Tiểu sử Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Sơ Tổ dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi – Việt Nam)

Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi
(Sơ Tổ dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi – Việt Nam)

Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chivinītaruci; 毘 尼 多 流 支 – cũng gọi là Diệt Hỷ / 滅 喜
(? – 594 T.L).

oOo

Ngài người Nam Thiên Trúc (Nam Ấn Độ), dòng Bà-la-môn, tên Vinītaruci. Thuở nhỏ đã có chí khác thường, đi khắp miền Tây Trúc (Tây Ấn Độ) để tham khảo Thiền Tông, nhưng vì cơ duyên chưa gặp, Ngài lại sang Đông Nam.

Sang Trung Quốc nhằm đời Trần Tuyên Đế, niên hiệu Thái Kiến năm thứ sáu (574), vào đến Trường An, gặp thời Chu Vũ Đế phá diệt Phật Pháp, Ngài lại phải qua đất Nghiệp (Hồ Nam).

Lúc ấy, Tổ Tăng Xán đang mang y bát ở ẩn trong núi Tư Không, bỗng nhiên Ngài tìm gặp được Tổ. Thấy cử chỉ phi phàm của Tổ, Ngài phát tâm kính mộ, đến trước vòng tay ba lần, Tổ vẫn ngồi im nhắm mắt không nói. Ngài đứng suy nghĩ giây lát bỗng nhiên tâm có sở đắc, Ngài liền sụp xuống lạy ba lạy, Tổ cũng chỉ gật đầu ba cái. Ngài lùi lại ba bước thưa:

– Đệ tử lâu nay không được an, Hòa Thượng vì lòng đại từ bi, xin cho con theo hầu hạ Ngài.

Tổ bảo:

– Ngươi nên mau qua phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu.

Phác họa: Thiền Sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

Sau khi được tâm ấn nơi Tổ, Ngài từ biệt sang Quảng Châu trụ trì tại chùa Chế Chỉ. Thời gian sáu năm ở đây, Ngài dịch xong bộ kinh “Tượng Đầu Tinh Xá” từ chữ Phạn ra chữ Hán (Phật Thuyết Tượng Đầu Tinh Xá Kinh, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng số 466).

Đến niên hiệu Đại Tường năm thứ hai nhà Chu (580), Ngài sang Việt Nam trụ trì tại chùa Pháp Vân (chùa Pháp Vân cũng gọi là chùa Dâu, tên chữ là chùa Diên Ứng, ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, hiện nay cách Hà Nội khoảng 25km về hướng Đông. Chùa này thời Lý gọi là chùa Cổ Châu (làng Cổ Châu, huyện Siêu Loại); đời Trần gọi là chùa Thiền Định hay chùa Siêu Loại; đời Hậu Lê gọi là chùa Diên Ứng.) Nơi đây, Ngài dịch xong bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì (Phật Thuyết Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì Kinh, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng số 275).

Một hôm, Ngài gọi đệ tử nhập thất là Pháp Hiền bảo:

– Tâm ấn của Chư Phật, không có lừa dối; tròn đồng thái hư; không thiếu không dư; không đi không lại; không được không mất; chẳng một chẳng khác; chẳng thường chẳng đoạn; vốn không có chỗ sanh, cũng không có chỗ diệt; cũng chẳng xa lìa, mà chẳng phải chẳng xa lìa. Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi. Bởi thế, Chư Phật trong ba đời cũng như thế; nhiều đời Tổ Sư cũng do như thế mà được; ta cũng do như thế được; ngươi cũng do như thế được; cho đến hữu tình vô tình cũng do như thế được. Tổ Tăng Xán khi ấn chứng tâm này cho ta, bảo ta “mau về phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu.” Đã trải qua nhiều nơi, nay đến đây gặp được ngươi quả là phù hợp với lời huyền ký. Vậy ngươi khéo giữ gìn, giờ đi của ta đã đến.

Nói xong, Ngài chấp tay thị tịch. Pháp Hiền làm lễ hỏa táng, lượm Xá-lợi năm sắc xây tháp cúng dường. Năm ấy nhằm niên hiệu Khai Hoàng thứ mười bốn nhà Tùy (594).

Về sau, vua Lý Thái Tông (1028-1054) có làm bài kệ truy tán phong tặng Ngài:

Sáng tự Nam lai quốc
Văn quân cửu tập thiền
Ứng khai chư Phật tính
Viễn hợp nhất tâm nguyên
Hạo hạo Lăng-già nguyệt
Phân phân Bát-nhã liên
Hà thời hạnh tương kiến
Tương dữ thoại trùng huyền.

Dịch:

Mở lối nước Nam đến
Nghe Ngài giỏi tập thiền
Hiện bày các Phật tánh
Xa hiệp một nguồn tâm
Trăng Lăng-già sáng rỡ
Hoa Bát-nhã ngạt ngào
Bao giờ được gặp mặt
Cùng nhau bàn đạo huyền./.

