Tiểu sử Cư Sỹ Chơn An LÊ VĂN ĐỊNH

TIỂU SỬ

CỐ CƯ SỸ PHẬT GIÁO HỮU CÔNG

CHƠN AN – LÊ VĂN ĐỊNH
(1893 – 1980)

Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học Trung Phần.

oOo

Cư Sỹ Lê Văn Định pháp danh Chơn An, tự Nguyên Tịnh, hiệu Vĩnh Xuyên, sinh ngày 23 tháng 6 năm Quý Tỵ (04-8-1893) tại làng La Qua, hữu ngạn sông Vĩnh Điện, tỉnh Quảng Nam. Cư sỹ là con thứ ba của Tiền Quân Đại Thần Lê Văn Bá (làng Hương Cần, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) và cụ bà nguyên phối Trần Thị Kiều (làng La Qua, tỉnh Quảng Nam). Vì hai người anh của Cư sỹ mất sớm ngay lúc sơ sinh, nên Cư sỹ trở thành vị thừa kế của đại thần Lê Văn Bá.

Năm lên mười, Cư sỹ được thân phụ đưa đến chùa Triều Tôn, tỉnh Phú Yên xin quy y Tam Bảo ngày 15 tháng 10 năm Quý Mão (03-12-1903) do Hòa Thượng Tuệ Hương truyền giới .

Lúc thiếu thời, Cư sỹ có vài năm theo học chương trình Pháp-Việt, nhưng sau đó lại theo học chữ Hán. Cư sỹ lập gia đình năm Tân Hợi (1911). Vị nguyên phối của Cư sỹ là bà Tôn Nữ Thị Xuân, pháp danh Tâm Thứ, sinh năm Quý Tỵ (1893), là con gái thứ tư của Đông Các Đại Học Sĩ Tôn Thất Trạm và bà Tạ Thị Quỳnh.

Cư sỹ đậu tú tài Hán học khoa Ất Mão (1915). Sau khi tốt nghiệp chánh ban trường Hậu Bổ, được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ hành chánh trong chính phủ Nam triều. Năm 1944, được thăng thọ Tuần Vũ tỉnh Quảng Ngãi.

Suốt thời gian dài 25 năm làm quan ở các tỉnh miền Trung, Cư sỹ là người thanh liêm, cương trực, không nhận hối lộ của dân; không tham nhũng; không lạm công quỹ, chỉ mong cầu được nếp sống thanh bạch, ấm no, chẳng bao giờ nghĩ đến làm trái đạo để vinh thân, phì gia.

Vào các năm cuối thập niên 30 và đầu thập niên 40, có nhiều sự việc xảy ra làm thay đổi quan niệm sống của Cư sỹ. Nhờ “tàm”, “quý” trợ duyên và nhờ lòng chí hiếu đối với nghiêm phụ làm tăng thượng duyên, Cư sỹ đã kịp tìm bước quay đầu trở lại hướng về Tam Bảo.

Từ đây, ở trong gia đình, Cư sỹ thật sự mang lại an vui, đầm ấm, hạnh phúc; ở trong Giáo Hội, Cư sỹ trở thành một vị “hộ pháp” trung kiên. Cũng từ đó, Cư sỹ bắt đầu tham khảo kinh sách. Nhờ tinh thông Hán học nên đọc kinh sách Phật rất mau hiểu. Là người học Phật, với sự đam mê cố hữu của mình, Cư sỹ đã biến sự đam mê thế gian thành niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo; dõng mãnh, tinh tấn trên bước đường học đạo.

Cư sỹ đã thỉnh Hòa Thượng Đôn Hậu từ Huế vào Quảng Nam (1941), mời lưu lại trên hai tháng để giảng pháp. Vào những năm 1942-1943, ngay sau khi nhận chức Bố Chánh tỉnh Bình Định. Cư sỹ lại cũng có duyên lành gặp Hòa Thượng Mật Nguyện đang hoằng pháp ở trong tỉnh nên Cư sỹ đã nghe Hòa Thượng giảng Kinh, Luận và cùng được đàm luận về diệu lý nhiệm mầu trong biển cả Phật Pháp. Cũng do Hòa Thượng Mật Nguyện mà Cư sỹ được nhiều dịp diện kiến Quốc Sư Phước Huệ. Mặc dù công việc đa đoan, nhưng Cư sỹ cũng đã thu xếp thời gian về chùa Thập Tháp để thọ pháp.

