Tiểu sử Cố Huynh Trưởng Tâm Linh PHAN VĂN LÊ

TIỂU SỬ

CỐ HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN

TÂM LINH – PHAN VĂN LÊ
(1938 – 2019)

A/ Về gia thế:

Cố Huynh Trưởng cấp Tấn GĐPTVN Phan Văn Lê pháp danh Tâm Linh, sinh ngày 23 tháng 3 năm 1938 (Mậu Ngọ âm lịch), nguyên quán thôn Đà Sơn, xã Hòa Khánh, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh anh là Cụ Ông Phan Văn Liệu và Cụ Bà Lê Thị Sự. Ông bà cụ thân sinh anh có 5 người con, 3 trai, 2 gái. Anh là con thứ tư.

Anh lập gia đình với chị Hà Thị Cần, nguyên quán Phú Hòa, Thừa Thiên – Huế vào ngày 28 tháng 2 năm 1967 tại xã Hòa Khánh, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Vợ chồng anh chị sinh hạ được 6 người con gồm 3 trai, 2 gái, trong đó có người thứ nam đã xuất gia, pháp danh Thích Trung Tịnh, thọ ngũ giới với Hòa Thượng Thích Minh Tâm và thế phát với Hòa Thượng Thích Quang Đạo.

B/ Về học vấn và nghề nghiệp xã hội:

Đường học vấn của anh gặp nhiều trắc trở, phần vì tuổi tác theo giấy tờ hộ tịch không chính xác so với năm sinh, phần phải thuyên chuyển nhiều trường do hoàn cảnh gia đình. Anh tốt nghiệp kỳ thi bậc tiểu học khá trễ tại Hòa Khánh, Quảng Nam năm 1960, rồi học tiếp trung học đệ nhất cấp và thi đỗ Tú Tài I ban Khoa Học Toán năm 1961 tại Hội Đồng Thi Huế. Các niên khóa 1961-1962 và 1962-1963, anh học trung học đệ nhị cấp tại trường trung học Bán Công Đà Nẵng và thi lấy văn bằng Tú Tài II; sau đó anh theo học khóa Cán Sự Y Tế và trở thành Đoàn Viên Nghiệp Đoàn Y Tế Việt Nam – Phân Bộ Đà Nẵng từ năm 1968 đến năm 1971. Cũng từ năm 1968, anh là giáo viên trường Trung Tiểu Học Bồ Đề Đà Nẵng cho đến năm hòa bình 1975.

Năm 1978, anh đưa gia đình vào Nam lập nghiệp trong cao trào tự túc di cư và chọn vùng đất Bà Tô, lúc bấy giờ là xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai, vẫn còn chưa sầm uất, làm quê hương thứ hai cho đến tận bây giờ.

C/ Về sinh hoạt Gia Đình Phật Tử và hoạt động Phật Giáo:

Vốn sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Phật Giáo, anh được gia đình cho sinh hoạt với tổ chức Gia Đình Phật Tử và được quy y Tam Bảo vào ngày Rằm tháng Tư, Phật lịch 2.502 (DL.1958) tại chùa Thuyền Tôn – Huế với Bổn Sư là Ngài Thích Giác Nhiên, về sau là Đức Đại Lão Hòa Thượng Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, viên tịch năm 1979.

Trong mùa Pháp Nạn 1963, cùng với Tăng Tín Đồ Phật Giáo Đà Nẵng – Huế, với tư cách là một Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử, anh nhiệt thành sát cánh cùng Ban Hướng Dẫn và Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT Trung Phần tham gia vào cuộc vận động đòi hỏi thực thi 5 nguyện vọng của Phật Giáo Đồ cho tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo và bị bạo quyền bắt giam giữ, cho đến ngày cuộc cách mạng 1 tháng 11 năm 1963, kết thúc một giai đoạn bất công của Phật Giáo anh mới được tự do. Bị bắt giam trong thời gian này, anh cùng chung xà-lim cùng Huynh Trưởng Đoàn Đình Điệp (nay là Hòa Thượng Thích Minh Tâm) và Huynh Trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai (nay là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới).

Pháp Nạn 1966 anh cũng lại tiếp tục là một trong những Huynh Trưởng GĐPT đứng chung trong phong trào vận động dân chủ, dân quyền. Vết tích của các mùa Pháp Nạn còn theo anh cho đến ngày anh nhắm mắt lìa đời là vết thương ở khớp đầu gối bị tra tấn trong Pháp Nạn ’63.

• Giới pháp đã thọ trì:

– Trước năm 1975, anh thọ Thập Thiện giới tại chùa Phước Viên, Hòa Khánh, Quảng Nam lần thứ nhất, rồi vào ngày 14 tháng 3 năm Qúy Dậu (4/4/1993) anh lãnh thọ giới pháp Thập Thiện lần thứ hai tại Giới Đàn Thiện Hòa, Đại Tòng Lâm Phật Giáo, do Hòa Thượng Thích Đồng Huy làm Đàn Chủ.