Tượng Thiền Sư Tì-ni-đa-lưu-chi
thờ tại thượng điện chùa Pháp Vân (chùa Dâu), Bắc Ninh.

oOo

Phần phụ chú:

Nhiều nguồn sử sách cho rằng Ngài là Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam; nhưng cũng có khuynh hướng cho rằng Thiền Sư Khương Tăng Hội mới là người khởi xướng dòng thiền tại Giao Chỉ.

Dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi lấy kinh “Tượng Đầu Tinh Xá” làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát-nhã và tu tập thiền quán. Phái thiền này để lại ảnh hưởng rất lớn trong các vua đời nhà Lý.

Hệ thống truyền thừa của thiền phái này không được lưu lại đầy đủ, sử sách ghi chép lại không rõ, theo một số tài liệu thì truyền được 19 đời, do Ngài là Sơ Tổ và chấm dứt với Thiền Sư Y Sơn (viên tịch năm 1213).

 

BÀI ĐỌC THÊM:

Hành trạng và truyền thừa Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi

(Thư viện điện tử kinh sách Phật Giáo – VNBET)

Theo Thiền Uyển Tập Anh, “Thiền Sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi là dòng Bà La Môn, gốc ở Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa; vào năm Nhâm ngọ (562) niên hiệu Ðại Kiến thứ sáu nhà Trần thì đến Trường An.

Vào năm 574 sau khi Phật Giáo bị Võ Ðế đàn áp, ông đi về đất Nghiệp (Hồ Nam). Hồi đó, Tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa là Tăng Xán đang bị nạn ở đây, ẩn tại núi Tư Không. Khi Tỳ Ni Ða Lưu Chi gặp Tổ Tăng Xán, thấy phong độ phi phàm, liền chắp tay ba lần, Tổ vẫn ngồi yên không nói năng gì. Trong lúc đứng chờ suy tư, tâm bổng mở ra như có chỗ sở đắc, ông liền lạy xuống ba lạy. Tổ cũng chỉ gật đầu ba cái mà thôi. Ông lùi ba bước, thưa rằng:

– Đệ tử từ trước tới nay chưa có cơ hội, xin Hòa Thượng từ bi cho đệ tử được theo hầu bên tả hữu.

Tổ nói:

– Ông mau mau đi về phương Nam tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở lâu tại đây.

Ông liền từ biệt Tổ đi về phương Nam, ở lại chù Chế Chỉ ở Quảng Châu. Ðây là vào khoảng niên hiệu Ðại Ðế thứ sáu. Ông dịch được một số kinh như Tượng Ðầu và Báo Nghiệp Sai Biệt. Ðến tháng ba năm Canh Tý niên hiệu Ðại Tường thứ hai (580), vào đến nước ta, ở tại chùa này (Pháp Vân Tự), lại dịch thêm kinh Tổng Trì.

Thiền Sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi cũng đã được nói tới trong sách Thích Thị Thông Giám của Thích Bản Giác viết năm đời Tống, tương đương với nhà Lý Việt Nam. Tuy nhiên những chi tiết ở đây không được phù hợp hoàn toàn với sách Thiền Uyển. Theo Thích Thị Thông Giám thì năm 582, Tỳ Ni Ða Lưu Chi vào ở lại đất Tùy để dịch kinh. “Tùy Văn Ðế vào năm Nhâm dần (582) triệu Pháp Trí (Người Ấn, tên Phạn ngữ là Dharmajnana) đến kinh đô dịch kinh. Lúc đó lại có Tỳ Ni Ða Lưu Chi, tên Hán tự là Diệt Hỷ, mới qua, vua cũng triệu vào dịch kinh. Tháng hai năm ấy, Diệt Hỷ dịch xong kinh Tượng Ðầu. Tháng ba Pháp Trí dịch xong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt. Tháng bảy Diệt Hỷ lại dịch xong kinh Tổng Trì”.

Như vậy, theo Thích Thị Thông Giám, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt (Thuyền Uyển Tập Anh chép nhầm la Báo Nghiệp Sai Biệt) là do Pháp Trí dịch chứ không phải do Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Ðiều này chắc đúng, bởi kinh Nghiệp Báo Sai Biệt trong Ðại Tạng hiện mang tên Pháp Trí là dịch giả. Cũng theo Thích Thị Thông Giám, Tỳ Ni Ða Lưu Chi đã dịch xong kinh Tổng Trì tại Trung Hoa mà không phải tại Việt Nam như Thuyền Uyển Tập Anh đã nói.

Nếu Thích Thị Thông Giám nói đúng, thì Tỳ Ni Ða Lưu Chi vào Việt Nam sau năm 582. Nhưng ta không chắc gì sách Thích Thị Thông Giám nói về niên đại Tỳ Ni Ða Lưu Chi đúng hơn sách Thuyền Uyển Tập Anh, vì lẽ liên hệ của Tỳ Ni Ða Lưu Chi với sách Thuyền Uyển quan trọng hơn với sách Thích Thị Thông Giám nhiều.

Thiền Sư Thông Biện, theo Thuyền Uyển Tập Anh, đã trích dẫn lời của Pháp Sư Ðàm Thiên nói về Tỳ Ni Ða Lưu Chi: “Nay lại có Pháp Hiền Thượng Sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Ða Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của Tam Tổ, là một vị Bồ-tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc”.