Để tỏ lòng tôn kính đấng Đại Giác, Cư sỹ đã bỏ nhiều công phu trang trí nơi thờ phụng. Cư sỹ đúc một pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 7 tấc Tây, an vị trên một tòa sen bằng gỗ huỳnh tâm chạm trổ rất tinh vi. Nơi gian nhà thờ Phật có chuông to, mõ lớn; có đủ lư nhang, chân đèn, tràng phan, bảo cái… chẳng khác gì một ngôi chùa nhỏ.

Năm 1945, sau đảo chánh Nhật, Cư sỹ về hưu trí, sống ở quê làng Hương Cần. Thời bấy giờ, kinh tế ngưng trệ, gia đình quá thanh bạch nếu không nói là quá túng thiếu, nên bất đắc dĩ Cư sỹ phải cùng với con cháu quay sang làm ruộng, làm đất khô để nuôi sống gia đình. Cuối năm 1947, Cư sĩ cùng với gia đình dời nhà lên Huế.

Một năm sau (1948), Cư sỹ được Giáo Hội mời làm Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học ở Trung Phần. Ngay sau khi nhận trách nhiệm tại Hội Việt Nam Phật Học, Cư sỹ liền mời Cư sỹ Cao Hữu Đính cộng tác trong chức vụ Tổng Thư Ký của Hội.

Với lòng biết ơn sâu dày đối với đức từ phụ Như Lai, Cư sỹ đã dành nhiều thời giờ để xúc tiến Việt hóa và thống nhất hóa nghi lễ của giới Cư sỹ; soạn thảo nhiều bài sám, bài phát nguyện, bài tụng… kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm như: Phật Đản, Phật xuất gia, Phật thành đạo, Phật nhập Niết-bàn, Vu-Lan v.v… Quen thuộc nhất đối với giới Phật Tử là bài tụng Phát Nguyện và Quy Y.

Đầu năm 1950, Cư sỹ được Giáo Hội mời đứng làm chủ nhiệm để tục bản tờ báo Viên Âm cùng với Hòa Thượng Trí Quang làm chủ bút và Cư sỹ Tôn Thất Tùng làm quản lý.

Năm 1951, Cư sỹ thôi làm Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học Trung Phần, cùng năm đó lại được bầu làm Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Cuối mùa hè năm 1955, Cư sỹ vào Sài Gòn tham dự Đại Hội kỳ II của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại chùa Phước Hòa. Đại Hội đã tái bầu Hòa Thượng Tịnh Khiết làm Hội Chủ, Hòa Thượng Huệ Quang và Cư sỹ Chơn An – Lê Văn Định làm Phó Hội Chủ, Cư sỹ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư Ký.

Năm 1958, Cư sỹ ra Nha Trang thọ Bồ-tát giới tại Đại Giới Đàn Hải Đức do Đại Lão Hòa Thượng Giác Nhiên làm Đàn Đầu. Cư sỹ Chơn An lúc bấy giờ được 66 tuổi, đã dâng lên Ban Chứng Minh Đại Giới Đàn một bài phát nguyện đầy ý thức cảnh giác và phản tỉnh:

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Trót lầm mê đắm đuối hình hài
Đếm đốt đã sáu tuần thêm sáu tuổi
Triều quận trong ngồi rong ruổi
Nợ áo xiêm luồn cúi lấy làm vinh
Bởi căn trần bưng bít tâm linh
Không thấy đạo Bồ-đề cao cả
Vạn pháp duyên sinh đô thị giả
Tốn lai danh lợi hữu hồn vô
Bể trần ái sóng dợn lô nhô
Cảnh phù thế cái vui lồng cái khổ
Thân tập nhiễm không sớm lo tự độ
Đời kiếp nào cho hiển lộ Pháp thân?
Trước đài sen Vô Thượng Năng Nhân
Sụp mình lạy nguyện làm đệ tử:
Giới Bồ-tát con thề trọn giữ
Đời đời noi đại sự độ sanh
Mong cho thế giới an lành.

