứ, hiện tại, hay tương lai; sắc uẩn ở bên trong hay bên ngoài, thô hay tế, cao thượng hay thấp kém, xa hay gần. Phương pháp phân tích của kinh thông thường không tiến xa hơn nữa. Nhưng cách tiếp cận của Thắng Pháp kỹ lưỡng hơn, thâm nhập hơn, phá vỡ từng thành phần danh hoặc sắc thành đơn vị tối hậu, vi tế nhất. Ví dụ, sắc uẩn (rūpakkhandha), được phân tích thành hai mươi tám thành phần (dhammas, pháp); thọ uẩn (vedanākkhandha) thành năm pháp; tưởng uẩn (saññākkhandha) thành sáu pháp; hành uẩn (sankhārakkhandha) thành năm mươi pháp; và thức uẩn (viññānakkhandha) thành tám mươi chín pháp. Sau đó, mỗi pháp được mô tả tỉ mỉ với các thuộc tính và phẩm chất và vị trí của nó trong hệ thống phân loại được sắp xếp và định nghĩa rõ ràng.
Một mô tả đầy đủ về mọi thứ cũng đòi hỏi có một định nghĩa rõ ràng về sự liên hệ tương quan giữa các thành phần. Do đó, điều này đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, để nghiên cứu mối tương quan giữa các phần tử cấu thành và cách thức chúng có liên quan đến các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài khác.
Do đó, Thắng Pháp bao trùm một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn, bao gồm các phương pháp điều tra phân tích và tổng hợp, mô tả và xác định từng phần tử cấu thành của các uẩn, phân loại chúng theo từng nhóm, theo từng hệ thống được sắp xếp tốt và cuối cùng trình bày các điều kiện mà chúng liên quan lẫn nhau. Một phạm vi lớn của nỗ lực tri thức như thế cần phải được bao gồm trong một công trình biên soạn phân loại đồ sộ. Do đó, tạng Thắng Pháp được tạo thành từ bảy bộ chuyên luận lớn, cụ thể là:
1) Pháp Tụ (Dhammasaṅganī), chứa liệt kê chi tiết tất cả các hiện tượng với phân tích vể tâm (citta) và tâm sở (cetasikas);
2) Phân Tích (Vibhaṅga), bao gồm mười tám phần riêng biệt để phân tích các hiện tượng khá khác biệt với các phần của bộ Pháp Tụ;
3) Chất Ngữ (Dhātukathā), một chuyên luận nhỏ được viết dưới dạng giáo lý, thảo luận về tất cả các hiện tượng tồn tại với tham chiếu đến ba loại, uẩn (khandha), xứ (yatana) và giới (dhātu);
4) Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), một chuyên luận nhỏ đưa ra mô tả về nhiều loại cá nhân khác nhau tùy theo giai đoạn thành tựu của họ trên Con Đường tu tập;
5) Ngữ Tông (Kathāvatthu), do Trưởng lão Moggaliputta biên soạn. Ngài là vị chủ trì Hội nghị Kết tập III (trong thời vua A-dục). Trong bộ này, Ngài thảo luận và bác bỏ giáo thuyết của các trường phái khác để thanh lọc các điểm tranh cãi về Phật Pháp.
6) Song Đối (Yamaka), được xem là một chuyên luận về logic ứng dụng trong đó quy trình phân tích được sắp xếp theo từng cặp đôi;
7) Vị Trí (Paṭṭhāna), một chuyên luận đò sộ cùng với bộ Pháp Tụ, bộ đầu tiên, tạo thành tinh hoa của tạng Thắng Pháp. Đây là một nghiên cứu chi tiết tỉ mỉ về học thuyết duyên hệ, dựa trên hai mươi bốn điều kiện hoặc duyên hệ (paccayas).
(c) Chân đế (Sammuti Sacca) và Tục đế (Paramattha Sacca)
Có hai loại Chân lý (sacca, đế) được công nhận trong Thắng Pháp, theo đó chỉ có bốn loại sự vật là tâm, tâm sở, sắc và Niết-bàn được xếp vào loại Chân lý Tối hậu (Chân đế); tất cả phần còn lại được coi là Chân lý Biểu kiến (Tục đế). Khi chúng ta sử dụng các biểu thức như ‘tôi’, ‘bạn’, ‘đàn ông’, ‘phụ nữ’, ‘người’, ‘cá nhân’, chúng ta đang nói về những điều không hiện hữu trong thực tế. Bằng cách sử dụng các biểu thức như thế về những thứ chỉ tồn tại trong chỉ định, chúng ta không nói dối; chúng ta chỉ đơn thuần nói một sự thật biểu kiến, sử dụng ngôn ngữ thông thường trong giao tiếp.
Nhưng theo Chân đế, không có “người”, “cá nhân” hay “tôi” trong thực tế. Chỉ có các uẩn (khandhas) hiện hữu tạo nên thân xác (sắc), tâm trí (tâm) và các thuộc tính (tâm sở). Đây là các cấu tạo thực tế ở chỗ chúng không phải là chỉ định, chúng thực sự hiện hữu trong chúng ta hoặc chung quanh chúng ta.
Bình Anson lược dịch.