Thông Biện dẫn chứng chuyện của Pháp Sư Ðàm Thiên nhưng không cho biết là chuyện này chép ở sách nào. Như đã nói, chuyện của Pháp Sư Ðàm Thiên trong các tác phẩm như Phật Tổ Thống Kỷ, Thích Thị Thông Giám, v.v… không có đoạn văn nào mà Thông Biện trích dẫn. Các sách Cao Tăng Truyện và Tục Cao Tăng Truyện đều không chép về Ðàm Thiên vì lẽ các sách ấy được viết trước thời đại Ðàm Thiên.

Theo Thiền Uyển Tập Anh, Tỳ Ni Ða Lưu Chi đã nghe lời Tổ Tăng Xán xuống phương Nam hành đạo và do đó đã dịch các kinh Tượng Ðầu và Nghiệp Báo Sai Biệt tại chùa Chế Chi ở Quảng Châu và sau khi tới chùa Pháp Vân ở làng Cổ Châu, Long Biên, mới bắt đầu dịch kinh Tổng Trì. Thiền Uyển Tập Anh nói rõ rằng ông đến chùa Pháp Vân vào tháng ba năm Giáp Dần (594) thì tịch. Thời gian ông lưu trú tại Việt Nam như vậy là 14 năm.

Khi ông qua tới chùa Pháp Vân thì ở đây đã có một vị Thiền Sư Việt Nam tên là Quán Duyên đang dạy thiền học cho đồ chúng. Ông ở lại đây và chọn Thiền Sư Pháp Hiền làm đệ tử. Pháp Hiền từ trước đã có học thiền học với Quán Duyên.

Sau đây là bảng liệt kê 19 thế hệ của Thiền Phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi:

  • Thế hệ 1: Tỳ Ni Ða Lưu Chi (mất 594).
  • Thế hệ 2: Pháp Hiển (mất 624).
  • Thế hệ 3: Huệ Nghiêm, người truyền pháp cho Thanh Biện của thế hệ thứ tư. Huệ Nghiêm là một trong 300 học trò của Pháp Hiển, sống đồng thời với Pháp Ðăng, trước vốn là thầy của Thanh Biện. Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp, còn Pháp Ðăng ở chùa Phổ Quang; có thể Pháp Ðăng cũng là học trò của Pháp Hiển.
  • Thế hệ 4: Thanh Biện (mất 686).
  • Thế hệ 5: một người, khuyết lục.
  • Thế hệ 6: một người khuyết lục.
  • Thế hệ 7: Long Tuyền, chùa Nam Dương.
  • Thế hệ 8: Ðịnh Không (mất 808) và hai người khuyết lục.
  • Thế hệ 9: Thông Biện và hai người khuyết lục, trong số này có thể có Phù Trì chùa Long Thọ, thầy của Pháp Thuận.
  • Thế hệ 10: La Quý An (mất 979), Pháp Thuận (mất 991), Mahamaya (mất 1029) và một người khuyết lục (có thể và Vô Ngại, thầy của Sùng Phạm).
  • Thế hệ 11: Thiền Ông (mất 979), Sùng Phạm (mất 1087) và hai người khuyết lục (có thể là Trí Hiền, giáo sư của Ðạo Hạnh và Pháp Bảo, thầy của Thuần Chân).
  • Thế hệ 12: Vạn Hạnh (mất 1018), Ðinh Tuệ (mất?), Ðạo Hạnh (mất 1112), Trì Bát (mất 1117), Thuần Chân (mất 1101) và hai vị khuyết lục.
  • Thế hệ 13: Huệ Sinh (mất 1063), Thiền Nham (mất 1163), Minh Không (mất 1141), Bản Tịch (mất 1140) và hai người khuyết lục (có thể là Pháp Thông bạn đồng môn của Huệ Sinh và Biện Tài, giáo sư của Khánh Hỷ).
  • Thế hệ 14: Khánh Hỷ (1142) và bốn vị khuyết lục trong đó có thể là Tính Nhãn và Tính Như, hai người bạn đồng môn; và Quảng Phúc, thầy của Giới Không.
  • Thế hệ 15: Giới Không (mất?), Pháp Dung (mất 1174) và một người khuyết lục (có lẽ là Thảo Nhất chùa Tĩnh Lự, thầy của Chân Không).
  • Thế hệ 16: …Trí… (mất?), Chân Không (mất 1100), Ðạo Lâm (mất 1203).
  • Thế hệ 17: Diệu Nhân (mất 1113), Viên Học (mất 1136), Tĩnh Thiền (mất 1193) và một người khuyết danh (có lẽ là Viên Học, người đã chỉ dạy Viên Thông).
  • Thế hệ 18: Viên Thông (mất 1151) và một người khuyết lục (có lẽ là Ðịnh Hương thầy của Y Sơn).
  • Thế hệ 19: Y Sơn (mất 1213) và một người khuyết lục.

Xem biểu đồ truyền thừa các thiền phái Phật Giáo

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.