Cũng vào cuối năm 1958, Cư sỹ Chơn An xin từ chức Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Cư sỹ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền thay thế ở chức vụ này.

Cuối năm 1962, Cư sỹ Chơn An dọn nhà vào Sài gòn. Từ đây, hằng ngày chỉ vui với con cháu, lo vun tưới vài cây cảnh ở mảnh vườn trước nhà. Cư sỹ cũng hay họp mặt với các bạn đạo đàm luận về giáo lý, xướng họa thơ văn.

Vào khoảng năm 1978, Cư sỹ bị bệnh và sức khỏe cũng sút kém cho đến lúc lâm chung tối ngày 5 tháng 11 năm 1980 (28.9 Canh Thân) lúc 17 giờ 25 phút giữa tiếng niệm Phật của con cháu./.

— oOo —

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU: Theo bài soạn của người con là Cư sỹ Tâm Viên LÊ VĂN LÂM.

BÀI ĐỌC THÊM:

CƯ SĨ CHƠN AN

(Trích trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – tập III, chương XXXIII của Nguyễn Lang)

Hội Việt Nam Phật Học, hậu thân của Hội An Nam Phật Học bắt đầu được hoạt động từ năm 1948 và đặt trụ sở tại số 1B đường Nguyễn Hoàng, Huế. Cư sỹ Chơn An – Lê Văn Định được mời làm vị Hội Trưởng đầu tiên của Hội. Những nhân vật hoạt động nhất của Hội đều là những người đã từng hoạt động trong Hội An Nam Phật Học cũ, trong đó có các ông Hưng Luyến Vương và Nguyễn Văn Quỳ.

Cư sỹ Chơn An là một nhà cựu học, đã từng làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết trong chính phủ Nam triều. Ông đã từng được học Phật với Thiền Sư Giác Tiên và Thiền Sư Phước Huệ.

Năm 1948, ông là một nhân sĩ không giữ chức vụ nào trong chính quyền. Ông là người rất thiết tha với vấn đề thống nhất Phật Giáo. Trong thời gian phục vụ tại Hội Việt Nam Phật Học, ông đã xúc tiến mạnh mẽ việc Việt hóa và thống nhất hóa nghi lễ của giới Cư Sỹ. Nhiều bài sám văn, tác bạch và phát nguyện văn trong cuốn Nghi Thức Tụng Niệm của giới Cư Sỹ (được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chuẩn y năm 1964) đã được ông biên soạn. Thiền Sư Thiện Siêu, Giảng Sư của Hội Việt Nam Phật Học và trụ trì chùa Từ Đàm đã giúp ông tận lực trong việc biên soạn những văn kiện nghi lễ này.

Ông thọ Bồ-tát tại gia ở giới đàn Phật Học Viện Nha Trang năm 1958, lúc ông được 78 tuổi. Nhân dịp này ông đã viết bài phát nguyện đầy ý thức cảnh giác và phản tỉnh sau đây:

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Trót lầm mê đắm đuối hình hài
Đếm đốt đã sáu tuần thêm sáu tuổi
Triều quận trong ngoài rong ruổi
Nợ áo xiêm luồn cúi lấy làm vinh
Bởi căn trần bưng bít tâm linh
Không thấy đạo bồ đề cao cả
Vạn pháp duyên sanh đô thị giả
Toán lai danh lợi hữu hoàn vô
Bể trần ai sóng dợn lô nhô
Cảnh phù thế cái vui lồng cái khổ
Thân tập nhiễm không sớm lo tự độ
Đợi kiếp nào cho hiển lộ Pháp thân?
Trước đài sen Vô Thượng Năng Nhân
Sụp mình lạy nguyện làm đệ tử:
Giới Bồ-tát con thề trọn giữ
Đời đời noi sự độ sanh
Mong cho thế giới an lành.

Cư sỹ Chơn An chỉ làm Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Học trong ba niên khóa đầu. Đến năm 1950, Thiền Sư Trí Thủ được bầu làm Hội Trưởng./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.