Tiểu sử Cố Huynh Trưởng Tâm Dũng NGUYỄN ĐỨC NGA

0

TIỂU SỬ

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP TẤN GĐPTVN

TÂM DŨNG – NGUYỄN ĐỨC NGA
(1940-2004)

— oOo —

Cố Huynh Trưởng Nguyễn Đức Nga, pháp danh Tâm Dũng, Tại Gia Bồ Tát Giới pháp tự Phước Lực, sinh năm 1940 – tức năm Canh Thìn âm lịch – nguyên quán tại làng Hà Thượng, xã Gio Lễ, quận Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

Anh sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Cụ ông thân sinh là Nguyễn Đức Liên và cụ bà là Lê Thị Hường. Anh là con thứ tư trong gia đình gồm 7 anh chị em. Về học vấn và nghề nghiệp, anh tốt nghiệp Tú Tài I rồi theo thụ huấn chuyên môn đào tạo y tế và ra trường về làm Cán Sự Y Tế tại địa phương.

Anh đến với đạo Phật từ rất sớm, thọ Tam Quy – Ngũ Giới với Bổn Sư Thích Lương Bật tại chùa Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Quảng Trị.

Năm 28 tuổi, anh vâng mệnh phụ mẫu kết hôn với chị Trương Thị Hưng, cuộc sống gia đình thanh bạch nhưng êm ấm bình thường như bao gia đình khác. Anh chị có tất cả 6 người con hiện đều đã thành đạt, trong đó có 2 người theo nghề mô phạm, những người con khác là công, tư chức.

Anh bắt đầu đến sinh hoạt với tổ chức Gia Đình Phật Tử khi còn ở lứa tuổi thanh niên, sinh hoạt đầu tiên tại quận Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và tuần tự theo học các khóa huấn luyện Huynh Trưởng GĐPTVN tại Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Trị.

– Năm 1967, anh được thọ cấp Tập, chính thức đứng vào hàng ngũ Huynh Trưởng của GĐPTVN và liên tục giữ các chức vụ khác nhau tại Ban Huynh Trưởng địa phương – GĐPT Hà Thượng, quận Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

– Năm 1970, anh làm hồ sơ xét xếp cấp Tín, nhưng trước đó, từ năm 1969, anh đã được tín nhiệm giao đảm trách chức vụ Đại Diện Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Trị tại quận Gio Linh – kế tục anh Lê Hữu Giáo – cho đến khi chiến sự 1972 ác liệt nổ ra trên vùng đất địa đầu giới tuyến.

– Năm 1972, trong chiến cuộc “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Ban Hướng Dẫn cũng như toàn thể Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT tỉnh Quảng Trị sinh hoạt “lưu vong” với các đơn vị tại Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Tín – đông nhất là tại Đà Nẵng với văn phòng Ban Hướng Dẫn đặt tại đây, song song cùng địa dư với Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Nẵng – anh và những anh chị em Huynh Trưởng khác sinh hoạt với Ban Hướng Dẫn Quảng Trị tại các Trại Tạm Cư.

– Đến năm 1973, khi có cuộc di dân vào miền Nam thì anh đưa gia đình vào Cam Ranh lập nghiệp. Trong môi trường sinh hoạt mới, dù kinh tế gia đình cũng như kinh tế chung của mọi Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT miền Trung vào Nam còn rất nhiều khó khăn, nhưng anh đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và hội nhập với đại gia đình áo lam tại tỉnh Ninh Thuận, tiếp tục đảm nhận những công tác tại các đơn vị GĐPT gồm anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh từ Quảng Trị mới vào hình thành tại Cam Ranh và cùng Ban Hướng Dẫn GĐPT Ninh Thuận.

– Năm 1974, anh được Ban Hướng Dẫn GĐPT Ninh Thuận đề nghị Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN công nhận vào hàng ngũ Huynh Trưởng cấp Tín GĐPTVN, lễ thọ cấp được tổ chức tại Cam Ranh.

– Năm 1982, anh cùng gia đình lại xuôi Nam thêm một lần nữa vào định cư tại xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), vừa làm rẩy, vừa buôn bán nhỏ mưu sinh độ nhật.

– Năm 1983, cũng như những Huynh Trưởng, Đoàn Sinh khác sinh sống rải rác trên địa dư huyện Xuyên Mộc, nhà cửa còn tạm bợ, đời sống còn khó khăn thiếu thốn trăm bề, anh là một trong số những anh chị Huynh Trưởng cốt cán đầu tiên định cư trên miền đất này quy tụ, dấy động phong trào “phục hoạt GĐPT” tại huyện Xuyên Mộc, sáng lập Liên Đoàn Huynh Trưởng A Dục – Lộc Uyển GĐPT Xuyên Mộc, tiền thân của các tên gọi Ban Chấp Hành, rồi Ban Hướng Dẫn, rồi lại Ban Đại Diện GĐPT Xuyên Mộc sau này và cho đến ngày nay.

