Tiểu sử Thánh Tử Đạo Diệu Huỳnh NHẤT CHI MAI

 

TIỂU SỬ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

DIỆU HUỲNH – NHẤT CHI MAI

1934 – 1967

SINH VIÊN PHẬT TỬ
ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN PHỤNG SỰ XÃ HỘI

Nữ Phật Tử Phan Thị Mai, tự Nhứt Chi Mai hay Nhất Chi, pháp danh Diệu Huỳnh, sinh ngày 20/2/1934 tại xã Thái Hiệp Thạnh, tổng Hòa Ninh, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (nay là xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Thân phụ là ông Phan Duy Mỹ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Duyệt (Duyên), ngụ tại nhà số 60/59 đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng), Sài Gòn.

Năm 1955, Nhất Chi Mai thi đậu vào trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp sư phạm năm 1956, Mai vừa làm một cô giáo lớp bổ túc hạng tư dạy lớp Nhì A trường tiểu học công lập ở Tân Định, vừa tiếp tục đi học và thi đậu Tú Tài toàn phần, tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1964; tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học của trường Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn năm 1966.

Nhất Chi Mai quy y ở chùa Từ Nghiêm, là một Phật Tử thuần thành, mến đạo yêu đời, rất say mê với giáo lý đạo Phật, tích cực tham gia vào các công tác Phật sự, xã hội. Vừa là sinh viên Văn Khoa của Đại Học Sài Gòn vừa là sinh viên Đại Học Vạn Hạnh, đồng thời tham gia sinh hoạt với tổ chức Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, hằng tuần Nhất Chi Mai đến chùa Dược Sư và chùa Từ Nghiêm dạy giúp cho các Sư Cô về môn thế học.

Lễ Phật Đản 2511 (1967), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lập Lễ Đài Hòa Bình tam cấp (Hưu Chiến, Thương Thuyết và Hòa Bình) tại chùa Ấn Quang, cử hành trọng thể “Tuần Lễ Hòa Bình Cho Việt Nam”. Vì thiết tha với hòa bình, nên Phật Tử Nhất Chi Mai phát nguyện đem thân làm đèn, đốt lên làm lễ khai mạc tuần lễ cầu nguyện hòa bình của Giáo Hội vào lúc 7g30’ sáng ngày mùng 8 tháng 4 Đinh Mùi (nhằm ngày 16/5/1967) tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, Chợ Lớn (thủ đô Sài Gòn) khi Mai mới vừa 33 tuổi. Ánh lửa hào hùng của một Phật Tử yêu nước đã nói lên lòng đau xót cho quê hương với nguyện vọng tha thiết hòa bình.

Trước khi đem thân làm đuốc cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam, Nhất Chi Mai đặt trước mặt hai ngôi tượng, rồi chắp tay quỳ trước mặt tượng Đức Mẹ Maria và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thể hiện cho tình thương trên cõi đời này. Nhất Chi Mai muốn ánh lửa hỏa thiêu nói lên tình thương yêu con người đã biến mất trên quê hương đau khổ này từ một phần tư thế kỷ nay. Sau lưng Nhất Chi Mai có một tấm vải trắng viết mấy hàng chữ đen:

Con chấp tay quỳ xuống
Xin Đức Mẹ Maria
Đức Quan Âm, Phổ Hiền
Cho con tròn đại nguyện.

và:

Xin đem thân làm đuốc
Xin soi sáng u minh
Xin tình người thức tỉnh
Xin Việt Nam Hòa Bình.

(Ký tên):
Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh.

—=oOo=—

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
Chấp bút: Sa Môn Thích Thiện Hoa – 50 năm chấn hưng Phật Giáo Việt Nam (1920-1970).
Sưu tập – Bổ sung – Hiệu chỉnh – Trình bày: Quảng Mẫn.

 

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM:

LỜI TỰ THUẬT SAU CÙNG CỦA NHẤT CHI MAI

Tôi viết tất cả 10 bức thư để lại. Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu. Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra.

Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi chọn là chùa Từ Nghiêm, tôi có ý đến Nhà Thờ Đức Bà hay một nơi công cộng có tính cách lịch sử một chút, mà thôi.

Phía trước mặt tôi đặt hai bức tượng: Đức Mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra. Đức Quán Thế Âm với đôi mắt dịu hiền. Cả hai nhìn tôi và ban ơn cho tôi tròn ước nguyện. Trước mặt và sau lưng tôi có hai biểu ngữ tôi viết:

“Con chắp tay quỳ xuống
Xin Đức Mẹ Maria
Đức Quan Âm, Phổ Hiền
Cho con và ước nguyện.”

và:

“Xin đem thân làm đuốc
Xin soi sáng U Minh
Xin Tình người thức tỉnh
Xin Việt Nam Hòa Bình.”

Cầu xin cho tôi can đảm, bình tĩnh mà ngồi yên trong lửa đỏ.

Tôi sẽ quỳ xuống chấp tay niệm Phật và thầm gọi “Việt Nam”.

Người tự thiêu cầu Hòa Bình
Thích Nữ Nhất Chi Mai tự Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh

—=oOo=—

(QM chú thích): Trước khi biến thành ngọn đuốc cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam, Nhất Chi Mai đã gởi cho Thầy Thích Nhất Hạnh một bức thư riêng (Nhất Chi Mai là một trong sáu người đầu tiên thọ 14 giới Tiếp Hiện với Thầy Nhất Hạnh) và để lại tất cả 10 bức tâm thư và thư dưới đây (click vào liên kết để đọc):

“…Nước mắt bỗng ngừng trôi, khi người đã nguyện dâng
Thân mình làm đuốc hồng, cho đồng lúa trổ bông”…

“‘…Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời
Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai
Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người
Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui…”

(Trích “Một Cành Mai” – Đạo Ca 5 – Ca khúc về Nhất Chi Mai của Cố Nhạc Sĩ Phạm Duy – 1972).

>>> Xem thêm: TIỂU SỬ CHƯ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.