TIỂU SỬ
CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN
TÂM KHUYẾN – NGÔ VĂN MÃO
(1923 – 1993)
——— oOo ———
Huynh Trưởng cấp Dũng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Ngô Văn Nhẫn (húy Mão), Pháp danh Tâm Khuyến, sinh tại Thừa Thiên – Huế vào ngày 17 tháng 6 năm Quý Hợi (1923) trong một gia đình nghèo vốn có truyền thống Phật Giáo lâu đời. Nhờ ảnh hưởng của cha mẹ và hội nhập cơ duyên, anh sớm đến chùa và quy y từ thưở nhỏ. Đúng như Pháp danh mà Bổn Sư truyền giới của anh đã đặt, nên anh Tâm Khuyến đã dành suốt cuộc đời mình đem Đạo khuyến khích cổ súy các em Đoàn Sinh GĐPT trên bước đường tu học.
Do hoàn cảnh cha mẹ khó khăn, anh được cô chú nuôi cho ăn học. Vốn ham học hỏi và cần cù, chăm chỉ, anh đã cố gắng tập trung vào việc học và được xét cấp học bổng sau khi đậu trường Trung học Thuận Hóa. Vì hoàn cảnh không thuận tiện chu cấp đủ cho anh tiếp tục học nên anh đã xin vào học trường Bưu Điện.
Năm 18 tuổi (1940), anh tốt nghiệp vào loại giỏi, ra trường và nhận nhiệm vụ đầu tiên tại Bảo Lộc. Năm 20 tuổi, theo lời khuyên của cha mẹ, anh lập gia đình và vợ chồng anh chung sống đầm ấm cho đến ngày anh từ giả cỏi đời. Anh chị Mão được 4 người con: 3 gái và 1 trai, tất cả đều đã trưởng thành.
Anh Tâm Khuyến vốn thâm nhập truyền thống Phật Giáo ngay từ thuở ấu thơ. Khi đã thành một Phật Tử thuần thành, anh thường tìm về ngủ tại lầu chuông chùa mỗi khi không bận việc đời để tìm an tịnh cho bản thân. Do vậy, Hòa Thượng Mãn Giác thường gọi đùa anh là vị “trụ trì lầu chuông”. Anh thường bộc bạch với Hòa Thượng rằng, mỗi khi được nghe tiếng chuông ngân nga, anh cứ tưởng mình là một vị Sư Nữ trong tiền kiếp. Phải chăng duyên lành thưở trước là tác nhân cho công tác Phật sự mà anh làm miệt mài mà không biết mệt mõi trong kiếp nầy.
Năm 1945, do chiến tranh bùng nổ, anh lại trở về quê nhà tại Huế. Đến năm 1947, sau một thời gian tản cư, anh trở lại Bảo Lộc tham gia sinh hoạt với Đoàn Gia Đình Phật Hóa Phổ, tức tiền thân Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện nay.
Năm 1950, anh tham gia công tác Phật sự và đảm nhiệm chức vụ Thư Ký cho Hội Phật Học Việt Nam tại Bảo Lộc.
Năm 1954, anh phối hợp với Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Lạt mở Trại Huấn Luyện Sơ Cấp đầu tiên tại Bảo Lộc. Và cũng trong năm này, anh được suy cử giữ chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Lạt thay anh Lê Văn Vinh.
Năm 1955, Đại Hội GĐPT Toàn Quốc tổ chức tại Đà Lạt, anh đã vận động mở nhiều Trại Huấn Luyện Sơ Cấp, tổ chức tu Bát Quan Trai Giới và các khóa học Phật Pháp cho Huynh Trưởng.
Năm 1958, anh lấy văn nghệ làm phương tiện đi trình diễn nhiều nơi như Pleiku, Kontum… để vận động và truyền bá, phát triển phong trào GĐPT.
Năm 1959, tại Bà Rá, anh có cơ duyên cổ súy xây chùa Bà Rá (Phước Long) đầu tiên, sau đó, từ năm 1961 đến 1963, vì công vụ anh đổi vào làm việc tại Sài Gòn. Ở đây, anh sinh hoạt trực tiếp với Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt ở Sài Gòn. Đồng thời anh cũng tham gia sinh hoạt với GĐPT Chánh Đạo tại chùa Xá Lợi. Anh nguyên là Phó Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN năm 1961 mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
Đến năm 1964, anh đổi về làm việc tại Nha Trang và tham gia trực tiếp với GĐPT Khánh Hòa, đã được toàn thể Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Khánh Hòa suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn. Cũng trong năm nầy, Đại Hội GĐPT Toàn Quốc tổ chức tại Sài Gòn, anh được bầu vào chức vụ Ủy Viên Tổ Kiểm Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN và đảm nhiệm liên tục chức vụ nầy cho đến cuối đời.
Vào năm 1966, anh Mão đang là Trưởng Ty Bưu Điện Khánh Hòa. Qua biến cố phong trào Phật Giáo đấu tranh đòi quyền tự do tín ngưỡng và bình đẳng với chính quyền Nguyễn Khánh – Trần Văn Hương, anh bị bắt giam và đưa đi Đà Nẳng. Ở đây, anh lại tiếp tục đến với Giáo Hội và GĐPT Đà Nẳng trong thời gian khá lâu.