Trong hoàn cảnh gay go, phức tạp với đầy dẫy những khó khăn, trở ngại lúc bấy giờ, trước và sau khi liên lạc được với Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN – lúc ấy tùy thuận sử dụng danh xưng Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên GĐPTVN – anh đã không ngừng khắc phục hoàn cảnh chung và gia đình riêng, liên tục giữ các trọng trách của Liên Đoàn Huynh Trưởng A Dục – Lộc Uyển GĐPT Xuyên Mộc và các cơ cấu hậu thân của Liên Đoàn này để điều hành sinh hoạt 13 đơn vị GĐPT trong huyện theo chỉ thị của Ban Hướng Dẫn Trung Ương (bao gồm 12 đơn vị do Liên Đoàn mới thành lập và 1 đơn vị tái phục hồi sinh hoạt):

– Năm 1983 đến năm 1990, anh là Liên Đoàn Phó Liên Đoàn Huynh Trưởng A Dục – Lộc Uyển GĐPT Xuyên Mộc.

– Năm 1990 đến năm 1998, anh là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Lâm Thời GĐPT Xuyên Mộc.

– Năm 1998 đến năm 2003, sau khi thành lập Ban Hướng Dẫn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu, anh là Đại Diện Ban Hướng Dẫn tại Huyện Xuyên Mộc. Anh cũng đã được Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN ban hành quyết định công nhận vào hàng Huynh Trưởng cấp Tấn trong năm 1998.

– Từ năm 2003 đến phút lâm chung, anh nhận đảm đương vai trò Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngoài ra anh vẫn gồng gánh trách nhiệm cương vị Liên Đoàn Trưởng Nam GĐPT Khánh Bửu nhiều thời kỳ, từ năm 1983 khi hình thành đơn vị GĐPT đầu tiên của huyện Xuyên Mộc cho đến khi anh đã là Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn. Anh lại còn thường xuyên có mặt cùng anh chị em trong mọi sinh hoạt, lễ lượt, trại mạc và đặc biệc là trong quá trình kiến tạo 13 ngôi Phật tự, hình thành 13 Ban Hộ Trì Tam Bảo, Ban Hộ Tự, Ban Đại Diện Phật Giáo trên phạm vi 13 xã thuộc huyện Xuyên Mộc chỉ trong vòng một năm rưỡi của những ngày tháng gian khó bắt đầu phục hoạt GĐPT và sinh hoạt Phật Giáo địa phương.

Trong quá trình hơn 40 năm sinh hoạt GĐPT, anh luôn nêu cao tinh thần trung kiên với tổ chức nhưng vẫn hết sức kham nhẫn trước mọi chướng duyện nội – ngoại tại, từ gia đình riêng đến xã hội cho đến trong tổ chức, để giữ vững con thuyền lam GĐPT Xuyên Mộc đi đúng quỹ đạo chung của tổ chức GĐPTVN; thực hiện đường hướng lý tưởng đem đạo vào đời, phục vụ tha nhân, đặc biệt là bảo tồn và phát huy diệu dụng bản Nội Quy đã được đề ra từ thuở bình minh của lịch sữ GĐPTVN. Trong hằng trăm công tác Phật sự được tổ chức GĐPT phân công, anh luôn đem hết sức lực, trí lực để hoàn thành; luôn vận dụng trí năng và đãm lược cho sự tồn tại, lớn mạnh của GĐPT Xuyên Mộc, GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng và GĐPT Việt Nam nói chung.

Với sinh hoạt GĐPT, anh Nguyễn Đức Nga là người cương quyết, cứng rắn có tiếng, nhưng trong gia đình riêng anh lại là người chồng, người cha hiền hòa, nhẫn nhục – nhẫn nhục quá đến mức có lúc nhiều người ngộ nhận là nhu nhược; nhưng thực tế anh chị em ăn ở, sinh hoạt với anh đều biết anh là người cương nghị, kiên cường trước mọi chướng duyên, nghịch cảnh theo phong cách của một bậc đại trượng phu “nhu bất tắc nhược”, “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Nhờ thế mà anh đã quy tụ được dưới trướng hằng trăm Huynh Trưởng đàn em trung kiên, bất khuất, không nề gian khổ, không ngại khó khăn, không sợ áp lực trong sinh hoạt của GĐPT huyện Xuyên Mộc từ lúc phôi thai, thời kỳ 1984 đến 1995.