– Anh thọ Tại Gia Bồ-tát giới ngày 8 tháng 12 năm Kỷ Tỵ (4/1/1990) tại Giới Đàn Liên Hoa, chùa Long Hoa, Long Thành, Đồng Nai do Hòa Thượng Thích Tâm Hướng làm Đàn Chủ.

• Trại huấn luyện đã tham dự:

Anh đã tuần tự tham dự các trại huấn luyện Huynh Trưởng từ thấp đến cao tại Đà Nẵng và Miền Vạn Hạnh; tham dự nhưng bị gián đoạn trại huấn luyện Huynh Trưởng Vạn Hạnh II/T.Ư, trại huấn luyện đầu tiên khai mở ở Trại Trường GĐPTVN tại Đà Lạt năm 1974; rồi trong giai đoạn phục hoạt GĐPT, anh tiếp tục tham gia giai đoạn kế tiếp khi Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN (với danh xưng Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên lúc bấy giờ) mở trại Vạn Hạnh II (trong Liên Trại Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang – Vạn Hạnh toàn quốc).

• Cấp bậc đã thọ lãnh:

– Cấp Tập: Anh được Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Đà Nẵng công nhận vào hàng Huynh Trưởng chính thức của tổ chức GĐPTVN thời điểm trước năm 1975.

– Cấp Tín: từ ngày 1/1/1982, được hồi tố thâm niên do quyết định số 95007/ HDTƯ/NV ngày 1/6/1995 của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN.

– Cấp Tấn: từ ngày 1/1/1998 do quyết định số 98003/ HDTƯ/NV/QĐ ngày 1/4/1998 của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN.

• Chức vụ đã đảm nhiệm:

Cho đến ngày 30/4/1975 và đến thời điểm gia đình anh từ Hòa Khánh, Đà Nẵng di cư vào Nam, anh là Ban Viên Phụ Tá Đại Diện Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Nẵng tại Bắc (quận) Hòa Vang.

Sau khi vào Nam, việc ăn ở của gia đình anh cũng như mọi di dân khác còn chưa hoàn toàn ổn thỏa, anh chị em Đoàn Viên GĐPT tại huyện Xuyên Mộc đã manh nha nhen nhóm lại tổ chức mà họ đã chọn làm lý tưởng. Nhân ngày Tết Trung Thu năm Nhâm Tuất (1983) một cuộc họp mặt được quy tụ và Liên Đoàn A Dục – Lộc Uyển GĐPT Xuyên Mộc được sơ khởi hình thành. Anh Tâm Linh Phan Văn Lê được anh chị em Lam Viên hiện diện ủy cử đảm nhiệm vai trò Liên Đoàn Trưởng.

Đến năm 1985, số lượng đơn vị GĐPT phát triển đều khắp địa bàn huyện Xuyên Mộc, theo lệnh Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN (Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên), Liên Đoàn Huynh Trưởng phải chuyển cơ cấu thành Ban Chấp Hành GĐPT Xuyên Mộc để tương ứng với quy định của Nội Quy, anh Phan Văn Lê lại tiếp tục trọng trách Trưởng Ban Chấp Hành GĐPT Xuyên Mộc.

Năm 1990, tuy GĐPT đã phục hoạt được và phát triển mạnh mẽ nhưng tình thế vẫn còn vô vàn trở ngại, danh xưng Ban Chấp Hành vẫn chưa phù hợp cả về đối nội lẫn đối ngoại, Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên đã về chủ tọa một Đại Hội tại chùa Tân Bửu, hình thành Ban Hướng Dẫn GĐPT Xuyên Mộc và anh Tâm Linh Phan Văn Lê lại được Đại Hội công cử vào chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn.

Cũng trong giai kỳ phục hoạt tổ chức này, trong 10 năm liền (từ 1983 đến 1993), khi còn chưa có đủ Chư Tôn Đức Tăng Ni đáp ứng nhu cầu lãnh đạo tinh thần, anh còn sẵn sàng kiêm nhiệm những vị trí Trưởng, Phó Ban Đại Diện Phật Giáo, Ban Hộ Trì Tam Bảo, Ban Hộ Tự… tại địa phương xã và huyện nhà. Ngoài hoạt động Gia Đình Phật Tử, những Phật sự kiến thiết các Niệm Phật Đường, tự viện, từ âm thầm “cải gia thành tự” đến công khai xây dựng; những lần đi hộ niệm, thăm viếng, ủy lạo để gầy dựng mầm Đạo, mầm Lam chẳng mấy khi anh vắng mặt.