Năm 1973, anh về lại Nha Trang và sống tại đây liên tục cho đến lúc mãn phần.
Anh thọ cấp Tấn theo quyết định số 083/HDTƯ/QĐ ký ngày 01.11.1970, thâm niên được tính từ ngày 01.01.1964 và thọ cấp Dũng GĐPTVN theo quyết định số: 67/HDTƯ/QĐ ký ngày 02.01.1974, thâm niên được tính ngày 31.12.1973.
Suốt cuộc đời vì Đạo của anh và trong quá trình phục vụ Giáo Hội cũng như tổ chức GĐPT, lúc nào anh cũng nêu cao tinh thần phục vụ vì Đạo pháp, vì Dân tộc và vì tương lai con em của Đạo Hữu.
Anh đã mang trọng bệnh trong nhiều năm và phải trải qua 7 lần giải phẩu với một cơ thể ốm yếu. Lần giải phẩu đầu tiên vào năm 1953 tại Lâm Đồng. Kế đến, năm 1965 tại Nha Trang, rồi năm 1971 tại Phan Thiết và năm 1982 tại Nha Trang. Đến năm 1991, anh phải vào Sài Gòn để chịu giải phẩu lần thứ 5. Những tưởng đến đây là lần mổ sau cùng, nhưng cơn bạo bệnh vẫn đeo đẳng và anh phải chịu lần mổ thứ 6 tại Bệnh Viện Đa Khoa Khánh Hòa vào tháng 7 năm 1992. Và chỉ 4 tháng sau đó, vào đầu năm 1993 thân xác anh lại thêm lần mổ thứ 7 và đây cũng là lần mổ sau cùng, vì cơ thể anh đã đến hồi kiệt lực, suy yếu dần, với những cơn đau luôn dày vò thân xác anh.
“Cái đau, cứ việc nó, nó cứ đau. Việc anh, anh cứ làm” – Anh thường nói thế. Anh dũng cảm vượt qua mọi đau đớn của thân xác, không ngừng nghỉ trong việc tu trì và thực hiện công tác lợi tha. Anh thường thu xếp về chùa Long Sơn và Giác Hải để làm những Phật sự thật khiêm nhường như: quét sân chùa và dành thời giờ tỉnh tu. Ngoài ra, anh còn đích thân đi quyên góp quần áo, giày dép cũ đem về giặt sạch để dành cho người nghèo. Anh còn thường xuyên tổ chức việc thu và sang băng kinh Phật Giáo miễn phí cho anh chị em GĐPT và với những ai đang cần. Đối với tổ chức GĐPT, anh thường dành thời giờ đi thăm và sinh hoạt chung với các đơn vị GĐPT trong thành phố Nha Trang vào mỗi chiều chủ nhật. Anh còn dành thời gian nghiên cứu các tài liệu huấn luyện Huynh trưởng và đảm nhiệm Giảng Viên.
Nếu không vướng phải căn bệnh nan y, có lẽ sự cống hiến của anh Tâm Khuyến Ngô Văn Nhẫn – húy Mão – còn được dài lâu và sâu rộng hơn nữa. Anh thường nhắc nhở các em Đoàn Sinh 4 chữ ở điều luật thứ hai là “Mở rộng lòng thương”. Có mở rộng lòng thương thì mới đem hạnh phúc đến cho mọi người. Cũng thế, anh học và sáng tạo các trò ảo thuật đều nhằm vào mục đích nầy.
Nhưng tiếc thay, duyên nghiệp đã đến, thời điểm mà Huynh Trưởng cấp Dũng GĐPTVN Tâm Khuyến Ngô văn Nhẫn – húy Mão – xả bỏ xác thân ngũ ấm là vào lúc 19 giờ 45’ ngày 22 tháng 9 năm 1993 (nhằm ngày mồng 07 tháng 08 năm Quý Dậu) hưởng thọ 71 tuổi . Cái chết của anh đối với người Phật Tử chỉ là một lần thay đổi xác thân trong chuổi sinh diệt luân hồi và thành – trụ – hoại – không. Đối với tổ chức GĐPT, anh chỉ biết có ba điều:
- Tất cả cho Gia Đình Phật Tử.
- Vì Gia Đình Phật Tử.
- Với Gia Đình Phật Tử.
Tuy nhiên, sự ra đi vĩnh viễn của anh là một điều đáng tiếc, lưu lại cho tất cả mọi người một nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi. Chắn chắn, Huynh Trưởng Tâm Khuyến vẫn còn mãi trong sự trân trọng ghi nhớ của tổ chức GĐPTVN nói chung và toàn thể Huynh Trưởng cũng như Đoàn Sinh GĐPT Khánh Hòa nói riêng.
— oOo —
NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
– Chấp bút: Tâm Kim – BHD/GĐPT Khánh Hòa, Việt Nam.
– Nguồn: GĐPTVN