Thế mà những Phật sự còn đang dỡ dang, công việc Ban Hướng Dẫn còn đang bộn bề, con đường thiên lý GĐPT còn ngổn ngang trăm mối với bao chông gai, cạm bẩy thì vô thường đã vội đến đưa cánh chim lam hùng dũng Nguyễn Đức Nga về cỏi Phật!

Sáng ngày 26.9.2004, sau khi tham dự Lễ Kỷ Niệm Chu Niên lần thứ 21 của GĐPT Huyện Xuyên Mộc xong, anh trở về nhà tận dụng chút thời gian giải quyết vài công việc gia đình để kịp dự phiên họp Ban Hướng Dẫn vào buổi chiều thì bất ngờ bị tai nạn giao thông. Tuy vậy, tưởng thương tích nhẹ nên anh vẫn cố gắng đến địa điểm dự họp cùng anh chị em Ban Hướng Dẫn. Lúc 16 giờ 30 phút, thấy trong người hơi mệt, anh xin phép rời cuộc họp sớm. Trước khi ra về anh còn nán lại nhìn mọi người có mặt trong phòng họp rồi vẫy tay cười thân ái nói “Chào tạm biệt! Hẹn gặp lại!” Có ai ngờ đâu rằng đó là lời chào cuối của anh!

Tối hôm ấy (26.9.2004), thấy anh kêu đau, gia đình đưa anh đến khám tại Bệnh Viện Xuyên Mộc, sáng hôm sau thì chuyển lên Bệnh Viện Bà Rịa rồi tiếp tục được chuyển thương lên Bệnh Viện Chợ Rẩy, Sài Gòn; nhưng đến Bệnh Viện Chợ Rẩy thì anh đã trút hơi thở cuối cùng. Anh ra đi lúc ấy là 16g30′ ngày 27.9.2004 – nhằm ngày 14.8.ÂL Giáp Thân – hưởng thọ 65 tuổi.

Anh Tâm Dũng – Nguyễn Đức Nga đã vĩnh viễn ra đi, không còn ở lại với đại gia đình áo lam, để lại trong lòng những người đồng đạo, đồng sự, anh chị em Lam Viên GĐPT niềm tiếc thương vô hạn, nỗi mất mát khôn cùng! Anh ra đi để lại cho gia đình riêng, con cháu nội ngoại, bà con thân thuộc một khoảng trống không bao giờ có thể lấp đầy được!

Giờ đây trước Chơn Linh anh, nhắc lại đôi nét về cuộc đời hoạt động Phật sự của anh để tất cả anh chị em áo lam còn ở lại nhận rõ trách nhiệm của mình, noi gương anh cùng nhau kề vai chia chung gánh nặng sứ mạng còn lại; nắm tay nhau thân ái, lục hòa, đi nốt đoạn đường còn dang dỡ của anh; hoàn thành hạnh nguyện của người Đoàn Viên GĐPTVN, người Huynh Trưởng GĐPTVN: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập; như nhất chúng sanh vị thành Phật; chung bất ư thử thủ nê hoàn”.

Vâng! Kính thưa anh Tâm Dũng – Nguyễn Đức Nga. Nếu còn một chúng sanh mê mờ trong bóng tối vô minh thì người Huynh Trưởng GĐPT còn thấy mình có trách nhiệm với các em Đoàn Sinh, với tha nhân, với chúng sanh, với cuộc đời, với quê hương, với đạo pháp, với tổ quốc, cộng đồng… Anh đã vẫy tay với anh chị em Ban Hướng Dẫn khi rời phòng họp và nói “chào tạm biệt!”. Anh chỉ tạm biệt thôi chứ anh chưa muốn vĩnh biệt nhau phải không anh? Anh sẽ trở về với chúng tôi, với bạn bè đồng sự, với đại gia đình áo lam phải không anh? Anh sẽ còn trở lại cõi Ta Bà đầy nhiểu nhương và uế độ này để hoàn thành sứ mạng còn dang dỡ của người Huynh Trưởng GĐPTVN phải không anh?

Nguyện cầu hồng ân chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng độ trì cho Chơn Linh anh an nhiên tự tại trong vòng tay Tam Bảo. Nguyện cầu chúng ta sớm gặp lại nhau dưới đài Sen Trắng ngay trong cõi đời tục lụy này để góp tay, tiếp sức dựng xây thành tựu nhân gian Tịnh Độ.

NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

Phật lịch 2548 – Trung Thu, rằm tháng 8 Giáp Thân – 28.9.2004

BAN HƯỚNG DẪN GĐPT BÀ RỊA VŨNG TÀU phụng soạn.
TÂM HOÀI chấp bút – QUẢNG MẪN bổ sung, nhuận sắc.

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.