Tưởng cũng cần nói thêm, chính trong giai đoạn này, không chỉ cùng anh chị em GĐPT và các đạo hữu Phật Tử trong huyện Xuyên Mộc xây dựng chùa Phước Bửu làm trụ sở lâm thời cho Ban Hướng Dẫn, chính những nhân tố GĐPT này cùng anh đã vận động Huynh Trưởng GĐPT và các đạo hữu Phật Tử xây dựng ngót 13 ngôi Niệm Phật Đường tranh tre nứa lá trên khắp các xã tại huyện Xuyên Mộc để hình thành các ngôi Phật tự chính thức, trang nghiêm, thanh tịnh hiện nay.

– Ngày 6/3/1993, các Ban Hướng Dẫn tùy thuận theo giai đoạn thành lập và hoạt động không còn phù hợp địa dư theo quy định của Nội Quy được giải tán để hình thành cơ cấu Ban Hướng Dẫn tỉnh thống nhất theo địa dư, một Đại Hội Huynh Trưởng được tổ chức tại chùa Bát Nhã (khu vực Đại Tòng Lâm) đã công cử Ban Hướng Dẫn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu nhiệm kỳ 1993-1995, và trong Đại Hội này anh đảm trách phần hành Ủy Viên Nam Phật Tử của tân Ban Hướng Dẫn.

– Liên tiếp 4 nhiệm kỳ 1995-1997, 1997-1999, 1999-2001 và 2001-2003 anh đảm nhiệm cương vị Phó Trưởng Ban Ngành Nam Ban Hướng Dẫn qua các kỳ bầu cử của Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn tỉnh.

– Các nhiệm kỳ tiếp theo từ 2003 đến 2009: Đại Hội Huynh Trưởng đều tín nhiệm công cử anh giữ chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT tỉnh.

– Năm 2007, do yêu cầu thống nhất toàn quốc về nhiệm kỳ Ban Hướng Dẫn các cấp là 4 năm thay vì 2 năm, một Đại Hội quy củ nhất của GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu so với mọi Đại Hội GĐPT sau năm 1975, tổ chức tại hội trường khu du lịch Suối Nước Nóng Bình Châu ngày 9/12/2007, do tuổi già, anh yêu cầu không đề cử anh, nhưng sau đó Đại Hội đã nhất trí đề nghị anh đảm đương trách vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Huynh Trưởng tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2008-2012.

Sau năm 2012, do hoàn cảnh thân bệnh, tình trạng sức khỏe ngày càng kém đi, anh không còn tham gia trực tiếp các chức vụ trong Ban Hướng Dẫn, chỉ còn hiện diện trong những sự kiện lớn của GĐPT trong tỉnh, huyện và tại địa phương trú xứ.

Từ bấy đến nay, anh tuy khắc khoải với đạo pháp, đau đáu với tổ chức, nhưng tuổi đã lớn, sức đã mòn, lực bất tòng tâm, anh đành chịu an dưỡng ở nhà với sự chăm sóc chu đáo của con cái, cháu chắt nội ngoại. Đêm ngủ được thì thôi, sáng ra chỉ hóng hóng chờ trông có một Thầy, Cô; một đạo hữu Phật Tử trong địa phương; một Lam Viên GĐPT trong hay ngoại tỉnh ghé nhà thăm, hoặc trông ngóng những sự kiện của Áo Lam sẽ có các em đến đón.

Thế nhưng vô thường tấn tốc nào ai chống trả được, mấy tháng gần đây tuy người hơi yếu nhưng anh chị em đến thăm anh vẫn còn tỉnh táo, nhớ từng người; lúc một mình anh thường lâm râm niệm Phật, không hề tỏ ra lo sợ ngày rời bỏ cõi hồng trần; mới đây thôi, đêm hôm trước thần thái anh vẫn an nhiên, nhưng vừa thức dậy lúc sáng sớm 29/7/2019 (nhằm ngày 27.6. Kỷ Hợi) anh đã an tường xã báo thân vào hồi 6 giờ 50 phút, hưởng thượng thọ 82 tuổi.

PHAN duyên LÊ trần hay chốn ở – TÂM tịnh LINH minh biết nẻo về. Một đời Sen Trắng ngát hoa, một tình Sen Trắng thiết tha… Thôi thì anh cứ thảnh thơi, an lạc, nương bóng thuyền từ về nơi tịnh cảnh. Sự nghiệp Nhà Lam còn dang dỡ, công việc Vườn Lam còn ngổn ngang, chúng tôi nguyện thay anh gánh vác cùng nhau…

NAM MÔ LẠC BANG GIÁO CHỦ ĐẠI TỪ ĐẠI BI TIẾP DẪN
ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT THÙY TỪ PHÓNG QUANG TIẾP ĐỘ.

oOo

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU: Ban Hướng Dẫn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu.
Quảng MẫnNguyễn Quang Mai chấp bút trong tang lễ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.